Nhờ mạnh dạn thay đổi, nhiều nông dân ở phường Đông Hồ (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) đã đổi đời nhờ nuôi tôm tôm sú to bự thả chung ao với cua biển trên diện tích mặt nước nhiễm phèn mặn
Một trong những thành tích nổi bật của Hội Nông dân phường Đông Hồ (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) thời gian qua là thực hiện hiệu quả mô hình “Xây dựng mô hình nuôi cua thương phẩm kết hợp nuôi tôm sú quảng canh” ở khu phố 5.
Với mô hình cho tôm sú ở chung “nhà” với cua biển này, Hội đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu.
Theo Hội Nông dân phường Đông Hồ, vùng đất khu phố 5 trước đây là khu vực đất với cây lá dừa nước và rẫy.
Sau mùa lũ năm 2000, cây dừa nước chết toàn bộ vì đất đai nhiễm mặn. Nhận thấy sinh kế người dân bị ảnh hưởng, Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tìm hướng đi mới để nuôi trồng có hiệu quả.
Cũng từ đó, nơi đây đã chuyển đổi từ một vùng đất hoang hóa phèn mặn thành khu vực nuôi tôm – cua kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ thu lợi nhuận 200-250 triệu đồng/năm.
Năm 2018, giá trị sản lượng tôm – cua của khu phố 5 đạt hơn 140 tỷ đồng, tăng gần 49 tỷ đồng so năm 2016. Từ 32 hội viên ban đầu, đến nay có thêm hàng chục hội viên tự nguyện đăng ký tham gia tổ chức Hội.
Trong căn nhà tường vừa mới xây dựng, ông Trần Văn Phuông (51 tuổi, ngụ khu phố 5, phường Đồng Hồ, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang)-người có 20 năm chuyển đổi vùng đất toàn lá dừa nước sang nuôi tôm – cua, kể: “Ban đầu mới chuyển từ đất trồng lá dừa sang nuôi tôm cứ thất bại suốt. Nhờ Hội Nông dân tổ chức tập huấn, bà con nơi đây mới biết cách nuôi tôm sú xen canh cua biển và từ đó khá lên”.
Hiện với 2,5ha đất, ông Phuông thả tôm sú, cua, tôm thẻ chân trắng, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 250 triệu đồng/năm.
“Ban đầu tôi và bà con trong khu phố cũng chưa tin khi nghe Hội nông dân nói nuôi tôm và cua sống với nhau “hòa thuận” và có hiệu quả kinh tế cao. Vì trước giờ bà con cứ ninh ninh nếu cho tôm và cua ở chung ao, loài cua sẽ đi săn lùng và ăn thịt loài tôm. Nhưng khi Hội Nông dân phường Đông Hồ thực hiện mô hình tôm xen cua thí điểm, đạt hiệu quả cao, thì mới dám mạnh dạn làm theo”, ông Phuông nói.
Để từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức hội viên, nông dân, năm 2016, Hội Nông dân phường Đông Hồ phối hợp cấp ủy, chính quyền khu phố 5 vận động 64 hộ thực hiện thả tôm cua kết hợp thí điểm.
Qua vụ nuôi đầu tiên, các hộ thu hoạch cho hiệu quả cao ngoài mong đợi. Tiếp đó, Hội tiếp tục vận động các hội viên còn lại tiếp tục thả tôm cua kết hợp có điều chỉnh mật độ thả với 30.000 con tôm và 2.000 con cua/ha.
Qua vụ nuôi tôm cua kết hợp thứ 2, trung bình mỗi hộ đạt 250 kg tôm, 60 kg cua/ha, trừ chi phí, lãi 30 triệu đồng.
Tiếp nối thành công ban đầu, liên tục từ năm 2017 đến nay, Hội Nông dân phường Đông Hồ, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang tiếp tục vận động 100% cán bộ, hội viên khu phố 5 thả tôm – cua kết hợp.
Nhiều hộ khác nuôi tôm cua xen canh đạt hiệu quả kinh tế cao như ông Phan Văn Bằng, Nguyễn Hoàng Hải, với 4ha/hộ nuôi tôm – cua, lãi 200-250 triệu đồng/hộ/năm.
Ngoài tổ chức rút kinh nghiệm về nuôi xen canh tôm-cua, điển hình những hộ nuôi hiệu quả để hội viên rút kinh nghiệm, định kỳ tổ chức chuyển giao khoa học – kỹ thuật, Hội Nông dân phường Đông Hồ, TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) phối hợp với chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn mới và đáo hạn cho 91 hộ cán bộ, hội viên với số tiền 2,4 tỷ đồng đầu tư sản xuất.
Hội Nông dân cũng đã xây dựng dự án để 23 hộ nuôi tôm – cua vay ưu đãi 450 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Kiên Giang để đầu tư sản xuất.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý là việc áp dụng công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến trong nuôi tôm, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và doanh nghiệp. Đây là hướng đi mà tỉnh lựa chọn nhằm nâng cao giá trị và phát huy được tiềm năng thế mạnh về biển của địa phương.
Áp dụng công nghệ tiên tiến
Tại Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh do Tập đoàn Việt – Úc đầu tư tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà, chúng tôi được chứng kiến một quy trình công nghệ sản xuất tôm giống hiện đại, trong đó việc chọn lọc tôm bố mẹ có vai trò quan trọng. Tập đoàn đang sản xuất, chọn lọc tôm bố mẹ thế hệ thứ 9 do đơn vị nghiên cứu. Công nghệ xử lý nước trong sản xuất tôm giống được áp dụng xử lý bằng bồn lọc than, bồn lọc cát qua hệ thống khử trùng tuyệt đối, sau đó được trữ lại và qua hệ thống nâng nhiệt để bảo đảm duy trì nhiệt độ ổn định. Công nghệ ươm giống sử dụng công nghệ vi sinh với bí quyết là những loại vi sinh tăng sức bền cho con tôm, có sức chống chịu tốt, thích nghi môi trường; sử dụng công nghệ sinh khối tảo, phối trộn những loài tảo phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng của con tôm giống. Vì vậy, tôm giống luôn bảo đảm chất lượng tốt nhất.
Dự án Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh tại xã Tân Lập được khởi công xây dựng vào năm 2017 với tổng diện tích ban đầu hơn 300 ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, được xác định là điểm nhấn cho phát triển ngành sản xuất tôm công nghệ cao của Quảng Ninh. Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt – Úc Quảng Ninh Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Mẻ giống tôm thẻ chân trắng đầu tiên được sản xuất tại Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh đã đạt hơn 12 triệu con, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng ngoài mong đợi. Tập đoàn Việt – Úc vừa đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất giống với lộ trình phù hợp để nâng công suất sản xuất giống tại đây lên tám tỷ con giống/năm, đủ cung cấp cho thị trường Quảng Ninh cũng như các tỉnh phía bắc. Đồng thời, gấp rút triển khai chương trình nuôi tôm bố mẹ để chủ động nguồn tôm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Quảng Ninh.
Năm 2019, Tập đoàn Việt – Úc đã cung cấp cho thị trường khoảng 600 triệu con tôm giống chất lượng cao. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 350 triệu con tôm giống được xuất bán và dự kiến trong năm 2020, lượng tôm thẻ chân trắng sản xuất tại đây ước khoảng một tỷ con. Số trại sản xuất giống tăng từ sáu trại (năm 2019) lên 24 trại ở thời điểm hiện tại. Hiện đơn vị cũng đang đưa các nhà khoa học đầu ngành tới huyện Đầm Hà để tìm hiểu, nghiên cứu dự án nhân giống và nuôi sá sùng trên địa bàn. Tập đoàn đã sản xuất thành công tôm giống “Made in Quảng Ninh”, hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án không chỉ giải bài toán về con giống mà còn mở ra hướng phát triển mới cho ngành tôm của Quảng Ninh theo hướng hiện đại. Với chương trình chia sẻ hợp tác chiến lược, dự án Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh đang từng bước hiện thực hóa cam kết mục tiêu chiến lược xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm lớn nhất miền bắc.
Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà Trần Việt Dũng cho biết: Ngoài Tập đoàn Việt – Úc, đến nay, huyện đã thu hút được một số dự án quy mô lớn về nuôi thủy sản như: Dự án Trung tâm ương giống và nuôi thủy sản công nghiệp Đầm Hà, vốn đầu tư 200 tỷ đồng; đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại huyện Đầm Hà, vốn đầu tư 829 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển tại vụng Thoi Dây, xã Tân Lập, vốn đầu tư 68 tỷ đồng; dự án nuôi tôm công nghệ cao GFS tại xã Tân Lập của Công ty cổ phần quan hệ Quốc tế Đầu tư sản xuất với vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Mục tiêu của huyện là trở thành trung tâm sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tập trung lớn của tỉnh.
Xây dựng thương hiệu tôm Quảng Ninh
Nhận thấy rõ những ưu điểm của con tôm thẻ chân trắng, thời gian qua, Công ty CP Thủy sản Tân An đã chủ động ứng dụng công nghệ Biosipec nuôi tôm ba giai đoạn giúp thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất và cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu nuôi tôm, anh Phan Thanh Tuấn, cán bộ kỹ thuật của công ty cho biết: Thực chất của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ba giai đoạn là đầu tư kín. Nhờ áp dụng công nghệ vi sinh mà nuôi tôm theo quy trình này cách ly được môi trường dịch bệnh, nuôi với mật độ dày hơn, quản lý tốt được thức ăn và môi trường nuôi. Vì vậy, sẽ giúp nâng cao tỷ lệ tôm sống, tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích và nhất là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi. Điều quan trọng nhất của nuôi tôm ba giai đoạn là phải xây dựng và quản lý ao ương. Trong ao ương phải bố trí hệ thống sục khí bảo đảm ô-xy, nguồn điện phải chủ động. Ao ương phải có mái che và được xây dựng cao triều, để khi san tôm chỉ cần rút ống xả, lúc này môi trường nuôi đã cân bằng từ trước nên tôm dễ thích nghi, hạn chế xây xát tôm nuôi. Nuôi tôm theo công nghệ này sẽ nuôi được nhiều vụ trong năm nhờ rút ngắn thời gian cải tạo ao, ít bị dịch bệnh do quy trình nuôi khép kín, đồng thời hạn chế tối đa việc xả thải ra môi trường.
Với đặc thù có diện tích đất bãi triều ven biển tương đối lớn, nhiều ao, đầm, thị xã Quảng Yên có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Để phát huy lợi thế này, những năm qua Quảng Yên đã tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững. Đến nay, Quảng Yên đã quy hoạch 6.500 ha nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm, trong đó có 320 ha nuôi thâm canh và sản lượng tôm năm 2019 của thị xã đạt 2.500 tấn.
Xác định nuôi tôm là một ngành hàng kinh tế quan trọng, có vai trò lớn trong việc tạo việc làm cho người dân, góp phần ổn định kinh tế – xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng nhiều mô hình, dự án thử nghiệm thành công vào sản xuất đạt hiệu quả; đáng chú ý, ngành tôm đang tiên phong trong quá trình hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường ra nhiều nước trên thế giới. Chi Cục trưởng Thủy sản Quảng Ninh Đỗ Đình Minh cho biết: Chi cục luôn là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân có công nghệ nuôi tôm tiên tiến và các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh nhằm hợp tác, chuyển giao, tiếp nhận ứng dụng khoa học – công nghệ phù hợp với năng lực sản xuất, khả năng đầu tư của chủ các cơ sở nuôi tôm. Xây dựng các mô hình trình diễn có hàm lượng ứng dụng khoa học – công nghệ cao về nuôi tôm tại một số vùng nuôi trọng điểm, địa phương trong tỉnh để tạo động lực khuyến khích, nhân rộng và là nơi trao đổi kinh nghiệm, thông tin giữa các chủ cơ sở nuôi tôm, nhà khoa học, quản lý.
Hiện nay, các mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi trong nhà kính, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi ba giai đoạn,… đang được áp dụng rộng rãi; điển hình là những mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng tại Quảng Yên, Đầm Hà, Móng Cái,… cho năng suất nuôi trung bình đạt từ 8 đến 10 tấn/ha/vụ, cá biệt có những mô hình cho năng suất nuôi đạt từ 20 đến 25 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, đã có một số cơ sở đang áp dụng nuôi tôm trong nhà kính. Đây là mô hình được đánh giá có hiệu quả cao, áp dụng cho nuôi trong thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh Nguyễn Hữu Giang cho biết: Để đạt được các mục tiêu phát triển ngành tôm theo quy hoạch và định hướng của tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần rà soát điều chỉnh quy hoạch, đánh giá kết cấu hạ tầng, xây dựng các vùng nuôi tôm tập trung, phù hợp với quy hoạch, từng bước đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, dùng chung đồng bộ cho các vùng nuôi tôm trọng điểm, bảo đảm có ít nhất 70% diện tích vùng nuôi đã quy hoạch được đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Cùng với đó, phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện và vận hành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại huyện Đầm Hà. Tỉnh cũng xác định, xây dựng và phát triển thương hiệu tôm Quảng Ninh phải theo chuỗi, chiều sâu trên cơ sở quản lý có hiệu quả việc phát triển nuôi tôm theo quy hoạch, kế hoạch; hạn chế tối đa hiện tượng tự phát, phát triển nóng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển ngành thủy sản nói chung; trong đó đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại phát triển ngành nuôi tôm chất lượng cao; xây dựng thương hiệu tôm Quảng Ninh. Đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức, phát huy tính sáng tạo trong triển khai và cụ thể hóa các chính sách, huy động và phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế thủy sản toàn diện các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản, theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ cho du lịch, dịch vụ cao cấp, theo đúng quy hoạch phát triển ngành thủy sản của tỉnh.
Năm 2020, tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 9.400 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh đạt 4.000 ha; diện tích nuôi bán thâm canh/quảng canh cải tiến đạt 5.400 ha, chiếm 57,4%; tổng sản lượng tôm nuôi ước đạt 16.450 tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 40 triệu USD; tổng sản lượng tôm giống sản xuất ước đạt hơn 10 tỷ con giống.
Do tác động của dịch Covid-19, XK thủy sản của Việt Nam trong quý I giảm 10% và tiếp tục giảm 7% trong quý II đạt gần 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, sang quý III, XK thủy sản đã tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái đạt gần 2,4 tỷ USD. Sau khi hồi phục tương đương với cùng kỳ năm ngoài trong tháng 7 và tháng 8, kim ngạch XK trong tháng 9 ước đạt 790 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái và lũy kế 9 tháng đầu năm XK thủy sản ước đạt giảm 4% đạt gần 6 tỷ USD.
Xu hướng tiêu thụ thủy sản trên thị trường thế giới thay đổi, theo đó những sản phẩm phục vụ cho phân khúc dịch vụ như cá tra và một số sản phẩm có giá vừa phải bị sụt giảm nhu cầu vì yêu cầu giãn cách xã hội và lệnh phong tỏa ở các nước. Trong khi đó, nhu cầu thủy sản trong phân khúc bán lẻ vẫn ổn định hoặc tăng ở một số thị trường lớn như Mỹ, đó đó, XK tôm vẫn tăng mặc dù XK cá tra và các sản phẩm hải sản giảm. Ngoài ra, thiếu hụt nguyên liệu khai thác trong nước và NK cũng khiến cho XK hải sản sụt giảm.
Sản phẩm xuất khẩu
Trong số các sản phẩm XK chính, chỉ có tôm có mức tăng trưởng XK khả quan trong 9 tháng đầu năm, nhất là 6 tháng gần đây vì vậy kim ngạch XK tôm chiếm tỷ trọng chi phối, hơn 44% giá trị XK thủy sản của Việt Nam (so với năm 2019 chiếm 38,5%) trong khi cá tra liên tục sụt giảm XK dẫn đến chỉ chiếm 17,6% (giảm so với 23,6% cùng kỳ năm 2019). XK các mặt hàng hải sản đều sụt giảm, tuy nhiên tỷ trọng của hải sản trong tổng XK vẫn tương đương cùng kỳ năm ngoái (hải sản chiếm 38% tổng XK thủy sản).
Tôm: Ước XK tôm trong tháng 9/2020 đạt 369 triệu USD, tăng 20% và lũy kế tính đến cuối tháng 9/2020 XK tôm tăng 10% đạt 2,7 tỷ USD và giữ được tăng trưởng trong cả 8 tháng (trừ tháng 1 do nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó, XK tôm chân trắng đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng 14% và chiếm 71%; XK tôm sú đạt 424 triệu USD, giảm 15% và chiếm 16%. Trong 4 tháng gần đây, XK tôm chân trắng càng có xu hướng tăng mạnh hơn so với những tháng trước, tăng khoảng 14-15% so với cùng kỳ, tập trung tăng mạnh các sản phẩm tôm chân trắng chế biến mã HS16, tăng 22% (tôm chân trắng HS16 chiếm tới 47,5% tổng XK tôm chân trắng).
Từ quý III, các DN tôm tăng tốc XK sang Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc. XK sang các thị trường khác như Anh, Canada vẫn duy trì tăng trưởng khả quan từ đầu năm đến nay. Duy có thị trường EU bị sụt giảm liên tiếp qua 2 quý: giảm 4% trong quý I và tiếp tục giảm sâu gần 10% trong quý II. Tuy nhiên, XK bắt đầu phục hồi 2% từ tháng 7 và tăng mạnh 16% trong tháng 8/2020 cho thấy thuế NK tôm đông lạnh vào EU giảm về 0% (theo hiệp định EVFTA) đã tác động tích cực đến XK sang thị trường này.
Cá tra là mặt hàng có doanh số XK giảm sâu nhất trong cả quý I (giảm 29%) và quý II (giảm 32%), tiếp tục giảm 27% và 29% trong tháng 7 và tháng 8. XK cá tra trong tháng 9 tiếp tục giảm 14% với doanh số đạt 135 triệu USD, đưa kết quả XK lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 28% đạt khoảng 1 tỷ USD. Dịch bùng phát trên toàn thế giới, nhu cầu cá tra sụt giảm mạnh tại các thị trường NK chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN do giãn cách xã hội làm giảm tiêu thụ ở phân khúc HORICA. Trong khi đó, nguồn cung trong nước và lượng tồn kho tăng, càng khiến cho XK cá tra khó khăn. XK sang tất cả các thị trường đều giảm liên tiếp trong 9 tháng qua, trừ thị trường Anh tăng trưởng mạnh 24% và sẽ là thị trường bù đắp cho sự sụt giảm của các thị trường khác trong những tháng cuối năm, cùng với thị trường Mỹ cũng đang có xu hướng hồi phục từ tháng 7 dù chỉ tăng nhẹ 2-4%.
Hải sản: Dịch Covid 19 khiến giao dịch với các thị trường sụt giảm. Ngoài ra đối với các mặt hàng hải sản như cá ngừ, mực, bạch tuộc thì XK thêm khó vì thiếu nguyên liệu do giãn cách xã hội khiến hoạt động đánh bắt thủy sản giảm, sản lượng khai thác ít, việc NK nguyên liệu từ các nước cũng khó vì thiếu và vì lệnh phong tỏa. Tổng XK hải sản 8 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019.
XK cá ngừ 9 tháng năm giảm 13% đạt 475 triệu USD, trong đó giảm 10% trong quý I và giảm sâu hơn (-28%) trong quý II. XK trong tháng 7 và tháng 8 có xu hướng hồi phục so với những tháng trước nhưng so với cùng kỳ chỉ tăng nhẹ 1,8% trong tháng 7 và giảm 2% trong tháng 8, ước XK trong tháng 9 tăng nhẹ 8% đạt 57 triệu USD. DN cá ngừ đang kỳ vọng vào việc thúc đẩy XK sang EU sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực tứ 1/8/2020, với mức thuế ưu đãi về 0% cho 11.500 tấn cá ngừ hộp XK và mức thuế 0% cho cá ngừ đông lạnh. Tuy nhiên, sau 1 tháng thực hiện EVFTA, kết quả XK cá ngừ sang EU không có dấu hiệu khả quan, vẫn giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
XK mực, bạch tuộc 9 tháng đầu năm 2020 giảm 7% đạt 398 triệu USD, trong đó XK mực chiếm 55% và XK bạch tuộc chiếm 45%. Sau khi giảm mạnh 24% trong quý I, XK mực, bạch tuộc trong quý II có chiều hướng khả quan hơn nhưng vẫn giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. XK trong tháng 7 giảm 3% nhưng sang tháng 8 tăng mạnh 22% cho thấy thị trường đang có tín hiệu khả quan, XK trong tháng 9 tiếp tục tăng mạnh 24% đạt 53 triệu USD.
Từ tháng 8, XK mực, bạch tuộc sang EU tăng nhẹ 1,4% có thể là tín hiệu tốt với hy vọng XK sang thị trường này những tháng tới sẽ tăng nữa, khi một số mã hàng đông lạnh và chế biến được giảm thuế về 0% theo hiệp định EVFTA.
Thị trường nhập khẩu
9 tháng đầu năm, Việt Nam XK thủy sản sang 154 thị trường. Top 6 thị trường gồm Nhật Bản, Mỹ, Trung Quôc, EU, Hàn Quốc và ASEAN chiếm gần 80% kim ngạch XK. Trong quý I, XK sang Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc và EU sụt giảm, trong khi XK sang Nhật Bản và Mỹ vẫn tăng nhẹ, do dịch Covid 19 lây lan chủ yếu ở khu vực châu Á. Sang quý II, dịch bùng phát mạnh trên thế giới nhất là Mỹ và châu Âu, trong khi lắng xuống ở các nước châu Á dẫn đến xu hướng XK sang các thị trường đảo chiều. Theo đó, XK thủy sản trong quý II sang Trung Quốc tăng, trong khi giảm tại các nước khác. Sang quý III, XK sang Mỹ tăng mạnh, sang Hàn Quốc hồi phục nhẹ, trong khi XK sang các thị trường khác đều giảm. XK sang EU trong tháng 8 tăng nhẹ 1% sau khi giảm liên tục trong 6 tháng trước, do XK tôm, mực, bạch tuộc sang thị trường này tăng.
Mỹ: Ước XK thủy sản sang Mỹ tháng 9 đạt 135 triệu USD, tăng 6%, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, XK thủy sản sang Mỹ đạt trên 1,16 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang thị trường này chỉ giảm sâu trong tháng 4 và tháng 5 vào đỉnh dịch Covid lần 2, nhưng sau đó hồi phục mạnh nhờ XK tôm sang thị trường này tăng.
Nhật Bản: XK thủy sản sang Nhật Bản trong tháng 9/2020 ước đạt 100 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019, Ước lũy kế 9 tháng đầu năm, XK thủy sản sang Nhật Bản giảm nhẹ 6% đạt trên 1 tỷ USD. XK trong quý I tăng nhẹ 2% nhưng sang quý II lại giảm gần 6%, tiếp tục giảm 9% và 8% trong 2 tháng đầu quý III.
Trung Quốc đã vượt qua EU trở thành thị trường NK thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020. Sau khi giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm do tác động của dịch Covid-19, XK thủy sản sang Trung Quốc bắt đầu ổn định và hồi phục dần từ tháng 3. Riêng trong quý II, Trung Quốc đứng đầu về NK thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, từ tháng 7, XK sang thị trường này giảm mạnh (giảm 9% và 10% trong tháng 7 và tháng 8) do Trung Quốc hạn chế NK tôm đông lạnh. XK sang Trung Quốc trong tháng 9 ước đạt 190 triệu USD, tăng mạnh 50% so với cùng kỳ năm ngoái, do vậy lũy kế 9 tháng đầu năm, XK thủy sản sang Trung Quốc tăng nhẹ 2% đạt 975 triệu USD.
EU: XK thủy sản sang EU sụt giảm liên tiếp trong 2 quý: giảm 16% trong quý I và tiếp tục giảm 20% trong quý II đạt 218 triệu USD; XK sang thị trường này trong tháng 7, tháng 8 có chiều hướng tốt hơn, nhưng so với cùng kỳ năm 2019 chưa có sự đột phá đáng kể. Ước XK trong tháng 9 sẽ hồi phục mạnh hơn với mức tăng 13% đạt 92 triệu USD, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 692 triệu USD, giảm 11%. Dịch Covid-19, giãn cách xã hội khiến cho XK thủy sản sang 3 thị trường chính giảm sâu: Italy giảm 30%, Đức giảm 14% và Hà Lan giảm 30%.
Tỷ trọng của thị trường này giảm xuống còn 12% vì 2 nguyên nhân cơ bản: Anh rời khỏi EU từ ngày 1/2/2020 và Covid làm giảm nhu cầu và ảnh hưởng đến giao thương thủy sản. Các DN thủy sản Việt Nam đang kỳ vọng vào hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 sẽ đem lại cơ hội đẩy mạnh XK các sản phẩm thủy sản sang EU, nhất là các sản phẩm tôm đông lạnh, cá ngừ đông lạnh, mực, bạch tuộc đông lạnh và chế biến sẽ được giảm thuế về 0% ngay từ 1/8 tới. XK tôm đang có dấu hiệu tốt từ tháng 7, mực bạch tuộc và cá ngừ có thể tăng nhẹ.
Hàn Quốc: Lũy kế đến cuối tháng 9, XK thủy sản sang Hàn Quốc giảm 2% đạt 553 triệu USD, trong đó XK trong tháng 9 ước đạt 64 triệu USD, tăng 5%. XK sang thị trường này giảm nhiều ở các mặt hàng hải sản: cá ngừ giảm 40%, mực, bạch tuộc giảm 6%, XK cá biển khác và cua ghẹ cũng giảm sâu 12% và 39%.
Đối với mặt hàng tôm, Hàn Quốc là thị trường ổn định với mức tăng 7% XK của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Hàn Quốc chủ yếu NK tôm chân trắng (chiếm 83%), trong khi tôm sú chiếm 5%. Tuy nhiên, năm nay XK tôm sú sang Hàn Quốc tăng mạnh 25%.
Dự báo
Trong bối cảnh dịch Covid vẫn còn diễn biến phức tạp, bùng phát đợt 3 tại các thị trường và xuất hiện trở lại trong cộng đồng trong nước, XK thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm chưa thoát được cơn khủng hoảng suy giảm do nhu cầu giảm, do sản xuất bị ảnh hưởng khiến nguyên liệu chế biến giảm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội ở các thị trường. Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh XK tôm, nhất là tôm chân trắng vì sản phẩm này vẫn tiêu thụ tốt tại phân khúc bán lẻ, đồng thời Việt Nam có thể tăng chế biến và XK các sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu như cá ngừ và cá biển khác đóng hộp.
Đối với thị trường EU, mặc dù Covid làm giảm nhu cầu và gây khó khăn cho giao thương thủy sản nhưng tôm chân trắng cũng đang có chiều hướng tăng tiêu thụ trên thị trường này. Ngoài ra, các mặt hàng thủy sản như tôm, cá ngừ, mực bạch tuộc và nhuyễn thể được hưởng thuế 0% khi hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy XK sang thị trường EU tăng trong những tháng cuối năm nếu các DN có nguồn nguyên liệu tốt và tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan.
Đối với thị trường Trung Quốc, dự báo nhu cầu sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm, khi nguồn cung trong nước của Trung Quốc bị sụt giảm do Covid.
XK sang Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ vẫn duy trì ổn định, không tăng đột phá nhưng sẽ tăng tốt với mặt hàng tôm trong những tháng tới.
Dự báo XK thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tôm tăng 9% đạt 1,1 tỷ USD, cá tra giảm 31% đạt 365 triệu USD, các mặt hàng hải sản đạt khoảng 854 triệu USD, tăng 7,5% với cùng kỳ năm 2019.
Với dự báo trên, XK thủy sản của cả nước năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,23 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2019, trong đó tôm ước đạt gần 3,7 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,4 tỷ USD, trong khi XK hải sản đạt hơn 3,1 tỷ USD, giảm 3%.
Sáng ngày 5/10, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Tổng Cục Thủy sản, Hội nghề cá Việt Nam tổ chức diễn đàn tôm Việt 2020 với chủ đề “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển bền vững mô hình tôm lúa ở đồng bằng sông Cửu Long”. Tham gia diễn đàn, có ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản và hơn 400 diễn giả, đại biểu là các nhà khoa học tại các Viện, Trường trong cả nước và nông dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Tại diễn đàn, các biểu được nghe các diễn giả, đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và một số ứng dụng trong quá trình sản xuất tôm lúa hiện nay. Đặc biệt là hướng sản xuất tôm lúa thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường. Trong đó hướng đến các giải pháp phát triển mô hình tôm – lúa theo hướng sản xuất bền vững, hữu cơ “ lúa thơm-tôm sạch” tại vùng ĐBSCL; nâng cao trình độ kỹ thuật; liên kết chặt chẽ từ cung cấp đầu vào đến đầu ra của con tôm, của lúa – nhất là các giống lúa mới có chất lượng và giá bán cao như ST24, ST25. Đây là quy trình sản xuất khá nghiêm ngặt về tiêu chuẩn canh tác như: đảm bảo không sử dụng các hóa chất, thuốc BVTV mà chuyển sang sử dụng các sản phẩm sinh shọc, sản xuất theo quy trình phía doanh nghiệp đưa ra. Bù lại sản phẩm làm ra sẽ có giá trị khá cao, đáp ứng nhu cầu sản phẩm sạch trong nước và thế giới, mở ra hướng xuất khẩu với số lượng rất lớn mang lại lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và nông dân tại vùng tôm lúa ĐBSCL.
UBND tỉnh Bạc Liêu và Tổng Cục Thủy sản, Hội nghề cá Việt Nam chủ trì diễn đàn.
Bên cạnh đó, các đại biểu, khách mời cũng đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong canh tác tôm – lúa thành công, trao đổi thẳng thắn những khó khăn trong sản xuất, đặt ra nhiều câu hỏi tập trung vào các giải pháp phát triển mô hình tôm – lúa theo hướng hữu cơ, bền vững, các giải pháp xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị tôm – lúa và nâng cao chất lượng, sản lượng mô hình tôm – lúa. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất tôm lúa, tác động ngày càng gay gắt của thời tiết đối với mô hình tôm lúa.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Đây là điều kiện thuận lợi để Bạc Liêu có thể trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc phát triển mô hình này. Vì Vậy, những đóng góp, chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp góp phần cho thành công, tiến bộ chung của ngành nông nghiệp Việt Nam; tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Việc áp dụng những giải pháp sản xuất hiệu quả; áp dụng các giải pháp công nghệ nuôi tiên tiến, phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng tôm, lúa sẽ mở ra bước phát triển ổn định, bền vững và thân thiện môi trường của mô hình này, trực tiếp mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Lư Dũng – Văn hóa doanh nghiệp
Thời tiết càng xấu, mưa lớn càng kéo dài, càng làm các thông số môi trường biến động nhiều hơn, sức khỏe tôm cá càng yếu hơn.
“Nắng mưa là chuyện của trời”. Từ xưa đến nay, thời tiết là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nuôi tôm cá ở các hệ thống quảng canh cũng như thâm canh. Nhất là khi trời mưa bão, nhiệt độ hạ thấp đột ngột sẽ ngăn cản hoạt động của các enzyme có chức năng xúc tác tất cả các quá trình sinh lý của cơ thể tôm cá. Từ đó chúng khó có thể hoạt động một cách bình thường. Tuy nhiên, đáng lo hơn cả là mưa bão sẽ làm môi trường nước biến đổi rất lớn, trên nhiều thông số khác nhau. Do vậy nhất thiết cần phải có những biện pháp ”cấp cứu” kịp thời cho tôm cá trong mùa mưa bão.
Mưa bão làm môi trường nước thay đổi
Khi có bão sẽ đi kèm theo những cơn mưa lớn, dai dẳng. Điều này làm các chỉ tiêu chất lượng nước bị xáo trộn mạnh mẽ. Trước hết phải kể đến đó là oxy hòa tan (DO), thông số quan trọng nhất trong ao nuôi này sẽ càng ngày càng giảm sâu nếu mưa cứ kéo dài liên tục. Điều này cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy sau đó. Trước hết phải đề cập đến việc nguồn oxy này, ngoài chức năng duy trì sức khỏe tôm cá, còn cung cấp cho các vi khuẩn hiếu khí sử dụng, để phân giải các chất thải hữu cơ nơi đáy ao. Ngoài ra tảo trong ao cũng sẽ sử dụng một phần oxy để sinh trưởng và phát triển. Vì vậy, nếu thiếu đi một lượng lớn oxy hòa tan, chắc chắn là tôm cá nuôi sẽ bị tác động đến sức khỏe, các hoạt động và cả sức đề kháng của chúng với mầm bệnh. Chất thải hữu cơ tích tụ nhiều, không được phân hủy sẽ trở thành nguồn phát sinh các khí độc, cộng thêm việc tảo sẽ tàn và gây độc cho tôm cá nuôi.
Đối với những ao đất, bờ ao sẽ bị mưa rửa trôi, làm nước ao rất đục với độ lơ lửng trong nước rất cao. Nhiệt độ trong ao cũng hạ thấp, sự phân tầng nhiệt độ diễn ra rõ rệt. Tôm cá vì vậy sẽ tránh vùng nước lạnh, chỉ tập trung ở tầng đáy, nơi mà khí độc và mầm bệnh tồn tại, có thể gây hại trực tiếp cho chúng. pH nước cũng giảm thấp, do nước mưa có tính acid. Ngoài ra, khi nước mưa xuống ao quá nhiều, sẽ làm độ mặn trong nước hạ xuống đột ngột, làm biến đổi quá trình thẩm thấu của tôm cá, làm chúng dễ bị sốc. Độ mặn giảm còn làm khoáng chất và vitamin trong nước bị hạn chế, tôm cá không hấp thụ được. Gây biến đổi nhiều quá trình sinh lý trong cơ thể chúng.
Thời tiết càng xấu, mưa lớn càng kéo dài, càng làm các thông số môi trường biến động nhiều hơn, sức khỏe tôm cá càng yếu hơn.
Mưa bão làm suy giảm sức khỏe tôm cá
Khi môi trường ô nhiễm thì dĩ nhiên sức khỏe tôm cá cũng sẽ bị suy giảm. Mưa lớn kéo dài, tôm cá sẽ bỏ ăn, lượng ăn có thể giảm đến 50% và khi mưa lớn liên tục, chúng sẽ bỏ ăn hoàn toàn. Sau cùng, tôm chậm lớn và mềm vỏ, dị hình hay bị kích lột xác không hoàn toàn khi chưa hấp thu đủ khoáng chất cho cơ thể. Cá cũng vì thiếu dưỡng chất mà trở nên chậm chạp, lờ đờ.
Khi vi khuẩn tăng nhanh mật độ, chúng sẽ thừa cơ hội tôm cá yếu mà tấn công gây bệnh, tỷ lệ sống của vật nuôi giảm thấp dần. Cộng thêm việc khí độc phát sinh với độ độc ngày càng tăng cao. Từ đó sẽ ngăn chặn sự vận chuyển oxy trong máu tôm cá, làm ngưng trệ quá trình hô hấp của chúng. Riêng với gan tụy tôm, cơ quan hấp thu và bài thải dinh dưỡng trở nên lỏng lẻo, dinh dưỡng được hấp thu rất kém. Tôm cá dễ stress và sốc hơn trước những thay đổi của môi trường.
Hệ miễn dịch của tôm cá cũng không còn bảo vệ chúng một cách vững chắc như bình thường. Tôm cá đã không còn đủ sức chiến đấu khi mầm bệnh xâm nhập. Hoạt động của các enzyme xúc tác những quá trình sinh lý trong cơ thể tôm cá bị suy giảm. Khi đó, quá trình melanin hóa xảy ra, tôm bị đốm đen, sau đó tôm chết dần do nhiễm kép nhiều loại bệnh cùng một lúc. Đối với cá, nhớt trên da xuất hiện nhiều hơn, ngoại ký sinh trùng vì vậy mà dễ dàng bám dính gây hại.
Để hạn chế thiệt hại trong mùa mưa bão
Kiểm tra nhiệt độ môi trường thường xuyên để điều chỉnh lại lượng thức ăn cho vật nuôi. Khi nhiệt độ chỉ còn 25-26oC, thì phải giảm ít nhất 50% lượng cho ăn so với bình thường. Bắt đầu ngừng cho ăn khi nhiệt độ hạ thấp hơn 24oC. Giai đoạn này tôm cá không ăn nhiều, nếu cho ăn dư thừa lại làm ao nuôi càng ô nhiễm hơn. Trong các cử ăn nên bổ sung thêm men tiêu hóa, vitamin để tăng cường sức khỏe, chống stress cho tôm cá. Bổ sung thêm khoáng chất vào nước cho cả tôm cá và hệ vi sinh vật để chúng linh hoạt hơn, giúp tôm cứng vỏ nhanh hơn sau khi lột xác, giúp cá mạnh mẽ và lấy lại được cân bằng trong môi trường sống.
Phải chú ý chạy quạt thường xuyên khi trời mưa để hạn chế việc phân tầng nước và phân tán đều tôm cá. Tăng cường thêm số giờ chạy quạt trong ngày và số lượng quạt. Nếu có điều kiện nên trang bị thêm hệ thống cấp oxy đáy, giúp vi khuẩn có lợi hoạt động tốt hơn và hạn chế bớt vi khuẩn gây bệnh. Bón vôi sau mưa để ổn định pH, độ kiềm và độ cứng cho ao nuôi.
Ngoài tiêu chí ngon, sạch và rẻ, sản phẩm tôm có nguồn gốc rõ ràng đang là yếu tố quan trọng để chinh phục người tiêu dùng. Vì vậy, nhằm tạo niềm tin cũng như để tăng giá trị sản phẩm tôm thì việc cần làm là phải truy xuất được nguồn gốc.
Khái niệm
Truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất. Qua việc truy xuất thông tin, người dùng sẽ biết được các quá trình từ việc tìm kiếm nguồn giống, trang trại, chế biến, vận chuyển, phân phối và đến tay người tiêu dùng.
Yêu cầu
Đối với truy xuất nguồn gốc, các cơ sở sản xuất phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc một bước trước – một bước sau (có nghĩa là cơ sở phải lưu giữ thông tin để đảm bảo khả năng nhận diện được cơ sở sản xuất, kinh doanh/công đoạn sản xuất trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh/công đoạn sản xuất tiếp theo sau trong quá trình sản xuất, chế biến và phân phối đối với một sản phẩm được truy xuất), để đảm bảo khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm;
Việc truy xuất phải có khả năng thực hiện được thông qua các thông tin đã được lưu giữ, bao gồm cả việc áp dụng hệ thống mã số nhận diện (mã hóa) sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất của cơ sở;
Cơ sở phải lưu giữ và cung cấp thông tin đảm bảo khả năng xác định: lô hàng sản xuất; lô hàng nhận, cơ sở cung cấp và lô hàng xuất, cơ sở tiếp nhận. Cụ thể:
+ Đối với lô hàng nhận:
– Tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp lô hàng nhận;
– Thời gian, địa điểm giao nhận;
– Thông tin về lô hàng nhận (chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện);
+ Đối với lô hàng sản xuất: Thông tin về lô hàng sản xuất tại từng công đoạn (thời gian sản xuất, chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện lô hàng/mẻ hàng);
+ Đối với lô hàng xuất:
– Tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở tiếp nhận lô hàng xuất;
– Thời gian, địa điểm giao nhận;
– Thông tin về lô hàng xuất (chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện);
+ Riêng đối với lô hàng nguyên liệu tôm nhập khẩu để chế biến, cơ sở phải đảm bảo lưu trữ thêm thông tin về nước xuất khẩu.
Hệ thống quản lý dữ liệu, mã hóa các thông tin truy xuất nguồn gốc phải được lưu trữ bằng phương tiện phù hợp đảm bảo thuận lợi cho việc tra cứu và thời gian tối thiểu phải lưu trữ hồ sơ được quy định như sau: 6 tháng đối với sản phẩm tươi sống; 2 năm đối với sản phẩm đông lạnh, chế biến; 1 chu kỳ sản xuất đối với tôm giống.
Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất cũng phải có biện pháp phân biệt rõ lô hàng nhận/lô hàng sản xuất/lô hàng xuất để đảm bảo chính xác thông tin cần truy xuất.
Hệ thống
Hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm các nội dung chính sau:
Phạm vi áp dụng của hệ thống;
Thủ tục mã hóa, nhận diện nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm trong suốt quá trình sản xuất. Thủ tục mã hóa sản phẩm phải đảm bảo thuận lợi để truy xuất được các thông tin cần thiết từ công đoạn sản xuất trước;
Thủ tục ghi chép và lưu trữ hồ sơ trong quá trình sản xuất;
Thủ tục thẩm tra định kỳ và sửa đổi hệ thống;
Thủ tục truy xuất nguồn gốc (Ai? Làm gì? Làm như thế nào? Khi nào?);
Phân công trách nhiệm thực hiện.
Quy trình
Để xây dựng được quy trình truy xuất nguồn gốc tôm, cần tập trung 3 mắt xích chính: trại giống, cơ sở nuôi và nhà máy chế biến. Khi bắt đầu thực hiện một quy trình truy xuất tôm, nhà cung cấp giải pháp sẽ tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Tiến hành khảo sát về quy trình sản xuất sản phẩm từ trang trại đến nơi chế biến, vận chuyển và khi sản phẩm ra thị trường. Nhà cung cấp giải pháp sẽ theo dõi sát sao từng quá trình, công đoạn để hình thành sản phẩm đảm bảo cung cấp những thông tin cụ thể, chính xác tới khách hàng.
Bước 2: Lên quy trình thực hiện truy xuất nguồn gốc sao cho phù hợp với quy trình hoạt động và các quy chuẩn của doanh nghiệp. Để khi truy xuất, người tiêu dùng biết được từng công đoạn, từng thời điểm của quá trình hình thành, chế biến và phân phối.
Bước 3: Xây dựng biểu mẫu nhập thông tin sản xuất, nguyên liệu, thức ăn, chế phẩm vi sinh… Dựa vào biểu mẫu này, nhà cung cấp sẽ xây dựng sao cho phù hợp với đặc thù sản phẩm của mỗi khách hàng doanh nghiệp.
Bước 4: Thiết lập hệ thống phần mềm theo đúng yêu cầu của mỗi doanh nghiệp, để người dùng dễ thực hiện đồng thời thể hiện đầy đủ thông tin mà nhà cung cấp muốn gửi tới khách hàng.
Bước 5: Đào tạo sử dụng hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc, các quy chuẩn về nhập liệu thời gian thực giúp người dùng có thể dễ dàng tiếp cận cũng như sử dụng khi truy xuất nguồn gốc.
Bước 6: Nhà cung cấp triển khai phần mềm sử dụng trong thực tế, bảo hành và hỗ trợ trọn đời.
Trại giống –> trại nuôi trồng –> xưởng sản xuất, chế biến –> vận chuyển –> đại lý, siêu thị –> đến tay người tiêu dùng. Tại đây, người dùng sẽ tải phần mềm ứng dụng truy xuất nguồn gốc tôm và chỉ cần quét mã vạch QR Code trên sản phẩm. Nếu không đúng thương hiệu hoặc hàng giả, hàng nhái sẽ hiển thị những thông tin cảnh báo để người tiêu dùng tránh mua nhầm và ngược lại.
Một mô hình RAS nuôi cá rô phi đang hoạt động ở Missouri (Mỹ).
Nắm vững bản chất và mối quan hệ giữa các yếu tố nhạy cảm để quản lí chất lượng nước trong hệ thống RAS một cách hiệu quả.
Theo xu hướng phát triển hạn chế sử dụng tài nguyên như đất, rừng, nước nhưng vẫn đảm bảo sản xuất, ngành nuôi trồng thủy sản từ lâu đã bắt đầu các mô hình nuôi mới hiện đại tiên tiến như nuôi ao lót bạt mật độ cao, nuôi ao nổi, nuôi hệ thống bể,… Trong đó nuôi hệ thống bể áp dụng hệ thống tuần hoàn khép kín RAS mang lại hiệu quả và tính thiết thực cao.
Tuy nhiên đảm bảo các thông số về chất lượng nước trong hệ thống nuôi trồng khép kín RAS này là thách thức cực kì lớn trong vận hành và sản xuất.
Chất lượng nước
Kiến thức cơ bản về chất lượng nước trong RAS liên quan đến việc duy trì các biến số trong phạm vi thúc đẩy sự tăng trưởng trong khi có thể chống lại mầm bệnh đối với vật nuôi. Phân tích định kì chất lượng nước cần đo hàm lượng oxy hòa tan nhiều lần trong một ngày và thậm chí là đo các dạng nitơ hàng ngày, hàng tuần, điều này phụ thuộc vào lượng cho ăn.
Một trong những nguyên tắc quan trọng trong hệ thống RAS chính là làm sao giải quyết sự tích lũy nitơ gây độc, cũng như là yêu cầu sục khí trên một lượng thức ăn đưa vào chứ không phải là thu hoạch được bao nhiêu sinh khối. Ví dụ: Nếu cho một lượng nhỏ thức ăn khoảng 2g/m3 nước thì không cần bật sục khí để cung cấp oxy hay lọc sinh học loại bỏ nitơ, trong khi nâng lượng thức ăn lên nhiều hơn 200g/m3/ngày cả trong môi trường nước trong hay có tảo đều cần bật sục khí, lọc sinh học và loại bỏ vật chất rắn thông qua tốc độ tuần hoàn cao trong hệ thống.
Ngoài ra có thể áp dụng Biofloc trong hệ thống RAS, Biofloc kết hợp lượng thải nitơ và vật chất rắn trong những hạt floc bằng việc điều chỉnh tỉ lệ C/N trong nước nuôi. Hạt floc sẽ được tiêu thụ bởi các loài ăn tạp ăn được hạt chất rắn cao như cá rô phi và tôm. Hạt floc như bông, trôi nổi và đặc biệt là nơi trú ngụ của nhiều loài vi khuẩn và tảo. Biofloc điển hình có thể đạt lượng là 40ml/L được đo theo phương pháp ống đo hình nón của Imhoff khi lượng ăn càng tăng lên, nhưng thường sẽ được duy trì ở khoảng 10-20ml/L.
Áp dụng Biofloc trong hệ thống RAS.
Có lẽ cách đơn giản nhất để tránh được vấn đề này chính là thay nước, xả bỏ nước có hàm lượng dinh dưỡng thải cao ra ngoài và thêm nước không có bất kì nhu cầu oxy hay chất thải nitơ nào cả. Đề xuất giữ chất lượng nước này chính là thông qua sự thay nước 10% lượng nước mỗi ngày trong bể hay ao nuôi trong 1 ngày. Tuy nhiên, hàng năm ngành nuôi trồng đã tiêu tốn hàng tỉ đô la cho các thiệt hại từ dịch bệnh mà nguyên nhân là do sự thay nước. Thêm vào đó là sự phá hủy môi trường vùng ven biển do nguồn nước xả thải từ nuôi trồng thủy sản thường chứa nhiều hàm lượng chất hữu cơ cao, đòi hỏi nhu cầu oxy sinh học cao, dẫn đến sự chết ngạt của các loài hai mảnh vỏ như hàu và trai. Đây là một trong những lí do hệ thống RAS không thay nước ngày càng phổ biến.
Nhiệt độ
Nhiệt độ lí tưởng cho vật nuôi được xem là con số tạo nên sự phát triển nhanh và môi trường lành mạnh nhất. Càng gần với nhiệt độ lí tưởng thì hiệu quả sản xuất và kinh tế của RAS càng cao. Nhiệt độ cao hơn mức lí tưởng có thể được xem là bất lợi cho hiệu quả kinh tế và sinh học trong RAS. Trong khi đó nước lạnh hơn (trong ngưỡng cho phép) thì sẽ giữ được nhiều oxy hơn. Oxy là thông số năng động nhất trong các biến số và là yếu tố quan trọng để đo và duy trì một phạm vi bất kì trong RAS.
Oxy và Carbon dioxide (CO2)
Có nhiều loại sục khí được dùng trong hệ thống RAS, mỗi loại phụ thuộc vào kích cỡ và loài nuôi. Máy sục khí có 3 chức năng chính:
Nâng hàm lượng oxy hòa tan trong nước.
Trộn đều nước nuôi.
Khuếch tán khí CO2 từ nước vào không khí.
Vì có thiết kết khác nhau nên máy sục khí có những ưu và nhược điểm phù hợp các kiểu hệ thống RAS khác nhau. Máy sục khí hút thổi, hoặc thiết bị sục khí hoạt động như một venturi, đây là thiết bị chuyển đổi oxy hiệu quả nhất có thể sử dụng cho bất kì hệ thống nuôi trồng thủy sản nào, đặc biệt là trong nước lợ và mặn. Tuy nhiên, loại máy này lại không hiệu quả trong việc giải phóng khí CO2 ra không khí do sự xáo động thấp. Trong khi đó, máy sục khí theo chiều đứng lại có hiệu quả trong việc loại bỏ CO2 nhiều hơn là cung cấp oxy hòa tan. Những máy sục khuếch tán hay đá sủi bọt được cho là ít có tác dụng chuyển đổi oxy hòa tan và loại bỏ CO2.
Trong một số trường hợp, việc kết hợp các loại sục khí mang lại kết quả tối ưu nhất như một loại chuyển hóa oxy tốt và loại còn lại xáo động nước tốt. Oxy sẽ không được bơm trực tiếp vào hệ thống RAS nếu sinh khối thu hoạch không đạt 50kg/m3. Lí do là do chi phí cao từ việc vận hành các thiết bị xáo trộn và phân tách, giải phóng khí CO2 khỏi nước nuôi. Tuy nhiên, oxy nguyên chất có thể mang lại nhiều lợi ích sử dụng trong hệ thống sinh khối thấp vào các trường hợp khẩn cấp. Trong thập kỉ vừa qua, các máy đo oxy rẻ tiền trở nên phổ biến, độ chính xác dao động trong 10% và rõ ràng chúng sẽ không bền bằng các loại đắc tiền hơn. Oxy hòa tan thường được duy trì ở mức trên 4mg/L cho cả cá và tôm, ở mức cao hơn đối với các loại nhạy cảm hơn như cá hồi. Lượng DO thấp, CO2 cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự hô hấp của các loài động vật thủy sinh.
RAS dần trở nên phổ biến trong nuôi trồng thủy sản, từ những trang trại quy lớn, mức đầu tư cao… (Ảnh: Veolia Water Technologies)
Sự nguy hiểm của Carbon dioxide
CO2 là sản phẩm hô hấp không chỉ từ các loài vật nuôi trong hệ thống RAS mà còn từ sự sinh trưởng của vi khuẩn, thực vật phù dù trong nước và bất cứ bề mặt nào. Tổng lượng oxy hấp thu và CO2 thải ra từ vi khuẩn, tảo còn cao hơn nhiều so với động vật nuôi. Giới hạn lượng CO2 ở vật nuôi là từ 15-20 mg/L. Ở các hệ thống sử dụng máy sục khuếch tán có độ xáo động thấp, làm cho CO2 tích tụ sẽ tạo điều kiện làm giảm pH đến mức bất lợi, thường là dưới 7. Nếu lượng CO2 vượt quá 50 mg/L sẽ làm tôm và cá rơi vào tình trạng hôn mê. CO2 sẽ khó khuếch tán vào không khí khi đạt đến mức độ gây độc, do đó phòng ngừa chính là biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề hàm lượng CO2 cao.
Có nhiều cách và máy đo có sẵn để đo hàm lượng CO2, như phương trình liên hệ giữa hàm lượng CO2 với pH và độ kiềm. Việc sục khí đầy đủ, tăng sự xáo trộn, hay tăng tương tác giữa không khí và nước sẽ giúp loại bỏ lượng CO2 trong nước và giữ chúng ở mức giới hạn cho phép. Với sục khí thích hợp, xáo động nước đầy đủ sẽ giữ mực oxy hòa tan tốt, CO2 sẽ được giữ trong các hệ thống có sinh khối vừa (<5 kg/m3). Việc giữ độ kiềm (50-400 mg/L) thông qua việc thêm sodium bicarbonate (NaHCO3) và calcium hydroxide (Ca(OH)2) có thể giúp hạn chế việc dao động pH (giảm pH) từ việc tăng CO2. Duy trì độ kiềm và giữ CO2 ở mức thích hợp sẽ làm pH nằm trong khoảng tối ưu 7-8.4, thích hợp với hầu hết các loài nuôi trồng thủy sản.
Nitơ gây độc
Một trong những quan ngại hàng đầu trong thiết kế và vận hành hệ thống RAS chính là độc tố nitơ. Có 3 dạng nitơ cơ bản: dạng đầu tiên là sản phẩm thải từ việc chuyển hóa nitơ hoặc phân hủy protein chính là ammonia (NH3). NH3 sẽ tồn tại ở 2 dạng trong nước là NH3 gây độc và NH4+ dạng không độc. khi môi trường pH thấp sẽ có nhiều dạng NH4+ hơn là NH3. Mối quan hệ giữa NH3 và pH chính là khía cạnh quan trọng thứ 2 cần phải nắm rõ trong nuôi trồng thủy sản. Khi pH tăng thì độc tính NH3 sẽ tăng. Ví dụ: nếu trong quá trình nuôi khi ta nâng pH bằng việc thêm các thành phần kiềm như Ca(OH)2 và phần NH3 hiện diện trong nước nuôi có thể dễ dàng tăng lên đến 50% do đó tăng tỉ lệ chết cho vật nuôi. Giới hạn trên của NH3 trong RAS được quy định là ít hơn 0.05mg/L.
Nitrite (NO2–) là dạng thứ 2 của nitơ, rất độc đối với tất cả sự sống và có ít vi khuẩn có thể chuyển hóa thành dạng nitrate, yêu cầu NO2– phải ít hơn 2mg/L đối với tôm và cá rô phi; đối với những loài nhạy cảm hơn như cá hồi thì phải bằng không. Bằng việc tăng lên diện tích bề mặt trong hệ thống RAS, vi khuẩn tự dưỡng có thể tăng số lượng và chuyển hóa NH3 thành NO2– và thành nitrate (NO32-, dạng thứ 3 của nitơ và ít độc hơn). Nitrate là sản phẩm cuối cùng của chuyển đổi nitơ gây độc hiếu khí nên cần thay nước hoặc xử lí bằng quá trình kị khí để loại bỏ chúng thành dạng khí nitơ trở lại không khí. Các dạng nitơ đều có thể được đo bằng công cụ hay thuốc thử có chi phí thấp.
… đến những thiết kế trang trại nuôi theo mô hình RAS tiết kiệm hơn.
Chất thải rắn trong nước nuôi
Chất thải rắn này có thể tích lũy nhiều trong hệ thống nuôi trồng, chúng có thể trở thành nguồn cung cấp dinh dưỡng cho các loài ăn tạp như tôm và cá rô phi, và thật sự có hại đối với các loại nhạy cảm như cá hồi. Khoảng 50% thức ăn trong hệ thống RAS sẽ trở thành chất thải rắn. Chúng lắng đọng ở đáy bể nuôi, nếu không có sự chuyển động của nước trong vòng 30 phút thì chúng sẽ lắng đọng lại, những hạt mịn hơn sẽ không lắng được được gọi là chất rắn lơ lững. Thông thường, tôm có thể hấp thụ tới 400mg/L chất rắn lơ lững và 10 -50ml/L chất lắng đọng trong khi cá hồi sẽ không chịu được khi chất lơ lững hơn 20mg/L và có chất rắn lắng tụ. Chất rắn có thể được giữ đơn giản thông qua lắng trọng lực hoặc qua các máy phức tạp hơn như thùng quay hay lọc cát, do đó có thể phân tách và lấy chất thải rắn này ra.
Hiểu được chất lượng nước trong hệ thống RAS đòi hỏi phải nắm vững việc sử dụng bất kì biến số nào để có thể duy trì trong ngưỡng sản xuất có sự tăng trưởng cao nhất và môi trường sạch bệnh nhất. Hiểu được mối quan hệ giữa các biến số như CO2, pH và NH3 sẽ giúp tránh được các vấn đề trong quá trình sản xuất khi sinh khối ngày càng tăng, đặc biệt là các loài được nuôi trong hệ thống không có bất kỳ sự thay nước nào.