Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Indonesia và Ecuador gia tăng thị phần trên thị trường tôm Mỹ

Indonesia và Ecuador gia tăng thị phần trên thị trường tôm Mỹ

Nhập khẩu tôm của Mỹ đã phục hồi trở lại trong tháng 8 năm nay sau khi giảm xuống mức thấp trong vòng 7 năm trong tháng 5 năm nay do dịch bệnh Covid-19 khiến các nhà hàng và dịch vụ thực phẩm ở Mỹ đóng cửa.

Tháng 8/2020, NK tôm của Mỹ đạt 82.411 tấn, trị giá trên 701 triệu USD, tăng 17% cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (FAS.USDA), 8 tháng đầu năm nay, NK tôm của Mỹ đạt 460.576 tấn, trị giá 3,9 tỷ USD; tăng 7% về giá trị và tăng 6% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

8 tháng đầu năm nay,top 8 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ lần lượt gồm Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Việt Nam, Thái Lan, Mexico, Argentina, Trung Quốc.

8 tháng đầu năm nay, Indonesia, Ecuador và Argentina là những nguồn cung ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt nhất về XK tôm sang Mỹ. Thị phần của các nguồn cung này trên thị trường Mỹ đều tăng. Indonesia tăng thị phần từ 19% trong 8 tháng đầu năm 2019 lên 23% trong 9 tháng đầu năm 2020. Thị phần của Ecuador trên thị trường Mỹ tăng từ 13% lên 17%. Thị phần của Argentina tăng từ 21% lên 23%. Trong khi thị phần của Ấn Độ giảm từ 39% trong 8 tháng đầu năm 2019 xuống còn 36% trong 8 tháng đầu năm nay.

8 tháng đầu năm nay, NK tôm vào Mỹ từ Indonesia luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Mặc dù Indonesia cũng phải đối mặt với những khó khăn từ dịch Covid-19 khi số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại nước này liên tục tăng cao. Sức chống chịu và khả năng duy trì sản xuất ổn định của ngành tôm Indonesia trong bối cảnh dịch bệnh khá tốt. Đây là đối thủ cạnh tranh lớn của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ. Theo FAS.USDA, 8 tháng đầu năm nay, NK tôm vào Mỹ từ Indonesia đạt 104.764 tấn, trị giá 908,7 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Ecuador tăng thị phần trên thị trường Mỹ do giảm mạnh XK tôm sang Trung Quốc (thị trường NK tôm lớn nhất của Ecuador trong những năm gần đây). 8 tháng đầu năm nay, hình ảnh tôm Ecuador đối với khách hàng Trung Quốc bị giảm sút nhiều do Trung Quốc phát hiện tôm Ecuador có liên quan tới coronavirus trên bao bì nên Ecuador chuyển hướng đẩy mạnh xuất sang Mỹ và EU. Ecuador đang khôi phục XK tôm trở lại Trung Quốc nên XK tôm Ecuador sang Mỹ trong những tháng cuối năm nay dự kiến sẽ tăng chậm lại. 8 tháng đầu năm nay, NK tôm vào Mỹ từ Ecuador đạt 79.172 tấn, trị giá 485,3 triệu USD, tăng 40% về khối lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Tôm Ấn Độ giảm thị phần trên thị trường Mỹ 8 tháng đầu năm nay do dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nguồn cung và giá tôm nguyên liệu của Ấn Độ đều bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tại, Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về số ca nhiễm Covid-19 và sẽ phải mất một thời gian để khôi phục XK mạnh trở lại thị trường Mỹ. 8 tháng đầu năm nay, NK tôm vào Mỹ từ Ấn Độ đạt 167.821 tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, giảm 2% về khối lượng nhưng tăng 2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tổng số các sản phẩm tôm NK vào Mỹ, tôm thịt chế biến đông lạnh (mã HS 1605211030) ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 8 tháng đầu năm nay với 64.629 tấn, trị giá trên 654 triệu USD, tăng 29% về khối lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tổng số các sản phẩm tôm NK vào Mỹ, sản phẩm này đứng thứ hai, chiếm 14% tỷ trọng. Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia là các nguồn cung lớn nhất sản phẩm này cho Mỹ. Khối lượng NK sản phẩm tôm mã HS 1605211030 từ Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia vào Mỹ tăng lần lượt 60%, 26% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu NK tôm của Mỹ trong 8 tháng đầu năm nay bị tác động bởi dịch Covid-19 tuy nhiên nhu cầu NK tôm vẫn cao ở phân khúc bán lẻ, siêu thị. Dự kiến, nhu cầu NK tôm của Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, Mỹ là thị trường dẫn đầu về NK tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 24%. XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9/2020 tăng trưởng tốt 39,6% so với tháng 9/2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt trên 634,4 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dịch Covid-19, XK tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng dương trong cả tất cả các tháng của 9 tháng đầu năm nay. Mỹ được coi là thị trường có nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam ổn định nhất trong 9 tháng đầu năm nay. 

Kim Thu – http://vasep.com.vn/

Nghe âm thanh nhấp mồi của tôm thẻ

tôm thẻ ăn mồi
Âm thanh nhấp mồi của tôm chính là điều cần phải lắng nghe!

Từ âm thanh nhấp mồi của tôm thẻ có thể ước tính được tỷ lệ cho ăn.

Hành vi và tập tính ăn của tôm xưa nay đều nhận được sự quan tâm rất lớn của người nuôi, do nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý cho ăn và lượng thức ăn mà tôm tiêu thụ. Tuy nhiên việc nghiên cứu tập tính ăn của tôm thông thường rất khó khăn, vì đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và phải áp dụng những phương pháp phù hợp. 

Trước đây, việc nghiên cứu hành vi này thường chỉ được thực hiện trong phòng thí nghiệm, với quy trình theo dõi bằng mắt thường, rồi quay video và sau đó dùng phần mềm phân tích hình ảnh. Gần đây việc sử dụng công cụ giám sát âm thanh thụ động (PAM)  đã được ứng dụng trên tôm trong quá trình bắt mồi và nghiền thức ăn của chúng ngay tại ao nuôi. PAM là một phương pháp dùng để phát hiện các sóng âm thanh và chuyển nó thành năng lượng điện. Sau đó tự phân tích và xử lý phần mềm, có thể cung cấp ngay lập tức hoạt động ăn mồi của tôm. Điều này chắc chắn sẽ cải thiện việc quản lý quá trình cho ăn của người nuôi tôm nếu được ứng dụng rộng rãi.

Nước có một tính chất vật lý rất đặc biệt, khi âm thanh truyền trong nước sẽ còn nhanh hơn gấp 5 lần so với truyền trong không khí cả khi ở khoảng cách xa, đặc biệt hơn là truyền tốt trong nước mặn. Do đó, phương pháp PAM này nghiên cứu hành vi tốt hơn so với việc ghi lại hình ảnh trong nước, khi mà các hình ảnh này rất dễ bị mờ do suy giảm ánh sáng. Các thông số quan sát được còn có số lần nhấp mồi, khoảng cách thời gian cách nhau, số viên thức ăn và tổng thời gian cho mỗi lần nhấp. 

Tôm là loài ăn chậm nhưng liên tục và di chuyển nhanh, chúng sử dụng chân bụng để giữ và chuyển phần thức ăn bắt được vào phần phụ của miệng ở dưới bụng. Cùng với việc lượng thức ăn nạp vào cho tôm không đảm bảo được sự tiêu thụ hoàn toàn do thất thoát hay bị loại bỏ trong quá trình tiêu hóa. Tổng hợp những đặc điểm trên sẽ gây khó khăn khi dùng âm thanh để theo dõi và hình dung hành vi bắt và ăn mồi của tôm. Bù lại PAM có thể áp dụng được trong những môi trường đa dạng như ở những tầng nước khác nhau, độ trong khác nhau và chế độ chiếu sáng khác nhau, và cả những điều kiện nuôi, hệ thống sản xuất khác nhau. 

Một quan sát hành vi trước đây ở tôm cho thấy rằng, chỉ 60% thức ăn viên được đưa vào trong miệng là có hiệu quả. Hành vi kiếm ăn của tôm thẻ lại khá “hung hăng”, có thể cản trở những cá thể khác, để giành độc quyền những viên thức ăn lớn. Một nghi vấn được đặt ra là không biết được việc thay đổi đường kính viên thức ăn có thể ảnh hưởng đến các tập tính ăn của tôm hay không? Trong khi kích thước của các loại thức ăn viên ở những giai đoạn khác nhau lại khác nhau.

Điều bất ngờ thu thập được là âm thanh nhấp mồi của tôm chính là yếu tố để biết chắc được lượng thức ăn tiêu thụ và qua đó đánh giá được hành vi ăn mồi của tôm thẻ. Vì những tín hiệu âm thanh này tạo ra ở hàm dưới tôm và có liên quan mật thiết đến lượng thức ăn mà tôm tiêu thụ. Âm thanh lớn hơn đã được tạo ra ở những những phút đầu tiên quan sát. Có thể là do số lượng tôm bắt mồi nhiều và thể tích dạ dày rỗng vẫn còn lớn. Nhưng một ẩn số vẫn chưa biết được là chiều dài viên thức ăn có có ảnh hưởng đến âm thanh của hoạt động nhấp mồi hay không?

Thực tế chứng minh âm thanh phát ra của các lần nhấp mồi ở tôm không bị ảnh hưởng bởi độ dài, đường kính viên thức ăn và cả kích cỡ của tôm. Tuy nhiên âm thanh nhấp mồi này lại bị ảnh hưởng bởi kết cấu viên thức ăn (độ cứng, độ ẩm), và sự chuyển động hàm dưới của tôm. Điều này giải thích tại sao tôm ăn dạng viên ép đùn có tính chất cứng hơn cũng dẫn đến việc cường độ âm thanh cao hơn những thức ăn viên dạng bình thường.

Các nghiên cứu về khả năng tiêu thụ thức ăn ở tôm trước đây đều tập trung vào tổng lượng thức ăn mà ít quan sát những hành vi, tập tính ăn của chúng. Nhưng đây lại là yếu tố có thể dự đoán các đặc tính dinh dưỡng của tôm, kết cấu của khẩu phần ăn, giai đoạn, tỷ lệ sống, điều kiện môi trường và cả hệ thống nuôi. Kết luận rằng âm thanh của những lần nhấp mồi sẽ ước tính được tỷ lệ cho ăn. Đây là một tiềm năng để phát triển phương pháp tiếp cận âm học, tính mức tiêu thụ thức ăn. Cũng như đây có thể là một giải pháp thay thế các phương pháp truyền thống nhằm nghiên cứu hành vi cho ăn để cải thiện hiệu quả nuôi tôm thâm canh.

Hà Tử – https://tepbac.com/

Lợi ích từ sinh khối Novacq với tôm thẻ

Tôm thẻ chân trắng
Novacq ™ mang lại nhiều lợi ích cho tôm thẻ giai đoạn hậu ấu trùng (PL) và giai đoạn ương (juvenile).

Bổ sung phụ gia Novacq ™ giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm thẻ giai đoạn hậu ấu trùng (PL) và giai đoạn ương (juvenile).

Tôm cần ăn thức ăn có chứa bột cá và dầu cá để đảm bảo sự lớn nhanh và khỏe mạnh. Với việc nguồn cá tự nhiên trên thế giới đang bị khan hiếm, chúng ta cần tìm ra những cách mới và tốt hơn để tăng năng suất một cách bền vững.

Novacq ™ một đột phá được phát triển bởi các nhà khoa học thủy sản CSIRO ở Úc vào năm 2009, được sử dụng để thay thế các nguồn protein khan hiếm như bột cá trong khẩu phần ăn của tôm. Novacq™ là một thành phần thức ăn thủy sản được sản xuất bởi các vi sinh vật biển, khi sử dụng làm phụ gia thức ăn giúp tôm phát triển nhanh hơn và khỏe mạnh hơn 20-30%.

Novacq ™ hoạt động như một chất kích thích quá trình trao đổi chất khi bổ sung vào thức ăn cho tôm. Nó làm tăng lượng thức ăn và cho phép tôm sử dụng thức ăn hiệu quả hơn. Do đó, tôm sẽ lớn nhanh hơn (tăng trọng lượng và thời gian nuôi ngắn hơn) và sử dụng ít thức ăn hơn thông qua cải thiện chuyển đổi thức ăn. Đồng thời cải thiện khả năng phục hồi khi bị bệnh và thúc đẩy sự phát triển của ấu trùng và tôm con. 


Novacq ™ dưới kính hiển vi điện tử

Một nghiên cứu đã tìm hiểu tác động của việc bổ sung Novacq ™ ở mức 100g/kg vào thức ăn cho tôm thẻ trong giai đoạn PL12 và ương vèo. Ba thí nghiệm đã được thực hiện: 

Trong thí nghiệm 1, PL12 được thực hiện trong 21 ngày với các nghiệm thức đối chứng, Novacq ™ và thức ăn công nghiệp. Tôm PL12 sử dụng thức ăn bổ sung Novacq có hiệu suất ngang bằng với thức ăn công nghiệp và cao hơn nhóm đối chứng. Không quan sát thấy sự khác biệt về tỷ lệ sống, trọng lượng cuối ở tất cả các nghiệm thức.

Trong thí nghiệm 2 và 3, hiệu suất của tôm thẻ ương được cho ăn thức ăn công nghiệp có bổ sung Novacq ™ và không bổ sung Novacq ™ được quan sát trong 42 ngày. Trong thí nghiệm 2, nghiệm thức sử dụng thức ăn có bổ sung Novacq ™ vượt trội hơn so với thức ăn đối chứng bằng cách cải thiện tỷ lệ sống 89% so với ĐC 51%; trọng lượng cuối 7,4g trong khi ĐC 3,5g; tăng trọng 7,1g so với ĐC: 3,2 g và tỷ lệ tăng trọng 1997% trong khi ĐC: 898%. FCR ở tôm bổ sung Novacq ™ 1,5 thấp hơn so với ĐC 3,6. 

Thí nghiệm 3, được tiến hành với 3 nghiệm thức: 

  • ĐC: thức ăn công nghiệp
  • NT1: thức ăn công nghiệp + bột mì + gluten (CWF)
  • NT2: thức ăn công nghiệp + Novacq ™

Bổ sung Novacq ™ vào thức ăn đã cải thiện hiệu suất của tôm ương (trọng lượng cuối: 6,4 cao hơn so với ĐC: 5,5 g, tăng trọng: 6,0 cao hơn so với ĐC: 5,1 g và tỷ lệ tăng trọng: 1712 cao hơn so với ĐC: 1443%) và giảm hệ số biến động. Ngoài việc cải thiện tăng trưởng, Novacq ™ cũng cải thiện hiệu quả cho ăn bằng việc giảm lượng thức ăn hàng ngày (NT2: 9,7g thấp hơn so với nhóm ĐC: 11,9g và NT1: 11,8 g) và FCR cũng cho thấy nghiệm thức sử dụng Novacq ™ (NT2: 1,5) thấp hơn so với nghiệm thức ĐC 2,2 và NT1 2,3. 

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng một thành phần khô dựa trên sinh khối vi sinh vật, được bán trên thị trường với tên gọi Novacq ™, có thể cung cấp một giải pháp bền vững để loại bỏ hoàn toàn nhu cầu về bột cá trong thức ăn của tôm sú. Điều thú vị là, không giống như sinh khối vi khuẩn giàu protein khác, Novacq ™ có xu hướng chứa ít protein và thay vào đó có khả năng cung cấp các chất dinh dưỡng có hoạt tính sinh học để nguồn protein này thực hiện chức năng tương tự như bột cá. 

Tôm thẻ được cho ăn Novacq ™ đã chuyển hóa năng lượng nhiều hơn thành trọng lượng cơ thể và giữ lại nhiều chất dinh dưỡng hơn các động vật khác. Do đó, Novacq ™ làm tăng lượng thức ăn của tôm dẫn đến tôm lớn nhanh hơn nhưng lại sử dụng ít thức ăn hơn. Khi so sánh các chế độ ăn khác với cùng một lượng thức ăn nhưng tăng trưởng chậm hơn và không sử dụng thức ăn tốt như tôm cho ăn Novacq ™. Có thể là Novacq ™ đã tăng sự hấp dẫn trong thức ăn làm cho tôm ngon miệng hơn. Chế độ ăn bổ sung Novacq ™ cũng ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật của tôm thông qua việc làm giảm sự phong phú của vi khuẩn Vibrio có thể gây bệnh cho tôm nuôi.

Đây là báo cáo đầu tiên điều tra tác động của việc cho ăn sinh khối vi sinh Novacq ™ trên tôm thẻ. Việc bổ sung sinh khối vi sinh vật biển, Novacq ™ 100 g/kg vào thức ăn đã cải thiện tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm thẻ chân trắng giai đoạn PL12 và ương vèo, cho thấy giá trị của nó như một phụ gia thức ăn hữu ích trong dinh dưỡng của tôm thẻ chân trắng.

Theo The marine microbial biomass, Novacq™, a useful feed additive for postlarvae and juvenile Litopenaeus vannamei của tác giả N.Rombenso, Minh Hoang Duong, Barney M.Hines, Tùng Mã, Cedric J.Simonc.
Sương Phạm – https://tepbac.com/

Nỗi lo tôm dịch bệnh sau trận lũ lịch sử

Sau mất mát do mưa lũ, người nuôi tôm thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lại đối mặt với nỗi lo số tôm còn lại trong hồ nuôi đang có nguy cơ dịch bệnh cao.

Xã Kỳ Hà – “vựa tôm” của thị xã Kỳ Anh có 45/56 ha diện tích hồ tôm bị thiệt hại nặng nề sau mưa lũ. Số tôm còn lại trong các hồ nuôi đang đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh nguy hiểm do thay đổi môi trường nước và thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Gia đình ông Nguyễn Đức Tiến (thôn Đông Hà, xã Kỳ Hà) có 1,5 ha hồ nuôi với hơn 32 vạn con tôm thẻ chân trắng. Lũ lớn đã phá vỡ nhiều điểm bờ hồ ngay cận kề thời điểm thu hoạch khiến ông Tiến mất hơn 50% số tôm. Cùng đó, nước lớn kết hợp với thủy triều dâng, kéo theo nhiều rác thải, tạp chất đã khiến các hồ nuôi bị ô nhiễm nặng nề.

Hầu hết người nuôi tôm ở TX Kỳ Anh đang như “ngồi trên lửa” vì lo sợ tôm nhiễm bệnh sau mưa lũ.

Ông Tiến cho biết: “Mất mát ngay trong lũ thì đã đành rồi nhưng lo nhất bây giờ là rất có thể mất hết số tôm còn lại do dịch bệnh. Không chỉ nước bị ô nhiễm mà thời tiết sau lũ cũng thay đổi quá nhanh, nắng oi vào ban ngày, nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm, là điều kiện tốt để phát sinh các loại dịch bệnh ở tôm”.

Chia sẻ về các dấu hiệu tôm mắc bệnh có thể nhận biết được sớm, ông Tiến cho hay, qua kiểm tra hồ nuôi, nếu thấy tôm vùi mình vào đáy ao, bờ ao, bơi lờ đờ và ăn kém hoặc bỏ ăn, tức là tôm đã bắt đầu nhiễm bệnh. Để phòng ngừa, mấy hôm nay, tôi thường xuyên kiểm tra ao, theo dõi sát sức khoẻ của tôm, cố gắng điều tiết mức nước phù hợp, đảm bảo lượng ô xi hòa tan đầy đủ.

Tại xã Kỳ Nam, 29 ha ao nuôi tôm của 12 hộ nuôi cũng bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ vừa qua. Hầu hết số tôm tại đây đều mới được thả nuôi, sức đề kháng kém nên việc nhiễm bệnh trên tôm là rất dễ xảy ra.

Ông Lê Văn Phong ở thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam thả hơn 30 vạn con tôm thẻ mới hơn 1 tháng. Mưa lớn cộng với thủy triều dâng cao đã cuốn mất hơn 17 vạn tôm giống của gia đình. Số còn lại trong hồ những ngày này đang được ông túc trực kiểm tra thường xuyên.

“Theo kinh nghiệm của tôi, thời tiết sau mưa lũ thường là điều kiện tốt cho dịch bệnh trên tôm bùng phát. Các bệnh thường gặp gồm: bệnh đỏ thân, đốm trắng… Mặc dù đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong phòng dịch nhưng tôi vẫn rất lo sợ vì nguồn nước ô nhiễm từ đợt mưa lũ làm tôm thẻ khó có thể thích nghi kịp…” – ông Phong chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: “Địa phương đã phân công cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn bà con hướng khắc phục. Đồng thời giao Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi phối hợp với các xã, phường kiểm tra, chỉ đạo bà con thực hiện các biện pháp kỹ thuật để xử lý môi trường nước đối với các diện tích còn lại. Đối với những hồ tôm bị ngập, trôi hoặc chết thì chỉ đạo các hộ tiếp tục cải tạo lại ao để thả nuôi tiếp trong thời gian tới”.

Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã Kỳ Anh đang hướng dẫn hộ nuôi xả bớt nước trên tầng mặt để giảm lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí thường xuyên nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh.

Bên cạnh đó, rải vôi bột quanh bờ ao kết hợp bón vôi trong lòng ao để ổn định độ PH; đồng thời bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh trên tôm sau mưa lũ.

Thu Trang – Báo Hà Tĩnh

Nghịch lý nuôi tôm: Người có đất không có vốn, người có vốn không có đất

cho tôm ăn
Người nuôi tôm hiện nay nằm trong vòng xoáy giữa vốn và đất.

Một nghịch lý tồn tại trong nuôi tôm: người có vốn không có đất, người có đất thì không có vốn. Còn ngân hàng có tiền, nhưng lại không dám cho vay.

Tại hội nghị sơ kết thực hiện chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 26-10, ông Lê Văn Quang, chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú, nêu lên một thực trạng nghịch lý trong nuôi tôm ở ĐBSCL.

Theo ông Quang, mỗi hộ nuôi tôm hiện nay có 3-5ha, nếu nuôi tôm theo công nghệ cao thì chi phí đầu tư khoảng 2 tỉ đồng/ha.

“Người có đất 3-5ha thì không có vốn. Còn người có vốn thì không có đất. Các ngân hàng và tổ chức tài chính có nhiều tiền nhưng không dám cho người nuôi tôm vay vì rủi ro cao”, ông Quang nói.

Ông Quang cho biết để giải quyết vấn đề này, tập đoàn của ông đã xây dựng một app, cài đặt phần mềm thông minh giúp người nuôi tôm có nhiều thông tin về ao nuôi, dịch bệnh trên tôm…, đặc biệt từ đó ngân hàng cũng có thông tin về ao nuôi để “giải quyết vấn đề vốn cho người nuôi”.

Tại hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cũng đề nghị các viện, trường có nghiên cứu về việc nuôi tôm thẻ chân trắng tại một số vùng ngọt, nhưng gần đây bị mặn cục bộ của tỉnh này (thuộc huyện Trà Ôn, Vũng Liêm giáp với tỉnh Trà Vinh) do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Tương tự, đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị về việc nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng ngọt nhưng gần đây bị nhiễm mặn của tỉnh (giáp với tỉnh Bạc Liêu) với diện tích nhiễm mặn năm 2019 khoảng 80ha.

Chí Quốc Tuổi Trẻ

Long An đầu tư mạnh nuôi tôm công nghệ cao, 1ha lãi hơn 100 triệu đồng

Mô hình nuôi tôm ao nổi
Mô hình nuôi tôm ao nổi đang được nhiều nông dân ở Long An đầu tư. Ảnh: T.T.Đ

Mục tiêu hết năm 2020, tỉnh Long An sẽ có hơn 6.800ha diện tích nuôi tôm nước lợ, trong đó có 200ha nuôi theo công nghệ cao. Sản lượng tôm ước đạt trên 15.000 tấn với giá trị đạt trên 1.180 tỷ đồng.

Mạnh dạn đầu tư

Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện Cần Đước xây mới và nâng cấp 13 công trình đường điện trung, hạ áp và trạm biến áp với tổng mức đầu tư trên 11,3 tỷ đồng để cấp điện nuôi tôm cho khu vực các xã: Long Hựu Đông, Long Hựu Tây và Tân Chánh.

Cùng với xây mới lưới điện, Điện lực Cần Đước cũng đã nâng cấp hơn 3.980m đường dây 1 pha lên 3 pha; xây dựng mới 5.590m trung thế; lắp mới 12 trạm biến áp dung lượng 1.660kv; xây mới 5.234m đường dây hạ áp. Đồng thời, điện lực tư vấn cho người dân lắp đặt trạm biến áp chuyên dùng. Đến nay, đã có 83 trạm biến áp chuyên dùng với dung lượng 5.047kv.

Ông Nguyễn Hồng Chương – Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Đước cho biết, hiện huyện có hơn 400ha nuôi tôm công nghiệp. Một số tổ hợp tác nuôi ứng dụng mô hình nuôi tôm 2 – 3 giai đoạn cho năng suất 5-10 tấn/ha. Cá biệt có hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao đạt năng suất 25 tấn/ha, lãi từ 100-130 triệu đồng/ha.

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cần Giuộc phối hợp UBND xã Phước Vĩnh Tây tổ chức hội thảo tổng kết mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 2 giai đoạn sử dụng ao ương nổi tại hộ ông Vũ Hồng Hải (ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây). 

Mô hình có diện tích ao ương 135m2, ao nuôi 2.000m2. Sau 87 ngày thả nuôi, tôm có trọng lượng 35 con/kg, sản lượng 4 tấn, cao hơn so với cách nuôi truyền thống.

“Tôm nuôi với mô hình này được cung cấp oxy đầy đủ nên lớn nhanh, chống bệnh tốt, giảm hiện tượng chết sớm, đạt năng suất cao. Do vậy, tôi sẽ tiếp tục thả nuôi trong các vụ tiếp theo” – ông Hải chia sẻ.

Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Giuộc Ngô Bảo Quốc cho biết, huyện hiện có 10 xã nuôi tôm với tổng diện tích ao nuôi khoảng 2.200ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 5.000 tấn. Trong đó, 21 hộ có mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 22ha.

Bắt nhịp Hiệp định EVFTA

Với thuế suất 0%, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –châu Âu (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội khi xuất khẩu thủy sản, nông sản, trái cây của Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU).

Với mặt hàng thủy sản, trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu tôm sang thị trường EU giảm mạnh. Tuy nhiên, từ khi EVFTA có hiệu lực (1/8) và EU kiểm soát tốt dịch bệnh, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này đã phục hồi và tăng nhẹ. Theo đó, xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 8 ước tính tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng tôm Việt Nam, như tôm hùm xanh ướp đá, tôm sú HOSO, DP đông lạnh, tôm sắt PD tươi đông lạnh, tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông có mức từ 12,5% đã được giảm về 0%. Đặc biệt, các loại tôm sú có mức thuế từ 20% cũng được xóa bỏ thuế ngay.

Trong việc đầu tư phát triển ngành nuôi tôm của tỉnh Long An, theo bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ xây dựng vùng nuôi tôm nước lợ tập trung tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành, phấn đấu đưa ngành tôm phát triển bền vững.

Nguồn vốn để đầu tư phát triển vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025 dự kiến là hơn 1.244 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương gần 588 tỷ đồng dùng để cải tạo nâng cấp, đầu tư mới cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tôm thí điểm, tập trung. 

Nguồn vốn ngân sách tỉnh là 33,4 tỷ đồng dùng cho việc quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh, chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại. Vốn huy động từ nguồn xã hội hóa hơn 624 tỷ đồng để tập trung cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng cơ sở nuôi tôm, mua con giống, thức ăn, máy móc thiết bị.

Bà Khanh cho biết, tỉnh sẽ tập trung khai thác hiệu quả diện tích nuôi tôm nước lợ hiện có, kết hợp với tổ chức lại sản xuất dựa trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư nuôi theo hướng công nghệ cao để tăng vụ (3-4 vụ/năm), tăng năng suất, chất lượng, giá trị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

“Tỉnh sẽ đầu tư toàn diện vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm để phát triển ngành tôm bền vững, tạo khối lượng sản phẩm lớn, giá trị cao, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là khi thị trường EU dễ thở hơn sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực” – bà Đinh Thị Phương Khanh chia sẻ.

Trần Đáng Dân Việt

Điều kiện lên men acid lactic tối ưu từ mật rỉ đường

Mật rỉ đường.
Mật rỉ đường.

Điều kiện tối ưu khi lên men acid lactic từ rỉ đường bởi vi khuẩn Lactobacillus.

Trong những năm gần đây, có rất nhiều công trình nghiên cứu về ứng dụng vi sinh vật trong phòng bệnh, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và bảo quản thực phẩm. Một trong những nhóm vi khuẩn có lợi được quan tâm nhiều nhất là nhóm vi khuẩn lactic, đây là nhóm vi khuẩn lên men chua đã được con người sử dụng từ rất lâu.

Vi khuẩn lactic đóng vai trò quan trọng và được sử dụng khá nhiều trong công nghiệp nuôi trồng thủy sản như là chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn và sử dụng xử lí môi trường. Vi khuẩn lactic gồm các chi Lactococcus, Leuconostoc, Bifidobacterium, Carnobacterium, Sporolactobacillus.

Vi khuẩn lactic có hoạt tính kháng khuẩn diện rộng do có khả năng sản xuất ra các chất ức chế: như một số acid hữu cơ, hydrogen peroxide, diacetyl, các chất có khối lượng phân tử thấp và bacteriocin là chất có khả năng ức chế cả vi khuẩn gram (+), vi khuẩn gram (-) và khả năng phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường. Hơn nữa, trong quá trình lên men, vi khuẩn lactic còn sinh ra acid hữu cơ, ức chế vi khuẩn gây bệnh bằng cách tác động lên tế bào chất của vi khuẩn, ảnh hưởng đến chức năng bảo vệ của màng tế bào.

Rỉ đường, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất và tinh sạch đường mía, có tồn dư dinh dưỡng cao. Việc tận dụng nguồn rỉ đường làm môi trường nuôi cấy vi khuẩn lactic có tiềm năng góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường và phục vụ phát triển bền vững. 

Nghiên cứu lên men lactic acid từ nguyên liệu rỉ đường bằng cách sử dụng 3 chủng vi khuẩn Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus plantarum và Lactobacillus fermentum. Rỉ đường được xử lý với acid sulfuric, bổ sung vi khuẩn đã được tăng sinh đến mật độ 1010 CFU/mL và lên men lactic acid ở điều kiện khác nhau (tỷ lệ rỉ đường, pH, nhiệt độ, thời gian, tỷ lệ vi khuẩn bổ sung). 

Ba chủng Lactobacillus khảo sát (Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus plantarum và Lactobacillus fermentum) đều có khả năng lên men tạo lactic acid từ nguyên liệu rỉ đường. Điều kiện thích hợp cho lên men lactic acid từ rỉ đường là tỷ lệ rỉ đường 15% (v/v)(*), pH môi trường 6,0, nhiệt độ lên men 370C, thời gian ủ 30 giờ, tỷ lệ vi khuẩn bổ sung 10% (v/v), mật số chủng 108 CFU/mL, trong đó chủng Lactobacillus acidophilus có khả năng lên men lactic acid cao nhất, tạo 16,7g/L acid lactic. 

Hàm lượng lactic acid tạo thành từ cả 3 chủng vi khuẩn có xu hướng tăng khi tăng tỷ lệ rỉ đường từ 5-15% (v/v) và đạt cao nhất ở tỷ lệ rỉ đường 15% (v/v) sau đó có giảm nhẹ ở tỷ lệ 20% (v/v). Điều này có thể giải thích là ở tỷ lệ mật rỉ 20% do nồng độ đường quá cao làm hoạt độ nước giảm gây ức chế hoạt động của vi khuẩn làm giảm khả năng chuyển hóa acid lactic. Tỷ lệ rỉ đường 15% (v/v) có hàm lượng đường glucose tương ứng là 6,1%. 

Ở giá trị pH 6,0 lactic acid tạo thành là cao nhất ở cả 3 chủng, L. acidophilus đạt 15,48 g/L, L. fermentum đạt 14,4 g/L và L. plantarum đạt 12,6 g/L.

Nhiệt độ lên men thích hợp cho 3 chủng Lactobacillus trong khoảng từ 35-40oC, trong đó ở nhiệt độ ủ 37oC, quá trình lên men chuyển hóa acid là tốt nhất.

Thời gian lên men càng dài thì lượng acid thu được càng cao, từ 30 giờ trở đi lượng acid tạo thành không tăng thêm nên lựa chọn dừng quá trình lên men ở 30 giờ để tiết kiệm chi phí.

Kết quả của đề tài là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm cải thiện hiệu suất lên men acid lactic, tăng khả năng sản xuất lactic acid từ nguyên liệu rỉ đường sử dụng vi khuẩn Lactobacillus ở quy mô công nghiệp. Nghiên cứu cũng cung cấp thông tin cơ sở tạo điều kiện tối ưu cho vi khuẩn lactic sản sinh các hợp chất kháng khuẩn có hoạt tính cao nhất phát triển đối kháng mạnh với vi khuẩn gây bệnh. 

(*) v/v: Phần trăm thể tích – thể tích hay %  biểu thị thể tích của chất tan theo mL trong 100 mL dung dịch kết quả, thường dùng nhất khi pha 2 dung dịch lỏng.

Theo Khảo sát điều kiện lên men lactic acid từ rỉ đường bởi vi khuẩn Lactobacillus của Lê Thị Thanh Tâm và Ngô Thị Kim Hà.

Như Huỳnh – https://tepbac.com/