Kéo tôm trên núi” là cách gọi vui của thương lái miền xuôi khi về mua tôm càng xanh thương phẩm tại các đầm nuôi của chi hội nuôi trồng thủy sản xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê. Tận dụng địa hình xen kẽ giữa đồi núi với vùng trũng thấp, hơn 10 năm nay, con tôm càng xanh đã và đang mang lại cuộc sống ấm no cho người nông dân nơi đây.
Ông Đặng Văn Được (Khu 4, xã Văn Khúc) đang cho tôm ăn trong đầm nuôi nhà mình. Mỗi ngày, ông cho tôm ăn hai lần.
Nhằm theo dõi độ lớn và sức khỏe của tôm, người nuôi thường xuyên phải kiểm tra con tôm về kích thước, hình dạng.
Tôm càng xanh bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch. Sản lượng tôm càng xanh đạt khoảng 6 – 7 tấn/năm.
Tôm sau khi được kéo lên, các thương lái sẽ bắt đầu chọn, thu mua.
Sau khi được chọn lựa, tôm sẽ chia theo kích cỡ. Thông thường, tôm sẽ được chia thành ba loại với ba mức giá bán khác nhau. Loại 1, tôm đạt khoảng 100Gr/con có giá bán 280.000/kg. Loại 2, tôm đạt khoảng 50 – 80Gr/con có giá bán 250.000/kg. Loại 3, tôm đạt dưới 50Gr/con có giá bán 230.000/kg.
Những năm gần đây, do người nuôi tôm đầu tư khoa học kỹ thuật một cách bài bản nên rủi ro thấp, tỷ lệ tôm sống cao. Tôm được mùa và được giá nên Hội nông dân huyện Cẩm Khê đang có triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh tại các khu vực khác trong huyện, hứa hẹn tạo thêm sinh kế cho bà con nông dân. Thùy Trang Báo Phú Thọ
Minh Phú (MPC) cho biết sẽ thực hiện quyền kháng cáo đối với quyết định của CBP, quá trình xem xét kháng cáo dự kiến diễn ra trong 60 ngày kể từ đơn kháng cáo được ghi nhận. Trong trường hợp kháng cáo không mang lại kết quả như mong muốn, MPC sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Thương mại Quốc tế.
Mới đây, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã đưa ra kết luận có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood Corporation (MSeafood) – chi nhánh của Thuỷ sản Minh Phú (MPC) vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ. Theo đó, sản phẩm tôm xuất khẩu bởi Minh Phú từ Việt Nam đến Mỹ sẽ phải chịu lệnh thuế chống bán phá giá như tôm Ấn Độ.
Ngày 22/10, MPC vừa có phản hồi chính thức, cho biết quyết định trên của CBP là một bất ngờ lớn đối với chúng tôi. Theo MPC, trước đó Công ty đã hợp tác toàn diện với cuộc điều tra và chứng minh rõ cách xử lý và tách biệt những lô tôm có xuất xứ Việt Nam và tôm có xuất xứ Ấn Độ trong dây chuyền sản xuất, đảm bảo chỉ có tôm Việt Nam mới xuất đi Mỹ. Tuy nhiên, CBP không sang Việt Nam và không thực hiện việc thẩm tra tại thực địa. Thay vào đó, CBP thiết lập tiêu chuẩn đánh giá riêng về phân tách tôm và yêu cầu MPC phải sử dụng phương pháp này, không chấp nhận phương pháp doanh nghiệp đã sử dụng 4 năm qua.
“Vì MPC đã không tuân theo phương pháp mà CBP yêu cầu, nên CBO đã áp dụng những điều kiện bất lợi sẵn có và kết luận MPC đã vi phạm luật EAPA. Yêu cầu này của CBP hoàn toàn không phù hợp với đặc thù ngành tôm và chúng tôi được biết rằng chưa doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu tôm bào có hệ thống truy xuất như vậy”, phía MPC nhấn mạnh.
Đồng thời, MPC cũng khẳng định từ cuối tháng 7/2019 đã ngưng hoàn toàn việc nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ. Hiện tại, MPC đã đầu tư mô hình nuôi tôm Công nghệ cao tại 2 vùng Minh Phú Kiên Giang (600 hecta) và Minh Phú Lộc An (300 Hecta). Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Công ty cũng đã thiết lập mạng lưới liên kết và cung ứng tôm khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nam Bộ, với đa dạng mô hình nuôi tôm bền vững, như 100.000 hecta nuôi tôm công nghiệp, 25,000 hecta nuôi tôm sinh thái rừng ngập mặn, cùng hơn 10.000 hecta diện tích nuôi Tôm-Lúa.
Theo đó, MPC cho biết sẽ thực hiện quyền kháng cáo đối với quyết định của CBP, quá trình xem xét kháng cáo dự kiến diễn ra trong 60 ngày kể từ đơn kháng cáo được ghi nhận. Trong trường hợp kháng cáo không mang lại kết quả như mong muốn, MPC sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Thương mại Quốc tế.
Tháng 9/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt gần 385 triệu USD, tăng trên 25% so với tháng 9/2019, mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 3 năm nay.
Trong tháng 9/2020, trừ xuất khẩu sang Nhật Bản giảm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính khác đều tăng như Mỹ (+39,6%), Trung Quốc (+22,9%), EU (+35,4%), Hàn Quốc (+3,2%), Anh (+54,3%), Canada (+47%), Australia (+50,7%). Đáng chú ý, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 9/2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nhờ một phần tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Các thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam đồng loạt tăng nhập khẩu để phục vụ các lễ hội cuối năm.
Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,7 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 72% tổng kim ngạch, tôm sú chiếm 16%, còn lại là tôm biển.
Mỹ là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 24%. Tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ như Ấn Độ và Ecuador nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau dịch COVID-19. Sau 9 tháng xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt trên 634,4 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ được coi là thị trường có nhu cầu ổn định nhất
Trên thị trường EU, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại. Ngành du lịch cũng bắt đầu khởi động. Trong khi đó, doanh số bán lẻ hoặc online tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu thụ tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ lớn hơn để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Sau khi giảm trong những tháng trước đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU bắt đầu tăng trưởng tốt trong quý III/2020 nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8 năm nay. Sau 9 tháng đầu, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 371 triệu USD, tăng 2,3%.
EU là thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt và đây sẽ là thị trường được nhiều doanh nghiệp tập trung xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến tiếp tục tăng.
Với những tín hiệu khả quan trong xuất khẩu tôm Việt Nam trong 9 tháng qua, xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2020 dự kiến đạt 3,7 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2019.
Việc sử dụng điện mất an toàn thời gian qua, nhất là đối với những hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Trong khi đó, theo đánh giá của ngành chức năng, vào mùa mưa bão, tỷ lệ tai nạn điện càng tăng cao hơn. Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua, các ngành, các cấp của huyện Năm Căn triển khai nhiều biện pháp tích cực nên hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn điện có thể xảy ra.
Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, toàn tỉnh xảy ra 23 vụ tai nạn điện. Huyện Năm Căn là 1 trong 4 đơn vị cấp huyện, thành phố không xảy ra tai nạn điện. Đạt kết quả đó là nhờ các ngành, các cấp của huyện Năm Căn làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức cũng như kiến thức cơ bản về sử dụng điện an toàn, nhất là tại các hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Từ đó, việc chấp hành nghiêm theo quy định về an toàn trong sử dụng điện của người dân từng bước được nâng lên.
Ông Lê Việt Hồng, ấp Tư, xã Hiệp Tùng, là một trong những hộ nuôi tôm công nghiệp có quy mô tương đối lớn tại xã Hiệp Tùng, cho biết: “Trong nuôi tôm, trước mắt bản thân mình phải thực hiện nghiêm an toàn về điện chứ không phải đợi khi các ngành nhắc nhở mới thực hiện. Gia đình tôi thường xuyên nhắc nhở anh em làm công không được tuỳ tiện sửa hoặc có những tác động nào liên quan đến điện. Có vấn đề gì tự tôi sửa chữa và khi sửa phải tắt cầu dao, nếu trục trặc ngoài hiểu biết của tôi thì tôi liên hệ ngành điện giúp đỡ”.
Chị Trần Thị Kim Duy, ấp Tư, xã Hiệp Tùng, chia sẻ: “Đối với đường điện tại các ao nuôi tôm công nghiệp của gia đình thì chồng tôi rất kỹ. Thường xuyên nhắc nhở anh em làm cùng kiểm tra điện, các thiệt bị điện thường xuyên để đảm bảo an toàn cho khu vực nuôi và tính mạng con người”.
Ngoài tuyên truyền, các ngành, các cấp của huyện Năm Căn thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức nhiều đợt kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn, khắc phục và xử lý các trường hợp sử dụng điện mất an toàn của người dân. Nhìn chung, qua các đợt kiểm tra thực tế tại các đầm nuôi tôm trên địa bàn, phần lớn người dân chấp hành đúng quy định pháp luật về hoạt động điện lực, phòng ngừa vi phạm pháp luật và sử dụng điện an toàn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp vi phạm các quy định an toàn cần thiết, như tại những mấu nối đường điện chưa có băng keo dán an toàn, độ cao dây dẫn điện chưa đạt yêu cầu, dây dẫn điện còn kéo chằng chịt, trụ dẫn trong khu nuôi tôm bị mục không có sứ cách điện. Đây được xem là những lỗi chủ quan thường gặp của những hộ nuôi tôm công nghiệp. Trong khi đó, theo đánh giá của ngành chức năng, đa số các vụ tai nạn điện xảy ra là do người dân bất cẩn và chủ quan trong việc sử dụng điện, nhất là khi trời mưa, nước tiếp xúc dễ bị điện giật.
Ông Trần Hoàng Anh, công chức xã Hiệp Tùng, cho biết: “Hàng năm xã có 2 cuộc kiểm tra định kỳ đối với những hộ nuôi tôm công nghiệp và hộ dân. Đồng thời, khi tổ chức các cuộc họp cũng lồng ghép tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, thường xuyên phối hợp với các ngành kiểm tra những hộ nuôi tôm công nghiệp để đảm bảo an toàn cho bà con Nhân dân”.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Phòng Quản lý công nghiệp Sở Công thương, khuyến cáo: “Nuôi tôm công nghiệp sau điện kế, thứ nhất phải kéo điện đủ 2 dây, nóng và nguội; thứ hai là kéo dây dẫn phải đảm bảo chiều cao về độ võng thấp nhất 2,5 m, dây dẫn phải được mắc trên sứ cách điện, mô-tơ điện phải có vỏ an toàn và phải có cầu dao chống giật…”.
Hiện đang vào cao điểm mùa mưa bão, người dân trên địa bàn, nhất là những hộ nuôi tôm công nghiệp, cần nâng cao ý thức trong việc bảo đảm an toàn về điện. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra hệ thống đường dây điện, các trụ điện phải đảm bảo cao ráo, chắc chắn, khi lắp đặt mô-tơ điện cần sử dụng dây nối đất an toàn để giảm nguy hiểm khi có sự cố về điện xảy ra. Cần bảo quản tốt, che chắn kỹ mô-tơ điện, vị trí đặt máy ở nơi khô ráo, tránh tiếp xúc với nước. Cầu dao ngắt điện, công tắc, ổ cắm phải được lắp đặt nơi an toàn, vị trí thuận lợi để khi xảy ra tai nạn có thể xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.
Bệnh hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease – AHPND) hay còn gọi là hội chứng chết sớm (Early Mortality Syndrome – EMS) đã và đang được xem là mối nguy hại nhất đối với nghề nuôi tôm công nghiệp tại khu vực Đông Nam Á mấy năm gần đây.
Bệnh được ghi nhận đầu tiên ở Trung Quốc năm 2009, sau đó tiếp tục được ghi nhận ở Thái Lan năm 2010, Việt Nam năm 2011, Malaysia năm 2012 và Mexico năm 2013. Tại ĐBSCL, năm 2015 bệnh AHPND gây thiệt hại 8,9 triệu USD trên TTCT và 1,8 triệu USD trên tôm sú.
Dấu hiệu bệnh lý
AHPND xảy ra cả ở tôm sú và TTCT, chủ yếu ở các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh ở giai đoạn 20 – 45 ngày sau khi thả nuôi và tỷ lệ chết có thể lên đến 100%. Tôm bệnh có biểu hiện ngừng ăn, bơi chậm, vỏ mỏng, màu tôm nhợt nhạt, gan tụy có biểu hiện sưng, nhũn hoặc teo và dịch bệnh xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm.
Tác nhân gây bệnh
Một vài nghiên cứu gần đây đã đề xuất Vibrio owensii, V. harvey, V. campbellii và V. punensis chứa gen quy định độc tố PirAB cũng gây bệnh AHPND. Mặc dù phân tích mô bệnh học trên tôm phù hợp với các dấu hiệu của bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPND, tuy nhiên bệnh này không thỏa mãn các định nghĩa về bệnh AHPND trên tôm được cung cấp bởi tổ chức Thú y Thế giới. Chính vì vậy, hiện nay vi khuẩn V. parahaemolyticus có chứa các gen quy định độc tố PirA và PirB là tác nhân duy nhất gây bệnh AHPND.
Phòng bệnh
Con giống trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch đảm bảo không nhiễm mầm bệnh đặc biệt là không nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus mang gen độc lực gây bệnh.
Trong 6 tuần đầu tiên sau khi thả, các cơ sở nuôi thâm canh, bán thâm canh cần lấy mẫu tôm, nước, bùn định kỳ 2 tuần/lần để định lượng Vibrio tổng số đồng thời phát hiện V. parahaemolyticus mang gen gây bệnh.
Nếu kiểm tra mẫu nước hoặc bùn ao nuôi phát hiện vi khuẩn Vibrio tổng số vượt quá giới hạn cho phép (≥ 103 CFU/ml), cần thực hiện các biện pháp điều chỉnh, làm giảm số lượng vi khuẩn Vibrio trong ao như sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại hóa chất diệt khuẩn trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
Cải tạo đáy ao kỹ, lắng nước đủ lâu và xử lý triệt để. Trong suốt vụ nuôi giữ đáy ao sạch, lắp đủ quạt để đảm bảo ôxy hòa tan luôn đủ hoặc thừa.
Trị bệnh
Khi tôm bị bệnh cần giảm hoặc ngưng cho ăn và quan sát tình hình ao tôm nhằm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Cần xét nghiệm xác định chính xác tác nhân và thử kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh hiệu quả nhất. Các chủng V. parahaemolyticus gây bệnh AHPND có tỷ lệ kháng khá cao với amoxicillin (80,85%) và ampicillin (78,72%), vì vậy không nên sử dụng hai loại kháng sinh này trong điều trị bệnh AHPND do V. parahaemolyticus. Theo nghiên cứu mới nhất thì các loại kháng sinh có hiệu quả là doxycycline, oxytetracycline (miền Bắc) và florfenicol (miền Nam).
Đó là bức tranh chung của ngành tôm trên toàn thế giới những tháng đầu năm 2020. Nguyên nhân khiến giá tôm giảm, thậm chí giảm xuống mức chưa từng thấy trong thập kỷ qua là do đại dịch COVID-19.
Nguồn cung
Sản lượng tôm ở châu Á năm nay đã bị trì hoãn 3 tháng vì đại dịch COVID-19. Ở Ấn Độ, việc thả tôm giống để bắt đầu vụ nuôi thường diễn ra vào tháng 3, 4 nhưng đã bị hoãn lại đến tháng 5, 6 do lệnh hạn chế vì COVID-19. Indonesia thu hoạch vụ mùa vào giữa tháng 5 với sản lượng tương đối tốt, điều này phản ánh qua xuất khẩu. Nguồn cung hiện tại thấp do đại dịch bùng phát và thời tiết khô hạn theo mùa dự kiến cho đến tháng 8. Tại Việt Nam, lịch trình sản xuất năm 2020 có vẻ ổn định. Trong khi đó, sản lượng tôm ở Thái Lan vẫn ở mức thấp do nông dân giảm lượng thả tôm giống khi giá thị trường thấp.
COVID-19 cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu tôm tại Mỹ Latinh. Ecuador – quốc gia sản xuất tôm hàng đầu tại khu vực này, có mục tiêu duy trì sản lượng tôm như năm 2019, ở mức hơn 600.000 tấn. Xu hướng tăng trưởng tích cực tiếp tục ở Ecuador cho đến đầu tháng 3/2020 nhưng đã dừng lại do đợt bùng phát COVID-19 ở Guayaquil, nơi có 80% các cơ sở nuôi trồng và chế biến tôm. Mặc dù, các nhà xuất khẩu tiếp tục hoạt động gần hết công suất trong vài tuần đầu của đại dịch, lệnh giới nghiêm được áp dụng vào ngày 19/3/2020 đã khiến công nhân nghỉ việc, cũng như các hoạt động nuôi trồng và chế biến chậm lại.
Giá tôm toàn cầu giảm do ảnh hưởng của COVID-19. Đồ họa: VCG
Thương mại quốc tế
Ngành tôm toàn cầu năm 2020 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 từ tháng 1. Thương mại tôm quốc tế chủ yếu tăng trong quý I/2020 do các đơn đặt hàng tương đối lớn trong thời gian từ tháng 12/2019 – 2/2020. Các lô hàng này đã đến hầu hết các thị trường vào tháng 3/2020.
Xuất khẩu
Ecuador trở thành nước xuất khẩu tôm hàng đầu với 56% sản lượng tôm xuất khẩu sang Trung Quốc. Xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc giảm nhẹ trong tháng 1, 2 nhưng tăng trở lại vào tháng 3. Xuất khẩu lũy kế ở thị trường Trung Quốc cao hơn 84% so cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, Ấn Độ xuất khẩu 47% tôm sang Mỹ trong cùng giai đoạn trên; Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) chiếm 17% và 14% thị phần.
Nhập khẩu
EU là thị trường nhập khẩu hàng đầu trong quý I/2020. Xét về các thị trường đơn lẻ thì Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất, tiếp theo là Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Pháp. Tuy nhiên, dữ liệu sơ bộ tháng 4, 5 cho thấy, nhập khẩu giảm ở hầu hết các thị trường này, trừ Trung Quốc. Đáng chú ý, nhập khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam tiếp tục giảm trong quý đầu tiên của năm 2020.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp tôm trên toàn thế giới, với ngành HORECA sụt giảm 80 – 90% trong nửa đầu năm 2020. Thông thường trong một năm thì lĩnh vực cung cấp thực phẩm sẽ tiêu thụ 60 – 70% lượng tôm nhập khẩu ở các thị trường phương Tây và cả ở Nhật Bản. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ đối với tôm đông lạnh đã tăng đáng kể trong giai đoạn này, đặc biệt là đối với các sản phẩm tiện lợi. Xu hướng này rất có thể tiếp tục trong những tháng tới, thậm chí nhiều năm tới.
Thị trường
EU
Nhập khẩu tôm của EU chịu nhiều ảnh hưởng vì COVID-19. Khi các nhà hàng đóng cửa, nhu cầu tiêu thụ tôm chuyển sang thương mại bán lẻ nhưng vẫn ở mức độ thấp hơn so với Mỹ và Trung Quốc. Nhập khẩu tôm của EU trong quý I/2020 tăng 6,6%, do giá tôm Ecuador giảm trong tháng 2 và nhập khẩu lớn sau đó từ nguồn này vào tháng 3.
Nhập khẩu ở Tây Ban Nha tăng 9%, ở mức 33.700 tấn; trong đó 12.000 tấn đến từ Ecuador. Nhập khẩu cũng tăng ở Đan Mạch, tăng 17% lên 21.454 tấn; Đức tăng 18% lên 16.700 tấn; Italy tăng 21% lên 16.535 tấn nhưng lại giảm ở Pháp, giảm 3% xuống 24.480 tấn và ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, giảm 14,4% xuống 12.660 tấn. Nhập khẩu tôm chế biến ở EU tăng 8% lên 24.440 tấn trong giai đoạn trên. Các nhà cung cấp chính là Việt Nam, Greenland, Maroc và Na Uy. Xu hướng này vẫn tồn tại vào tháng 4/2020.
Trung Quốc
Doanh số bán tôm đã thấp hơn bình thường tại thị trường nội địa của Trung Quốc kể từ tháng 1/2020 khi việc ăn uống bên ngoài bị cấm ở hầu hết các thành phố cho đến tháng 4 do COVID-19. Trong giai đoạn này, doanh thu bán lẻ tôm đông lạnh (tôm nguyên con và bóc vỏ) tăng đối với các hoạt động mua trực tuyến. Việc cấm vận bắt đầu giảm từ tháng 5/2020. Nhập khẩu tôm của Trung Quốc chậm lại trong tháng 1, 2 nhưng tăng trở lại từ tháng 3 – 5 sau sự giảm giá của tôm Ecuador, một sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường.
Nhìn chung, doanh số bán thủy sản trực tuyến ở các đô thị Trung Quốc tốt ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, tuy nhiên, doanh số bán hàng đã tăng trưởng với việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn liên quan đến COVID-19. Nhu cầu đối với tôm sơ chế hoặc dễ chế biến (đông lạnh, bóc vỏ, làm bánh bao, tẩm bột) để nấu tại nhà tăng lên.
Mỹ
Tôm vẫn là lựa chọn thủy sản phổ biến nhất của người tiêu dùng Mỹ. So với các năm trước, nhu cầu tôm nói chung giảm do hạn chế kinh doanh dịch vụ ăn uống, một phân khúc thường tiêu thụ 60 – 70% tôm nhập khẩu. Sau đó, nhu cầu đối với thủy sản trên thị trường chuyển từ dịch vụ ăn uống sang lĩnh vực bán lẻ và các kênh trực tiếp đến người tiêu dùng (trực tuyến). Tuy nhiên, nhu cầu tôm của Mỹ chỉ giới hạn ở các siêu thị và cửa hàng tạp hóa, với việc bán hàng trực tuyến chiếm một phân khúc nhỏ hơn.
Nhật Bản
Nhìn chung, tiêu thụ tôm ở Nhật Bản năm nay thấp đáng kể trong thời gian diễn ra lễ hội mùa xuân vào tháng 4, 5 – vốn là thời điểm tiêu thụ tôm thường tăng mạnh. Nhu cầu suy yếu sau các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 đối với việc ăn uống bên ngoài trong thời gian tháng 3 – 5. Lượng tiêu thụ tại nhà tăng đối với tôm sơ chế và chế biến do người dân ở trong nhà. Doanh số bán tôm tại siêu thị và trực tuyến để nấu tại nhà/đồ ăn sẵn tăng lên. Nhu cầu rất mạnh đối với các sản phẩm như tôm chiên tempura, bóc vỏ tẩm bột chiên giòn, cơm thập cẩm hải sản đông lạnh và tôm chiên sẵn trong khoảng thời gian từ tháng 4 – 5, tuy nhiên sau đó đã chậm lại trong tháng 6.
Châu Á-Thái Bình Dương và những nơi khác
Nhập khẩu tôm tháng 1 – 3/2020 của Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Việt Nam và New Zealand thấp hơn so cùng kỳ năm 2019. Nhập khẩu tôm của Đài Loan, Australia và Malaysia tăng lên do nhu cầu Tết âm lịch vào tháng 1, 2. Các biện pháp cấm vận được áp dụng ở các nước Đông Nam Á kể từ giữa tháng 3 cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống và nhà hàng, mặc dù nhu cầu giao đồ ăn sẵn tại nhà và mua hàng tạp hóa trực tuyến đang phát triển mạnh. Tôm tươi, vốn phổ biến hơn trong các món ăn tại nhà ở Đông Nam Á, không được hưởng lợi từ sự phát triển này.
Tại Nam Á, nhập khẩu tôm tại các điểm du lịch (cụ thể là Sri Lanka, Maldives) giảm do xuất khẩu từ Ấn Độ giảm. Tuy nhiên, COVID-19 dường như đã mở ra cơ hội bán các sản phẩm tôm chế biến sẵn tại thị trường nội địa rộng lớn nhưng chưa được khai thác của Ấn Độ. Tại khu vực Trung Đông/Tây Nam Á với khu vực Bắc Phi (MENA), nhu cầu tôm giảm đáng kể sau khi các hãng hàng không quốc tế ngừng hoạt động (các chuyến bay theo lịch trình), hoạt động kinh doanh nhà hàng giảm và người nước ngoài hồi hương.
Giá cả
Giá xuất khẩu TTCT của Ecuador giảm 25% trong khoảng thời gian tháng 3 – 4/2020. Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau khi phát hiện virus corona trong một số chuyến hàng từ Ecuador đến Trung Quốc tháng 7/2020. Giá thành và cước phí (CFR) TTCT cỡ 40 – 50 con/kg sang châu Âu được báo cáo ở mức 4 USD/kg vào 7/2020. Tuy nhiên, tại Malaysia và Singapore, giá bán lẻ TTTC tươi cùng cỡ vẫn ở mức cao 8 – 9 USD/kg do nguồn cung trong khu vực thấp.
Vừa qua, do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập cục bộ, làm phá vỡ bờ, cuốn trôi hơn 9ha hồ nuôi tôm tại xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), khiến cho nhiều hộ nuôi phải chịu thiệt hại nặng nề.
Gia đình anh Trần Bôn, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) thuê gần 1ha hồ ở xã Nghĩa Hòa để thả nuôi hơn 20 nghìn con tôm thẻ chân trắng. Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là đến kỳ thu hoạch, nhưng nước lớn đã phá vỡ bờ hồ nuôi tôm, khiến anh Bôn mất trắng.
Anh Bôn cho biết: “Tôi đã cẩn thận rào lưới, đắp bao cát xung quanh bờ để bảo vệ tôm, nhưng không ngờ mưa lớn, nước tràn qua hồ nuôi khiến tôi trở tay không kịp. Hơn nữa, do nước chảy xiết, nên tôi đành bất lực nhìn tôm bị cuốn trôi theo dòng nước. Hơn 50 triệu đồng tiền đầu tư con giống và thức ăn xem như mất trắng”.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Ngọc Nin, ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) thả nuôi gần 2ha hồ tôm cũng bị thiệt hại hơn một nửa. Lo sợ thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, ông Nin đành tranh thủ bán số tôm chưa đến kỳ thu hoạch của gia đình. Ông Nin tâm sự: “Tôm mới thả nuôi hơn 45 ngày, phải gần một tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch, mà giờ tôi phải lo bán sớm, chứ để nước lớn tiếp tục tràn về phá bờ là mất trắng. Giá tôm hiện rất thấp, chỉ từ 40.000 – 60.000 nghìn/kg tùy theo loại, nhưng bán được đồng nào hay đồng đó”.
Theo thống kê của UBND xã Nghĩa Hòa, toàn xã có 72ha mặt nước thả nuôi tôm trong vụ này. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài từ ngày 9 – 10.10 khiến nước trên các nhánh sông ở thượng nguồn đổ về, cuốn trôi hơn 9ha hồ nuôi tôm của người dân. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Trương Trung Dũng cho biết: Đợt mưa lớn vừa qua đã gây thiệt hại hoàn toàn cho 30 hộ nuôi tôm, phần lớn các hộ nuôi này đều ở địa phương. Ước tính ban đầu có hơn 12 tấn tôm bị nước lớn cuốn trôi, thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Nhiều hộ nuôi đang trong tình cảnh thấp thỏm, lo âu với thời tiết, nên cũng đang tranh thủ bán số tôm chưa đến kỳ thu hoạch với giá thấp.
“Hiện tại, chính quyền địa phương đang tập trung cùng người dân khắc phục, gia cố lại các hồ nuôi tôm. Cùng với đó, xã Nghĩa Hòa đã kiến nghị các cấp, ngành chức năng có hướng hỗ trợ cho số hộ nuôi tôm bị thiệt hại, để nhanh chóng khôi phục sản xuất”, ông Dũng nói.