Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Bảo quản và sử dụng thức ăn nuôi tôm hiệu quả

tôm ăn thức ăn
Chất lượng thức ăn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả vụ nuôi tôm.

Chất lượng thức ăn tôm là một nhân tố quan trọng làm nên thành công của vụ nuôi tôm nước lợ. Bảo quản và quản lý thức ăn tốt không chỉ giúp đảm bảo chất lượng thức ăn, từ đó giúp tôm tăng trọng nhanh, ít dịch bệnh mà còn giảm giá thành sản xuất và tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bảo quản thức ăn đúng cách

Đối với thức ăn viên và thức ăn bổ sung, người nuôi tôm phải chọn các sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất có công bố chất lượng theo quy định, nằm trong danh mục thức ăn thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam, được sử dụng phổ biến và hiệu quả. Trong trường hợp sử dụng thức ăn mới thì phải kiểm tra thành phần định lượng, chất cấm có trong thức ăn nếu thấy nghi ngờ.

Khi tiếp nhận thức ăn từ đại lý, bà con nuôi tôm cần chọn những lô thức ăn viên phải còn nguyên vẹn bao bì, không bị ẩm ướt, hạn sử dụng phải còn ít nhất 30 ngày. Nhãn bao bì thức ăn phải đúng theo công bố chất lượng, lấy mẫu kiểm tra chất cấm khi nghi ngờ. Nếu tất cả các nội dung nêu trên đều đạt yêu cầu và kết quả lấy mẫu kiểm tra các chất cấm như Chloramphenicol, Nitrofurans, Aflatoxin, Desamethazone khi nghi ngờ, nếu kết quả âm tính thì nhập thức ăn vào kho.

Kho chứa thức ăn tại cơ sở nuôi tôm phải sạch sẽ, thoáng mát, khô ráo, ngăn chặn được động vật gây hại và không thấm dột. Thức ăn viên phải được xếp ngay ngắn, trên pallet cao tối thiểu 10 cm. Thức ăn viên được xếp theo từng mã số riêng biệt. Thức ăn bổ sung phải được xếp riêng từng loại trên pallet.

Tất cả các sản phẩm trong kho phải có nhãn hiệu, nguồn gốc rõ ràng. Các loại thức ăn phải xếp cách tường 10 cm và chừa lối đi để thuận tiện cho việc xuất nhập thức ăn. Việc xuất nhập thức ăn phải theo nguyên tắc “nhập trước – xuất trước”. Những thức ăn khi sử dụng không hết trong 1 lần phải được đóng nắp hoặc cột thật kỹ và để đúng nơi quy định.

Cho tôm ăn đảm bảo kỹ thuật

Thức ăn dùng trong nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chủ yếu là thức ăn công nghiệp có chất lượng cao (đảm bảo hàm lượng đạm thô 40 – 45%) đã qua kiểm tra chất lượng của các cơ quan có chức năng, có hệ số chuyển đổi thức ăn từ 1,2 – 1,4 trong điều kiện quản lý và cho ăn tốt. Số lần cho tôm ăn từ 3 – 5 lần/ngày phụ thuộc vào kích cỡ của tôm.

Số lần cho ăn tăng lên khi tôm càng lớn, tỷ lệ thức ăn cho tôm được tính theo tỷ lệ phần trăm so với trọng lượng thân tôm. Tôm cỡ nhỏ tỷ lệ thức ăn nhiều hơn tôm cỡ lớn vì tôm cần nhiều thức ăn để phát triển nhanh. Cách tính số lượng thức ăn hàng ngày đã được tính cụ thể trong bảng hướng dẫn cho tôm ăn do các nhà sản xuất thức ăn hướng dẫn cho người nuôi tôm nhưng chủ yếu dựa vào tình trạng sức khỏe và nhu cầu thức ăn thực tế của tôm bằng cách kiểm tra sàng ăn. Khi cho tôm ăn cần phải rải đều thức ăn khắp ao.

Nếu thả tôm giống cỡ P15, trong ngày đầu của tuần thứ nhất cho tôm ăn 1,5 – 2 kg thức ăn viên cho 100.000 con P15 – P20. Sau đó mỗi ngày tăng lên 100 – 200 g. Tuần thứ hai, sau mỗi ngày tăng lên 200 – 400 g. Tuần thứ ba, sau mỗi ngày tăng lên 400 – 600 g. Tuần thứ tư, sau mỗi ngày tăng lên 600 – 800 g. Mỗi ngày cho ăn 4 lần vào các thời điểm: 6 – 7 giờ sáng, 10 – 11 giờ trưa, 17 – 18 giờ chiều và 23 – 24 giờ tối.

Tôm nuôi từ 1 tháng trở lên cần dùng vó để kiểm sức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời. Mỗi ao nên đặt từ 4 vó trở lên căn cứ vào diện tích của ao. Chọn vị trí đặt vó kiểm tra thức ăn tôm phải hợp lý để có kết quả kiểm tra chính xác. Nên đặt vó cách xa chân bờ ao 1 mét và chỉ cho thức ăn vào vó sau khi đã rải thức ăn vào ao xong, đặt vó ở vị trí sạch sẽ trong ao nuôi.

Thành Công – Khoa học phổ thông

Aeromonas schubertii – Tác nhân tiềm ẩn gây bệnh trên tôm thẻ

tôm bệnh A. Schubertii
Tôm bị nhiễm vi khuẩn A. Schubertii

Nghiên cứu cho thấy vi khuẩn Aeromonas schubertii có khả năng gây chết tôm thẻ chân trắng.

Vi khuẩn A. schubertii từ lâu được biết đến là vi khuẩn gây bệnh đốm trắng nội tạng. Đến năm 2012, A. schubertii tiếp tục xuất hiện trên cá lóc (Channa maculate) bị bệnh ở Trung Sơn, miền Nam, Trung Quốc gây tỉ lệ chết cao so với những năm trước (Chen et al., 2102).

Ở Việt Nam bệnh này xuất hiện ở các hộ dân nuôi cá lóc ở tỉnh Trà Vinh năm 2017 và chưa nhận thấy xuất hiện trên tôm nuôi. Đối với cá bị nhiễm bệnh sẽ có một số biểu hiện bên ngoài như mất sắc tố trên da tạo thành vệt trắng trên thân cá, bụng trương to, xuất huyết ở vùng da dưới bụng và xung huyết hậu môn. Các cơ quan như gan, thận và tỳ tạng có dấu hiệu sưng to, mềm nhũng và có sự xuất hiện các đốm trắng có đường kính 0,1–0,2 mm trên gan, thận, tỳ tạng. Chưa có thông tin tôm bị nhiễm Aeromonas schubertii tại Việt Nam.

Nghiên cứu khả năng gây chết của vi khuẩn Aeromonas schubertii đến tôm thẻ chân trắng từ thực hiện từ bộ sưu tập vi khuẩn (n = 31) có nguồn gốc từ 5 trang trại được báo cáo bị ảnh hưởng bởi hội chứng tôm chết sớm (EMS) ở Đông Nam Á vào năm 2016 cho thấy 9/31 mẫu phân lập từ hai trang trại có kết quả dương tính với V. parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND). Phân tích 22 mẫu phân lập còn lại cho thấy 21 mẫu phân lập thuộc các loài Vibrio bao gồm V. vulnificus , V. cholerae , V. owensii và V. alginolyticus.


Tôm bị nhiễm A. schubertii  cho thấy ống gan tụy bị xẹp và sự xuất hiện vi khuẩn A. schubertii trên tế bào gan tụy tôm.

Một mẫu phân lập từ trang trại AHPND đã được xác định sơ bộ là Aeromonas schubertii dựa trên nhận dạng 99,43% nucleotide của 16S rRNA. Các bệnh do vi khuẩn Vibrio gây ra đã được nghiên cứu kỹ trên tôm trong khi khả năng gây bệnh của các loài không thuộc Vibrio bị bỏ qua vì nghiên cứu A. schubertii hiện diện trong các trang trại nuôi tôm là rất hiếm. Do đó, nghiên cứu này tập trung vào việc xác định loài và khả năng gây bệnh của vi khuẩn A. schubertii trên tôm.

Thử nghiệm được thực hiện bằng cách ngâm tôm với vi khuẩn A. schubertii  với các nồng độ (2 × 104, 2 × 105, 2 × 106  CFU/mL) và theo dõi tỉ lệ chết.

Kết quả cho thấy A. schubertii gây bệnh cho tôm với các dấu hiệu bệnh lí như sau: tôm có dấu hiệu toàn thân màu đỏ và tổn thương mô bệnh học đáng chú ý là các ống gan tụy bị xẹp và thấy xuất hiện vi khuẩn A. schubertii trong mô gan tụy của tôm . Phương pháp ISH kỹ thuật lai tại chỗ sử dụng đầu dò đặc hiệu đã xác nhận khu trú của vi khuẩn A. schubertii trong gan tụy của tôm bị nhiễm bệnh. Tỉ lệ chết tích lũy phụ thuộc vào liều lượng lên tới 45–70%.

Tóm lại, nghiên cứu đã báo cáo một loài A. schubertii gây bệnh mới, không thuộc Vibrio được phục hồi từ một trang trại bị ảnh hưởng bởi AHPND gây ra trên tôm với tỷ lệ tử vong lên đến 70% bằng phương pháp ngâm. Vì A. schubertii tương đối mới đối với tôm, điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ đối với các vùng nuôi tôm có độ mặn thấp, do đó không nên bỏ qua việc giám sát tích cực mầm bệnh này.

Aeromonas schubertii, a novel bacterium recovered from AHPND affected farm is lethal to whiteleg shrimp, Penaeus vannamei by Pattiya Sangpo, Siripong Thitamadee, Ha ThanhDong, Saengchan Senapin.
Như Huỳnh – https://tepbac.com/

Chìa khóa lựa chọn tôm giống

tôm giống
Tôm giống là yếu tố quan trọng để có vụ nuôi thành công.

Trong nuôi tôm, con giống đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi chất lượng con giống là một trong những điều kiện để nuôi tôm thành công. Dưới đây là một số khuyến cáo giúp người nuôi có thêm cơ sở để lựa chọn tôm giống.

Trại tôm giống phù hợp

1. Giấy phép sản xuất là điều kiện bắt buộc đối với một trại sản xuất tôm giống. Quy mô, vốn đầu tư và danh tiếng là những yếu tố quyết định đối với việc lựa chọn trại tôm giống. 

2. Không chọn tôm giống được vận chuyển từ trang trại này sang trang trại khác vì những con tôm giống như vậy có khả năng bị nhiễm bệnh thứ cấp, có thể làm giảm tỷ lệ sống.

3. Tuy nhiên, đừng chạy theo một thương hiệu hoặc trang trại duy nhất một cách mù quáng. Trang trại nào cũng có tôm giống tốt cũng như tôm giống xấu. Trang trại phổ biến nhất cũng có những nhược điểm riêng, chẳng hạn như cho tôm bố mẹ sinh sản nhiều lần, làm tăng khả năng nhiễm bệnh. 

4. Kiểm tra sơ bộ tôm giống. Thương lượng với chủ trại và quyết định số ao, ngày thả giống, độ mặn và kích cỡ tôm giống. Quan sát trạng thái tôm sống trong nước. Nếu chất lượng tôm giống không đạt yêu cầu thì nên bỏ và cân nhắc lựa chọn khác.


Lựa chọn tôm giống từ những trại uy tín, chất lượng.

Điều tra quy trình sản xuất giống

1. Tôm bố mẹ phải to, khỏe mạnh và tốt nhất là nhập từ các nước sản xuất tôm giống uy tín. Tôm giống đầu dòng lai tạo với tôm bố mẹ chất lượng cao nhập khẩu có nhiều ưu điểm như sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, có thể sinh trưởng thành tôm cỡ lớn, kích thước đồng đều, năng suất sản xuất cao. Ngược lại, tôm bố mẹ địa phương nhỏ và thường xảy ra vấn đề giao phối cận huyết. Do đó, tôm giống được lai tạo với tôm bố mẹ địa phương không phải là lựa chọn được ưu tiên.

2. Cần kiểm soát tốt nhiệt độ nước để nuôi tôm giống. Tôm giống phát triển nhanh hơn trong môi trường nước có nhiệt độ trong khoảng thích hợp từ 30-32oC. Không chọn tôm giống ở vùng nước có nhiệt độ cao hơn 32oC vì tôm giống sẽ lớn nhanh nhưng sức khỏe lại kém.

3. Chu kỳ nuôi tôm giống nên trong khoảng 20 ngày, lượng thức ăn và tốc độ tăng trưởng của tôm giống có thể bất thường nếu chu kỳ nuôi quá dài hoặc quá ngắn.

4. Tỷ lệ sống của một lô tôm giống đủ cao để đảm bảo chất lượng tôm giống tốt.

5. Thức ăn của tôm giống bao gồm luân trùng và artemia. Sử dụng thức ăn chất lượng tốt khi nuôi tôm giống để đảm bảo sức khỏe và tỷ lệ sống.


Tôm bố mẹ khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng.

Kiểm tra sức khỏe và sức sống của tôm giống

1. Trước hết cần quan sát gan của tôm giống. Quan sát màu sắc của tôm giống trong cả ao. Nếu trong lô tôm giống có hai màu trở lên thì chứng tỏ gan tôm giống không đạt chất lượng. Quan sát màu gan của tôm giống nhỏ nhất, nếu không thấy gan có màu đỏ là tôm giống đạt chất lượng. Đó là lý do tại sao một số trang trại thích sử dụng thức ăn có màu đỏ, có thể che được bệnh gan của tôm giống.

2. Đối với tôm giống 0,8-1cm, đường ruột của nó phải dày và đen (đường ruột rõ ràng đến đuôi). Nếu có thức ăn trong dạ dày nhưng không có phân trong đường ruột thì tôm giống đó có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi chất lượng nước và có thể bị nhiễm mầm bệnh.

3. Sức sống là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng tôm giống. Nếu tôm giống còn sống và khỏe mạnh, chúng sẽ nằm trên thành gáo nước, sau khi vớt bằng gáo nước (không nên để quá nhiều tôm giống trong gáo), lắc gáo nước và làm cho nước xoáy trong gáo. Tôm giống tốt sẽ tách ra ngay sau khi tập trung vào tâm rồi nằm trên thành gáo nước sau khi vượt qua sức cản của dòng nước.

Trong ao, tôm giống có sức sống khác nhau được phân bố ở nhiều vị trí khác nhau.

Thường thì tôm giống tốt tập trung ở thành hoặc dưới đáy ao, những con tôm giống trôi theo dòng nước khá yếu. Đối với một số trại nuôi ngoài trời, ao nuôi tôm được che bằng bạt, chỉ chừa một khe hẹp để ánh sáng mặt trời chiếu vào. Do có tính ưa quang nên tôm giống có sức sống tốt sẽ tập trung ở khu vực có ánh sáng mặt trời chiếu tới và nên lấy tôm từ những khu vực đó.


Cần quan sát, kiểm tra sức khỏe tôm giống.

4. Quan sát bọt trên mặt nước trong ao. Nếu phần lớn bọt có màu trắng và trong suốt cho thấy nước trong và không còn xác thức ăn thừa, chứng tỏ chất lượng tôm giống tốt. Nếu bọt có màu đỏ, hãy kiểm tra xem có bị nhiễm bẩn quá nhiều trên thành không. Sự ô nhiễm có thể do cho ăn quá nhiều. Ngửi nếu có mùi hôi thì tôm giống có thể bị nhiễm độc.

5. Một ngày trước khi lấy tôm giống từ trại, đến trại, tắt đèn chiếu sáng và để ao tôm trong bóng tối ít nhất 15 phút. Quan sát xem có các điểm sáng trong ao trong 2 phút. Nếu có các điểm sáng, chứng tỏ có vi khuẩn phát quang, là nguyên nhân chính gây ra EMS (Hội chứng tử vong sớm). Tỷ lệ sống sót sẽ ít hơn 10% nếu có vi khuẩn đó trong nước.Phương pháp đơn giản để đánh giá chất lượng tôm giống

1. Chuẩn bị một chậu nước biển sạch và cho 100-200 con tôm giống vào chậu. Khuấy nước từ từ để tạo thành dòng nước và khi dòng nước chảy chậm lại, quan sát sự phân bố của tôm giống. Những con tôm giống dưới đáy hoặc gần thành bồn là tôm giống tốt còn những tôm giống trôi theo dòng nước là tôm giống không đạt chất lượng.
2. Thử cho tôm giống vào nước nuôi tôm. Sau một ngày, tỷ lệ sống của tôm giống tốt phải trên 95%.

Keys to Shrimp Seed Selection by Nancy Yang, Lachance
Lệ Thủy – https://tepbac.com/

Toàn cảnh triển vọng xuất khẩu tôm Q4-2020

Khối lượng xuất khẩu tôm sú và tôm thẻ chân trắng
Khối lượng xuất khẩu tôm sú và tôm thẻ chân trắng

Nhằm giúp anh chị em và bà con mình có cái nhìn xa hơn về nghề nuôi tôm trong năm 2020 và định hướng sản xuất sắp tới. Tép Bạc tổng hợp các thông tin về tình hình chung của ngành tôm.

Tình hình chung 2019

9T2020, giá trị tôm xuất khẩu (XK) VN tăng trưởng khả quan 10% so với cùng kỳ (CK). Động lực tăng trưởng chính đến từ thị trường Mỹ khi giá trị nhập khẩu tôm VN vào thị trường này tăng 36,6% trong 8T2020. Theo đó, thị trường Mỹ vượt EU trở thành khách hàng nhập khẩu tôm lớn nhất của VN.

XK tôm sang EU chỉ tăng nhẹ 1,6% CK trong 9T2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ1/8/2020 được kỳ vọng sẽ giúp giá trị XK tôm VN vào thị trường EU tăng trưởng mạnh hơn khi thuế nhập khẩu tôm đông lạnh VN vào khu vực này giảm từ 4,2% xuống 0%, trong khi các đối thủ cạnh tranh vẫn chịu mức thuế trên 7%.

Năm 2019, thị trường xuất khẩu tôm thế giới có giá trị 22,3 tỷ USD với tổng khối lượng là 2,8 triệu tấn. Trong đó sản phẩm tôm xuất khẩu chủ yếu là tôm đông lạnh (ĐL), chiếm 79% về giá trị và 82% về khối lượng. Mỹ, EU(28), Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, Hồng Kông là những quốc gia nhập khẩu tôm lớn nhất toàn cầu, chiếm 81% tổng giá trị nhập khẩu tôm thế giới.

Tôm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường tôm chế biến

Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 346 nghìn tấn tôm, đạt giá trị 3,2 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới về tổng giá trị xuất khẩu, tương đương 15% tổng thị phần. Đối với mảng tôm đông lạnh, Việt Nam cạnh tranh với 2 đối thủ lớn là Ấn độ và Ecuador (trên 95% giá trị xuất xuất tôm của các quốc gia này tập trung vào mảng tôm đông lạnh).

Riêng phân khúc tôm chế biến (CB), Việt Nam là quốc gia đứng đầu, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu thế giới. 2019, giá trị xuất khẩu tôm chế biến của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tương đương 40% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Do giá tôm chế biến cao hơn tôm đông lạnh khoảng 21% – 39% nên giá xuất khẩu trung bình tôm Việt Nam cao hơn của các quốc gia khác.

giá xuất khẩu tôm Việt Nam

Kỳ vọng thị trường Châu Âu sau EVFTA

EU-28 là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 thế giới năm 2019 với giá trị 4,4 tỷ USD, tương đương 19,8% tổng thị phần toàn cầu. Trong cùng năm, EU-28 là thị trường lớn nhất của ngành tôm xuất khẩu Việt Nam với kim ngạch 648 triệu USD, tương đương 21,1% tổng kim ngạch và 20,7% về khối lượng xuất khẩu tôm Việt Nam. Giá trị xuất khẩu tôm đông lạnh đạt 377 triệu USD, ~ 55% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường EU và chiếm 9,8% thị phần tôm đông lạnh nhập khẩu của khối EU-28.

Theo Hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam vào EU giảm ngay từ mức 4,2% về 0% từ 1/8/2020 và thuế nhập khẩu tôm chế biến giảm dần từ 7% về 0% trong 7 năm tiếp theo. Trong khi đó, thuế nhập khẩu của các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan vẫn duy trì ở mức từ 4% đến 20% tùy quốc gia. Với mức thuế nhập khẩu giảm, thị phần tôm đông lạnh của Việt Nam được kỳ vọng sẽ gia tăng ngay trong thời gian tới với khả năng cạnh tranh giá bán tốt hơn.

Giá trị xuất khẩu tôm EU

Tăng mạnh nhờ thị trường Mỹ và Trung Quốc

Kim ngạch xuất khẩu tôm trong 8T2020 của Việt Nam đạt 2,26 tỷ USD, tăng trưởng 11,2% nhờ khối lượng tăng 6,6% và giá xuất khẩu trung bình tăng 4,5%. Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong sự tăng trưởng xuất khẩu tôm 8T2020 khi khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam tăng 36,2% so với cùng kỳ. Tổng giá trị nhập khẩu tôm Việt Nam của Mỹ đạt 554,8 triệu USD, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong 8T2020. Sự tăng trưởng của thị trường Mỹ đóng góp 66% vào tổng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt trong giai đoạn này.

xuat khau tom tang

Tôm thẻ chân trắng lên ngôi, tôm su gặp khó

8T2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới dẫn đến hàng loạt quốc gia thực thi lệnh cách li kéo dài dẫn đến hoạt động của lĩnh vực khách sạn, nhà hàng toàn cầu bị đình trệ. Hệ quả của vấn đề này là việc tiêu thụ các loại tôm cỡ lớn có giá trị cao như tôm sú, tôm hùm sụt giảm mạnh. Ngược lại, do thu nhập bị ảnh hưởng, số lượng các bữa cơm gia đình tăng cũng như nhu cầu của thực phẩm ăn liền, đồ ăn nhanh như pizza tăng lên, nhu cầu về các loại tôm cỡ nhỏ hơn, rẻ hơn (tôm thẻ chân trắng) lại cải thiện một cách mạnh mẽ. Kết quả, kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng của Việt Nam 8T2020 tăng 14,3% lên 1,6 tỷ USD nhờ khối lượng tăng 9,5% cùng kỳ. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu tôm sú giảm 16,5% so với cùng kỳ xuống 356 triệu USD do khối lượng giảm 15,4% cùng kỳ. Do nhu cầu thế giới và cơ cấu xuất khẩu thay đổi, sản lượng sản xuất tôm sú trong nước cũng giảm 1,9% trong khi đó sản lượng sản xuất tôm thẻ tăng 13,2% so với cùng kỳ. 

khối lượng xuât khẩu tôm sú và thẻ

Phong Tổng hợp từ Vietstock – https://tepbac.com/

Chẩn đoán nhanh, hiệu quả bệnh đốm trắng bằng phương pháp nested PCR

bệnh đốm trắng trên tôm
Virus WSSV gây bệnh đốm trắng trên tôm.

Phương pháp Nested PCR xác định chính xác bệnh đốm trắng trên tôm trong thời gian ngắn.

Tôm là đối tượng mang lại lợi ích cao về kinh tế nên tình hình nuôi trồng tôm trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang có xu hướng phát triển nhanh. Đi đôi với sự mở rộng quy mô và hình thức nuôi tôm là sự bùng phát của dịch bệnh và virus gây bệnh liên quan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm. Các bệnh virus quan trọng trên tôm thẻ là virus gây bệnh đốm trắng (white spot syndrome virus – WSSV), virus gây hội chứng Taura (Taura Syndrome Virus – TSV), virus gây bệnh IHHNV (Infectious Hypothermal and Hematopoietic Necrosis Virus, IHHNV), bệnh hoại tử tuyến ruột giữa (Baculovirus Migut and Necrosis – BMN),… Trong đó, bệnh đốm trắng do WSSV gây ra là một trong các bệnh nguy hiểm thường gặp phổ biến trên tôm gây tỷ lệ chết khi bị nhiễm có thể lên đến 80 – 100% sau 7 – 10 ngày nhiễm.

Ở Việt Nam, bệnh đốm trắng cũng đã bùng phát mạnh, lây lan nhanh nhất là ở các vùng nuôi tôm trọng điểm và chưa có phương pháp đặc trị hữu hiệu. Do tỷ lệ chết của tôm đạt tỷ lệ chết rất cao sau thời gian ngắn khi bắt đầu nhiễm, nên việc kiểm tra và phát hiện sớm bệnh để kịp thời có các biện pháp nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi tôm. Vấn đề đặt ra là phải có cách để phát hiện tác nhân bệnh trong thời gian ngắn nhất. Hiện nay các kỹ thuật trong phòng thí nghiệm như kỹ thuật mô học, phản ứng chuỗi trùng hợp (PCR) là một trong những biện pháp hữu hiệu, đáng tin cậy giúp phát hiện mầm bệnh trong giai đoạn sớm nhất.

Phương pháp phản ứng chuỗi trùng hợp (Polymerase Chain Reaction – PCR)

PCR là phương pháp sinh học phân tử sử dụng các phản ứng nối tiếp nhau để khuếch đại số lượng bản sao của một trình tự DNA. Mẫu bệnh cũng như vậy được khuếch đại lên về số lượng từ đó dễ dàng phát hiện được mẫu bệnh. 

Quy trình thực hiện PCR:

  • Biến tính DNA: Nâng nhiệt độ để tách rời 2 mạch của phân tử DNA (thường mất từ 15-30 giây).
  • Bắt cặp: Hạ nhiệt độ để tạo điều kiện cho các mồi bắt cặp vào mạch DNA (thường mất khoảng 10-30 giây).
  • Kéo dài: Nâng nhiệt độ đến độ cao thích hợp để enzyme tổng hợp nên DNA (thường mất khoảng 1 phút).

Nguyên lí hoạt động của quy trình PCR (source:https://www.britannica.com/)

Sau một chu kì thì số DNA được nhân lên 2 lần, lặp đi lặp lại nhiều lần, thường là 30-40 chu kì, số lược bản sao lúc này được nhân lên khoảng 106 lần.

Phản ứng chuỗi trùng hợp PCR giúp cho phát hiện được mầm bệnh được gây ra trong thời gian ngắn, cho phép việc xác định tác nhân vi sinh không thể nuôi cấy trong phòng thí nghiệm lâm sàng vì khả năng dịch cao hay khó nuôi cấy. Từ đó, giúp cho người nuôi có thể đưa ra những can thiệp kịp thời nhầm hạn chế thấp nhất thiệt hại mà bệnh có thể đem lại, đặc biệt là bệnh WSSV.

Mặc dù, mang lại nhiều lợi ích trong việc phát hiện bệnh sớm những PCR vẫn có nhiều hạn chế như: yêu cầu người làm có kĩ thuật chuyên môn, dễ bị tạp nhiễm gây dương tính giả, độ nhạy còn thấp, chưa xác định mật độ cảm nhiễm của mầm bệnh,… Vì vậy, các nhà nghiên cứu không ngừng nâng cấp kĩ thuật này và cho cả những quy trình hoàn thiện hơn trong đó có nested- PCR

Nested PCR xác định chính xác bệnh WSSV trong thời gian ngắn

Kỹ thuật này cũng dựa trên nguyên lý chung của kỹ thuật PCR nhưng có nhưng hoàn thiện hơn về hoạt tính của enzyme được sử dụng và thiết kế 2 cặp đoạn mồi đặc hiệu hơn. Đặc biệt hơn PCR là nested PCR bao gồm liên tiếp 2 phản ứng PCR, kĩ thuật viên sử dụng 2 cặp đoạn mồi đặc hiệu cho 2 phản ứng liên tiếp này. Đầu tiên, cặp đoạn mồi được thiết kế để khuếch đại 1 vùng DNA, trong đó có chứa DNA mong muốn. Sau đó, sản phẩm của quá trình trên được dùng cho phản ứng PCR với cặp đoạn mồi thứ 2 đặc hiệu cho đoạn DNA mong muốn.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Cần Thơ và ở đã có báo cáo thực hiện quy trình nested PCR để phát hiện bệnh đốm trắng WSSV trên tôm và cho ra những đánh giá về qui trình nested-PCR được phát triển phù hợp với điều kiện thực tế với các thay đổi về thành phần hóa chất tham gia phản ứng và chu kỳ nhiệt của phản ứng. Kết quả ghi nhận khả năng sử dụng tốt của qui trình PCR trong việc phát hiện WSSV từ nhiều đối tượng cảm nhiễm, với độ nhạy tương đối cao và thời gian khuếch đại ngắn (2 giờ). Ở Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã thực hiện nghiên cứu và đánh giá khả năng phát hiện tôm nhiễm WSSV, mẫu lấy từ Cà Mau, bằng nested PCR và mang lại đánh giá tốt cho kĩ thuật này về độ chính xác và độ nhạy cũng như trong thời gian ngắn.

Duy Hồ – https://tepbac.com/

Giống tôm hùm độc lạ xuất hiện ở Đài Loan

tôm hùm độc lạ
Cận cảnh loài tôm hùm độc lạ. Ảnh: NUTN

Một loại tôm hùm lần đầu tiên được ghi nhận xuất hiện ở Đài Loan có hoa văn màu sắc là những khoang trắng đỏ rất đặc biệt.

Theo truyền thông địa phương, loài tôm hùm mới phát hiện này đã được một nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Đài Nam (NUTN) tìm thấy và nó chưa từng được xếp vào danh mục nào ở Đài Loan. Kết quả sau ba năm nghiên cứu, phó giáo sư Huang Ming-chih (Khoa Công nghệ và Sinh học thuộc NUTN) đã đi đến kết luận đây là loài tôm hùm mới đặc hữu của Đài Loan.

Các nhà khoa học cho biết, lúc đầu loài giáp xác này được cho là ngoại lai xâm thực nhưng sau đó nhiều ngư dân ở vùng Keelung cũng xác nhận đã từng bắt được cá thể tôm hùm y hệt ở ngoài khơi quần đảo Dongsha (Pratas) của Đài Loan.

Ông Huang cũng tiết lộ đã nghe ngư dân nói về “những con tôm hùm trắng đỏ tuyệt đẹp” trong nhiều năm nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy tận mắt. Và cho tới khi được tiếp cận nghiên cứu đã đi đến kết luận loài tôm hùm này có tên khoa học là Metanephrops neptunus hay còn gọi là tôm hùm Neptune. Nó được phân biệt bởi bộ mai và chân màu đỏ, còn bụng tới đuôi màu trắng.

Loài tôm hùm thường sinh sống dưới đáy biển này trước đây chỉ được ghi nhận ở Biển Đông vào năm 1965  và ở ngoài khơi bờ biển phía tây của Australia ở độ sâu 300 đến 600 mét.


Cận cảnh loài tôm hùm độc lạ. Ảnh: NUTN.

Trong quá trình nghiên cứu thực tế tại vùng Keelung, nhà khoa học Huang Ming –chih cùng với chuyên gia Kawai Tadashi ở Viện Thủy sản Wakkanai đã bắt được 10 cá thể tôm hùm Neptune trưởng thành, trong đó có 3 con cái mang trứng. Ông Huang mô tả phát hiện này là “những mẫu vật quý hiếm giúp chúng ta hiểu thêm về hệ sinh thái của loài tôm hùm này”.

Các nhà khoa học cho biết, trong số 45 loài tôm hùm trên toàn thế giới hiện nay có khoảng 14 đến 16 loài là loài đặc hữu của Đài Loan và chủ yếu được tìm thấy ở ngoài khơi vùng biển Đài Đông, Hoa Liên, Yilan, Keelung, Hengchun Penurus và Penghu.

Còn theo ngư dân ở Keelung, loài tôm hùm mới phát hiện thuộc diện cực kỳ hiếm, chỉ có khoảng 40 con mỗi năm. Chính vì sự quý hiếm và màu sắc khác thường của chúng khiến cho loài tôm hùm này trở thành một trong những loài tôm hùm đắt đỏ nhất thế giới.

Kim Long Nông nghiệp Việt Nam

Tác dụng kháng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính của kháng thể lòng đỏ trứng gà

Hoại tử gan tụy cấp tính
Hoại tử gan tụy cấp tính gây thiệt hại lớn cho ngành tôm.

Ứng dụng kháng thể lòng đỏ trứng gà IgYB để tăng cường miễn dịch, kháng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPND ở tôm thẻ chân trắng.

Hiện nay, có nhiều giải pháp giúp tăng cường hệ miễn dịch của tôm theo hướng an toàn sinh học, không những thực hành đơn giản mà còn mang lại hiệu quả cao. Nghiên cứu mới đây của tác giả Trần Thị Tuyết Hoa và ctv (Khoa thủy sản, Đại học Cần Thơ) cho thấy rằng thức ăn bổ sung IgYB giúp cải thiện tỉ lệ sống và tăng cường miễn dịch ở tôm thẻ chân trắng khi cảm nhiễm với V. parahaemolyticus

Globulin miễn dịch (Immunoglobulins – Ig) là kháng thể có bản chất glycoprotein. Globulin miễn dịch (Immunoglobulins Y – IgY) được tạo ra từ lòng đỏ trứng gà và có sự khác biệt về bản chất protein so với Ig của động vật hữu nhũ. Để tạo ra kháng thể đặc hiệu, kháng nguyên đặc hiệu (Vibrio parahaemolyticus, Vibrio harveyi, Vibrio anguillarum) được tiêm vào cơ ức của gà mái. Kháng thể đặc hiệu sau khi được tạo ra sẽ chuyển sang lòng đỏ trứng để tạo ra kháng thể IgY.

Trong những năm gần đây, kháng thể lòng đỏ trứng (IgY) đã thu hút sự chú ý đáng kể bởi vì nó có nhiều ưu điểm: giúp vật chủ đề kháng với tác nhân gây bệnh, thân thiện với môi trường, ổn định, an toàn, tiết kiệm và chứa nồng độ cao, không có tác dụng phụ hoặc dư lượng độc hại. Do đó, IgY được sử dụng thành công trong miễn dịch y học và áp dụng cho việc chủng ngừa thụ động ở cả động vật và người.


Sơ đồ chung sản xuất kháng thể IgY. (Nguồn: igygate.vn)

Hiện nay việc gia tăng diện tích nuôi cùng với việc thâm canh hóa dẫn đến tình hình dịch bệnh tăng trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến năng suất và sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm. Trong đó, vi khuẩn V. parahaemolyticus là tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (acute hepatopancreatic necrosis disease – AHPND) gây chết tôm với tỉ lệ có thể lên đến 100% sau khi thả giống 20 – 30 ngày. Do đó, việc ứng dụng lòng đỏ trứng gà để đề kháng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính của tôm thẻ chân trắng là cần thiết.

Nghiên cứu đánh giá các chỉ tiêu miễn dịch và tỉ lệ sống của tôm. Thí nghiệm bao gồm 4 nghiệm thức: đối chứng âm; đối chứng dương; nghiệm thức IgYA 0,5% và nghiệm thức IgYB 0,5% trong thời gian 5 tuần. Sau đó được cảm nhiễm với vi khuẩn V. parahaemolyticus bằng phương pháp ngâm với nồng độ 1,6 x 107 CFU/mL.

Kháng thể lòng đỏ trứng gà IgYA và IgYB được phun áo ngoài viên thức ăn với tỉ lệ 0,5%, tiếp tục phủ đều viên thức ăn với dầu mực và được bảo quản ở 4oC.

Kết quả thí nghiệm trên cho thấy bổ sung IgY vào thức ăn có khả năng giúp tôm tăng cường sức đề kháng với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính V. parahaemolyticus, trong đó tôm ở nghiệm thức bổ sung IgYB 0,5% có tỉ lệ chết thấp nhất trong suốt thời gian cảm nhiễm.

Trong khi đó, tổng tế bào máu ở các nghiệm thức cảm nhiễm với V. parahaemolyticus, NT4 (bổ sung IgYB 0,5%) có giá trị THC, bạch cầu không hạt và hoạt tính prophenoloxidase đạt giá trị cao nhất lần lượt là 1,89×104 tb/mm3, 1,53×104 tb/mm3, 0,173×10khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) với các nghiệm thức còn lại.

Việc bổ sung IgY giúp kích thích hệ miễn dịch đặc hiệu với tác nhân gây bệnh, nên khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể tôm sẽ gia tăng các đáp ứng miễn dịch và thành phần tham gia (prophenoloxidase, serum lysozyme, …). Trong thí nghiệm này, kết quả phân tích các chỉ tiêu miễn dịch của tôm thẻ chân trắng sau khi cảm nhiễm cho thấy chế độ bổ sung IgYB 0,5% giúp gia tăng đáp ứng miễn dịch của tôm, thông qua sự gia tăng số lượng tế bào máu, bạch cầu có hạt, bạch cầu không hạt và hoạt tính PO từ đó tăng khả năng đề kháng bệnh với vi khuẩn V. Parahaemolyticus.

Tôm thẻ chân trắng cho ăn thức ăn bổ sung kháng thể lòng đỏ trứng gà IgYB 0,5% giúp tôm thẻ chân trắng tăng cường miễn dịch, tăng tỉ lệ sống khi cảm nhiễm với V. parahaemolyticus.

Nghiên cứu ứng dụng lòng đỏ trứng đề kháng bệnh do Vibrio gây ra trên tôm thẻ chân trắng mở ra một tiềm năng to lớn trong biện pháp sử dụng tác nhân sinh học hạn chế khả năng gây hại của loài vi khuẩn nguy hiểm này.

Nguồn: Báo cáo Ảnh hưởng của chế độ cho ăn kháng thể lòng đỏ trứng gà lên đáp ứng miễn dịch và khả năng đề kháng bệnh của tôm thẻ chân trắng (penaeus vannamei) của tác giả Trần Thị Tuyết Hoa, Lê Quốc Việt, Trần Thị Mỹ Duyên, Trần Nguyễn Duy Khoa,Trần Ngọc Hải và Ahn Hyeong Chul.

NH Tổng Hợp – https://tepbac.com/