Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Doanh nghiệp cơ khí thành công với mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn

Nhằm hiện đại hóa ngành nông nghiệp, tính trong khoảng 5 năm gần đây, TP Uông Bí có 2 nghị quyết riêng về chi ngân sách cho phát triển nông nghiệp; 1 đề án về phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; 1 kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển KHCN về lĩnh vực nông nghiệp… Đặc biệt, thành phố và Sở NN-PTNT đang đẩy mạnh chương trình khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Được sự khuyến khích của địa phương và các sở, ban, ngành, trên địa bàn Uông Bí phát triển nở rộ các dự án nuôi tôm công nghệ cao. Đáng nói, chủ của các mô hình này hầu hết là những doanh nghiệp công nghiệp như cơ khí, bất động sản, vật liệu xây dựng… chuyển hướng sang đầu tư nông nghiệp.

Công ty CP Cơ khí Uông Bí là một điển hình. Dù thế mạnh là sản xuất các sản phẩm cơ khí nhưng đơn vị đã mạnh dạn triển khai nuôi tôm 3 giai đoạn, công nghệ nuôi tôm tiên tiến nhất hiện nay. 

Về quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn trong nhà, ban đầu, tôm giống được thả vào ao ương giai đoạn 1 với mật độ 5.000-7.000 con/m2. Sau khoảng 20-25 ngày, tôm được chuyển vào ao nuôi giai đoạn 2 với mật độ từ 300-500 con/m2. Khoảng 1 tháng sau, tôm chuyển vào ao nuôi giai đoạn 3 và nuôi trong khoảng 40 ngày, đây cũng là giai đoạn nuôi thương phẩm, mật độ nuôi 200-250 con/m2.

Ảnh minh họa

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ 3 giai đoạn đã được chứng minh hiệu quả hơn hẳn so với mô hình công nghiệp thông thường. Quá trình nuôi tôm 3 giai đoạn kết thúc trong khoảng 90 ngày, tỷ lệ sống trong cả quá trình nuôi đạt mức gần 90%; tỷ lệ quay vòng vụ nuôi đạt tới 9 vụ/năm, cao hơn gấp 4 lần; năng suất có thể đạt 160-200 tấn/ha/năm, cao hơn từ 8-9 lần.

Đối với mô hình tôm nuôi 3 giai đoạn của Công ty CP Cơ khí Uông Bí, các thông số trên còn có thể đạt cao hơn, xác suất thất bại rất thấp, do các bể nuôi của cả 3 giai đoạn đều đặt trong nhà, người nuôi chủ động ở mức độ cao nhất kiểm soát các yếu tố trong quá trình nuôi, tuyệt đối tránh tác động bất lợi từ môi trường. Hiện mô hình nuôi tôm của Công ty CP Cơ khí Uông Bí đang có 12 bể nuôi với tổng diện tích 2.600m2.

Với niềm tin này, Công ty CP cơ khí Uông Bí đang tiếp tục đầu tư dự án nuôi tôm công nghệ cao quy mô 20ha tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí. Cùng với Công ty CP cơ khí Uông Bí, hiện nay Công ty CP Phương Nam – đơn vị chuyên về sản xuất đá xây dựng cũng đang chuyển hướng sang nuôi tôm. Trên thực tế, đơn vị này có lợi thế về nguồn nước cấp đạt tiêu chuẩn, rất phù hợp với con tôm. Một doanh nghiệp kinh doanh chuyên về bất động sản khác cũng đang khởi động đầu tư dự án nuôi tôm tại khu vực kênh làm mát Nhà máy điện (phường Trưng Vương) với quy mô 57ha, tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng. TP Uông Bí cũng hoàn thiện các thủ tục quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 90ha tại khu vực Điền Công thuộc phường Trưng Vương để thu hút các doanh nghiệp thực hiện các dự án nuôi tôm công nghệ cao. Đây là những tín hiệu rất khả quan của nông nghiệp công nghệ cao tại Uông Bí.

Theo: Nhóm PV Đông Bắc
Nguồn: nongnghiep.vn

Vaccine phòng bệnh đốm trắng trên ao nuôi tôm sú thương phẩm

Tôm sú
Sử dụng vaccine hứa hẹn mang đến hiệu quả phòng bệnh cho tôm nuôi.

“Tiêm phòng” có thể trở thành một lựa chọn để quản lý dịch bệnh đốm trắng trong ao nuôi, được sử dụng đơn lẻ hoặc song song với các phương pháp khác.

Tiêm phòng cho tôm

Bệnh đốm trắng là một trong những bệnh có sức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi tôm. Bệnh khởi phát nhanh chóng và tỷ lệ tử vong có thể đạt 100% trong vòng 3-10 ngày kể từ khi nhiễm bệnh. Nhiều phương pháp được sử dụng để quản lý bệnh, nhưng thật không may không có cách tiếp cận đơn lẻ nào đủ tốt để được coi là tiêu chuẩn vàng trong phòng ngừa và kiểm soát bệnh đốm trắng.

Cho đến nay, thuật ngữ “tiêm phòng” đã được chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong các tài liệu về khả năng miễn dịch của tôm. “Tiêm phòng” ở quy mô phòng thí nghiệm đã được báo cáo ở hầu hết các loài tôm đang được nuôi. Nếu đạt hiệu quả trên ao nuôi thì “tiêm phòng” có thể trở thành một trong những lựa chọn khả thi để quản lý dịch bệnh đốm trắng trong ao nuôi và có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc song song với các phương pháp khác để kích thích miễn dịch cho tôm. Do đó nghiên cứu này đánh giá hiệu quả của việc “tiêm phòng” vaccine bất hoạt formalin (FIV) bằng cách sử dụng kết hợp giữa phương pháp ngâm và phân phối qua đường miệng để bảo vệ tôm khỏi bệnh đốm trắng và dẫn đến sự tăng trưởng và khả năng sống sót tốt hơn cho tôm được “tiêm phòng” trong các ao nuôi thương phẩm không an toàn sinh học.

Tôm sú (PL15) được sàn lọc (PCR) và chia thành 2 nhóm: nhóm nghiệm thức “tiêm phòng” (VAC) được ngâm vaccine FIV trong 2 giờ và nhóm đối chứng (CON). Hai mươi nghìn (20.000) con tôm sú đã “tiêm phòng” được thả trong 2 ao sục khí, mỗi ao khoảng 10.000 con với mật độ 15 con/m2. Và 20.000 tôm sú (PL15) chưa được tiêm phòng cũng được thả vào 2 ao khác với mật độ tương tự. 

Việc “tiêm phòng” được định kỳ sau 15 ngày thông qua thức ăn. Vắc xin được chuẩn bị trước và kết hợp trong khẩu phần ăn hàng ngày với liều lượng 200 μg/tôm. Tổng cộng có 7 lần “tiêm phòng” định kỳ trong suốt thời gian thử nghiệm trên ao nuôi.


Quy trình chuẩn bị vaccine WSSV bất hoạt bằng formalin. Virus được tinh sạch bằng cách ly tâm và bị bất hoạt bằng cách ủ qua đêm trong dung dịch đệm 0,5% formalin.

Kết quả thí nghiệm trên ao thương phẩm cho thấy tăng trưởng cao hơn ở nhóm được tiêm phòng (12,93 ± 1,26 g) so với nhóm không được tiêm phòng (8,54 ± 0,78 g). Tỷ lệ sống khi thu hoạch (115 ngày) ở nhóm được tiêm phòng cũng cao hơn (71,2 ± 3,13%) so với nhóm chưa được tiêm phòng (52,7 ± 5,05%). Theo tính toán từ tỷ lệ sống khi thu hoạch và sinh khối thu hoạch trên mỗi ao, sản lượng là 1311 ± 70,4 kg/ha đối với nhóm đã tiêm phòng và 641 ± 3,0 kg/ha đối với nhóm chưa tiêm phòng.

Thử nghiệm này đã chứng minh rằng việc “tiêm phòng” vaccine FIV đã làm tăng đáng kể tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm trong các ao nuôi thương phẩm với sự hiện diện của mầm bệnh. Nghiên cứu cũng cho thấy sự kết hợp giữa ngâm và cho ăn vaccine là khả thi trong ao nuôi tôm thương phẩm. 

Sự sống sót khi thu hoạch có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố không lường trước được. Nhưng ở bất kỳ tác động nào, bất kỳ mức độ nào gây ra đối với tôm, đều ảnh hưởng như nhau ở tất cả các ao và nhóm xử lý. Việc tăng cường sục khí trước đây đã được phát hiện là giảm tỷ lệ chết do bệnh đốm trắng và tăng sinh khối thu hoạch trong các ao thâm canh thương phẩm. Vì không thể tránh khỏi việc tôm phải chịu áp lực về môi trường, bao gồm sự hiện diện của mầm bệnh trong quá trình nuôi, “tiêm phòng” cũng có thể làm giảm căng thẳng do mầm bệnh gây ra và cho phép tôm đã tiêm phòng sống sót tốt hơn so với tôm chưa tiêm phòng trong điều kiện môi trường bất lợi. Thật vậy, sự tăng trưởng và tỷ lệ sống tốt hơn ở nhóm được tiêm phòng chứng tỏ tác dụng có lợi của việc “tiêm phòng” đối với tôm nuôi trong ao thương phẩm.

Việc sử dụng kết hợp vaccine FIV bằng cách ngâm ban đầu và định kỳ (15 ngày một lần) qua đường uống (qua thức ăn) đã góp phần đáng kể vào hiệu quả bảo vệ chống lại WSSV cũng như chống lại các mầm bệnh khác vì tôm có khả năng phục hồi và không xảy ra tử vong hàng loạt mặc dù có sự hiện diện của các mầm bệnh này. 

Thí nghiệm sử dụng vaccine cho tôm trong bể

Tôm trong ao nghiệm thức (VAC) và đối chứng (CON) được thu vào ngày 75, 90 và 105 để thử nghiệm nhiễm mầm bệnh đốm trắng trong bể trong 15 ngày. Thí nghiệm này nhằm đánh giá tác dụng bảo vệ của vắc-xin và đại diện cho một môi trường được kiểm soát tốt hơn để đánh giá hiệu quả của việc “tiêm phòng” bằng vắc-xin FIV. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống sót ở nhóm được tiêm phòng cao hơn (50%, 41,7%, 38,4%) so với nhóm không được tiêm phòng (0%, 6,67% và 8,34%) tương ứng ngày 75, 90 và 105. Kết quả của thí nghiệm trong bể, cho thấy tỷ lệ sống cao hơn ở các nhóm đã “tiêm phòng” so với nhóm không được tiêm phòng đã cho thấy khả năng chống nhiễm bệnh đốm trắng của tôm nuôi trong ao được tiêm phòng tốt hơn, tương quan thuận với tỷ lệ sống cao của chúng trong ao thương phẩm. 

Thử nghiệm trên ao đã chứng minh rằng việc “tiêm phòng” bằng vaccine bằng cách kết hợp giữa phương pháp ngâm (khi thả giống) và uống (thông qua khẩu phần thức ăn) là khả thi trong ao nuôi tôm thương phẩm. Nó cũng chứng minh tăng trưởng tốt hơn và tỷ lệ sống cao hơn ở tôm được “tiêm phòng” so với tôm chưa được tiêm phòng. Cuối cùng, có thể kết luận rằng “tiêm phòng” FIV có thể là một lựa chọn hợp lý để quản lý sức khỏe và ngăn ngừa nhiễm bệnh đốm trắng trong ao nuôi tôm thương phẩm.

Sương Phạm – https://tepbac.com/

Tôm Việt thắng lớn ở Âu – Mỹ

Chế biến tôm xuất khẩu
Xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt tại thị trường EU

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng. Đặc biệt, con tôm Việt Nam còn thắng lớn tại Mỹ, châu Âu (EU) khi xuất khẩu tháng 10 sang hai thị trường này tăng lần lượt 39% và 42%.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 10/2020, trừ xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc giảm, còn xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường chính khác đều tăng trưởng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 39%, sang Trung Quốc tăng 21,5%, EU tăng 42%, Anh tăng 45%, Australia tăng tới 57%, Canada tăng gần 29%…

Do phục vụ lễ hội cuối năm, các khách hàng chính của tôm Việt Nam đều tăng cường nhập khẩu.

VASEP cho biết, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU trong tháng 10/2020 đạt 65,4 triệu USD, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nhờ một phần tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA. Lũy kế 10 tháng năm 2020, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần  437 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Hà Lan, Đức và Bỉ là 3 thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong khối EU. Tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang ba thị trường này tăng lần lượt 32%, 53% và 48% so với tháng 10/2019.

Cũng theo VASEP, tại thị trường EU, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại. Trong khi đó, doanh số bán lẻ hoặc online tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu thụ tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ lớn hơn để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Đơn vị này dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU dịp cuối năm tiếp tục tăng mạnh. Bởi, nhu cầu từ thị trường này tăng cao, tôm Việt lại được hưởng thuế suất ưu đãi từ Hiệp điện EVFTA, trong khi EU là thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt nên đây là thị trường được nhiều doanh nghiệp tập trung xuất khẩu vào dịp cuối năm.

Tương tự, Mỹ là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23,5%. Theo đó, xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 10/2020 tăng trưởng 39% so với tháng 10/2019. Lũy kế 10 tháng năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 733,4 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù Mỹ là tâm dịch Covid-19 của thế giới, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng dương trong cả tất cả các tháng đầu năm. VASEP nhận định, đây là thị trường nhập khẩu tôm ổn định nhất của Việt Nam trong 10 tháng qua.

Số liệu của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Hoa Kỳ cho thấy, trên thị trường Mỹ, thời gian qua, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc.

Trong tháng 9, Mỹ tiếp tục giảm nhập khẩu tôm từ Ấn Độ với mức 10% về khối lượng và giảm 8% về giá trị, giảm 64% khối lượng và 74% về giá trị từ thị trường Trung Quốc; còn nhập khẩu từ Thái Lan chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Mỹ lại tăng mạnh nhập khẩu tôm từ các nguồn cung như: Ecuador, Indonesia, Việt Nam, Argentina,…

VASEP dự báo, với những tín hiệu khả quan, xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2020 dự kiến đạt 3,7 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2019.

T.An VietNamNet

Những điều bạn cần biết về bệnh EMS (chết sớm) trên tôm

Bài viết tổng hợp đưa ra đánh giá bệnh EMS trên tôm trong thời gian qua và lời khuyến cáo để giảm thiểu thiệt hại, phát triển nghề nuôi tôm

Hình minh họa

Bài viết tổng hợp đưa ra đánh giá bệnh EMS trên tôm trong thời gian qua và lời khuyến cáo để giảm thiểu thiệt hại, phát triển nghề nuôi tôm

Năm 2018, FAO báo cáo rằng sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới đạt mức kỉ lục cao nhất mọi thời đại là 114,5 triệu tấn, trị giá 263,6 tỷ USD doanh thu từ trang trại. Sản lượng giáp xác đạt 9,4 triệu tấn, trị giá 69,3 tỷ USD – 52,9% trong số đó đến từ tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (Litopenaeus vannamei).
Khi nuôi trồng thủy sản phát triển và ngành công nghiệp tìm kiếm sự ổn định để hỗ trợ tăng trưởng bền vững, thì việc phòng ngừa, dự báo và quản lý dịch bệnh có liên quan hơn bao giờ hết. Một trong những bệnh phức tạp nhất trong nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng, là hội chứng tôm chết sớm (EMS), còn được gọi là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND).

Kể từ khi được phát hiện vào năm 2009, EMS / AHPND đã là một trong những thách thức chính trong nuôi tôm. Sau khi được phát hiện ở Trung Quốc, EMS đã lây lan sang nhiều quốc gia ở Đông Nam Á. Do tỷ lệ chết cao, nhiều nước sản xuất tôm bị ảnh hưởng bởi EMS / AHPND đã giảm đáng kể sản lượng và doanh thu xuất khẩu.
Bài viết này sẽ đi sâu tìm hiểu EMS / AHPND là gì, thiệt hại mà nó gây ra và các biện pháp khác nhau để ngăn ngừa và chống lại sự bùng phát EMS.

EMS / AHPND là gì?
Vào năm 2009, đã có một đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng khiến tỷ lệ chết cao của tôm L. vannamei và P. monodon ở miền nam Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu ban đầu gọi bệnh này là hội chứng tôm chết sớm (EMS) hoặc hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS). Đến năm 2010, nhiều trại ở Trung Quốc bị ảnh hưởng và vào năm 2011, EMS / AHPNS đã được phát hiện ở Việt Nam và Malaysia. Căn bệnh này cũng được xác nhận ở Thái Lan vào năm 2012.

Các nhà nghiên cứu ban đầu bối rối bởi nguyên nhân gây ra EMS / AHPNS. Có một số giả thuyết, chẳng hạn như chất độc trong môi trường và các tác nhân lây nhiễm, nhưng các nghiên cứu về những lĩnh vực này đều thất bại.

Câu đố đã được giải quyết vào năm 2013 bởi Loc Tran và phát hiện đột phá của nhóm anh ấy rằng nó được gây ra bởi một chủng vi khuẩn, Vibrio parahaemolyticus, có mặt ở khắp nơi trong nước nuôi. Với kiến ​​thức tốt về tác nhân lây nhiễm, một tên riêng cho EMS / AHPNS đã được đề xuất, đó là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND).

AHPND lây nhiễm cho hậu ấu trùng tôm (PL) L. vannamei và P. monodon, với tỷ lệ chết 100% trong vòng 10 đến 35 ngày sau khi thả giống. Vi khuẩn V. parahaemolyticus, được tìm thấy tự nhiên ở các vùng nước ven biển và cửa sông và gây bệnh EMS / AHPND, chứa hai gen độc hại – Pir A và Pir B. Non-V. Các loài parahaemolyticus như V. campbellii, V. harveyi, V. owensii và V. punensis cũng được phát hiện có chứa các gen độc hại và có thể gây ra EMS / AHPND. Dưới hệ thống nuôi an toàn sinh học thấp, vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan giữa các ao và các trại tôm lân cận qua nước thải.

EMS / AHPND có thể được phát hiện bằng cách nhìn vào các dấu hiệu vật lý của tôm, bao gồm gan tụy nhợt nhạt, teo lại hoặc teo, vỏ mềm và đỏ một phần đến ruột luôn rỗng. Tuy nhiên, để xác định bệnh, cần phải kiểm tra mô học trong phòng thí nghiệm. Trong giai đoạn cấp tính, tôm bị nhiễm AHPND sẽ có biểu hiện bong tróc các tế bào biểu mô hình ống trong gan tụy

Các trại giống là một trong những nguồn chính của EMS / AHPND – lây lan bệnh qua tôm giống bị nhiễm bệnh, có thể gây bùng phát sớm nhất là 14 ngày sau khi thả giống. Bệnh cũng có thể lây lan qua ô nhiễm chéo – nơi mầm bệnh xâm nhập vào ao qua thiết bị, giày / chân, chim hoặc cua – hoặc nếu nó không được loại bỏ khỏi chu kỳ sản xuất trước đó của ao. Tôm dễ bị nhiễm bệnh hơn trong một số điều kiện môi trường nhất định thúc đẩy sự sinh sôi của vi khuẩn. Các yếu tố này bao gồm:
⦁    Mức độ dinh dưỡng cao trong nước ao do bổ sung phân bón hoặc mật đường.
⦁    Nước có nhiệt độ cao, độ mặn> 5 ppt và pH> 7.
⦁    Lưu thông nước kém và đa dạng sinh học sinh vật phù du thấp.
⦁    Tích tụ các chất cặn hữu cơ, chẳng hạn như thức ăn thừa và xác tôm.

Tổn thất do EMS / AHPND gây ra
EMS / AHPND đã tàn phá ngành nuôi tôm ở Châu Á trong 10 năm qua. Một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực là Thái Lan, nước sản xuất tôm lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc trước AHPND và hiện đã rơi xuống vị trí thứ sáu.

Kể từ khi bùng phát EMS / AHPND vào năm 2012, sản lượng tôm của Thái Lan đã bị sụt giảm đáng kể. Tổng sản lượng giảm 54% trong giai đoạn 2009 – 2014. Số lượng trang trại cũng giảm 16%, trong khi diện tích đất được sử dụng để sản xuất tôm giảm 10%. Một báo cáo khác cho biết từ năm 2010–2016, căn bệnh này đã gây ra thiệt hại tài chính lên tới 11,58 tỷ USD ở Thái Lan và hơn 100.000 người bị mất việc làm.

Các quốc gia bị ảnh hưởng khác không bị thiệt hại nhiều như Thái Lan, nhưng thiệt hại vẫn rất đáng kể. Ví dụ ở Việt Nam, AHPND đã gây thiệt hại 2,56 tỷ USD kể từ lần đầu xuất hiện vào năm 2011. Nhiều nước sản xuất tôm bị ảnh hưởng bởi AHPND vẫn đang phục hồi sau đợt bùng phát và nhiều nước khác không bị ảnh hưởng đang chuẩn bị các biện pháp ngăn chặn để ngăn chặn sự lây lan của nó.

Học hỏi từ Thái Lan
Là quốc gia sản xuất tôm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Thái Lan vẫn đang phục hồi sau đợt bùng phát EMS / AHPND. Nông dân ở Thái Lan đã bắt đầu chuyển đổi phương thức canh tác để chống lại vi khuẩn Vibrio spp. nhiễm vi khuẩn và ngăn chặn một đợt bùng phát khác.

Một thiết kế trang trại thâm canh mới đã được phát triển nhằm mục đích duy trì đáy ao sạch sẽ. Thiết kế mới dựa trên hệ thống tuần hoàn và dòng chảy, với bốn thành phần quan trọng:
⦁    Tăng diện tích xử lý nước
⦁    Kích thước ao nuôi thương phẩm nhỏ hơn
⦁    Cống thoát nước lớn hơn
⦁    Tăng cường sục khí

 
Tỷ lệ hồ chứa trong ao nuôi thương phẩm đã được thay đổi đáng kể – từ 20%: 80% lên 60%: 40%. Việc tăng thể tích của các hồ chứa cung cấp nhiều nước dự trữ hơn và có thể thay nước nhiều hơn – giúp giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và quản lý chất lượng nước. Được hỗ trợ nuôi ghép cá rô phi và / hoặc cá chẽm, nước từ các khu vực tiền xử lý được chuyển sang ao cá rô phi hoặc cá chẽm, được thả với mật độ 1-2 kg / m2. Cả hai loài cá này đều có thể giúp duy trì chất lượng nước tốt và cải thiện chất lượng trầm tích bằng cách ăn các chất thải hữu cơ trong nước.

Sau đó, nước được chuyển sang ao nuôi thương phẩm, có lót bạt nhựa HDPE để tránh xói mòn đáy ao do sục khí cao. Kích thước ao nuôi thương phẩm được giảm xuống để tối ưu hóa quá trình oxy hóa đồng thời tận dụng hiệu quả chuyển động của nước để đẩy bùn cát về phía hố xi-phông của ao tôm. Diện tích bề mặt giảm – từ trung bình 8.000m2 xuống 1.500m2, hoặc thậm chí nhỏ nhất là 500m2 – được bù đắp bằng cột nước sâu tới 2-3 mét, để cung cấp mật độ nuôi lớn hơn.

Trong khi đó, nhà hố xi-phông được thiết kế hợp lý để gom cặn vào một chỗ để có thể loại bỏ chất thải, hữu cơ dư thừa dễ dàng. Diện tích bề mặt được khuyến nghị cho hố xi-phông ao tôm là 5–7 phần trăm tổng diện tích ao và đáy ao nên có độ dốc 25–30 độ và được đúc bằng xi-măng để bùn dễ rơi vào bên trong hơn. Cần sục khí không ngừng để đảm bảo đẩy cặn bẩn xuống hố xi-phông. Số lượng sục khí có thể khác nhau, tùy thuộc vào độ sâu và diện tích ao, nhưng thông thường là khoảng 70 đến 100 mã lực (hp) năng lượng cho mỗi ha.

Khi chu trình kết thúc, nước sẽ được chuyển trở lại khu vực tiền xử lý. Điều này được thực hiện để giảm lượng nước tiêu thụ và có thể kiểm soát được mầm bệnh từ bên ngoài vào. Do đó, nó làm giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh từ các nguồn bên ngoài, cũng như khối lượng nước thải đầu ra. Nó cũng làm tăng tính bền vững của trang trại.

 

Sản lượng tôm của Thái Lan đang tăng lên. Những hệ thống mới này yêu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải tiến đội ngũ quản lý. Quá trình chuyển đổi này cần thời gian và đòi hỏi sự đồng thuận và hỗ trợ tài chính đáng kể của quốc gia, điều này đã dẫn đến sự hợp nhất mạnh mẽ của ngành. Cần lưu ý rằng Thái Lan có các điều kiện khác, chẳng hạn như thuế và cơ cấu ngành công nghiệp quốc gia, điều này đã hạn chế hơn nữa sự mở rộng của ngành sau EMS.

Các phương pháp hay nhất để quản lý EMS / AHPND
Không có cách khắc phục nhanh chóng cho EMS / AHPND – một khi trang trại bị nhiễm bệnh, cần phải có kế hoạch quản lý cân bằng cẩn thận. Trong trường hợp xấu nhất, nông dân nên chuẩn bị thu hoạch tất cả các ao trong thời gian ngắn. Cần thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt và giai đoạn khử trùng kỹ lưỡng để quản lý dịch bệnh và tránh bùng phát trong tương lai.

An toàn sinh học là một khái niệm để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh tật và ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua các ao nuôi, vùng nuôi và quốc gia với nhau. Hai cách tiếp cận chủ đạo trong thực hành an toàn sinh học là các biện pháp phòng ngừa – loại trừ mầm bệnh – và các biện pháp đối phó loại bỏ mầm bệnh. Chúng ta có thể quản lý EMS / AHPND bằng cách ngăn chặn sự lây lan xa hơn của nó và tạo điều kiện tốt hơn để tăng sức đề kháng của tôm đối với nó.

Dưới đây là một số thực hành tốt nhất để quản lý EMS / AHPND trong các trang trại bị nhiễm bệnh, bao gồm tất cả các bước sản xuất.

Chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất
⦁    PL cần có nguồn gốc từ tôm bố mẹ không nhiễm AHPND.
⦁    Kiểm tra sức khỏe tổng quát của PL nên được kiểm tra trước khi thả giống, kể cả trong các thử nghiệm.
⦁    Tất cả các thiết bị phải được khử trùng trước khi thả giống. Sử dụng nhiều chất khử trùng giúp loại bỏ tất cả các vật trung gian truyền bệnh.
⦁    Ao nuôi thương phẩm nên lót bạt nhựa HDPE để dễ vệ sinh và kiểm soát.
⦁    Trước khi thả, ao phải được phơi khô hoàn toàn. Nước cũng phải được điều hòa trong 10–15 ngày trước khi thả tôm.
⦁    Một kế hoạch an toàn sinh học kỹ lưỡng nên được thực hiện và xem xét sau mỗi chu kỳ.
⦁    Bảo vệ trang trại khỏi các loài bên ngoài, chẳng hạn bằng cách sử dụng các thiết bị bảo vệ cua.
⦁    Để tránh nhiễm trùng, nên thả giống trong một khu vực duy nhất cùng một lúc. Nên thả vào nước có Vibrio dưới 1 x 10 ^ 3 CFU / ml – tức là nơi các loài này chiếm ít hơn 1% tổng nồng độ vi khuẩn.

Giảm thiểu EMS trong quá trình nuôi thương phẩm
⦁    Thường xuyên theo dõi các thông số chất lượng nước – bao gồm mức độ pH, độ kiềm, độ mặn, oxy hòa tan (DO), nitơ ammoniac (NH3/4) và hydro sunfua (H2S)
⦁    Tích lũy kinh nghiệm xem và đánh giá sức khỏe tôm. Thực hiện đánh giá mỗi ngày bào gồm các đốt ruột và gan tụy.
⦁    Cho tôm ăn theo nhu cầu, đánh giá sức ăn + sức khỏe + thời tiết để canh chỉnh thức ăn phù hợp.
⦁    Xi-phông thường xuyên loại bỏ các chất cặn, lơ lửng dư thừa để đáy ao luôn sạch
⦁    Cần duy trì sục khí thích hợp.
⦁    Probiotics nên được dùng thường xuyên hơn để tăng cường kiểm soát Vibrio và xử lý nước triệt để hơn, tạo môi trường tối ưu cho tôm nuôi.
⦁    Thống nhất chế độ đầu ra và lấy nước với tất cả các trang trại trong khu vực để giảm việc truyền mầm bệnh giữa các trang trại.
⦁    Khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh, phải triệt để xử lý và cách ly dụng cụ thiết bị ao nuôi. Khi nghi ngờ mắc bệnh, nên sử dụng xét nghiệm xác nhận trong phòng thí nghiệm.

EMS có thể là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, an toàn sinh học nghiêm ngặt và đánh giá quản lý trang trại thường xuyên có thể giúp chống lại bệnh và giảm tác động của nó nếu nó xâm nhập vào trang trại.

Giải pháp dài hạn cho EMS: cơ sở hạ tầng và công nghệ
Duy trì các thiết bị và cơ sở hạ tầng phù hợp trong trang trại sẽ giúp bảo trì an toàn sinh học và phòng chống mầm bệnh dễ dàng hơn, mang lại lợi nhuận tài chính ổn định hơn. Cơ sở hạ tầng cần thiết để duy trì an toàn sinh học và bảo vệ chống lại mầm bệnh bao gồm tấm lót HDPE, hố rửa chân, xe và tay, cũng như hàng rào và lưới để ngăn người và động vật xâm nhập vào trang trại.

Cơ sở hạ tầng quan trọng khác bao gồm đầu vào và đầu ra nước chuyên dụng, cống trung tâm, ao tiền xử lý với thể tích ít nhất 30% ao nuôi thương phẩm, sau xử lý, sục khí 10 mã lực trên 1000m2 với dòng chảy tốt, giai đoạn ương, cơ sở lưu trữ và một phòng thí nghiệm cơ bản tại chỗ với ánh sáng mạnh để mổ xẻ và xét nghiệm nước cơ bản.

Ngoài ra còn có các công nghệ mới nổi có thể phát hiện tiên tiến và cho phép quản lý mầm bệnh tốt hơn. Một công ty đang nhanh chóng phá vỡ ý nghĩa của việc phát hiện bệnh đối với ngành là Genics, cung cấp một phương pháp mới để phát hiện mầm bệnh và mật độ của chúng bằng công nghệ Tôm Đa Đường. Thử nghiệm có thể phát hiện bệnh tối đa 10 ngày trước khi có dấu hiệu lâm sàng và tỷ lệ tử vong sau đó – giúp nông dân có thời gian quý báu để quyết định các chiến lược giảm thiểu phù hợp càng sớm càng tốt và giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Tiến lên từ EMS
EMS có thể là một căn bệnh nguy hiểm nhưng – như đã được chứng minh ở Thái Lan và Việt Nam – đầu tư vào cơ sở hạ tầng, an toàn sinh học nghiêm ngặt và đánh giá quản lý trang trại thường xuyên có thể giúp chống lại dịch bệnh và giảm tác động của nó nếu nó xâm nhập vào trang trại. Ngành công nghiệp phải có quan điểm chủ động, phòng ngừa đối với EMS / AHPND cũng như đối với tất cả các mầm bệnh, đã biết và chưa biết. Bằng cách lập kế hoạch cho điều tồi tệ nhất và điều hành tốt nhất, nông dân có cơ hội cao hơn để sản xuất các vụ mùa thành công, ngay cả ở những khu vực có tỷ lệ dịch bệnh cao.

Ngoài tổng quan nhanh về EMS này, nông dân nên đọc các bài báo khác, tham dự hội thảo trên web trong nước và quốc tế và tham gia các sự kiện địa phương, nơi họ có thể tìm hiểu thêm và chia sẻ ý tưởng về phòng ngừa và giảm thiểu dịch bệnh.
 

Nguồn: Theo Alune – Trích từ The Fish Site

Kiên Giang: Ở đây cứ thả tôm vào ruộng lúa là thu nhập nhân đôi, nông dân lãi “khủng”

Kiên Giang là một trong 5 địa phương nhiều năm liền đứng đầu về diện tích và sản lượng tôm nuôi ở ĐBSCL, nơi cung cấp khoảng 70% sản lượng và giá trị tôm xuất khẩu cả nước. Những năm gần đây, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, cho tôm sú “chung nhà” với cây lúa, nhờ đó thu về lãi “khủng” và ổn định.

Tôm sú và lúa “chung nhà”

Kiên Giang là tỉnh có diện tích nuôi tôm sú luân canh lúa khá lớn trong cả nước. Năm 2020, toàn tỉnh có 100.000ha tôm – lúa, tăng 28,4% về diện tích và tăng 50,6% về sản lượng so năm 2015. Đáng chú ý là thời gian gần đây, việc chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm – lúa đã mang lại hiệu quả rõ rệt, thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng/ha nay tăng lên từ 100 – 130 triệu đồng/ha.

Nhờ cho tôm sú “chung nhà” với cây lúa, nhiều hộ dân ở ấp Cái Nước Vàm, xã Đông Yên (huyện An Biên) đã thoát nghèo vươn lên khá giả.

Kiên Giang: Thay đổi thói quen canh tác, nông dân thu lãi khủng từ con tôm - Ảnh 1.
Thành viên Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Tân Huy Hoàng, khu phố 5, phường Đông Hồ (TP. Hà Tiên) thu hoạch tôm thẻ trong bể lót bạt 2 giai đoạn. Ảnh: NQ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Danh Mẫm (ngụ ấp Cái Nước Vàm) cho hay: “Với 3ha canh tác tôm – lúa, từ đầu năm đến nay gia đình tôi thu hoạch được khoảng 180 triệu đồng. Năm nay nhờ tôm, cua nuôi đạt, nên dù giá có giảm nhưng vẫn có lời. Từ khi chuyển đổi sang mô hình lúa tôm, thu nhập gia đình ổn định hơn hẳn”.

Theo ông Mẫm, với mô hình lúa tôm, không xảy ra xung đột mặn – ngọt mà còn đem lại nguồn lợi cao cho nông dân và tạo môi trường sản xuất bền vững, ít rủi ro. Người dân gọi đây là mô hình sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm sú phát triển, nông dân Đông Yên cũng nhập cuộc. Cũng từ đó, từ 17,2% hộ nghèo ở xã Đông Yên khi mới chuyển đổi đất lúa 2 vụ sang 1 vụ tôm – 1 vụ lúa, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,4%; hộ khá, giàu từ tôm – lúa ngày càng nhiều.

Còn tại huyện An Minh, địa phương có mô hình tôm – lúa phát triển từ khá sớm, cũng tiên phong trong phát triển tôm – lúa đạt các chứng nhận hữu cơ. Tuy diện tích lúa được chứng nhận hữu cơ chỉ mới 30ha trong hơn 39.017ha nhưng đó chính là tiền đề để huyện tiếp tục nhân rộng.

Ông Lê Văn Khanh – Trưởng Phòng NNPTNT huyện An Minh cho biết, theo nghiên cứu về tôm – lúa mới đây của Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, tôm – lúa có thể áp dụng được nhiều hệ thống chứng nhận phục vụ cho đa dạng các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản. Huyện chú trọng liên kết các hợp tác xã, quy hoạch vùng nuôi tập trung hướng tới áp dụng chứng nhận hữu cơ với diện tích từ 500ha/vùng trở lên.

Kiên Giang: Thay đổi thói quen canh tác, nông dân thu lãi khủng từ con tôm - Ảnh 2.
Thay đổi thói quen sản xuất giúp nông dân Kiên GIang thu lãi khủng từ con tôm. Ảnh: NQ.

Đối với kỹ thuật canh tác, huyện An Minh hướng tới chứng nhận hữu cơ, tích cực vận động bà con duy trì canh tác 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, sử dụng các sản phẩm vi sinh để đảm bảo tính tự nhiên của môi trường. Áp dụng hệ thống chứng nhận nâng cấp dần từ VietGAP, ASC, GlobalGAP, sau đó mới lên hữu cơ để người dân dần hình thành thói quen sản xuất theo chứng nhận.

Hướng đến nuôi tôm sạch

Mới đây, chúng tôi ghé thăm khu nuôi tôm công nghiệp theo quy trình 2 giai đoạn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Huy Hoàng, khu phố 5, phường Đông Hồ (TP.Hà Tiên), đúng lúc nơi đây đang thu hoạch tôm.

Để có tôm nguyên liệu đạt chất lượng, không nhiễm kháng sinh, chất cấm, doanh nghiệp liên kết cùng một số nông dân đầu tư nuôi và tiêu thụ tôm theo quy trình nghiêm ngặt.

Anh Đinh Quang Huy – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Huy Hoàng, cho biết: “Với 4ha, tôi bố trí 10 ao nuôi, 2 ao lắng; tôm được thả nối tiếp cách nhau 20-30 ngày nên có tôm thu hoạch liên tục. Sản lượng khoảng 90 tấn/năm. Thương hiệu chỉ hình thành trên nền tảng có đủ tôm sạch, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận”.

Riêng giai đoạn 2016-2019, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện 44 điểm trình diễn mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn tại Hòn Đất, Kiên Lương, An Minh và TP.Hà Tiên. Các mô hình này cho năng suất trung bình 24,25 tấn/ha, lợi nhuận 280 triệu đồng/ha.

Kiên Giang: Thay đổi thói quen canh tác, nông dân thu lãi khủng từ con tôm - Ảnh 3.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Trung Sơn, xã Dương Hòa (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: NQ.

Ðịnh hướng của tỉnh là tổ chức hợp tác nhóm hộ sản xuất nhỏ lẻ tạo vùng nguyên liệu quy mô lớn, tạo đầu mối liên kết các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trụ cột và là động lực của toàn chuỗi giá trị.

Do đó, tỉnh cũng đã xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động trên tôm nuôi tại vùng đệm quanh vùng nuôi của Công ty Cổ phần Trung Sơn, xã Bình Trị (huyện Kiên Lương). 

Việc làm này nhằm xây dựng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm đi các nước theo quy định của Bộ NNPTNT và của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Đạt chứng chỉ ASC – bộ tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, sản phẩm tôm của Công ty Cổ phần Trung Sơn được các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ chấp nhận. 

Điều này góp phần giúp gia tăng đáng kể sản lượng tôm của địa phương, hình thành vùng nuôi chất lượng cao cung cấp cho thị trường quốc tế. Bình quân tổng sản lượng sản xuất của Công ty đạt hơn 9.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu trực tiếp đạt trên 22 triệu đô la Mỹ.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty được thực hiện theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất con giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ với 2 khu sản xuất tôm giống công suất đạt 1,5 tỷ con tôm giống. Khu nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 1.000ha. Thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư thêm một số dự án để khép kín chuỗi giá trị sản phẩm

Ngọc Quyên – Chúc Ly – https://danviet.vn/

Giá tôm thấp, người dân ngại thả nuôi

Những tháng gần đây, giá tôm liên tục ở mức thấp, có lúc còn 60.000 đồng/kg. Điều này khiến người nuôi tôm tại các huyện vùng hạ của tỉnh ngại thả nuôi vụ mới.

Người dân gặp khó vì giá tôm thấp

Người dân gặp khó vì giá tôm thấp

Giá tôm thấp

Vừa thu hoạch 1,2ha tôm thẻ, anh Nguyễn Thành Lập, ngụ ấp 3, xã Tân Ân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An buồn bã nói: “Vụ vừa rồi, dù thu hoạch được hơn 9 tấn tôm thẻ nhưng gia đình tôi vẫn thua lỗ gần 100 triệu đồng, đó là chưa kể hơn 3 tháng bỏ công chăm sóc của 2 vợ chồng. Hiện tôi vệ sinh ao để chuẩn bị thả nuôi vụ mới. Tuy nhiên, nếu giá tôm vẫn thấp như hiện nay thì có lẽ tôi phải để trống ao một vụ”. Theo anh Lập, chi phí đầu tư cho mỗi hécta tôm hiện nay dao động từ 650-700 triệu đồng. Do đó, nếu bán với giá dưới 75.000 đồng/kg thì người nuôi sẽ thua lỗ. Đó là chưa kể đến năng suất tôm.

Anh Võ Thành Trung,  ngụ ấp Nhựt Hòa, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, cho biết, anh và nhiều người nuôi tôm trên địa bàn xã trông chờ giá tăng để thu hoạch và cải tạo ao nuôi. “Giá tôm hiện nay ở mức thấp nhất, do đó nhiều người sợ thua lỗ nên vẫn chưa thu hoạch, còn những người đã thu hoạch tôm thì vẫn “treo ao”, không dám thả nuôi vì giá chưa tăng” – anh Trung cho biết thêm.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, ngụ ấp Bắc, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi 2 ao tôm bán công nghiệp (sử dụng bạt bờ và oxy đáy). Cách đây 1 tháng, tôi thu hoạch 1 ao được khoảng 1,2 tấn tôm. Mặc dù đạt năng suất nhưng do giá tôm thấp nên gia đình tôi không có lãi. Ao tôm còn lại cũng đến giai đoạn thu hoạch nhưng tôi để lại, chờ giá tăng. Nhiều người nuôi tôm ở đây cũng đang “treo ao” như vậy”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ, hiện diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện là 101,9ha, trong đó có hơn 13ha nuôi tôm sú, còn lại là tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu ở các xã: Nhựt Ninh, Đức Tân, Tân Phước Tây và Bình Trinh Đông. Từ đầu năm 2020 đến nay, công tác phòng, chống dịch bệnh cho tôm nuôi được triển khai quyết liệt, hệ thống giám sát dịch bệnh được thiết lập và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn chưa được khống chế triệt để, các loại bệnh nguy hiểm trên tôm như hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng,… còn xảy ra suốt vụ nuôi và ở hầu hết các vùng nuôi với mật độ thấp.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ – Đặng Văn Tây Lo thông tin: “Những tháng qua, giá tôm trên thị trường khá thấp. Vì vậy, người nuôi cần chọn phương án và thời gian thu hoạch phù hợp. Nhìn chung, việc nuôi tôm năm nay gặp khá nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường. Tính đến tháng 11/2020, huyện có hơn 20ha tôm bị thiệt hại do sốc môi trường và  bệnh đốm trắng, gan tụy cấp”.

Thận trọng khi thả nuôi

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước – Nguyễn Thị Cẩm Vân, những năm gần đây, việc nuôi tôm của nông dân trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, thời tiết diễn biến bất thường,… Cùng với đó, nông dân chưa vệ sinh, xử lý ao, đầm đúng yêu cầu kỹ thuật, tình trạng lạm dụng các loại thuốc kháng sinh còn xảy ra, chưa thể kiểm soát được. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện có trên 344ha tôm bị thiệt hại, chiếm gần 20% tổng diện tích thả nuôi.

Để hạn chế dịch bệnh lây lan, trước khi thả nuôi, người dân nên chọn mua tôm giống từ những cơ sở uy tín, đã qua kiểm dịch; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, dịch bệnh, chất lượng môi trường nước ao nuôi và nước,… Ngoài ra, người dân cần cải tạo ao đầm thật kỹ, đối với ao bệnh phải cải tạo trên 30 ngày mới thả nuôi lại,…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh thông tin: “Nhằm bảo đảm duy trì diện tích và sản lượng tôm trong năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng khung lịch thời vụ và tổ chức các đợt quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để thông tin, khuyến cáo kịp thời đến các địa phương. Đồng thời, ngành phối hợp chặt chẽ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm; tổ chức lấy mẫu giám sát, khoanh vùng, xử lý dịch bệnh, không để lây lan; đẩy mạnh tuyên truyền cho tập thể, cá nhân các hộ nuôi tôm thực hiện “3 không”: Không giấu dịch bệnh, không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra môi trường”./.

Đến nay, tỉnh thả nuôi 5.436ha tôm nước lợ, đạt 76,8% kế hoạch (7.080ha), bằng 84,6% so cùng kỳ năm 2019; trong đó, thu hoạch 5.137,2ha, năng suất bình quân 2,7tấn/ha, sản lượng 13.647,8 tấn.Hiện giá tôm thương phẩm ở mức thấp: Tôm thẻ chân trắng: Cỡ 60-70 con/kg giá từ 100.000-110.000 đồng/kg, cỡ 100-110 con/kg giá từ 90.000-95.000 đồng/kg; tôm sú: Cỡ 40-50 con/kg giá từ 195.000-200.000 đồng/kg, cỡ 70-80 con/kg giá từ 110.000-115.000 đồng/kg.

Bùi Tùng – https://baolongan.vn/

Bảo vệ gan tụy để nuôi tôm thành công

gan tụy tôm
Duy trì tốt chức năng gan tụy là điều tiên quyết để nuôi tôm đạt hiệu quả.

Vụ nuôi tôm thành công hoàn toàn phụ thuộc vào việc tình trạng sức khỏe của tôm, do đó cần duy trì tốt các cơ quan chức năng – đặc biệt là gan tụy.

Gan tụy còn được gọi là tuyến ruột giữa là một cơ quan thuộc đường tiêu hóa của tôm. Gan tôm nằm ở phần sau của ngực và ở phần bụng trước tim, có màu nâu vàng, theo cặp và sau gan là đường ruột.

Chức năng chính của gan tụy

Gan tụy là cơ quan quan trọng để hấp thụ và dự trữ các chất dinh dưỡng, cũng được coi là cơ quan chính của tôm cho các chức năng khác:

  • Tổng hợp và tiết ra các enzyme để tiêu hóa thức ăn.
  • Hấp thụ chất dinh dưỡng.
  • Vận chuyển các chất dinh dưỡng dự trữ đến cơ, tuyến sinh dục và các mô khác trong giai đoạn sinh trưởng và sinh sản.
  • Chuyển hóa lipid và carbohydrate.
  • Nơi lưu trữ một năng lượng để cung cấp cho quá trình lột xác, bỏ đói hoặc sinh sản.
  • Đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng và sinh sản ở tôm.

Nguyên nhân gây tổn thương gan tụy tôm

Cho ăn dư thừa: Khi cho tôm ăn quá nhiều sẽ gây ra gánh nặng và làm tổn thương gan tụy. Do đó, cho ăn hợp lý vừa phải giúp gan tụy hoạt động trơn tru.

Việc sử dụng kháng sinh thường xuyên và sử dụng quá nhiều Vitamin cũng vừa là gánh nặng vừa là áp lực cho gan tụy. Thuốc kháng sinh không chỉ điều trị bệnh mà còn sản sinh ra nội độc tố gây hại cho sức khỏe của gan tụy và ruột. Lượng vitamin sử dụng phải phù hợp với khả năng tiêu hóa của ruột và theo tỷ lệ thích hợp không được sử dụng bừa bãi.

Các yếu tố như tôm bị căng thẳng, chất lượng nước thay đổi đột ngột hoặc môi trường ao nuôi kém… cũng ảnh hưởng đến gan tụy.

Điều gì xảy ra khi gan tụy tổn thương?

Tiêu hóa: Chức năng tiêu hóa sẽ ảnh hưởng trực tiếp do gan tụy và ruột bị tổn thương. Các cơ quan này lúc đầu sẽ nhỏ lại và gan tụy teo lại. Những cơ quan này chuyển thành màu nhạt, xuất hiện phân trắng và ruột trở nên đỏ. 

Giải độc: Gan tụy bị tổn thương không có khả năng phân hủy các độc tố và các hợp chất độc hại. Các chất này không được phân hủy sẽ ảnh hưởng đến ruột và đặc biệt là làm tổn thương nhung mao ruột và làm mất đi một phần của chức năng bảo vệ.

Ngoài ra, gan tụy tôm thương sẽ ảnh hưởng trực tiếp tăng trưởng, sức khỏe của tôm và năng suất vụ nuôi.

Những giai đoạn phát triển của gan tụy

Thời kỳ đồng nhất: Thời kỳ bắt đầu cho ăn ở giai đoạn đầu của tôm ấu trùng (PL). Trong giai đoạn này, chức năng gan tụy dễ thay đổi nhưng nhiễm trùng do vi khuẩn hiếm khi xảy ra. Do đó điều quan trọng trong giai đoạn này là giảm áp lực lên quá trình trao đổi chất và tiêu hóa để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, nâng cao khả năng miễn dịch, hệ dinh dưỡng phong phú, thúc đẩy tiêu hóa hợp lý…

Thời kỳ thay đổi cấu trúc gan: Tôm sau khi đạt giai đoạn (PL25) trong ao nuôi thương phẩm. Đây là thời kỳ quan trọng để gan tụy khỏe mạnh trên tôm. Dễ xảy ra dịch bệnh như sưng, teo gan tụy với các yếu tố stress khác nhau.

Thời kỳ màng bao: là thời gian trưởng thành của chức năng gan tụy với chiều dài tôm 6 – 8cm. Gan có một lớp bảo vệ màu trắng và chuyển thành màu nâu đen. Tôm bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh và gan tụy cũng nằm ở phần giữa của vùng đầu trong suốt quá trình nuôi.

Bảo vệ gan tôm trong những giai đoạn phát triển của gan tụy: Vitamin C và axit mật hoạt động như những chất giải độc tốt cùng với vitamin B giúp ích cho việc chuyển đổi cấu trúc gan khi được sử dụng với lượng thích hợp. Thức ăn bổ sung axit mật bảo vệ gan tụy của tôm và nó là hàng rào hóa học quan trọng đối với nội độc tố. Đồng thời cũng có tác dụng kháng khuẩn đáng kể đối với vi khuẩn gram dương. Bổ sung axit mật trong thức ăn cho tôm có thể cải thiện hiệu quả khả năng miễn dịch, giảm áp lực và sửa chữa các tổn thương của gan tụy bằng cách thúc đẩy sự bài tiết của mật và đẩy nhanh quá trình giải độc các chất độc lắng đọng. 

Các biện pháp kiểm soát để bảo vệ gan tụy tôm

  • Cần có tôm bố mẹ không có EMS để ngăn ngừa EMS trong giai đoạn ấu trùng. Kiểm tra ấu trùng tìm AHPND/EMS bằng PCR trước khi thả vào ao. 
  • Cải thiện các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong trại nuôi.
  • Thiết lập một quần thể vi sinh vật cân bằng trong hệ thống ao nuôi.
  • Quản lý chặt chẽ chất lượng nước và bùn đáy. Loại bỏ bùn thường xuyên.
  • Khử trùng bằng clo hoặc ozone để loại bỏ mầm bệnh.
  • Theo dõi các thông số ao nuôi thường xuyên.
  • Tránh cho ăn dư thừa hoặc quá nhiều và cung cấp lượng thức ăn tối ưu.
  • Công nghệ biofloc trong nuôi tôm tỏ ra hữu ích trong việc ngăn chặn sự bùng phát AHPND/EMS.
  • Áp dụng hệ thống tuần hoàn khép kín hoặc không thay nước để tránh ô nhiễm.
  • Vitamin C và acid mật hoạt động như những chất giải độc tốt và cùng với vitamin B giúp ích cho việc sự phát triển gan tôm khi sử dụng với lượng thích hợp.

Functionary Properties of Hepatopancreas in Shrimp & Its Protection for Success of Culture by Prahash C. Behera
Lệ Thủy – https://tepbac.com/