Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Sản xuất tôm kháng bệnh từ công cụ ADN

Với nỗ lực tiên phong, Tập đoàn Benchmark Genetics đã sử dụng công nghệ nghiên cứu bản đồ gen (genomics) để tăng sức đề kháng của tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) đối với virus gây Hội chứng đốm trắng (WSSV) mà không ảnh hưởng đến an toàn sinh học trong việc nhân giống. 

Chọn lọc bộ gen

Bệnh do virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV) vẫn khiến cho người nuôi tôm trên toàn thế giới thất thoát hàng tỷ USD mỗi năm. Dịch bệnh này đã lây lan nhanh chóng và các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm đã không mang lại hiệu quả, vì việc sử dụng chiến lược tiêm chủng để tăng cường phản ứng miễn dịch chống lại virus là bất khả thi. Kích thích hệ thống miễn dịch bẩm sinh cho thấy có một số hứa hẹn nhưng cho đến nay vẫn chưa được chứng minh trên thực địa.

 Chúng ta đều biết rằng một số loài động vật vốn có khả năng chống lại hoặc thích nghi với virus tốt hơn những loài khác, nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu được cơ chế cụ thể đằng sau những khác biệt này. Có thể lai tạo ra những giống mới có sức đề kháng tốt với virus gây hội chứng đốm trắng WSSV cao hơn thông qua chọn lọc gia đình thông thường, nhưng việc này tiến triển còn chậm. Ngành công nghiệp nuôi tôm đang rất cần các giải pháp tốt hơn để ngăn chặn tôm chết hàng loạt do đại dịch này gây ra và tăng lợi nhuận.

Chọn lọc bộ gen là một phương pháp vốn được áp dụng để cải thiện chất lượng vật nuôi thông qua áp dụng các công nghệ mới nhất xác định trình tự ADN. Các nhà khoa học về nhân giống và di truyền học tại Nofima đã hợp tác với Benchmark Genetics để ứng dụng các công nghệ này trên chọn lọc TTCT. Thay vì phụ thuộc vào các mối quan hệ phả hệ để ước tính giá trị nhân giống của các cá thể, đơn vị đã sử dụng các dữ liệu trình tự ADN để ước tính các mối quan hệ về gen giữa các cá thể ở hàng chục nghìn vị trí trong toàn bộ hệ gen của vật nuôi. Công nghệ này đem lại kết quả chính xác hơn để dự đoán giá trị nhân giống của tôm giống bố mẹ tiềm năng trong quần thể (được gọi là giá trị nhân giống di truyền trong trường hợp này).   

Cải thiện di truyền cho các loài giáp xác

Là một phần của dự án nghiên cứu GenomResist do Hội đồng Nghiên cứu Na Uy tài trợ, Nofima và Benchmark Genetics đã thử nghiệm mức độ hiệu quả của việc lựa chọn bộ gen để nâng cao sức đề kháng bệnh hội chứng đốm trắng – WSSV ở TTCT, bằng việc thiết lập một thí nghiệm sử dụng hai quần thể nguồn do Benchmark Genetics Colombia phát triển. Trong đó một quần thể đã được lai tạo chọn lọc hàng loạt qua vài thế hệ về khả năng kháng virus gây hội chứng đốm trắng, quần thể còn lại được lai tạo để có tốc độ tăng trưởng nhanh và sống sót tốt trong ao nuôi thông thường.

Tôm giống từ cả hai nhóm và thế hệ tôm lai được sinh ra từ lai tạo đã được tách riêng ngẫu nhiên thành hai nhóm chính, trong đó một nhóm là quần thể thử nghiệm, được cho tái nhiễm với virus và nhóm còn lại là quần thể con giống bố mẹ, được gìn giữ dưới các điều kiện an toàn sinh học cao. Quần thể thử nghiệm bị cho lây nhiễm WSSV, các tôm chết và yếu được lấy mẫu mô vào mỗi giờ trong suốt thời gian thử nghiệm; cùng đó, ngưỡng thời gian chết được ghi chép lại đối với tất cả các cá thể. Tất cả các mẫu được phân tích đánh dấu ADN bằng chip SNP của Benchmark Genetics có khả năng bao quát tốt mọi vị trí trên toàn bộ hệ gen của tôm, để đem lại độ chính xác nhằm chọn lọc bộ gen. Các thông tin về khả năng sống sót và ngưỡng thời gian chết của tôm đã qua thí nghiệm gây nhiễm, được kết hợp với các dữ liệu về mối quan hệ của bộ gen từ thử nghiệm ADN và được sử dụng để dự đoán các giá trị của gen của các con giống về khả năng sống sót của từng cá thể tôm bố mẹ (là các cá thể miễn nhiễm với virus).

Trong giai đoạn thứ hai của thử nghiệm, các con giống lai tạo từ nhóm không bị nhiễm bệnh được cho giao phối để tạo ra hai quần thể con cháu khác nhau, một quần thể tôm con cháu từ tôm bố mẹ có giá trị nhân giống được ước tính về bộ gen cao và nhóm còn lại gồm tôm bố mẹ có giá trị nhân giống ước tính về gen thấp đối với virus gây WSSV. Các cá thể sống sót của hai quần thể này và con cái từ đàn bố mẹ được giao phối “ngẫu nhiên”, được so sánh đánh giá trong một thử nghiệm gây nhiễm. Kết quả của thử nghiệm gây nhiễm đó cho thấy hơn 80% số cá thể, trong các gia đình được chọn lọc theo bộ gen tốt nhất, sống sót tốt với sức đề kháng khi gây nhiễm với WSSV. Ngược lại thì tôm từ các hệ gia đình yếu kém nhất có tỷ lệ sống sót dưới 5%.

Giống như tiêm vaccine cho một quần thể để phòng ngừa bệnh tật, việc có được những con tôm có mức độ đề kháng cao trong quần thể tôm có khả năng đủ để tạo ra hiệu ứng bầy đàn, từ đó giảm đáng kể tác động của dịch bệnh bằng cách ngăn chặn sự lây lan theo cấp số nhân của dịch bệnh trong quần thể bị ảnh hưởng. Lựa chọn bộ gen cũng hứa hẹn rất nhiều trong việc nâng cao khả năng chống lại các bệnh lý khác và đang được tiến hành trong chương trình nhân giống của Benchmark Genetics đối với TTCT.

Tăng cường khả năng sinh tồn

Các kết quả chứng minh cho thấy, tỷ lệ sinh tồn trung bình của các gia đình tôm đã tăng từ 38% trong quần thể ngẫu nhiên lên 51% trong quần thể sinh sản cao chỉ sau một thế hệ chọn lọc bộ gen đối với tính đề kháng virus gây WSSV. Điều này cho thấy sự đáp ứng cho việc chọn lọc này cao hơn đáng kể so với báo cáo trước đây về đề kháng lại WSSV.

Công trình hợp tác tiên phong này đã chứng minh rằng, có thể đạt được mức độ cải thiện di truyền tương đối cao đối với sự sống sót trước WSSV ở TTCT chỉ sau một thế hệ được chọn lọc bộ gen và việc chọn lọc đó có thể được sử dụng để nâng cao tỷ lệ sống sót trước bệnh WSSV từ thử nghiệm cho đến ngành công nghiệp nuôi tôm thương phẩm. So với các phương pháp chọn lọc con giống thông thường để kháng bệnh, chọn lọc bộ gen chính xác hơn một cách đáng kể trong việc dự báo và có thể sử dụng tốt hơn, thông tin về di truyền cơ bản ảnh hưởng đến tính kháng bệnh. Giống như tác dụng của việc tiêm phòng cho các thành viên trong quần thể, chúng tôi kỳ vọng rằng mức độ miễn dịch cao ở những quần thể tốt nhất sẽ có “hiệu ứng bầy đàn” vì những con vật có sức đề kháng cao sẽ không còn lây nhiễm cho những con vật khác với tốc độ thường thấy. Hơn nữa, áp lực sức đề kháng trong các ao nuôi thương phẩm có thể thấp hơn so với khi thử nghiệm trong bể nuôi thử nghiệm và các gia đình tôm tốt nhất trong quần thể có giá trị nhân giống gen cao cho thấy tỷ lệ sống trên 80%. Các nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng mức độ sống sót khoảng 70% là đủ để kiểm soát lại một số bệnh virus khác (do virus hội chứng Taura) ở tôm.

>> Bằng cách sử dụng phương pháp chọn lọc bộ gen, Benchmark Genetics có thể tăng nhanh mức độ kháng bệnh ở TTCT. Benchmark Genetics hiện sử dụng công nghệ này để cung cấp cho người nuôi những quần thể tôm bố mẹ có thể sản xuất tôm giống có khả năng sinh tồn ngay khi có sự hiện diện của virus gây Hội chứng đốm trắng (WSSV).

Marcela Salazar

Theo Benchmark Genetics and Nofima

Công nghệ sinh học: Tối ưu giá trị dinh dưỡng của thức ăn thủy sản

Để tăng sử dụng thành phần thức ăn thực vật trong thức ăn thủy sản, cần nâng cao giá trị dinh dưỡng và giảm thiểu chất kháng dinh dưỡng bằng quy trình công nghệ sinh học. Lên men giá thể rắn (SSF) và enzyme ngoại sinh là một trong số đó.

Lên men giá thể rắn

Lên men là một quy trình gồm các vi sinh vật, chất nền và các điều kiện môi trường đặc biệt để biến đổi những chất nền phức tạp thành hợp chất đơn giản hơn (Niba et al., 2009). Lên men cải thiện chất lượng dinh dưỡng của thức ăn thông qua: giảm xơ; tăng hàm lượng protein và chất béo; cải thiện vitamin và sinh khả dụng của chất khoáng; cải thiện khả năng tiêu hóa của axit amin.

SSF là quy trình lên men gồm một giá thể rắn trong điều kiện thiếu chất béo. SSF thường được sử dụng để sản xuất các thành phần lên men dạng khô bổ sung vào các hỗn hợp thức ăn cơ bản. Do lượng ẩm thấp, phương pháp này chỉ có thể được thực hiện bởi một số lượng vi sinh vật giới hạn, chủ yếu là nấm như Aspergillus ssp. và Rhizopus ssp., mặc dù một số vi khuẩn như Lactobacillus spp., cũng có thể sử dụng được (Supriyati et al., 2015). Các thành phần thức ăn được sản xuất bởi quy trình SSF phù hợp hơn để chế biến thức ăn thủy sản.

Các thành phần thức ăn có nguồn gốc thực vật được lên men, đặc biệt là những thành phần được sản xuất bởi quy trình SSF đều được coi là những thành phần thức ăn thủy sản tiềm năng.

Enzyme ngoại sinh

Gần đây ngành thủy sản bắt đầu chú trọng sử dụng các enzyme ngoại sinh trong thức ăn giàu thành phần thực vật do chúng có tác dụng cải thiện khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng. Một ích lợi quan trọng khác khi kết hợp enzyme ngoại sinh trong công thức thức ăn là phá vỡ các yếu tố kháng dinh dưỡng như xơ, phytate và polysaccharide phi tinh bột (NSPs) – những chất ảnh hưởng đến tăng trưởng và sức khỏe của vật nuôi (Alsersy et al., 2015). Đối với các loài thủy sản, nghiên cứu về enzyme ngoại sinh tập trung chủ yếu vào phytase. Gần đây, nghiên cứu về carbohydrase, protease và hỗn hợp enzyme được quan tâm và chú ý nhiều hơn (Gatlin et al 2017).

Chức năng chính của carbohydrase ngoại sinh là thủy phân các chất NSPs phức tạp trong thức ăn thực vật. Hơn nữa, bổ sung carbohydrase tăng tính tiêu hóa của các chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng như tinh bột và chất béo. Ngoài ra, carbohydrase còn có khả năng cải thiện sử dụng nitơ và axit amin bằng cách thúc đẩy các protease tiêu hóa tiếp cận với protein (Tahir et al., 2018). Cùng các chất dinh dưỡng khác, enzyme carbohydrase cũng tham gia vào quá trình cải thiện sinh khả dụng của chất khoáng trong thức ăn tới các cơ quan mục tiêu. Carbohydrase cũng hỗ trợ sự tăng trưởng của các lợi khuẩn, từ đó cải thiện đường ruột và sức khỏe tổng thể của vật nuôi (Adeola and Cowieson, 2011).

Ngoài khả năng phá vỡ chất kháng dinh dưỡng của carbohydrase, điều cần thiết là cải thiện tính khả dụng của các protein trong thành phần thực vật qua bổ sung protease. Protease gồm một nhóm enzyme có khả năng thủy phân protein thành các protein nhỏ hơn, peptides và axit amin. Nếu không có protease, các mối liên kết này không thể bị phá vỡ dễ dàng và do đó, cá và tôm cũng không thể tiêu hóa ngay protein.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định vai trò của enzyme ngoại sinh hoặc phức hợp enzyme, chủ yếu là carbohydrase và protease với những kết quả rất khả quan.

Nhờ những cải tiến công nghệ sinh học, các chuyên gia công thức thức ăn có thêm nhiều công cụ để tối ưu giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế của thức ăn thủy sản. Ngành dinh dưỡng vẫn tiếp tục nghiên cứu về tác dụng của các chất nền, vi sinh vật, các phương pháp khác nhau trong sản xuất enzyme và thành phần thức ăn, cũng như tác động của chúng với trao đổi chất, tăng trưởng, sức khỏe đường ruột và hệ thống miễn dịch của vật nuôi thủy sản.

Đan Linh

Theo Aquafeedindustry

Kỳ vọng lớn vụ tôm cuối năm

“Nhận định về xu hướng thị trường tôm châu Âu từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho biết, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại, ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động. Doanh số bán lẻ hoặc trực tuyến tiếp tục tăng. Nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ còn tốt hơn hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ cuối năm”

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 7/2020 đạt 388,5 triệu USD, tăng 16,3% so với tháng 7/2019. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ sau 1 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, xuất khẩu (XK) tôm sang EU trong tháng 8/2020 đã tăng tới 10% so với tháng 7.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong các tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung cả năm 2020, xuất khẩu tôm có thể tăng 7,7% về lượng và tăng 5,82% về trị giá so với năm 2019, đạt 415,2 nghìn tấn và 3,52 tỷ USD.

Nguồn: Vasep

Bảy tháng đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm 71% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam, tôm sú chiếm 17,2%. Tổng giá trị xuất khẩu tôm chân trắng tăng 12% trong khi xuất khẩu tôm sú giảm 14%.

Nửa đầu tháng 7/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế từ đầu năm tới 15/7/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt trên 179 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần lớn gần 52%, bỏ xa các đối thủ như Thái Lan chiếm 11%, Ecuador 10%, Trung Quốc 5,3%. Việt Nam có lợi thế được miễn thuế nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc trong khi Ecuador chịu thuế 20%, Thái Lan 10%, Trung Quốc 15%, Ấn Độ 10% đối với sản phẩm tôm HS 030617…

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương, Arab Saudi đã chính thức cho phép 12 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu trở lại mặt hàng thủy sản vào thị trường này. Đây một tín hiệu đáng mừng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, mở ra hướng đi mới cho đầu ra của ngành thủy sản trong nước.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe cho rằng, những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, khiến cho việc dự báo về xuất khẩu tôm trong những tháng còn lại của năm nay rất khó chính xác. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm chắc, theo dõi sát tình hình thị trường, tận dụng thời cơ giao hàng nhanh, luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng cho đối tác nước ngoài với giá hợp lý …

Còn theo TS Hồ Quốc Lực, hiện nay tôm nuôi đang bị dịch bệnh hoành hành (bệnh vi bào tử trùng EHP) khiến người nuôi giảm thả giống. Cho nên những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt tôm nguyên liệu. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đang tăng trưởng về giá trị nhưng xuất khẩu cả năm có thể chỉ ngang ngửa với năm 2019.

Người nuôi tôm được mùa, được giá

Với kim ngạch xuất khẩu tôm tăng mạnh, kéo giá tôm nguyên liệu tăng theo. Từ trung tuần tháng 8 đến nay, giá tôm thẻ cỡ lớn đã tăng trở lại, giúp cải thiện đáng kể mức lợi nhuận của người nuôi tôm. Tôm thẻ loại 20 con/kg đã từ mức 170.000 đồng/kg đã tăng lên mức 180.000-185.000 đồng/kg. Loại 30 con/kg đang có giá 145.000-148.000 đồng/kg. Loại 40 con/kg giá 122.000-125.000 đồng/kg. Loại 50 con/kg có giá là 106.000-109.000 đồng/kg. Trái ngược với tôm thẻ cỡ lớn, tôm thẻ cỡ 60 con/kg về nhỏ hiện có giá thấp. Cụ thể, loại 60 con/kg giá chỉ 94.000-97.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá 91.000 đồng/kg và loại 100 con/kg giá chỉ còn 70.000-74.000 đồng/kg. Riêng tại Bạc Liêu và Cà Mau, giá thấp hơn 1.000-3.000 đồng/kg tùy cỡ.

Theo nhiều doanh nghiệp chế biến tôm, một khi hoạt động xuất khẩu tốt, giá tôm nguyên liệu cũng tăng theo. “Nếu xuất khẩu tiếp tục thuận lợi trong những tháng cuối năm, giá tôm sẽ còn tăng thêm, ít nhất kéo đến tháng 3 năm sau. Đây là tín hiệu tốt cho nông dân nuôi tôm” – ông Phục, Tổng giám đốc công ty CP Thủy sản sạch VN nhận định.

Ông Tám Khởi (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) – chủ 2 ao tôm – cho biết tại thời điểm thả giống, giá tôm thương phẩm khá thấp, chỉ ngang ngửa với chi phí đầu tư nên nhiều người nuôi tôm rất lo lắng giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp và khó bán vào thời điểm thu hoạch. “Sau khi xuống giống, tui cũng rất hồi hộp, không dám mạnh tay cho tôm ăn nhiều. Nhưng với giá tôm như hiện nay tui rất an tâm nên cho tôm ăn nhiều hơn. Hi vọng giá tôm vẫn giữ ở mức cao trong 2 tháng tới, khi tui thu hoạch 2 ao tôm” – ông Khởi kỳ vọng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá tôm nguyên liệu trong những tháng đầu năm ở mức thấp, nông dân đắn đo không dám cải tạo ao, thả giống. Và tiếp theo đó là hạn hán, xâm nhập mặn khiến thiếu nước, độ mặn cao.

Đẩy mạnh nuôi vụ cuối năm đón đầu thị trường

Sóc Trăng là một trong 4 địa phương có vùng nuôi tôm thâm canh lớn nhất cả nước với gần 50.000ha. Đến hết tháng 7, vụ nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng trên 34.800ha đạt hơn 65% so với kế hoạch và trên 82% so với cùng kỳ 2019. Trong đó tôm thẻ chân trắng trên 25.800ha chiếm 74% diện tích thả. Hiện đã thu hoạch 10.900ha, sản lượng trên 48.700 tấn. Phần diện tích thiệt hại do dịch bệnh chiếm 6,4% diện tích thả, thấp hơn so cùng kỳ năm 2019 (8,8%). Điểm sáng là đã có nhiều công ty xuất khẩu thủy sản đầu tư hình thành vùng nuôi tôm sạch công nghệ cao đầy hứa hẹn, năng suất tôm thẻ nuôi đạt 8 – 12 tấn/ha/vụ. Sản lượng tôm có khả năng gia tăng đón đầu nhu cầu thị trường hồi phục sau dịch bệnh Covid-19 đi qua. Từ đầu năm đến nay Sóc Trăng đáp ứng được 4 tiêu chí EU chứng nhận sản phẩm đạt chứng nhận ATTP; đã xuất khẩu 240 tấn sản phẩm thủy sản, dẫn đầu các địa phương xuất khẩu hàng vào các nước EU.
Theo ông Võ Văn Phục – Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch VN (Sóc Trăng), thị trường xuất khẩu tôm từ nay đến cuối năm rất khả quan, không có gì đáng lo ngại, bản thân doanh nghiệp cũng đang có nhiều hợp đồng xuất khẩu với giá tốt. “Chúng tôi đang tập trung chế biến các mặt hàng tôm có giá trị cao để xuất sang thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và châu Âu. Chỉ lo thiếu nguyên liệu, không đủ cung phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu” – ông Phục chia sẻ.

Theo thông tin từ sở công thương tỉnh Sóc Trăng, trong 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm của địa phương đạt khoảng 500 triệu USD, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ, trong đó có nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng ấn tượng như Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (tăng 40%), Công ty CP Thủy sản sạch VN (tăng 26%), Công ty CP thực phẩm Sao Ta (tăng 9%)… Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, ông Lương Minh Quyết cho biết thêm, vụ thả nuôi tôm năm nay chậm hơn khoảng 30 ngày so với vụ tôm năm trước, sau khi môi trường ổn định nhờ mưa nhiều và giá tôm có dấu hiệu khởi sắc, nông dân tập trung thả giống. Những tháng cuối năm, ngành thủy sản sẽ gặp phải sự cạnh tranh của một số nước lớn. Dù vậy, về phía chúng ta, sẽ có những phân tích, đánh giá riêng về từng thị trường để có các giải pháp đồng bộ, kể cả việc đáp ứng các tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với những diễn biến thị trường tôm vừa qua, cùng những dự báo lạc quan về giá tôm từ nay đến cuối năm, có thể thấy cơ hội là rất lớn cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, liệu người nuôi tôm có nắm bắt được cơ hội này hay không vẫn còn phải chờ, bởi bên cạnh các yếu tố thuận lợi về giá, khả năng tiêu thụ lớn, người nuôi vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhất định về thời tiết, dịch bệnh và nhất là nguồn vốn để đầu tư thả nuôi.

P.V Tổng hợp – http://nguoinuoitom.vn/

Có sự “thống trị chuyên chế” ở tôm thẻ chân trắng!

tôm thẻ
Nghiên cứu cho thấy có sự hình thành thứ bậc ở tôm thẻ chân trắng.

Việc hình thành thứ bậc thống trị trước đây chưa từng được báo cáo trên tôm thẻ chân trắng.

Tôm thẻ là loài có giá trị thương mại cao nhất trong các loài tôm nuôi, chúng chiếm đến hơn 70% tổng sản lượng tôm trên toàn cầu. Do vậy người nuôi tôm thẻ hiện nay  rất tập trung vào việc sản xuất, áp dụng công nghệ mới, mở rộng phạm vi nuôi, và nâng cao các điều kiện môi trường (độ mặn, nhiệt độ…). Với sự “tôi luyện” từng ngày, tôm thẻ ngày càng chứng minh được chỗ đứng trên thị trường của chúng, nhờ vào tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng chịu đựng việc nuôi mật độ cao rất tốt ( lên tới 100 – 400 con/m2).

Mặc dù được nhận xét là có tiềm năng rất lớn để nuôi ở mật độ cao, tuy nhiên hiện tại chúng vẫn còn nuôi với mật độ khá thấp trong các mô hình quảng canh, bán thâm canh và cả thâm canh. Kéo theo đó, nhiều yếu tố tiêu cực nối đuôi nhau xuất hiện, bao gồm tỷ lệ mắc bệnh cao, tích tụ nhiều chất thải và suy giảm chất lượng nước. Vì vậy rất cần có nhiều nỗ lực hơn nữa trong quản lý thức ăn, khi tôm được thả ở mật độ cao, vì sẽ có nhiều cạnh tranh dẫn tới tôm bị phân cỡ.

Rõ ràng mật độ nuôi có vai trò rất quan trọng trong các hệ thống, góp phần cho những vụ nuôi thành công và rất cần được xem xét để có cơ sở thực hành các quá trình cho ăn ở tôm cho phù hợp. Việc nghiên cứu hành vi này sẽ mang lại lợi ích cho việc xác định những mật độ tối đa cho hiệu suất cao trong các ao nuôi thương phẩm. Ngoài ra cũng có thể xem xét việc bổ sung các loại thức ăn mới cho tôm.

Mật độ thả nuôi tăng lên có thể giúp cho sự gia tăng sản lượng lớn hơn. Tuy nhiên sự thất bại cũng rất có thể xảy ra. Do khi mật độ cao thì sự cạnh tranh sẽ rất lớn, làm tôm suy giảm sức khỏe cũng như gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Do đó, khi nuôi tôm ở những mật độ cao hơn, thường có nhiều yêu cầu hơn về sự cho ăn và các chiến lược quản lý ao.

Nhiều tác động tích cực của việc nuôi mật độ cao đã được tìm thấy, tỷ lệ tiêu thụ thức ăn của tôm lớn hơn rất nhiều, số lần tìm đến vó cũng nhiều hơn. Điều này phản ánh sự hạn chế về không gian sẵn có để tiêu thụ thức ăn, nên đòi hỏi tôm phải ra vào khu vực vó nhiều lần. Một mối tương quan thuận cũng đã được báo cáo giữa mức độ tiêu thụ thức ăn và khả năng hấp dẫn của thức ăn khi nuôi mật độ cao. Việc giảm tiêu thụ thức ăn ở mật độ thấp cũng sẽ giảm các tín hiệu tương tác giữa các cá thể tôm, trong khi các tín hiệu này rất quan trọng để thông báo cho các cá thể khác nơi nào có thức ăn, kích thích những con tôm khác tìm đến đó. Tôm nuôi ở mật độ cao có khoảng cách gần hơn, thời gian tiếp xúc kéo dài hơn và liên quan tích cực đến việc tiêu thụ thức ăn.

Hành vi thống trị của tôm trong một quần thể nhất định sẽ dẫn đến sự phân cực lớn giữa các thứ bậc. Sự xuất hiện của việc phân cấp này có thể tác động mạnh đến sản xuất thương mại. Rõ hơn một chút, việc phân cấp ở tôm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ăn và giao vĩ. Những cá thể thống trị sẽ sẽ hung hăng hơn và có quyền ưu tiên giành mồi hơn với các cá thể cấp dưới. Những cá thể này cũng có khả năng độc quyền trong thời gian dài và đương nhiên là tăng trưởng nhanh hơn cấp dưới. Dẫn đến một sự khác biệt lớn về tốc độ tăng trưởng và lượng thức ăn được tiêu thụ giữa các cá thể tôm với nhau.

Việc hình thành thứ bậc thống trị trước đây chưa từng được báo cáo trên tôm thẻ chân trắng. Một khi giảm thiểu được sự phân cực này sẽ có lợi cho sản xuất, vì sự phân chia giai cấp lớn sẽ gia tăng tỷ lệ căng thẳng và gây hấn của tôm, giúp tôm ít phân cỡ hơn trong quá trình nuôi. Các hành vi hung hăng thường xảy ra khi nguồn thức ăn bị hạn chế. Tuy nhiên sự thống trị cũng có mặt tốt, cho phép các cá thể khám phá môi trường mới tốt hơn dẫn tới cơ hội tiềm được thức ăn cao hơn. 

Những kẻ thống trị thường đến khu vực cho ăn trước tiên, tiêu thụ một lượng thức ăn cần thiết, sau đó dành thời gian cho việc kiếm ăn ở những khu vực khác. Ở đây không có nghĩa là  chúng sẽ ăn nhiều hơn các cá thể cấp dưới, mà chỉ chứng minh được khi nuôi mật độ cao tôm sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc bắt mồi. Cho thấy tầm quan trọng của việc thiết lập một mật độ thả tối ưu để giảm bớt sự phân cực. Cần nghiên cứu sâu hơn để biết được có liên quan hay không đến sự hấp thu dinh dưỡng của các cá thể tôm nuôi trong ao ở những cấp thống trị khác nhau.

Hà Tử – https://tepbac.com/

Giải quyết ammonia trong nuôi tôm

tôm thẻ
Kiểm soát tốt ammonia là vấn đề lớn của người nuôi tôm.

Hàm lượng ammonia cao là thách thức lớn nhất trong ngành nuôi tôm. Độ độc ammonia liên quan đến tỉ lệ chết cao và thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, do đó người nông dân vẫn luôn tìm cách giải quyết chúng nhằm tăng lợi nhuận và năng suất nuôi..

Ammonia là chất thải nitơ được tạo quá trình phân giải các chất hữu cơ có trong nước, mà nguồn chính là từ thức ăn nuôi. Trong ao nuôi tôm chỉ khoảng 22% nitrogen được hấp thụ và chuyển hóa bởi con tôm, 57% thải ra môi trường và 14% dưới dạng chất cặn bã. Sự phân hủy của vi sinh vật đối với phân tôm, thức ăn thừa xác của vi sinh vật khác, động thực vật phù du sẽ tham gia vào chu trình chuyển hóa ammonia thành nitơ.

Hầu hết sự quản lí nuôi trồng thủy sản chủ yếu là kiểm soát các dạng và nồng độ của tổng nồng độ nitơ (TAN) hay cụ thể hơn chính là tổng nồng độ của ammonia (NH3) – dạng có độc và ion ammonium (NH4+) – dạng không độc.

Sau đây là hiểu biết và kiến thức của các chuyên gia đầu ngành về việc quản lí chất lượng nước cụ thể là ammonia trong ao tôm thẻ chân trắng và người dân có thể dựa vào đó mà áp dụng cho trang trại của mình

Nồng độ ammonia ảnh hưởng đến tôm như thế nào?

Ammonia gây độc cho tôm thẻ bởi vì nồng độ cao có thể phá hủy mang, gan tụy và niêm mạc ruột. Sự phá hủy này biểu hiện khác nhau trên sức khỏe tôm như: hô hấp, trao đổi chất, miễn dịch, điều hòa thẩm thấu, hấp thu chất dinh dưỡng, bài tiết, lột xác và sinh trưởng. Kết quả chính là tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh xâm nhập và phát triển.

Bên cạnh gây độc, TAN còn được biết đến là sự ảnh hưởng đến sức tải của ao tôm. Sức tải của ao tôm chính là lượng sinh khối tối đa ao có thể chứa nhưng không tác động đến sinh vật nuôi và môi trường. Một phân tích toán học đến từ công ty Alune về mức độ ảnh hưởng của TAN đối với một số thông số như mật độ, tỉ lệ thay nước, tỉ lệ nitrat hóa, tỉ lệ sinh trưởng và tỉ lệ chết thì thấy rằng TAN liên quan mật thiết với mật độ nuôi. Lí giải đơn giản rằng mật độ nuôi càng cao thì sẽ dùng nhiều thức ăn hơn nên TAN sẽ nhiều hơn.

Ngoài ra khi hàm lượng ammonia cao sẽ dẫn đến nhu cầu oxy hòa tan cao hơn, môi trường cũng trở nên stress hơn làm cho tôm giảm ăn, chậm lớn.

Điều gì dẫn đến ngộ độc ammonia?

Độc tính của ammonia và sự cân bằng giữa NH3/NH4+ phụ thuộc và các yếu tố như pH, nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, oxy hòa tan.

Gia tăng nhiệt độ là nguyên nhân làm độ độc NH3 tăng lên. 

Oxy hòa tan và kiềm giúp cải thiện hiệu quả quá trình hóa học và sinh lý trong điều kiện môi trường stress. Ngoài ra oxy hòa tan và kiềm còn hỗ trợ loại bỏ ammoniac thông qua quá trình nitrat hóa hiếu khí.

Nitrat hóa là quá trình chuyển hóa ammonia thành nitrite (NO2 – độc) rồi thành nitrat (NO3 – không độc) nhờ vào phản ứng từ các vi khuẩn lần lượt là Nitrosomonas và Nitrobacter. Cả hai quá trình này đều cần oxy và được khuyến khích độ kiềm là 120 sẽ diễn ra hiệu quả hơn.

Những phương pháp hạn chế sự gia tăng của ammonia

1. Đo các thông số kĩ thuật hàng tuần

Đo các thông số kĩ thuật hàng tuần là một cách tổng quát để nắm được tình trạng ao nuôi. Chúng ta có thể sử dụng các test kit để kiểm tra tại ao hoặc nhờ sự giúp đỡ của các phòng thí nghiệm gần khu vực nuôi (nếu có). Các chỉ số cần kiểm tra TAN, nitrite (NO2), nitrate (NO3), độ mặn, độ kiềm và các chỉ số được khuyến cáo là kiểm tra hằng ngày là DO (hàm lượng oxy hòa tan) và pH.

2. Chế độ cho ăn

Nguồn ammonia chính trong ao nuôi đến từ thức ăn. Cách tốt nhất để có thể chống lại sự tích tụ ammonia là cho ăn theo chế độ bao gồm ăn đúng lượng, theo kế hoạch và tăng giảm tùy tình hình nuôi.

Khi tôm nuôi cần xác định là đang sử dụng loại thức ăn gì: thức ăn tươi hay công nghiệp, hàm lượng đạm bao nhiêu, tôm đang ở giai đoạn nào và tỉ lệ cho ăn là bao nhiêu. Việc này sẽ giúp có được số liệu chính xác hơn về lượng ăn của tôm vừa giảm thiểu sự tích tụ ammonia của môi trường vừa giảm chi phí nuôi.

Ngoài ra xác định tình trạng sức khỏe tôm và ao tôm sẽ hỗ trợ việc kiểm soát lượng ăn ví dụ như môi trường nước biến động làm tôm bị “stress” dẫn đến giảm ăn, chúng ta cũng phải giảm lượng ăn cho phù hợp.

3. Giữ độ kiềm

Độ kiềm chính là phương pháp giữ sự trung hòa giữa acid và bazơ của nước, điều này thể hiện bằng sự cân bằng pH, môi trường có biến động mạnh về acid hay bazơ thì pH cũng dao động ít hơn, ảnh hưởng đến tôm cũng ít hơn. Tất cả điều nhờ sự trung hòa của độ kiềm. Độ kiềm khuyến khích là từ 120-200ppm.

4. pH

Như đã đề cập, pH là yếu tố quan trọng quyết định đến độ độc của ammonia, pH càng cao ammonia độc càng mạnh. pH được khuyến khích nằm trong khoảng 7.7-8.3

5. Độ mặn

Độ mặn ảnh hưởng đến cường độ ion của nước nuôi và xác định tỷ lệ ion hóa ammonia, quyết định đến độc tính của bản thân ammonia. Một nghiên cứu trên tôm rắn cho biết rằng độ mặn ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và khả năng chống chịu ammonia của vật nuôi. Do đó độ mặn khuyến khích là 25-35ppt.

6. Hàm lượng oxy hòa tan DO

DO đủ sẽ thúc đẩy quá trình nitrate hóa loại bỏ ammonia khỏi nước nuôi. DO yêu cầu là trên 5ppm.

Giải quyết vấn đề ammonia

Nếu hàm lượng ammonia cao vượt ngưỡng cho phép chúng ta có thể các biểu hiện bất thường trực tiếp từ tôm nuôi thậm chí là chết. Như vậy các biện pháp đối phó tức thời là điều cần thiết. 

1. Phương pháp lí học 

Một cách hiệu quả để giảm nhanh chóng lượng ammonia chính là pha loãng nước, có thể là thay nước hoặc tuần hoàn nước. Không chỉ giảm lượng ammonia mà còn tạo môi trường tốt hơn cho tôm.

Có thể thay nước hằng ngày từ 10-40% lượng nước trong ao nuôi đến khi lượng ammonia về mức an toàn. Vấn đề của việc thay nước chính là cần quản lí tốt nguồn nước thay.

2. Tăng tỉ lệ nitrate hóa

Hàm lượng ammonia tăng lên có thể là do quá trình nitrate hóa diễn ra thấp. Như vậy để thúc đẩy quá trình này cần bổ sung các sản phẩm vi sinh có chứa 2 chủng vi khuẩn là nitrosomonas và nitrobacter. Ngoài ra cung cấp oxy hòa tan cũng là điều thiết yếu.

3. Tăng độ kiềm

Ngoài ra nguyên nhân tăng ammonia có thể do sự dao động của pH, pH dao động nhiều là do kiềm thấp. Có thể bổ sung khoảng 12.5ppm bicarbonate thành phần như CaO, CaCO, CaMg(CO3) hoặc NaHCO khoảng 2-3 ngày 1 lần đến khi độ kiềm đạt đến khoảng 120-200ppm.

4. Duy trì lượng vi sinh có lợi trong ao

Để duy trì sức khỏe cho tôm cần bổ sung các sản phẩm vi sinh vào trong nguồn nước và thức ăn tôm. Lượng vi sinh được bổ sung sẽ thúc đẩy các quá trình sinh hóa, tạo môi trường cạnh tranh với các khuẩn hại và hạn chế sự phát triển của mầm bệnh. Các chủng vi sinh phổ biến được sử dụng là Bacillus sp, Lactobacillus sp và Pseudomonas sp,…

5. Giảm và thay thế thức ăn

Thức ăn là nguồn ammonia chính, khi lượng ammonia tăng cao thì cần giảm thức ăn từ 30-40%. Bên cạnh đó dưới tác động của ammonia, con tôm sẽ chán và giảm ăn vì thế giảm lượng ăn là điều cần thiết.

Ngoài việc giảm lượng thức ăn, chúng ta còn có thể thay thế loại thức ăn khác có chứa hàm lượng nitrogen hay protein thấp hơn loại thức ăn đang sử dụng, đây cũng là cách góp phần giảm lượng ammonia trong ao nuôi.

6. Siphon

Ammonia sẽ được giải phóng vào môi trường nước từ quá trình phân giải chất hữu cơ, những chất lắng tụ dưới đáy ao ở dạng bùn. Siphon có thể loại bỏ phần thức ăn dư và các vật chất hữu cơ khác ở đáy ao. Điều này sẽ giúp làm giảm việc tích tụ hàm lượng ammonia từ quá trình phân giải.

7. Ao xử lý sau thải hay bán RAS

Một ao xử lý nước sau thải giúp nuôi tốt hơn. Tác dụng của ao xử lý sau thải là giảm thiểu tác động môi trường và là nguồn trao đổi nước kiểm soát sinh học cho ao đang nuôi. Ao xử lý sau thải sẽ góp phần giảm hàm lượng ammonia và mầm bệnh xả thải ra môi trường xung quanh ao nuôi.

Một cách sử dụng ao xử lý sau thải chính là sau khi giảm ammonia và xử lý nước, nước sẽ được bơm một phần về ao đang nuôi (bán RAS). Ao xử lý sau thải thường được xây dựng trên một số cách như nuôi kết hợp cá măng với rong biển, xử lý cơ học và xử lý hóa học.

Ammonia là yếu tố hạn chế đáng kể của sản xuất tôm. Chúng tích tụ nhiều sẽ gây độc cho tôm và làm xấu môi trường nuôi dẫn đến giảm năng suất trang trại, thiệt hại kinh tế và tăng tỉ lệ chết. Chúng ta có thể phòng ngừa sự tích tụ ammonia thông qua các biện pháp quản lí chất lượng nước chung như khuyến cáo ở trên. Khi hàm lượng ammonia đã vượt ngưỡng cho phép thì ta có thể áp dụng đồng thời các cách xử lý đã nêu để làm giảm lượng ammonia càng nhanh càng tốt. Ngoài ra còn thể áp dụng các phương pháp nuôi, các công nghệ kỹ thuật hỗ trợ để quản lí chất lượng nước tốt hơn. Duy trì nguồn nước tốt ngay từ đầu sẽ dễ dàng hơn là xử lý sau khi xảy ra vấn đề.

Chú thích:

ppm: g/m3

ppt: g/L (phần nghìn)

RAS: hệ thống tuần hoàn nước

Triệu – https://tepbac.com/

Sợ thua lỗ nặng, người nuôi tôm ở Hà Tĩnh quyết bán “được đồng nào hay đồng ấy”

thu hoạch tôm
HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (Xuân Phổ, Nghi Xuân) xuất bán tôm trong các ao nuôi.

Mưa lũ diễn biến khó lường, lo sợ tôm bị nhiễm dịch bệnh nên nhiều người nuôi tại Hà Tĩnh đành chấp nhận bán sớm cho thương lái để tránh bị thua lỗ nặng hơn.

Sau đợt mưa lũ kéo dài, môi trường ao hồ bị ảnh hưởng nặng nề khiến tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh, chết dần, người dân ở vùng nuôi xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) phải nhanh chóng liên hệ ngay để bán số tôm còn lại trong hồ.

Ông Lê Quang Anh – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Tiểu Láng (Kỳ Hà) cho biết: “Chúng tôi dự tính hơn 2/3 số tôm trong các ao nuôi của HTX đã trôi theo dòng nước lũ. Còn bao nhiêu tôm trong hồ thì bắt đầu thấy ăn ít, đỏ thân nên tôi quyết định xuất bán sớm để được đồng nào hay đồng ấy”.

“Vừa rồi, tôi đã huy động nhân lực kéo được gần 4 tấn, số còn lại sẽ bán rải trong 2 – 3 ngày tới đây nhưng chắc sẽ không còn nhiều nữa. Các hộ nuôi khác tại xã cũng đã kêu người bán gấp hồ nuôi vì lo ngại tình hình sức khoẻ của tôm sẽ xấu đi” – ông Anh chia sẻ.


Nhiều hộ nuôi tại Nghi Xuân, Cẩm Xuyên… đang tranh thủ thời gian bán nốt số tôm còn lại trong ao sau trận mưa lũ lịch sử.

Dù tránh được trận lũ lịch sử vừa qua nhưng anh Tiến Hùng (thị trấn Cẩm Xuyên) đang “ngồi trên đống lửa” vì tôm bị chết ngày càng nhiều. Anh Hùng xót xa: “Liên tiếp đón các trận mưa lớn, tôi dù đã cố thực hiện nhiều biện pháp nhưng không ăn thua, ngày nào đi kiểm tra cũng nóng hết cả ruột gan. Nên dù phải gần một tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch, tôi đành phải lo bán trước 50% số tôm có trong hồ, chứ cứ để thế thì lo thiệt hại lớn thêm”.

Giải thích về hiện tượng này, anh Hùng thông tin thêm: “Mưa lớn khiến nhiệt độ, độ mặn, pH của nước giảm; nước ao tôm bị phân tầng làm hàm lượng oxy hòa tan trong nước không xuống được đáy ao dẫn đến tình trạng thiếu hụt oxy đáy. Đặc biệt, việc tích tụ tảo, tạp chất dưới đáy ao làm tôm giảm sức đề kháng, dễ bị các loại bệnh như đỏ thân, đốm trắng… tấn công và có thể chết hàng loạt. Qua trao đổi thông tin với nhau, gần như các hộ nuôi trong nghề đều chịu chung tình trạng này”.


Tôm bị đỏ thân, sốc nước rồi chết dần với số lượng khá lớn nên người nuôi đành chấp nhận bán cho thương lái sớm hơn dự tính.

Không chỉ lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh, người nuôi cũng đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn do hiện nay thương lái thu mua tôm với giá khá thấp.

Anh Hồ Quang Dũng – HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (Xuân Phổ, Nghi Xuân) cho biết: “Sợ sức khoẻ của tôm không trụ nổi mấy đợt mưa tiếp theo, mới đây, HTX đã xuất bán hơn 15 tấn với giá trung bình 80 nghìn đồng, giảm từ 20 – 25% so với cách đây hơn 1 tháng do mẫu mã không được đẹp bởi ảnh hưởng của mưa lũ dài ngày”.

Anh V.N ở xã Thạch Sơn (Thạch Hà) buồn rầu: “Số tôm còn lại trong hồ yếu dần và có thể bị chết nên phải bán để vớt vát phần nào nhưng cũng chỉ bán được 65 nghìn đồng/kg đối với loại 110 con/kg. Với giá này, người nuôi “thiệt đơn, thiệt kép”, trong lúc này kêu được người đến mua cũng là may rồi vì tôm “dính” nước bạc này cũng khó tiêu thụ”.


Người nuôi cần ổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tôm có thể kháng bệnh tốt hơn.

Ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh cho biết: “Sau đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, gần như các hồ tôm ở các huyện có diện tích lớn như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà… đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thời điểm hiện tại, người nuôi lại đang đối mặt với tình trạng tôm bị sốc môi trường, giảm sức đề kháng, nhiễm bệnh và chết dần do mưa lũ liên tục. Các hộ này đành phải chấp nhận bán sớm hơn kế hoạch dự tính”.

“Để khắc phục hậu quả sau mưa lũ, người nuôi trồng thủy sản cần phải xả bớt nước trên tầng mặt để giảm lượng nước mưa trong ao, tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước; rải vôi bột quanh bờ ao kết hợp bón vôi cho ao để ổn định độ PH; bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho con tôm… Nếu tôm có nhiều biểu hiện không ổn định, ăn ít, lờ đờ, đỏ thân… thì nên xuất bán để tránh tình trạng xấu đi” – ông Cần cho biết thêm.
Thái Oanh Báo Hà Tĩnh

Tuyến Anten – Cơ quan đích lây nhiễm virus đốm trắng

bệnh đốm trắng
Bệnh đốm trắng ở tôm thẻ.

Vai trò của tuyến anten trong quá trình lây nhiễm bệnh đốm trắng.

Dịch bệnh luôn là một yếu tố hạn chế đối với sự phát triển bền vững của ngành nuôi tôm. Đặc biệt, bệnh đốm trắng đã gây thiệt hại lớn, trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với ngành nuôi tôm toàn cầu. Hiểu được các con đường lây nhiễm và cơ chế gây bệnh của bệnh đốm trắng là cơ sở cho việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh đốm trắng ở tôm. Sự xâm nhập của virus vào vật chủ là bước đầu tiên để lây nhiễm thành công. Đường tiêu hóa và mang được coi là cơ quan đích cho sự xâm nhập của bệnh đốm trắng ở tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, có rất ít báo cáo về vai trò của tuyến anten trong quá trình lây nhiễm bệnh đốm trắng.

Tuyến anten là cơ quan bài tiết quan trọng ở tôm, có chức năng rất giống với thận ở động vật có xương sống. Tuyến anten đóng một vai trò quan trọng đối với sự điều hòa áp suất thẩm thấu và ion ở tôm. Cấu trúc và chức năng của tuyến anten sẽ bị ảnh hưởng bởi độ mặn hoặc stress từ các hợp chất nitơ. Lượng mưa lớn thường làm cho độ mặn trong ao nuôi tôm giảm đáng kể, dễ dẫn đến bùng phát bệnh đốm trắng. Tôm trở nên nhạy cảm hơn với mầm bệnh, làm tăng khả năng từ nhiễm trùng tiềm ẩn bệnh đốm trắng sang nhiễm trùng cấp tính và đẩy nhanh tốc độ sinh sôi của bệnh đốm trắng ở tôm trong điều kiện căng thẳng ở độ mặn thấp. 

Ai cũng biết rằng một số lượng lớn mầm bệnh tồn tại trong môi trường nuôi trồng thủy sản. Để xác định cơ quan nào tiếp xúc với môi trường nước, người ta thực hiện thí nghiệm nhúng phenol đỏ. Hai giờ sau khi ngâm phenol đỏ, đường tiêu hóa (dạ dày và ruột) và tuyến anten của cặp râu thứ hai của tôm bị nhuộm màu đỏ. Điều đó có nghĩa là dạ dày, ruột và tuyến anten có thể tiếp xúc trực tiếp với môi trường nước. Do đó, có thể đoán rằng tuyến anten có thể là một vị trí quan trọng cho sự xâm nhập của mầm bệnh vào cơ thể tôm.


Tôm sau khi thử nghiệm ngâm phenol đỏ. (A) Dạ dày nhuộm đỏ phenol; (B) Tuyến anten nhuộm đỏ phenol; (C) Ống tiêu hóa nhuộm đỏ phenol.

Để biết chính xác liệu bệnh đốm trắng có thể lây nhiễm cho tôm qua tuyến anten hay không, người ta đã tiến hành thử nghiệm truyền ngược virus bệnh đốm trắng vào tuyến anten và cơ của tôm. Tôm thẻ khỏe mạnh được chia ngẫu nhiên thành bốn nhóm: 

  • Ant-WSSV: truyền ngược dòng huyền phù bệnh đốm trắng vào lỗ mở tuyến anten.
  • Ant-control: truyền ngược dung dịch đệm PBS vào lỗ mở tuyến anten.
  • Mus-WSSV: tôm được tiêm huyền phù virus bệnh đốm trắng vào cơ.
  • Mus-control: tôm được tiêm PBS vào cơ. 

Kết quả thử nghiệm cho thấy, tôm chết xuất hiện vào ngày thứ ba sau thử thách truyền huyền phù virus vào tuyến anten. Tỷ lệ tử vong tích lũy tăng từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, đạt 76% trong 7 ngày. Tôm chết xuất hiện vào ngày thứ hai ở thử thách tiêm virus bệnh đốm trắng vào cơ, và tỷ lệ chết tích lũy tiếp tục tăng từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7, và đạt 100% trong 7 ngày. Trong khi đó, không có tỷ lệ tử vong đáng kể xảy ra ở hai nhóm đối chứng (Ant-control và Mus-control). Những dữ liệu này chỉ ra rằng, bệnh đốm trắng có thể lây nhiễm và gây chết tôm bằng cách truyền ngược huyền phù virus vào tuyến anten.

Để khám phá ảnh hưởng của stress mặn đối với tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng , một thí nghiệm được tiến hành với 4 nghiệm thức:

  • Ant-WSSV-LS: tôm được truyền ngược virus bệnh đốm trắng vào tuyến anten sau đó chuyển từ nước biển có độ mặn 30 sang độ mặn 20 trong 24 giờ.
  • Ant-control-LS: nhóm đối chứng tôm được truyền PBS và sau đó chuyển từ độ mặn 30 đến 20 trong 24 giờ.
  • Ant-WSSV: tôm được tiêm virus bệnh đốm trắng vào cơ và không bị stress mặn.
  • Ant-control: tôm được tiêm PBS và không bị stress mặn.

Không có tỷ lệ tử vong đáng kể nào xảy ra ở nhóm đối chứng Ant-control-LS và Ant-control. Điều đó có nghĩa là tuyến anten được truyền dung dịch đệm PBS và bị stress mặn không gây chết tôm. Ở nhóm Ant-WSSV-LS, tôm chết xuất hiện ở 36h với tỷ lệ chết khoảng 46%, sau đó tỷ lệ chết tích lũy tiếp tục tăng và đạt 100% ở 108h. Ở nhóm Ant-WSSV, tôm chết cũng xuất hiện ở 36h với tỷ lệ chết khoảng 13%, sau đó tỷ lệ chết tích lũy tiếp tục tăng lên và đạt 100% ở 144h. Những dữ liệu này chỉ ra rằng, căng thẳng về độ mặn dường như đã đẩy nhanh sự tiến triển của bệnh bệnh đốm trắng .

Để hiểu thêm ảnh hưởng của độ mặn đối với sự nhân lên của virus đốm trắng trong tuyến anten của tôm, người ta phát hiện số lượng virus bệnh đốm trắng& trong tuyến anten tại các thời điểm khác nhau sau khi nhiễm bệnh đốm trắng . Kết quả cho thấy rằng, số lượng virus trong tuyến anten của tôm ở nhóm Ant-WSSV-LS cao hơn đáng kể so với tôm sau khi nhiễm bệnh đốm trắng không có căng thẳng độ mặn (Ant-WSSV) ở 24h. Nó cho thấy rằng, căng thẳng về độ mặn rõ ràng có thể đẩy nhanh quá trình sao chép virus bệnh đốm trắng trong tuyến anten.

Nghiên cứu hiện tại cho thấy, tuyến anten của tôm là nơi quan trọng để virus bệnh đốm trắng xâm nhập trong quá trình nuôi tôm. Nghiên cứu này đã làm rõ một cơ quan đích mới của bệnh đốm trắng. Mục tiêu chính của nhiễm bệnh đốm trắng là các mô có nguồn gốc phôi ngoại bì và trung bì. Tuyến anten là cơ quan có nguồn gốc phôi trung bì. Do đó, chúng ta có thể suy đoán rằng có các protein hoặc thụ thể liên quan đến nhiễm bệnh đốm trắng trong tuyến anten. Tuyến anten là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Khi mầm bệnh đốm trắng có trong nước, các tuyến anten tạo cơ hội tốt để chúng xâm nhập vào cơ thể tôm. 

Tóm lại, tuyến anten là một cơ quan đích mới lây nhiễm bệnh đốm trắng, các phần tử virus trong môi trường nước có thể xâm nhập vào tôm thông qua tuyến anten, bên cạnh đó, căng thẳng độ mặn có thể đẩy nhanh sự nhân lên của virus và tỷ lệ chết của tôm do nhiễm bệnh đốm trắng.

Antennal gland of shrimp as an entry for WSSV infection by Fei Liu, Shihao Li, Yang Yu, Chengsong Zhang, Fuhua Li
Sương Phạm – https://tepbac.com/