Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Đâu là chìa khóa tương lai cho tôm Việt?

Đâu là chìa khóa tương lai cho tôm Việt?

Tôm thẻ
Ngành tôm Việt Nam cần có chiến lược cụ thể để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngành tôm Đông Nam Á nói chung và tôm Việt Nam nói riêng cần có chiến lược để giữ vững vị thế quốc tế khi thế giới đang manh nha xuất hiện nhiều cường quốc tôm mới.

Hướng đi của ngành tôm Đông Nam Á

Sau thời kỳ phát triển mạnh mẽ, ngành nuôi tôm của Đông Nam Á đang gặp nhiểu thử thách bao gồm dịch bệnh, chính sách thương mại của các nước nhập khẩu, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các nước châu Mỹ Latin. Tất cả đều đang cản bước ngành tôm của khu vực Đông Nam Á – vốn là một trong những khu sản xuất tôm lớn nhất thế giới.

Trong thực trạng biến đổi của môi trường cũng như áp lực thương mại hiện nay, Tập đoàn tư vấn Boston (Boston Consulting Group – BCG) đã đưa ra con đường chiến lược để các nhà sản xuất tôm Đông Nam Á giữ được lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới.

Để có được dự đoán về xu hướng chuyển đổi sản xuất, BCG đã mất gần 1 năm để thu thập báo cáo của chính phủ, thống kê thương mại và tiếp xúc trực tiếp khoảng 15 – 20 trang trại nuôi tiêu biểu ở mỗi quốc gia để thu thập dữ liệu cho báo cáo.

Sau khi phỏng vấn nhiều nông dân có kinh nghiệm và các nhà nghiên cứu khoa học, BCG đã phát hiện ra sự khác nhau giữa các nhà sản xuất tôm trên nhiều khía cạnh, từ thức ăn, kỹ thuật nuôi đến cách xử lý các vấn đề phát sinh, thật đáng ngạc nhiên khi các quốc gia tương đồng điều kiện tự nhiên nhưng khác biệt rất lớn trên toàn bộ chuỗi sản xuất tôm. Cũng từ đó, mỗi quốc gia Đông Nam Á lại vướng phải những vấn đề khác nhau, BCG đã cố gắng tìm ra giải pháp riêng cho từng nước. Nhưng hướng đi chung vẫn là tập trung chuyển đổi chuyên sâu kỹ thuật canh tác, trong đó trang trại khép kín trong nhà được đề nghị là phương pháp tất yếu để người nuôi duy trì lợi nhuận bền vững.

Hiện tại hình thức nuôi này chưa thật sự phổ biến ở Đông Nam Á, nhưng chắc chắc sẽ trở thành kỹ thuật canh tác phổ biến trong 5 – 10 năm tới khi nuôi tôm truyền thống đang dần bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt nhiều rủi ro trong sản xuất và khó thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Các công ty nuôi tôm nổi tiếng như Charoen Pokphand Foods của Thái Lan hay Việt – Úc của Việt Nam đã xây dựng hệ thống nuôi tôm trong nhà hiện đại từ năm ngoái. Các tập đoàn khác như CP và Thai Union cũng cho rằng, kỹ thuật nuôi tôm trong nhà đã giải quyết vấn đề khi nguồn cung vướng phải thẻ vàng EU hay các quy định mới về nhập khẩu tôm của Mỹ.

Rất nhiều công ty đang tiếp tục mở rộng quy mô cũng như cải thiện kỹ thuật nuôi khép kín như một lời cam kết cho chất lượng sản phẩm. Chúng ta không hy vọng mô hình nuôi khép kín trong nhà sẽ nhanh chóng đột phá thay thế sản xuất truyền thống trong thời gian ngắn, mà việc chuyển đổi chỉ diễn ra dần dần nhưng liên tục, đây là cách duy nhất để tăng sản lượng và tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi cuộc chiến giành thị phần tôm ngày càng trở nên khốc liệt.

Truy xuất nguồn gốc – chìa khóa của ngành tôm Việt Nam

Trong báo cáo BCG cũng nhấn mạnh rằng, chìa khóa tương lai của tôm Việt chính là truy xuất nguồn gốc. Với thế trận hiện nay, bất kỳ nhà cung cấp nào thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc sẽ có sức cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta không nhắc nhiều đến việc sản phẩm tôm truy xuất nguồn gốc đang có giá bán cao hơn hẳn tôm bình thường, vì truy xuất nguồn gốc trong tương lai sẽ trở thành chuẩn mực tất nhiên và giá cả sẽ không còn là lợi thế. Mà lợi ích lâu dài của việc đạt được truy xuất nguồn gốc tôm nhanh chóng chính là giúp người tiêu dùng phân biệt tôm Việt Nam với các nước cung ứng khác, đây là cơ hội nghìn vàng để nhận dạng thương hiệu và tạo nên thói quen lựa chọn của người tiêu dùng.

Có hai vấn đề cần giải quyết để Việt Nam thực hiện truy xuất nguồn gốc tôm. Một là về sản xuất: cần áp dụng các mô hình nuôi như biofloc hoặc hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn khác, kỹ thuật nuôi khép kín, nuôi trong nhà… khi đó các trang trại có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, cũng như tăng đáng kể tỷ suất lợi nhuận. Hai là vấn đề thu mua, cần tạo điều kiện cho nông dân bán trực tiếp tôm đến nhà máy chế biến mà không cần qua thương lái trung gian, đây thực sự là vấn đề nan giải vì thương lái đã trở thành mắc xích quen thuộc và quan trọng trong ngành. Kết quả của đường đua truy xuất nguồn gốc có thể sẽ quyết định cục diện của ngành tôm thế giới, vì vậy, Việt Nam nhất định phải có chiến lược cẩn trọng, đúng đắn và nhanh chóng.

Ngoài ra, tôm Việt Nam đối mặt thêm nhiều vấn đề khác như năng suất tương đối thấp, thẻ vàng EU ảnh hưởng đến xuất khẩu. Thực tế, chúng ta đang phải vật lộn để cạnh tranh với Ấn Độ và Indonesia về sản lượng lẫn giá cả. Theo dự đoán của BCG thì ở mức tăng trưởng hiện tại, Indonesia và Ấn Độ sẽ đạt được sản lượng 900.000 tấn và 1,4 triệu tấn vào năm 2025. Trong khi đó Việt Nam với tốc độ tăng trưởng hàng năm thấp hơn đáng kể khoảng 2% thì ước tính chỉ đạt 630.000 tấn trong cùng thời gian. Nếu Việt Nam có mức tăng trưởng tương đương Indonesia và Ấn Độ thì có thể tăng thêm đến 65% sản lượng vào năm 2025, tương đương với tăng khoảng gia tăng 300 triệu USD.

Một rào cản nữa mà Việt Nam phải quyết tâm vượt qua chính là vấn đề sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm, tỷ lệ tôm Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào các thị trường thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản cao hơn rõ rệt so với các đối thủ.


Số lượng tôm Việt Nam bị từ chối nhập khẩu so với các nước khác ở từng thị trường.

Báo cáo của BCG cũng nhắc Việt Nam cần được lưu ý và cải thiện dinh dưỡng cho tôm. Thức ăn tôm ở Việt Nam hiện nay không bắt kịp các nước đối thủ, cần phải lưu ý sử dụng thức ăn thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường sức khỏe tôm nuôi. Mặc dù chi phí đầu tư sẽ cao hơn nhưng cũng sẽ kéo theo tỷ suất lợi nhuận cũng sẽ tăng.

Tóm lại, theo BCG thì ngành tôm Việt Nam cần lưu ý những vấn đề sau để giữ được sức cạnh tranh trong thời gian tới:
1. Chuyển đổi mô hình từ nuôi truyền thống sang nuôi trong hệ thống nuôi tuần hoàn, áp dụng kỹ thuật nuôi trong nhà, nuôi khép kín.
2. Tăng tốc độ tăng trưởng của ngành.
3. Thực hiện nhanh chóng và hiệu quả truy xuất nguồn gốc.
4. Kiểm soát kháng sinh trong nuôi trồng.
5. Cải thiện chất lượng thức ăn về khía cạnh tăng trưởng và tăng cường sức khỏe tôm nuôi.

Theo Dan Gibson

NGUYÊN NHÂN CHẬM LỚN TRÊN TÔM VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ

 

Môi trường biến động là một trong những nguyên nhân gây stress và làm tôm chậm

trăng trưởng.  Ảnh: Naresh Kumar Dewangan và Ayyaru Gopalakrishnan 2016

 

Bài viết cung cấp những nguyên nhân làm tôm nuôi chậm lớn để bà con phòng tránh và nâng

cao hiệu quả vụ nuôi.

 

  1. Tôm giống chất lượng kém

 

Do tôm bố mẹ cho đẻ nhiều lần, quá trình chăm sóc, vận chuyển chưa đúng cách, tôm nhiễm mầm bệnh.

Giải pháp

->Lựa chọn con giống của nhà sản xuất có uy tín.

->Kiểm tra bệnh trên tôm trước khi thả nuôi, hoặc đưa mẫu tôm tới trung tâm kiểm dịch tôm giống.

 

  1. Thức ăn chất lượng kém:

 

Thức ăn là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi, thức ăn có đầy đủ dinh dưỡng giúp tôm nuôi tăng trưởng tốt, lớn nhanh và có sức đề kháng với mầm bệnh. Tuy nhiên vì chưa có nhiều thông tin về sản phẩm thức ăn nên vẫn còn tình trạng thức ăn giả, thức ăn kém chất lượng trên thị trường. Người nuôi vô tình mua phải những loại thức ăn này do đó cung cấp dinh dưỡng không đầy đủ cho tôm, từ đó làm tôm chậm lớn.

Ngoài ra thức ăn nuôi tôm cần được bảo quản đúng cách, tránh đặt dưới sàn nhà ẩm ướt hoặc ánh nắng trực tiếp chiếu vào sẽ làm giảm chất lượng của thức ăn. Việc cho ăn không đúng cách cũng làm tôm phân đàn, chậm lớn, không đồng đều, năng suất giảm.

 

  1. Mật độ quá dày, sinh khối lớn

 

Khi nuôi tôm mật độ quá dày, nhưng không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết cho tôm phát triển làm tôm chậm lớn.

Khuyến cáo: nuôi tôm mật độ phù hợp với mô hình nuôi để đảm bảo tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Định kỳ chài lưới kiểm tra đánh giá số lượng tôm có trong ao và thường xuyên kiểm tra nhá cho tôm ăn để canh lượng thức ăn cho phù hợp. Định kỳ bổ sung khoáng vào thức ăn tôm và khoáng tạt vào ao nuôi. Nếu đánh khoáng nên đánh vào buổi tối.

 

  1. Bệnh phân trắng mãn tính

 

Sau khi tôm bị mắc bệnh phân trắng nếu không kịp thời chữa trị tôm yếu dần khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém làm cho tôm bị chậm lớn.

Do đó, khi phát hiện tôm bị bệnh phân trắng cần có biện pháp điều trị kịp thời và trị dứt điểm. Sau đó bổ sung men đường ruột Lactozyme ( liều lượng 5g/kg thức ăn) + acid hữu cơ Organic (liều lượng 10g/kg thức ăn)vào thức ăn cho tôm để cải thiện hệ vi sinh vật, giúp tôm hấp thụ chất dinh dưỡng.

 

  1. Tôm mắc các bệnh gây chậm lớn

 

– Hội chứng chậm tăng trưởng (MSGS)

 

 

Tôm sú (Penaeus monodon) bị ảnh hưởng bởi hội chứng tăng trưởng chậm (MSGS).

 

Dấu hiệu bệnh lý: màu tối khác thường, đánh dấu màu vàng sáng bất thường, râu giòn, tương quan khác biệt về kích thước. Không có dấu hiệu bệnh lý vi mô rõ ràng.

Nguyên nhân không chắc chắn nhưng có sự hiện diện của virus Laem-Singh (LSNV).

 

– Bệnh còi ở tôm sú (Monodon Baculovirus – MBV)

 

Dấu hiệu bệnh lý tôm có màu tối hoặc xanh tái, xanh xẫm. Tôm kém ăn, hoạt động yếu và sinh trưởng chậm (chậm lớn). Các phần phụ và vỏ kitin có hiện tượng hoại tử, có nhiều sinh vật bám (ký sinh trùng đơn bào, tảo bám và vi khuẩn dạng sợi). Gan tuỵ teo lại có màu trắng hơi vàng, thối rất nhanh. Tỷ lệ chết tích lũy có thể cao tới 70%.

Nguyên nhân: virus MBV (Monodon baculovirus) và virus HPV (Hepatopancreatie parvovirus)

 

– Bệnh vi bào tử trùng 

 

Tôm chậm lớn do EHP ký sinh trong hệ thống ống gan tụy và làm cho tôm không hấp thụ được chất dinh dưỡng. Dấu hiệu bệnh ở ao nuôi: không có dấu hiệu đặc biệt của bệnh chỉ nghi ngờ với sự xuất hiện của sự tăng trưởng chậm bất thường trong ao;

  • Nhiễm trùng phải được xác nhận bằng kính hiển vi hoặc phương pháp phân tử.

Nguyên nhân do: ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei ( EHP)

Biện pháp phòng:

+ Không dùng tôm giống có nhiễm mầm bệnh EHP, BMV, HPV… Xét nghiệm con giống, tuyệt đối không để cua còng vào ao, diệt giáp xác thật kỹ khi thả nuôi.

+ Tẩy dọn ao, bể nuôi như phương pháp phòng chung. Thường xuyên diệt khuẩn môi trường ao nuôi. Sử dụng vôi nóng (CaO) xử lý ao để có thể đạt độ pH đáy ao trong quá trình cải tạo cao hơn 11 – 12 để làm chết mầm bệnh EHP.

+ Nuôi tôm đúng mùa vụ, quản lý chăm sóc tốt, cung cấp đầy đủ thức ăn về chất và lượng. Không để tôm sock trong quá trình nuôi.

 

  1. Lạm dụng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm

 

Việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm và dùng quá liều kháng sinh khi trị bệnh giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của tôm làm tôm chậm lớn.

Lưu ý khi sử dụng kháng sinh trị bệnh cho tôm: dùng đúng liều đúng chu trình 5-7 ngày tránh lờn thuốc. Sau đó cần bổ sung sorbitol 2g/1kg thức ăn nhằm giúp tôm đào thải kháng sinh hoặc thay thế bằng Kat- taurine ( liều dùng 1-2ml/kg thức ăn) sau khi dùng kháng sinh 3 ngày phải cho tôm ăn men đường ruột để khôi phục hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột tôm.

**không sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho tôm giống và tôm nuôi, vì sẽ gây lờn thuốc và giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của tôm.

 

  1. Căng thẳng do môi trường nuôi

 

Tôm biểu thị sự căng thẳng có sắc tố cao hơn và nguyên nhân gây ra bởi sự biến động của thông số môi trường trong ao nuôi tôm. Tôm trên bình thường, tôm dưới tôm bệnh. Ảnh: Naresh Kumar Dewangan và Ayyaru Gopalakrishnan 2016

 

Chất lượng nước là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong nuôi tôm. pH là một trong những thông số môi trường quan trọng quyết định quá trình sinh lý của tôm. Phạm vi từ 6,8 đến 8,7 cho tôm trong môi trường ao để tăng trưởng tối ưu. Theo nghiên cứu của Naresh Kumar Dewangan và Ayyaru Gopalakrishnan 2016 thấy rằng trong ao tôm phát triển bình thường độ pH tối đa chỉ xấp xỉ 7.7 trong khi đó ao tôm bệnh chậm lớn có độ pH tối đa lại ở mức 8.9. Sự xuất hiện của DO thấp trong môi trường ven biển đang gia tăng, và nó có tác động tiêu cực đến tăng trưởng và sinh sản thường xảy ra ở tôm ở nồng độ DO tức thời từ 3 – 5 mg/l. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây stress và làm tôm chậm trăng trưởng.

 

Với nuôi tôm trong nước có độ mặn thấp việc thiếu khoáng chất trong nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôm làm tôm mềm vỏ khó lột xác, tăng trưởng chậm và thậm chí là tỉ lệ sống thấp. Thả nuôi tôm trong mùa nghịch khi nhiệt độ thấp sẽ làm tôm chậm tăng trưởng bởi khi nhiệt độ thấp trao đổi chất của tôm giảm theo làm tôm ăn yếu.

 

  • Bổ sung khoáng tạt( 1kg/1000m3)đầy đủ cho tôm nuôi ở độ mặn thấp.
  • Khi nhiệt độ giảm cần nâng mực nước trong ao giảm chênh lệch nhiệt độ, cho tôm ăn vào lúc trời ấm, lúc có nắng, tăng cường quạt nước, nâng mực nước của ao. Ương nuôi tôm trong ao lót bạt có che lưới từ 20 – 30 ngày trước khi san ra ngoài ao nuôi.
  • Đồng thời quản lý các yếu tố môi trường khác như để giảm stress cho tôm: độ kiềm, độ pH, khí độc ở ngưỡng phù hợp với sự tăng trưởng của tôm.

 

Nguồn tham khảo: http://tepbac.com

Nghiên cứu men vi sinh mới phù hợp cho nuôi thủy sản mặn lợ

Phân lập vi khuẩn
Phân lập bọt biển.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu phân lập bọt biển để tìm ra chủng vi sinh phù hợp với nuôi trồng thủy sản nước mặn – lợ, nhằm khắc phục hạn chế của men vi sinh có nguồn gốc trên cạn khi dùng ở độ mặn và nhiệt độ cao.

Một số loài vi khuẩn làm tăng tỷ lệ tử vong ở tôm và gây thiệt hại kinh tế lớn. Nghiêm trọng nhất là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPND) do vi khuẩn Vibrio (V. parahaemolyticus) gây ra tỷ lệ chết đáng kể, có thể lên đến 100% trên tôm nuôi bị nhiễm bệnh tại nhiều quốc gia. Trong đó hiệu quả kiểm soát các dòng Vibrio spp. của kháng sinh và chất khử trùng khá hạn chế. Dẫn đến việc sử dụng men vi sinh làm công cụ kiểm soát dịch bệnh ngày càng được quan tâm và phổ biến.

Hiện tại, có rất nhiều men vi sinh thương mại, chủ yếu dựa trên các chủng vi khuẩn Lactobacillus và Bacillus. Thông qua việc thay đổi hệ vi sinh đường ruột trong tôm bằng cách tiết ra các chất kháng khuẩn, nhằm cạnh tranh chống lại mầm bệnh, ngăn chặn sự bám dính của chúng vào biểu mô ruột, cạnh tranh các chất dinh dưỡng cần thiết và chống độc.

Ở môi trường biển, dòng Vibrio spp. thuận lợi phát triển trong độ mặn và nhiệt độ cao, trong khi hầu hết các chủng men vi sinh thương mại hiện nay lại có nguồn gốc trên cạn, vì thế hiệu quả của chúng bị hạn chế. Theo Zhang et al. (2016), độ mặn làm thay đổi hệ vi sinh vật trong tôm, độ mặn càng cao thì Vibrio càng chiếm ưu thế, trong khi theo Vezzulli et al. (2013), nhiệt độ dưới 370C ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của Lactobacillus.

Cho nên, khám phá sinh học biển để phân lập vi khuẩn dùng làm chế phẩm sinh học trong nuôi thủy sản nước mặn – lợ là một giải pháp đầy hứa hẹn.


Men  vi sinh phân lập từ bọt biển là một giải pháp đầy hứa hẹn cho nuôi trồng thủy sản.

Pseudovibrio chiết xuất từ bọt biển

Động vật không xương sống dưới biển, đặc biệt là bọt biển, chứa các cộng đồng vi sinh vật rất đa dạng. Trong số các vi khuẩn biển có thể nuôi cấy thì nổi bật là chi Pseudovibrio nhờ tính linh hoạt có thể tạo ra hoạt tính sinh học chống lại đa dạng các vi khuẩn Gram âm và Gram dương như: E. coli, Bacillus subtilis, Kluyveromyces marxianus, Salmonella enterica, Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) và Clostridium difficile.

Thiết lập nghiên cứu

Tổng cộng có chín mẫu bọt biển A. geradogreeni đã thu thập trong bốn môi trường sống ở độ sâu khác nhau từ 10-30 m ở vùng nước ven biển của tỉnh Santa Elena (Ecuador). Phân loại của các phân lập biểu hiện hoạt tính sinh học xác định dựa trên trình tự nucleotide của gen 16 rRNA. Với việc nuôi cấy Pseudovibrio thuần túy, các dịch độc dược được thực hiện trong môi trường Luria-Bertani với NSW và 20% glycerol, được lưu trữ ở -800C cho các thử nghiệm tiếp theo.

Kết quả và thảo luận

Các nhà nghiên cứu đã phân tách một số chủng P.denitrificans, thử nghiệm thử thách trong phòng thí nghiệm và trong ao nuôi.


Hiệu quả có lợi của chủng Pseudovibrio đối với tôm thẻ chân trắng (thời gian theo dõi: 108 ngày).

Hoạt tính kháng khuẩn của các chủng Pseudovibrio liên quan với quá trình chuyển hóa acid sulfuric và acid tropodithietic có thể tiêu diệt hoặc ức chế mầm bệnh Vibrio spp. ở ấu trùng cá biển. Ngoài ra, nhiệt độ và độ mặn là ưu thế để Pseudovibrio cạnh tranh với Vibrio spp. Vì Pseudovibrio là một loại vi khuẩn điển hình trong môi trường biển, có mức tăng trưởng tối ưu khoảng từ 25-310C.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hoạt tính sinh học chống lại V. parahaemolyticus, V. campbellii, V. Vulnificus và V. harveyi và chống lại chủng gây bệnh có độc tính cao của V. parahaemolyticus BA94C2 dương tính với PirA/PirB, độc tố liên quan đến bệnh lý AHPND trong nuôi tôm. Ngoài ra, các xét nghiệm được tiến hành ở giai đoạn ấu trùng tôm Postlarvae 3 ngày đã bị nhiễm V. harveyi cho thấy khả năng cạnh tranh của của P. denitrificans với mầm bệnh, giúp cải thiện tỷ lệ sống của PL.


A) Tỷ lệ sống của PL tôm thẻ nhiễm V. campbellii sau 5 ngày điều trị với Pseudovibrio.
B) Tỷ lệ sống của PL tôm thẻ nhiễm V. parahaemolyticus sau 5 ngày điều trị với Pseudovibrio.

Tác dụng của P. denitrificans đối với bệnh phát sáng ở tôm giống do các chủng Vibrio gây ra đã được chứng minh thông qua thí nghiệm thực tế trong sản xuất giống. Ngoài ra, P. denitrificans còn giúp tăng sản lượng, tỷ lệ sống, trọng lượng và năng suất thu hoạch tôm bình quân ở nuôi tôm thương phẩm.


Hiệu quả của các chủng P. denitrificans xâm chiếm và thay thế các chủng Vibrio trong tôm 48 giờ sau khi sử dụng P. denitrificans 

Hoạt tính sinh học của Pseudovibrio denitrificans qua các thí nghiệm invitro đã được khẳng định khả năng kháng khuẩn, ức chế mầm bệnh, nâng cao tỷ lệ sống của tôm cá nhiễm bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trong tương lai vẫn còn cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá nồng độ thực tế để áp dụng ở quy mô thương mại.

 

Theo CRISTÓBAL DOMÍNGUEZ-BORBOR và cộng sự.

Thanh An

2019 có thể là năm thứ 4 xuất siêu liên tiếp của Việt Nam

Tôm đông lạnh
Sản phẩm tôm xuất khẩu.

Với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, các chuyên gia thương mại dự kiến năm 2019 là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.

Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là đạt mức tăng trưởng tăng 7 – 8% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Mở rộng quy mô

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Mặc dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 91,8% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 22,6 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng 10 nhưng lại tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước tăng 25,8% so với cùng kỳ, đạt 7,5 tỷ USD; khối doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu đạt 15,1 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô), giảm 4,5% so với cùng kỳ.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, nếu tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 166,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Không những thế, tỷ trọng của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung cũng tăng lên mức 30,95% so với 29,16% của 11 tháng năm 2018.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11 đạt 22,5 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng 10/2019 và 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 232,308 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 98,2 tỷ USD, tăng 13,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,1 tỷ USD, tăng 3,1%.

Nhận định từ giới phân tích cho thấy: Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng, việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu khả quan và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mang lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho hay: Tính đến hết tháng 11 đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).

Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt và may mặc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, giày dép các loại.

Hơn nữa, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô – đạt 3,8%).

Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%).

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, tất cả các nhóm thị trường Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy việc chủ động khai thác có hiệu quả các FTA này.

Ông Trần Thanh Hải cũng đưa ra ví dụ cụ thể như xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng 7,6%; Hàn Quốc tăng 10,1%; ASEAN tăng 2,5%; Nga tăng 9,1%; xuất khẩu sang New Zealand tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái…

Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hơn nữa, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong phát triển doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm hàng hóa.

Tạo thêm lực đẩy

Theo dự báo của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), thông thường kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán ở Việt Nam và một số nước châu Á…

Do đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sẽ không có nhiều biến động do ảnh hưởng từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với 13 FTA được ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với nhiều nhà cung cấp khác nhờ hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ.

Đáng lưu ý, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết và dự kiến có hiệu lực năm 2020 đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới.

Tuy vậy, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức. Đó là EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, cạnh  tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, thuỷ sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế.

Không những thế, việc kiểm soát chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đang là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ. Trong khi đó, giá các mặt hàng nông, thuỷ sản đang trong xu hướng giảm.

Mặt khác, xuất khẩu sang Mỹ tăng nhanh trong thời gian qua có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam.

Vì thế, để xuất khẩu tự tin cán đích, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát biến động tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung để chủ động trong điều hành và có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.

Mặt khác, chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.

Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Bộ Công Thương cũng sẽ có những biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.

Hơn nữa, Bộ chú trọng việc tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu; đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước. Tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Đặc biệt, Bộ Công Thương chú trọng kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hàng hóa trước khi nhập khẩu, tạm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo không gắn, cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam.

Uyên Hương Báo Tin Tức

Nan giải bài toán xả thải từ nuôi tôm

Nuôi tôm thâm canh
Mô hình nuôi siêu thâm canh phát triển nhưng người nuôi chưa đảm bảo khâu xử lý nước thải.

Thời gian qua, hình thức nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh tạo bước đột phá khá mạnh, góp phần tăng năng suất, sản lượng tôm cho toàn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, mô hình này đang là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người dân và các cơ quan hữu quan khi người nuôi xả thải ra môi trường.

Hiện nay, toàn xã Hàng Vịnh có 37 hộ nuôi tôm siêu thâm canh, với tổng diện tích 38,48 ha, trong đó đang thả nuôi gần 5 ha, đạt khoảng 35%. Tuy nhiên, việc nuôi theo hình thức này chưa đảm bảo an toàn về điện, đặc biệt là việc xả thải trực tiếp ra môi trường.

Bí thư Chi bộ Ấp 4, xã Hàng Vịnh Nguyễn Thành Nhân cho rằng, điện, môi trường là 2 tiêu chí quan trọng trong nuôi tôm siêu thâm canh. Bởi điện liên quan đến an toàn tính mạng con người, còn môi trường thì ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của người dân xung quanh và tình hình sản xuất, sinh hoạt nói chung của bà con trong vùng. Ông Nhân bức xúc: “Người nuôi xả thải xuống sông vào ban đêm, khoảng 1-2 giờ khuya, chứ không ai làm ban ngày. Giờ đó nếu liên hệ lực lượng làm nhiệm vụ đến kiểm tra thì không có ai trực sẵn. Từ đó không xử lý được. Theo tôi, nhìn thấy nước xả ra có mùi thối, màu đen thì phạt được rồi, đâu cần phải định lượng gì”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Năm Căn Nguyễn Đức Trung nhìn nhận, thực trạng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh xả thải ra môi trường diễn ra trong thời gian dài và nhiều bà con đã kiến nghị đến các cơ quan chuyên môn. Mặc dù tình hình này có giảm hơn so với trước nhưng vẫn còn người cố tình vi phạm, trong khi ngành chức năng chưa có giải pháp giải quyết căn cơ. “Tôi đã làm việc với xã, phân cấp công việc rõ ràng. Ở xã cũng thành lập các tổ, đội. Quá trình kiểm tra, phát hiện những hộ nuôi sai quy định buộc cam kết, lần 1, lần 2, nếu tiếp tục thì xử lý hành chính”, ông Trung cho biết.

“Theo quy định về phân cấp của UBND tỉnh Cà Mau, xã cấp giấy công nhận đủ điều kiện, Phòng NN&PTNT sẽ tổ chức hậu kiểm tra. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, đa số làm không đúng quy hoạch. Thực trạng này huyện đã có báo cáo về các sở, ngành liên quan”, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Tô Hoài Phương cho biết.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, hiện nay toàn huyện có 285 hộ đang nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, với diện tích gần 265 ha, trong đó có 66 hộ nuôi ngoài quy hoạch; Trên 280 hộ ngưng nuôi, nghỉ nuôi với diện tích trên 200 ha, trong số này có khoảng 120 hộ nuôi ngoài quy hoạch.

Từ đầu năm đến nay có 7 trường hợp bị xử phạt hành chính do không đảm bảo điều kiện ao xử lý nước thải và xả thải không qua xử lý, trong khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp. Dịch bệnh ảnh hưởng đến gần 3.200 ha đất tôm nuôi quảng canh truyền thống, 567 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến và gần 34 ha nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Ngoài tác động từ các yếu tố như thời tiết thất thường, con giống, quy trình nuôi chưa được kiểm soát tốt…, việc xả thải không qua xử lý ra môi trường được xem là nguyên nhân dễ dẫn đến dịch bệnh trên tôm.

Văn Tưởng Báo Cà Mau

Những tỷ phú nuôi tôm công nghệ vùng nước lợ

nuôi tôm lót bạt
Mô hình tôm lót bạt đáy ao và che lưới bên trên của ông Đại ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch.

Nhiều người vùng ven sông Đồng Nai, khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai giàu lên nhanh chóng nhờ nuôi tôm công nghệ lót bạt đáy ao.

Anh Nguyễn Huy Bình, ở ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, là một trong những người nuôi tôm giỏi nhất xã. Mặc dù chỉ mới áp dụng nuôi tôm lót bạt đáy ao từ 3 năm nay, nhưng 3 ao tôm với diện tích 5.000m2, đã mang về cho gia đình anh mỗi năm vài tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Từng là một cán bộ ngành nông nghiệp xã, năm 2014, anh quyết định xin nghỉ về nhà nuôi tôm. Ban đầu anh đào ao nuôi tôm theo cách truyền thống là nuôi trong ao đất. Kinh nghiệm không có, và gần như chẳng áp dụng khoa học kỹ thuật gì, anh chỉ học lỏm những người đi trước rồi về làm theo. Hậu quả là thất bại liên tiếp mấy vụ. Đến năm 2017, sau khi tìm tòi, nghiên cứu tài liệu và tham quan những mô hình nuôi tôm thành công, anh mới chuyển sang nuôi tôm lót bạt đáy ao. Cũng từ đây, anh thành công liên tiếp cho đến nay.

“Lót bạt đáy ao có thể nuôi 1 năm 4 vụ, còn nuôi ao đất thì có khi chỉ được 2 vụ/năm. Chưa kể, nuôi ao đất tiềm ẩn rủi ro rất lớn, năng suất kém. Tôi có 3 ao, tổng diện tích 5.000m2, từ đầu năm đến nay, tôi đã thu hoạch 3 vụ, được hơn 60 tấn tôm rồi. Vụ cuối năm tôi chuẩn bị thu hoạch trong vài ngày nữa, tôm hiện đạt kích cỡ 35 con/kg, ước đạt khoảng 25 – 26 tấn. Như vậy, năm nay 3 ao của tôi đạt năng suất khoảng 90 tấn tôm”, anh Bình cho biết.

Theo anh Bình, giá tôm từ đầu năm đến nay không ổn định, nhưng thay đổi theo hướng có lợi cho người nuôi. “thời điểm đầu năm, giá tôm loại 35-36 con 1kg có giá 145-150 ngàn đồng/kg, còn thời điểm hiện tại, giá đang là 180 ngàn đồng/kg. Bình quân vốn đầu tư cho 1 ký tôm khoảng 100 ngàn đồng. Như vậy, nếu giá 150 ngàn đồng/kg thì lãi 50 ngàn, giá 180 ngàn thì lãi 80 ngàn”, anh nói tiếp.

Để có thành công này, ngoài việc lót bạt đáy ao, anh Bình còn liên kết với các doanh nghiệp để được hỗ trợ về con giống đảm bảo chất lượng và tư vấn kỹ thuật. Theo anh Bình, để nuôi tôm thành công, ngoài việc phải lấy con giống đảm bảo, có nguồn gốc, còn phải áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật. Trong quá trình nuôi, cần đặc biệt chú trọng công tác phòng bệnh cho tôm bằng cách theo dõi chất lượng nước, vi sinh, độ pH, oxy, kiểm tra kháng thể cho tôm…

Ao tôm nuôi theo công nghệ lót bạt đáy ao của anh Nguyễn Huy Bình

Một trường hợp khác, là ông Nguyễn Trường Đại, ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, có 3.500m2 mặt nước, cũng thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao.

Ông Đại cho biết, trước đây ông nuôi tôm ao đất truyền thống, hiệu quả thấp mà rủi ro cao. Năm 2015, sau khi đi tham quan một loạt mô hình nuôi tôm công nghệ ở các tỉnh miền Tây, ông trở về đầu tư mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao.

Khi áp dụng mô hình nuôi công nghệ lót bạt, ông chỉ sử dụng 2/3 diện tích làm ao nuôi, còn lại làm ao giống. Ngoài lót đáy, ông cỏn làm lưới che phía trên không gian ao nuôi. Việc sử dụng lưới che đã làm giảm bớt nhiệt độ hồ nuôi do lưới đã hấp thu bớt một phần nhiệt nên nhiệt độ từ ánh nắng mặt trời, hồ nuôi luôn được đảm bảo nhiệt độ ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Ngoài ra, nhờ lưới che nên cũng tránh được ánh nắng trực tiếp chiếu xuống hồ hạn chế được sự phát triển của các loại tảo ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của con tôm.

“Mô hình này có ưu điểm lớn là chủ động kiểm soát môi trường nước nên hạn chế rủi ro dịch bệnh cho tôm. Sử dụng men vi sinh phòng bệnh cho tôm thay vì thuốc kháng sinh. Nhờ vậy, nên con tôm nhanh lớn, khoẻ mạnh, đặc biệt là không có dư lượng kháng sinh, đảm bảo sạch. Tôm thành phẩm của tôi thường đạt chất lượng loại 1, trọng lượng bình quân từ 30-35 con/kg, nên giá bán cao gấp rưỡi, gấp đôi so với các loại tôm nhỏ hơn và nuôi thông thường khác”, ông Đại nói.


Tôm nuôi theo công nghệ hạn chế dịch bệnh, phát triển nhanh, chất lượng đảm bảo nên giá cao hơn tôm nuôi truyền thống.

Theo ông Đại, công nghệ nuôi lót bạt có thể đạt 4 – 5 vụ/năm, chi phí đầu tư ban đầu không phải quá sức với nhiều người, khoảng 200 triệu đồng cho 1.000m2 mặt nước. Ao lót bạt đáy có thể thả mật độ đến 200 con tôm giống/m2, gấp 4 lần so ao cũ nên năng suất tôm thu hoạch cũng gấp nhiều lần so cách nuôi truyền thống.

Ngoài ra, công nghệ lót bạt đáy ao tiết kiệm diện tích đất hơn hẳn cách nuôi truyền thống. Trước đây, toàn bộ diện tích trên đều được ông đào ao và thả tôm nuôi cho đến khi thu hoạch. Nhưng với công nghệ mới, ông chỉ cần đầu tư lót bạt cho 2 ao nuôi; diện tích đất còn lại ông sử dụng làm ao ương để thả tôm giống, đến 1 tháng tuổi mới chuyển qua ao nuôi.

HỒNG THỦY – NGUYỄN THỦY Nông nghiệp Việt Nam

Nuôi tôm trái phép trong vùng trồng lúa, nông dân xung đột lợi ích

Vuông tôm
Một vuông tôm công nghệ cao trong mênh mông đồng lúa.

Hàng loạt ao tôm mọc lên trong khu vực được quy hoạch trồng lúa khiến nông dân xung đột quyền lợi kéo dài nhiều năm nay không dứt.

Ông Nguyễn Tuấn Nhã – Phó Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông (huyện Cần Đước, Long An) cho biết, đang giải quyết một vụ nông dân trồng lúa khiếu kiện nông dân nuôi tôm trên địa bàn.

Trong ruộng lúa có ao tôm

“Một nông dân trồng khoảng 1ha lúa đã khiếu kiện ao tôm cạnh bên để nước mặn rỉ vào ruộng lúa. Nuôi tôm lâu ngày nước mặn sẽ tích tụ dưới đáy ao. Chủ vuông tôm hứa vào mùa khô sẽ cho nạo vét phần đất đáy ao nhằm xả mặn”, ông Nhã thông tin.


Ông Ba Lập kiểm tra tôm nuôi

Tại xã Long Hựu Đông, việc nông dân trồng lúa khiếu kiện nông dân nuôi tôm diễn ra nhiều năm nay. Bởi, cặp theo con đê ngăn mặn trên địa bàn xã, phần phía trong quy hoạch trồng lúa, ao tôm mọc nối nhau.

Tại ấp Kênh Đào có khoảng 15ha đang nuôi tôm xen kẽ giữa những cánh đồng lúa.

Ông Ba Lập (Nguyễn Thành Lập), một nông dân đang nuôi 3.000m2 ao tôm cho biết, mỗi lần ông lấy nước mặn từ sông Vàm Cỏ vào ao là nông dân trồng lúa cạnh bên la toáng lên. “Họ cự với mình suốt”, ông thổ lộ.

Vừa rồi, do bất cẩn khi đưa nước mặn vào ao tôm, ông đã để nước mặn rỉ vào ruộng lúa cạnh bên khiến phải bồi thường cả ruộng lúa.

“Trước tôi cũng trồng lúa, nhưng vì đất ở đây là đất phèn, mặn nên năng suất lúa rất thấp, cao lắm là 5 tấn/ha, nên tôi chuyển sang nuôi tôm”, ông bộc bạch.

Cạnh bên, tại xã Phước Đông, tình hình đào ao nuôi tôm trong vùng quy hoạch trồng lúa cũng khá rôm rả. Hiện, xã này có hơn 15ha ao tôm giữa vùng quy hoạch trồng lúa.


Một ruộng lúa bỏ hoang cạnh một vuông tôm đang nuôi

Tại ấp 6, giữa đồng ruộng lúa xanh um, giờ mọc lên khoảng chục ao tôm của 3 hộ nông dân. Ông Mỹ, một trong 3 hộ nông dân này cho biết, 2 năm trước ông cho đào 2 ao với tổng diện tích 4.000m2 để nuôi tôm công nghệ cao. “Qua năm, tôi sẽ cho hạ điện cao thế để thuận tiện cho việc nuôi tôm”, ông Mỹ cho biết.

Theo ông Mỹ, tại xã đã có một số hộ nuôi tôm phải đền bù thiệt hại cho người trồng lúa khi để nước mặn rỉ vào ruộng lúa. “Có hộ nuôi tôm phải đền bù thiệt hại lúa đến 5 năm”, ông Mỹ thông tin.

Tự xử…

Theo ông Mười Đặng (Nguyễn Đặng), một nông dân có 3 ao tôm với diện tích 8.000m2, việc không để nước mặn từ ao tôm cạnh ruộng lúa là bất khả thi, nhất là vào những tháng mùa khô.

“Vào tháng nắng, bờ bao, mặt ao đều nứt nẻ, khi lấy nước mặn vào ao để nuôi tôm, không cách gì để ngăn nước mặn không rỉ vào ruộng lúa người khác”, ông Mười Đặng chia sẻ.


Vuông tôm san sát trong khu trồng lúa tại các xã vùng hạ Long An.

Nhằm giải bài toán này, tránh bị thưa kiện phải “treo ao”, ông Mười Đặng thuê luôn những ruộng lúa xung quanh ao tôm mình. “Mỗi năm tôi tốn bộn tiền thuê đất, nhưng như vậy an tâm nuôi tôm hơn. Không sợ ai thưa kiện”, ông Mười Đặng nói.

Theo nhiều nông dân trồng lúa tại đây, chưa chủ vuông tôm nào bị chính quyền phạt vì nuôi tôm sai phép. Chủ vuông tôm chỉ sợ phải bồi thường cho chủ ruộng lúa. “Lúc đầu nông dân trồng lúa cự lắm, chủ vuông tôm đã chơi chiêu… thuê luôn đất ruộng kề bên. Một năm vài ba triệu đồng tùy diện tích lớn nhỏ. Nhiều ruộng lúa giờ bỏ hoang cũng vì thế. Tuy nhiên, cũng có chủ vuông tôm cứ phải bồi thường mãi đành “treo” ao luôn”, một chủ ruộng lúa cho biết.

Ngoài việc đưa nước mặn vào ruộng nuôi tôm thì một số hộ đào ao giữa ruộng lúa qua quá trình xử lý các hóa chất, gây xì phèn ảnh hưởng đến ruộng lúa xung quanh, dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa các nông dân.

Theo ông Nhã, chính quyền xã đã vận động nông dân, không cho nuôi tôm trong đất lúa. Yêu cầu chủ vuông tôm cam kết, thống nhất nếu khi nuôi tôm gây ảnh hưởng sẽ bồi thường thiệt hại cho hộ trồng lúa. “Các hộ nuôi tôm đã cam kết rồi”, ông Nhã khẳng định.

Không chỉ ở xã Long Hựu Đông, Phước Đông, mà các xã Tân Ân, Phước Tuy,…  vùng hạ tỉnh Long An có tình trạng đào ao nuôi tôm trong vùng quy hoạch trồng lúa, cũng dùng biện pháp “hai bên tự thương lượng” nếu xảy ra tình huống ruộng lúa bị thiệt hại vì nhiễm mặn từ nước ao tôm.

Trần Đáng Dân Việt