Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn, giảm chất thải

tôm thẻ 3 giai đoạn
Quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn cho kết quả nuôi tôm hiệu quả kinh tế cao.

Quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn, giảm chất thải đã được áp dụng thử nghiệm ở Nam Định, Nghệ An và Bạc Liêu cho kết quả nuôi tôm hiệu quả kinh tế cao, hiệu quả kỹ thuật tốt (tỷ lệ sống trên 80%, năng suất 35-60 tấn/vụ, FCR = 1-1,2), không sử dụng kháng sinh và giảm chất thải xả ra môi trường.

1. Chuẩn bị ao nuôi

1.1. Ao ương giống giai đoạn 1

a. Hình dáng và diện tích: Ao có hình tròn hoặc hình chữ nhật được bo tròn các góc, được làm nổi trên mặt đất, ao được lót bạt HDPE toàn bộ, có mái che, diện tích 50-100 m2/ao. Rốn ở giữa ao để gom chất thải ra ao chứa bùn.

b. Hệ thống sục khí: Mỗi ao lắp 01 máy sục khí oxy có công suất 3 kW/h với 10-20 cục sủi (bố trí khoảng 1 cục sủi/3 m2 ao ương) để phân bố oxy hòa tan đều khắp ao.

1.2. Ao nuôi giai đoạn 2

a. Hình dáng và diện tích ao nuôi: Ao nuôi nên có dạng hình tròn hoặc hình vuông được bo tròn các góc để tạo được dòng nước chảy tròn trong ao; diện tích ao nuôi 200 – 250 m2, có mái che.

b. Kết cấu ao nuôi: Bờ ao phải cao hơn mức nước cao nhất trong ao từ 0,3-0,5m. Hệ số mái bờ ao là 10 độ. Bờ ao đủ rộng (> 2m) để làm đường đi lại, lắp hệ thống điện, đặt động cơ của máy quạt nước. Bờ ao được gia cố bằng bê tông hoặc lót bạt HDPE (độ dày 0,76 – 1,00mm). Ao nổi hoặc chìm, được lót bạt HDPE toàn bộ. Rốn ao được thiết kế ở giữa ao và có hệ thống ống dẫn xi phong chất thải ở giữa ao và dẫn ra ao chứa bùn.

c. Hệ thống sục khí, quạt nước: Mỗi ao cần được bố trí 1 máy sục khí công suất 2,5 kW với khoảng 100-120 cục sủi rải đều khắp ao. Mỗi ao cần bố trí 1 quạt, có 8-12 cánh, công suất 2.5 kW.

1.3. Ao nuôi giai đoạn 3

a. Hình dáng và diện tích ao nuôi: Ao nuôi nên có dạng hình tròn hoặc hình vuông được bo tròn các góc để tạo được dòng nước chảy tròn trong ao; diện tích ao nuôi 500 – 1500 m2

b. Kết cấu ao nuôi: Bờ ao phải cao hơn mức nước cao nhất trong ao từ 0,3-0,5m. Hệ số mái bờ là 10 độ. Bờ ao đủ rộng (> 2m) để làm đường đi lại và lắp hệ thống điện, đặt động cơ của máy quạt nước và vận chuyển tôm khi thu hoạch. Bờ ao bằng đất có thể được gia cố bằng bê tông. Toàn bộ ao nuôi được lót bạt HDPE (độ dày 0,76 – 1,00mm). Rãnh thoát nước thải và bùn thải xi phong được thiết kế dọc theo bờ ao; chiều rộng khoảng 1,5m, chiều dài tùy theo chiều dài ao; có hệ thống ống dẫn xi phong chất thải ở giữa ao ra rãnh tự chảy hoặc bơm ra ao chứa bùn.

c. Hệ thống sục khí:

– Mỗi ao được bố trí 1 máy sục khí công suất 3,5 kW, với 150-200 cục sủi rải đều khắp ao. Các cục sủi được đặt song song, trước giàn quạt để oxy được phân bố đều khắp ao.

– Quạt nước: Mỗi ao có 2 giàn quạt công suất 3,5kW, 12-14 cánh/giàn. Vị trí đặt cách bờ ao khoảng 1,5m; các giàn quạt đặt so le để tạo thành dòng cho chất thải chỉ tích tụ ở vùng nhỏ tại rốn ao.

1.4. Ao chứa bùn

Ao chứa bùn được dùng để chứa bùn thải từ các ao nuôi xi phông ra. Chất thải được để lắng 2-5 ngày, sau khi bùn được chìm xuống, thì bơm nước cùng chất hữu cơ lơ lửng về ao lắng thô (ao thả cá rô phi) để cá rô phi xử lý chất hữu cơ lơ lửng.

1.5. Ao lắng thô

– Nước được lấy từ kênh cấp vào ao lắng, được lọc qua hệ thống lọc ngầm ở giữa ao.

– Cá rô phi được nuôi với mật độ 3-5 con/m2, cỡ cá không lớn hơn 50g/con nhằm mục đích xử lý nước ao nuôi tôm có hiệu quả để tái sử dụng nguồn nước. Ao lắng thô là ao đất được khử trùng, diệt tạp và thả cá rô phi trước khi nuôi tôm.

1.6. Ao xử lý nước

Ao xử lý nước được dùng để xử lý các chất hữu cơ, mầm bệnh. Ao được thiết kế cho nước chảy theo đường zic zắc từ đầu đến cuối ao. Tại ao này, nước được xử lý bằng các loại hóa chất nhằm lắng tụ các chất hữu cơ và diệt mầm bệnh.

1.7. Ao sẵn sàng

Ao sẵn sàng được dùng để chứa nước đã sạch mầm bệnh và đã được điều chỉnh chất lượng đạt các chỉ tiêu quy định trong QCVN 02 – 19 : 2014/BNNPTNT về nước dùng cho nuôi tôm chân trắng, trước khi cấp vào ao nuôi. Ao sẵn sàng nên đặt ở vị trí gần ao xử lý nước và các ao nuôi. Ao sẵn sàng được bố trí 1 hệ thống giàn quạt với 12-14 cánh, công suất 2,5 kW.

2. Quy trình vận hành và quản lý ao nuôi

2.1. Chuẩn bị nước cho ao ương giống lớn và các ao nuôi

– Nước được lấy từ kênh cấp chung qua bể lọc ngầm ở đáy ao vào ao lắng thô (ao nuôi cá rô phi) để lắng 1 đến 2 ngày. Sau đó được bơm sang ao xử lý nước hình zic zắc. Tại đường zic zắc đầu nguồn nước được xử lý bằng PAC (Poly Aluminum Chloride) với nồng độ 5 ppm và thuốc tím (KMnO4) với nồng độ 4-5 ppm. Tiếp đó nước được xử lý bằng TCCA với nồng độ 5ppm và Chlorine nồng độ 15ppm. Tại đường zic zắc cuối nguồn nước được bơm từ ao xử lý sang ao sẵn sàng. Tại đây, nước được bổ sung khoáng chất, kiềm và điều chỉnh pH. Khi nước ở ao sẵn sàng đạt tiêu chuẩn cấp vào ao nuôi thì được cấp vào ao ương và các ao nuôi với độ sâu 1-1,2 m.

– Kiểm tra hàng ngày đối với các chỉ tiêu: ô-xy hòa tan (DO), pH, độ mặn, độ trong, nhiệt độ; Kiểm tra 3-5 ngày/lần đối với các chỉ tiêu: độ kiềm, NH3, H2S bảo đảm giá trị của các thông số quy định ở các ao nuôi.

2.2. Giai đoạn 1: Ương tôm giống bằng công nghệ biofloc

a. Chọn giống và thả giống

* Chọn giống và vận chuyển giống

– Cỡ giống: PL12 trở lên, chiều dài 9 -11mm

– Tôm giống khỏe mạnh, đồng đều, nhanh nhẹn, không dị tật, dị hình. Tôm giống được mua từ trại giống có đủ điều kiện theo quy định của Bộ NN&PTNT và đạt yêu cầu chất lượng theo TCVN10257:2014.

– Trước khi đóng túi để vận chuyển, tôm cần được thuần hóa độ mặn và pH về các giá trị tương đương với giá trị của ao ương giống lớn.

* Thả giống

– Trước khi thả giống kiểm tra lại các chỉ tiêu môi trường nước ao ương, bổ sung khoáng chất và chế phẩm sinh học. Tôm giống sau khi đưa về cơ sở nuôi được cân bằng nhiệt độ với ao ương, trong khoảng thời gian từ 15 – 20 phút, rồi mới thả tôm.

– Thời điểm thả giống: Nên thả tôm giống vào buổi sáng (từ 6-8 giờ) hoặc vào chiều mát (từ 16-17 giờ);

– Mật độ ương: 2.000 – 4.000 con/m2

b. Gây floc ở ao ương giống lớn

– Thành phần: Sử dụng 180 lít nước ngọt sạch, cám gạo: 2 kg, 2 kg thức ăn tôm số 0 (43% protein), 5 kg rỉ mật đường, 1 kg muối ăn và 500g chế phẩm sinh học có thành phần gồm Bacillus subtilis 108 CFU/kg, Bacillis licheniformis 108 CFU/kg, Bacillus megaterium 108 CFU/kg, Bacillus polymyxa 108 CFU/kg.

– Sục khí liên tục 1-2 ngày, sau đó thì té đều xuống ao. Bổ sung liên tục trong 5 ngày đầu, bật quạt nước và sủi liên tục để tạo biofloc. Lượng rỉ mật đường và chế phẩm sinh học được điều chỉnh theo lượng thức ăn để đạt được tỷ lệ C/N là ≥ 12/1.

c. Chăm sóc và quản lý ao nuôi

– Trong tuần đầu tiên, tôm được cho ăn 8 lần/ngày bằng thức ăn số 0, 1. Tuần sau đó, tôm được cho ăn bằng thức ăn số 1, hàm lượng đạm đạt ít nhất 43%, với tần suất 7 bữa ngày và giảm xuống còn 6 bữa/ngày ở tuần 3. Đồng thời gây biofloc để làm thức ăn cho tôm. Hàng ngày theo dõi và kiểm soát thức ăn bằng cách dùng vợt xúc sát đáy ở khoảng giữa các cục sủi, theo dõi hàm lượng floc, các dấu hiệu bất thường của tôm để có biện pháp xử lý phù hợp.

– Thời gian ương: từ 25 – 30 ngày, đến khi tôm giống đạt cỡ 1.500 – 2.000 con/kg thì tiến hành chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2.

2.3. Giai đoạn 2: Nuôi tôm thịt bằng công nghệ biofloc và semibiofloc

a. Thuần hóa tôm và vận chuyển tôm giống lớn từ ao nuôi giai đoạn 1 sang ao nuôi giai đoạn 2

Trước khi chuyển tôm giống ở ao ương giống lớn sang ao nuôi giai đoạn 2, tôm cần được làm quen dần với môi trường nước ao nuôi giai đoạn 2.

Cách làm như sau: Thay 50% nước ở ao ương chuyển sang ao nuôi và lấy nước từ ao nuôi chuyển về đầy ao ương, tiến hành thuần hóa trong 2 ngày trước thời điểm chuyển tôm giống từ ao ương giống lớn sang ao nuôi giai đoạn 2. Sau đó toàn bộ nước ở ao ương giống lớn được chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2.

Mật độ nuôi: 350 – 800 con/m2

Cỡ tôm ương: 1.000 – 2.000 con/kg

Thời gian nuôi: 25 -30 ngày

b. Chăm sóc và quản lý ao nuôi

– Gây biofloc ở ao nuôi giai đoạn 2: Trước khi thả tôm từ 5-7 ngày cần tiến hành gây floc, cách làm như sau:

Thành phần: Sử dụng 180 lít nước ngọt sạch đã qua khử trùng, cám gạo: 2 kg, 2 kg cám tôm số 0 (43% protein), 5 kg rỉ mật đường, 1 kg muối ăn và 500g chế phẩm sinh học có thành phần gồm Bacillus subtilis 108 CFU/kg, Bacillis licheniformis 108 CFU/kg, Bacillus megaterium 108 CFU/kg, Bacillus polymyxa 108 CFU/kg. Sục khí liên tục 3-5 ngày, sau đó té đều xuống ao. Bổ sung liên tục trong 5 ngày đầu, bật quạt nước và sủi khí liên tục để tạo floc. Lượng rỉ mật đường và chế phẩm sinh học được điều chỉnh theo lượng thức ăn để đạt được tỷ lệ C/N là ≥ 12/1.

– Tuần đầu của giai đoạn 2: tôm được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein cao (>42% protein), cỡ số 1. Đồng thời gây floc ở ao nuôi.

– Từ tuần 2 của giai đoạn 2 đến hết giai đoạn 2: Tôm được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp với các cỡ phù hợp với ngày tuổi của tôm được ghi trên nhãn sản phẩm của cơ sở sản xuất thức ăn.

– Hàng ngày kiểm tra chất lượng nước, dấu hiệu bệnh do tác nhân sinh học của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời; Căn cứ vào tuổi, kích thước, trọng lượng và sức ăn thực tế (kiểm tra thức ăn dư trên sàng ăn) để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn của tôm.

– Thay nước: hàng ngày bằng 12-15% lượng nước trong ao. Nước được xi phông về ao chứa bùn để sau đó chuyển sang ao nuôi cá rô phi để cá rô phi xử lý và tái sử dụng nước.

2.4. Giai đoạn 3: Nuôi tôm thịt bằng công nghệ semibiofloc

– Mật độ nuôi: 150 -250 con/m²

– Thời gian nuôi: 30 – 60 ngày

– Khi tôm đạt cỡ 150 – 200 con/kg tiến hành chuyển toàn bộ tôm từ ao nuôi giai đoạn 2 sang ao nuôi giai đoạn 3.

– Trước khi tiến hành chuyển tôm, cần bơm nước vào ao nuôi giai đoạn 3 bằng với mực nước ao nuôi giai đoạn 2, bật các hệ thống quạt nước và sục khí của 2 ao nuôi.

– Gây biofloc ở ao nuôi: tương tự như ao nuôi giai đoạn 2

– Cho ăn: Căn cứ vào ngày tuổi và sức ăn thực tế để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm. Tôm được cho ăn 4 bữa/ngày, lượng thức ăn được điều chỉnh tùy thuộc vào khả năng ăn của tôm. Sử dụng sàng để kiểm tra lượng thức ăn thừa. Căn cứ vào lượng thức ăn còn lại trên sàng để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

– Hàng ngày kiểm tra chất lượng nước, dấu hiệu bệnh của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.

– Bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn: Trộn vào thức ăn tôm khoảng 1 -2 bữa/ngày vitamin C, B1, B12, v.v…và khoáng chất: Calcium sufate (CaSO4.2H2O), Potassium Chlorine (KCl), Postassium Magnesium Sulfate (K2SO4.2MgSO4), Potassium Sulfate (K2SO4) trộn vào thức ăn và cho ăn vào buổi sáng (8-9 giờ) hoặc chiều (15-16 giờ).

– Thay nước: Hàng ngày thay 15-20% lượng nước trong ao. Nước được xi phông về ao chứa bùn để sau đó chuyển sang ao nuôi cá rô phi để cá rô phi xử lý và tái sử dụng nước.

3. Thu hoạch

3.1. Chuẩn bị thu hoạch

Chọn thời điểm giá tốt và tôm đạt kích cỡ để thu hoạch. Trước khi thu hoạch theo dõi chu kỳ lột xác của tôm để không thu tôm khi vỏ mềm.

3.2. Thu hoạch

– Ao nuôi được làm cạn 50% lượng nước, dùng lưới quét kéo và thu tôm.

– Sau khi thu tôm xong thì xả lượng nước còn lại ra ao chứa bùn. Tại ao chứa bùn, nước được để lắng. Sau đó phần chất hữu cơ lơ lửng hòa tan trong nước được bơm sang ao lắng thô để cá rô phi xử lý để tái sử dụng cho vụ nuôi tiếp theo. 100% nước thải được cá rô phi xử lý sẽ được tái sử dụng cho ao nuôi, không xả thải ra môi trường. Phần chất thải rắn được thu gom để làm phân bón cho cây trồng.

– Cỡ tôm thu hoạch: 30-50 con/kg

– Tỷ lệ sống tính chung cho 3 giai đoạn: >80%

– Năng suất: 35-60 tấn/ha/vụ.

BBT-  TTKN Quốc Gia

Ngành tôm Ấn Độ đã vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 như thế nào?

Ngành tôm Ấn Độ đã vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 như thế nào?
Sau khi Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 vào tháng 3/2020 khiến vụ tôm mùa hè gặp rất nhiều khó khăn. Các chuyên gia dự báo ngành tôm Ấn Độ có thể bị lỗ 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ nước này và nguồn nhân công được cải thiện có thể giúp các DN tôm Ấn Độ duy trì hoạt động trong vụ tôm mùa đông.

Virút Corona đã ảnh hưởng xấu tới sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn thế giới và toàn chuỗi giá trị. Tôm nuôi Ấn Độ chịu ảnh hưởng bất lợi vì lệnh phong tỏa và dịch vụ thực phẩm đóng cửa. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản nước lợ Ấn Độ (CIBA), ngành tôm Ấn Độ có thể chịu lỗ 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021 do dịch bệnh Covid.

Khảo sát của CIBA chỉ ra rằng, các trại ương giống, trại nuôi, nhà chế biến, bán lẻ và nhà XK đã bị lỗ từ 30-40% doanh thu trong thời gian Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa.

Mặc dù đánh giá ban đầu khá nghiêm trọng, các nhà nghiên cứu của CIBA cho rằng các biện pháp bảo vệ nền kinh tế của chính phủ như kiểm soát giá và hỗ trợ DN duy trì công nhân trên bảng lương trong quá trình phong tỏa, đã giúp DN trụ vững được trong vụ tôm mùa đông.

Cuối tháng 9/2020, Ấn Độ có 6,22 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 97.000 người tử vong. Lệnh phong tỏa, bắt đầu từ 25/3/2020, gồm việc hạn chế đi lại và đóng cửa nhiều ngành kinh tế. Phần lớn lực lượng lao động của Ấn Độ phải ở nhà trong suốt thời gian phong tỏa. Mặc dù hiện Ấn Độ đã mở cửa trở lại nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của lệnh phong tỏa đối với chuỗi giá trị thực phẩm vẫn chưa chấm dứt.

Ấn Độ là nước sản xuất tôm lớn thứ 3 thế giới với doanh thu ước đạt 5 tỷ USD mỗi năm. Nước này XK 90% sản lượng tôm trong nước với Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản là những thị trường tiêu thụ lớn nhất. Ngành tôm Ấn Độ tạo việc làm cho 1,2 triệu nhân công trong chuỗi giá trị từ nuôi, chế biến, bán lẻ và XK.

Theo người nuôi tôm Ấn Độ, lệnh phong tỏa được áp dụng từ đầu vụ nuôi tôm mùa hè (từ tháng 3 đến tháng 7). Giai đoạn này Ấn Độ thu hoạch khoảng 60% sản lượng tôm mỗi năm trong khi vụ đông (từ tháng 8 đến tháng 12) thu hoạch lượng tôm còn lại.

Việc di chuyển trong nội bang hoặc giữa các bang rất quan trọng đối với ngành tôm Ấn Độ. Hoạt động nuôi, chế biến, sản xuất thức ăn và nghiên cứu nằm ở các khu vực khác nhau. Lệnh phong tỏa đã dẫn tới việc thiếu nhân công và gây sốc thị trường.

Ảnh hưởng của Covid đối với hoạt động sản xuất giống

Ảnh hưởng lớn nhất đối với các trại ương giống đó là thiếu nhân công, đặc biệt là những công nhân kỹ thuật cao. Mặc dù nhiều ngành kinh tế của Ấn Độ bị thiếu lao động trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay nhưng ngành nuôi trồng thủy sản là ngành bị tổn thương nhiều nhất vì thiếu lao động. Hoạt động sản xuất của ngành tôm không thể linh hoạt và phụ thuộc thời gian nên việc đột ngột thiếu nhân công lành nghề khiến các trại ương giống không thể đáp ứng được hết các hợp đồng đã ký.

Ảnh hưởng thứ hai của lệnh phong tỏa là nhu cầu XK và tiêu dùng tôm giảm. Do chủ các trại giống không thể chắc chắn được đầu ra của tôm giống, việc giữ lại tôm hậu ấu trùng (postlarvae) chưa bán được sẽ gây thua lỗ. Theo khảo sát của CIBA, phần lớn các trại ương giống lúc đó đã bỏ nguồn tôm giống do bất ổn kinh tế.

Một khó khăn nữa cho các trại ương giống là sự phụ thuộc vào nguồn giống bố mẹ sạch bệnh (SPF). Giống như hầu hết các lô hàng quốc tế, NK tôm giống bố mẹ SPF bị tạm thời đình trệ trong thời gian phong tỏa. Các chủ trại ương giống cho rằng nguồn cung giống bố mẹ hiện tại không đủ để đáp ứng nhu cầu. Điều này ảnh hưởng tới khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị nuôi tôm và gây ảnh hưởng tới các khâu còn lại.

Ảnh hưởng của Covid đối với người nuôi tôm

Lệnh phong tỏa được áp dụng vào cuối tháng đầu tiên của vụ tôm hè. Theo khảo sát, 27% người nuôi, đã chuẩn bị ao để thả nuôi, không thể hoàn thành chu kỳ sản xuất ba giai đoạn. Người nuôi gặp khó khăn để có được các vật tư đầu vào như thức ăn nuôi tôm và giống và nhu cầu tôm thành phẩm cũng khó dự đoán.

25% trại nuôi trong giai đoạn một (dưới 30 ngày trong vụ nuôi) khi lệnh phong tỏa bắt đầu. 34% trong giai đoạn hai (tôm có 30-80 ngày tăng trưởng) và 14% trong giai đoạn ba (tôm đã có hơn 80 ngày trong môi trường ao nuôi). Các trại nuôi trong giai đoạn ba cho biết họ có thể thu lại được lợi nhuận nhỏ tuy nhiên các trại nuôi khác không may mắn như vậy. Một số công ty nuôi đã phải thu hoạch tôm nhỏ để bán với giá thấp để tránh lỗ nặng hơn trong thời gian kế tiếp.

Tuy nhiên, ngay cả khi “bán tháo” như vậy, các nhà sản xuất không thể có đủ xe tải cách nhiệt hoặc nhân công để thu hoạch và vận chuyển tôm. Thậm chí khi hợp đồng được ký, lệnh phong tỏa khiến các nhà sản xuất không thể tiếp cận với các nhà chế biến hay tiếp thị sản phẩm của họ. Nhiều người nuôi bị lỗ trong vụ tôm hè.

Các phòng thí nghiệm phân tích đóng cửa trong thời gian phong tỏa cũng là một thách thức cho người nuôi. Người nuôi cần các phòng lab này để theo dõi chất lượng nước và sức khỏe của tôm trong suốt vụ nuôi. Người nuôi sẽ không thể dễ dàng quản lý chất lượng nước hoặc phát hiện bệnh trên tôm trong vụ nuôi.

Giống các trại ương giống, người nuôi cũng gặp khó khăn trong việc thuê thêm và duy trì nhân công trong thời gian phong tỏa.

Ảnh hưởng tới chế biến và bán hàng

Các nhà chế biến tôm gặp khó khăn về nguồn lao động. Lao động nhập cư – chiếm phần lớn trong số lao động tay nghề cao tại các nhà máy chế biến – quay về quê trong thời gian phong tỏa. Điều này không thể làm chậm thời gian chế biến mà còn làm giảm chất lượng tôm sau khi được chế biến. Yêu cầu về giãn cách xã hội và đảm bảo thiết bị bảo vệ cá nhân cho người lao động cũng là một thách thức với các nhà chế biến tôm.

Nhiều nhà chế biến cho biết, các đơn hàng tôm không đủ lớn để vận hành thiết bị chế biến. Thực tế người nuôi thu hoạch ồ ạt tôm chưa đủ kích cỡ chế biến, cũng làm tăng khó khăn cho các nhà chế biến.

Các nhà chế biến cho biết, đơn hàng XK giảm mạnh gây áp lực lên các kho lạnh tại Ấn Độ. Tồn kho chưa bán tăng ở các cảng chính vì các thị trường NK tôm Ấn Độ đóng cửa các dịch vụ thực phẩm. 

Mặc dù chính quyền bang Andhra Pradesh đã ấn định giá thu mua tối thiểu cho các kích cỡ khác nhau của tôm đã thu hoạch để ổn định thị trường. Những người tham gia khảo sát cho rằng chính sách này không đủ chặt chẽ. Các nhà chế biến thường từ chối trả giá cố định và nói với người nuôi rằng tôm chưa đủ chất lượng.

Các nhà nghiên cứu của CIBA ước tính sự gián đoạn liên quan đến Covid-19 có thể khiến giảm 30-40% trong mỗi khâu của toàn chuỗi giá trị nuôi tôm. Năm 2020, ngành tôm Ấn Độ có thể lỗ 1,5 tỷ USD. Khâu XK tôm có thể chịu ảnh hưởng giảm lớn nhất, gây áp lực lên giá tôm.

Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng giảm thiểu tác động xấu của dịch bệnh Covid. Ngay sau khi lệnh phong tỏa bắt đầu, chế biến và nuôi thủy sản trong đó có tôm đã được coi là “hoạt động sản xuất quan trọng”, cho phép một số DN duy trì hoạt động, ngay cả khi công suất của họ sụt giảm. Tuy nhiên, Chính phủ nên cân nhắc các biện pháp khác cho ngành nuôi tôm.

Mặc dù nỗ lực ban đầu nhằm thiết lập giá tối thiểu cho tôm nuôi chưa thành công nhiều, nỗ lực này có thể giúp bảo vệ người nuôi và cải thiện dự báo cho các nhà chế biến.

Kim Thu(Theo thefishite)

Tôm hùm, ốc hương tăng giá, ngư dân miền Trung tranh thủ bán hải sản chạy… bão

Sau một thời gian dài giảm giá liên tục do ảnh hưởng của dịch bệnh, khoảng 2 tuần nay, giá nhiều mặt hàng hải sản ở miền Trung tăng trở lại nên nhiều ngư dân đã tranh thủ thu hoạch bán để chạy mưa bão.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, hiện Khánh Hòa có hơn 57.000 lồng nuôi tôm hùm, hơn 9.000 lồng nuôi cá biển, hơn 4.547ha ao đìa nuôi tôm, cá, các loại nhuyễn thể khác. Tính đến hết tháng 9/2020, tỉnh đã thu hoạch hơn 8.450 tấn thủy sản các loại, trong đó có hơn 2.940 tấn tôm, hơn 3.040 tấn cá và hơn 2.460 tấn thủy sản khác.

TP Cam Ranh (Khánh Hòa) được coi là “vựa” nuôi thủy hải sản lớn trong và ngoài tỉnh. Thời điểm dịch bệnh xảy ra, lượng hải sản tồn đọng lớn nên giá giảm mạnh xuống đáy, như giá cá mú chỉ còn 85-90.000 đồng/kg, giá tôm hùm xanh giảm còn khoảng 420.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, khoảng 2 tuần nay giá hải sản nơi đây tăng trở lại. Cá mú tăng từ 170.000-190.000 đồng/kg; giá tôm hùm dao động từ 720.000 – 750.000 đồng/kg; ốc hương thương phẩm tăng 50-60.000 đồng/kh so với thời điểm đầu năm, hiện có giá từ 190-200.000 đồng/kg… với mức giá như hiện nay, người nuôi hải sản đã bắt đầu có lãi.

Tôm hùm, ốc hương tăng giá, ngư dân miền Trung tranh thủ bán hải sản chạy... bão - Ảnh 1.

Giá tôm hùm tăng trở lại, hiện dao động từ 720.000 – 750.000 đồng/kg, nhiều người nuôi hải sản ở Cam Ranh tranh thủ thu hoạch để bán (ảnh: KHO).

Nhiều gia đình cho biết, tuy giá các mặt hàng thủy sản đã tăng nhưng chưa cao. Bởi với mức giá hiện nay, người nuôi có lãi rất thấp, thậm chí hòa vốn hoặc thua lỗ. Tuy nhiên, thời điểm này miền Trung đang gặp mưa bão liên tiếp, nhiều ngư dân ở Cam Ranh tranh thủ giá hải sản tăng nên đã tiến hành xuất bán để chạy bão.

Ốc hương tăng giá, ngư dân Quảng Ngãi lãi hàng trăm triệu đồng

Theo thống kê, năm nay huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) nuôi khoảng 50ha ốc hương, tăng gần 34ha so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu tại các xã Đức Minh, Đức Thắng và Đức Phong.  Đây là huyện có diện tích nuôi ốc hương lớn nhất ở Quảng Ngãi.

Được giá, người dân Mộ Đức thu hoạch ốc hương xuất bán (ảnh: QNO).

Tôm hùm, ốc hương tăng giá, ngư dân miền Trung tranh thủ bán hải sản chạy... bão - Ảnh 2.

Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, kỹ thuật chăm sóc tốt nên sản lượng thu hoạch đạt 942 tấn, tăng 840 tấn so với cùng kỳ.

Tại các vùng nuôi ốc hương thuộc thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh và thôn Tân An, xã Đức Thắng (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi), sau thời gian 5-6 tháng thả nuôi, hiện người dân nơi đây bắt đầu xuất bán ốc hương thu về hàng trăm triệu đồng lãi.

Ông Nguyễn Văn, ở thôn Minh Tân Bắc (xã Đức Minh) cho biết, gia đình ông thả nuôi 30 ao ốc hương với diện tích gần 5ha hiện đang thu hoạch được 6 tấn ốc hương được thương lái thu mua với giá 200-220.000 đồng/kg, tổng giá bán được 1,2 tỷ đồng. Sau khi trừ mọi chi phí về con giống, thức ăn, ông Văn n lãi trên 500 triệu đồng. Theo ông Văn, đây là vụ nuôi ốc hương trúng lớn nhất của gia đình ông từ trước đến nay.

Trước đó, vào thời điểm đầu năm, dịch bệnh xảy ra nên giá thu mua ốc hưởng giảm mạnh, chỉ còn 130.000-140.000 đồng/kg. Mức giá này kéo dài đến 5-6 tháng liền khiến người nuôi lao đao, chịu cảnh thua lỗ nặng hoặc không có lãi. Tuy nhiên, hiện giá ốc hương đã bật tăng trở lại, dao động khoảng 200.000 đồng/kg. Mùa mưa bão đến cũng đúng thời điểm thu hoạch ốc hương nên người dân nơi đây tranh thủ bán để tránh lũ. Với giá ốc khoảng 200.000 đồng/kg, nhiều hộ nuôi có thu nhập từ 200-300 triệu đồng, ai ai cũng phấn khởi.

Theo PV – Infonet

Ngành tôm tiến xa nhờ thâm canh và chế biến sâu

Hơn 3 năm qua, tỷ lệ tôm được nuôi bằng các phương pháp thâm canh và bán thâm canh của Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng vượt bậc và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

Tại Hội thảo của Hiệp hội chuyên gia NTTS Ấn Độ tổ chức ngày 24/9, Việt Nam là cái tên thu hút sự chú ý bởi năng suất tôm nuôi luôn đạt mức cao, ước 15 tấn/ha/vụ trong khi Ấn Độ chỉ 10 – 11 tấn/ha/vụ.

Sự khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và Ấn Độ chính là mô hình thâm canh tại Việt Nam đang phát triển theo thời gian. So sánh 2 năm 2017 và 2019, lượng tôm quảng canh tại Việt Nam đã giảm từ mức 2% vào năm 2017 xuống mức 20% vào năm 2019, còn 583.000 tấn. Trong khi đó, tỷ lệ thâm canh lại tăng 10% năm 2017 lên mức 65% vào năm 2019. Mô hình thâm canh đang có sức hút lớn với nông dân, vì chính phủ, ban, ngành quản lý và người nuôi tôm là những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị đang ra sức phát triển mô hình này. Mô hình siêu thâm canh cũng ghi nhận tăng trưởng, thậm chí vượt mô hình thâm canh. Điều này thực sự đang giúp nông dân Việt Nam chuyên nghiệp hơn. Trong khi, người nuôi tôm tại Ấn Độ vẫn đang loay hoay giữa 2 mô hình quảng canh và bán thâm canh.

Nói chung, người tiêu dùng tại những thị trường lớn như Mỹ thích tôm cỡ lớn hơn, trong khi khách hàng Trung Quốc lại có xu hướng lựa chọn tôm cỡ nhỏ hơn. Tuy nhiên, nuôi thâm canh sẽ giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường tốt hơn. Ví dụ, ở mức giá 4,70 USD/kg, nuôi siêu thâm canh có lợi nhuận cao hơn tới 27%. Những nhân tố tạo ra chi phí như thức ăn, chế phẩm sinh học, tôm post, nhân công, năng lượng có lợi hơn trong mô hình nuôi thâm canh. Do đó, mô hình này sẽ còn tiếp tục gia tăng tại Việt Nam và sắp tới là Ấn Độ.

Những hãng chế biến tôm lớn tại Việt Nam đang nâng cao chuỗi giá trị để tăng lợi nhuận. Nhiều hãng đang liên kết dọc qua mô hình trại giống và trại nuôi khép kín trong nhà mà họ đã bỏ nhiều vốn và công sức nghiên cứu. Những doanh nghiệp này muốn tự chủ nguồn cung tôm giống đến tôm nguyên liệu và đang hợp tác để phát triển những gen di truyền mới. Ngoài ra, họ cũng sử dụng máy cho ăn tự động kiểm soát các thông số nuôi tôm và mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn nhằm nâng cao tỷ lệ sống.

Các công ty nuôi tôm lớn cũng thắt chặt hợp tác với nông dân để đảm bảo đầu ra. Nhà chế biến đang khuyến khích, trong một số trường hợp còn hỗ trợ nông dân tiếp cận các chứng nhận quốc tế. Chứng nhận ngày càng được coi trọng bởi đây giống như “giấy thông hành” để tôm Việt tiến vào thị trường Mỹ và châu Âu. Thực tế, chứng nhận quốc tế đã giúp tôm Việt Nam thắng lớn trong phân khúc bán lẻ năm nay. Những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành nguồn cung tôm cho thị trường châu Âu và châu Á ở phân khúc sản phẩm bán lẻ và giá trị gia tăng.

Sản phẩm của Ấn Độ chủ yếu là tôm đông lạnh, đang cạnh tranh với các nguồn cung khác như Ecuador để tiến vào thị trường Trung Quốc nhưng COVID-19 vẫn đang là trở ngại lớn đối với 2 quốc gia này. Trái lại, sản phẩm tôm của Việt Nam đa dạng hơn vì đã chú trọng vào sản phẩm giá trị gia tăng suốt một thời gian dài.

CEO, Grobest

Samson Li

Nguồn : https://thuysanvietnam.com.vn/

Giải pháp ổn định pH trong ao nuôi tôm

Độ pH là một trong những yếu tố môi trường ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi. pH môi trường nước thay đổi sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố lý, hóa, sinh của môi trường nuôi.

Nếu pH biến động lớn có thể làm tôm bị sốc, yếu và bỏ ăn. Nếu pH cao hay thấp kéo dài sẽ làm tôm giảm hoạt động ăn và trao đổi chất, tốc độ tăng trưởng chậm, ảnh hưởng xấu đến FCR, ức chế đáp ứng miễn dịch của tôm.

Yếu tố tác động tới pH

Trong ao nuôi tôm pH bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi 2 yếu tố chính: CO2 phản ứng với nước và phản ứng nitrat hoa NH4+/NH3 của vi khuẩn và oxy làm giảm kiềm trong nước ảnh hưởng trực tiếp tới pH, theo các cơ chế phản ứng:

CO2 + H2O -> H2CO3

H2CO3 <=> H+ + CO32-

CO32- + H2O <=> OH + CO2

Theo đó, khi nồng độ CO2 trong nước tăng hoặc giảm cân bằng phản ứng sẽ chuyển dịch theo hướng tạo ra H+ (có tính axit làm giảm pH trong nước) hay OH (có tính bazo làm tăng pH trong nước).

Tảo và vi sinh vật trong ao sử dụng CO2 làm ảnh hưởng đến độ pH của nước. Tảo quá nhiều sẽ làm pH trong ao biến động mạnh, tăng cao vào buổi chiều, khi tảo tàn sẽ làm pH giảm mạnh.

Đối với ao đất thì tính chất của nền đất cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến pH của ao nuôi. Ở những vùng đất phèn, chua, nước ao thường có pH thấp và dễ bị biến động. Nếu trời mưa nhiều làm phèn bị rửa trôi trên bờ xuống ao, hoặc ngấm từ trong bờ ao ra, làm xì phèn vào ao, pH sẽ giảm mạnh.

Vai trò của pH với môi trường ao nuôi

Như đã biết, pH là chỉ số đo đặc trưng về độ axit (chua) và độ kiềm (chát) của nước. Vì thế, pH là một trong những yếu tố môi trường quan trọng ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến tôm: sinh trưởng, tỷ lệ sống, dinh dưỡng, sinh sản…

+ Khi pH quá thấp (pH < 5.5): khả năng tích trữ khoáng trong cơ thể tôm bị giảm thấp khiến tôm bị mềm vỏ, nồng độ H2S  tăng cao gây ngộ độc cho tôm,…

+ Khi pH quá cao (pH > 8.5): môi trường này làm cho tôm… trao đổi chất nhiều hơn nên chậm phát triển, ngoài ra còn là nguyên nhân khiến tăng nồng độ ammonia. Nó được hình thành từ quá trình trao đổi chất và bài tiết của sinh vật.

Khi pH vượt ngưỡng làm tôm chậm lột xác, stress, mất cân bằng áp suất thẩm thấu, suy giảm miễn dịch làm tăng tỷ lệ nhiễm bệnh trên tôm, đặc biệt là các bệnh do chủng vi khuẩn Vibrio spp gây ra.

Ngoài ra, pH trong ao quá cao thường sẽ làm trong nước, khó gây màu nước, làm thủy sinh vật đáy dễ phát triển từ đó tạo ra biến động pH trong ngày lớn. Đối với ao bạt, pH nước cao còn làm kết tủa các hợp chất khác làm ô nhiễm nước ao nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm.

Giải pháp ổn định pH

Độ pH thích hợp trong ao nuôi tôm dao động trong khoảng 7.5 – 8.5 và dao động trong ngày <0.5. Để ổn định pH, nhất thiết phải xác định đúng nguyên nhân gây biến động. Nồng độ CO2 trong ao nuôi là nguyên nhân chính gây nên biến động trực tiếp tới pH trong mùa nắng. Nồng độ CO2 giảm xuống hay tăng lên do 2 nguyên nhân chính là quá trình quang hợp của tảo và hô hấp của hệ sinh vật có trong ao nuôi.

Người nuôi có thể dùng lưới lan để che phủ khoảng không gian phía trên mặt nước cách mặt nước khoảng 1,5 – 2 m, che theo kiểu sole. Nên duy trì mực nước trong ao nuôi tôm từ 1,2 – 1,7 m. Luôn duy trì nồng độ ôxy hòa tan trong nước > 5 mg/l. Hạn chế tối đa sự phát triển của tảo lam và kích thích sự phát triển của tảo khuê bằng cách thêm vào môi trường nước ao nuôi các khoáng chất có thành phần chủ yếu là silic. Định kỳ dùng vi sinh đánh vào buổi chiều tối hoặc đêm để cắt tảo, kiểm soát sự phát triển của tảo. Hạn chế tối đa nhất việc sử dụng hóa chất để cắt tảo gây sập tảo làm pH giảm đột ngột. Ổn định độ kiềm trong ao nuôi trong khoảng 120 – 180 mg CaCO3/l tạo hệ đệm giúp ổn định pH. Người nuôi cần lưu ý không đánh vi sinh có ủ mật rỉ đường vào buổi sáng nếu ao nuôi có mật độ tảo cao và đang trong giai đoạn phát triển. Tùy thuộc vào điều kiện cở sở nuôi để đánh giá thường xuyên hoặc định kỳ về sự tồn tại và phát triển của các loại tảo trong ao qua kính hiển vi để có giải pháp duy trì, phát triển hay hạn chế sự bùng phát của các loại tảo có hại trong ao nuôi.

Phan Lịch – https://thuysanvietnam.com.vn/

Miền Tây có “con đường tôm lúa” 1.200 tỉ đồng

tôm - lúa
Dự án trục phát triển kinh tế từ TP Sóc Trăng đến vùng kinh tế trọng điểm tôm – lúa của tỉnh Sóc Trăng đã được thông xe

Tuyến đường trục phát triển kinh tế từ TP Sóc Trăng đến vùng kinh tế trọng điểm tôm – lúa của tỉnh này đã rút ngắn thị trường giao thương hàng hóa, kết nối vận tải liên hoàn.

Ngày 12-10, tại xã Hòa Tú 1 (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ khánh thành công trình tuyến đường trục phát triển kinh tế từ TP Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm – lúa tỉnh Sóc Trăng. Đây là một trong những công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo chủ đầu tư, công trình này có tổng chiều dài 28,5 km, với tổng mức đầu tư gần 1.200 tỉ đồng. Điểm đầu công trình tại đường Bạch Đằng, phường 9 (TP Sóc Trăng) và điểm cuối nối vào đường tỉnh 936 và đường tỉnh 940 qua địa bàn các xã vùng tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên.

Ông Đặng Văn Phương – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên – cho biết Mỹ Xuyên là vùng căn cứ kháng chiến, 6 xã vùng tôm – lúa có cơ sở hạ tầng giao thông chưa tốt nên hạn chế cho việc đi lại, giao thương hàng hóa và thu hút đầu tư. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế từ TP Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm – lúa của tỉnh, nối từ trung tâm tỉnh lỵ đến huyện Mỹ Xuyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội.


Lễ khánh thành

Dự án này rút ngắn thị trường giao thương hàng hóa, kết nối vận tải liên hoàn, góp phần nâng cao đời sống của người dân, tại khu vực dự án nói riêng và của tỉnh nhà nói chung. Công trình sẽ góp phần đưa kinh tế – xã hội của 6 xã vùng trong của huyện là Ngọc Đông, Ngọc Tố, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2, Hòa Tú 1, Hòa Tú 2 ngày càng phát triển và có điều kiện thuận lợi hơn trong việc xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án tỉnh Sóc Trăng cho biết quy mô dự án có 10 cầu, 14 cống hộp, 31 cống tròn thoát nước ngang đường. Chiều dài tuyến chính trên 25,5 km và mở rộng trên đường tỉnh 940 dài trên 1 km, tuyến nhánh nối đường tỉnh 936 dài trên 2 km. Ngoài ra, còn có hệ thống thoát nước dọc tuyến tại khu vực đông dân cư, hệ thống chiếu sáng và hệ thống an toàn giao thông trên tuyến.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết tuyến đường này sẽ kết nối với tuyến đê bao ngăn mặn và đường phục vụ an ninh quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển huyện Trần Đề (đang được đầu tư xây dựng), Cảng sông Sóc Trăng, quốc lộ Nam Sông Hậu, quốc lộ 1.

Dự án hình thành trục giao thông đối nội, đối ngoại quan trọng và hình thành các trục kinh tế – thương mại – du lịch – dịch vụ của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, các mặt hàng nông sản vùng sản xuất tôm – lúa trọng điểm thuộc huyện Mỹ Xuyên – Trần Đề – Vĩnh Châu.

Hoàng Kim Người Lao Động

Nước sản xuất tôm lớn thứ 3 thế giới trong cú sốc COVID-19

Tôm SPF
Ngành tôm Ấn Độ phụ thuộc vào tôm giống bố mẹ SPF

Dịch covid đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nuôi trồng thủy sản toàn cầu. Suy thoái kinh tế từ các đơn hàng nội địa đến xuất khẩu, điều này tác động mạnh đến tất cả các phân đoạn trong chuỗi giá trị nuôi trồng, nhiều nước dẫn đầu ngành công nghiệp tôm ước tính thiệt hại đến hàng tỉ đô.

Đối với tôm nuôi, việc phong tỏa và đóng cửa các dịch vụ ăn uống là một thảm họa, đặc biệt là Ấn Độ. Theo các nhà khoa học của Viện nuôi trồng thủy sản nước lợ trung ương (CIBA) ước tính ngành công nghiệp tôm ở Ấn Độ sẽ đối mặt với thiệt hại 1.5 tỉ đô trong năm 2020-2021.

Tại Ấn Độ, sau nhiều cuộc khảo sát và phỏng vấn với các bên liên quan chính, các nhà nghiên cứu tại CIBA đã vẽ bản đồ về các cú sốc kinh tế của đại dịch đối với ngành tôm. Nghiên cứu cho thấy rằng, sự bùng phát và hạn chế của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mỗi mắc xích trong chuỗi cung ứng. Từ trại giống, trại nuôi, chế biến đến bán lẻ và xuất khẩu ước tính đều giảm 30-40% trong thời gian phong tỏa.

Tính đến cuối tháng 9/2020, Ấn Độ đã ghi nhận 6.22 triệu ca dương tính và có 97.000 người chết. Thời gian phong tỏa bắt đầu từ 25/03/2020, bao gồm sự hạn chế di chuyển và tạm ngừng một số hoạt động lĩnh vực kinh tế. Hầu như lực lượng lao động của Ấn Độ đều ở nhà trong thời gian này. Mặc dù gần đây mọi thứ đang dần được mở cửa theo từng giai đoạn trở lại nhưng hãy còn nhiều ảnh hưởng hậu đại dịch vẫn đang tiếp diễn.

Ấn độ là nước sản xuất tôm lớn thứ 3 thế giới, ngành công nghiệp này ước tính mang lại 5 tỉ đô mỗi năm. Họ xuất khẩu đến 90% tôm sản xuất ra cho các nước Mỹ, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. Các nhà kinh tế ước tính ngành tôm đã giải quyết cho hơn 1.2 triệu lao động từ trại nuôi, chế biến đến xuất khẩu.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản như sau:

Sản xuất giống và cung ứng

Tác động lớn nhất đến tôm giống chính là sự thiếu hụt lao động đặc biệt là lao động có kĩ thuật. Chu kì sản xuất tôm không linh hoạt và phụ thuộc thời điểm, vụ nuôi. Như vậy khi thiếu hụt đột ngột lao động có tay nghề đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất giống phải nỗ lực rất lớn để hoàn thành hợp đồng của mình.

Tác động thứ 2 của việc phong tỏa có thể được thấy là do sự giảm nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu. Kinh tế không ổn định, không thể xác định rõ ràng nhu cầu thực tế nên để hạn chế rủi ro và sự tổn thất to lớn các nhà sản xuất phải loại bỏ nguồn ấu trùng tôm hiện có. 

Một hạn chế khác chính là sự phụ thuộc của trại giống vào tôm bố mẹ sạch bệnh (SPF). Thêm vào đó, nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu của người nuôi nên họ thường bù đắp sự thiếu hụt bằng nhập khẩu. Cũng giống như các mặt hàng khác, tôm bố mẹ nhập khẩu hiện đang bị tạm ngưng do dịch bệnh.

Đây là nguyên nhân ngừng trệ đầu tiên trong chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản. Sự suy yếu sao đó gây hiệu ứng gợn sống cho phần còn lại của ngành.


Ngành tôm của Ấn Độ gặp khó khăn khi đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19. Ảnh: Gurvinder Singh

Sự ảnh hưởng của phong tỏa xã hội đối với người nuôi và trại nuôi

Theo thống kê có 27% người nuôi đã chuẩn bị hoàn tất ao ương và không thể hoàn thành nuôi 3 giai đoạn. Ngoài ra người nuôi còn gặp khó khăn nguồn đầu vào cho sản xuất thức ăn và giống cũng như không thể xác định được nhu cầu sau khi tôm thành phẩm. Tình trạng trại nuôi ở Ấn Độ trong đợt dịch bùng phát: có 25% trại nuôi ở giai đoạn 1 (ương trong 30 ngày đầu), 34% ở giai đoạn 2 (giai đoạn 30-80 ngày tuổi) và giai đoạn 3 (sau 80 ngày nuôi) chiếm 14%. Những người nuôi đang trong giai đoạn 3 cho biết vụ này có thể sẽ hòa vốn, nếu may mắn sẽ có lời một ít, và rõ ràng không phải người nuôi nào cũng có thể may mắn khi đang ở giai đoạn 3. Một số trại nuôi đã phải bán tôm cỡ nhỏ và giảm giá để trách khi tôm lớn sẽ mang lại nhiều thiệt hại hơn.

Tuy nhiên, việc giảm giá thành đôi khi cũng không hiệu quả. Nhà sản xuất không thể tuyển nhân công thu hoạch cũng như thuê xe cách nhiệt trong vận chuyển tôm. Thậm chí là dù đã kí kết hợp đồng. Lệnh hạn chế di chuyển có nghĩa rằng các nhà sản xuất không thể mang tôm của họ đến tay các nhà chế biến và chợ tiêu thụ. Như vậy họ buộc phải chịu lỗ trong vụ nuôi này.

Thêm một thách thức trong quá trình nuôi của người dân chính là sự đóng cửa của các phòng thí nghiệm thường giúp họ kiểm tra chất lượng nước và tình trạng sức khỏe tôm nuôi. Không có sự hỗ trợ này họ sẽ khó quản lí chất lượng nước một cách dễ dàng và nhận biết sự bùng phát dịch bệnh.

Cũng như trong sản xuất giống, việc hạn chế di chuyển và sự không đảm bảo tiền lương, việc làm là nguyên nhân gây thiếu lao động trầm trọng dấn đến sản xuất chậm lại.


Một phần lớn lực lượng lao động của Ấn Độ phải ở nhà trong thời gian đóng cửa, dẫn đến tình trạng thiếu lao động.

Quá trình chế biến và tiếp thị

Các nhà chế biến cho hay thiếu lao động chính là khó khăn chính của họ. Phần lớn lao động có tay nghề trong các nhà máy chế biến là dân nhập cư, họ phải quay về nhà sau khi có lệnh phong tỏa. Điều này không chỉ làm chậm thời gian sản xuất mà còn làm giảm chất lượng tôm sau chế biến. Thêm vào đó một thách thức không xa họ phải đối mặt chính là giãn cách xã hội và thiết bị an toàn cá nhân cho người lao động khi làm việc.

Nhiều khó khăn khác bị ảnh hưởng từ 2 giai đoạn đầu trong chuỗi giá trị trước đó. Các đơn hàng không đủ lớn để có thể vận hành máy móc chưa kể việc thu hoạch tôm cỡ nhỏ làm cho máy móc khó xử lí hơn.

Các nhà chế biến cũng cho biết việc giảm đột ngột các đơn hàng xuất khẩu đã làm căng thẳng các cơ sở trữ lạnh của Ấn Độ. Hàng tồn kho ngày càng tích tụ nhiều hơn khi ngành dịch vụ ăn uống bị đóng cửa.

Mặc dù chính quyền bang Andhra Pradesh đã ban hành giá mua tối thiểu cho từng cỡ tôm thu hoạch nhằm ổn định thị trường nhưng những người tham gia khảo sát cho biết chính sách này không được thực thi nghiêm túc. Các nhà chế biến thường từ chối việc thanh toán theo giá điều chỉnh vì họ cho rằng tôm có chất lượng kém.

Ước tính về ảnh hưởng của covid-19

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng sự gián đoạn của đại dịch là nguyên nhân làm giảm 30-40% giá trị ở mỗi mắc xích trong chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản. Về kinh tế, có thể nói chính là sự thiệt hại 1.5 tỉ đô trong năm 2020. Sự sụt giảm chủ yếu đến từ xuất khẩu tôm, sản lượng xuất khẩu dự kiến giảm 40% so với năm 2019. Việc giảm xuất khẩu sẽ đặt gánh nặng lên giá tôm, các nhà nghiên cưu hi vọng chỉ giảm 35% trước năm 2021.

Nhóm nghiên cứu cũng kì vọng nguồn lao động sẽ chỉ giảm 30-40% do các hoạt động kìm hãm trong sản xuất và chế biến. Họ cũng cảnh báo số liệu có thể sẽ tăng lên nếu Ấn Độ có thêm một đợt Covid thứ 2 và phải phong tỏa một lần nữa.


Các phòng thí nghiệm (Lab) hỗ trợ người nuôi kiểm tra chất lượng nước và sức khỏe tôm nuôi

Xây dựng lại sau cú sốc

Các nhà nghiên cứu cho hay Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng tệ nhất từ đại dịch Covid. Sau phong tỏa, họ xem nuôi trồng và chế biến thủy sản trở thành hoạt động thiết yếu, cho phép một số nhà sản xuất tiếp tục hoạt động dù đã giảm công suất. Việc xác định các điểm chính trong chuỗi giá trị là cần thiết để tránh khỏi cú sốc kinh tế bị phong tỏa. Tuy nhiên Chính phủ cũng nên có các biện pháp khác đối với nuôi tôm.

Mặc dù chính sách ổn định giá ban đầu không khả thi nhưng những nỗ lực thực thi phụ thêm có thể là chìa khóa bảo bệ người nuôi tôm và là hướng dự báo cho các nhà chế biến.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh “Đề án phát triển thủy sản” sẽ là một con đường tiềm năng làm cho ngành trở nên linh hoạt hơn. Chương trình là một phần trong sáng kiến phát triển xanh kéo dài 5 năm nhằm tăng cường đầu tư vào chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản và cung cấp động lực cho việc nuôi cá bền vững.

Nếu chính sách này tập trung vào thế hệ lao động cũng như an ninh kinh tế cho người sản xuất thì vấn đề thiếu lao động sẽ được giảm thiểu đáng kể. Tăng cường sự bảo vệ cho lao động trong ngành là một con đường dài để ngăn chăn việc thiếu hụt lao động trong đợt phong tỏa đầu. Nếu người lao động trong ương giống, nuôi và chế biến trở thành lao động chính thức và ổn định thì các doanh nghiệp có thể giữ lao động lại khi có dịch và có khả năng trụ lại nếu có cuộc khủng hoảng khác xuất hiện.

Triệu – https://tepbac.com/