Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Ưu việt nuôi tôm trong ao tròn nổi

Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm trong ao nổi tròn được ứng dụng rộng rãi với nhiều ưu điểm vượt trội so với các mô hình nuôi siêu thâm canh như ao đất, ao đất trải bạt.

Ưu điểm

Giảm chi phí xử lý môi trường và dễ dàng quản lý trong quá trình nuôi.

Đối với những ao bạt truyền thống sẽ không khó để bắt gặp những trường hợp như rút đáy bạt. Có góc khuất tại ao sẽ gặp nhiều trở ngại trong quá trình tạo dòng cho ao nuôi. Tuy nhiên, ao tròn nổi sẽ không gặp phải những trường hợp như rút đáy bạt, hay không có góc khuất nên việc tạo dòng đạt được hiệu quả cao hơn.

Từ những ưu điểm trên có thể thấy việc nhân rộng mô hình ao tròn nổi ngày càng nhiều trong nông nghiệp, không chỉ riêng nuôi tôm mà mô hình này còn được áp dụng cho các loài thủy sản nuôi khác.

 

Lưu ý lắp đặt

Hệ thống được dựng bằng khung thép. Khung lưới sắt được bao ở mặt trong. Mặt trong cùng của được lót bằng bạt HDPE dày 0, 5 – 1 mm.

Khi lắp đặt khung ao người nuôi nên hạn chế mối hàn vì mối hàn có thể làm giảm đi độ bền khung ao. Để tăng độ bền cho khung ao, người nuôi không cần sử dụng mối hàn mà thay vào đó sẽ dùng bắt nối chữ U và bu lông.

 

Hệ thống ôxy đáy ao tròn nổi

Ôxy đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và duy trình sự sống của tôm, thiếu ôxy ảnh hưởng đến quá trình bắt mồi và tăng trưởng. Vì vậy, người nuôi cần phải chú ý về mật độ nuôi thích hợp và hoặc tăng cường các thiết bị tạo ôxy phù hợp cho ao.

Thiết bị tạo ôxy

 

Superland ứng dụng trên nền F2S Superland 65&80

Máy thổi khí: Máy thổi khí ôxy có chức năng thổi, sục, phân phối khí ôxy trong ao, hồ… Ngoài ra, máy thổi khí còn có chức năng cải thiện hàm lượng ôxy trong ao nuôi, việc cung cấp đủ ôxy sẽ tạo điều kiện cho các vi sinh vật có lợi giúp ích cho vật nuôi trong ao cùng phát triển.

Sục lũi chân vịt-Tua bin: Sục máy sục khí chìm, sục lũi, sục đáy, sục chân vịt hoạt động hiệu quả ở độ sâu 1 – 3 m nên có thể cung cấp ôxy ở tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy. Tránh hiện tượng phân tầng nước về nhiệt độ và ôxy hòa tan giúp cá tôm khỏe mạnh, tăng sức đề kháng với bệnh tật.

 Ứng dụng nền F2S:

Sử dụng cùng lúc 2 máy thổi khí trên cùng một motor, giúp giảm chi phí 1 motor và lượng điện năng tiêu thụ.

 

Sản phẩm tạo dòng ao tròn nổi

Để đảm bảo được lượng ôxy cung cấp cho ao nuôi, bộ quạt là sản phẩm không thể thiếu cho tạo dòng ôxy. Hiện, các dàn quạt có đầy đủ từ 4,6…18 cánh. Tạo dòng chảy lưu lượng lớn, sản sinh và khuếch tán ôxy.

Nguồn http://contom.vn/

Quảng Ninh đảm bảo 100% tôm sạch

ao nuôi tôm
Quảng Ninh phát triển nuôi tôm công nghiệp.

Việc áp dụng mô hình nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) ngay từ những công đoạn nuôi sẽ góp phần nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm sạch hướng tới quy mô xuất khẩu.

Nỗi ám ảnh về an toàn thực phẩm

Chị Hà Kiều Trang ở Khu 4 tổ 3 phường Hồng Hà, TP Hạ Long làm công việc nội trợ. Giống như nhiều người phụ nữ khác, chị rất chăm chút cho bữa cơm hàng ngày của gia đình. Mặc dù, sống ở vùng biển Quảng Ninh, song rất ít khi chị ra chợ trong khu vực để mua hải sản tươi sống, thay vào đó chị lựa chọn các siêu thị, cửa hàng bán đồ hải sản chế biến sẵn.

Chị Trang cho biết, sử dụng tôm có nguồn gốc từ siêu thị sẽ yên tâm hơn, đảm bảo ATTP cho cả gia đình.

Tuy nhiên, sau khi biết được ở Quảng Ninh có quy trình nuôi tôm sạch, chị đã tìm hiểu rất kỹ và bắt đầu lựa chọn sản phẩm địa phương tại các chợ lớn. Chị Trang cho biết thêm, cũng chỉ vì quá sợ những hình ảnh trên phương tiện đài, báo, chứng kiến hoạt cảnh tôm bơm hóa chất, tẩm thuốc kích thích và bày bán tại các chợ khiến chị cũng như nhiều người rất e ngại.

“Nhưng qua tìm hiểu tôi đã biết đến quy trình nuôi tôm đảm bảo ATTP nên hoàn toàn yên tâm. Đến nay, tôi đã có kiến thức trong việc lựa chọn tôm sạch”, chị Trang nói.

Còn chị Phạm Bích Hà, tiểu thương tại chợ Hạ Long 1, chuyên bán các sản phẩm tôm thì khẳng định: Tôi bán tôm cả chục năm nay, ngày nào cũng nhập tôm tươi sống từ các địa phương lân cận như Móng Cái, Quảng Yên. Quá trình vận chuyển đảm bảo tôm còn sống nguyên, đem đến chợ thả vào thùng xốp lớn rồi sục o-xy, tôm vẫn bơi như bình thường. Nếu có bơm tạp chất chỉ đối với tôm đã chết, chứ tôm các hộ bán ở đây chỉ như mang từ ao đầm thả vào bể, quy trình hoàn toàn tự nhiên.


Tôm nuôi đảm bảo ATTP được bày bán tại các chợ Hạ Long.

Được biết, từ năm 2018, ngành nông nghiệp Quảng Ninh phát triển dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo ATTP” với mục tiêu là áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) vào mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, nhằm khắc phục nhược điểm của quá trình quản lý, hạn chế bệnh dịch, giảm chi phí và đảm bảo môi trường nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến và XK.

Nuôi tôm sạch

Sau 2 năm thực hiện, mô hình đã thể hiện được ưu điểm vượt trội so với hình thức nuôi truyền thống. Mô hình không những đạt được về giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa lâu dài trong nghề phát triển nuôi tôm. Toàn bộ quy trình được kiểm soát chặt chẽ. Mục tiêu của mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo ATTP là phát triển nuôi bền vững không lạm dụng thuốc kháng sinh, đảm bảo ATTP gắn kết giữa người sản xuất và DN, nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm. Hình thức nuôi này hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp (chủ yếu là thức ăn viên có chất lượng cao). Có quy định về mật độ thả giống, diện tích nuôi và các phương tiện quản lý, vận hành.

Anh Nguyễn Văn Thông, phường Minh Thành (TX Quảng Yên) cho biết, anh mới áp dụng hình thức nuôi bán thâm canh đảm bảo ATTP do Sở NN-PTNT Quảng Ninh chuyển giao được nửa năm nay.

Trong diện tích nuôi gần 5.000m2, do không có nhiều vốn đầu tư, anh đã áp dụng hình thức nuôi bán thâm canh và thả giống tôm sú trong vùng hạ triều.

Mặc dù cùng với mật độ thả con giống tương tự như kỹ thuật nuôi thâm canh phổ thông, tức là 15 con giống/m2, song sau 3 tháng mô hình cho hiệu quả rất cao. Tổng sản lượng thu đạt 1,68 tấn/ha, cỡ tôm đạt 36 con/kg, sau khi trừ các chi phí cho lãi 140 triệu đồng/ha.

“Đây là cách nuôi thiên về kỹ thuật. Điểm mấu chốt là rất hạn chế việc sử dụng hóa chất, chủ yếu sử dụng khoáng, vi sinh ổn định môi trường”, anh Thông nói.


Thu hoạch tôm.

Tương tự, tại vùng nuôi phường Tân An (TX Quảng Yên), các hộ tham gia mô hình cũng thu được kết quả khả quan. Ông Vũ Văn Dũ, chủ cơ sở nuôi tôm tại đây cho biết, với diện tích 1ha nuôi vùng cao triều, ông thu hơn 2,4 tấn, lợi nhuận hơn 180 triệu đồng. Tôm lớn, khỏe, đồng đều, kích cỡ 35 con/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, hầu hết các mô hình nuôi tôm ATTP triển khai trên địa bàn tỉnh đều đạt hiệu quả. Mô hình thành công trên cả 3 phương diện: năng suất cao, hệ số thức ăn FCR thấp, bảo đảm ATTP. Đây cũng là cách giúp nông dân nhìn nhận về nuôi tôm an toàn sinh học, tránh lạm dụng hóa chất, kháng sinh, đáp ứng nhu cầu ATTP ngày càng cao.

“Chính từ những bước đệm này, người dân hoàn toàn có thể hiểu rõ tầm quan trọng của đảm bảo ATTP đối với thị trường. Khi đã làm đầy đủ, chúng ta sẽ đi dần lên quy mô và tiếp theo là sẵn sàng đáp ứng đối với các thị trường khó tính XK”, ông Công nói.

Hướng tới sản phẩm sạch, công nghệ nuôi quảng canh hiện đang là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên do chưa được quan tâm đầu tư dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa đồng đều.
Ghi nhận tại Quảng Ninh, mặc dù các hộ dân có diện tích lớn nhưng không tương xứng với sản lượng và giá trị. Vậy nên, địa phương này lựa chọn mô hình nuôi bán thâm canh đảm bảo ATTP áp dụng cho cả 2 loài, gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Anh Thắng Nông nghiệp Việt Nam

Hệ thống truy xuất nguồn gốc cho tôm nuôi tại Mexico sẽ được triển khai trong năm tới – 2020

Hệ thống truy xuất nguồn gốc trên máy vi tính cho các mặt hàng nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản (SITMA) sẽ tập hợp thông tin từ các nghiên cứu được thực hiện bởi Conapesca, Senasica và các nhà sản xuất tôm nuôi trên toàn Mexico.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc cho tôm nuôi tại Mexico sẽ được triển khai trong năm tới – 2020

Ảnh minh họa

Ủy ban Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Quốc gia (Conapesca) đã phối hợp với Tổ chức Dịch vụ Quốc gia về Chất lượng Nông sản và An toàn thực phẩm (Senasica) phát triển Chương trình truy xuất nguồn gốc cấp Quốc gia cho tôm nuôi ở Mexico, với mục tiêu cập nhật quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ loài giáp xác này.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc trên máy vi tính cho các mặt hàng nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản (SITMA) bao gồm một Phụ lục liệt kê các chuỗi nuôi tôm. SITMA có chức năng cung cấp thông tin đã được cập nhật cho khu vực sản xuất, giúp các nhà sản xuất tôm trên toàn Mexico hoạt động hiệu quả hơn; đồng thời khẳng định vị thế của tôm nuôi Mexico trên trường quốc tế.

Hệ thống này dự kiến ​​sẽ hoạt động kể từ quý đầu tiên của năm tới (2020) ngay khi các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất tôm nuôi kết thúc.

Luis Miguel Flores Campaña – Điều phối viên chung của Chiến lược vận hành và thể chế của Conapesca, đã giải thích rằng: Đối với người tiêu dùng, SITMA sẽ đảm bảo giám sát sản phẩm từ nơi sản xuất cho đến khi được tiêu thụ tại gia đình (hoặc nhà hàng) thông qua các Nhãn thông tin được gắn mã QR.

Ông cũng cho biết, các nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản sẽ được quyền truy cập vào Hệ thống SITMA để lấy thông tin về sự cạnh tranh sản phẩm của họ, nắm rõ đặc tính của các sản phẩm và lộ trình của sản phẩm (cho đến khi chúng ra đến thị trường) và những khía cạnh khác liên quan đến sản phẩm. Thông tin này sẽ được xác minh bởi Conapesca và Senasica, là những tổ chức có trách nhiệm cập nhật dữ liệu cho Hệ thống SITMA.

Để đảm bảo chắc chắn hơn về khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi chúng được xuất khẩu, SITMA sẽ liên hệ trực tiếp với Cơ quan Quản lý An toàn Nông nghiệp Quốc tế (OIRSA). Còn tại thị trường trong nước, sẽ tiến hành giám sát sản phẩm tôm từ điểm sản xuất đến quốc gia nhập khẩu, với mục tiêu trung hạn là tạo được hình ảnh cho tôm Mexico tại thị trường châu Á và châu Âu.

Ngọc Thúy (Theo FIS)

Thức ăn tôm thẻ từ phụ phẩm cá rô phi ủ chua

Với tỷ lệ bổ sung lên tới 6%, phụ phẩm cá rô phi ủ chua không ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của tôm, hứa hẹn trở thành nguồn protein tiềm năng thay thế bột cá.

Giá rẻ, dễ chế biến

Thử nghiệm được thực hiện tại Đại học liên bang nông nghiệp Semi Arido (IFERSA, RN), Brazil. Hai hệ thống riêng thiết lập theo Emerenciano et al. (2007) gồm một hệ thống biofloc (BS) và một hệ thống nước sạch (CWS). Tiến hành thử nghiệm với TTCT con (1,43 ± 0,33 g/con) mua từ một trại giống thương phẩm và nuôi lớn dưới điều kiện phòng thí nghiệm trong 40 thùng nhựa chữ nhật (27x37x54 cm), thể tích 40 lít; mật độ 63 con/m³ (12 tôm/thùng).

Tôm được thả ngẫu nhiên, nuôi 45 ngày; 4 bể nuôi lặp lại được chỉ định ngẫu nhiên cho mỗi thử nghiệm. Thử nghiệm dựa trên tỷ lệ % bổ sung cá rô phi ủ chua (0% hoặc đối chứng; 1,5%; 3%; 4,5% và 6%) trong hệ thống BS hoặc CWS, gồm tất cả 10 nghiệm thức.

Cá rô phi ủ chua dùng trong nghiên cứu được sản xuất tại Phòng thí nghiệm Công nghệ thủy sản và kiểm soát chất lượng (LAPESC/UFERSA) từ phế phẩm fillet cá rô phi sông Nile, gồm đầu, xương, da, vây và nội tạng. 5 khẩu phần thử nghiệm được xây dựng công thức theo isocaloric và isoproteic. Tỷ lệ bổ sung cá ủ chua từ 0% đến 6%. Nhìn chung, tỷ lệ bổ sung cá ủ chua thấp vì chứa hàm lượng protein cao (37,4%).

 

Kích thích tăng trưởng

Tỷ lệ biến đổi thức ăn (FCR) trong hệ thống BS thấp hơn đáng kể (1,35) so với hệ thống CWS (1,65). Theo xu hướng này, trọng lượng thân cuối trung bình và tỷ lệ tăng trưởng riêng (SGR) bị ảnh hưởng bởi hệ thống nuôi nhưng không bị chi phối bởi khẩu phần ăn: hệ thống BS có giá trị cao hơn (7,17 g/con và 2,01%) so hệ thống CWS (6,35 g/con và 1,82%).

Trong điều kiện thử nghiệm của nghiên cứu này, có thể bổ sung phụ phẩm cá rô phi ủ chua theo tỷ lệ cao nhất (6%) ở cả hai hệ thống BS và CWS mà không làm giảm hiệu suất tăng trưởng hay tỷ lệ sống của tôm. Nói cách khác, trong hệ thống nuôi BS, tôm đạt hiệu suất tăng trưởng tốt hơn so CWS, có thể do các thức ăn tự nhiên trong hệ thống BS tiếp tục phát huy sinh khả dụng như vi khuẩn, vi tảo, protozoa, nematode, copedpod và rotifer – những nguồn dinh dưỡng giàu chất béo, vitamin và axit amin và protein tự nhiên.

Protein tự nhiên chính nói trên chủ yếu trong thức ăn sống. Cần lưu ý, các nguồn protein vi khuẩn có vai trò quan trọng trong cân bằng; đồng thời ăn các vật chất hữu cơ đặc biệt và phân tôm. Sự xâm chiếm của vi khuẩn này vào đường ruột của của tôm đã mang lại tác động tích cực như cải thiện hoạt tính của các enzyme tiêu hóa, tăng sinh khả dụng cho các enzyme ngoại bào hoạt động như probiotic tự nhiên.

Hiện chưa có tài liệu tham khảo về sử dụng phụ phẩm cá rô phi ủ chua trong khẩu phần ăn của TTCT nuôi trong hệ thống biofloc. Nhưng chỉ cần bổ sung một hàm lượng thấp cá ủ chua vào thức ăn tôm do phụ gia này chứa hàm lượng béo cao. Bổ sung cá ủ chua theo tỷ lệ cao nhất 6% vẫn được các chuyên gia khuyến nghị như một giải pháp làm giảm chi phí thức ăn tôm. Trong nghiên cứu về TTCT nuôi bằng hệ thống nước sạch, một số chuyên gia đã đánh giá thức ăn chứa cá ủ chua; cá ủ chua bổ sung khô đậu và cá ủ chua như nguồn protein chính. Theo các chuyên gia này, tôm được ăn theo khẩu phần bổ sung cá ủ chua trộn khô đậu sẽ tăng trưởng 7 g/tuần, cao hơn so tôm chỉ ăn cá rô phi ủ chua (0,3 g/tuần). Tuy nhiên, trong nghiên cứu của IFERSA, RN thì ở điều kiện biofloc, tôm ăn cá rô phi ủ chua lại đạt tăng trưởng 0,9 g/tuần. Ngoài ra, theo IFERSA, RN, FCR ở hệ thống nuôi BS và CWS lần lượt đạt giá trị 1,3 và 1,6; thấp hơn so giá trị FCR 2,8 và 2,5 quan sát được bởi các chuyên gia sử dụng khẩu phần ăn cơ bản chứa protein đậu tương và khẩu phần chứa hàm lượng đạm thấp trong điều kiện nuôi biofloc.

 

Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá tôm ủ chua trong nuôi cá rô phi và kết luận: Với tỷ lệ bổ sung 2,75% tôm ủ chua sẽ góp phần giảm 3,3% chi phí thức ăn mà không ảnh hưởng xấu đến hiệu suất tăng trưởng của cá. Tương tự, các nhà nghiên cứu khác đã thử nghiệm đầu tôm ủ chua (xấp xỉ 40% protein) để thay thế bột cá trong khẩu phần ăn của cá rô phi theo tỷ lệ 0%; 33,3%; 66,6% và 100% trong thức ăn hàng ngày. Kết quả, tôm ủ chua cũng có khả năng thay thế 100% bột cá, với nhiều lợi thế về kinh tế mà không ảnh hưởng xấu tới chất lượng thức ăn.

>> Theo các phân tích gần đúng, cá rô phi ủ chua chứa 83,8% vật chất khô, 33,7% protein thô, 37,4% chất béo thô và 21,5% tro dựa theo vật chất khô. Về hiệu suất tăng trưởng của tôm, không phát hiện sự tương quan giữa hệ thống nuôi và khẩu phần ăn. Tỷ lệ sống không bị ảnh hưởng bởi hệ thống nuôi hoặc khẩu phần ăn và đều đạt trung bình trên 85% trong tất cả các nghiệm thức.

Dũng Nguyên (Theo GAA)

Thảo dược điều trị bệnh phân trắng ở tôm

Dựa trên nghiên cứu và khảo sát thực tế, một nhóm nghiên cứu từ Ấn Độ đã giới thiệu năm loại thảo dược có thể phòng ngừa bệnh và hỗ trợ điều trị phân trắng trên tôm.

Chanh tây

Trong thành phần của quả chanh tây có chứa nhiều Vitamin C và kali, nước cốt chanh vàng có khả năng chống vi khuẩn, ngăn ngừa ôxy hóa và nhiễm trùng. Kết hợp nước chanh với thức ăn có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng của tôm. Các hợp chất hóa học trong thành phần cấu tạo của chanh ngăn sự phân hủy chất độc trong ruột tôm để tránh hấp thụ độc tố và vận chuyển đến gan tụy. Acid acetic trong chanh có thể phá hủy màng tế bào mầm bệnh, gây tổn thương tế bào từ đó ức chế sự phát triển của mầm bệnh.

Sử dụng 50 ml nước cốt chanh trộn với 1 kg thức ăn. Để khô trong 30 phút ở nơi ít ánh sáng trước khi cho ăn.

 

Tỏi

Tỏi không những giàu Vitamin B1, B2, B3, B6, folate, Vitamin C, canxi, sắt, magie, mangan, phốt pho, kali, natri, kẽm… mà còn chống lại nhiều loại virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng nhờ vào các hoạt chất như alliin, ahoin, allicin và allistain. Chiết xuất tỏi già còn có tác dụng kháng khuẩn và bảo vệ gan ở tôm.

Dùng 20 g tỏi nghiền nát được trộn với 50 ml chất kết dính thức ăn, sau đó trộn với 1 kg thức ăn. Để khô trong 30 phút ở nơi ít ánh sáng trước khi cho ăn.

 

Gừng 

Gừng đã được chứng minh có hiệu quả trong việc kiểm soát các bệnh do vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng trong nuôi trồng thủy sản nhờ tác dụng kháng khuẩn, chống ôxy hóa, thúc đẩy tăng trưởng và kích thích miễn dịch đối với vật nuôi.

Các hợp chất phenolic trong gừng giúp làm giảm kích thích đường tiêu hóa (GI) do WFS gây ra, kích thích sản xuất mật, ức chế co bóp dạ dày khi thức ăn và chất lỏng di chuyển qua đường ruột ở tôm. Đồng thời, gừng cũng có tác động đến các enzyme tiêu hóa của tôm và làm tăng khả năng hoạt động của hệ tiêu hóa. Điều này cho thấy gừng có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát tác động của hội chứng phân trắng (WFS) trong hệ thống tiêu hóa tôm.

Nghiền nát 20 g gừng và trộn với 50 ml chất kết dính thức ăn, sau đó trộn với 1 kg thức ăn. Để khô trong 30 phút ở nơi ít ánh sáng trước khi cho ăn.

 

Đường thốt nốt 

Thành phần dinh dưỡng của đường thốt nốt bao gồm protein chất béo, carbohydrate, Vitamin C, khoáng chất (phốt pho, sắt, axit nicotinic, Vitamin B1, riboflavin…). Đường thốt nốt kích hoạt các enzyme tiêu hóa và các chức năng của dạ dày từ đó tăng tốc độ tiêu hóa, làm trơn quá trình, cuối cùng làm giảm căng thẳng hệ tiêu hóa. Đường thốt nốt cũng có tác dụng làm sạch gan tụy bằng cách loại bỏ các độc tố có hại khỏi cơ thể tôm nuôi. Ngoài ra, đường thốt nốt còn chứa chất chống ôxy hóa và các khoáng chất như kẽm và selen, từ đó giúp ngăn ngừa các gốc tự do, tăng cường sức đề kháng để tôm chống lại WFS.

Cách dùng: Hòa 1 kg bột đường thốt nốt vào 1 lít nước, đun sôi đến khi hòa tan. Để nguội, dùng 30 ml hỗn hợp đường thốt nốt trên trộn với 1 kg thức ăn. Để khô trong 15 phút ở nơi ít ánh sáng trước khi cho ăn.

 

Đậu mười 

Đây là loài quả rất giàu chất xơ có thể giúp cải thiện tiêu hóa. Các hợp chất trong đậu mười bao gồm flavonoid, alkaloids, glycoside, phenolics, saponin, tannin và vitexin giúp chống ôxy hóa, hỗ trợ các vấn đề về gan và thoái hóa thần kinh. Với hoạt tính sinh học phong phú, axit amin và các khoáng chất khác, đậu mười có tác dụng kích thích tăng trưởng, hoạt động như chất chống ôxy hóa, bảo vệ gan và kiểm soát WFS ở tôm.

Phương pháp sử dụng: Nghiền 50 g đậu mười với 30 ml chất kết dính thức ăn, sau đó trộn với 1 kg thức ăn. Để khô trong 30 phút trước khi cho ăn.

Nguyễn Hằng(Tổng hợp)

Theo http://contom.vn/

Israel: Nuôi tôm công nghiệp RAS trên cạn

Sau 3 năm nghiên cứu tại các trung tâm R&D ở Israel, Công ty Công nghệ NTTS AquaMaof đã ứng dụng thành công công nghệ RAS nuôi tôm công nghiệp trên cạn với tỷ lệ sống cao và sạch bệnh. Công nghệ này sẽ có mặt trên thị trường toàn cầu vào năm sau.

AquaMaof, công ty công nghệ nuôi thủy sản RAS trong nhà hàng đầu thế giới đang thực hiện dự án phát triển hệ thống nuôi tôm trên cạn tại miền nam Israel. Là một doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghệ NTTS, AquaMaof đã ứng dụng thành công công nghệ RAS độc quyền của hãng để nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô công nghiệp với kết quả tỷ lệ sống cao và sạch bệnh.

Đến nay, AquaMaof đã đạt hơn 300 triệu USD từ giao dịch mua bán trên toàn cầu, đi đầu ngành công nghiệp nuôi thủy sản trên cạn với hàng chục cơ sở sản xuất trên khắp thế giới. Công nghệ RAS của AquaMaof cung cấp một giải pháp nuôi và thu hoạch có trách nhiệm với cá và các loại hải sản.

Protein trong tôm, cá luôn tốt cho sức khỏe hơn các loại thịt khác. Do đó, nhu cầu tiêu thụ tôm và thủy sản ngày một tăng cao trên toàn cầu. Tính riêng khối lượng, thị trường tôm tiêu thụ khoảng 4,66 triệu tấn tôm vào cuối năm 2018 và dự kiến tăng lên 5,83 triệu tấn vào năm 2024. Tuy nhiên, các ao nuôi tôm truyền thống không đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nói trên do dịch bệnh bùng phát liên tục và tỷ lệ tôm chết cao. Từ đó, nhu cầu phát triển công nghệ nuôi tôm trên cạn bắt đầu tăng.

AquaMaof đã phát triển giải pháp khắc phục thành công các thách thức nói trên. Sau 3 năm nghiên cứu, Công ty tuyên bố đã sẵn sàng ra mắt công nghệ nuôi tôm trên cạn RAS vào đầu năm sau. Trong hệ thống này, AquaMaof nuôi tôm mật độ cao thành công, đạt tỷ lệ sống cao, FCR thấp và trong một môi trường hoàn toàn sạch bệnh với số lượng vi khuẩn được tìm thấy trong nước bể nuôi cực kỳ thấp. Ngoài ra, công nghệ mới của AquaMaof giúp kiểm soát màu sắc của tôm và di truyền của chúng thuận lợi, thúc đẩy sản xuất tôm chất lượng cao. Công nghệ mới của hãng cũng tạo điều kiện thu hoạch tỉa theo kích cỡ khác nhau, trong khi vẫn duy trì chi phí vận hành trang trại ở mức thấp.

“Cách đây 3 năm, chúng tôi đã bắt đầu nhận ra nhu cầu tiêu thụ tôm trên toàn cầu ngày càng gia tăng, cũng như nhiều thách thức mà ngành nuôi tôm truyền thống đang phải đối mặt. Chúng tôi quyết định ứng dụng công nghệ tích hợp RAS trong môi trường khép kín, giúp giải quyết các thách thức của ngành nuôi tôm truyền thống hiện nay, và trở thành công ty đầu tiên trên thế giới vượt qua được các nhược điểm của hệ thống nuôi tôm truyền thống như nuôi tôm mật độ cao nhưng không tác động tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng; đồng thời vẫn duy trì môi trường sạch bệnh” theo David Hazut, Tổng Giám đốc AquaMaof.

AquaMaof cũng tuyên bố công nghệ RAS cung cấp giải pháp nuôi và thu hoạch có trách nhiệm với nhiều đối tượng nuôi, ngoài con tôm. AquaMaof cũng xúc tiến nuôi thủy sản bền vững từ công nghệ tái sử dụng nước đã được cấp bằng độc quyền sáng chế và tiêu thụ ít năng lượng. Toàn bộ hệ thống nuôi của hãng đều nói không với kháng sinh, hóa chất hoặc hormone. Với công nghệ RAS tích hợp của AquaMaof, nông dân có thể nuôi tôm quanh năm. Các công nghệ của hãng đã có mặt tại Ba Lan, Nga, Nhật Bản, Đức, Slovakia, Na Uy và Đông Nam Á.

Dũng Nguyên (Theo Intrafish)

Phòng và xử lý EHP

Bệnh vi bào tử trùng Microsporidian trên tôm do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra, chúng tấn công tôm bằng cách phá hủy hệ tiêu hóa của tôm. Phòng bệnh được xem là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn những thiệt hại lớn từ EHP gây ra cho tôm nuôi.

EHP phá hủy hệ tiêu hoá của tôm

Chẩn đoán bệnh

Việc phát hiện bệnh có thể dùng các công cụ phát hiện gene của vi bào tử trùng  như PCR (polymer chain reaction), LAMP (Loop-mediated isothermal amplication) để kiểm tra mẫu lấy từ phân tôm hoặc tôm post bị nhiễm. Kính hiển vi có thể sử dụng để soi mẫu nhưng khó phát hiện hơn vì bào tử có kích thước rất nhỏ bé.

 

Khống chế bệnh

Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Do đó, chỉ có thể đối phó với EHP bằng các giải pháp kết hợp đồng bộ: Kiểm soát an toàn sinh học từ trại giống đến chuẩn bị ao nuôi và sau đó là các giải pháp quản lý ao nuôi tốt. Việc kiểm tra, kiểm soát mầm bệnh từ tôm giống hết sức quan trọng. Tôm giống có thể được kiểm soát xem có nhiễm EHP bằng phương pháp PCR.

Ở trại nuôi, công tác chuẩn bị ao có vai trò rất quan trọng. Do EHP có sức chống chịu tốt đối với các phương pháp khử trùng thông thường nên khó loại mầm bệnh ra khỏi hệ thống. Theo khuyến cáo nên sử dụng vôi nóng (CaO) để xử lý ao để có thể đạt độ pH đáy ao trong quá trình cải tạo cao hơn 11 – 12 để loại bỏ mầm bệnh EHP.

 

Kiểm soát giống

Ở trại tôm giống, sự kiểm soát thông thường với mầm bệnh virus phải tập trung hơn nữa công tác an toàn sinh học theo hướng tích cực phòng bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng. Trại giống phải có khu cách ly và có sự kiểm soát chặt mầm bệnh do virus, EMS/AHPND và EHP trước khi đưa vào sản xuất. Tôm giống cũng cần đáp ứng được các tiêu chuẩn chung về sức khỏe và chất lượng.

Những mẫu tôm yếu hơn nên được thu nhận, bảo quản trong cồn 95% và gửi tới một phòng kiểm nghiệm uy tín để thực hiện xét nghiệm PCR. Một số phương pháp chẩn đoán khác cũng có thể cần được thực hiện, ví dụ như soi tươi, chẩn đoán mô bệnh học hoặc phương pháp khuyếch đại đẳng nhiệt đặc hiệu để xét nghiệm phân của tôm giống.

Với thức ăn tươi, nên kiểm soát kỹ mầm bệnh, không nên sử dụng thức ăn tươi đánh bắt từ khu vực gần trại giống, vùng nuôi, cho ăn trực tiếp.

Việc kiểm soát mầm bệnh bằng phương pháp PCR nên được xuyên suốt quá trình sản xuất giống. Ngoài ra, các phương pháp ương nuôi ấu trùng theo sinh học, vi sinh nên được ứng dụng để khống chế các bệnh do vi khuẩn như EMS/AHPND.

 

Quản lý ao nuôi

Sự lây nhiễm EHP có thể lan ra rất nhanh chóng tại các ao tôm trong quá trình nuôi. Việc tích cực giảm thiểu tích tụ của bào tử có thể làm giảm mức độ nguy hại của EHP, do đó bùn lắng của ao phải được xử lý đúng cách trước khi thả giống. Bước đầu tiên trong việc chuẩn bị ao là loại bỏ những vật chất hữu cơ lắng đọng. Nếu ao được lót bạt, bùn có thể được loại bỏ bằng cách phun rửa áp lực. Nếu ao nền đất, bùn có thể được nạo vét và đất sẽ được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời và cày xới lại.

Để loại trừ thêm bào tử, toàn bộ đáy ao nên được xử lý bằng dung dịch acid với pH nhỏ hơn 4 hoặc bằng dung dịch kiềm với pH lớn hơn 12. Ao nền đất được khuyến nghị là nên khử trùng bằng vôi sống với tỷ lệ 6.000 kg/ha hoặc hơn. Đáy ao phải khô hoàn toàn. Cày lấp vôi vào trong các lớp bùn lắng khô đến độ sâu từ 10 – 12 cm, sau đó làm ẩm bùn lắng để hoạt hóa vôi. Khi đất đã được làm ẩm, pH sẽ tăng lên 12 hoặc hơn trong vài ngày và sau đó sẽ từ từ trở về bình thường khi vôi sống biến đổi thành calcium carbonate.

Nếu các cơ sở không gặp vấn đề tái nhiễm liên tục từ những ao lân cận thì có thể không cần phải khử trùng ao giữa các vụ nuôi. Sự thay đổi về tốc độ tăng trưởng của tôm giữa các vụ nuôi là một chỉ điểm tốt về lượng bào tử EHP.

 

Trong giai đoạn nuôi

Sau khi kiểm tra đáy ao thấy pH đã trở lại bình thường, bón lượng vi sinh cần thiết để giúp phân hủy các chất hữu cơ và hạn chế được sự cạnh tranh của vi khuẩn vibrio trong ao nuôi trước khi thả giống. Trong suốt quá trình nuôi, thường xuyên đưa chất thải ra ngoài bằng hệ thống xi phông. Giữ màu nước ổn định có các chỉ số như pH, độ kiềm, ôxy, NH3, H2S… nằm trong ngưỡng phù hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển.

Liên tục kiểm tra chất lượng tôm; đặc biệt là lúc kiểm tra nhá ăn của tôm để xem mức độ ăn và di chuyển của tôm, độ đục cơ, bao gồm kích cỡ và màu gan, tụy. Nếu có tình trạng bất bình thường thì nhanh chóng giải quyết. Cho ăn những thức ăn mới sản xuất và có chất lượng đảm bảo, đúng nhu cầu của tôm theo từng độ tuổi. Cải tiến thức ăn, vitamin, chất dinh dưỡng và chất bổ sung khác giúp cải thiện tình trạng tôm. Nên lưu tâm đặc biệt về gan, tụy để giúp tôm có sức đề kháng cao và tỷ lệ sống sót cao. Ghi chú thông tin một cách chi tiết các bước quy trình nuôi. Sử dụng những thông tin đó để cải thiện việc nuôi tôm ngày càng phát triển hơn.

>> Khi thấy tôm có biểu hiện chậm lớn ở hơn 50% số ao nuôi thì cần xem xét đến việc thu hoạch, làm khô và khử trùng toàn bộ trại nuôi. Việc thu hoạch một phần có thể không những giúp giảm nhẹ tải lượng hữu cơ mà còn tạo ra thu nhập để giảm rủi ro về mặt tài chính.

Hoàng Ngân

Theo http://contom.vn/