Sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng nuôi trong tỉnh Trà Vinh đã được thu hoạch trong 10 tháng qua đạt hơn 64.366 tấn.
Theo Chi cục Thuỷ sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tổng sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng nuôi trong tỉnh đã được thu hoạch trong 10 tháng qua đạt hơn 64.366 tấn, vượt kế hoạch đề ra của năm 2020 gần 3.360 tấn. Sản lượng tôm nuôi tăng chủ yếu là tôm thẻ chân trắng với trên 51.670 tấn, tăng hơn 2.670 tấn so kế hoạch năm.
Ông Nguyễn Văn Quốc – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trà Vinh cho biết, vụ nuôi trồng thủy sản năm 2020, tỉnh có trên 22.000 lượt hộ thả nuôi tôm sú trên diện tích hơn 24.720 ha với hơn 1,6 tỷ con giống và trên 18.500 lượt hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 6.789 ha, với 4,5 tỷ con giống.
Không tăng diện tích nuôi, nhưng sản lượng tôm thu hoạch của tỉnh năm nay tăng cao là nhờ có nhiều đơn vị, số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao cho sản lượng gấp 5 -10 lần so với mô hình nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh. Cụ thể, vụ nuôi tôm năm nay, toàn tỉnh có hơn 300 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao với diện tích 347 ha, năng suất bình quân qua thu hoạch đạt 50 – 55 tấn/ha.
Theo ông Phạm Minh Truyền – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, cùng với sản lượng tôm nuôi tăng, nhiều con nuôi thuỷ sản khác ở vùng nước lợ và mặn năm nay như cua biển, vọp, nghêu… dự báo cũng được mùa.
Cụ thể, toàn tỉnh có đến hơn 16.430 lượt hộ thả nuôi trên diện tích gần 24.000 ha, tăng 3.600 ha so với năm trước. Tổng sản lượng cua biển đã được thu hoạch gần 6.100 tấn, tăng 427 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ giá cua biển từ đầu năm đến nay luôn ổn định ở mức bình quân 160.000 đồng/kg đối với cua thịt và cua gạch 250.000 đồng/kg, nông dân nuôi cua đạt lợi nhuận từ 110 – 130 triệu đồng/ha/năm.
Sinh khối tôm nuôi rất quan trọng nhưng hiện nay vẫn được tính thủ công, độ chính xác thấp và dễ gây stress cho tôm.
Một người nuôi gà chắc chắn có thể biết được mình nuôi bao nhiêu con, cũng có thể theo dõi một cách chính xác về trọng lượng, tỷ lệ sống, sức khỏe và cả chi phí đã bỏ ra cho vật nuôi của mình. Nhưng với người nuôi tôm thì những điều này rất khó thực hiện, do tôm sống dưới mặt nước, mà đã khuất tầm nhìn thì sẽ xa tầm với.
Đến nay, dữ liệu quan trọng trong quá trình nuôi tôm nhưng vẫn chưa được giải quyết chính là sinh khối. Sinh khối quan trọng vì khi biết được sinh khối, thì việc tính toán những chỉ số như tốc độ tăng trưởng hằng ngày (ADG), tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) và cả tỷ lệ bổ sung probiotic cho tôm sẽ được sáng tỏ. Ngoài ra, sinh khối cũng cũng có vai trò lớn trong các quyết định về quản lý trang trại, thời gian thu hoạch và xác định mầm bệnh ảnh hưởng đến tôm nuôi. Hiện nay, sinh khối vẫn được người nuôi ước tính thủ công, do vậy độ chính xác thấp, tốn công sức và dễ gây stress cho tôm. Một số công nghệ mới dùng để ước tính sinh khối vừa được trình làng và hy vọng mang lại nhiều lợi ích lớn cho người nuôi tôm.
Sinh khối là gì?
Sinh khối của tôm được tính bằng tỷ lệ tôm còn sống nhân với trọng lượng tôm. Nhưng để có được số liệu chính xác về tỷ lệ tôm còn sống là một việc hết sức khó khăn. Vì sự phân bố của tôm trong ao là không đều, còn phụ thuộc vào thức ăn và điều kiện nuôi.
Với thông tin chính xác về sinh khối, người nuôi có thể điều chỉnh lượng thức ăn tốt hơn để tối đa hóa tốc độ tăng trưởng và giảm chi phí nuôi, mang lại nhiều tác động tích cực đến môi trường và sức khỏe tôm. Nhất là những thời điểm căng thẳng như có dịch bệnh bùng phát, ao nuôi tích tụ quá nhiều khí độc, thì việc hiểu tỷ lệ tử vong và tốc độ tăng trưởng sẽ đưa ra được nhiều giải pháp tốt. Ước tính, nếu chỉ sai số 5% sinh khối thì ngành nuôi cá Châu Âu đã bị thiệt hại đến 91 triệu Euro. Tương tự như vậy, nếu sai số 5% sinh khối thì mỗi năm người nuôi tôm sẽ mất 500 triệu USD và lãng phí 65000 tấn protein. Thiệt hại thật sự có thể cao hơn cả những con số trên.
Ước tính sinh khối?
Người nuôi tôm hiện nay vẫn xác định sinh khối bằng cách theo dõi sức ăn của tôm trong vó, điều này tốn sức và phải sử dụng nhiều dụng cụ. Ngoài ra, cũng thường ghi nhận số lượng tôm giống thả đầu vụ để tính sinh khối. Nhưng thông thường các trại giống sẽ cung cấp nhiều hơn 30% số lượng cần thiết để phòng trường hợp hao hụt trong quá trình vận chuyển. Việc đếm số lượng con giống cũng chỉ thực hiện bằng thủ công. Một khi tôm bị stress trong thời gian dài và bị bệnh thì việc xác định tỷ lệ chết của tôm là không khả thi. Nên việc đo sinh khối cũng thường được thực hiện bằng việc cân trong lượng nhiều mẫu tôm ướt hoặc khô. Đây là một phương pháp khá chính xác nhưng tốn công và dễ làm tôm stress.
Khi chuyển từ giai đoạn ương sang nuôi thương phẩm cũng là cơ hội để xác định chính xác sinh khối. Tuy nhiên thời điểm này rất dễ gây căng thẳng cho tôm. Đáp ứng đủ oxy hòa tan và cân đối việc sử dụng dụng cụ chuyển tôm sẽ giúp giảm tỷ lệ hao hụt, nhưng thực tế không thể áp dụng phương pháp này để xác định sinh khối một cách lâu dài.
Các công nghệ mới nhằm xác định chính xác sinh khối
Nhiều công nghệ mới để xác định sinh khối đang được thử nghiệm, hy vọng có thể áp dụng để giảm bớt gánh nặng nhân công và chi phí sản xuất. Qua đó cũng đã có những bước tiến vượt bậc ở nhiều trại nuôi tôm. Đầu tiên là việc áp dụng trí tuệ nhân tạo như một máy ảnh, phân tích tôm ở ngay tại môi trường nước. Phương pháp này đã được sử dụng nhiều trên cá ngừ, cá hồi và cả tôm. Công nghệ trên cũng đã được phát triển trên điện thoại thông minh, bổ sung thêm chức năng đếm số lượng Postlarvae trước khi thả nuôi. Độ chính xác >95% chỉ trong vòng một phút.
Một phương pháp khác là âm học. Thay vì sử dụng hình ảnh thì người ta dùng âm thanh để thu thập dữ liệu. Phương pháp này cũng áp dụng trí tuệ nhân tạo để khảo sát được sinh khối trực tiếp trong ao nuôi, thể hiện được cả tổng sinh khối và kích thước cá thể tôm. Mặc dù chưa được áp dụng rộng rãi, nhưng đây là một sự phát triển và đổi mới thú vị, hứa hẹn tôm trở thành một ngành sản xuất quan trọng hơn nửa trong thị phần kinh tế trong tương lai.
Biomass: the billion-dollar shrimp question by Alune Hà Tử – https://tepbac.com/
Decapod iridescent virus 1 (virus ánh kim) đã được chứng minh là một tác nhân gây bệnh trên tôm và được đặt tên là nhiễm DIV1. Đa số các loài tôm đang được nuôi đều nhạy cảm với DIV1, trong đó có tôm thẻ chân trắng.
Trong số các loài nhạy cảm với DIV1, tôm thẻ chân trắng là loài tôm được nuôi nhiều nhất, cho năng suất cao nhất do tốc độ tăng trưởng nhanh và khả năng kháng bệnh cao. Một nghiên cứu đã báo cáo rằng tôm thẻ chân trắng có thể bị nhiễm DIV1 khi tiêm vào cơ với tỷ lệ tử vong là 100%, xác nhận tính nhạy cảm của tôm thẻ chân trắng với DIV1. Khi nghiên cứu mô bệnh học từ kính hiển vi điện tử (TEM) và lai tại chỗ (ISH)(1) đã cho thấy DIV1 chủ yếu lây nhiễm vào mô tạo máu và tế bào máu ở mang, xoang gan tụy của tôm thẻ chân trắng.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy tôm thẻ chân trắng nhiễm DIV1 chỉ biểu hiện một số triệu chứng không đặc biệt. Vì gan tụy mất màu tương tự như đặc điểm lâm sàng của bệnh hoại tử gan tụy AHPND, đồng thời dạ dày và ruột trống cũng xảy ra trong một số bệnh khác, chẳng hạn như nhiễm bệnh đốm trắng (WSSV) hoặc taura (TSV). Ngoài ra, một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng tôm thẻ có biểu hiện cơ thể hơi đỏ và tôm chìm xuống đáy nước sau khi thử nghiệm với DIV1.
Trong nghiên cứu này, tôm thẻ bị nhiễm bệnh tự nhiên có cơ thể màu đỏ rõ ràng, các đốm sắc tố phình to và ăn sâu trên vỏ, gan tụy teo lại với màu sắc nhạt dần trên bề mặt và trên mặt cắt, dạ dày và ruột trống rỗng không có thức ăn. Một số lượng lớn tôm chết có thể được vớt từ đáy ao bị bệnh mỗi ngày.
Kiểm tra mô bệnh học của tôm thẻ bị bệnh cho thấy một khối lượng bạch cầu ái toan (eosinophilic)(2) bắt màu thuốc nhuộm bazo và karyopyknosis(3) (dạng phân mảnh của nhân) tồn tại trong cơ quan lympho, không thấy xuất hiện ở mô tạo máu và tế bào máu. Hạt nhân Pyknosis co rút lại cũng tồn tại trong các tế bào R(4) của gan tụy. Những thay đổi mô bệnh học này không được quan sát thấy ở tôm khỏe mạnh.
(A, B) Cơ quan lympho và gan tụy của tôm bị nhiễm DIV1; (C, D) Cơ quan lympho và gan tụy của tôm khỏe mạnh. Các mũi tên trắng cho thấy các thể vùi trong cơ quan lympho và các mũi tên đen là các nhân karyopyknotic trong gan tụy.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra sự tồn tại của các thể vùi sẫm màu của bạch cầu ái toan bắt màu bazo, và nhân karyopyknosis trong các mô tạo máu, biểu mô, tế bào máu ở mang và gan tụy khi tôm dương tính của ISH và ISDL(5). Trong nghiên cứu này, sự bất thường mô cũng tương tự ở tôm thẻ bị nhiễm tự nhiên, đáng chú ý là nhân karyopyknosis và thể vùi bạch cầu ái toan cũng có thể được quan sát thấy trong cơ quan lympho.
Khi kiểm tra bằng ISDL đã cho thấy dấu hiệu màu xanh lam của DIV1 tồn tại trong cơ quan lympho cũng như tế bào R, tế bào biểu mô và tế bào máu trong gan tụy, đặc biệt một số lượng lớn hạt virus DIV1 tồn tại trong cơ quan lympho. Trước đó Qiu và cộng sự đã chứng minh rằng các mô tạo máu và tế bào máu là cơ quan đích đối với sự lây nhiễm DIV1 và chứa lượng DIV1 cao nhất. Trong nghiên cứu này, nhiều thay đổi mô bệnh học bị nhiễm DIV1 được quan sát thấy ở cơ quan lympho, chẳng hạn như thể vùi bạch cầu ái toan xuất hiện nhiều so với các cơ quan khác. Các bằng chứng này chỉ ra rằng cơ quan lympho cũng là cơ quan đích đối với nhiễm trùng DIV1. Điều này có thể được sử dụng như một chỉ số bổ sung để chẩn đoán bệnh DIV1 trên tôm.
(A, B) Các dấu hiệu dương tính ở cơ quan lympho và gan tụy; Cơ quan lympho và gan tụy của tôm khỏe mạnh. Lym: cơ quan lympho; Ant: tuyến anten; Myo: tế bào biểu mô.
Hình ảnh kiểm tra các phần siêu mỏng của tôm thẻ bị bệnh bằng TEM cho thấy sự hiện diện phân tán hoặc tập trung của một lượng lớn các hạt hình tứ diện với cấu trúc virus óng ánh điển hình trong các tế bào của cơ quan lympho. Trong tế bào biểu mô của gan tụy, cũng có thể quan sát thấy các hạt virus phân tán hoặc thành cụm thưa thớt trong tế bào chất.
(A, B) Các hạt DIV1 trong cơ quan lympho; (C, D) DIV1 hạt trong tế bào biểu mô của gan tụy. Mũi tên màu xanh lam biểu thị các virion.
Trong quá trình thí nghiệm, ốc bươu vàng và nhện nước của ao được lấy mẫu kết quả dương tính yếu với DIV1. Tuy nhiên, các thí nghiệm ISDL và TEM không chỉ ra sự lây nhiễm DIV1 trong các mẫu này. Mặc dù không có đủ bằng chứng cho thấy DIV1 có thể lây nhiễm và sinh sôi trong các sinh vật môi trường, chẳng hạn như ốc bươu vàng và nhện nước nhưng vẫn có nguy cơ những sinh vật này có thể mang DIV1 và lây lan giữa các cá thể và ao nuôi, qua ô nhiễm hoặc do tôm nuôi ăn phải.
Nghiên cứu này đã chứng minh thêm rằng DIV1 có thể lây nhiễm vào cơ quan lympho và tế bào biểu mô của tôm. Các triệu chứng của cơ thể như hơi đỏ, các đốm sắc tố phình to ăn sâu trên vỏ và tỷ lệ chết không xác định được coi là cơ sở quan trọng để chẩn đoán trên ao nuôi đối với tôm thẻ chân trắng nhiễm DIV1.
Một số thuật ngữ trong bài:
(1) Lai tại chỗ (In situ hybridization – ISH): là kiểu lai sử dụng chuỗi DNA, RNA bổ sung được đánh dấu hoặc chuỗi axid nucleic đã được sửa đổi (tức là mẫu dò) để định vị một chuỗi DNA hoặc RNA cụ thể trong một phần của mô hoặc trong toàn bộ mô nếu mô đủ nhỏ (ví dụ hạt thực vật, phôi Drosophila ), trong tế bào và trong các tế bào khối u tuần hoàn (CTC). Điều này khác biệt với hóa mô miễn dịch thường định vị các protein trong các phần mô.
(2) Eosinophilic (bạch cầu ái toan hay bạch cầu ưa acid): là một loại bạch cầu hạt, so với bạch cầu hạt trung tính, bạch cầu ái toan ít có khả năng vận động và thực bào. Bình thường, bạch cầu ái toan không thực bào vi khuẩn. Chức năng đầu tiên của bạch cầu ái toan là khử độc các protein lạ và các chất khác. Bạch cầu ái toan cũng có khả năng hoá ứng động nhưng yếu tố hấp dẫn chúng là sự có mặt của các kháng thể đặc hiệu với các protein lạ. Phức hợp kháng nguyên – kháng thể hấp dẫn bạch cầu ái toan di chuyển từ máu vào các mô liên kết, ở đó chúng thực bào và phá huỷ các phức hợp này. Số lượng bạch cầu ái toan tăng cao trong các phản ứng miễn dịch và tự miễn dịch, trong quá trình phân huỷ protein của cơ thể và trong một số bệnh nhiễm ký sinh trùng.
(3) Karyopyknosis hay Pyknosis: là sự ngưng tụ không thể đảo ngược của chất nhiễm sắc trong nhân của một tế bào trải qua hoại tử hoặc chết tế bào theo chương trình (apoptosis).
(4) Tế bào R (resorptive-cells): là những tế bào phong phú nhất trong gan tụy giáp xác, xuất hiện dọc theo chiều dài của ống gan tụy. Mật độ electron của chúng thấp so với các loại tế bào khác, chúng là các tế bào hấp thụ chứa đầy không bào, lipid và glycogen.
(5) ISDL (loop-mediated isothermal amplification/Khuếch đại đẳng nhiệt qua trung gian): là một kỹ thuật đơn ống để khuếch đại DNA và là phương pháp thay thế chi phí thấp để phát hiện một số bệnh. Phiên mã ngược phiên mã trung gian khuếch đại vòng lặp kết hợp LAMP với bước sao chép ngược để phát hiện RNA.
Molecular epidemiology and histopathological study of a natural infection with decapod iridescent virus 1 in farmed white leg shrimp, Penaeus vannamei by Liang Qiu, Xing Chen, Wen Gao, Chen Li, Xiao-Meng Guo, Qing-Li Zhang, Bing Yang, Jie Huang.
Ở Vạn Ninh, lâu nay, tôm thẻ chân trắng chủ yếu nuôi trên đìa hoặc lót bạt nhưng môi trường nuôi ngày càng kém, rủi ro cao khiến nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ, rơi vào nợ nần. Cái khó ló cái khôn, nhiều người đã chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao, mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm.
Mạnh dạn chuyển đổi
Hơn 7 giờ sáng, trên vùng tôm thôn Xuân Đông (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), nắng đã chói chang. Qua những con đường quanh co, chúng tôi ghé trại tôm của ông Dương Đình Hiệp. Vừa tất bật từ hồ này sang hồ khác để kiểm tra oxy, bơm thêm nước, cho tôm ăn, ông Hiệp vừa phấn khởi kể: “Trong hơn 15 năm nuôi tôm thẻ chân trắng, từ năm 2019 đến nay là tôi thắng lợi lớn nhất, liên tiếp trúng tôm thu về gần chục tỷ đồng. Kết quả đó là nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nghề nuôi tôm”.
Trước đây, ông Hiệp nuôi tôm trên hồ đất. Nhưng môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh khiến nhiều lần trắng tay. Không bỏ nghề, ông vay vốn đầu tư làm hồ lót bạt trên ao đất, nhưng vụ được, vụ mất. Năm 2019, ông có dịp vào Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu tìm hiểu mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Trở về, ông vay thêm vốn đầu tư máy bơm oxy, trang thiết bị làm 4 hồ xử lý nước và 6 hồ nuôi tôm theo quy trình khép kín ứng dụng công nghệ cao. Các hồ nuôi được thiết kế hình tròn khung sắt, lót bạt HDPE (một loại nhựa dẻo đặc) có diện tích hơn 400m2/hồ. Nguồn nước lấy từ biển vào được xử lý sạch trước khi đưa vào hồ nuôi. “Mỗi năm tôi thả nuôi 4 vụ, mỗi vụ nuôi 2,5 tháng, sản lượng đạt 4 tấn/hồ; tôm đạt kích cỡ từ 30 đến 35 con/kg”, ông Hiệp khoe.
Rời trại tôm ông Hiệp, chúng tôi men theo con mương tới trại tôm của ông Phương Thục. Gắn bó với nghề nuôi tôm hơn 20 năm, nhưng vài năm gần đây, ông Thục mới thực sự giàu lên nhờ con tôm. Ông Thục cho biết, năm 2000, ông là một trong số ít hộ tiên phong trong xã cải tạo ruộng muối sang nuôi tôm. Việc nuôi tôm phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên có mùa trúng, mùa mất. Năm 2019, ông quyết định chuyển từ nuôi tôm truyền thống trên đìa đất sang nuôi tôm công nghệ cao. Trên diện tích 3ha, ông đầu tư làm 5 hồ nuôi tôm công nghệ cao có diện tích 400m2/hồ. Hồ nuôi tôm được thiết kế dạng lòng chảo; đường ống dẫn nước, khí oxy được nối đến giữa ao để sục khí. Nhờ áp dụng quy trình này, trung bình 90 ngày, tôm đạt trọng lượng khoảng 30 – 35 con/kg và có thể xuất bán, đạt 4 tấn/hồ. Ông Thục chia sẻ: “Nuôi tôm công nghệ đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, còn khi đã vào guồng thì rất nhàn mà lợi nhuận cao”.
13 hồ nuôi tôm công nghệ cao của gia đình ông Nguyễn Anh Tuấn được đầu tư rất khoa học.
Hướng đi triển vọng
So với cách nuôi truyền thống, nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả hơn hẳn. Thực chất, đây là sự kết hợp giữa kiểm soát tốt môi trường và bảo đảm chất lượng giống để tôm sinh trưởng nhanh. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, một hộ nuôi tôm ở thôn Xuân Đông, trước đây, khi nuôi tôm theo cách truyền thống, người nuôi ít quan tâm xử lý nguồn nước, không có hệ thống sục oxy mà chỉ chạy máy đảo nước trên mặt ao. Nguồn nước thải không được xử lý trước khi thải ra môi trường nên có nguy cơ trở thành nguồn dịch bệnh. Trong khi đó, nuôi tôm công nghệ rất chú ý đến vấn đề xử lý nguồn nước. Nguồn nước trước khi thả giống phải được xử lý theo quy trình 4 bước: lắng thô, xử lý thuốc, xử lý clo, đưa vào hồ nuôi. Người nuôi còn ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước. Đặc biệt, hệ thống sục khí oxy phải được tính toán lắp đặt khoa học, các vòi sục khí trải đều dưới đáy ao nuôi và hoạt động liên tục. Nguồn nước thải được thu gom lắng lọc, xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Gia đình ông Tuấn đã đầu tư 13 hồ nuôi tôm công nghệ cao với tổng chi phí gần 20 tỷ đồng. Ông Tuấn chia sẻ: “Cách nuôi này giúp người nuôi tôm kiểm soát được nguồn nước, nhiệt độ trong ao, từ đó, khống chế được dịch bệnh do ô nhiễm nguồn nước, tăng giảm nước đột ngột khi trời mưa. Con giống, thức ăn do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp nên an tâm. Mỗi năm, tôi thả nuôi 4 vụ, mật độ dày hơn gấp 10 lần so với thông thường song tỷ lệ sống vẫn đạt hơn 90%. Tôm đạt kích cỡ lớn nên các công ty chế biến thủy sản ưa chuộng, giá bán ổn định khoảng 150.000 đồng/kg. Nhờ đó, mỗi năm tôi thu về khoảng 15 tỷ đồng”.
Theo ông Trần Thanh Tòng – Quyền Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng, nuôi tôm công nghệ cao là hướng đi bền vững. Toàn xã hiện có hơn 120ha đất đìa nuôi trồng thủy sản với hơn 200 hộ nuôi. Tuy nhiên, phần lớn các hộ đang nuôi theo cách truyền thống nên tỷ lệ rủi ro cao. Từ năm 2018 đến nay, có một số hộ nuôi học tập và ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao đem lại hiệu quả cao. Điều quan trọng nhất là nguồn nước thải được xử lý tốt trước khi thải ra môi trường. Đây là hướng đi được địa phương khuyến khích người dân nuôi áp dụng.
Hệ thống đường ống dẫn khí oxy được trải đều dưới đáy ao nuôi.
Mong được hỗ trợ
Tuy đây là hướng đi triển vọng nhưng để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao không dễ. Lý do là mô hình này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Hiện nay, đa số hộ đã nuôi là những hộ có sẵn tiềm lực. Trung bình mỗi hồ nuôi tôm công nghệ cao 400m2 có tổng chi phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Những hộ không đủ vốn đầu tư rất khó áp dụng bởi hiện nay các ngân hàng rất hạn chế cho người dân vay vốn để nuôi tôm. “Nguồn vốn đang là rào cản để mở rộng quy mô nuôi tôm công nghệ cao. Vì thế, các cấp, ngành cần sớm có chính sách hỗ trợ cho người dân. Các ngân hàng nên khảo sát, đánh giá hiệu quả mô hình này để người nuôi được tiếp cận nguồn vốn vay”, ông Tòng đề xuất.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi sử dụng máy móc nhiều nên người nuôi tôm công nghệ cao lo thiếu điện. Thực tế, việc đầu tư điện lưới 3 pha cho các khu vực nuôi tôm chưa được quan tâm nhiều. Hiện nay, các hộ nuôi phải tự đầu tư, đấu nối hoặc dùng nhờ nguồn điện lẫn nhau. Do thiếu điện, nhiều hộ phải chạy máy nổ, máy phát điện khá tốn kém. Vì vậy, người dân hiện đang rất mong được đầu tư điện lưới hay có cơ chế cho họ tận dụng diện tích mặt hồ để đầu tư điện năng lượng mặt trời.
Ông Nguyễn Ngọc Ý – Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay, toàn huyện có 668ha đìa nuôi trồng thủy sản nhưng chỉ có khoảng 10 hộ ở xã Vạn Hưng áp dụng nuôi tôm công nghệ cao. Qua khảo sát, mô hình này rất thành công và hứa hẹn nhiều triển vọng. Đây cũng là định hướng mà huyện đã đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Huyện khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp liên kết đầu tư. Hiện nay, đã có 1 doanh nghiệp ký kết đầu tư mô hình này với tổng diện tích hơn 30ha. Để phát triển nuôi tôm công nghệ cao, huyện kiến nghị tỉnh và các ngành có liên quan quan tâm hỗ trợ về điện, chính sách vay vốn ưu đãi để người dân từng bước chuyển đổi, tạo thành vùng nuôi tôm công nghệ cao quy mô lớn.
Theo báo cáo của các địa phương và các cơ sở nuôi tôm, trong thời gian gần đây đã xuất hiện hiện tượng tôm bị còi cọc, chậm lớn; nhiều trường hợp tôm bị kết hợp với bệnh phân trắng, hoại tử gan tụy cấp tính gây thiệt hại lớn về kinh tế của người nuôi tôm.
Cục Thú y và cơ quan chuyên môn tại các địa phương đã tổ chức giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây hiện tượng tôm bị còi cọc, chậm lớn là do Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) và vi-rút Monodon baculovirus (MBV). Trong đó EHP được xác định là nguyên nhân chính; kết hợp với một số bệnh nguy hiểm khác làm chết nhiều tôm.
Hiện nay, thế giới chưa có thuốc điều trị bệnh do EHP. Vì vậy, việc phòng, chống bệnh do EHP chủ yếu dựa vào việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong quản lý ao nuôi (quản lý con giống, thức ăn, môi trường nuôi, quy trình nuôi,..).
Tôm nhiễm EHP có kích cỡ không đều, bị óp vỏ.
Để chủ động phòng, chống hiệu quả bệnh do EHP và các bệnh nguy hiểm khác trên tôm nuôi nước lợ, các cơ sở nuôi tôm cần thực hiện một số biện pháp sau:
– Xử lý ao sau mỗi vụ nuôi: Toàn bộ bùn đáy ao, chất thải trong quá trình nuôi phải được thu gom, đưa ra ngoài khu vực nuôi để phơi khô. Đáy ao đất sau mỗi vụ nuôi phải được phơi khô nứt chân chim (đối với ao không nhiễm phèn) trước khi thực hiện cải tạo đáy ao cho vụ nuôi tiếp theo. Đối với ao phủ bạt, rửa sạch bằng nước ngọt, phơi khô và khử trùng bằng nước vôi hoặc hóa chất.
– Cải tạo đáy ao: sử dụng vôi bột (CaO) rắc đều một lớp dưới đáy ao, sau đó cho nước vào ngâm, duy trì độ pH khoảng 11-12 (để tiêu diệt EHP còn sót lại trong đáy ao) trong khoảng 5 ngày trước khi điều chỉnh lại pH ao nuôi cho phù hợp với hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm.
– Xử lý nước ao nuôi: Các cơ sở thực hiện lấy nước qua hệ thống túi lọc để loại bỏ một số loài trung gian truyền bệnh cũng như ngăn chặn các loài thủy sản khác xâm nhập vào cơ sở. Nước trong ao xử lý hoặc ao chứa lắng phải được khử trùng bằng Chlorine nồng độ từ 15-30ppm hoặc bằng các hóa chất khác tương đương.
– Con giống: Chọn con giống khỏe mạnh, đã được kiểm dịch và có thực hiện xét nghiệm đảm bảo không nhiễm EHP cũng như các tác nhân gây bệnh nguy hiểm khác để thả nuôi.
– Thức ăn cho tôm nuôi: Trong quá trình nuôi, không sử dụng thức ăn tươi sống không có nguồn gốc rõ ràng. Thức ăn phải được xét nghiệm bệnh do EHP trước khi sử dụng.
– Quản lý: Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để quản lý ao tôm như: hạn chế cho người lạ vào khu vực nuôi; thực hiện khử trùng dụng cụ ngay sau khi sử dụng; nguồn nước nuôi (thay mới hoặc bổ sung vào ao nuôi) phải được khử trùng; bờ ao phải được quây lưới chắn giáp xác và có biện pháp xua đuổi chim cò tự nhiên; cơ sở nuôi tuyệt đối không thực hiện san thưa tôm từ ao bệnh sang ao khác trong toàn bộ quá trình nuôi để tránh làm lây nhiễm bệnh từ ao này sang ao khác.
– Khi phát hiện tôm chết bất thường hoặc có biểu hiện chậm lớn khoảng 25 ngày sau thả nuôi, chủ cơ sở thực hiện khai báo với thú y cơ sở, cơ quan thú y của địa phương để được kiểm tra xác định nguyên nhân và hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.
– Xử lý ổ dịch phải đảm bảo toàn bộ dụng cụ, phương tiện chứa đựng, vận chuyển, bể nuôi,.. phải được khử trùng bằng chất sát trùng và phương pháp phù hợp; Nước trong ao bệnh phải được xử lý bằng Chlorine nồng độ 30ppm, ngâm trong 7 ngày trước khi xả ra ngoài môi trường; Các chất cặn bã, bùn đáy ao,.. trong quá trình nuôi phải được thu gom và xử lý tại khu vực riêng.
21 tấn tôm hùm sống có nguồn gốc từ Úc, trị giá khoảng 1,5 triệu USD đang bị chặn ở Trung Quốc trong khi các nhà xuất khẩu Úc lo ngại số tôm hùm này có thể bị chết trước khi đến tay người mua.
Lô hàng tôm hùm được chất lên máy bay ở Perth, Úc.
Theo Daily Mail, lô tôm hùm sống này bị hải quan Trung Quốc chặn lại ở sân bay Thượng Hải từ ngày 30.10, với lý do kiểm tra hàm lượng vi chất.
Các nhà xuất khẩu ở Úc khẳng định tôm hùm của họ không có vấn đề gì, không hiểu vì sao lần này phía Trung Quốc lại làm khó dễ.
Bộ trưởng nông nghiệp Úc David Littleproud nói 100% lô hàng tôm hùm sống vận chuyển tới Trung Quốc bị nhà chức trách nước này chặn để kiểm tra thêm. Số tôm hùm này vẫn đang ở trên máy bay tại sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải.
“Theo như chúng tôi được biết, nhà chức trách Trung Quốc ban đầu muốn kiểm tra 50% lô hàng, nhưng sau đó thông báo kiểm tra toàn bộ số tôm hùm nhập khẩu vào Trung Quốc”, Bộ trưởng Littleproud nói trên ABC.
“Chúng tôi đã xét nghiệm kỹ lưỡng trước khi gửi lô hàng. Họ nêu lý do cần kiểm tra vi chất là điều không thể chấp nhận được. Chúng tôi đang đặt câu hỏi vì sao họ là nhắm vào lô hàng tôm hùm Úc này, ông Littleproud nói thêm.
Ông Littleproud cũng cho biết, các nhà nhập khẩu có thể tự quyết định việc ngừng xuất hàng sang Trung Quốc hay không.
Trung Quốc ngừng nhập khẩu gỗ từ Úc.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng chặn một số lô hàng gỗ và ngũ cốc có nguồn gốc từ Úc, với lý do gỗ có chứa bọ gây hại còn ngũ cốc có lẫn hạt cỏ dại.
Cùng ngày, Bộ Ngoai giao Trung Quốc gửi thông điệp mong muốn Úc có hành động cải thiện sự tin cậy lẫn nhau, tăng cường hợp tác song phương và đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng càng sớm càng tốt.
Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham nói Trung Quốc đang có hành động phân biệt đối xử với hàng xuất khẩu của Úc, vi phạm thỏa thuận thương mại tự do ký giữa hai nước vào năm 2015.
“Tất cả các sản phẩm nhập khẩu phải tuân theo các tiêu chuẩn tương đương và không thể có các hoạt động sàng lọc, phân biệt đối xử”, ông Birmingham nói.
Năm ngoái 94% sản lượng tôm hùm Úc trị giá 752 triệu USD, chủ yếu đến từ miền nam và miền tây Úc,được xuất khẩu sang Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Úc.
Anta®Ox Aqua là một giải pháp phòng ngừa mới và hiệu quả cho các nhà sản xuất thức ăn cho tôm để hỗ trợ người nuôi quản lý sức khỏe tôm nuôi.
Đối phó với sốc độ mặn
Về bản chất, tôm có cơ chế đối phó với những thay đổi của chất lượng nước. Mang là một trong những cơ quan quan trọng nhất để điều hòa áp suất thẩm thấu và thích ứng với độ mặn vì chúng là nơi chính để trao đổi các ion bên trong cơ thể và môi trường. Một cơ chế tự nhiên khác để đối phó với stress độ mặn là sự thay đổi thành phần của huyết tương. Tôm có thể thay đổi nồng độ ion trong huyết tương để thích ứng với những thay đổi về nồng độ thẩm thấu. Hầu hết các cơ chế này hoạt động tốt trước những thay đổi chậm của độ mặn trong thời gian dài nhưng lại khó ứng phó trước những thay đổi ngắn và quá nhanh về độ mặn trong vòng vài giờ hoặc thậm chí vài phút.
Các khuyến nghị điển hình cho người nuôi tôm được đưa ra là:
– Không đào ao quá nông. Cùng một lượng mưa như nhau, nhưng ao nông dễ bị loãng hơn ao sâu;
– Thiết kế cống để thoát nước;
– Xây dựng kênh mương để dẫn nước mưa ra khỏi ao;
– Lắp đặt máy bơm để có thể thay nước nhanh chóng;
– Ngừng cho ăn khi mưa lớn. Dứt mưa, dần dần cho ăn bình thường trở lại;
– Sau khi mưa, ước tính mật độ hàng tuần để tránh cho ăn quá mức trong ao do tỷ lệ chết không được phát hiện.
Giải pháp phòng ngừa mới từ Anta®Ox Aqua
Ngoài các biện pháp kỹ thuật trên, một chiến lược xa hơn là sản xuất thức ăn có thể giúp nông dân giải quyết sốc độ mặn cho tôm. Theo nhiều nghiên cứu trước đây, hàm lượng cao axit béo không bão hòa đa (PUFA) trong chế độ ăn có thể giúp tôm sống sót khi bị sốc độ mặn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, Anta®Ox Aqua là một giải pháp dinh dưỡng đáng cân nhắc; sản phẩm này được nhận định là bảo vệ sức khỏe nói chung và năng lượng an toàn hơn trong thức ăn cho tôm, giúp tôm chống lại sốc độ mặn.
Để khẳng định hiệu lực của Anta®Ox Aqua, một nghiên cứu khoa học đã được thực hiện bởi một phòng thí nghiệm chuyên ngành nuôi tôm (IMAQUA, Bỉ). Độ mặn giảm nhanh được mô phỏng trong môi trường bể và tỷ lệ sống của tôm được ghi lại theo thời gian. Trước khi thử nghiệm độ mặn, tôm được cho ăn các khẩu phần khác nhau trong 35 ngày. Nhóm đối chứng không bổ sung phụ gia còn khẩu phần thử nghiệm lại được bổ sung Dr. Eckel Anta®Ox Aqua 800 ppm. Anta®Ox Aqua ổn định nhiệt và chế biến, nên đã được trộn vào trong quá trình ép viên. Trong giai đoạn cho ăn, mật độ tôm trong bể là 70 con/bể, lặp lại 4 lần ở mỗi nhóm thử nghiệm với 6 cữ ăn/ngày. Đối với thử nghiệm sốc độ mặn, 40 con tôm mỗi nhóm được chuyển sang bể chứa có độ mặn thấp để mô phỏng độ mặn giảm xuống -20 ppt. Trong suốt 6 tiếng thử nghiệm, cứ sau 20 phút lại theo dõi sự sống của tôm.
Tôm được bổ sung Anta®Ox Aqua trong thức ăn sống sót lâu hơn đáng kể so với nhóm đối chứng trong quá trình kiểm tra sốc độ mặn.
Các kết quả thử nghiệm này đã chứng minh, Anta®Ox Aqua là một giải pháp phòng ngừa mới và hiệu quả cho các nhà sản xuất thức ăn cho tôm để hỗ trợ người nuôi quản lý sức khỏe tôm nuôi.