Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Công nghệ RAS trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ RAS được đánh giá tiềm năng phát triển và mở rộng, tuy nhiên cần chi phí đầu tư rất cao và yêu cầu trình độ chuyên môn kĩ thuật tốt.

Hệ thống lọc nước tuần hoàn, khép kín RAS

RAS cung cấp môi trường ổn định và được kiểm soát chặt chẽ cho đối tượng nuôi, cho phép khai thác tối đa năng suất nuôi bằng việc quản lý tốt các bể nuôi động vật thủy sản. Trong hệ thống nuôi, nước được làm sạch và tái sử dụng liên tục. Quá trình nuôi hầu như hoàn toàn khép kín. Các chất thải, ammonium và CO2 đều được phân tách và chuyển đổi thành các sản phẩm không độc bởi các thành phần của hệ thống. Nước đã lọc tiếp đến được sục khí O2 và được bơm lại bể nuôi. Tuy nhiên, không thể nào thiết kế một hệ thống nuôi hoàn toàn khép kín vì những chất thải không phân hủy cần phải được thải ra và cần cung cấp bổ sung lượng nước bị bốc hơi. Dù vậy, hơn 90% nước là được tái sử dụng suốt quá trình nuôi. Để đảm bảo chất lượng nước tốt nhất, hệ thống nuôi gồm có nhiều thành phần với những chức năng riêng biệt.

Mô hình nuôi công nghệ cao sử dụng RAS trong nuôi cá.

Lợi ích của RAS

  • RAS mang lại rất nhiều thuận lợi cho quá trình nuôi:
  • Kiểm soát, quản lý được môi trường nuôi chặt chẽ
  • Tiết kiệm được lượng nước
  • Sử dụng năng lượng hiệu quả
  • Tiết kiệm diện tích nuôi trồng
  • Kiểm soát được thức ăn
  • Dễ dàng thu hoạch
  • Kiểm soát hoàn toàn được bệnh

Những yêu cầu cần thiết cho hệ thống:

  • Điện phải đảm bảo 24/7
  • Nguồn nước sạch, tối ưu nhất là nước giếng
  • Khẩu phần cho ăn được tính toán chi tiết
  • Kĩ năng và chuyên môn kĩ thuật của nhân viên quản lý tốt

Nguyên lý hoạt động của hệ thống RAS

Triển vọng của công nghệ RAS trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Mới đây, trường đại học Gadjah Mada (Indonesia) đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm đánh giá mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ RAS với các mật độ khác nhau. Kết quả thử nghiệm cho thấy tôm thẻ chân trắng tăng trưởng và phát triển tốt nhất trong mô hình này với mật độ 400 con/m3, với hệ số thức ăn FCR là 1.13.

Năm 2019 vừa rồi, Hợp tác xã Quyết Thắng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành thử nghiệm mô hình nuôi tôm bằng công nghệ RAS với diện tích 2.000 m2, mật độ nuôi 500 con/m3, gấp 5-6 lần so với các mô hình bình thường. Đã cho thấy các kết quả vô cùng khả quan về tốc độ tăng trưởng siêu nhanh chỉ từ 3-3,5 tháng mà đã được size 30-33 con/kg thay vì là hơn 4 tháng như trước.

Các vấn đề liên quan đến công nghệ RAS trong nuôi tôm

Do nuôi trong mô hình hoàn toàn khép kín nên các yếu tố về mùa vụ và thời tiết không ảnh hưởng đến vụ nuôi, người nuôi hoàn toàn có thể nuôi 3 vụ/năm với năng suất và hiệu quả kinh tế tương đương với nhau. Cùng với đó, các yếu tố then chốt để quyết định sự thành công của mô hình nuôi là tôm giống và chất lượng nước.

Chọn tôm giống là tôm sạch bệnh (SPF – Specific Pathogen Free)

Tôm thẻ chân trắng cũng như các giống tôm he khác, chưa có hệ miễn dịch đầy đủ nên khả năng kháng nhiễm với các mầm bệnh do virus gây ra. Trong mô hình nuôi khép kín, yếu tố nhiễm bệnh do môi trường truyền vào bể nuôi với tỉ lệ gần như bằng không. Nên chọn giống tôm SPF sẽ hạn chế tố đa yếu tố bệnh tạo điều kiện cho sự thành công của mùa vụ.

Chất lượng nước là yếu tố quyết định

Đối với bất kì đối tượng và mô hình nuôi nào, chất lượng nước là yếu tố quyết định, mô hình nuôi tôm bằng công nghệ RAS cũng không ngoại lệ. Vào mùa mưa, không như các mô hình nuôi ngoài trời bị ảnh hưởng tới độ pH và độ kiềm do tính axit của nước mưa, mô hình này được “cách ly” hoàn toàn với thời tiết và nhiệt độ tự nhiên.

Với hàm lượng trên 50 mg/L của CO2 trong nước sẽ gây hôn mê cho tôm và làm giảm độ pH, vấn đề này được giải quyết bằng hệ thống sục khí liên tục trong chu kì nước đảm bảo hàm lượng O2 lúc nào cũng trên 4 mg/L làm hạn chế tối đa tác động của hàm lượng CO2 cao trong nước lên tôm nuôi.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất trong thiết kế và quá trình hoạt động của hệ thống RAS là độc tính của các hợp chất nitrogen, dưới ba dạng chủ yếu mà NH4+, NO2 và NO3 . Ammonia được đào thải trong quá trình hấp thụ thức ăn trên tôm. Ion NH4+ không gây độc chỉ khi ở điều kiện pH thấp thì ammonia mới tồn tại ở thể khí NH3, khi gây độc. Do hệ thống kiểm soát sự biến động của pH rất ổn định nên hàm lượng NH3 lúc nào cũng dưới 0,05 mg/L (không gây độc). Ngoài ra, nitrit (NO2) do các vi khuẩn phân giải ammonia gây độc cho gần như tất cả sinh vật sống và chỉ có thể bị chuyển hóa thành Nitrat (NO3), dạng ít gây độc hơn rất nhiều. Bài toán này được hệ thống lọc hóa học và lọc sinh học của RAS khử và cố định Nitrogen về dạng không gây độc lên tôm.

Mô hình nuôi tôm bằng công nghệ RAS mang tính bền vững cho môi trường, tiết kiệm được nguồn nước cung cấp, diện tích đất nuôi trồng và cũng như đảm bảo đem lại lợi ích kinh tế cao cho người nuôi. Tuy nhiên, chi phí xây dựng hệ thống rất cao cũng như để quản lý tốt mô hình cần có trình độ chuyên môn kĩ thuật tốt. Đây là mô hình được đánh giá là mô hình nuôi tôm 4.0, có tiềm năng phát triển và mở rộng trong tương lai.

Nguồn tin: TSTB

Phú Yên: Tôm hùm chết, giá rẻ, người nuôi thiệt hại nặng nề sau bão lũ

Bão số 12 và lũ lụt sau bão vừa qua khiến nhiều hộ nuôi thủy sản ở TX Sông Cầu điêu đứng, bởi thủy sản nuôi chết hàng loạt do ảnh hưởng nước lũ.

Các vùng nuôi thiệt hại nặng gồm Vũng La, Vũng Me, Vũng Chào của xã Xuân Phương và các phường Xuân Đài, Xuân Thành bị ảnh hưởng bởi nước lũ từ thượng nguồn huyện Đồng Xuân đổ ra cửa biển Tiên Châu. Khu vực thứ hai là vùng nuôi của các phường Xuân Phú, Xuân Yên, Xuân Thành.

Đầu tư vài tỉ, bán tôm chết được… vài chục triệu đồng

Theo người nuôi tôm ở khu vực vịnh Xuân Đài, bão số 12 vừa tan, nước lũ đổ về quá nhanh khiến họ trở tay không kịp, mặc dù trước đó người nuôi đã gia cố, chằng néo lồng bè rất cẩn thận. Ông Ngô Thanh Tuyền ở thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương cho biết: Gia đình tôi nuôi khoảng 13.000 con tôm hùm từ 3 – 10 tháng tuổi. Tối 10/11, khi nước lũ đổ về, chúng tôi đã cố gắng thả lồng xuống sát đáy. Đến sáng 11/11 trở ra bè kiểm tra, thấy 2/3 số tôm nuôi bị chết. Đến ngày 12/11 tiếp tục kiểm tra thì số tôm còn lại cũng chết hết. Hiện gia đình tôi còn nợ ngân hàng và người quen khoảng 600 triệu đồng, không biết lấy tiền đâu để trả…

Người dân vớt bán tôm hùm chết do ảnh hưởng bão lũ. Ảnh: Anh Ngọc

Gia đình ông Đặng Quân và bà Bùi Thị Viện cũng ở thôn Dân Phú 2, thả nuôi tôm hùm với 120 lồng loại lớn và hơn 50 lồng loại nhỏ tại vùng nuôi Vũng La. Trong 170 lồng nuôi nói trên có khoảng 30 lồng thả nuôi tôm hùm bông, còn lại là tôm hùm xanh. “Đến nay, tôm đạt kích cỡ từ 0,3 – 0,8 kg/con, nhưng do ảnh hưởng nước lũ, tất cả đều chết hết. Từ ngày 11 – 12/11, gia đình tôi vớt và lựa những con còn tươi bán được khoảng 500 kg với giá 100.000 – 250.000 đồng/kg. Chi phí đầu tư đến nay đã vài tỉ đồng, nhưng bán tất cả tôm chết chỉ được vài chục triệu đồng”, bà Bùi Thị Viện nói trong nước mắt.

Theo Trưởng thôn Dân Phú 2 Nguyễn Văn Sáu, hiện thôn này có 446 hộ dân, trong đó có khoảng 410 hộ nuôi thủy sản (chủ yếu tôm hùm) ở khu vực Vũng La. Từ ngày 11 đến sáng 12/11, có 67 hộ nuôi trong thôn cung cấp thông tin có tôm nuôi bị chết với tổng trọng lượng khoảng 8,3 tấn; trong đó có 2 hộ, mỗi hộ có tôm bị chết từ 1-2 tấn. Người dân chỉ cung cấp số lượng tôm lớn bị chết đã bán, còn lại một lượng tôm nhỏ rất nhiều người nuôi không mang vào bờ vì không bán được. “Đa số người nuôi tôm hùm ở đây đều vay vốn các ngân hàng. Sau đợt thiên tai này, nhiều hộ nuôi trắng tay. Mong muốn lớn nhất của người dân lúc này là Nhà nước xem xét có chính sách khoanh nợ cũ và cho vay mới để họ có vốn tái sản xuất, ổn định cuộc sống”, ông Sáu chia sẻ.

Tiếp tục thống kê thiệt hại

Trên địa bàn TX Sông Cầu hiện có khoảng 1.735 bè nuôi thủy sản với khoảng 76.000 lồng nuôi, trong đó chủ yếu là tôm hùm. Do ảnh hưởng bão số 12 và mưa lũ sau bão, thủy sản nuôi trên địa bàn bị thiệt hại rất nặng. Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết: Theo thống kê ban đầu tính đến chiều 12/11, toàn thị xã có 169 hộ nuôi thủy sản lồng bè bị thiệt hại với hơn 1.520 lồng nuôi tôm hùm, ước thiệt hại gần 40 tỉ đồng. Trong đó, xã Xuân Phương có 105 hộ với 50.340 con tôm hùm xanh; phường Xuân Yên có 11 hộ (chưa thống kê được); phường Xuân Đài có 3 hộ với 39.800 con tôm xanh; phường Xuân Thành có 50 hộ với 51.940 con tôm hùm xanh thương phẩm, 203.000 con tôm hùm xanh loại nhỏ và 6.830 con cá bớp.

Theo ông Dũng, ngoài thiệt hại đối với thủy sản nuôi lồng bè, tính đến 17 giờ ngày 12/11, toàn thị xã có khoảng 3.280 nhà bị ngập nước, 31 nhà bị sập, tốc mái; hơn 2.700 con gia cầm, gia súc bị chết, cuốn trôi; hơn 470 ha lúa, 77 ha hoa màu, 200 ha mía bị ngập nước, đổ ngã; 95 ha rừng trồng bị gãy đổ; hơn 133 tấn muối bị ngập nước. Đối với thủy sản nuôi ao đìa, có gần 200 ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng, cua biển và các loài thủy sản khác bị vỡ bờ, cuốn trôi.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kết hợp với các phòng, ban chức năng của TX Sông Cầu khẩn trương kiểm tra, hướng dẫn người nuôi đưa thủy sản nuôi đến khu vực an toàn, đồng thời hướng dẫn xử lý xác thủy sản nuôi bị chết, không để ô nhiễm môi trường. Sở NN-PTNT cũng chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục nắm tình hình, phối hợp với các địa phương và Phòng Kinh tế TX Sông Cầu thống kê thiệt hại đối với thủy sản nuôi bị chết do ảnh hưởng bão số 12 và lũ lụt sau bão…

Anh Ngọc

Nguồn: Báo Phú Yên

Bất cập quản lý tôm hùm giống nhập khẩu

Hiện nay, nhu cầu nuôi tôm hùm lồng rất lớn, tuy nhiên, nguồn tôm giống trong nước không đáp ứng đủ, phải trông chờ đáng kể vào nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng tôm hùm giống ngoại nhập đang có nhiều bất cập.

Phú Yên là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm hùm lớn ở nước ta. Đến tháng 4/2020, toàn tỉnh có hơn 119.000 lồng nuôi tôm hùm; trong đó tôm thương phẩm có 84.246 lồng, còn lại là tôm hùm giống. Số lượng lồng nuôi ngày càng tăng kéo theo nhu cầu con giống tăng, nguồn giống khai thác từ tự nhiên không đáp ứng đủ nên đã đẩy giá tôm hùm giống lên cao. Trong khi đó, tôm hùm nhập lại có giá khá rẻ, có thời điểm chỉ khoảng 20.000 đồng/con so với tôm hùm khai thác (giá dao động khoảng 150.000 – 200.000 đồng/con).

Chính vì việc nhập tôm giống với số lượng nhiều và giá rẻ nên người nuôi ồ ạt đóng thêm lồng bè, nuôi ngoài vùng quy hoạch… khiến công tác quản lý ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, mặc dù địa phương và các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lý, nhằm kiểm soát số lượng, chất lượng tôm hùm giống nhập về tỉnh nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng vận chuyển, kinh doanh tôm hùm giống trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát; đầu mối kinh doanh tôm hùm giống tại các địa phương trong tỉnh thường trốn tránh kiểm tra, không tuân thủ quy định về quản lý giống. Trong khi, người nuôi chưa quan tâm và hầu như không yêu cầu người bán cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, xét nghiệm bệnh cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ lô hàng…

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết, tôm hùm giống được nhập từ nước ngoài về chủ yếu bằng đường hàng không, từ cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), sau đó được đưa về sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) rồi phân phối đi các tỉnh thông qua các đầu mối trung gian. Theo quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản thì Chi cục Thú y vùng thuộc Cục Thú y thực hiện lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra bệnh, cách ly kiểm dịch trong vòng 10 ngày đối với các lô tôm hùm giống nhập khẩu về Việt Nam.

Như vậy, việc cách ly, kiểm dịch đối với tôm hùm giống nhập khẩu được chủ lô hàng thực hiện đầy đủ theo đúng quy định, đảm bảo điều kiện để tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, việc vận chuyển lô hàng từ nơi cách ly về các tỉnh, các chủ hàng hầu như chưa thực hiện kiểm dịch xuất tỉnh theo quy định. Đầu mối bán và giao tôm giống trực tiếp tại vùng nuôi, số lượng tôm hùm giống nhập về Phú Yên hàng trăm triệu con mỗi năm nhưng các doanh nghiệp không phối hợp với địa phương nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Để công tác quản lý, kiểm soát tôm hùm giống nhập khẩu chặt chẽ hơn, tỉnh Phú Yên đã kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu tôm hùm giống phải đăng ký địa điểm cách ly thuộc địa bàn tỉnh Phú Yên đối với các lô hàng nhập về bán tại Phú Yên. Trường hợp cách ly tại tỉnh khác thì cho phép Phú Yên tái kiểm dịch và cách ly trước khi bán cho người nuôi. Cùng đó, Bộ NN&PTNT cũng cần có quy định cụ thể về quản lý, kiểm soát chất lượng đối với giống tôm hùm khai thác tự nhiên, ương dưỡng tại địa phương.

Diệu Châu – https://thuysanvietnam.com.vn/

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phú Yên” cho tôm hùm bông

Tôm hùm bông.
Tôm hùm bông.

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00087 cho sản phẩm tôm hùm bông “Phú Yên”. UBND tỉnh Phú Yên là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên bắt đầu từ trước năm 1990. Đến nay, toàn tỉnh Phú Yên có trên 2.200 hộ nuôi tôm hùm với gần 35.000 lồng nuôi tôm thương phẩm, sản lượng thu hoạch ước tính trên 150 tấn/năm, doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng. Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho ngư dân ven biển, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của tỉnh. Theo quy hoạch phát triển tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Phú Yên là tỉnh đứng đầu cả nước về thể tích lồng nuôi.

Tôm hùm bông ở Phú Yên có màu xanh dương pha lá cây, hai gai má màu trắng. Tôm được thu hoạch khi đạt khối lượng từ 0,7 kg trở lên, khi tôm có trạng thái cơ thịt săn chắc, tỷ lệ thịt từ 61,19% đến 64,30%, tỷ lệ gạch từ 0,53% đến 0,63%, tỷ lệ nước từ 68,99% đến 71,82%, hàm lượng Protein thô từ 19,95% đến 21,37%…

Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có bờ biển dài 189 km. Nhờ có điều kiện tự nhiên thích hợp mà diện tích nuôi tôm hùm ở Phú Yên đứng đầu trong cả nước. Bờ biển Phú Yên có nhiều dải núi nhô ra hình thành các vùng eo, vịnh, đầm phá. Khu vực nuôi tôm hùm ở Phú Yên là vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô và đầm Cù Mông là những vịnh mài mòn, do được che chắn bởi hệ thống các đảo, bán đảo ven bờ, các mũi đá như Lao Mái nhà, Hòn Chùa, mũi Vụng Trích, mũi Diên Ông, mũi Nước Giao nên khu vực này tránh được tác động của gió, vì vậy, chất lượng và nhiệt độ nước biển ít bị thay đổi, thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản. Nhờ nước biển của vùng biển nuôi tôm Phú Yên trong, độ trong từ 36 đến 41 cm, nên màu sắc của tôm hùm bông Phú Yên xanh hơn vùng nuôi tôm ở khu vực khác. Bên cạnh đó, khu vực địa lý là khu vực thông thoáng, là nơi tập trung nhiều sinh vật, động vật phù du với 53 loài thực vật nổi, 51 loài động vật nổi, 32 loài động vật đáy và thực vật phù du, số lượng tảo và vi tảo nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sản sinh sống là nguồn thức ăn tại chỗ phong phú cho tôm hùm.

Cùng với thuận lợi về điều kiện tự nhiên, Phú Yên là vùng có truyền thống lịch sử nuôi tôm hùm nên người dân đúc kết được nhiều kinh nghiệm như lựa chọn khu vực nuôi, phương thức và thời gian cho ăn, chăm sóc dịch bệnh… làm cho chất lượng và uy tín của tôm hùm bông Phú Yên ngày được nâng cao, được người tiêu dùng lựa chọn.

VGP News

Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa

tôm càng xanh
Nông dân thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Lê Sen – TTXVN

Mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa là mô hình vừa mang tính thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa góp phần cho các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh bền vững, thân thiện môi trường.

Trước bối cảnh tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, đòi hỏi các mô hình sản xuất nông nghiệp phải có các biện pháp thích ứng nhanh để giảm thiểu rủi ro, duy trì các hoạt động sản xuất; trong đó, nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa được các ngành chuyên môn là hiệu quả và mang tính điển hình.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 18.300 ha nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, tăng 2,7% so với năm 2018. Diện tích nuôi tập trung chủ yếu ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và thành phố Cà Mau.

Theo đó, năng suất tôm đạt gần 250 kg/ha, lúa đạt trên 4,3 tấn/ha. Theo tính toán sơ bộ, chi phí bình quân cho sản xuất 1 ha từ 5 – 10 triệu đồng, trong khi đó cho thu nhập bình quân đạt từ 25 – 30 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt từ 15 – 20 triệu đồng.

Cà Mau là một trong các tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tôm càng xanh phân bố tự nhiên với sản lượng lớn. Bởi, Cà Mau không chỉ có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản mà còn là nơi tập trung nhiều hình thức nuôi tôm như: thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp, tôm – lúa, tôm – rừng kết hợp. Trong đó, diện tích tôm – lúa khoảng 45.000 ha, tôm – rừng khoảng 30.000 ha.

Đặc biệt, tại các huyện vùng Bắc Cà Mau là khu vực có tiềm năng sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, tại những địa phương này, do môi trường trồng lúa phù hợp cho tôm càng xanh phát triển tốt, tăng trưởng nhanh, tôm nuôi chỉ sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên hoặc bổ sung một ít thức ăn chế biến, nên hiệu quả kinh tế khá cao.

Sự kết hợp nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo ra sản phẩm tôm, lúa sạch. Việc cấy lúa trên đất nuôi tôm cải tạo môi trường nước, tạo thức ăn cho tôm nuôi và giảm mầm bệnh. Kết quả mô hình canh tác tôm – lúa kết hợp đã được người dân áp dụng và thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Thực tế hiện nay, người dân rất quan tâm đến loại hình sản xuất này, mang lại lợi ích về kinh tế khá lớn và qua đó mang lại những giá trị về mặt xã hội như giải quyết việc làm, tận dụng thời gian nhàn rỗi lao động.

Tuy nhiên, hiện nay mô hình sản xuất này vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất còn yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, giá cả đầu ra không ổn định, đầu vào luôn biến động theo hướng bất lợi cho sản xuất. Đặc biệt, nguồn vốn và con giống còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.

Để khắc phục vấn đề này, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, nếu thực hiện tốt quy hoạch, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, diện tích sản xuất tôm lúa trong tỉnh sẽ nâng lên trên 50.000 ha.

Bên cạnh thế mạnh về tôm nuôi, lĩnh vực sản xuất lúa của Cà Mau có những đặc điểm riêng so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Quan điểm của tỉnh không xem nặng về năng suất mà luôn quan tâm đến sản xuất sạch, hữu cơ. Qua khảo nghiệm thực tế cho thấy lúa, gạo của Cà Mau có hàm lượng dinh dưỡng cao, trong đó đặc biệt là lúa- tôm.

Ông Châu Công Bằng khẳng định thêm, mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa là mô hình vừa mang tính thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa góp phần cho các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh bền vững, thân thiện môi trường.

Mô hình sản xuất tôm càng xanh xen canh trên diện tích lúa sạch, an toàn, đã được khẳng định là mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm sinh thái- hữu cơ, chất lượng, giá trị cao, được thị trường ưa chuộng. Đây là mô hình kết hợp nhiều đối tượng, nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất, không gây ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Huỳnh Anh TTXVN

Việt Nam phấn đấu giá trị xuất khẩu tôm càng xanh đạt 100 triệu USD

Tôm càng xanh.
Tôm càng xanh.

Việt Nam hướng tới mục tiêu, đến năm 2025, diện tích nuôi tôm càng xanh đạt 50.000 ha, sản lượng đạt 50.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phê duyệt Đề án về phát triển sản xuất và xuất khẩu tôm càng xanh.

Đề án nêu rõ, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam sẽ sản xuất và cung ứng giống tôm càng xanh đảm bảo chất lượng và đủ số lượng từ 2-3 tỷ con giống phục vụ nuôi thương phẩm. Diện tích nuôi tôm càng xanh đạt 50.000 ha, sản lượng đạt 50.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu (bao gồm xuất khẩu tại chỗ) đạt 100 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8%/năm.

Để đạt được mục tiêu, Bộ NN&PTNT xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện. Trong đó, về giống, đầu tư nghiên cứu chọn giống tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng, đáp ứng đủ số lượng; tập trung nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống tôm càng xanh tại các tỉnh trọng điểm.

Bên cạnh đó, hình thành được các vùng nuôi tôm càng xanh trọng điểm phù hợp với các vùng sinh thái…

Đặc biệt, vấn đề thị trường được Bộ NN&PTNT quan tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của mặt hàng tôm càng xanh. Về thị trường trong nước, nghiên cứu và xác định nhu cầu tiêu thụ, khả năng cung ứng, các kênh tiêu thụ sản phẩm chính. Đồng thời, xây dựng và thực hiện chương trình truyền thông, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm và vùng cung cấp nguyên liệu. Mở rộng hệ thống thông tin điện tử, cập nhật thông tin về thị trường, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, thương mại tôm càng xanh.

Riêng về xuất khẩu, để mặt hàng tôm càng xanh đạt được giá trị cao, Bộ này sẽ tổ chức nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, dung lượng thị trường và khả năng cạnh tranh với các nước xuất khẩu tôm càng xanh để quy hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác, mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật đối với sản phẩm tôm càng xanh sống, tôm ướp đá và tôm đông lạnh đối với một số thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, một số nước ASEAN…

Khánh Linh Thời báo tài chính

Tôm Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thị phần tại Canada

tôm thẻ
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada liên tục tăng trưởng 2 chữ số từ đầu năm đến nay.

Việt Nam hiện là nguồn cung tôm lớn nhất cho Canada, chiếm 34% tổng giá trị nhập khẩu tôm của nước này. 10 tháng đầu năm, kim ngạch liên tục tăng trưởng hai chữ số.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến ngày 15/10, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada đạt 146,5 triệu USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, chỉ trừ tháng 1 có Tết Nguyên đán, còn lại những tháng vừa qua đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu tôm sang Canada ở mức hai chữ số. Sau giai đoạn sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá tôm xuất khẩu sang Canada đã tăng trở lại từ tháng 7 và đạt mức bình quân 11,1 USD/kg hồi tháng 9.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Canada đứng thứ 13 về nhập khẩu tôm trên thế giới. Đồng thời, đây là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 7 của Việt Nam, chiếm 5% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam.

Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam liên tục dẫn đầu về cung cấp tôm cho thị trường này. Hiện Việt Nam chiếm 34% tổng nguồn cung tôm nhập khẩu của Canada. Theo sau là Ấn Độ với 28% thị phần. Còn Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia lần lượt chiếm 13%, 7% và 4%.

VASEP cho biết, thị phần của Việt Nam và Ấn Độ ngày càng tăng trong khi Thái Lan ngày càng giảm thị phần.

“Chính phủ Canada đang có những chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp nước này đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc nhập khẩu từ Mỹ, và Việt Nam là một trong những quốc gia được các doanh nghiệp Canada quan tâm, muốn đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Canada ngày càng tiêu thụ nhiều tôm nước ấm của các nước Đông Nam Á trong bối cảnh nguồn cung tôm nước lạnh sụt giảm. Xu hướng mua tôm chế biến sẵn về nhà cũng khá phổ biến ở Canada”, VASEP đánh giá.

Canada được coi là cửa ngõ vào thị trường toàn cầu nhờ khả năng tiếp cận ưu tiên thông qua 14 hiệp định thương mại với 51 quốc gia và vị trí địa lý gần Mỹ. Đồng thời, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Canada được hưởng ưu đãi thuế từ CPTPP. Do đó, VASEP cho rằng cơ hội cho tôm Việt Nam tại thị trường này còn lớn.

“Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu tôm vào Canada, các doanh nghiệp phải đáp ứng một số yêu cầu từ CPTPP như về vấn đề nhân lực, chuỗi sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm… nhằm nâng cao sức cạnh tranh”, hiệp hội cho biết.

Lan Anh Zing