Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Nguyên liệu tôm cuối năm có thiếu?

Giá tôm tăng trở lại nhưng vẫn không như mong đợi, tình hình thị trường chưa thực sự khả quan đã khiến cho nhiều người nuôi tôm chần chừ vào vụ mới. Tại một số vùng, tiến độ thả nuôi tôm khá chậm.

Khó đạt kế hoạch

Tại Sóc Trăng, vụ tôm nước lợ năm nay được bắt đầu từ ngày 20/1 và theo kế hoạch sẽ kết thúc vào ngày 30/9, nhưng hết tuần đầu tháng 9, toàn tỉnh chỉ mới thả nuôi trên 39.000 ha, đạt 78,4% kế hoạch và bằng 72,8% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, sản lượng tôm năm nay nhiều khả năng vẫn sẽ đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. “Trước đây, thường tỷ lệ giữa diện tích ao nuôi/ao lắng là 7/3 hoặc 6/4, còn hiện tại, tỷ lệ này 3/7, thậm chí chỉ là 2/8. Đây là sự thay đổi mang ý nghĩa tích cực, không chỉ giúp tăng tỷ lệ thành công mà còn tăng năng suất tôm nuôi. Vì vậy, dù diện tích nuôi thực tế có thấp hơn nhưng bù lại sản lượng vẫn tăng”, ông Huỳnh Ngọc Nhã nhấn mạnh.

Khác với Sóc Trăng, 3 tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn trong khu vực ĐBSCL là: Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang đến thời điểm này hầu hết đều đã đạt diện tích thả nuôi theo kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn diện tích nuôi tôm của 3 tỉnh trên là nuôi quảng canh, tôm – lúa, tôm – rừng hay quảng canh cải tiến. Theo dự báo, sản lượng tôm của 3 tỉnh này sẽ tăng so với vụ nuôi năm 2019, nhưng vẫn khó đạt kế hoạch.

Tại Kiên Giang, tính đến hết tháng 8, toàn tỉnh thả gần 128.500 ha tôm nước lợ, đạt 98% kế hoạch và tăng 2,24% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi công nghiệp là 2.940 ha, quảng canh cải tiến gần 28.000 ha, tôm – lúa gần 98.000 ha. Tổng sản tôm nuôi đã thu hoạch của tỉnh ước 66.570 tấn, tăng 12% so cùng kỳ nhưng mới đạt 78,3% kế hoạch. Tương tự, Cà Mau cũng thả nuôi đạt theo kế hoạch, nhưng theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, sản lượng tôm nuôi năm nay dự báo sẽ thấp hơn khoảng 10% so kế hoạch.

Tôm lên giá trở lại

Từ trung tuần tháng 8 đến nay, giá tôm thẻ cỡ lớn đã tăng trở lại, giúp cải thiện đáng kể mức lợi nhuận của người nuôi tôm. Tôm thẻ loại 20 con/kg từ mức 170.000 đồng/kg đã tăng lên mức 180.000 – 185.000 đồng/kg. Loại 30 con/kg đang có giá 145.000 – 148.000 đồng/kg. Loại 40 con/kg giá 122.000 – 125.000 đồng/kg; loại 50 con/kg là 106.000 – 109.000 đồng/kg. Trái ngược với tôm thẻ cỡ lớn, tôm thẻ cỡ 60 con/kg về nhỏ hiện có giá khá thấp. Cụ thể, loại 60 con/kg giá chỉ 94.000 – 97.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá 91.000 đồng/kg và loại 100 con/kg giá chỉ còn 70.000  – 74.000 đồng/kg. Riêng tại Bạc Liêu và Cà Mau, giá thấp hơn 1.000 – 3.000 đồng/kg tùy cỡ. Về nguyên nhân giá tôm thẻ cỡ nhỏ không tăng, các doanh nghiệp cho rằng, chủ yếu là do sức tiêu thụ từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh vì ảnh hưởng dịch COVID-19 và tình trạng thiên tai, bão lũ.

Hiện nay, thời tiết bắt đầu vào giai đoạn cực đoan: mưa bão nhiều, nhiệt độ, độ mặn giảm… cùng với đó là bệnh đốm trắng và nhất là bệnh do vi bảo tử trùng, nên có rất ít người dân dám thả nuôi.

Là doanh ngiệp sở hữu vùng nuôi 150 ha; trong đó có 238 ao nuôi theo quy trình hiện đại, nhưng theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, dù đã xử lý nước rất kỹ nhưng dịch bệnh do vi bào tử trùng vẫn xảy ra tại trại nuôi của Công ty. Với tình hình trên, ông Phục nhận định: “Qua lễ Đôn Ta của người Khmer (tức cuối tháng 9) giá tôm sẽ tăng lại với 2 lý do: Thứ nhất là nguồn cung tôm giảm vì đã vào cuối vụ và áp lực giao hàng của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm cao. Những nhà máy có hợp đồng lớn nhiều khả năng sẽ phát sinh thiếu nguyên liệu”.

Tình hình thiếu nguyên liệu còn được các doanh nghiệp dự báo sẽ kéo dài sang tận những tháng đầu năm 2021; do hiện tại có rất ít diện tích tiếp tục thả tôm và dự báo mùa lạnh năm nay sẽ đến sớm, nền nhiệt độ thấp hơn, việc thả nuôi sớm cũng sẽ rất hạn chế vì rủi ro cao.

An Xuyên – https://thuysanvietnam.com.vn/

“Khát” giống tôm càng xanh toàn đực

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực kết hợp với trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm mang lại hiệu quả cao và bền vững cho người dân xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau nhiều năm qua; tuy nhiên, vấn đề nguồn con giống thả nuôi hiện khá khan hiếm.

Ông Trần Đăng, Chủ tịch HĐQT HTX Ông Đuông cho biết: “Qua 2 năm người dân thả tôm càng xanh toàn đực đánh giá, tôm mau lớn hơn, tỷ lệ tôm đực cao (gần như 100%), nên thương lái thích thu mua hơn, đồng thời giá bán cũng cao hơn tôm càng xanh ngang từ 10.000 – 25.000 đồng/kg. Vì vậy năm nay không chỉ người dân trong HTX mà hộ nuôi bên ngoài cũng đăng ký mua thả tôm toàn đực rất nhiều”.

Trung bình 1 ha thả 15.000 giống tôm càng xanh toàn đực/ha cho thu hoạch từ không dưới 400 kg, hộ cao trên 600 kg. Và giá được thương lái thu mua tại vuông loại 20 con/kg từ 120.000 – 125.000 đồng/kg. Trong khi đó, tôm càng ngang có giá chỉ 100.000 đồng, nhưng không được thương lái chuộng.

Năng suất tôm càng xanh toàn đực vượt trội so với tôm càng xanh ngang có nguồn gốc từ Thái Lan

Ý thức được giá trị mà con tôm càng xanh toàn đực mang lại, hơn 200 nông dân trong ấp Lê Hoàng Thá đã đăng ký cùng HTX Ông Đuông ký hợp đồng mua tôm càng xanh toàn đực tại Bạc Liêu, thuộc chi nhánh Trung tâm Giống thủy sản An Giang (nơi được xem là địa chỉ cung ứng giống tôm càng xanh toàn đực chất lượng nhất hiện nay). Nhưng đến thời điểm gần kết thúc mùa vụ thả tôm càng xanh kết hợp vụ lúa trên đất nuôi tôm mà người dân chưa nhận được con giống.

Ông Trần Đăng chia sẻ thêm: “Mong muốn có được tôm thả ngay đầu vụ, HTX đã ký hợp đồng 3 triệu post và đối ứng trước 100 triệu đồng cho Công ty cung cấp giống từ tháng 4/2020, nhưng hiện tại chỉ nhận được 500.000 post tôm càng xanh toàn đực. Người nuôi không biết chờ đến bao giờ?”.

Anh Đoàn Minh Hiện, Trưởng ấp Lê Hoàng Thá cho biết: “Trong ấp có 286 hộ đều thả tôm càng xanh và số hộ đăng ký tôm càng xanh toàn đực trên 70%, nhưng đến giờ không có tôm để thả. Một số hộ đã tìm giống tôm ngang có nguồn gốc từ Thái Lan để thả nuôi cho kịp mùa vụ”.

Lý giải nguyên nhân về sự khan hiếm nguồn giống tôm càng xanh toàn đực, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau Phạm Minh Dũng cho biết: “Con giống tôm càng xanh toàn đực khan hiếm là do hiện tại nguồn cung tôm bố mẹ, cơ sở sản xuất có giới hạn nên việc sản xuất ra ấu trùng ít. Bên cạnh đó, một phần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động đến việc sản xuất ra ấu trùng để cung cấp cho các vệ tinh gièo, từ đó phân phối cho người dân thả nuôi”.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, nhu cầu tôm càng xanh toàn đực cung ứng cho 200.000 ha nuôi tôm lợ ngọt trong toàn tỉnh với mật độ 1 con/m2 như ngành chuyên môn đang khuyến cáo thì cần khoảng 200 triệu tôm càng xanh giống toàn đực.

Trước việc khan hiếm tôm càng xanh toàn đực và tính chất mùa vụ như hiện nay, một số người dân thực hiện mô hình một vụ lúa với tôm càng xanh đã tìm đến thả nuôi tôm giống càng xanh ngang có nguồn gốc từ Thái Lan như những năm trước đây, với mong muốn vụ mùa kết hợp này tiếp tục cho nguồn thu nhập ổn định.

Hoàng Diệu -https://thuysanvietnam.com.vn/

Các chu trình chuyển hóa vật chất quan trọng trong ao nuôi

ao nuôi tôm cá
Chuyển hóa vật chất quyết định chất lượng nước trong ao nuôi tôm cá.

Các chu trình chuyển hóa vật chất có mối quan hệ mật thiết và đóng vai trò quyết định đến hệ sinh thái ao nuôi tôm cá.

Trong ao nuôi tôm cá, các thành phần sinh vật tồn tại và có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau và có mối liên quan chặt chẽ với môi trường tạo nên một hệ sinh thái của ao nuôi. Chính vì vậy, khi có thành phần trong môi trường ao nuôi bị biến động sẽ ảnh hưởng đến môi trường chung và tác động xấu đến các sinh vật khác.

Tìm hiểu về hệ sinh thái trong ao nuôi tôm mục tiêu là đánh giá mối quan hệ giữa các thành phần sinh vật với nhau và với môi trường trong ao nuôi thâm canh, các yếu tố để duy trì một hệ sinh thái ổn định tạo một môi trường tốt cho sự phát triển của tôm cá.

Chu trình Oxy và Carbon

Nguồn gốc của oxy trong ao nuôi gồm hai nguồn cơ bản là do quang hợp của các thực vật thủy sinh trong ao tạo thành và do sự hoà tan từ khí quyển. CO2 hòa tan trong nước từ các nguồn sau: hô hấp của các thủy sinh vật sống trong ao nuôi thải ra, từ sự phân hủy các chất hữu cơ, hòa tan từ khí quyển và do dịch chuyển cân bằng. Quá trình quang hợp của thực vật thủy sinh trong hệ thống ao nuôi thâm canh có tầm quan trọng rất lớn. Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính đối với nuôi trồng thủy sản và là nguồn thức ăn hữu cơ trong hệ sinh thái, cung cấp cơ bản O2 trong môi trường nước.

Khi cacbon hữu cơ được hình thành thì O2 được giải phóng và một trong những nguyên nhân tiêu thụ O2 lại là sự phân hủy hiếu khí các chất hữu cơ bởi các vi sinh vật. Sự phân hủy xảy ra theo 2 hướng; hướng thứ nhất là tạo thành các mùn bã hữu cơ; hướng thứ hai: là tạo thành các chất vô cơ đơn giản như CO2, hơi nước, muối hoặc các loại khí độc như H2S, NH3 trong điều kiện yếm khí, các loại khí này nếu vượt quá nồng độ cho phép thì sẽ gây ảnh hưởng cho tôm nuôi, thường ở ao nuôi thâm canh sau hơn 1 tháng nuôi thì bắt đầu tích lũy các chất hữu cơ ở đáy và quá trình phân hủy sẽ xảy ra.

Chu trình Nitơ

Nitơ có thể đi vào ao nuôi từ không khí dạng nitơ phân tử (N2), và một số phân tử nitơ có thể được cố định trong chất hữu cơ nhờ tảo lam và vi khuẩn. Nước mưa rơi vào ao có chứa nitrate và vài dạng khác nhau của nitơ có thể đi vào ao qua cấp nước. Nitơ vô cơ có thể được đưa vào trong phân bón, nitơ hữu cơ có trong thức ăn và phân hữu cơ. Nitơ còn có nguồn gốc từ quá trình phân hủy các protein trong vật chất hữu cơ điều kiện bình thường (có O2) và điều kiện yếm khí (không có O2). Trong ao, nitơ trải qua sự biến đổi từ hoạt động sinh học.

Chu trình của nitơ bắt đầu từ quá trình quang hợp và được kết thúc bằng sự phân hủy xác động vật, thực vật thủy sinh. Theo chu trình đó nitơ chuyển hóa từ thể hữu cơ phức tạp thành hợp chất vô cơ đơn giản được gọi là sự hoàn sinh. Nhờ có quá trình hoàn sinh này mà các muối dinh dưỡng được bổ sung liên tục cho ao nuôi. 

Chu trình Photpho

Các nguồn photpho trong ao nuôi: Từ nguồn nước cấp cho ao nuôi, từ thức ăn bổ sung, từ sự phân hủy hợp chất hữu cơ. Nền tảng của liên kết photpho trong môi trường là acid H3PO4, nó tạo thành khoáng chất  với các cation như Ca2+, Al3+, Fe3+… Vòng tuần hoàn của photpho trong ao nuôi có thể tách làm hai phần: photpho trong nước và photpho trong bùn. Photpho có trong nước tự nhiên ở các dạng PO4, H2PO4, HPO42- của acid H3PO4  do có sự phân ly:

H3PO4 H+  + H2PO4

H2PO4 H+   +  HPO42-

HPO4– H+  + PO43-

Chu trình lưu huỳnh

Nguồn lưu huỳnh trong ao nuôi thủy sản từ nước chứa nhiều ion SO42- cung cấp cho ao nuôi và thức ăn bổ sung. Vi sinh vật phân hủy các chất hữu cơ chứa lưu huỳnh và sử dụng một phần của thành phần này để xây dựng tế bào của chúng và vô cơ hóa phần còn lại. Trong môi trường hiếu khí lưu huỳnh bị oxy hóa thành H2S. Dưới những điều kiện yếm khí, vi khuẩn phản sunphate SO42- là chất nhận điện tử và chuyển hóa SO42- thành H2S (quá trình phân giải, khử sunphate hóa). Khí H2S được sinh ra trong quá trình trên là chất độc đối với tôm nuôi trong ao và sự tồn tại của oxy trong nước. 

Cuối cùng, tôm cá sống trong môi trường nước, chỉ một yếu tố trong môi trường nước thay đổi cũng có thể có những tác động tích cực hoặc tiêu cực đến đối tượng sống trong đó. Vì vậy, chất lượng nước đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định đến năng suất và sản lượng của vụ nuôi. Để tăng năng suất, người nuôi phải can thiệp các biện pháp kỹ thuật để có thể duy trì chất lượng nước ổn định và thuận lợi cho động vật thủy sản phát triển trong suốt quá trình nuôi.

Marine

Phú Yên tăng cường triển khai các biện pháp quản lý tôm hùm giống

UBND tỉnh Phú Yên vừa có Văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã có nuôi trồng thủy sản tăng cường triển khai các biện pháp quản lý tôm hùm giống vận chuyển, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Phú Yên tăng cường quản lý tôm hùm giống.

UBND tỉnh Phú Yên vừa có Văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã có nuôi trồng thủy sản tăng cường triển khai các biện pháp quản lý tôm hùm giống vận chuyển, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Công văn UBND tỉnh nêu rõ, những năm qua, cùng với sự gia tăng số lượng lồng, bè nuôi tôm hùm tại các vùng nuôi của tỉnh, nhu cầu con giống ngày càng tăng cao. Do đó, hoạt động kinh doanh tôm hùm giống trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, khó kiểm soát.

Để tăng cường triển khai công tác quản lý tôm hùm giống, nhằm kiểm soát tốt chất lượng con giống và góp phần giảm sự gia tăng số lượng lồng bè nuôi tôm hùm quá mức, không theo quy hoạch, UBND tỉnh yêu cầu UBND thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa và huyện Tuy An rà soát, thống kê danh sách tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh mua bán tôm hùm giống trên địa bàn quản lý; yêu cầu phải đăng ký kinh doanh theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các ngành liên quan hướng dẫn, phổ biến các quy định về quản lý, kinh doanh tôm hùm giống đến các tổ chức, cá nhân liên quan.

Bên cạnh đó, tổ chức, quản lý nuôi tôm hùm của địa phương theo đúng quy hoạch; tuyên truyền nâng cao nhận thức người nuôi tôm hùm, mua con giống phải được kiểm dịch, xét nghiệm bệnh, nuôi đúng theo quy hoạch và chấp hành các quy định về nuôi trồng thủy sản như thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, kê khai nuôi trồng thủy sản khi thả giống… Tích cực thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh tôm hùm giống của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý; kiên quyết xử lý theo đúng quy định đối với các trường hợp vi phạm.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan hướng dẫn, phổ biến các quy định về quản lý, kinh doanh tôm hùm giống đến các tổ chức, cá nhân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tôm hùm giống nhập tỉnh; có giải pháp quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển tôm hùm giống nhập tỉnh chưa được kiểm dịch và vi phạm các quy định về quản lý chất lượng giống. Tổ chức công tác kiểm dịch đối với các lô tôm hùm giống nhập tỉnh theo đúng quy định hiện hành.

Nguồn: Theo Phuyen Portal

Vụ trộm tôm ở Cà Mau: Viện kiểm sát rút hồ sơ

giam giữ
19 người bị khởi tố, bắt giam trong vụ án. Ảnh: CTV

Phiên xử vụ trộm tôm gây bức xúc dư luận ở Cà Mau chưa thể diễn ra như dự kiến do VKS rút hồ sơ để bổ sung chứng cứ.

Bị hại khiếu nại cáo trạng và kết luận điều tra

Anh Lê Duy Châu, bị hại trong vụ án này, đã khiếu nại kết luận điều tra của cơ quan công an và cáo trạng của VKS ở số lượng tôm bị trộm. Theo anh Châu, số tôm nhóm thương lái đã trộm của anh là hơn 5 tấn chứ không phải chỉ 2,6 tấn như kết luận điều tra và cáo trạng đã xác định.

Cơ sở để anh Châu khẳng định số lượng tôm bị mất trộm là các số liệu trong quá trình nuôi như số lượng con giống thả nuôi, thức ăn đã cho tôm ăn… Trong khi đó, cơ quan điều tra và VKS lại dựa trên cơ sở số lượng tôm đã bán của nhóm thương lái tại một công ty thủy sản ở Cà Mau trừ đi số lượng tôm thực mua tại đầm tôm của anh Châu. 

Viện kiểm sát rút hồ sơ để bổ sung chứng cứ

Ngày 28-9, theo thông tin từ các luật sư, TAND huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đã gửi thông báo cho biết chưa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ thương lái trộm hàng tấn tôm như dự kiến.

Theo thông báo của tòa, ngày 24-9, VKSND huyện Đầm Dơi đã có văn bản gửi tòa cùng cấp yêu cầu rút lại hồ sơ vụ án để xem xét bổ sung chứng cứ. Từ đó, TAND huyện Đầm Dơi đã ra quyết định trả hồ sơ cho VKS.

Trước đó, TAND huyện Đầm Dơi đã lên lịch đưa vụ án ra xét xử vào sáng 28-9 tại trung tâm văn hóa huyện đối với 19 bị cáo. Trong 19 bị cáo này, 14 người bị truy tố về tội trộm cắp tài sản, năm người bị truy tố về tội không tố giác tội phạm.

Trong vụ án này, một số bị cáo diện hộ nghèo, cận nghèo được chỉ định luật sư bào chữa. Bị hại là anh Lê Duy Châu (ngụ xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi) được ba luật sư bảo vệ miễn phí.

Như đã phản ánh, tình trạng thương lái bố trí vừa thu mua tôm vừa trộm cắp đã diễn ra nhiều năm qua, gây bức xúc dư luận địa phương.

Ngày 5-5, anh Châu liên hệ với một người ở xã Tạ An Khương để bán tôm. Thông qua người môi giới, Đỗ Tuệ Tánh đã thỏa thuận việc mua tôm.

Ngày 7-5, nhóm thương lái vào đầm tôm siêu thâm canh của anh Lê Duy Châu để thu hoạch và mua tôm thẻ chân trắng. Nhóm này đã bố trí các thùng phuy cập mé ao tôm, cảnh giới người nhà chủ ao, chờ sơ hở trộm cắp hàng tấn tôm của anh Châu. Sau đó, các đồng phạm đã kéo trộm từng giỏ tôm lớn dưới ao lên, để lẫn vào số tôm đã cân, mang ra xe tải chở đi.

Tuy nhiên, hoạt động trộm cắp của nhóm người này đã bị các camera an ninh ghi lại. Phát hiện việc bị mất trộm, anh Châu đã dùng những hình ảnh này tố cáo với cơ quan công an. Sau đó, Công an huyện Đầm Dơi vào cuộc, khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 19 người liên quan.

Đầu tháng 9, VKSND huyện Đầm Dơi ban hành cáo trạng truy tố 19 bị can và chuyển hồ sơ sang tòa cùng cấp để đưa vụ án ra xét xử. Cáo trạng của VKSND huyện Đầm Dơi thể hiện nhóm này đã mua của anh Châu 2,7 tấn tôm nhưng đã trộm của anh Châu thêm 2,6 tấn.

Sau khi vụ án xảy ra, hơn chục nông dân ở các huyện trong tỉnh Cà Mau đã có đơn tố giác cho rằng mình cũng bị thương lái tổ chức trộm tôm tấn như kiểu đã trộm ở đầm tôm của anh Châu.

Trần Vũ Pháp Luật Online

Vaccine trên tôm: Từ vô lý đến hy vọng!

Tôm thẻ.
Vaccine có thể sẽ là giải pháp phòng bệnh trên tôm trong tương lai.

Do không có trí nhớ miễn dịch nên ý tưởng Vaccine trên tôm vẫn được xem là không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu làm được thì vaccine trên tôm sẽ từ ý nghĩ vô lý thành điều đáng hy vọng nhất với ngành tôm.

Hệ thống miễn dịch của giáp xác nói chung và của tôm nói riêng thiếu những yếu tố cần thiết cho đáp ứng miễn dịch đặc hiệu, không có trí nhớ miễn dịch. Do đó, ý tưởng quản lý dịch bệnh trên tôm bằng “vaccine” được coi là không hiệu quả. Tuy nhiên, các nghiên cứu về hệ thống miễn dịch của động vật giáp xác và côn trùng đã chỉ ra rằng một dạng trí nhớ miễn dịch đơn giản vẫn tồn tại, là khả năng miễn dịch thích ứng thay thế ở động vật không xương sống. Đáp ứng miễn dịch này liên quan đến một nhóm phân tử được gọi là Dscam (phân tử kết dính tế bào hội chứng Down), hoạt động như một phân tử nhận biết mầm bệnh đặc hiệu trong hệ thống miễn dịch thích ứng thay thế của động vật không xương sống.

Bệnh Vibriosis trong là mối đe dọa thường xuyên trong nuôi tôm. Việc sử dụng lặp đi lặp lại các loại kháng sinh khác nhau đã hình thành nhiều mầm bệnh kháng thuốc, khiến việc sử dụng kháng sinh không còn hiệu quả trong việc kiểm soát nhiễm trùng do vi khuẩn.

Thử nghiệm sử dụng vaccine trên tôm đối với Vibrio

Một thí nghiệm sử dụng vi khuẩn Vibrio đã bất hoạt để bổ sung vào thức ăn 108 cfu/kg, hai lần một tuần trong 120 ngày. Tôm được cho ăn vi khuẩn có tổng tế báo máu và phản ứng miễn dịch cao hơn đáng kể so với đối chứng. Và tỷ lệ sống (43–50%) ở nhóm sử dụng vi khuẩn Vibrio cao hơn đáng kể so với tôm đối chứng. Kết quả cho thấy rằng việc sử dụng V.anguillarum có thể tạo ra các đáp ứng miễn dịch dịch thể và tế bào chống lại sự lây nhiễm V.harveyi cho tôm nuôi trong ao đất.

Một thử nghiệm khác được thực hiện trên tôm sú với các mật độ khác nhau (thấp, trung bình và cao). Vaccine bất hoạt được sử dụng thông qua việc cho ăn. Viên thức ăn được phủ với các vi khuẩn V.anguillarium đã bị giết bởi formalin và cung cấp trong suốt thời gian nuôi với hai ngày trong một tuần từ khi thả giống đến khi thu hoạch trong khoảng 140 ngày. Người ta nhận thấy tổng tế bào máu và hoạt động của propnoloxidase ở tôm sử dụng vaccine cao hơn đáng kể so với tôm đối chứng. Nhìn chung, nghiên cứu kết luận rằng việc sử dụng vaccine Vibrio qua thức ăn đã cải thiện khả năng miễn dịch và tăng sản lượng trong các ao nuôi tôm.

Tiềm năng sử dụng vaccine chống lại bệnh Vibriosis ở tôm

Vaccine tốt phải an toàn cho tôm và người sử dụng, đồng thời có thể bảo vệ vật chủ chống lại mầm bệnh. Được áp dụng dễ dàng, có hiệu quả ở một số loài tôm, tiết kiệm chi phí và dễ dàng được cấp phép và đăng ký. Vaccine là một chế phẩm sinh học có chứa các kháng nguyên tương tự như mầm bệnh. Kháng nguyên kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết mầm bệnh để hệ thống miễn dịch có thể dễ dàng tiêu diệt mầm bệnh.

Loại vaccine và thời gian bảo vệ

Trong mầm bệnh Vibrio, lipopolysaccharides là thành tế bào của vi khuẩn Gram âm và nó là một trong những phân tử đầu tiên được hệ thống miễn dịch của tôm công nhận là kháng nguyên từ mầm bệnh. Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng lipopolysaccharides từ mầm bệnh đơn lẻ sẽ hiệu quả hơn việc sử dụng toàn bộ mầm bệnh. Nhóm chỉ sử dụng lipopolysaccharides cho thấy tỷ lệ sống của tôm cao hơn (84,4%) so với nhóm sử dụng toàn bộ tế bào bất hoạt (24,4%). Sự đơn giản nhưng cụ thể có lẽ là chìa khóa để tăng cường hệ thống miễn dịch của tôm một cách hiệu quả. 

Người ta tin rằng trí nhớ miễn dịch của tôm chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, do thiếu globulin miễn dịch thực sự. Do đó, phản ứng miễn dịch của tôm cần được tăng cường theo khoảng thời gian và việc sử dụng liên tục thông qua chế độ ăn đã cho thấy hiệu quả.

Dễ dàng quản lý

Việc sử dụng vaccine có thể được thực hiện bằng cách tiêm, ngâm hoặc uống. Mặc dù qua đường tiêm, lượng vaccine hấp thu có thể kiểm soát nhưng việc này tốn nhiều thời gian, đòi hỏi công nhân lành nghề, tốn nhiều công sức và hầu như không thể thực hiện được ở giai đoạn ấu trùng và sau ấu trùng. Cách dễ dàng hơn để cung cấp vaccine cho tôm là ngâm nước hoặc hấp thụ qua đường miệng bằng cách cho ăn. Xét cả hai, việc sử dụng qua đường uống thông qua chế độ ăn được coi là cách thực tế hơn, vì vaccine có thể được trộn dễ dàng với thức ăn. Tiếp xúc một hoặc hai lần một tuần trong suốt thời gian nuôi có thể đảm bảo tăng cường liên tục các thành phần miễn dịch. Một nghiên cứu thực nghiệm, sử dụng vaccine Vibrio thông qua chế độ ăn uống hai ngày một tuần trong 120 ngày của thời gian nuôi. Kết quả cho thấy khả năng sống sót tốt hơn, tăng số lượng tế bào máu và hoạt động diệt khuẩn cao hơn so với đối chứng.

Kết hợp với prebiotics để đạt hiệu quả tối ưu

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng vắc-xin Vibrio với prebiotics sẽ tăng cường phản ứng miễn dịch của tôm hơn là chỉ sử dụng vaccine hoặc prebiotics đơn lẻ. Ở tôm, β-glucan liên quan đến việc tăng cường phản ứng miễn dịch bẩm sinh. Dựa trên một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng vaccine Vibrio với β-glucan đã tăng cường hoạt động diệt khuẩn, phenoloxidase và thực bào và cuối cùng dẫn đến khả năng sống sót tốt hơn. 

Một prebiotic tiềm năng khác cần được xem xét là fucidan, một polysaccharide có nguồn gốc từ vi tảo. Việc sử dụng Fucoidan thông qua chế độ ăn đã được chứng minh là tăng cường phản ứng miễn dịch của tôm, dẫn đến tỷ lệ sống tốt hơn so với việc sử dụng vaccine Vibrio đơn thuần. Do đó, sử dụng Vibrio vaccine cùng với prebiotics nên được xem xét nghiêm túc để tối đa hóa phản ứng của hệ thống miễn dịch của tôm chống lại mầm bệnh. 

Tăng cường khả năng miễn dịch truyền lại cho thế hệ con cháu

Một phát hiện thú vị khác về khả năng miễn dịch của động vật không xương sống như tôm là khả năng truyền cho thế hệ con của nó. “Trans-generational immune priming” (TGIP) được định nghĩa là khả năng miễn dịch được truyền qua trứng từ mẹ sang con và nó đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con cái tránh bị tổn thương ở giai đoạn đầu của cuộc đời. Nếu hiện tượng này có thể được xảy ra ở tôm, nó sẽ rất có lợi cho ngành nuôi tôm vì tôm bố mẹ có thể được tiêm phòng và sau này sẽ tạo ra ấu trùng có sức đề kháng. 

Tiêm phòng cho tôm là một khái niệm lạ lẫm và còn phải nghiên cứu sâu thêm, nhưng không thể phủ nhận tiêm phòng sẽ giúp kiểm soát hoặc giảm thiểu tỷ lệ nhiễm bệnh Vibriosis, rõ ràng là một lựa chọn hợp lý. Tiêm phòng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch để tôm sẵn sàng chống lại mầm bệnh, do đó giảm tỷ lệ mắc bệnh Vibriosis.

Sương Phạm – https://tepbac.com/

Ngành tôm vượt khó

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là lịch thả giống tôm nước lợ năm 2020 khu vực ĐBSCL sẽ kết thúc, nhưng tại một số vùng nuôi tôm trong khu vực, tiến độ thả nuôi gần như chững lại mặc dù gần đây giá tôm đã tăng trở lại

Tại Sóc Trăng, vụ tôm nước lợ năm nay được bắt đầu từ ngày 20/1 và theo kế hoạch sẽ kết thúc vào ngày 30/9, nhưng đến hết tuần đầu tháng 9, toàn tỉnh thả nuôi trên 46.000 ha và theo ông Huỳnh Ngọc Nhã – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, sản lượng tôm năm nay nhiều khả năng vẫn sẽ đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Theo ông Nhã, trước đây, thường tỷ lệ giữa diện tích ao nuôi/ao lắng là 7/3 hoặc 6/4, còn hiện tại, tỷ lệ này 3/7, thậm chí chỉ là 2/8. Đây là sự thay đổi mang ý nghĩa tích cực, khi không chỉ giúp tăng tỷ lệ thành công mà còn tăng năng suất tôm nuôi. Vì vậy, cho dù diện tích nuôi thực tế có thấp hơn nhưng bù lại sản lượng vẫn tăng. Thực tế cũng cho thấy, dù chỉ mới thu hoạch trên 19.000 ha, nhưng sản lượng tôm của Sóc Trăng đã đạt gần 82.000 tấn, trong khi diện tích đang còn tôm của tỉnh gần 18.000 ha, nên khả năng đạt và vượt chỉ tiêu sản lượng tôm năm nay của tỉnh vẫn khá cao.

Với những thay đổi lớn trong nghề nuôi, Sóc Trăng tự tin sẽ đạt và vượt sản lượng tôm nuôi theo kế hoạch – Ảnh: Tích Chu

Từ trung tuần tháng 8 đến nay, giá tôm thẻ cỡ lớn đã tăng trở lại, giúp cải thiện đáng kể mức lợi nhuận của người nuôi tôm. Tôm thẻ loại 20 con/kg từ mức 170.000 đồng/kg hiện tăng lên mức 180.000 – 185.000 đồng/kg. Loại 30 con/kg hiện cũng đang có giá 145.000 – 148.000 đồng/kg. Loại 40 con/kg giá 122.000 – 125.000 đồng/kg; loại 50 con/kg 106.000 – 109.000 đồng/kg. Trái ngược với tôm thẻ cỡ lớn, tôm thẻ cỡ 60 con/kg về nhỏ hiện có giá khá thấp. Cụ thể, loại 60 con/kg giá chỉ 94.000 – 97.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá 91.000 đồng/kg và loại 100 con/kg giá chỉ còn 70.000 – 74.000 đồng/kg. Riêng tại Bạc Liêu và Cà Mau, giá thấp hơn 1.000 – 3.000 đồng/kg tùy kích cỡ.

Giải thích về nguyên nhân vì sao giá tôm thẻ cỡ nhỏ không tăng, các doanh nghiệp cho rằng chủ yếu là do sức tiêu thụ từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh vì ảnh hưởng dịch Covid-19 và tình trạng thiên tai, bão lũ. Một doanh nghiệp cho biết: “Thị trường Trung Quốc chững lại gần như hoàn toàn khi ngoài việc ảnh hưởng dịch Covid-19, họ còn liên tiếp hứng chịu các trận bão, lũ kéo dài từ tháng 6 đến nay, trong khi đây là thị trường tiêu thụ phần lớn tôm thẻ cỡ nhỏ và tôm sú của Việt Nam. Cũng còn một nguyên nhân khác làm giá tôm cỡ nhỏ giảm là do các nhà máy thiếu lao động”.

Trong khi giá tôm cỡ lớn đang tăng thì giá tôm cỡ nhỏ lại giảm khiến người nuôi ngại thả nuôi vụ mới. Ảnh: Tích Chu

Là doanh nghiệp sở hữu vùng nuôi 150 ha, trong đó có 238 ao nuôi theo quy trình hiện đại, nhưng theo ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, dù đã xử lý nước rất kỹ nhưng dịch bệnh do vi bào tử trùng vẫn xảy ra tại trại nuôi của công ty. Với tình hình trên, ông Phục nhận định: “Bước sang đầu tháng 10, nhiều khả năng giá tôm sẽ tăng lại với 2 lý do: thứ nhất là nguồn cung tôm giảm vì đã vào cuối vụ và áp lực giao hàng của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm cao. Những nhà máy có hợp đồng lớn nhiều khả năng sẽ phát sinh thiếu nguyên liệu”. Tình hình thiếu nguyên liệu còn được các doanh nghiệp dự báo sẽ kéo dài sang tận những tháng đầu năm 2021, do hiện tại có rất ít diện tích tiếp tục thả tôm và dự báo thời tiết còn cho thấy mùa lạnh năm nay sẽ đến sớm và nền nhiệt độ thấp hơn, nên việc thả nuôi sớm cũng sẽ rất hạn chế vì rủi ro cao.

Theo Tổng cục Thủy sản, tuy diện tích và sản lượng tôm nước lợ cả nước đến trung tuần tháng 9 đều cao hơn so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch. Cụ thể, diện tích thả tôm cả nước gần 709.000 ha, bằng 102% cùng kỳ và đạt 97,1% kế hoạch, còn sản lượng tôm gần 556.000 tấn, bằng 103% cùng kỳ nhưng chỉ mới đạt 66,9% kế hoạch. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm thời tiết bắt đầu vào giai đoạn cực đoan: mưa bão nhiều, nhiệt độ, độ mặn giảm… cùng với đó là dịch bệnh đốm trắng và nhất là bệnh do vi bào tử trùng, nên người dân thả nuôi chậm, tình hình thiếu nguyên liệu sẽ xảy ra.

Tại Hội nghị “Đánh giá kết quả và bàn giải pháp thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng nuôi thủy sản chủ lực ở ĐBSCL” tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 23/9 mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL trên những sông, kênh lớn có nguy cơ xâm nhập mặn sâu vào nội đồng để kịp thời đưa ra các bản tin cảnh báo và khuyến cáo tới địa phương, cơ sở nuôi để phục vụ sản xuất. Tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo kịp thời. Coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ, trong đó coi phòng bệnh là chính thông qua các mô hình, phương thức nuôi phù hợp từng vùng, từng đối tượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh, nhanh hơn việc tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác… khuyến khích phát triển hình thức liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chứng nhận vùng nguyên liệu đạt an toàn thực phẩm. Áp dụng quy trình nuôi theo 2 – 3 giai đoạn; ứng dụng các mô hình nuôi thành công theo công nghệ mới; thực hiện ương, vèo giống (20 – 25 ngày) để có cỡ giống lớn thả nuôi thương phẩm cho tất cả các hình thức nuôi; quan tâm hơn nữa đối với vùng nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến…

Tích Chu

Nguồn: Báo Sóc Trăng