Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới: Hướng đi mới hiệu quả

Nhằm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình (Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn) đã thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy.

Mô hình đã góp phần tăng năng suất, giảm rủi ro, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Thời gian qua, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: thiên tai, dịch bệnh, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, các chi phí đầu tư con giống, thức ăn… luôn biến động, trong khi giá bán tôm thương phẩm lại lên xuống thất thường. Từ những khó khăn này, việc cải tiến quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản góp phần tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập của người dân trở thành nhu cầu cấp thiết.

Anh Nguyễn Minh Giáp ở xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) là một trong những hộ nuôi tích cực ứng dụng công nghệ mới vào quy trình nuôi tôm, đem lại hiệu quả cao trên địa bàn. Năm 2020, được sự hỗ trợ của Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình, anh đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn trong nhà lưới với diện tích hơn 1.000m2. Sau một thời gian chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vụ tôm của gia đình anh đạt năng suất cao với gần 5 tấn, đem lại thu nhập hơn 470 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Hồ nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của anh Nguyễn Đại Dũng (xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy).

Anh Giáp cho biết, trước đây, anh nuôi tôm ao bạt 1 năm 2 vụ nhưng thu nhập không được là bao vì mất nhiều chi phí cho khâu xử lý dịch bệnh. Từ khi chuyển qua mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn trong nhà lưới, gia đình anh tiết kiệm được công chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho tôm, tôm phát triển tốt, đạt năng suất cao, trong khi chi phí lại giảm.

Từ hiệu quả của mô hình, anh Giáp đã mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới. Hiện tại, gia đình anh nuôi 2 ao tôm với diện tích gần 5.000m2. Được biết, 1 năm anh nuôi 2 vụ tôm, cho thu nhập hơn 900 triệu đồng.

Năm 2020, từ nguồn ngân sách tỉnh, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới tại xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy). Mô hình được thực hiện tại hai hộ dân là anh Nguyễn Minh Giáp và Nguyễn Đại Dũng ở xã Ngư Thủy Bắc. Tham gia mô hình, mỗi hộ dân được trung tâm hỗ trợ 50% chi phí mua tôm giống và 50% chi phí thức ăn công nghiệp, hóa chất, bạt HDPE và lưới che nắng cho tôm.

Theo chị Đoàn Thị Loan, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình, thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới, mỗi hộ dân thả 400.000 con giống tôm thẻ post 12 vào ao ương giai đoạn 1 là bể nổi có diện tích 150m2 và nuôi trong vòng 25 ngày. Sau đó, tôm sẽ theo dòng chảy tự nhiên sang ao ương giai đoạn 2 có diện tích 500-800m2. Ao ương được bố trí hệ thống sục khí đáy, quạt nước và có hệ thống lưới lan che phủ 60% diện tích mặt ao.

Tôm sau khi nuôi từ 25-30 ngày, đạt kích cỡ 200-250 con/kg thì chuyển sang ao nuôi thương phẩm. Ao nuôi thương phẩm được lót bạt HDPE ở đáy và có hệ thống lưới che nắng có độ che phủ 50-60% mặt nước; trong ao bố trí quạt nước và lắp máy cho ăn tự động cách bờ 8-12m.

Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới sau 3 tháng thì có thể xuất bán với khối lượng bình quân 45-50 con/kg, đạt sản lượng gần 6,5 tấn tôm thương phẩm/hộ nuôi. Với giá bán tôm thẻ 160.000 đồng/kg, ước tính mang về cho mỗi hộ nuôi lợi nhuận trên 400 triệu đồng.

Thực hiện mô hình, các hộ dân phải làm ao ương để kiểm soát tôm giống trong 25-30 ngày đầu tiên rồi mới thả xuống ao. Điều này sẽ góp phần tránh cho tôm bị hoại tử gan tụy vì dịch bệnh này có tần suất xuất hiện cao nhất là ở tôm từ 20-45 ngày tuổi, giúp tiết kiệm được gần 70% chi phí thức ăn. “Áp dụng quy trình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn trong nhà lưới đã giúp cho môi trường ao nuôi sạch hơn, thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý, nhờ đó, tôm sinh trưởng, phát triển tốt.

Nuôi tôm theo công nghệ này sẽ nuôi được nhiều vụ trong năm nhờ rút ngắn thời gian cải tạo ao, ít bị dịch bệnh do quy trình nuôi khép kín; đồng thời, hạn chế tối đa việc xả thải ra môi trường”, chị Loan cho hay.

Anh Nguyễn Đại Dũng, xã Ngư Thủy Bắc nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn trong nhà lưới diện tích 1.200m2. Sau 3 tháng nuôi, anh thu hoạch được 6 tấn, 35 con/kg cho thu nhập hơn 900 triệu đồng.

Anh Dũng chia sẻ: “Trước đây, môi trường nuôi tôm thường bị ô nhiễm, phải sử dụng kháng sinh, không quản lý được thức ăn, rủi ro cao. Nuôi công nghệ cao tuy mật độ thả nuôi dày nhưng không dùng kháng sinh, quản lý được thức ăn, môi trường. Nuôi tôm đạt tỷ lệ thành công lên đến 80%, năng suất tôm tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá tôm không xuống thấp thì với 6 tấn tôm loại to (giá bán 260.000 đồng/kg) gia đình tôi phải thu về hơn 1,5 tỷ đồng”.

Theo Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Quảng Bình Phan Duy Thành, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới không chỉ giúp các hộ nuôi giảm chi phí chăm sóc, ít dịch bệnh mà còn đem lại thu nhập cao cho người dân. Hiện tại, không chỉ có hộ anh Nguyễn Minh Giáp, Nguyễn Đại Dũng mà rất nhiều hộ dân ở xã Ngư Thủy Bắc và các vùng lân cận đã học hỏi và nhân rộng mô hình.

Thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà lưới, người dân có cơ hội áp dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng để từng bước hướng đến phát triển nghề nuôi tôm bền vững.

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Phấn đấu phát triển 4 ngàn héc-ta tôm công nghệ cao

Ao nuôi tôm công nghệ cao.
Ao nuôi tôm công nghệ cao theo phiên bản mới nhất. Ảnh: Cẩm Trúc

Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 29/012021 của Tỉnh ủy phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh phát triển hơn 4 ngàn héc-ta nuôi tôm biển công nghệ cao (CNC) và đến năm 2030 là 5 ngàn héc-ta.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển 4 ngàn héc-ta nuôi tôm CNC giai đoạn 2021 – 2025. Dự kiến, giữa tháng 04/2021 sẽ ban hành và triển khai. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã đồng ý hỗ trợ tỉnh 1 dự án nuôi tôm. Tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư này cho vùng nuôi tôm CNC”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh thông tin.

Xu thế tất yếu

“Đề bài” về con tôm cho ngành nông nghiệp được Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đặt ra tại cuộc họp “Về tái cơ cấu nông nghiệp Bến Tre đến năm 2025” (vào đầu tháng 12-2020) là phải phấn đấu đạt đến giá trị “con tôm tỷ đô”, cùng với “cây dừa tỷ đô” hay “con bò tỷ đô”… Câu chuyện về giá trị tỷ đô không dừng lại ở việc sắp xếp, bố trí lại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp mà còn nhấn mạnh việc cần phải sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ và sản xuất tập trung, gắn với ứng dụng khoa học CNC để có sản phẩm chất lượng và nâng cao giá trị hơn, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT, năm 2020, năng suất nuôi tôm biển thâm canh và bán thâm canh toàn tỉnh đạt bình quân từ 6 – 7 tấn/héc-ta. Riêng nuôi tôm thâm canh bình quân từ 10 – 12 tấn/héc-ta. Đặc biệt, nuôi tôm thâm canh theo hướng CNC năng suất đạt từ 60 – 70 tấn/héc-ta. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm CNC  của tỉnh còn khá khiêm tốn, chỉ 1.680 héc-ta trên tổng số 11.400 héc-ta nuôi tôm hình thức thâm canh, bán thâm canh thả xoay vòng và trên tổng số 35 ngàn héc-ta nuôi tôm biển (bao gồm cả diện tích nuôi tôm lúa, nuôi quảng canh, xen rừng khoảng 24 ngàn héc-ta).

“Về chuỗi giá trị con tôm, mặc dù tỉnh đang được xếp vị trí thứ 5 của đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng tôm biển, nhưng chỉ xuất bán tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ngoài tỉnh và chủ yếu qua kênh mua của các thương lái với giá cả bấp bênh. Nguyên do là tỉnh chưa có nhà máy chế biến tôm quy mô xứng tầm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu con tôm của tỉnh hiện nay gần như bằng 0”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Buội cho biết. 

Tại hội nghị về giải pháp phát triển nuôi tôm ứng dụng CNC tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Ryan Technologies Việt Nam được mời tham dự và trình bày với vai trò một chuyên gia chia sẻ: Yêu cầu trong ngành nuôi tôm là ngày càng tăng diện tích nuôi, giảm diện tích xử lý nước trong cùng một diện tích đầu tư và đạt năng suất cao là những vấn đề đặt ra cho công nghệ nuôi tôm trong thời gian tới. Hay nói cách khác, phát triển nuôi tôm CNC là xu thế. Đây là lời giải cho “bài toán” phát triển ngành tôm cả nước nói chung và tỉnh nói riêng. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ mục tiêu, lộ trình xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD đến năm 2025. Đến nay đã xuất khẩu gần 4 tỷ USD.

“Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam mà trong đó tỉnh là nơi bị mặn xâm nhập, nếu xét về ngành tôm biển thì đây lại là cơ hội tốt để phát triển thuận thiên. Vấn đề của tỉnh là phải đưa công nghệ vào nuôi tôm”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ khẳng định.

Đề xuất các giải pháp

Toàn huyện Ba Tri hiện có 1.730 héc-ta nuôi tôm thâm canh, rải đều 10 xã, trong đó, có 200 héc-ta nuôi tôm CNC 2 giai đoạn, với 19 hộ tham gia. Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương cho biết, do điều kiện hộ dân nuôi nhỏ lẻ, manh mún, nguồn vốn, điện, hạ tầng gặp khó khăn nên huyện chỉ đăng ký phát triển đến 500 héc-ta trong tổng số 4 ngàn héc-ta nuôi tôm CNC toàn tỉnh đến năm 2025.

Thạnh Phú hiện có 750 héc-ta nuôi tôm CNC, rải rác ở 7 xã ven biển. Huyện  đăng ký đến năm 2025 phát triển nuôi tôm biển thâm canh 3 ngàn héc-ta, trong đó  tôm nuôi CNC từ 1,5 – 1,8 ngàn héc-ta. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú Trương Thanh Hải đề xuất một số giải pháp như: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực biết ứng dụng công nghệ vào sản xuất; tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng; quy hoạch cụ thể khu nuôi, vùng nuôi; liên kết các khu nuôi để ứng dụng kỹ thuật, chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng; xây dựng nhãn hiệu, mời gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến xuất khẩu. Đồng thời, huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh dành ngân sách khuyến khích người dân nuôi tôm; khảo sát quy hoạch khu nuôi tôm ứng dụng CNC.

Bình Đại hiện có 800 héc-ta nuôi tôm CNC, định hướng đến năm 2025 sẽ phát triển 2 ngàn héc-ta. Để thực hiện đạt mục tiêu, theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Võ Trịnh Quốc Toàn, huyện sẽ tập trung các giải pháp về hạ tầng điện, giao thông và thủy lợi cho con tôm.

Đóng góp xây dựng kế hoạch phát triển 4 ngàn héc-ta nuôi tôm công nghệ cao, lãnh đạo 3 huyện biển, các doanh nghiệp, người nuôi tôm trên địa bàn cùng đề xuất cần đầu tư đồng bộ, đầy đủ cho nuôi thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng CNC để tăng năng suất, hiệu quả. Đầu tư phát triển ngành chế biến tôm. Đồng thời, bảo hiểm cho nuôi tôm, đào tạo lao động ngành tôm, có chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi lớn để khuyến khích hộ nuôi mạnh dạn đầu tư, phát triển quy mô.

Điều kiện để xuất khẩu

Theo TS. Nguyễn Thanh Mỹ, nuôi tôm CNC là giải pháp để giải quyết dứt điểm các hạn chế về năng suất thấp, giá thành cao, giảm dịch bệnh và đảm bảo có truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là các điều kiện cần thiết để xuất khẩu tôm ra thế giới. Tiến sĩ đề xuất 3 cách cơ bản là: Về ngắn hạn, đưa công nghệ xử lý nước vào để tăng diện tích nuôi, giảm diện tích xử lý nước; Về trung hạn, phát triển ngành sản xuất thức ăn chức năng cho tôm, giúp tôm tăng trưởng nhanh, kháng bệnh tốt, chất lượng cao; Về lâu dài, cần hướng đến mô hình nuôi khép kín, trong nhà kín để sử dụng nước ít hơn, quản lý và điều tiết nhiệt độ ôn hòa cho tôm phát triển, tiết kiệm chi phí điện, nước cho ao nuôi… giúp giảm giá thành tôm.

Bên cạnh đó, tỉnh có thể kêu gọi nhà đầu tư là những công ty lớn có khả năng đầu tư công nghệ hoặc khuyến khích phát triển theo mô hình hợp tác chia sẻ, thương lượng cùng nhau có lợi, nhằm mục tiêu lớn là giúp cộng đồng người dân vùng nuôi cùng phát triển. Việc đồng hành của các ngân hàng trong nuôi tôm là cần có bảo hiểm cho người nuôi tôm…

Về vấn đề đồng vốn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre Lê Công Thành đã cam kết với UBND tỉnh, lãnh đạo các huyện biển và người dân rằng vốn ngân hàng đủ sức đáp ứng cho vay. Người nuôi tôm CNC chứng minh tính rủi ro thấp để ngân hàng có điều kiện giải ngân.
Cẩm Trúc Báo Đồng Khởi

Nông dân với mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Nuôi tôm công nghệ cao.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao do Công ty cổ phần CP Việt Nam chuyển giao tại huyện Thạnh Phú.

Ba huyện biển của tỉnh, gồm: Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại, có diện tích nuôi tôm biển chiếm trên 35 ngàn ha, trong đó có trên 11 ngàn ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Từ năm 2016 đến nay, hình thức nuôi tôm công nghệ cao (CNC) tại đây không ngừng phát triển. Năng suất nuôi tôm thâm canh từ khoảng 10 tấn tăng lên từ 60 – 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận bình quân từ 700 – 800 triệu đồng/vụ nuôi. Từ mô hình này, vùng duyên hải của tỉnh đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều nông dân tỷ phú từ nuôi tôm. Bật lên sức sống mới đầy triển vọng theo chủ trương phát triển kinh tế về hướng Đông của tỉnh trong nhiệm kỳ 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Con đường đến… “vua tôm”

Người được xưng danh “Vua tôm” của tỉnh, có thu nhập khoảng 30 tỷ đồng/năm là nông dân Đặng Văn Bảy (49 tuổi), hay còn được gọi là Bảy An, ngụ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ông được Hội Nông dân tỉnh bình xét và công nhận là vua tôm cùng với các ông vua nông sản khác gắn với 8 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như: dừa, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, hoa kiểng, bò và heo vào năm 2019.

“Từ những năm 1990 – 2000, người dân Thạnh Phú đã biết nuôi tôm, nhưng hầu hết làm ao đắp bờ bằng len tay, chủ yếu dựa trên điều kiện lợi thế đất đai tự nhiên để canh tác. Nên mới có câu vui truyền miệng lúc nghèo khó bấy giờ là: Cuối mùa bờ bể ung thư – Tính đi tính lại hỏng dư đồng nào” – ông Bảy An bồi hồi nhớ lại.

Năm 2000, người dân bắt đầu biết nuôi tôm sú công nghiệp. Tuy nhiên, hình thức nuôi còn lạc hậu. Năm 2006 – 2007, kỹ thuật nuôi tôm có tiến bộ hơn. Năm 2009 – 2010, việc nuôi tôm sú khó khăn, người nuôi chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng. Người nuôi vẫn còn nuôi ao đất, cỡ tôm (size) nuôi đến thu hoạch đạt 100 con/ký được xem là hiệu quả. Năm 2014 – 2015, một số người chuyển qua hình thức nuôi bằng ao lót bạt bờ đáy đất. Lúc này, Công ty cổ phần CP Việt Nam đã bước đầu chuyển giao công nghệ nuôi 2 giai đoạn, với diện tích ao nuôi (giảm rất nhiều so với ao truyền thống) chỉ có 2.000m2 (trong tổng diện tích đầu tư 1ha). Năng suất bình quân đạt 4 – 5 tấn/ao. Đây được xem là cột mốc đánh dấu sự thành công bước đầu trong nuôi tôm công nghệ cao.

Kết quả đó đã đưa ông đi đến quyết định táo bạo vào năm 2016 là mạnh dạn thay đổi hàng loạt ao nuôi, cải tạo toàn bộ ao từ diện tích 5.000m2/ao xuống còn 1.000m2/ao. Việc thay đổi từ hình thức nuôi đến luôn cả mô hình kinh doanh. Năm 2017 là thời điểm ông Bảy An xác lập mức độ thành công kỷ lục mới so với trước đó.

Theo ông Bảy An, đây cũng là giai đoạn lan tỏa nhanh nhất của mô hình nuôi tôm công nghệ cao – công nghệ nuôi tôm 2 giai đoạn. Đến năm 2019, toàn huyện có 250ha nuôi tôm công nghiệp và hiện nay 750ha. Về sau này, ông liên tiếp thử nghiệm để thay đổi qua các hình thức nuôi cải tiến hơn, với thiết kế ao thay đổi theo hướng hiệu quả hơn, như: ao nuôi bể bê-tông lót bạt trên cạn, diện tích giảm còn 300 – 500m2/ao.

Năm 2020, ông Bảy An là người đầu tiên xác lập kỷ lục nuôi tôm CNC hiệu quả nhất cả nước, với size tôm đạt 15 con/kg theo công nghệ do Công ty cổ phần CP Việt Nam chuyển giao. Đồng thời, ông là một trong những đại biểu của tỉnh ra tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, với thành tích là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu toàn quốc.

“Từ con tôm, Thạnh Phú đang có hàng trăm nông dân tỷ phú. Trong đó, Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú đang có hàng chục thành viên là tỷ phú tôm. Có thể nói đây là sân chơi đặc biệt của người nuôi tôm trên địa bàn huyện, với mục đích giúp lan tỏa mô hình sản xuất hiệu quả trong nông dân, góp phần đưa kinh tế nông – thủy sản tại huyện biển phát triển theo hướng đột phá”, vua tôm Đặng Văn Bảy bộc bạch.

Cùng hợp tác, chia sẻ

Thời gian qua có nhiều điển hình hợp tác sản xuất, chia sẻ lợi ích để cùng nhau vượt khó và làm giàu từ nuôi tôm. Ông Vũ Đình Hà, thành viên Hội quán nuôi tôm huyện Bình Đại, là một trong số đó.


Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ tư vấn chuyển đổi số cho mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Vũ Đình Hà, thị trấn Bình Đại. Ảnh: Cẩm Trúc

“Từ lúc khởi sự với nghề nuôi tôm CNC, tôi đã bắt đầu liên kết với nông dân vùng ven biển. Bởi sau khi nghỉ làm tại Công ty cổ phần CP Việt Nam, bản thân tôi chỉ có vốn kiến thức và kinh nghiệm, trong khi nông dân có đất và khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng. Để tạo mối liên kết bền chặt, ngay từ ban đầu, tôi đã tuyên bố công khai toàn bộ chi phí đầu tư, lợi nhuận để tất cả thành viên tham gia nắm bắt. Dần dà, cùng với hiệu quả mô hình là tôi xây dựng được uy tín, niềm tin với những người cùng hợp tác. Lợi nhuận từ mô hình được chia đều đảm bảo tính hài hòa, đồng thuận cao. Không chỉ chia sẻ trong nội bộ, chúng tôi còn công khai chia sẻ kinh nghiệm và thông tin hoạt động sản xuất ra bên ngoài để nông dân nuôi tôm có thể tham khảo, học tập…”, ông Hà kể.

Việc hợp tác sản xuất được người nuôi đồng tình cao vì giảm được chi phí đầu vào, từ con giống, vật tư kỹ thuật, thức ăn dẫn đến giảm giá thành sản phẩm. Quy trình đồng nhất, chất lượng sản phẩm đồng đều. Đặc biệt, từ mô hình này, người nuôi đảm bảo về truy xuất nguồn gốc. Tôm nuôi theo quy trình an toàn, đạt tiêu chuẩn tôm sạch và có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu…

Đến nay, mô hình của ông có gần 20 hộ nông dân tham gia liên kết, với diện tích gần 100ha nuôi tôm CNC, tương đương trên 100 ao nuôi thương phẩm, từ 500 – 700m2/ao.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm CNC, ông Vũ Đình Hà cho rằng, nuôi tôm CNC có 2 yếu tố là tiền và đất. Đối với những hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ, có diện tích dưới 1ha, thực hiện theo mô hình nhỏ nhất là cần 5.000m2, do Công ty cổ phần CP Việt Nam chuyển giao. Trong đó, trung bình ao nuôi thương phẩm từ 500 – 700m2 mặt nước nuôi, ao chứa lắng 1.500m2 (còn lại là bờ, mương đảm bảo thiết kế theo tiêu chuẩn công nghệ 2 giai đoạn). Ước tổng chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình 5.000m2 là 600 triệu đồng (đầu tư thiết kế ao, công vận hành ban đầu, giống và một ít thức ăn).

Theo đại diện của Công ty cổ phần CP Việt Nam, điều kiện quan trọng nhất để nuôi tôm CNC là nước trong vùng nuôi có độ mặn quanh năm. Nếu nông dân có đất từ 5.000m2 tại vùng nước mặn, có thể vay tiền để nuôi. Về kỹ thuật, công ty có hàng chục kỹ sư tại Bến Tre để giúp miễn phí cho người nuôi, từ việc thiết kế ao đến quy trình nuôi. Hiện nay, mô hình nuôi tôm CNC có thiết kế tuần hoàn nước, được xem là “phiên bản mới” của công nghệ CP. Mô hình này dành cho vùng thiếu nước ngọt, 6 tháng ngọt, 6 tháng mặn.

Thiết kế ao nuôi theo mô hình tuần hoàn, có thể xây ao tròn bằng bê-tông cốt sắt trên cạn, phủ bạt, chiều cao ao từ 1,3 – 1,5m. Người nuôi có thể tranh thủ lấy nước mặn vào những tháng mặn để sử dụng tuần hoàn cho ao nuôi trong các tháng ngọt. Tuy nhiên, kỹ thuật nuôi công nghệ tuần hoàn nước càng khắt khe hơn, cũng như có sự tốn kém chi phí đầu tư cao hơn và chiếm nhiều diện tích hơn. Tỷ lệ diện tích mặt nước nuôi và tổng diện tích đầu tư là 1:7 hoặc 1:8. Chi phí đầu tư 1ha là khoảng 1,2 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ít hơn.
Ưu điểm của mô hình nuôi tôm tuần hoàn là có thể giúp người nuôi kiểm soát, né tránh được một số bệnh nguy hiểm thường gặp cho tôm. Nuôi được tại các vùng thiếu nước ngọt, hoặc tránh va chạm với các mô hình nuôi các loại thủy sản khác trong khu vực (như sò). Nguồn nước tuần hoàn có thể tái sử dụng nuôi liên tục 3 – 4 vụ tôm. Mức độ an toàn dịch bệnh cho ao nuôi cao hơn. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường bên ngoài. Tỷ lệ thành công của mô hình này từ 70 – 80%, tức bình quân 100 ao thì có 70 – 80 ao thành công. Tỷ lệ thành công 50%, người nuôi đã có lợi nhuận.

Cẩm Trúc Báo Đồng Khởi

Giá một số loại thức ăn nuôi tôm tăng từ 1,69 – 5,03%

Giá thức ăn tôm tăng.
Giá thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng đầu năm đến nay tăng 1,69 – 5,03%.

Theo thông tin từ các công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn thì giá một số loại thức ăn nuôi tôm từ đầu năm đến nay tăng từ 1,69 – 5,03% (trung bình 3,09% so với năm 2020), chủ yếu thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng.

Từ đầu năm đến nay tất cả các sản phẩm thức ăn tôm của các Công ty đều thông báo tăng giá từ 1.200 đồng/kg đến 1.900 đồng/kg. Tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đều tăng giá thêm 1.500 đồng/kg từ ngày 1/3. Cụ thể, C.P.9920 01 bao 10kg hiện có giá 389.000 đồng; C.P.9922 01 bao 25kg có giá 972,500 đồng; …

Hay như Công ty TNHH Grobest Industrial (Việt Nam) cũng vừa có thông báo từ ngày ¼ tới sẽ chính thức tăng giá bán tất cả các sản phẩm thức ăn tôm thêm 1.200 đồng/kg (trư sản phẩm Gold Shield).

Trước đó, Công ty TNHH Tongwei Việt Nam có thông báo tăng giá bán thức ăn tôm từ ngày 5/2. Đối với hàng tôm thẻ phổ thông, tăng 1.200 đồng/kg; Đối với hàng tôm thẻ chất lượng cao, tôm sú, công năng, tăng trọng tăng 1.400 đồng/kg,…

Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, mà giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn nuôi tôm tăng từ 16 – 51% so với năm 2020. 

Trong khi dịch Covid-19 kéo dài, nhiều nước đang cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi của chúng ta thực hiện việc giãn cách xã hội khiến nguồn cung nguyên liệu bị hạn chế gây mất cân đối cung cầu, thiếu hụt sản lượng khiến giá nguyên liệu các loại tăng rất cao. Mặt khác, thị trường khan hiếm tạo ra cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn tăng tỷ lệ chiết khấu cho các nhà phân phối góp phẩn đẩy giá thức ăn tăng cao. Hệ thống phân phối sản phẩm của các công ty sản xuất thức ăn qua nhiều kênh trung gian (Đại lý cấp 1, 2,…), chi phí bán hàng cao cũng đẩy giá thức ăn tăng lên đáng kể khi tới người nuôi.

Dự báo giá cả thị trường các vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm và giá tôm nguyên liệu trong thời gian tới vẫn ở mức cao do vẫn còn chịu tác động bởi ảnh hưởng của dịch covid-19. 

Tuy nhiên, giá tôm nguyên liệu có thể khả quan so với năm 2020 (tăng hơn năm 2020 từ 15 -20%) do các nước sản xuất tôm chính: Ecuador, Án Độ, Thái Lan, Philippin, Trung Quốc,… sản lượng tôm giảm do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19; torng khi Việt Nam sản xuất được tôm kích cỡ lớn hơn các nước khác và Mỹ bỏ thuế chống phá giá đối với một số doanh nghiệp của Việt Nam. Ngoài ra thì một số Hiệp định thương mại được ký kết và áp dụng có lợi cho ngành xuất khẩu tôm.
Hồng Phượng Báo Cà Mau

Trà Vinh khuyến cáo các hộ nuôi tôm hạn chế thả giống

quạt ao tôm
Khuyến cáo các hộ nuôi tôm nước lợ hạn chế thả giống do thời tiết chưa ổn định

Tỉnh Trà Vinh khuyến cáo các hộ nuôi tôm nước lợ hạn chế thả giống do thời tiết hiện chưa ổn định, nhiệt độ giảm thấp vào ban đêm trong khi ban ngày nắng nóng, tôm nuôi dễ bị thiệt hại.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, hơn 237 ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng trong tỉnh bị thiệt hại, chiếm 9% diện tích thả nuôi toàn tỉnh. Phần lớn tôm chết chủ yếu ở giai đoạn 20 – 40 ngày tuổi do bệnh đốm trắng, đỏ thân, hoại tử gan tụy cấp.

Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, các hộ nuôi tôm hạn chế thả giống, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường nuôi, chờ đến khi nhiệt độ ổn định mới tiến hành thả giống.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo Chi cục Thủy sản thường xuyên quan trắc, cảnh báo môi trường nước tại 18 điểm sông đầu nguồn các vùng nuôi trọng điểm, thu mẫu giáp xác tự nhiên, thông báo trên Đài Phát thanh – Truyền hình Trà Vinh để người dân có kế hoạch cấp nước vào ao nuôi phù hợp, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Để đảm bảo về chất lượng con giống tôm và vật tư đầu vào, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng chỉ đạo thanh tra sở, thanh tra chuyên ngành thủy sản tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống; cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm dịch giống nhập tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, ngành phân bổ nguồn hóa chất Chlorine dự phòng cho các địa phương để hỗ trợ người nuôi xử lý môi trường. Đối với các cơ sở nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao, cần phải tuân thủ các quy định do UBND tỉnh ban hành; các hộ nuôi phải cam kết không xả thải trực tiếp ra môi trường. Các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện tăng cường kiểm tra giám sát việc tuân thủ áp dụng nuôi theo quy định.

Các hộ nuôi tôm phải tuân thủ lịch thời vụ thả nuôi; chọn con giống thả nuôi đạt chất lượng tốt, mua ở cơ sở uy tín, biết rõ nguồn xuất xứ nguồn gốc, có kiểm dịch giống khi xuất bán hoặc cơ sở sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.

Đồng thời, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp cho từng đối tượng; áp dụng quy trình nuôi 2 đến 3 giai đoạn, nuôi rải vụ, áp dụng nuôi theo quy trình khép kín tiết kiệm nước để hạn chế mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài; sử dụng thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường phải đảm bảo chất lượng và đã được cấp phép lưu hành theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích các địa phương phát triển mô hình nuôi tôm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với đặc điểm từng vùng, thân thiện với môi trường; phát triển mạnh các đối tượng thủy sản chủ lực theo nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào các mô hình nuôi để tạo ra nguồn sản lượng lớn, chất lượng cao gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thủy sản uy tín trên thị trường.

Năm 2020, tỉnh có tổng diện tích nuôi tôm 34.000 ha, tăng 5.756 ha so với cùng kì năm trước; trong đó, tôm sú 25.000 ha, tôm thẻ chân trắng 9.000 ha; tổng sản lượng thu hoạch đạt hơn 71.000 tấn. Năm 2021, tỉnh có kế hoạch thả nuôi tôm trên diện tích 32.500 ha, với sản lượng đạt khoảng 69.300 tấn.

Thanh Hòa TTXVN

Vitamin D3 tăng cường khả năng miễn dịch cho tôm

Vitamin D3 trên tôm
Vitamin D3 là chất điều hòa các phản ứng miễn dịch của tôm.

Vitamin D3 được nhiều chuyên gia xem là chất điều hòa các phản ứng miễn dịch của tôm.

Hải sản cung cấp nguồn protein quan trọng cho con người và có nhiều lợi thế hơn so với nguồn protein từ vật nuôi trên cạn. Chính vì thế mà nhu cầu về thủy hải sản đang ngày càng tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự bùng phát dịch bệnh đã dẫn đến những thiệt hại đáng kể cho ngành nuôi trồng thủy sản trên toàn thế giới. Mầm bệnh làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng sản phẩm và làm cho vật nuôi chết hàng loạt. Trong nuôi tôm, các mầm bệnh gây hại thường gặp là virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Có đến hơn 20% dịch bệnh tôm do vi khuẩn gây ra và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Trong số đó, Vibrio là chủng vi khuẩn gây bệnh nghiêm trọng nhất, với hơn 100 loài Vibrio spp đã được mô tả và đang phân bố rộng rãi trong nước.

Vibrio parahaemolyticus

Vibrio parahaemolyticus là loài vi khuẩn gram âm, có sự thích nghi cao, thường tìm thấy ở cửa sông, ven biển. Vi khuẩn này được phân lập đầu tiên vào năm 1950 trong một vụ ngộ độc thực phẩm, và được xác định là mầm bệnh chính trên các động vật thủy sản, bao gồm tôm, cá và cả nhuyễn thể. Chủng V. parahaemolyticus gây ra hội chứng tôm chết sớm (EMS) hoặc bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), bùng phát lần đầu vào năm 2009, lây lan nhanh chóng từ Trung Quốc sang Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho ngành sản xuất tôm thẻ. Ngoài ra chúng cũng là tác nhân gây ra triệu chứng viêm dạ dày cấp tính ở người do ăn hải sản sống hay hải sản bị ô nhiễm. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh trị bệnh trong các ao nuôi tôm đang gây ra sự kháng thuốc nghiêm trọng trong những thập kỷ gần đây. Do đó, việc thay thế kháng sinh là cấp thiết để kiểm soát sự bùng phát các bệnh tôm do vi khuẩn Vibrio gây ra.

Vi khuẩn này lây nhiễm vào tôm qua những vết thương, qua mang hoặc miệng, và cũng có thể đi qua biểu mô để lây nhiễm sang các mô khác. Khi số lượng vi khuẩn V. parahaemolyticus này đủ lớn trong đường tiêu hóa, chúng sẽ làm rối loạn hệ thống miễn dịch của tôm để gây bệnh. Các chuyên gia đã xác định có tới 39 chất chuyển hóa khác nhau trong ruột của tôm sau khi nhiễm V. parahaemolyticus. Trong đó, hàm lượng vitamin D3 giảm đáng kể.

Vitamin D3

Vitamin D3 (cholecalciferol) thuộc nhóm vitamin D có hoạt tính cao. Với vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển và hấp thu Ca, P cho cơ thể tôm. Các nghiên cứu trước đây cho thấy thiếu hoặc thừa vitamin D đều ảnh hưởng không tốt đến tôm (thông thường mức vitamin D cần thiết là 2000 UI/kg thức ăn). Thiếu vitamin D tôm sẽ dễ bị thiếu hụt hàm lượng khoáng chất trong cơ thể và làm hạn chế tăng trưởng.

Các vi sinh vật nội bào đóng vai trò rất quan trọng trong các phản ứng miễn dịch của tôm, giúp tôm duy trì sức khỏe và chống lại các mầm bệnh. Vitamin D3 có hàm lượng vừa đủ sẽ cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Loại vitamin này còn hoạt động như một bộ điều hòa chức năng miễn dịch để ức chế tình trạng viêm và nhiễm trùng của tôm. Vitamin D3 cũng được xem là chất kích thích miễn dịch bảo vệ tôm khỏi sự xâm nhập của mầm bệnh. Chúng sẽ cải thiện các hoạt động kháng khuẩn của các tế bào trong hệ thống này. Ở tôm sú, bổ sung vitamin D3 đã được chứng minh là có lợi cho sự sống và tăng trọng của tôm. Ngoài ra, khi có thêm vitamin D3 trong thức ăn cũng thúc đẩy việc tăng tỷ lệ sống của tôm. 

Khi V. parahaemolyticus xâm nhập, sự cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột sẽ bị phá hủy. Sau đó, vitamin D3 sẽ được chuyển hóa nhanh chóng thành 1 alpha, 25-dihydroxyvitamin D3 để duy trì lại sự cân bằng này. Có thể thấy rằng sự thiếu hụt vitamin D3 có thể làm tôm bị tấn công bởi số lượng mầm bệnh cao hơn, gây ra triệu chứng nặng hơn khi sự cân bằng hệ vi sinh vật đã bị rối loạn.

Một chức năng khác khá quan trọng của vitamin D3 là điều chỉnh biểu hiện của các peptide kháng khuẩn ở cấp độ phiên mã trong cơ thể tôm. Cụ thể, vitamin này sẽ điều chỉnh hệ thống prophenoloxidase để tăng khả năng hoạt động của một số peptid kháng khuẩn nhằm duy trì hệ vi khuẩn trong ruột tôm. Vitamin D3 được nhiều chuyên gia xem là chất điều hòa các phản ứng miễn dịch, thúc đẩy khả năng miễn dịch bẩm sinh đồng thời cũng ngăn chặn sự quá mức của các phản ứng này. Những kết quả này sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu và ứng dụng vitamin D3 nhiều hơn nửa cho ngành nuôi tôm trong tương lai.

Hà Tử – https://tepbac.com/

6 mẹo để quản lý chất lượng nước trong nuôi tôm

đo nước nuôi tôm
Duy trì chất lượng nước tốt để giảm thiểu dịch bệnh và thúc đẩy tôm tăng trưởng.

Việc xây dựng và duy trì chất lượng nước tốt trong suốt quá trình nuôi tôm sẽ là chìa khóa quyết định cho một sự thành công lâu dài.

Trước đây các chuyên gia đã trình bày “10 mẹo trong nuôi tôm – Những điều cơ bản, bao gồm nhiều khía cạnh. Bài viết dưới đây sẽ cụ thể hơn, chỉ tập trung vào một “góc” đặc biệt của nghề này. Đó là chất lượng nước. Khi chất lượng nước tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tôm. Giảm lượng amoniac và các chất thải hữu cơ, từ đó hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, chất lượng nước tốt cũng góp phần giảm thiểu gánh nặng chất thải đối với môi trường bên ngoài. 

Dưới đây là 6 mẹo để duy trì chất lượng nước trong nuôi tôm:

1. Duy trì các thông số chất lượng nước trong phạm vi tối ưu

Có nhiều thông số quy định chất lượng nước trong ao tôm. Đảm bảo rằng các thông số này nằm trong những phạm vi lý tưởng mỗi ngày là bước quan trọng để duy trì chất lượng nước tốt. Các thông số cần quan tâm bao gồm: nhiệt độ, oxy hòa tan (DO), độ mặn, độ kiềm, pH, hàm lượng chất rắn, chất thải Nitơ (amoniac, nitric, nitrat…), thực vật phù du, hàm lượng vi khuẩn Vibrio và độ cứng của nước. Các phạm vi lý tưởng cho mỗi thông số có thể khác nhau, tùy vào vị trí trại nuôi, thời tiết, cơ sở hạ tầng và dụng cụ nuôi.

2. Đo các thông số chất lượng nước thường xuyên

Để duy trì các thông số chất lượng nước đạt tiêu chuẩn, việc đo lường thường xuyên trở thành một phần không thể thiếu. Bằng cách đo thường xuyên, có thể dễ dàng quan sát bất kì thông số nào có thay đổi sai lệch theo quỹ đạo mong muốn không, biết được sớm các bất thường để xử lý cho kịp thời. Các chuyên gia khuyến cáo nên thường xuyên hiệu chuẩn các thiết bị đo của mình vào mỗi đầu vụ nuôi, để hạn chế thấp nhất sự thiệt hại.

Ao nuôi tôm
Đo lường thường xuyên để duy trì các thông số chất lượng nước đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Tepbac.

3. Chú ý đến tỷ lệ ion trong nước

Thành phần ion có ảnh hưởng rất lớn dến sức khỏe và sự tăng trưởng của tôm. Đây là một yếu tố quan trọng trong quá trình lột xác và hình thành lớp vỏ mới cho tôm. Các ion quan trọng bao gồm Na (Natri), K (Kali), Mg (Magie) và Ca (Canxi). Để duy trì sự phát triển của tôm, tỷ lệ Na:K:Mg nên ở mức cân bằng. Con số các chuyên gia khuyến nghị là 28:1 cho Na:K và 3,4:1 đối với Mg:Ca. Tuy nhiên tỷ lệ này có thể khác biệt ở các khu vực khác nhau.

Một lần nửa, việc đo lường thường xuyên là cần thiết để giữ cho tỷ lệ ion ở trạng thái cân bằng. Trong suốt chu kỳ nuôi, tỷ lệ ion này sẽ bị thay đổi do nhiều lý do khác nhau. Nếu mất cân bằng, người nuôi nên bổ sung thêm các sản phẩm trên thị trường để tăng cường cho tôm. Tuy nhiên cũng phải có sự lựa chọn tin tưởng và hợp lý.

4. Photpho (P) và tảo

Tảo là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn của tôm. Tuy nhiên không phải tất cả các loài tảo đều tốt. Một số loài tảo làm tôm không tiêu hóa được mà ngược lại còn tiết ra độc tố. Đặc biệt, tảo có hại có cơ hội tiếp cận dinh dưỡng và ánh sáng tốt hơn do kiểm soát sự di chuyển tốt hơn tảo có lợi, khiến chúng phát triển nhanh hơn và lấn át các loài tảo khác. Nhất là tảo lam.

tảo nở hoa
Các chất cặn tích tụ dư thừa trong nước nuôi có thể gây ra hiện tượng tảo nở hoa. Ảnh: The Fish Site

Hầu hết các chất dinh dưỡng tôm hấp thu được đều từ thức ăn. Trong đó, tôm không tiêu thụ được các nguồn Nitơ, Photpho và cuối cùng sẽ tích tụ lại trong ao nuôi. Có đến 72 đến 89% P đầu vào bị lãng phí và làm tảo có cơ hội phát triển dày đặc gây nên hiện tượng nở hoa trong ao. Chỉ vài ngày sau đó, tảo sẽ phát triển đến mức tối đa và chết. Điều này làm hàm lượng chất thải hữu cơ trong ao nuôi tăng đáng kể, thúc đẩy amoniac phát sinh gây độc hại nhiều hơn. Ngoài ra, tảo phát triển cũng sẽ sử dụng một lượng lớn oxy, đây là nguyên nhân gây bệnh và làm tôm chết hàng loạt.

Vì vậy điều quan trọng là phải luôn quan tâm đến hàm lượng P và mật độ tảo trong ao, đảm bảo rằng chúng luôn ở mức ổn định. Khi hàm lượng P cao, kéo theo mật độ tảo gia tăng nên tăng tỷ lệ trao đổi nước, quạt nước thường xuyên để ngăn chặn các vấn đề trên xảy ra.

5. Thay nước

Thay nước là một phương pháp tiết kiệm nhất để duy trì tốt chất lượng nước. Thay nước sẽ ngăn ngừa sự tích tụ quá mức của amoniac, hạn chế sự căng thẳng của môi trường gây ra cho tôm. Tuy nhiên, nên tránh thay nước trước 30-40 ngày nuôi để chất lượng nước ổn định và tốt hơn. Lượng nước thay đổi hằng ngày được khuyến khích là 10-30%. Tỷ lệ này sẽ tăng trong suốt chu kỳ nuôi khi số lượng thức ăn cho tôm tăng. Đặc biệt khi hàm lượng amoniac tăng đột biến, nên tăng tỷ lệ trao trao đổi nước, tăng quạt nước để giảm nồng độ amoniac xuống mức an toàn. Một lưu ý là thay nước có lợi nhưng có thể làm tăng nguy cơ xâm nhập của các sinh vật khác vào hệ thống nuôi. Vì vậy nước được thay vào phải qua xử lý trước.

xử lý nước cấp ao tôm
Cấp nước đã qua xử lý trước để giảm nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi. Ảnh: The Fish Site.

6. Lên kế hoạch xử lý sự cố

Để bổ sung cho 5 mẹo trên, các chuyên gia khuyên người nuôi nên có kế hoạch khắc phục sự cố trước. Đảm bảo rằng khi có vấn đề về chất lượng nước xuất hiện thì đã có kế hoạch xử lý sẵn sàng. Trong kế hoạch này cần mô tả chi tiết những việc có thể làm để giải quyết bất kỳ vấn đề nào xảy ra. Với việc giám sát thường xuyên, kết hợp với một kế hoạch khắc phục có sẵn, vấn đề sẽ được giải quyết sớm hơn.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nước và theo nhiều cách khác nhau. Mỗi trại nuôi nên đề ra sẳn những biện pháp xử lý riêng, nên bao gồm cả 6 mẹo trên để quản lý chất lượng nước. Các chuyên gia hy vọng hướng dẫn này có thể giúp người tôm ở khắp mọi nơi quản lý tốt hơn chất lượng nước trong hệ thống nuôi tôm của họ.

References: Alune (2021). Six tips for water quality management in shrimp farming, [online], viewed 11/3/2021, from: thefishsite.com.

Hà Tử – https://tepbac.com/