Ăn tôm bơm tạp chất gây tác hại thế nào đến sức khỏe?
Chỉ trong một tuần, lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu liên tục bắt các vụ tôm bị bơm chích tạp chất CMC và agar.
Tôm bơm tạp chất hoành hành dịp cuối năm
Chỉ trong một tuần gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu liên tiếp bắt các vụ vận chuyển tôm có bơm chích tạp chất không đảm bảo an toàn chất lượng.
Theo đó, chiều 24-12, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Bạc Liêu đã kiểm tra xe tải của tài xế Nguyễn Thanh H. (ngụ tại thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) mang biển kiểm soát (BKS) 94C-042.92 đi trên tuyến quốc lộ 1A hướng từ Bạc Liêu đi Cà Mau. Tại đây lực lượng chức năng đã phát hiện số tôm đựng trong các thùng xốp có chứa tạp chất CMC, một loại phụ gia tạo đặc, tạo nhớt.
Khai nhận với cơ quan công an, tài xế H. cho biết đang chở số tôm trên để đi bán cho các công ty, xí nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hiện cơ quan chức năng đang tạm giữ số hàng hóa trên để tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó không lâu, lực lượng chức năng tỉnh này cũng thu giữ gần 400 kg tôm nguyên liệu có tạp chất là agar (rau câu) và CMC đang đường đi tiêu thụ. Số hàng hóa trên do ông Nguyễn So Đ. (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) điều khiển trên xe tải mang BKS 69C-039.86, chạy hướng từ Cà Mau đi Bạc Liêu.
CMC, agar có nguy hiểm cho người dùng
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay agar (bột rau câu) là loại bột có thể ăn được, do đó nếu ăn tôm có bơm ít tạp chất này thì chúng ta cũng không cần thiết phải quá lo lắng.
“Tuy nhiên, đây là hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi cho cá nhân, cần phải lên án và xử lý nặng” – vị chuyên gia bày tỏ.
Mặc dù vậy PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cũng lo ngại việc ăn tôm bơm tạp chất về lâu dài có thể gây ra nguy hại cho đường tiêu hóa như ngộ độc thực phẩm hoặc tích tụ chất bẩn trong người và gây các bệnh mãn tính.
Một chuyên gia khác cũng lo ngại khi thủy hải sản có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển và gây bệnh cho con người khi ăn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia thực phẩm cũng thông tin chất CMC, là chế phẩm ở dạng bột trắng – hơi vàng, hầu như không có mùi hạt hút ẩm. Chúng có thể đông khối và có sức kết nối lớn với ẩm độ cao (98%), đồng thời tạo độ nhớt nên rất thích hợp bơm vào tôm tạo “thịt giả”, giúp tăng trọng lượng.
Theo một kỹ sư hóa, trên thực tế CMC dùng cho thực phẩm hoàn toàn không gây tác hại và cũng không bổ dưỡng gì. Tuy nhiên, điều đáng lo là CMC dạng dùng trong công nghiệp bởi chúng có thể chứa hàm lượng kim loại cao.
“Nếu dùng CMC công nghiệp bơm vào tôm thì rất nguy hiểm cho người sử dụng” – vị này chia sẻ.
Do đó, để đảm bảo an toàn khi sử dụng, các chuyên gia thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm còn sống. Ngoài ra khi mua tôm động lạnh, cần chú ý các chi tiết như đầu, thân, đuôi tôm. Đơn cử như kéo phần thân và phần đầu tôm ra xem, nếu nối chắc chắn thì là tôm không bơm tạp chất và ngược lại.
Hạ Quyên Pháp Luật
Ngành thủy sản tận dụng cơ hội cho xuất khẩu
Chiều 26/12, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020.
Ông Phạm Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2019, khó khăn nổi bật nhất với thủy sản là ngành hàng cá tra và tôm đối mặt với nhiều thách thức khi giá nguyên liệu giảm, trong khi giá nhiên liệu tăng; rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu…
Dự kiến năm 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 6,25% so với năm 2018, tổng sản lượng đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 4,9%. Trong đó sản lượng khai thác đạt 3,77 triệu tấn, tăng 4,5%; nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn, tăng 5,2%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,6 tỷ USD.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc; đồng thời phải “gánh vác” thách thức lớn trong công tác gỡ “thẻ vàng” của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), nhưng ngành thủy sản đã có nhiều giải pháp phù hơp, tận dụng những cơ hội cho thị trường xuất khẩu.
Đơn cử như tôm nước lợ, từ đầu tháng 3 đến tháng 9/2019, giá tôm giảm do một số nguyên liệu cạnh tranh từ xuất khẩu của Ấn Độ và Ecuador và sản lượng tồn kho từ năm 2018. Trong khi đó, Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc tại biên giới và những diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Trước tình hình đó, Tổng cục Thủy sản đã đánh giá diễn biến thị trường kịp thời, định hướng sản xuất, tiêu thụ tôm phù hợp, thực hiện hiệu quả việc hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường, giảm thiểu rủi ro đối với sản phẩm xuất khẩu. Nhờ đó, ước cả năm 2019, diện tích nuôi đạt 720.000 ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750.000 tấn, bằng 98,3% (tôm sú là 270.000 tấn, tôm thẻ chân trắng là 480.000 tấn).
Đối với cá tra, Tổng cục Thủy sản cũng đã chỉ đạo các địa phương triển khai một số giải pháp để duy trì mục tiêu tăng trưởng năm 2019; đồng thời phối hợp tăng cường kiểm tra điều kiện chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đã chủ động điều chỉnh giảm mật độ thả nuôi, giảm lượng thức ăn. Vì vậy, tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 dự kiến đạt 6.600 ha (tăng 22,2% so với năm 2018), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, tương đương so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 1,9 tỷ USD…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành thủy sản vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: Hạ tầng cơ sở cảng cá, cơ chế chế biến, điều kiện kho bãi hiện nay còn yếu và chưa được đầu tư tương xứng; đội tàu cá quá lớn, công nghệ kém, thất thoát sau thu hoạch cao…
Về nguồn nhân lực cho khai thác và chế biến thủy sản cũng còn thiếu và yếu. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đây là những điểm nghẽn mà ngành thủy sản phải tập trung khắc phục, tháo gỡ.
Về định hướng nhiệm vụ trong năm 2020, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung về nuôi trồng thủy sản tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, tập trung vào công tác đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), cá tra, nuôi lồng bè..
Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững…
Năm 2020, Tổng cục Thủy sản đặt mục triêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn, tăng 0,6% so với ước thực hiện năm 2019; sản lượng cá tra 1,42 triệu tấn, tương đương so với năm 2019; sản lượng tôm các loại 850.000 tấn, tăng 3,7%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2019.
Bình Định: Vào vụ nuôi tôm mới: Nhiều giải pháp ổn định vùng nuôi
Ðể đảm bảo vụ nuôi tôm mới thành công, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định ban hành lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 cho từng vùng nuôi, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, khuyến cáo người nuôi tuân thủ lịch thời vụ.
Những năm gần đây, người nuôi tôm trong tỉnh đã nghiêm túc thực hiện các quy định về nuôi trồng thủy sản, từ chọn con giống đảm bảo chất lượng, chú trọng công tác vệ sinh môi trường vùng nuôi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi… nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, sản lượng thu hoạch.
Người nuôi tôm ở vùng nuôi thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) sẽ thả giống sớm hơn mọi năm để đảm bảo mang lại hiệu quả.
Ông Lê Văn Nhơn, ở thôn Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn), chia sẻ: “Sau khi thu hoạch xong tôm nuôi vụ 2 năm 2019, tôi tận dụng ao thả nuôi hơn 2.000 con cá đối, giáp Tết Nguyên đán sẽ thu hoạch. Giữa tháng Giêng, tôi xử lý lại ao để tiếp tục vụ nuôi mới. Năm nay, theo khuyến cáo của ngành chức năng, tôi sẽ giảm số lượng tôm thả nuôi để tăng số lượng cua, cá giống nuôi xen canh”.
Còn ông Phạm Hồng Ngoan, ở thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), cho biết: “Vụ tôm vừa rồi, do nắng hạn kéo dài, ao tôm của gia đình tôi xảy ra dịch bệnh, kết quả không đạt yêu cầu. Tôi có 3 ao nuôi, vụ sắp tới sẽ thả khoảng 40.000 con giống tôm thẻ chân trắng trong 1 ao, 2 ao còn lại tôi sẽ làm ao lắng để vừa cải tạo ao, vệ sinh môi trường, vừa đảm bảo chất lượng nước, nhằm mang lại hiệu quả”.
Năm 2019, tổng diện tích thả nuôi tôm 2 vụ toàn tỉnh hơn 2.198 ha, giảm 8% so với với cùng kỳ năm 2018; trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 789,5 ha, còn lại là diện tích nuôi thủy sản tổng hợp tôm, cua, cá.
Cả tỉnh hiện có 18 cơ sở sản xuất tôm giống, trong đó có 2 DN và 16 cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Trong năm 2019, các DN, cơ sở đã sản xuất 6.768 triệu con giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú.
Vùng nuôi tôm an toàn sinh học tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) hiện có 43 hộ nuôi tôm nước lợ trên tổng diện tích hơn 23 ha. Ông Phan Văn Chạy, Chi hội trưởng cộng đồng nuôi tôm Đông Điền, cho biết: “Năm 2019, sau 2 vụ nuôi, phần lớn người nuôi ở đây chỉ hòa vốn bởi dịch bệnh phát sinh nhiều. Bởi vậy, bà con đã họp lại thống nhất vụ nuôi mới năm 2020 sẽ làm sớm hơn 1 tháng so với mọi năm. Đặc thù vùng nuôi tôm ở đây nằm ở phía ngọn đầm Thị Nại, mình làm sớm hơn 1 tháng là lúc còn gió mùa Đông Bắc, nhờ đó nước lấy vào ao có độ mặn cao hơn. Mấy năm gần đây độ mặn thấp, dễ phát sinh dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp. Thả tôm sớm hơn một chút nhưng vẫn nằm trong khung thời gian và đảm bảo tuân thủ lịch thời vụ. Giữa tháng Chạp, chúng tôi sẽ cải tạo ao, hồ, phơi đáy, bón vôi diệt khuẩn, cấp nước vào hồ… và giữa tháng Giêng sẽ đồng loạt thả giống”.
Theo lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 do Sở NN&PTNT ban hành, toàn tỉnh thả nuôi hơn 2.100 ha tôm nuôi. Đối với vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, thả nuôi 3 vụ/năm; vùng nuôi tôm trên cát nuôi 2 vụ/năm; vùng nuôi tại đầm phá, cửa sông chuyên nuôi tôm, nuôi vụ 1 và nuôi tổng hợp hoặc vụ phụ (vụ 2)…
Ông Võ Đình Tâm, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Bên cạnh việc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tôm trong tỉnh, Chi cục khuyến cáo bà con nên áp dụng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi thủy sản tổng hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tùy theo điều kiện cụ thể từng vùng, hướng dẫn người nuôi điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp theo lịch thời vụ. Chi cục cũng tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống và các giống thủy sản; xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo vụ nuôi tôm trong năm 2020 đạt hiệu quả.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn : Báo Bình Định
Kiên Giang năm 2020 phấn đấu đạt sản lượng tôm nuôi 85.000 tấn
Năm 2020, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt sản lượng tôm nuôi 85.000 tấn, cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản, với tổng diện tích nuôi tôm khoảng 120.000 ha.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang xây dựng khung lịch thời vụ thả giống nuôi tôm nước lợ thích hợp với từng vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là cơ cấu mùa vụ thả giống sản xuất tôm sú – lúa vùng U Minh Thượng; nuôi tôm sú khu vực ven sông Cái Lớn thuộc vùng Tây sông Hậu, vùng ven biển Hòn Đất – Kiên Lương – Hà Tiên – Giang Thành; nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp; nuôi quảng canh cải tiến, tôm – rừng; nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa.
Tiếp đến, Kiên Giang phối hợp với các tỉnh sản xuất tôm giống giám sát chặt chẽ chất lượng con giống nhập về địa bàn tỉnh theo thỏa thuận đã ký kết. Ngành chức năng tỉnh thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh kịp thời thông tin đến người nuôi để chủ động sản xuất; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Hướng dẫn người dân đăng ký nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng để được cấp mã số cơ sở nuôi theo quy định. Xây dựng mô hình chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu.
Ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang tổ chức tập huấn, tọa đàm phổ biến khung lịch thời vụ, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm nước lợ cho nông dân và doanh nghiệp, nhằm hạn chế dịch bệnh xuất hiện gây hại, nuôi tôm an toàn, bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chú trọng hướng dẫn người nuôi tôm thiết kế, cải tạo ao, đầm nuôi tôm đúng kỹ thuật, có khả năng ứng phó với điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài. Hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn phù hợp với loại hình tôm – lúa, quảng canh – quảng canh cải tiến để hạn chế rủi ro, nâng cao tỷ lệ tôm sống và năng suất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, toàn tỉnh thả nuôi tôm nước lợ năm 2019 diện tích 127.876 ha, sản lượng tôm nuôi 82.726 tấn, vượt 8,8% kế hoạch, tăng 11,5% so với năm 2018.
Sản lượng tôm nuôi tăng vượt kế hoạch do thời tiết khá thuận lợi, ít xảy ra dịch bệnh. Các cơ sở nuôi tôm công nghiệp trong tỉnh đầu tư mở rộng quy mô nuôi tôm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong quy trình nuôi để nâng lên năng suất, an toàn, bền vững và hiệu quả. Người nuôi tôm chuyển đổi dần từ nuôi tôm công nghiệp theo truyền thống sang nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn, chiếm khoảng 70 – 80% diện tích nuôi tôm công nghiệp và mô hình này đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất 10 – 15 tấn/ha. Ngoài ra, nuôi xen kết hợp tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh và cá đem lại hiệu quả cao nên nông dân đã đầu tư tăng diện tích nuôi, tăng năng suất, sản lượng tôm; đầu tư nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên… ./.
Nguồn : https://kiengiang.gov.vn/
Tính kháng khuẩn của chiết xuất tầm bóp đến tác nhân gây bệnh phân trắng
Tầm bóp.
Nghiên cứu giới thiệu nồng độ phù hợp khi dùng chiết xuất cây tầm bóp để điều trị bệnh phân trắng trên tôm.
Bệnh phân trắng (WFD) là một trong những bệnh gây nguy hại rất lớn cho nghề nuôi tôm hiện nay. Mầm bệnh thường tấn công khi tôm đạt cỡ 30-80 ngày tuổi. Với triệu chứng đặc trưng quan sát được là có nhiều sợi phân trắng nổi trên mặt nước hoặc xuất hiện trong vó, tôm giảm ăn, tăng trưởng chậm và chết dần.
Các loại vi khuẩn vibrio được chẩn đoán là nguyên nhân gây ra bệnh này bao gồm: V. parahaemolyticus (khuẩn lạc xanh), V. fluvialis (khuẩn lạc vàng), V. vulnificus (khuẩn lạc xanh), V. mimicus (khuẩn lạc xanh), V. alginolyticus và V. cholera. Ruột tôm khi bệnh phân trắng sẽ không chứa thức ăn mà chứa nhiều sợi phân và có mùi hôi vì vibrio ngăn cản quá trình tiêu hóa thức ăn trong ruột tôm.
Gần đây, nhiều người nuôi đã nhận biết được phải kiểm soát vi khuẩn vibrio trong nước và cả trong cơ thể tôm thì mới có thể phòng trị được bệnh phân trắng. Một số thảo dược tự nhiên, thân thuộc lại được sử dụng để điều trị hiệu quả bệnh trên tôm như Tầm bóp (lồng đèn) (Physalis angulata). Là một trong những thảo dược mọc nhiều ở vùng nhiệt đới. Thành phần của trong cây này bao gồm saponins, flavonoids, steroids, polyphenols, alkaloids và một số chất khác với hoạt tính kháng khuẩn cao, chống lở loét, chống đông máu.
Các chiết xuất của P. angulata có hoạt tính kháng nấm cực kỳ hiệu quả, chống lại sự phát triển và tăng sinh của vi khuẩn. Tuy nhiên trước đây việc nghiên cứu cây này chủ yếu thường tập trung để phòng và điều trị các bệnh trên người, là thành phần trong thuốc nhuận tràng, kháng viêm, tiểu đường. Do đó, cần thực hiện thêm một số khảo sát để đánh giá tiềm năng của chiết xuất từ cây tầm bóp chống lại vi khuẩn Vibrio spp gây bệnh phân trắng trên tôm nuôi.
Phương pháp và vật liệu
Nghiên cứu được thực hiện tại Indonesia. Đầu tiên tiến hành thu thập cây tầm bóp, rửa sạch rồi tách riêng thân, rễ, lá của cây, sau đó thực hiện các bước tách chiết trong phòng thí nghiệm. Các chiết xuất trộn lần lượt với N-hexan, chloroform, ethyl acetate và ethanol mỗi mẫu 500 ml hóa chất (1:10). Tiến hành nuôi cấy và phân lập vi khuẩn Vibrio spp thu từ mẫu nước và mẫu ruột tôm bị nhiễm WFD.
Kết quả và thảo luận
Chiết xuất từ lá và thân của tầm bóp được thí nghiệm chứng minh là có hiệu quả chống lại các loài vibrio gây bệnh phân trắng. Tuy nhiên mỗi trích xuất với dung môi hữu khác nhau thu được đều có hoạt tính kháng khuẩn khác nhau.
Dựa vào kết quả cho thấy, trích xuất với dung môi Chloroform có hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhất, kế đến là ethyl acetate. Bên cạnh đó tính kháng khuẩn của thảo dược này ở khuẩn lạc xanh tương đối thấp hơn ở những vi khuẩn có khuẩn lạc vàng trong khảo sát. Điều đó cho thấy rằng khả năng gây bệnh và sức đề kháng của khuẩn lạc xanh cao hơn khuẩn lạc vàng rất nhiều. Điều đó không quá xa lạ vì trước nay nhóm vibrio có khuẩn lạc xanh đều gây bệnh cho tôm nhiều hơn và nặng hơn so với khuẩn lạc vàng trong đa số trường hợp khác.
Khi xét nghiệm vùng ức chế của chiết xuất tầm bóp với dung môi chloroform và ethyl acetate đối với các khuẩn lạc đã mọc trên đĩa cấy. Kết quả phân tích phương sai cho thấy sự khác biệt rất lớn về nồng độ ảnh hưởng đến phạm vi ức chế của chiết xuất. Với nồng độ là 5% thì vùng ức chế thu được là lớn nhất 11mm và không khác biệt khi tăng nồng độ lên 10,15 và 20%.
Chiết xuất thảo dược và các vùng ức chế.
Tuy nhiên một điều đặc biệt được nhận ra là riêng chiết xuất từ lá cây tầm bóp với chloroform ở các nồng độ khác nhau thì hiệu quả tác dụng là khác nhau. Cụ thể khi tăng dần nồng độ sử dụng thì vùng ức chế trên đĩa cũng mở rộng ra theo. Do đó lá cây được cho là bộ phận có tác dụng ức chế thấp nhất với vi khuẩn Vibrio spp.
Kiểm tra tỷ lệ sống sót của tôm thẻ chân trắng sau khi ngâm trong chiết xuất tầm bóp trộn với chloroform, sau 1 giờ cho thấy 50% lượng chiết xuất có độc tính với 50% đàn tôm thử nghiệm. Trong khi đó, với nồng độ chiết xuất thấp hơn 50% thì tỉ lệ sống thu được từ 83 đến 100%. Do đó, có thể kết luận rằng chiết xuất từ tầm bóp với chloroform là an toàn khi dùng để kháng khuẩn với nồng độ tốt nhất là thấp hơn 25% khi sử dụng cho tôm.
Tóm lại chiết xuất thảo dược này có chứa nhiều hoạt chất kháng khuẩn hiệu quả khi pha trộn với dung môi chloroform và ethyl acetate với nồng độ diệt khuẩn mạnh nhất là 10% và không khác biệt ở các nồng độ 15, 20%. Đồng thời chiết xuất tầm bóp này gây độc ở nồng độ 50%.
Theo E Saraswati và AS Wijaya
Hà Tử
Nguồn : Tép Bạc
Cà Mau: Tôm khô Rạch Gốc tăng giá chóng mặt mà vẫn hút hàng
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2020, đây cũng là thời điểm các hộ sản xuất tôm khô ở Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), nơi có thương hiệu tôm khô nổi tiếng khắp cả nước, tất bật vào vụ sản xuất. Tuy nhiên, nhiều hộ dân theo nghề cho biết giá tôm khô dịp Tết năm nay sẽ tăng cao.
Ghi nhận của phóng viên tại thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), không khí sản xuất tôm khô đang rất tất bật, nhằm cung ứng cho thị trường Tết sắp tới. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hộ theo nghề, giá tôm khô năm nay sẽ tăng cao so với năm ngoái do nguồn tôm nguyên liệu khan hiếm.
Theo nhiều nông dân nuôi tôm ở Cà Mau, ở những tháng giáp tết năm nay nguồn tôm đất trong vuông khá ít. Bên cạnh đó, nhiều hộ cũng giữ lại tôm đất để làm tôm khô dùng cho gia đình dịp Tết, từ đó đẩy giá lên khá cao. Hiện tôm đất được thương lái thu mua tại chỗ với giá dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg (năm rồi ở mức 80.000 đồng/kg).
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Chương – Giám đốc hợp tác xã (HTX) tôm khô Tân Phát Lợi (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cho biết: Do nhiều diện tích vuông tôm vừa cải tạo xong sau một vụ sản xuất nên sản lượng tôm đất giảm. Thị trường Tết khá nhộn nhịp nên giá tôm cũng tăng cao. Tuy có khó khăn về nguồn nguyên liệu, nhưng HTX sẽ tranh thủ đảm bảo cho các đơn hàng. Khoảng nửa tháng trước thì đã có nhiều đơn hàng đặt cho HTX, với sản lượng gần 2 tấn.
“Năm nay, tôm khô sẽ có giá tăng từ 150.000-200.000 đồng/kg so với năm trước, dao động từ 1.300.000-1.350.000 đồng/kg loại I (năm rồi khoảng 1.150.000 đồng/kg). Đó là giá từ cơ sở sản xuất, còn khi các cơ sở bán ra thì còn đội lên rất nhiều. Về sản lượng tôm khô, ở vụ Tết năm 2019, HTX xuất bán với doanh số hơn 4 tỷ đồng. Còn ở vụ Tết năm 2020, nếu sản lượng đảm bảo thì có thể đạt doanh số hơn 10 tỷ đồng” – ông Chương cho hay.
Tôm khô Rạch Gốc sẽ tăng giá dịp Tết 2020. Ảnh: CL.
Theo ghi nhận của phóng viên, bắt đầu từ qua Tết 2019 đến nay thì giá tôm khô giữ ở mức cao, từ 1.200.000 đồng/kg (loại I). Trong khi ở những năm trước, qua Tết Nguyên đán thông thường giá tôm khô sẽ giảm xuống.
Được biết, HTX tôm khô Tân Phát Lợi là một trong những đơn vị hiện đang sử dụng nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc, một thương hiệu tôm khô nổi tiếng khắp cả nước.
Quy trình cơ bản để làm nên con tôm khô Rạch Gốc, trước tiên là tiếp nhận nguyên liệu – chọn tôm đạt cỡ – rửa sạch – luộc – phơi – sấy – tách vỏ – sàng, lau bóng – phân loại – đóng gói. Các cơ sở sản xuất đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể đều phải đảm bảo tuân thủ đúng quy trình này.