Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Tuy Phong (Bình Thuận): Sản xuất tôm giống đạt 23,7 tỷ post

Tuy Phong (Bình Thuận): Sản xuất tôm giống đạt 23,7 tỷ post

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 17/12/2019

Tuy Phong là huyện đứng đầu sản xuất tôm giống của tỉnh Bình Thuận, với lợi thế và tiềm năng sẵn có về biển, đến nay Tuy Phong đã hình thành khu sản xuất tôm giống tập trung nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, năng lực sản xuất lớn hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất giống thủy sản.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 141 cơ sở/783 trại sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, riêng huyện Tuy phong có 118 cơ sở/737 trại sản xuất, chiếm 83,7% tổng số cơ sở sản xuất giống toàn tỉnh. Các cơ sở chủ yếu sản xuất và ương giống tôm thẻ chân trắng, một số ít sản xuất giống tôm sú. Hầu hết các cơ sở sản xuất giống tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Tân và một số ít tại xã Chí Công.

Hiện nay, tôm giống Tuy Phong được cung cấp đi tất cả các tỉnh, thành có nuôi tôm trong cả nước, nhất là các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, được các tỉnh đánh giá có chất lượng tốt. Để giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ, trong những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn huyện đã đầu tư sửa chữa, xây dựng khang trang về cơ sở vật chất, mở rộng qui mô sản xuất, chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại và đội ngũ kỹ thuật lành nghề, sản xuất tôm giống theo hướng có chất lượng cao, kháng bệnh, không sử dụng kháng sinh, có uy tín, thương hiệu trên thị trường cả nước. Hàng năm, sản lượng tôm giống sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn huyện Tuy Phong bình quân đạt trên 20 tỷ con/năm, chiếm tỷ lệ từ 95 – 98% sản lượng tôm giống toàn tỉnh.

Năm 2019, toàn huyện đã sản xuất được 23,7 tỷ post, đạt 100% kế hoạch năm và bằng 102,86% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2020 Tuy Phong sẽ tiếp tục thực hiện chỉ tiêu sản xuất tôm giống đạt 24 tỷ post .

Kim Anh

Giá tôm 17/12/2019

 

Giá tôm khu vực Châu Thành

=> Long An ngày 17/12/2019 :

30c giá 180.000 -185.000
40c giá 150.000
50c giá 130.000
60c giá 120.000
70c giá 115.000
80c giá 110.000
90c giá 105.000
100c giá 100.000.

Giá thẻ  17/12 tại Mỹ Xuyên-Sóc Trăng:
15c: 265.
20c: 240
25c: 192
30c: 167
40c: 148
50c: 132
60c: 122
70c: 120
80c: 115

 

 

Loài tôm vượt biển leo núi để đến suối nước ngọt cao 100m

Loài tôm vượt biển leo núi để đến suối nước ngọt cao 100m

Ustralatya hawkei
Loài tôm ăn lọc mới được tìm thấy ở Úc

Các nhà nghiên cứu ở Queensland (Úc) đã phát hiện ra một loài tôm đặc biệt ở thác nước có độ cao 100m, chúng biến đổi giới tính và và sử dụng lưới ở hai chân trước để lọc sinh vật phù du.

Loài tôm mới được tìm thấy được đặt tên khoa học là Ustralatya hawkei. Loài tôm này dùng những “cái lưới” nhỏ trên hai chân trước để lọc sinh vật phù du làm thức ăn. Chúng chỉ được tìm thấy ở những nơi có nước sạch vì trong nước bẩn, lưới lọc sẽ bị chặn khiến chúng không lọc được sinh vật phù du.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Southern Cross, REST Energy và Đại học Griffith đã phát hiện ra loài này. Tiến sĩ Ben Mos, một nhà sinh vật học biển từ Đại học Southern Cross đã điều tra vòng đời phức tạp của tôm Ustralatya hawkei, ông đã phát hiện ra nhiều điều đáng kinh ngạc.

Tôm Ustralatya hawkei khi vừa sinh ra tất cả đều là giống đực, chúng chuyển đổi giới tính khi chúng đã trưởng thành. Con cái mang trứng dưới bụng cho đến khi trứng nở ra ấu trùng, quá trình sinh sản được diễn ra ở biển, sau đó, tôm con vượt biển trở về suối nước ngọt trên núi cao.  Hành trình sinh sản và trở về của Ustralatya hawkei vô cùng gian nan, các thác nước lớn chỉ là một trong nhiều chướng ngại vật mà chúng phải vượt qua quay trở lại suối nước ngọt.

Ustralatya hawkei đã trèo lên khỏi mặt nước để leo lên những vách đá cao 100 mét bên cạnh thác nước. Đó là một kỳ công tuyệt vời đối với một loài động vật thường sống dưới nước”, Tiến sĩ Mos nói.

Loài tôm này có liên quan chặt chẽ với một loài tôm ăn lọc khác được mô tả lần đầu tiên cách đây gần 100 năm. Ustralatya hawkei có lẽ đã bị bỏ qua cho đến bây giờ vì hai loài trông rất giống nhau. Tuy nhiên, các kỹ thuật di truyền và thống kê hiện đại chứng minh rõ ràng rằng Australatya hawkei là một loài mới sống ở phía bắc Queensland; họ hàng gần của nó, Australatya striolata, sống chủ yếu ở New South Wales và Victoria.

Tiến sĩ Satish Choy, trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu: “Trong tự nhiên có nhiều loài tôm bị đe dọa, thậm chí một số loài đã tuyệt chủng. Chúng ta cần biết có bao nhiêu loài ở ngoài kia để có các giải pháp phù hợp bảo vệ chúng. Các phương pháp phân loại hiện đại đang giúp tìm ra những loài mới không được chú ý vì chúng trông giống với các loài đã được khoa học biết đến. ”

Nguồn : Hoài An – Tép Bạc

Tăng cường công tác quản lý và xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

Tăng cường công tác quản lý và xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

Thăm vó
Siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, môi trường nuôi trồng thủy sản.

Sở NN&PTNT Hà Nội vừa ban hành công văn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tăng cường công tác quản lý.

Thời gian qua, việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang phát triển về diện tích và sản lượng với nhiều đối tượng nuôi, như: Cá chép, cá rô phi, cá trắm cỏ, thủy đặc sản… Nhiều mô hình nuôi thủy sản cũng đã chuyển từ bán thâm canh sang thâm canh đạt hiệu quả cao… Cùng với đó là việc sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản tăng lên. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi; rà soát, thống kê các cơ sở trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với Sở NN&PTNT trong công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm thuốc thú y thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản lưu thông trên thị trường.

Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản: Thực hiện kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng; công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất; xử lý, thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật; bồi thường thiệt hại gây ra cho người mua, người nuôi trồng thủy sản.

Các cơ sở được Sở NN&PTNT kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định. Gửi thông tin sản phẩm đến Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) theo quy định trước khi lưu thông sản phẩm trên thị trường. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đối với các sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã được xác nhận trước ngày 1-1-2019 được phép tiếp tục sản xuất, nhập khẩu đến ngày 1-1-2020 và lưu thông, sử dụng đến hết thời hạn sử dụng của sản phẩm. Sở NN&PTNT giao Chi cục Thủy sản Hà Nội tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của các tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố từ ngày 1-1-2020.

Các tổ chức, cá nhân mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm: Kiểm tra, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, độ nguyên vẹn của sản phẩm; dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy nếu có. Thực hiện các biện pháp bảo quản chất lượng sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhằm duy trì chất lượng sản phẩm. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về điều kiện cơ sở, chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật; xử lý, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm, bồi thường thiệt hại gây ra cho người nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.

Đối với tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y phải bảo đảm các điều kiện: Có giấy GCN đăng ký kinh doanh hoặc GCN đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm, cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp; người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y phải có chứng chỉ hành nghề thú y; có GCN đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.

Đối với các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; cơ sở buôn bán thuốc thú y thủy sản nếu trước ngày 01-01-2020 không thực hiện các quy định nêu trên, Chi cục Thủy sản Hà Nội tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý theo quy định hiện hành.

Phương Lai Thương trường

Gia tăng các gen kháng kháng sinh trong nuôi thủy sản tuần hoàn

Gia tăng các gen kháng kháng sinh trong nuôi thủy sản tuần hoàn

kháng kháng sinh
Vi khuẩn kháng thuốc gia tăng trong hệ thống nuôi tuần hoàn

Vi khuẩn kháng kháng sinh bắt đầu gia tăng trong hệ thống nuôi tuần hoàn, vốn đang là kỹ thuật điển hình để giảm sự ảnh hưởng của kháng sinh và các gen kháng thuốc.

Kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản vì chúng có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng và ức chế các bệnh do vi khuẩn gây ra. Khi diện tích nuôi trồng lớn, đi kèm với đó là việc lạm dụng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng.

Sử dụng kháng sinh là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, xuất hiện các gen kháng kháng sinh (gen kháng thuốc) làm cho việc kiểm soát mầm bệnh càng khó khăn hơn. Hơn nửa vi khuẩn kháng đa kháng sinh cũng xuất hiện. Do đó, các gen kháng thuốc được các nhà nghiên cứu rất chú ý.

Những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản đã mở rộng quy mô và diện tích cũng như ngày càng tiến bộ trong các nghiên cứu chuyên sâu. Hai hệ thống nuôi điển hình là nuôi thâm canh tuần hoàn nước và nuôi tự nhiên theo hình thức quảng canh. Nước thải với hệ thống tuần hoàn sẽ được tái sử dụng thông qua hệ thống xử lý. Còn trong hệ thống nuôi quảng canh, nước xử lý đơn giản hơn và thải trực tiếp ra môi trường.

Hệ thống nuôi tuần hoàn đã trở thành một mô hình nuôi điển hình phổ biến hiện nay. Với lợi thế sử dụng ít nước, kiểm soát các điều kiện nuôi chặt chẽ, hệ thống nuôi tuần hoàn ven biển đã được đánh giá rất cao. Nhờ lợi thế nước chỉ tuần hoàn trong hệ thống mà không xả ra bên ngoài hoặc xả ra rất ít nên các hệ thống nuôi tuần hoàn được coi là phương pháp quan trọng để ngăn chặn sự ảnh hưởng của kháng sinh và các gen kháng thuốc. Vì kháng sinh được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa dịch bệnh và sử dụng như chất phụ gia thức ăn để thúc đẩy tăng trưởng cho vật nuôi.

Một loạt gen kháng thuốc đã được phát hiện trong nhiều hệ thống nuôi khác nhau và cũng không ngoại trừ hệ thống tuần hoàn nước. Liệu rằng công nghệ xử lý nước trong hệ thống này có làm giảm sự xuất hiện của gen kháng thuốc hay không và các gen này có gây mối đe dọa lớn cho môi trường không?

Để giúp bù đắp một số kiến thức về gen kháng thuốc, nghiên cứu này được thực hiện để điều tra sự phân bố của gen kháng thuốc trong một hệ thống nuôi thủy sản ven biển. Phương pháp PCR được sử dụng để định lượng, phân tích mức độ lan truyền cũng như cung cấp một số lý thuyết hỗ trợ đánh giá việc ảnh hưởng của môi trường đến hệ thống nuôi và phát triển được công nghệ điều trị gen kháng thuốc.

Phương pháp và vật liệu

Các mẫu được thu thập từ một hệ thống nuôi trồng thủy sản tại thành phố Yên Đài, nơi chiếm 1/6 sản lượng hệ thống nuôi thủy sản ven biển ở Trung Quốc. Đây là các mẫu nước nuôi cá hồi Đại Tây Dương, nuôi tuần hoàn 90%, khử trùng bằng tia UV để loại bỏ một phần vi khuẩn trước khi cho vào ao. Các mẫu sau đó thu thập từ hệ thống tuần hoàn được đánh dấu từ R1 đến R7, R1 đến R6 là những mẫu nước nuôi, mẫu chiết tách protein và mẫu nước trong bộ lọc sinh học được chọn lọc, R7 là mẫu phân và thức ăn thừa được tách chiết protein.

Nghiên cứu được thực hiện theo các bước: Ly trích DNA với nồng độ tinh khiết cao, sau đó xét nghiệm PCR để phát hiện gen kháng thuốc. Tiếp theo chuẩn bị thêm 30 gen kháng thuốc bao gồm 3 gen kháng sulfonamid, 18 tetracycline, 4 quinolone và 5 gen kháng macrolide. Sử dụng phương pháp PCR và real time PCR để định lượng gen kháng thuốc. Sau đó giải trình tự gen 16S rRNA của vi khuẩn từ các mẫu DNA chiết xuất và khuếch đại chúng lên nhiều lần. Các mẫu kháng sinh được phân tích bằng phương pháp sắc ký lỏng sau đó tách chiết, phân tích và định lượng. Cuối cùng là phân tích thống kê để xác định mối quan hệ giữa vi khuẩn, kháng sinh và các gen kháng thuốc.

Kết quả và thảo luận

Trong số 30 gen kháng thuốc thử nghiệm thì có 10 gen được phát hiện có hàm lượng cao trong tất cả các mẫu thủy sản. Ở các khu vực nuôi có nhiệt độ khác nhau thì các gen kháng thuốc xuất hiện với tần xuất khác nhau. Các gen kháng sulfonamid là phong phú nhất, có trong tất cả các mẫu, đồng thời phát hiện trong các mẫu trầm tích đáy sông. Kế tiếp là quinolone cũng phát hiện với lượng lớn trong tất cả các mẫu.

Gen Int1 đóng vai trò quan trọng trong sự lan truyền gen kháng thuốc theo chiều ngang giữa các vi khuẩn, nó như các vector truyền. Int1 được tìm thấy rất nhiều trong các trại nuôi. Điều đó cho thấy rằng khả năng lan truyền của các gen kháng thuốc trong trại nuôi là rất lớn.

Nồng độ kháng sinh quinolone, tetracycline và marcrolide trong nước thử nghiệm tương đối cao, chứng tỏ là chúng đã bị kháng lại trong quá trình xử lý nước. Các kháng sinh có mối tương quan với nhau, tuy nhiên không tìm thấy sự tương quan rõ ràng giữa kháng sinh và các gen kháng kháng sinh tương ứng. Nên sự xuất hiện của chúng được suy ra bởi nhiều yếu tố, không chỉ do việc lạm dụng kháng sinh. Sự xuất hiện này cũng được chứng minh là do biến động của một vài yếu tố trong môi trường như P, NH3, NO2, tổng carbon. Theo phân tích cho thấy sự tăng cường tích lũy gen kháng thuốc có thể do sự gia tăng các yếu tố trên trong nước.

Mẫu R7 và nước trong bộ lọc sinh học là các mẫu có hàm lượng gen kháng thuốc nhiều nhất. Do đó, mùn bã hữu cơ đáy ao là nơi dự trữ lớn của nguồn gen này. Và nước trong bộ lọc sinh học là nơi sản sinh quan trọng nhất của chúng. Kiểm tra các mẫu còn lại cho thấy nước nuôi và mẫu tách chiết protein không phải là nơi tăng hàm lượng chính của các gen kháng thuốc. Một số báo cáo trước đây cho thấy rằng việc khử trùng nước bằng Clo và UV sẽ loại bỏ được gen kháng thuốc và các vi khuẩn.

Gen Int1 trong mẫu phân và thức ăn thừa là phong phú nhất. Do đó, sự lan truyền là rất dễ dàng. Các gen này ở nước tầng đáy sẽ cao hơn nước tầng giữa và tầng mặt. Các hệ thống nuôi thương phẩm là nơi dễ sinh ra các gen này. Ngoài ra cũng phát hiện các gen Int1 không sinh ra được trong quá trình ương giống của cá hồi.

Quan điểm

Sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh là nguyên nhân làm xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng thuốc, tuy nhiên cần hiểu đúng là kháng sinh và gen kháng thuốc không có nhiều mối tương quan, mà vi khuẩn mới chính là nguyên nhân sinh ra gen kháng thuốc. Vì vậy, dù không sử dụng kháng sinh, nhưng trong hệ thống nuôi tuần hoàn vẫn xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc. Nghiên cứu cho thấy, khi nuôi tuần hoàn vi khuẩn kháng thuốc sẽ tích lũy một cách đáng kể trong phân và thức ăn ở lớp mùn bã hữu cơ đáy ao. Bên cạnh đó, việc giảm khử trùng bằng tia UV khiến các bộ lọc nước sinh học trở thành nơi sinh ra nhiều gen kháng thuốc nhất.

Nghiên cứu mang lại cái nhìn sâu hơn về vấn đề kháng thuốc trong nuôi thủy sản, từ đó giúp cải thiện các phương thức canh tác hiện tại cũng như phát triển mô hình nuôi mới trong tương lai.

Theo Jian-Hua Wang và cộng sự.

Hà Tử
Đăng ngày: 18/12/2019

Nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng tăng cả về diện tích và sản lượng

Nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng tăng cả về diện tích và sản lượng

Năm 2019 toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi 57.500 ha tôm nước lợ, ước sản lượng đạt hơn 150.000 tấn, vượt gần 11% so với cùng kỳ 2018.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, năm 2019 toàn tỉnh đã thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích 57.500 ha; trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 38.000 ha và tôm sú hơn 19.000 ha. Ước sản lượng đạt hơn 150.000 tấn, vượt gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trong niên vụ nuôi vừa qua, Sóc Trăng cũng xảy ra thiệt hại hơn 5.000 ha, chiếm 8,8% so với diện tích thả nuôi. Nguyên nhân thiệt hại là do các yếu tố môi trường bị biến động, bệnh hoại tử gan tuỵ cấp, bệnh đốm trắng, bệnh phân trắng… Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhận định, tình hình nuôi tôm nước lợ của tỉnh trong năm qua cơ bản thắng lợi về kế hoạch diện tích thả nuôi lẫn sản lượng.

Nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng tăng cả về diện tích và sản lượng - Ảnh 1.

Người dân Sóc Trăng thu hoạch tôm.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản địa phương cho rằng, có được kết quả này là nhờ ngành nông nghiệp chủ động thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, công tác quan trắc môi trường nước và phòng chống dịch bệnh…

Ngoài ra, công tác thanh kiểm tra vật tư đầu vào, quản lý chặt chẽ con giống đến quản lý tổ hợp tác, hợp tác xã, đẩy mạnh công tác xây dựng chuỗi liên kết nhằm hướng tới mục tiêu phát triển ổn định tôm nước lợ, hạn chế thiệt hại cho tôm nuôi cũng được chú trọng.

“Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đã được Chi cục hết sức chú trọng. Chi cục đã nhân bản những mô hình nuôi tôm hiệu quả ở các nơi, từ đó giới thiệu đến các hộ nuôi, tổ hợp tác cùng các trang trại để người dân vận dụng, sáng tạo phù hợp với mô hình nuôi tôm của mình, giúp quá trình nuôi tôm hiệu quả hơn. Đây là một trong những công tác trọng tâm mà Chi cục thành công trong năm nay”, bà Bình cho biết.

Trong năm 2020, tỉnh Sóc Trăng cũng đặt chỉ tiêu thả nuôi tôm nước lợ hơn 50.000 ha, theo đó sẽ thu về sản lượng 167.000 tấn.

Theo Thạch Hồng

VOV

Mặn lên sớm, giá tôm cao, có nên vội vã thả nuôi?

Mặn lên sớm, giá tôm cao, có nên vội vã thả nuôi?

Cải tạo ao
Mặn về sớm và giá tôm cao, một số hộ nuôi đã cải tạo ao và bắt đầu ương giống vụ mới.

Năm nay, mặn sớm và cùng với đó là giá tôm hiện vẫn còn giữ ở mức cao, sẽ là điều kiện kích thích người nuôi tôm tiến hành thả nuôi sớm, nhất là đối tượng tôm thẻ. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, người nuôi nên thận trọng trong quyết định thời điểm thả nuôi để tránh rủi ro thiệt hại đáng tiếc.

Theo kết quả quan trắc môi trường ngày 27-11 tại Sóc Trăng cho thấy, độ mặn tại các điểm đo đã lên sớm hơn cùng kỳ năm 2018 từ 5 – 16‰, chủ yếu tại các khu vực của huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và TX. Vĩnh Châu. Cụ thể: tại đầu vàm Trà Niên (điểm giao xã Hòa Đông và Vĩnh Hải) độ mặn được ghi nhận là 10‰, cống Sáu Quế 1 14‰, cống Tầm Vu 6‰, cống Xà Mách 10‰, vàm Ông Tám 5‰, bến đò Nông trường 30-4 là 16‰… Cùng với độ mặn về sớm, giá tôm hiện vẫn giữ ở mức cao, nên tại một số vùng nuôi, nông dân bắt đầu cải tạo ao và thả giống nuôi sớm.

Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong tỉnh, sau thời gian tăng mạnh, gần đây, giá tôm thẻ cỡ lớn đã có dấu hiệu chững lại do hầu hết các doanh nghiệp đã thu gom đủ lượng hàng theo hợp đồng đã ký kết. Theo đó, tôm thẻ cỡ từ 15 – 25 con/kg được ghi nhận có mức giảm từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, nhưng giá tôm thẻ cỡ vừa và nhỏ lại đang có dấu hiệu tăng, nhất là tôm thẻ cỡ từ 45 – 70 con/kg do nguồn cung không đáp ứng kịp nhu cầu thu mua của các nhà máy. Theo bảng giá tôm thẻ công bố ngày 29-11, tôm thẻ loại 45 con/kg có giá từ 138.000 – 150.000 đồng/kg và tôm thẻ loại 70 con/kg giá từ 119.000 – 130.000 đồng/kg, tức tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Riêng tôm thẻ loại 100 con/kg cũng có giá gần 100.000 đồng/kg.

Với những thuận lợi về độ mặn, môi trường và giá tôm như hiện nay, tại một số vùng nuôi, người dân đang tính đến chuyện lấy nước vào thả nuôi sớm để tranh thủ cơ hội. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm, nhất là bệnh chậm lớn do vi bào tử trùng (EHP) để đảm bảo thắng lợi cho vụ tôm năm sau. Ông Phục chia sẻ: “Việc thiếu hụt nguồn tôm phục vụ chế biến gần đây có nguyên nhân không nhỏ từ dịch bệnh EHP. Không chỉ gây thiệt hại cho các ao đang nuôi, dịch bệnh này còn gây lo ngại khiến nhiều diện tích, người nuôi không dám thả nuôi, làm sụt giảm nguồn cung ở giai đoạn cuối của mùa vụ. Nếu không có giải pháp phòng trị bệnh EHP sớm và hiệu quả, người nuôi tôm tiếp tục gặp khó và nhiều khả năng sẽ lại thiếu nguyên liệu trong vụ tôm tới”.

Bệnh EHP thường phát triển mạnh vào mùa mưa do có nhiều nguồn nước thải đổ ra hệ thống sông, rạch. Hiện bệnh này vẫn chưa có thuốc đặc trị nên một khi chúng bùng phát, người nuôi sẽ bị thua lỗ nặng do tôm ăn nhiều, nhưng chậm lớn, chết từ từ. Khi EHP kết hợp với 2 loại vi khuẩn yếm khí dưới đáy ao sẽ gây thêm bệnh phân trắng cho tôm. Dẫn nguồn thông tin kết quả phân tích mẫu bằng phương pháp PCR của TS. Trần Hữu Lộc – Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh trong các tháng 5, 7 và 9, TS. Prakan Chiaratkhongman – Công ty CP cho biết tỷ lệ lưu hành EHP tại vùng nuôi tôm Việt Nam bình quân của 3 tháng trên lên đến 70%. Riêng tại tỉnh Bạc Liêu gần như 100% mẫu nước đều có sự hiện diện của EHP.

Nguồn gốc của bệnh EHP theo các nhà khoa học và người nuôi tôm lâu năm chủ yếu là từ con giống và môi trường. Vì vậy, các kiến nghị cho rằng, ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát EHP ngay từ khâu nhập khẩu tôm bố mẹ cho đến khâu lưu thông, phân phối tôm post về vùng nuôi để kịp thời ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh này. Mặt khác, cũng cần đưa EHP vào chỉ tiêu quan trắc môi trường, cùng với đó là kiểm soát tốt các nguồn xả thải ra sông, rạch, nhất là nguồn từ các cơ sở chăn nuôi và hướng dẫn người nuôi các biện pháp ngăn ngừa. Còn theo TS. Prakan Chiaratkhongman, việc quản lý nguồn chất thải, nước thải ra môi trường tại các vùng nuôi là đặc biệt quan trọng trong phòng chống EHP. TS. Prakan Chiaratkhongman chia sẻ: “Nếu các trang trại, hộ nuôi tôm thâm canh hoặc nuôi ứng dụng công nghệ cao không có hệ thống ao chứa để xử lý bùn trước khi thải ra môi trường thì nguy cơ EHP bùng phát mạnh trong tương lai sẽ ngày càng cao, người nuôi tôm sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Trước diễn biến thuận lợi lẫn khó khăn trên, theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, người nuôi không nên vội lấy nước nuôi tôm mà nên tập trung cải tạo nền đáy ao cho thật kỹ để diệt các mầm bệnh như vi rút, vi khuẩn và vật chủ trung gian như hến, ốc đinh… để vừa cải tạo ao tốt vừa có thời gian ngừng nghỉ để giảm tải cho ao nuôi, cắt vụ, cắt mầm bệnh, thả các loại cá như cá rô phi, cá chẽm, cá trê… để làm sạch ao nuôi, chuẩn bị tốt hơn cho vụ tôm nước lợ sắp tới. Đây là khuyến cáo cần thiết để người nuôi cân nhắc, quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố tác động đến tôm nuôi, chứ không chỉ quan tâm mỗi độ mặn và giá cả.

Tích Chu Báo Sóc Trăng