Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Probiotic trong nuôi tôm

probiotic nuôi tôm
Probiotic có tác dụng trong nuôi tôm

Chế phẩm sinh học không phù hợp có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều hòa miễn dịch, hoạt động đối kháng mầm bệnh của tôm.

Nuôi trồng thủy sản đã và đang trở thành ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới. Trong đó, các nước Châu Á đóng góp đến hơn 90% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu. Sản lượng tôm sản xuất là lớn nhất, nhưng khi nghề nuôi tôm mở rộng và phát triển nhanh chóng đã kéo theo nhiều dịch bệnh nguy hiểm xảy ra như đốm trắng, hội chứng tôm chết sớm và hội chứng phân trắng. Cộng thêm nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng nước, đó là những mối đe dọa lớn đến diện tích các khu vực nuôi tôm.

Hiện nay, người nuôi tôm sử dụng rất nhiều chất diệt khuẩn, hóa chất xử lý môi trường để duy trì chất lượng nước nuôi và nhiều loại kháng sinh để ngăn ngừa các bệnh có thể xảy ra. Theo báo cáo có khoảng 19% các trại nuôi tôm ở Việt Nam sử dụng các loại kháng sinh enrofloxacin, ciprofloxacin và oxytetracycline để điều trị hội chứng hoại tử gan tụy và hội chứng tôm chết sớm. Do tác hại của thuốc kháng sinh không phải ai cũng biết nên tình trạng lạm dụng vẫn còn đang tiếp diễn.

Bên cạnh đó, việc sử dụng probiotic cũng đang gia tăng nhanh chóng khi ức chế được sự gây hại của mầm bệnh. Ước tính có tới khoảng 84% người nuôi tôm hiện nay sử dụng probiotic tạt trực tiếp vào nước ao nuôi và 16% sử dụng probiotic trộn chung vào trong thức ăn. Những năm gần đây, nghề nuôi tôm có sản lượng tăng đến 90% khi có sử dụng men vi sinh trong nuôi tôm. Trong đó các vi khuẩn probiotic thường được sử dụng là Lactobacillus acidophilus, Bacillus licheniformis, B. thuringiensis, B. subtilis…

Khi probiotic vào trong đường ruột, đầu tiên chúng sẽ làm thức ăn dễ tiêu hóa hơn bằng cách tiết các vitamin nhóm B, K . Chức năng tiếp theo là cạnh tranh về dinh dưỡng và chỗ bám với các vi sinh vật có hại, từ đó hạn chế được số lượng vi khuẩn gây bệnh cho tôm. Hệ miễn dịch của tôm sẽ liên tục “chống lại” probiotic vì lầm tưởng chúng là mầm bệnh. Và được kích hoạt sang tư thế “sẵn sàng chiến đấu” khi có mầm bệnh thật sự xâm nhập gây bệnh. Những probiotic này nếu được cung cấp trực tiếp vào trong ao, sẽ có khả năng xử lý các chất thải hữu cơ trong nước, duy trì ổn định các thông số chất lượng nước.

Trong hai thập kỷ gần đây, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm ngày càng tăng do nhu cầu tích cực của chúng khi hạn chế được việc sử dụng các phương pháp điều trị hóa học. Tuy nhiên vấn đề lựa chọn chế phẩm sinh học phù hợp là rất quan trọng vì vi khuẩn không phù hợp có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều hòa miễn dịch, hoạt động đối kháng mầm bệnh của tôm. Tính đến nay, vẫn có nhiều nhóm vi khuẩn phù hợp sử dụng như probiotic. Tuy nhiên việc tìm kiếm các loài probiotic mới vẫn không ngừng được triển khai, lý do là một số probiotic hiện tại chỉ có thể cư trú trong cơ thể một số loài thủy sản nhất định chứ không phải là tất cả các loài thủy sản.

Những probiotic có thể chống lại được nhiều vi khuẩn gây hại trong nhóm Vibrio, nhóm vi khuẩn cơ hội nguy hiểm bao gồm một số loài như Vibrio harveyi, V. alginolyticus, V. vulnificus và V. anguillarum. Ngoài ra lượng acid lactic cũng được tăng cường đáng kể để loại bỏ các tác hại của Vibrio. Probiotic sẽ không gây ra dư lượng như thuốc kháng sinh, tuy nhiên hiện việc sử dụng probiotic khá tốn kém so với những hộ nuôi nhỏ lẻ. Do đó việc lựa chọn loại probiotic để sử dụng là cực kỳ quan trọng.

Mỗi dạng chế phẩm sinh học sẽ có một cách sử dụng khác nhau. Thông thường, nếu là chế phẩm sinh học tiêu hóa, thì nên hòa thêm một ít nước rồi trộn vào thức ăn. Nếu là loại chế phẩm có tác dụng xử lý môi trường ở dạng bột, thì ngâm trong nước cộng thêm mật đường và tiến hành sục khí một thời gian để chúng phát triển tăng sinh trước khi cho xuống ao. Nếu ở dạng nước thì có thể sử dụng trực tiếp. Ngoại trừ một số ít loại chế phẩm khuyến cáo chỉ sử dụng lúc trời nắng, còn lại đa số nên sử dụng lúc trời mát. Và nhất thiết không sử dụng chế phẩm sinh học chung với kháng sinh và các loại hóa chất có tính diệt khuẩn.
Hà Tử – https://tepbac.com/

Ozone nanobubble – Tiêu diệt thành tế bào vi khuẩn

Công nghệ nanobubble là một công nghệ mới để xử lý nước thải và được ứng dụng vào nuôi trồng thủy sản

Công nghệ nanobubble là một công nghệ mới để xử lý nước thải và gần đây đã được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản để tăng nồng độ oxy hòa tan trong các hệ thống thủy sản thâm canh. Công nghệ này đưa các bong bóng nano hoặc siêu mịn (<200 nm) với một loại khí đã chọn vào nước. Công nghệ có hiệu quả cao trong việc hòa tan khí vào nước do tỷ lệ diện tích bề mặt trên thể tích của bong bóng lớn.

Ứng dụng của khí ozone trong công nghệ nanobubble (NB-O3) là tương đối mới trong nuôi trồng thủy sản. Một nghiên cứu trước đây đã báo cáo hiệu quả khử trùng của NB-O3 đối với V. parahaemolyticus gây bệnh trên tôm. Trong nghiên cứu này, NB-O3 cho thấy hiệu quả khử trùng tương tự đối với cả vi khuẩn Gram (+) (S.agalactiae ) và Gram (-) ( A. veronii ) gây bệnh trong nước ngọt và cơ chế khử trùng là tiêu diệt thành tế bào vi khuẩn. 

Thiết lập hệ thống NB-O

Hệ thống này bao gồm một máy phát nanobubble, một máy tạo oxy và một máy tạo ozone. Oxy đậm đặc từ không khí được đưa vào máy tạo ôzôn với lưu lượng 1 L/phút. Ozone được tạo ra sau đó được khuếch tán với nước bên trong máy phát nanobubble để tạo thành NB-O3 và quay trở lại bể chứa. 

Giảm >90% lượng vi khuẩn trong nước khi sử dụng NB-O3 trong 10 phút

Lượng vi khuẩn S. agalactiae tại điểm ban đầu được sử dụng trong bể đối chứng 1,17 × 106/mL và bể nghiệm thức 1,83 × 106/mL.  Nồng độ vi khuẩn trong nhóm nghiệm thức ở thời điểm 5, 10 và 15 phút lần lượt giảm 62,30, 97,76 và 99,40%, cho thấy rằng quá trình khử trùng đã xảy ra trong khi sử dụng NB-O3. Ngược lại, nồng độ vi khuẩn trong bể đối chứng vẫn ổn định ở mức 106  CFU/mL trong cùng khoảng thời gian. 

NB-O3 làm giảm cả nồng độ vi khuẩn Gram (+) và Gram (-) gây bệnh

Thử nghiệm với S. agalactiae với lượng vi khuẩn ban đầu: 1,17 × 106 CFU/mL trong bể đối chứng và 3,45×106 CFU/mL trong bể nghiệm thức. Xử lý một lần duy nhất trong 10 phút với NB-O3 đã giảm hiệu quả 96,11% lượng vi khuẩn trong bể. Khi lặp lại cùng một quy trình lần thứ hai và thứ ba, nồng độ vi khuẩn đã giảm tương ứng là 99,93 và 99,99%. Nồng độ vi khuẩn trong bể đối chứng vẫn duy trì ở mức 106 CFU/mL. Các kết quả tương tự cũng được quan sát thấy trong các thử nghiệm với vi khuẩn Gram (-) A. veronii. Số lượng vi khuẩn A. veronii tring bình ban đầu ở các bể ĐC và nghiệm thức lần lượt là 1,03 × 106 CFU/ mL và 1,65 × 106  CFU/mL. Sau khi sử dụng NB-O3 lần 1, 2 và 3 trong 10 phút, lượng vi khuẩn đã giảm xuống còn 3,44×10 4 ; 56 ± 15 và 15 ± 6 CFU/mL (tương đương với giảm lần lượt 97,92; 99,99 và 99,99%). Không có thay đổi đáng kể nào về số lượng vi khuẩn trong bể đối chứng trong quá trình thí nghiệm.

Kiểm tra cấu trúc bề mặt vi khuẩn cho thấy phần lớn tế bào vi khuẩn (cả S. agalactiae và A. veronii) bị phá hủy sau khi tiếp xúc với NB-O3 trong 10 phút so với cấu trúc nguyên vẹn lúc chưa tiếp xúc với NB-O3.

Ảnh hưởng của NB-O3 đến sức khỏe cá và lượng vi khuẩn trong bể nuôi

Trước khi xử lý, tổng nồng độ vi khuẩn trong nước nuôi cá là 8,18×105 CFU/mL. Sau khi tiếp xúc với NB-O3 trong 10 phút, 59,63% vi khuẩn đã bị bất hoạt. Khi lặp lại lần thứ 2, 3 vi khuẩn đã giảm trong các nghiệm thức này lần lượt 87,25 và 99,29% (tức là giảm 141 lần từ 8,18 × 105 xuống 5,80 × 103 CFU/mL.

Trong quá trình thí nghiệm, DO tăng mạnh từ rất thấp lúc đầu 0,6 ± 0,1 mg/L lên 27,7 ± 0,6 mg/L sau 10 phút đầu tiên điều trị. DO là 30,8 ± 7,7 mg/L sau lần điều trị thứ hai và 28,7 ± 7,6 mg/L sau lần điều trị NB-O3 thứ ba. 

Mặc dù nhiều lần xử lý NB-O3 không làm chết cá, nhưng việc tăng phơi nhiễm gây ra tổn thương cho mang. Nếu sử dụng hơn một lần NB-O3 trong 10 phút thì có một số kích ứng đối với mang nhưng không có tử vong cấp tính. Các dấu hiệu chủ yếu bao gồm đỏ ở gốc vây, bơi lội thất thường và có bong bóng bám trên bề mặt cơ thể. Những bong bóng này biến mất sau vài phút cá di chuyển. Các thiệt hại đối với mang có thể do tiếp xúc nhiều lần với ôzôn và nồng độ oxy cao (tức là 26,9–28,5 mg/L) trong nước. Tổng hợp lại, các phát hiện cho thấy một lần tiếp xúc 10 phút với NB-O3, với mức ORP (đo gián tiếp ozone trong nước) đạt 860 ± 42 mV là an toàn cho cá và đủ để giảm nồng độ vi khuẩn từ 26 đến 48 lần (> 96%).


Cấu trúc bình thường của các sợi mang ở đối chứng (A), (E) và lần xử lý đầu tiên với NB-O3 (B), (F). Tổn thương nhẹ và co rút ở đáy phiến mang (mũi tên) và xung huyết nhẹ ở cá tiếp xúc lần thứ hai (G), và mất một số phiến thứ cấp (mũi tên) và xung huyết nghiêm trọng hơn ở các phiến thứ cấp ở cá tiếp xúc lần thứ ba (H).

Mặc dù xử lý NB-O3 không loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn trong nước, nhưng việc giảm vi khuẩn gây bệnh từ 26 đến 48 lần có thể hữu ích để ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh. Điều quan trọng, kết quả nghiên cứu này cho thấy sử dụng NB-O3 trong 10 phút đã tạo ra các hạt nano (<200 nm) với nồng độ khoảng 2 – 3×107 bong bóng/mL và phần lớn các bong bóng có đường kính nhỏ hơn 130 nm. 

Công nghệ NB-O3 không chỉ là một phương pháp khử trùng đầy hứa hẹn mà còn làm giàu oxy hòa tan trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt, với liều lượng thấp nó không gây hại cho cá. Là một công cụ phòng chống dịch bệnh, NB-O3 có thể là một công nghệ đầy hứa hẹn để kiểm soát sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây bệnh trong nước, do đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh do vi khuẩn. Tóm lại, nghiên cứu này chứng minh rằng NB-O3 có hiệu quả trong việc giảm nồng độ vi khuẩn gây bệnh S. agalactiae và A. veronii trong nước ngọt và chúng tương đối an toàn cho cá rô phi.  

TLTK: Chayuda Jhunkeaw (eds). (2021). Ozone nanobubble treatment in freshwater effectively reduced pathogenic fish bacteria and is safe for Nile tilapia (Oreochromis niloticus). Aquacuture [online], viewed 15 March 2021, from: sciencedirect.com

Sương Phạm – https://tepbac.com/

Xuất khẩu tôm có thêm lực đẩy trong năm 2021

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong năm 2021 đang có thêm nhiều lực đẩy mới từ các FTA và việc Mỹ hủy bỏ áp thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam.

Xuất khẩu được giá

Năm 2020 là năm thành công của ngành tôm, khi vượt qua nhiều thời điểm thăng trầm, xuất khẩu tôm đã cán đích 411.000 tấn, trị giá 3,73 tỷ USD, tăng 6,72% về lượng và 11,07% về trị giá so với năm 2019.

Mức tăng trưởng này sẽ không có gì đáng nói, nhưng trải qua một năm nhiều ngành hàng chao đảo vì Covid-19 thì kết quả mà ngành tôm đạt được là rất đáng kể.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: “Năm 2020 là năm thành công đối với ngành tôm khi đã tận dụng tốt lợi thế từ FTA song phương và đa phương ở những thị trường lớn để duy trì và tăng thị phần trong bối cảnh nguồn cung và nhu cầu nhập khẩu tôm thế giới chịu tác động lớn từ Covid-19”.

Năm qua, Covid-19 đã khiến xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu tôm của thế giới có sự thay đổi lớn. Các sản phẩm tôm cỡ nhỏ và trung bình, dạng đông lạnh, đóng hộp, tiện dụng tăng, trong khi nhu cầu tôm tươi sống phục vụ ở những nhà hàng quán ăn giảm mạnh.

Trong bối cảnh đó, con tôm Việt Nam vẫn thẳng tiến tới các thị trường Mỹ, EU, Anh, Canada, Australia, Hồng Kông, Nga, Thụy Sỹ, với giá trị bật tăng so với năm 2019. Riêng xuất sang Mỹ đạt 81.400 tấn, trị giá 866,6 triệu USD, tăng 29,41% về lượng và tăng 32,88% về trị giá.

Xuất khẩu tôm sang thị trường EU đã tăng trở lại sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020.

Mục tiêu 4,5 tỷ USD không quá xa

Những ngày đầu năm 2021, ngành tôm đón thêm thông tin tốt lành khi Mỹ ra thông báo hủy quyết định áp thuế tôm xuất khẩu của “ông lớn” Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Quyết định ngày 11/2/2021 cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống bán phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống bán phá giá nào khác.

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Thuỷ sản Minh Phú cho biết, doanh nghiệp còn được hoàn lại các khoản thuế chống bán phá giá đã tạm nộp trước đó.

Minh Phú đã xuất khẩu được 55.000 tấn tôm thành phẩm, với kim ngạch đạt 580 triệu USD năm 2020. Mục tiêu năm 2021 là 71.000 tấn tôm chế biến, kim ngạch 790 triệu USD.

Bà Kim Thu, chuyên gia thuộc VASEP đánh giá, ngành tôm có thể tranh thủ khi đang có lợi thế hơn các đối thủ nhờ Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Các quốc gia nhập khẩu cũng thường ưu tiên chọn mua tôm từ Việt Nam.

Ngoài ra, những FTA với nhiều thị trường lớn đã vào đường ray thực thi, đang được các doanh nghiệp tận dụng triệt để cũng rộng đường cho tôm xuất khẩu.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết 15 FTA, trong đó 14 FTA đã có hiệu lực, FTA mới nhất là UKVFTA với Vương quốc Anh. Năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng sẽ tận dụng ưu đãi từ các FTA, đặc biệt là EVFTA.

Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Nhờ EVFTA, ngành tôm có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các nước sản xuất khác, trong đó lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%.

Công ty TNHH Thông Thuận (Thông Thuận Sea Food) cho biết, EU chiếm 45% cơ cấu thị trường tôm xuất khẩu của doanh nghiệp, Thông Thuận đã chớp thời cơ xuất khẩu tôm sang EU để hưởng thuế 0% theo EVFTA ngay sau 1 tháng FTA này có hiệu lực.

Để khai thác thị trường này, doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất theo chuỗi khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của Thông Thuận Group đáp ứng đầy đủ về chủng loại sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình sản xuất khắt khe của EU và nhiều thị trường khó tính khác.

Năm 2020, ước tính doanh thu xuất khẩu tôm của Thông Thuận sang EU đạt trên 45 triệu USD. Năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm sang EU sẽ vượt xa kết quả năm trước.

Dù thương mại thủy sản chưa thoát khỏi ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng ngành tôm được dự báo tiếp tục phát triển nhờ cú hích FTA, đặc biệt với kinh nghiệm thích ứng sự biến đổi của thị trường từ năm 2020.

Những thuận lợi cả về chủ quan lẫn khách quan và sự chủ động chuyển mình của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến tôm được kỳ vọng đưa ngành tôm cán đích mục tiêu xuất khẩu 4,4-4,5 tỷ USD trong năm 2021. Quy mô thị trường tôm toàn cầu dự báo sẽ tăng lên 64,53 tỷ USD vào năm 2026 (năm 2020 là 48,7 tỷ USD), là cú hích cho tôm Việt tăng trưởng xuất khẩu.

Theo: Đầu tư chứng khoán

Giá tôm toàn cầu tăng

Đại dịch COVID-19 đã làm giảm nhu cầu chung đối với tôm vào năm 2020. Trong khi thị trường tôm quốc tế và nội địa có đặc điểm chung là thương mại bán lẻ phát triển mạnh mẽ, trái lại lĩnh vực dịch vụ nhà hàng gặp phải những tổn thất lớn. Cuối năm 2020, đã có một sự bùng nổ lớn trong ngành dịch vụ ăn uống của Trung Quốc gắn liền với lễ hội trung thu vào tháng 10. Điều này có thể dẫn đến việc mở cửa hơn nữa ngành dịch vụ nhà hàng của Trung Quốc trong những tháng tiếp theo.

Nguồn cung

Mùa nuôi tôm ở châu Á bị trì hoãn vào năm 2020 do sự bùng phát COVID-19. Sau vụ thu hoạch hoảng loạn từ đầu mùa (tháng 4 năm 2020), việc thả giống bị trì hoãn ở hầu hết các nước sản xuất, dẫn đến số ngày nuôi thực tế bị giảm do quãng thời gian ngừng hoạt động. Người nuôi tôm cũng áp dụng nuôi mật độ thấp do giá tôm giảm, tình trạng này kéo dài cho đến tháng 8 năm 2020.

Tại Ấn Độ, nguồn cung nguyên liệu thô thiếu hụt trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2020, cùng với đó, giá tôm duy trì ở mức thấp kỷ lục do nhu cầu tôm toàn cầu ở lĩnh vực dịch vụ thực phẩm giảm mạnh. Tại Việt Nam và Indonesia, tình hình cung ứng tốt hơn. Các nhà chế biến – xuất khẩu ở Việt Nam và Indonesia đã tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng và thay đổi bao bì bán lẻ để đáp ứng tốt hơn với những thay đổi của nhu cầu tôm trên thị trường.

Sản lượng tôm Thái Lan năm 2020 thấp hơn năm 2019 đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho chế biến – xuất khẩu. Nông dân Thái Lan nản lòng vì giá xuất xưởng yếu và dịch vụ du lịch lao dốc. Tại Trung Quốc, sản lượng nội địa cũng giảm trong năm 2020 do dịch bệnh tôm và điều kiện thời tiết bất lợi.

Mỹ La-tinh

Kể từ giữa tháng 3 năm 2020, sản lượng tôm nuôi ở Ecuador đã chậm lại đáng kể do dịch COVID-19 bùng phát tại khu vực nuôi trồng và chế biến chính – Guayaquil, giá tại ao và giá xuất khẩu đều giảm kỷ lục. Nhu cầu nhập khẩu biến động từ thị trường hàng đầu là Trung Quốc. Để giảm bớt thiệt hại, nhiều nông dân đã chuyển sang thả nuôi với mật độ thấp, khiến nguồn cung giảm trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2020. Nhưng sản lượng đã bắt đầu phục hồi kể từ tháng 10. Lũy kế sản lượng tôm đỏ (Pleoticus muelleri) ở Argentina giảm 27% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, khiến khối lượng xuất khẩu giảm và giá tăng.

Thương mại quốc tế

Ngành tôm tiếp tục áp dụng mô hình chuyển dịch nhu cầu trên thị trường quốc tế. Với đặc điểm nhu cầu bán lẻ tăng mạnh nhưng nhu cầu giảm đáng kể trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống (giảm 70-80%) trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, thị trường duy trì trạng thái cân bằng khi sản xuất giảm. Mặc dù hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống được cải thiện trong những tháng mùa hè ở Bắc Mỹ và Châu Âu, nhưng trong hầu hết các trường hợp, các nhà hàng chỉ hoạt động ở mức 25% đến 30% công suất vì các biện pháp giãn cách xã hội bắt buộc. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cũng giảm đáng kể và chưa có dấu hiệu phục hồi do những yêu cầu hạn chế trên toàn thế giới. Bất chấp những hạn chế này, thương mại tôm toàn cầu vẫn tương đối ổn định với nguồn cung giảm, đặc biệt là từ châu Á trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2020. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng ở hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ, nơi có doanh số bán lẻ cao kỷ lục trong các tháng từ 4 đến 9 năm 2020.

Xuất khẩu

Trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung tăng từ hai nhà xuất khẩu hàng đầu (Ecuador và Indonesia). Ecuador có giá xuất khẩu thấp kỷ lục và được hỗ trợ bởi việc tăng doanh số bán hàng sang Hoa Kỳ. Xuất khẩu tôm chế biến của Indonesia tăng trong 6 tháng đầu năm 2020. Xuất khẩu tôm chế biến cũng tăng từ các nước khác, nhưng không tăng ở Thái Lan và Trung Quốc. Xuất khẩu tôm đông lạnh (đã hấp chín trước khi đông lạnh) ở cả Ấn Độ và Indonesia trong 6 tháng đầu năm 2020 cao hơn 35% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu tôm đánh bắt từ Argentina giảm 16% xuống còn 45.000 tấn do sản lượng khai thác thấp hơn trong nửa đầu năm 2020.

Nhập khẩu

Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu tôm hàng đầu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020. Nhập khẩu tăng nhẹ ở Hoa Kỳ, nhưng giảm ở Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada và nhiều thị trường mới nổi khác trên toàn thế giới. Nhu cầu tôm chế biến gia tăng là đặc trưng của nhập khẩu Hoa Kỳ trong giai đoạn này, trong khi tôm nguyên con và tôm nguyên vỏ – bỏ đầu vẫn là những sản phẩm chiếm ưu thế trong nhập khẩu của Trung Quốc. Nhập khẩu vào Việt Nam (đối với mặt hàng tái xuất khẩu) đã giảm kỷ lục, chỉ đạt 22.000 tấn, thấp hơn 75% so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2019. Sự sụt giảm này đến từ việc chính quyền Trung Quốc tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Liên minh Châu Âu

Bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng COVID-19, tiêu thụ tôm yếu ở châu Âu trong nửa đầu năm 2020. Không giống như Hoa Kỳ và Trung Quốc, tại thị trường các nước Liên minh châu Âu nhu cầu bán lẻ vẫn ở mức thấp; tại các nhà hàng, nơi tiêu thụ chính mặt hàng tôm, cũng thu hẹp đáng kể cho đến tháng 6 năm 2020. Trong nửa đầu năm 2020, nhập khẩu tôm ở Liên minh châu Âu thấp hơn 6,3% với mức 341.651 tấn, trong đó có 70.000 tấn sản phẩm chế biến (giảm 10,6%). Tuy nhiên, trong những tháng mùa hè của châu Âu, nhu cầu tôm được cải thiện ở các thị trường Bắc Âu, do doanh số bán hàng tại các nhà hàng tăng lên. Nhiều người được ở nhà trong kỳ nghỉ hè, đã chọn dùng bữa tại các nhà hàng địa phương.

Trung Quốc

Tiêu thụ tôm tại nhà vẫn ở mức tốt ở thị trường Trung Quốc trong suốt các tháng từ 4 đến 9 năm 2020. Tồn kho trong nước bị tích lại trong suốt giai đoạn đầu thực hiện lệnh phong tỏa (từ tháng 1 đến tháng 4), đã bắt đầu giảm khối lượng hàng tồn từ tháng 5 với việc nới lỏng lệnh phong tỏa. Nhập khẩu hàng tháng đạt đỉnh vào tháng 6 ở mức 80.000 tấn, dẫn đến nhập khẩu lũy kế đạt 382.000 tấn trong nửa đầu năm 2020. Ecuador chiếm 53,7% thị phần trong các nguồn cung này. Việc ba công ty tôm Ecuador tạm ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc đã khiến nhập khẩu từ nguồn này giảm mạnh trong tháng 7 và tháng 8 năm 2020. Tuy nhiên, theo Bộ Sản xuất, Ngoại thương, Đầu tư và Thủy sản Ecuador (the Ministry of Production, Foreign Trade, Investment and Fisheries), xuất khẩu tôm sang Trung Quốc hiện đã trở lại bình thường. Nhập khẩu cũng tăng từ hầu hết các nguồn khác đến Trung Quốc trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020 nhưng lại giảm từ Ấn Độ. Nhập khẩu tôm của Trung Quốc cộng dồn từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020 cao hơn 13,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Mỹ

Lĩnh vực dịch vụ thực phẩm chiếm ưu thế về tỷ trọng doanh số bán tôm (75%) trong những năm thông thường, nay đã sụt giảm doanh thu từ 70 đến 80% trong quãng thời gian hai tháng (từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2020) do COVID-19. Trong suốt mùa hè, doanh số bán tôm tăng lên khi nhiều nhà hàng trên khắp ước Mỹ chuyển sang dịch vụ mua-mang đi và giao hàng tận nơi. Trái lại, các nhà hàng chỉ hoạt động với 25% công suất do các quy định về giãn cách xã hội.

Nhìn chung, doanh số bán lẻ tôm tăng rất mạnh trong năm 2020 và tỷ trọng có thể đạt tới 30 đến 35% tổng doanh thu bán tôm của Mỹ (so với mức 25% của các năm thông thường). Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tăng vẫn không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt trong ngành kinh doanh thực phẩm. Thu nhập khả dụng trung bình giảm do tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và bất ổn kinh tế cũng đã hạn chế nhu cầu tôm trên thị trường Mỹ.

Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2020, tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng nhẹ (+ 2,6%) do nhu cầu của các sản phẩm thô giảm. Đặc biệt, nhu cầu của người tiêu dùng đối với tôm bóc vỏ (mặt hàng thường được dùng trong các nhà hàng) đã giảm xuống. Nhập khẩu tôm chế biến tăng 13% lên 73.000 tấn so với 6 tháng đầu năm 2019. Tổng nhập khẩu tôm các loại tăng 6,5% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020 cho thấy xu hướng nhu cầu ổn định tại thị trường Mỹ trong những tháng mùa hè.

Nhật Bản

Nhu cầu của người tiêu dùng đối với tôm ở Nhật Bản vẫn duy trì ở mức thấp trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 và cả trong những tháng mùa hè năm 2020. Điều đặc biệt là, ngay cả khi giá thương mại tôm quốc tế thấp, thì nhập khẩu của Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn giảm 4% ở mức 90.000 tấn so với 93.400 tấn của 6 tháng đầu năm 2019. Xu hướng tiêu cực này kéo dài liên tục từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020 với nhập khẩu giảm 3,7% so với cùng kỳ 8 tháng đầu năm 2019, đạt 128.215 tấn.

Châu Á / Thái Bình Dương và các thị trường còn lại

Với việc kiểm soát di chuyển và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, nhập khẩu tôm đã giảm ở nhiều thị trường trong khu vực Châu Á/ Thái Bình Dương và các thị trường còn lại. Trong nửa đầu năm 2020, Hàn Quốc, Đặc khu hành chính Hồng Kông, Singapore, Úc và New Zealand đều báo cáo nhập khẩu giảm. Ngược lại, tại Ấn Độ, doanh thu bán trực tuyến tôm tươi và đông lạnh nội địa tăng đáng kể ở nhiều thành phố lớn. Xu hướng tương tự ở Thái Lan và Malaysia.

Giá cả

Giá tôm trên thị trường thương mại quốc tế ở mức thấp cho đến tháng 8 năm 2020. Ecuador là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 7 năm 2020 sau lệnh cấm nhập khẩu từ chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, từ tháng 9 trở đi giá bắt đầu phục hồi.

Dự báo

Việc thả tôm giống muộn vào năm 2020 sẽ dẫn đến lượng cung thấp đến trung bình, đặc biệt là ở các khu vực không bị ảnh hưởng bởi mùa đông (như: Indonesia, Malaysia, miền Nam Thái Lan, các bang Andhra và Tamil Nadu ở Ấn Độ). Tuy nhiên, mùa mà nguồn cung tôm thấp thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 2 ở Trung Quốc, khu vực phía Đông Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Bangladesh. Tổng sản lượng tôm nuôi ở châu Á được ước tính thấp hơn từ 15 đến 20% vào năm 2020.

Tại Trung Quốc, Tết Trung thu và kỳ nghỉ lễ Quốc khánh vào tháng 10 năm 2020 đã tạo động lực lớn cho thị trường tôm khi lượng tôm tiêu thụ tăng đáng kể. Với việc COVID-19 vẫn hoành hành ở Hoa Kỳ và Châu Âu, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đã chọn đi du lịch trong nước. Tồn kho tôm đông lạnh tại Trung Quốc giảm sẽ hỗ trợ nhập khẩu trong thời gian tới. Nhập khẩu của Mỹ tăng trong quý 3 năm 2020 cho phép cung cấp đủ hàng dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng cuối năm 2020. Trong khi đó, doanh số nhà hàng có thể chậm lại trong những tháng mùa đông. Xu hướng tiêu dùng tương tự ở châu Âu và Nhật Bản với một số cải thiện về nhu cầu trong giai đoạn Giáng sinh / Năm mới.

Từ tháng 9 năm 2020, giá xuất xưởng đối với tôm châu Á và Ecuador đã chạm đáy. Nguồn cung thiếu hụt theo mùa ở châu Á và nhu cầu tốt từ Trung Quốc sẽ dẫn đến việc tăng giá. Khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm đối với tôm Ecuador, nhập khẩu của Trung Quốc từ nước này có thể sẽ tăng lên. Trong khi đó, thương mại điện tử và giao tôm tận nhà ở các nước sản xuất và nhập khẩu đã mở ra cơ hội tiếp thị và bán hàng mới trên toàn thế giới. Xu hướng này chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong dài hạn.

Ngọc Thúy (theo FAO) – http://nguoinuoitom.vn/

Bổ sung Enzyme vào thức ăn giúp cải thiện khả năng tăng trưởng của tôm, cá

Bổ sung Enzyme (men tiêu hóa) vào thức ăn giúp cải thiện khả năng tăng trưởng của tôm, cá

Tăng trưởng là thước đo đánh giá sự thành công cũng như lợi nhuận của nuôi trồng thủy sản. Tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều yếu tố dưới đây.

1. Di truyền

Đó là sự thuần hóa và cải tạo gen di truyền nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng. do đó,  để đảm bảo cho đàn tôm cá có tăng trưởng tốt nhất, người nuôi cần chọn trại giống có uy tín, con giống bố mẹ được chọn lọc kỹ càng, có thể sản xuất đàn con có hiệu quả tăng trưởng cao.

Một trong lĩnh vực mà các chương trình nhân giống hướng đến là cải thiện di truyền khả năng sử dụng tốt hơn protein, axit amin và lipid trong các thành phần có nguồn gốc thực vật ở các loài tôm cá có tập tính ăn là ăn tạp hoặc ăn động vật. Xu hướng chung của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản trên toàn thế giới là phát triển bền vững hơn thông qua việc giảm lượng bột cá trong thức ăn, do đó tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thụ hiệu quả tất cả các chất dinh dưỡng trong các thành phần thức ăn thay thế (thức ăn ít bột cá) ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, việc lai tạo chọn lọc mới được ứng dụng trên đối tượng nuôi cá hồi, các loài tôm cá nuôi châu Á vẫn chưa bắt đầu.

Cải thiện khả năng sử dụng và tiêu hóa carbohydrate sẽ giảm bớt nhu cầu sử dụng protein và chất béo cho năng lượng (carbohydrate có thể cung cấp năng lượng và chia sẻ cung cấp năng lượng với protein và lipid*). Ngoại trừ các loài cá có tập tính ăn thực vật, hầu hết các loài cá chưa phát triển enzyme tiêu hóa các carbohydrate khác ngoài đường đơn vì carbohydrate không được tìm thấy trong khẩu phần ăn tự nhiên của chúng (Wilson 1994, Polakof et al. 2012). Ngay cả khi đó, phần lớn khả năng tiêu hóa của cá có thể sử dụng carbohydrate đến từ quá trình lên men vi khuẩn bởi hệ vi sinh vật đường ruột khu trú trong ruột của chúng (Kihara và Sakata 1997). Trong hầu hết các loại ngũ cốc, năng lượng, carbohydrate, protein và lipid phần lớn không có sẵn vì chúng “bị khóa” bên trong thành vách tế bào được tạo ra từ các polysaccharide phức tạp như lignin, hemicellulose, glycan, mannans và xylans. Bổ sung các enzyme carbohydrase trong thức ăn bao gồm các enzyme như amylase, glucanase, mannanase và xylanase (đã được sử dụng trong phổ biến thức ăn gia cầm trong nhiều thập kỷ) sẽ hỗ trợ tiêu hóa carbohydrate phức tạp.

Các nghiên cứu trên cá và tôm đã chỉ ra rằng những enzyme này hoạt động hiệu quả khi được bổ sung vào thức ăn thủy sản cho nhiều loài. Các enzyme này làm tăng năng lượng sẵn có trong khẩu phần ăn bằng cách chuyển đổi các hợp chất oligosaccharid tinh bột và polysaccharid phi tinh bột (Non-Starch Polysaccharid – NSP) thành đường đơn, và bằng cách phá vỡ thành tế bào, “mở khóa” nhiều protein và lipid hơn để động vật “chiết xuất” và sử dụng. Bí quyết để sử dụng enzyme carbohydrase hiệu quả nhất là kết hợp nhiều enzyme được thiết kế đặc biệt để phá vỡ các carbohydrate khó tiêu. Ví dụ, thức ăn có nhiều bột đậu nành khi bổ sung hỗn hợp các men galactosidase, glucanase và mannase, để phá vỡ các NSP nổi bật trong bột đậu nành thì sẽ sử dụng bột đậu nành hữu hiệu hơn các khẩu phần thức ăn cho tôm.

2. Điều kiện môi trường tối ưu

Vì động vật thủy sinh không thể kiểm soát nhiệt độ cơ thể của chúng, nên việc giữ nhiệt độ nước trong phạm vi tối ưu là điều cần thiết để đạt được sự phát triển tối đa. Nhiệt độ thấp hơn phạm vi tối ưu làm giảm lượng thức ăn ăn vào, do quá trình trao đổi chất bị suy giảm và năng lượng giảm, dẫn đến tăng trưởng chậm. Nhiệt độ trên phạm vi tối ưu khiến quá trình trao đổi chất chạy đua, lãng phí năng lượng và chất dinh dưỡng. Nhiệt độ khắc nghiệt, cao hoặc thấp, sẽ làm vật nuôi chết và tỉ lệ chết gia tăng. Trong số các quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng của nhiệt độ đến tốc độ hoạt động của nhiều enzyme có lẽ là có liên quan nhất, vì hiệu quả của các quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng phụ thuộc rất nhiều vào enzyme.

Cũng giống như các enzyme nội sinh, enzyme bổ sung trong thức ăn cũng có khoảng nhiệt độ hoạt động tối ưu, nhưng enzyme từ thức ăn có một lợi thế là chúng có thể được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong một phạm vi nhiệt độ rộng hơn. Thông thường,  tốc độ tăng trưởng chậm lại ở nhiệt độ thấp, một phần do giảm lượng thức ăn ăn vào, nhưng cũng do giảm hoạt động tiêu hóa và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của vật nuôi ở nhiệt độ thấp. Hơn nữa, khi lượng dinh dưỡng thiết yếu giảm đi, khả năng miễn dịch cũng suy yếu, và đối với nhiều loài, mầm bệnh đang chực chờ để tấn công và bộc phát bệnh trên diện rộng. Một chiến lược thông minh là bổ sung phytase và protease vào thức ăn mùa đông, tăng cường quá trình tiêu hóa protein nội sinh và tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng (bằng cách phá hủy các chất ức chế protease và ngăn chặn axit phytic liên kết với các chất dinh dưỡng thiết yếu như phốt pho, axit amin, khoáng vi lượng và vitamin).

3. Cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng hợp lý

Đây là một thách thức thực sự đối với nhiều loài thủy sản nuôi vì nhu cầu dinh dưỡng chưa được xác định, nhưng có một số loài, chẳng hạn như tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) hoặc cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) đang được nuôi rất thành công với dữ liệu dinh dưỡng không đầy đủ. Tất nhiên, lợi ích của việc xác định đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cân đối khẩu phần ăn tốt hơn sẽ giúp cải thiện hiệu quả tăng trưởng và sử dụng thức ăn, giảm chi phí và cải thiện lợi nhuận. Bột cá là thành phần được ưa chuộng trong thức ăn thủy sản hiện nay vì nó dễ tiêu hóa và cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng trọng yếu tốt hơn mong đợi (về sự hiểu biết về nhu cầu dinh dưỡng của các chất đã biết và cả những chất chưa biết), với thành phần dinh dưỡng cho axit amin, lipid và khoáng chất phù hợp chặt chẽ với nhu cầu thực tế của tôm cá. Như vậy, với việc giảm lượng bột cá và tăng cường sử dụng các loại protein thực vật thay thế sẽ làm tăng nguy cơ không cung cấp đủ dinh dưỡng trong khẩu phần thức ăn.

4. Chăm sóc quản lý

Duy trì sức khỏe và phúc lợi tối ưu của động vật nuôi là một yếu tố rất quan trọng trong việc quyết định  cho chúng phát triển tốt, đảm bảo tỉ lệ sống cao cho đến khi thu hoạch. Nói cách khác, để đảm bảo đạt được 1 mùa vụ có năng suất, lợi nhuận cao là điều mà tất cả người nuôi đều kỳ vọng. Thả nuôi với mật độ phù hợp để vừa đảm bảo tối ưu hóa không gian nuôi cũng như giảm stress ở mức thấp nhất là yếu tố quan trọng nhất, nhằm tránh xây sát tổn thương trên cơ thể vật nuôi và tránh stress  (do chăm sóc quản lý không thích hợp) – là các nguyên nhân dẫn đến suy yếu khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ tấn công mầm bệnh và bệnh tật.

Quản lý các yếu tố chất lượng nước, tạo môi trường tối ưu cho sự phát triển của vật nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng phát triển, bao gồm oxy hòa tan, pH, nitơ.

5. Quản lý tốt thức ăn và việc cho ăn

Tổng lượng thức ăn được sử dụng và chi phí tích lũy của thức ăn khi thu hoạch là yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định lợi nhuận của người nuôi, Thông thường, thức ăn là khoản đầu tư lớn nhất, 50-60% hoặc hơn của tổng chi phí nuôi. Việc đạt được hiệu quả sử dụng thức ăn (Feed effiency-FE) tốt nhất, hoặc hệ số chuyển đổi thức ăn (Feed conversion ratio – FCR) là chìa khóa thành công. Quy tắc chung là “cho cá ăn, không cho nước”. Và, tất nhiên, lượng chọn chất lượng thức ăn quan trọng không kém. Ngược lại, quản lý việc cho ăn kém không chỉ làm giảm tăng trưởng và tăng chi phí, mà còn làm giảm chất lượng nước do tăng lượng nitơ và phốt pho thải ra môi trường.

6. Các chất dinh dưỡng thiết yếu có độ tiêu hóa cao và khả năng chuyển hóa cao trong khẩu phần ăn

Hàm lượng protein, chất béo, năng lượng và vitamin trong thức ăn phải được tối ưu hóa để phù hợp với loài, phải phù hợp với mật độ nuôi (ví dụ quảng canh, bán thâm canh, thâm canh) và phải xem xét khả năng nhạy cảm với stress do dinh dưỡng, oxy hóa, mật độ, chăm sóc quản lý, mầm bệnh, chất lượng nước kém nitơ và phốt pho thải (ví dụ như chất thải thức ăn thừa, chất thải bài tiết).

Các loại đậu, ngũ cốc và ngũ cốc thường chứa hàm lượng phytate cao, tác động lớn đến sự hấp thu của khẩu phần thức ăn do làm giảm lượng protein (Selle et al. 2000, Spinelli et al. 1983) và khoáng chất vi lượng như kẽm (McClain và Gatlin III 1998), mangan (Storebakken và cộng sự 1998), sắt và đồng (Papatryphon và cộng sự 1999). Bổ sung  enzyme phytase có nguồn gốc vi sinh vào thức ăn giúp các khoáng vi lượng này được giải phóng ở dạng dễ hấp thu hơn (Storebakken và cộng sự 1998, Papatryphon và cộng sự 1999, Selle và cộng sự 2000).

Trong nuôi trồng thủy sản thâm canh với việc cung cấp thức ăn lớn, sử dụng kết hợp các enzyme trong thức ăn (ví dụ như phytase, xylanase và protease) để gia tăng khả năng tiêu hóa protein và giảm tác dụng kháng dinh dưỡng của NSP và axit phytic. Hiệu suất thức ăn được cải thiện với khả năng tiêu hóa tốt hơn, FCR giảm do khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng được cải thiện và với việc giảm bài tiết nitơ và phốt pho, chất lượng nước có thể được duy trì.

Nguồn :http://nguoinuoitom.vn/

Hệ vi sinh vật đường ruột của tôm Postlarvae sau khi giảm độ mặn

tôm hậu ấu trùng
Hệ vi sinh vật đường ruột tôm PL đã có thay đổi đáng kể sau khi được xử lý hạ độ mặn

Nhóm vi khuẩn Bdellovibrio có một đặc điểm chung là có thể sống ký sinh và tiêu diệt luôn cả các vi khuẩn khác, rất có tiềm năng làm tăng tính đa dạng sinh học và chức năng cho đường ruột tôm.

Thực tế cho thấy, hiện tại ở đa số các trại giống, tôm hậu ấu trùng từ 4 – 5 ngày tuổi (PL4-5) đều được sống trong môi trường có độ mặn giảm dần, thông thường là từ 20ppt giảm xuống còn 4 -5ppt hay thậm chí bằng 0. Sau đó lại chuyển sang các độ mặn khác nhau để đến với các trại nuôi thương phẩm. Như vậy, việc thay đổi độ mặn như thế có tác dụng gì với tôm?

Một loạt các tác nhân gây bệnh bao gồm vi khuẩn, vi rút, nấm và các tác nhân khác, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi trong các trại thương phẩm và cả các trại tôm giống. Trong đó, Vibrio là nhóm các vi khuẩn cơ hội xuất hiện nhiều nhất, và gây nhiều triệu chứng rõ ràng cho tôm. Các chuyên gia chứng minh rằng tôm PL sau khi sống trong nước bị giảm dần độ mặn sẽ kéo theo số lượng vibrio trên tôm giảm. Tuy nhiên, mặc dù giảm được số lượng vibrio nhờ phương pháp này nhưng có làm tôm khỏe mạnh hơn hay không thì vẫn chưa có cơ sở chắc chắn.

Nhiều báo cáo ở những năm gần đây cho thấy, tôm chỉ mới ở giai đoạn PL8-10 là đã xuất hiện nhiều triệu chứng của bệnh phân trắng và thậm chí là chết hết trong vòng 30 ngày. Qua đó mối quan tâm đặc biệt hiện tại chính là liệu phương pháp hạ độ mặn để giảm mật độ vibrio, có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột, làm cho tôm giống kém thích nghi hơn với các môi trường khác nhau, hay dễ bị tấn công bởi các mầm bệnh tiềm ẩn hơn không?

Một hệ thống vi sinh vật cân bằng sẽ rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật cho tôm. Bdellovibrio (BALOs) là một nhóm vi khuẩn rất nhỏ, tồn tại tự nhiên trong các hệ sinh thái trên cạn hoặc dưới nước cũng như trong ruột của các sinh vật khác nhau bao gồm cả tôm và người. Chúng rất đa dạng nhưng có một đặc điểm chung là có thể sống ký sinh và tiêu diệt luôn cả các vi khuẩn khác. Một số công trình nghiên cứu trước đây cho thấy Bdellovibrio BALOs có thể được sử dụng để kiểm soát vibrio, thay đổi và phục hồi cấu trúc của cộng đồng vi sinh vật. Vì vậy chắc chắn có khả năng thúc đẩy sự tồn tại và phát triển của tôm nuôi.

Để giải đáp những thắc mắc trên thì các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm dùng tôm thẻ giai đoạn PL7-8 (chiều dài cơ thể 0.7-0.8cm) được lấy mẫu từ một trại sản xuất ở Quảng Đông, Trung Quốc. Trước đó những con tôm này đã được hạ dần độ mặn rồi nâng lên độ mặn 15ppt để phù hợp với hợp với thử nghiệm của các chuyên gia. Người ta so sánh các nghiệm thức bổ sung Bdellovibrio BALOs và 2 loại vi khuẩn có lợi khác để đánh giá hiệu quả sau khi xử lý độ mặn thì có ảnh hưởng đến đường ruột và hệ vi sinh vật của tôm hay không.


Sự thay đổi độ mặn này có thể làm xáo trộn thành phần vi sinh vật trong đường ruột tôm ở bất kì giai đoạn nào của chu kỳ sống.

Kết quả sau 7 ngày kéo dài thí nghiệm, môi trường nước trong các bể vẫn còn khá ổn định. Nhiệt độ, oxy hòa tan và độ pH vẫn ở mức có thể kiểm soát được, không thấy có khả năng gây ảnh hưởng đến tôm thí nghiệm. Tỷ lệ sống ghi nhận được ở nghiệm thức bổ sung nhóm Bdellovibrio BALOs là 90%, cao hơn tỷ lệ sống của 2 nghiệm thức còn lại lần lượt là 83,3 và 81,7%. Ngoài ra tôm PL ở nghiệm thức có bổ sung Bdellovibrio BALOs cũng cho tỷ lệ tăng trọng tích lũy theo phần trăm cao nhất trong cả 3 nhóm.

Bên cạnh đó, cả về thành phần và chức năng của hệ vi sinh vật đường ruột tôm PL đã có thay đổi đáng kể sau khi được xử lý hạ độ mặn. Các vi khuẩn cơ hội thường gặp là Gammaproteobacteria, nhưng số lượng đã giảm nhiều sau 7 ngày với nghiệm thức cho ăn Bdellovibrio BALOs. Chỉ số đa dạng sinh học trước và sau 7 ngày thử nghiệm vẫn không thay đổi đáng kể ở bể tôm có bổ sung nhóm vi khuẩn này.

Như vậy, việc giảm độ mặn được áp dụng hiện tại ở các trại giống không thể loại bỏ toàn bộ Vibrio trên tôm PL. Và sự thay đổi độ mặn này có thể làm xáo trộn thành phần vi sinh vật trong đường ruột tôm ở bất kì giai đoạn nào của chu kỳ sống. Chỉ số đa dạng sinh học có giá trị lớn hơn 2.0 thì chứng tỏ hệ vi sinh vật trong cơ thể tôm PL đang ở một trạng thái khỏe mạnh. Bằng chứng là tỷ lệ tăng cân tích lũy tốt hơn và tỷ lệ sống cao hơn ở nghiệm thức cho ăn bổ sung nhóm vi khuẩn Bdellovibrio.

Thêm nữa nếu bổ sung Bdellovibrio từ ban đầu vào nước bể thí nghiệm còn có tác động rất tích cực đến chức năng và cả về thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột tôm, tăng cường tính đa dạng sinh học và cả chức năng của chúng.

Về mặt quản lý sức khỏe và dịch bệnh, các chiến lược xử lý tập trung vào một mầm bệnh cụ thể dường như không phù hợp và có thể nói là lỗi thời về quan điểm quản lý sinh thái. Vì vậy, chiến lược hiện tại là phải quản lý toàn bộ vi sinh vật gây hại thay vì chỉ nhắm vào Vibrios. Dựa trên các nghiên cứu trước đây và cả thử nghiệm này thì Bdellovibrio là một nhóm vi sinh vật rất thích hợp được xem xét cho chiến lược tiếp cận trên.

Impact on gut microbiota health in L. vannamei postlarvae after salinity reduction treatment by Qingqing Cao Farhana Najnine Hongcao Han Bing Wu Junpeng Cai, Ph.D.Hà Tử – https://tepbac.com/

Multiplex PCR: Phát hiện nhanh, chính xác bệnh gan thận mủ

Multiplex PCR gan thận mủ
Multiplex PCR là phương pháp chẩn đoán bệnh chính xác, nhiều triển vọng trong phát triển nghề cá tra bền vững.

Phương pháp Multiplex PCR (PCR đa mồi) phát hiện nhanh và chính xác vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

Hiện nay, cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) đang là một trong những đối tượng thủy sản được nuôi chủ lực ở nước ta. Việc mở rộng quy mô nuôi công nghiệp với tốc độ phát triển chóng mặt là một trong những nguyên nhân lây nhiễm ngày càng nhiều các bệnh gây ra do nấm Achya sp., bệnh nhiễm trùng máu do vi khuẩn Aeromonas hydrophila. Trong số đó, bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra tỷ lệ chết có thể lên đến 90-100%, tùy vào các quản lý và kích thước cá. Do không phát hiện kiểm thời và định lượng hóa chất và kháng sinh sử dụng chính xác dẫn đến phát sinh ra bệnh này đã xuất hiện hiện tượng kháng với thuốc kháng sinh điều trị như streptomycine, tetracycline. Vì vậy, nhu cầu cần thiết có các phương pháp phát hiện kịp thời bệnh gan thận mủ trên cá tra là rất cần thiết.

Việc định danh vi khuẩn E. ictaluri phần lớn sử dụng các phương pháp sinh hóa truyền thống. Do vi khuẩn phát triển trên môi trường nuôi cấy tổng hợp 48 giờ ở 28oC nên phân lập, nuôi cấy, định danh kéo dài khoảng 4-7 ngày. Thời gian chuẩn đoán bệnh dài ngày nên thường không đáp ứng được nhu cầu đề xuất giải pháp trị bệnh cho các ao nuôi cá. Nên, phát triển phương pháp chẩn đoán nhanh và chính xác vi khuẩn này là rất cần thiết.

Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành nghiên cứu “phát hiện vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ trên cá tra (Pangasius hypophthalmus) bằng phương pháp Multiplex PCR” tạo điều kiện phát hiện nhanh bệnh gan thận mủ để có những can thiệp kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro mà bệnh mang lại. Đồng thời, tạo tiền đề để phát triển các bộ test kit nhanh đối với đối tượng nuôi cá tra với tác nhân gây bệnh là E. ictaluri.

Phương pháp Multiplex PCR phát hiện vi khuẩn E. ictaluri

Quy trình thực hiện: 

  1. Thu nhận, tách chiết DNA genome của vi khuẩn E. ictaluri
  2. Khảo sát động nhạy của các cặp mồi đặc hiệu
  3. Phân lập và thu nhận mẫu cá tra nhiễm bệnh
  4. Tiến hành thực hiện quy trình Multiplex PCR trên DNA tách chiết từ mẫu bệnh phẩm

Nguyên lý của Multiplex PCR:


Nguyên lí của Multiplex PCR (nguồn: http://www.premierbiosoft.com/)

Chỉ với một phản ứng PCR nhưng khuếch đại nhiều trình tự DNA (nhiều trình tự sẽ được khuếch đại cùng lúc sử dụng nhiều cặp mồi, tất cả các thành phần được bổ sung vào cùng một ống phản ứng). Do thực hiện nhiều phản ửng trong một ống nên việc thiết kế mồi đặc hiệu là vô cùng quan trọng vì để tránh trường hợp các cặp mồi bắt cặp chéo với nhau tạo thành các dimer primer dẫn đến việc khuếch đại không đặc hiệu. Có thể thiết kế mồi bằng phần mềm PrimerPlex cho phản ứng multiplex PCR.

Ở nghiên cứu trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng 3 cặp mồi khuếch đại tương ứng cho 3 gen trên cá tra là:

Sau khi khảo sát các cặp mồi đặc hiệu thì cặp mồi FserC/RserC và EiFd/EiRs được chọn để tiến hành Multiplex PCR. Kết quả thu được khi tiến hành trên 20 mẫu DNA được tách chiết từ mẫu bệnh phẩm.

Đối chứng dương là giếng 21, đối chứng âm là giếng 22, M: DNA marker. Giếng số 5,6 không xuất hiện vậy suy ra mẫu này âm tính. Trong khi mẫu 2,4 và 16 chỉ xuất hiện một đường của vạch 191 bp cho cặp mồi FserC/RserC. Chứng tỏ các giếng này dương tính với E. ictaluri. Như vậy, khi thử nghiệm phản ứng PCR đa mồi trên tổng số 20 mẫu cá thử nghiệm thì có 90% số mẫu dương tính với E. ictaluri và 10% số mẫu là âm tính. 

Như chúng ta đã thấy, nếu chỉ dùng PCR truyền thống với 1 cặp mồi thì khả năng xuất hiện âm tính giả rất cao trong mẫu kiểm tra, nhờ vào multiplex PCR mà đã độ nhạy của phản ứng đã được nâng lên giúp kiểm tra phát hiện vi khuẩn chính xác hơn. Ngoài ra, để hoàn thiện hơn cho phản ứng thì các nhà nghiên cứu nên sử dụng thêm chứng nội (internal control) để đảm bảo gần quá trình thực hiện của các phản ứng không xảy ra sai sót để đảm bảo tính chính xác hơn nữa.

Tóm lại, với 2 cặp mồi FserC/RserC và EiFd/EiRs đặc hiệu, phản ứng PCR đa mồi giúp phát hiện vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ trên cá tra. Trong tổng số 20 mẫu cá tra thu thập tại tỉnh Đồng Tháp, tỉ lệ nhiễm bệnh là 90%. Nồng độ DNA khuôn mẫu được sử dụng để phát hiện tác nhân gây bệnh là 20ng/µL. Việc sử dụng PCR đa mồi sẽ giúp khắc phục hiện tượng âm tính giả hay dương tính giả so với PCR đơn mồi. Nghiên cứu này cũng tạo tiền đề cho sản xuất bộ kit PCR phát hiện nhanh vi khuẩn Edwardsiella ictaluri là tác nhân gây bệnh trên đối tượng thủy hải sản.

Bài viết dùng thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn.Duy – https://tepbac.com/