Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Nhận diện công nghệ để nâng cao giá trị tôm

Ngành nuôi tôm nước ta đang sôi động với rất nhiều quy trình kỹ thuật đã đặt ra vấn đề nhận diện công nghệ cao để phát triển bền vững nâng cao giá trị tôm Việt.

Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính.

Phóng viên có cuộc trao đổi với TS Cao Lệ Quyên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Bộ NN-PTNT.

Bà Cao Lệ Quyên cho biết, nuôi tôm Việt Nam đang gặp phải một số vấn đề như diện tích nuôi tôm chủ yếu là quảng canh cải tiến, năng suất nuôi thấp, trung bình chỉ 0,3-0,5 tấn/ha. Môi trường ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, chi phí sản xuất còn cao, hiệu quả nuôi và thị trường chưa ổn định.

Trong lúc đó, trình độ lao động nuôi tôm còn thấp, áp dụng công nghệ cao hạn chế. Về tổ chức thì liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị, chia sẻ rủi ro rất khó khăn; cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện đều chưa đáp ứng nhu cầu.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2025 theo Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ, cần thiết phải cập nhật, cải thiện công nghệ nuôi tôm nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường.

Quy trình nuôi đã có nhiều hướng mở

Hiện nuôi tôm đã áp dụng nhiều công nghệ mới với xu hướng chung là gì?

Khái niệm quy trình nuôi đã có sự thay đổi, theo hướng mở hơn; trước đây hệ thống nuôi tôm đóng, còn bây giờ chuyển đổi sang hệ thống mở. Trước năm 2010, các công nghệ nuôi tôm gồm có nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh với đặc điểm chung là phân biệt dựa trên mật độ và năng suất nuôi, điều kiện cơ sở hạ tầng, diện tích ao nuôi. Còn bây giờ các mô hình công nghệ cao như hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS), nuôi tôm nước chảy kiểu sông trong ao (raceway), nuôi tôm theo quy trình 3 pha trong ao, nuôi siêu thâm canh nhiều tầng, nuôi siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ thực vật lên men và mô hình nuôi biofloc, semi-biofloc, copefloc…

Thiết kết cơ sở hạ tầng kỹ thuật ao nuôi thay đổi như thế nào?

Có rất nhiều loại ao nuôi tôm với thiết kế khác nhau. Ao đất thiết kế chìm không lót bạt hoặc có lót bạt xung quanh bờ ao. Ao đất thiết kế bán nổi có lót bạt xung quanh bờ ao và đáy ao. Lại có ao đất thiết kế nổi được lót bạt toàn bộ ao. Còn có bể nuôi tôm bằng khung sắt được lót bạt xung quanh, đặt nổi trên mặt đất.

Còn sự thay đổi về quy trình kỹ thuật, thiết bị công nghệ nuôi tôm?

Chúng ta thấy, nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến có diện tích mặt nước nuôi tôm thường chiếm 95 – 100% diện tích khu nuôi, mỗi ao rộng 1 – 2ha. Mật độ thả giống dưới 10 con/m2, thời gian nuôi một vụ kéo dài 4 – 5 tháng. Thức ăn cho tôm chủ yếu từ tự nhiên. Chi phi đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu thấp.

Sang nuôi thâm canh và bán thâm canh, diện tích mặt nước nuôi tôm chỉ chiếm 70 – 75% tổng diện tích khu nuôi bởi phải dành 25 – 30% làm các công trình phụ trợ, diện tích mỗi ao còn khoảng 3.500m2. Mật độ thả giống 20 – 60 con/m2, thời gian nuôi một vụ giảm xuống còn 3 – 4 tháng. Thức ăn cho tôm chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Chi phi đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu cao.

Đến nuôi ứng dụng công nghệ cao, diện tích mặt nước nuôi tôm chỉ còn chiếm 25 – 30% tổng diện tích khu nuôi bởi phải dành 70 – 75% cho các công trình phụ trợ, diện tích một ao chỉ còn 1.500m2. Mật độ thả giống 250 – 300 con/m2, thời gian một vụ nuôi còn 3 tháng. Thức ăn cho tôm là thức ăn công nghiệp kết hợp với nhân nuôi sinh khối vi sinh vật làm thức ăn (Biofloc, semi-biofloc…). Chi phi đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu rất cao.

Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu gồm những gì?

Chủ yếu là thiết bị phụ trợ nuôi. Nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến không có thiết bị phụ trợ. Sang nuôi thâm canh và bán thâm canh, thiết bị phụ trợ là quạt tạo ô xy và thiết bị kiểm tra môi trường cầm tay. Còn nuôi ứng dụng công nghệ cao có rất nhiều thiết bị phụ trợ: Quạt tạo ô xy, sục khí đáy, máy cho ăn tự động, kiểm tra môi trường bằng tay, giám sát môi trường, hệ thống RAS, hệ thống nhà kính…

Khi đầu tư tăng lên thì kết quả nuôi cũng tăng lên. Nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến năng suất một vụ chỉ 0,1 – 0,5 tấn/ha và không ổn định, phụ thuộc vào tự nhiên nên rủi ro rất lớn về dịch bênh, môi trường. Nuôi thâm canh và bán thâm canh năng suất tăng lên một vụ 3 – 10 tấn/ha nhưng cũng không ổn định và vẫn gặp rủi ro về dịch bệnh, môi trường. Còn nuôi ứng dụng công nghệ cao, năng suất một vụ tới 30 – 50 tấn/ha, hiệu quả cao và ổn định vì ít chịu tác động từ bên ngoài, ít gặp rủi ro dịch bệnh, môi trường.

Thực tế nuôi tôm công nghệ cao

Thực tế khả năng ứng dụng công nghệ cao trong ngành tôm như thế nào?

Chúng tôi nghiên cứu ở 3 tỉnh là Sóc Trăng, Bạc Liêu. Nhìn chung cả 3 tỉnh, những khả năng khá cao là về hệ thống điện, trang thiết bị của cơ sở nuôi, thủy lợi, điều kiện thời tiết; khả năng kém nhất là xử lý chất thải, nước thải từ cơ sở nuôi tôm của chủ cơ sở, yếu kém này đều khắp cả 3 tỉnh.

Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu, bà thấy các công nghệ cao đang áp dụng hiện nay còn vấn đề gì không?

Các công nghệ đang áp dụng như RAS, bio-floc, siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm nhiều giai đoạn, quy trình nuôi tôm dựa trên công nghệ Copefloc, Biofloc, nuôi tôm sạch 5C là công nghệ cho quá trình nuôi tạo ra nguyên liệu tôm, đó là công nghệ “đầu vào”.

Đến nay chưa có nhiều công nghệ được nghiên cứu liên quan đến xử lý “đầu ra” từ nuôi tôm như nước thải, bùn thải… Mới có biogas nhưng quy mô còn ít và khó khăn trong nhân rộng.

Văn bản quản lý về “đầu ra” mới chỉ có QCVN 02-19:2014/BNNPTNT riêng cho nuôi nước lợ và QCVN 01-80:2011/BNNPTNT cho nuôi; chưa có quy chuẩn về bùn thải.

Các quy chuẩn chủ yếu quan tâm đến hàm lượng kim loại nặng và một số chất gây ô nhiễm môi trường mà chưa đề cập đến việc phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh trong nước thải và bùn thải của nuôi tôm nói riêng, nuôi trồng thủy sản nói chung.

Rất cần nghiên cứu để có quy định. Bởi vì, để đạt mục tiêu theo QĐ 79/QĐ-TTg thì cần thiết phải cập nhật, cải thiện công nghệ nuôi tôm nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội và quan trọng nữa là phải bảo vệ được môi trường.

Bên cạnh, hướng dẫn quy trình kỹ thuật được ban hành mới chủ yếu cho nuôi thâm canh, bán thâm canh; chưa có hướng dẫn cho nuôi siêu thâm canh, công nghệ cao. Khái niệm thế nào là nuôi công nghệ cao hoặc nuôi siêu thâm canh đến nay cũng chưa rõ trong các văn bản quản lý.

Chính sách và hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật ngành

Từ thực tế đó, bà có đề xuất gì về cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghệ cao?

Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ vốn đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; gồm hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, vốn đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị, hỗ trợ vốn chia sẻ rủi ro và tham gia bảo hiểm; chú trọng cả hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao, nhân rông mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Nhà nước xây dựng ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật ngành, điều kiện để ứng dụng công nghệ cao, xây dựng quy trình nuôi ứng dụng công nghệ cao. Các địa phương quy hoạch riêng vùng nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao.

Trong phát triển công nghệ cao, nhân lực có vai trò quyết định mà lúc nãy bà cho biết trình độ lao động nuôi tôm còn thấp, áp dụng công nghệ cao hạn chế, vậy cần đào tạo thế nào để đáp ứng yêu cầu?

Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đủ số lượng và chất lượng là rất quan trọng. Theo tôi, cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo, xã hội hóa đào tạo; khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia đào tạo thông qua xây dựng các mô hình khuyến ngư, gắn lý thuyết với thực tiễn. Địa phương thành lập các trung tâm ứng dụng, chuyển giao, hỗ trợ đào tạo công nghệ cao trong nuôi tôm. Hình thành hiệp hội nuôi tôm để hỗ trợ đào tạo; phát triển việc ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới. Chú trọng chính sách hỗ trợ sinh viên học ngành nuôi trồng thủy sản.


Xuất khẩu tôm của Ecuador dự kiến đạt kỷ lục 600.000 tấn trong năm 2019

(vasep.com.vn) Ecuador là nước XK tôm lớn thứ 3 thế giới, chiếm khoảng 13% tổng giá trị XK tôm của toàn thế giới và duy trì vị trí này từ năm 2015 đến nay. Trong 2 năm trở lại đây, hoạt động XK tôm của Ecuador khá suôn sẻ và liên tục đạt tăng trưởng tốt trong từng tháng của năm. Dự kiến cả năm nay, khối lượng XK tôm Ecuador đạt kỷ lục 600.000 tấn.

Năm 2018, lượng XK tôm của Ecuador đã đạt trên 500.000 tấn, gấp đôi so với khối lượng XK trong năm 2014. 11 tháng đầu năm nay, XK tôm của Ecuador đạt 586.000 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả khả quan này là nhờ tăng trưởng XK mạnh và ổn định sang thị trường lớn, Trung Quốc và các biện pháp cải tiến kỹ thuật hiện đại trong nuôi tôm.

XK tôm của Ecuador năm 2019 tăng nhờ ngành tôm nước này tập trung cải thiện các trại nuôi. Ecuador đầu tư vào các hệ thống sục khí (1 máy sục khí/ ha ao nuôi), sử dụng máy cho ăn tự động (giúp quản lý thức ăn tốt hơn), tăng cường dưỡng chất trong thức ăn, nghiên cứu công thức và thành phần trong thức ăn để cải thiện sức khỏe tôm nuôi, cải thiện môi trường nước trong ao đảm bảo chất lượng nước và lượng oxy.

Bên cạnh đó, tập trung vào khoảng 10% các trại nuôi trên cả nước. Các trại nuôi này thả nuôi từ 20-25 tôm post/m2 và có thể thu hoạch 2,5-4,0 tấn/ha mỗi vụ, với ba vụ mỗi năm so với mật độ thả nuôi 12-15 post/m2 ở các trại nuôi thông thường, với sản lượng thu hoạch 1,1-1,3 tấn/vụ.

11 tháng đầu năm nay, XK tôm Ecuador đạt 585.816 tấn, trị giá 3,37 tỷ USD, tăng 27% về khối lượng và 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Trung Quốc là thị trường NK tôm lớn nhất của Ecuador, chiếm 54,7% trong tổng khối lượng XK tôm của Ecuador. EU đứng thứ hai với 16%, Mỹ đứng thứ ba chiếm 12%.

Về giá XK trung bình, giá XK tôm Ecuador sang Trung Quốc và Mỹ lần lượt đạt 5,7 USD/kg và 5,72 USD/kg. Giá XK trung bình tôm Ecuador sang Việt Nam đạt 5,54 USD/kg. Trong 11 tháng đầu năm nay, giá XK trung bình tôm Ecuador sang 3 thị trường NK chính đều giảm.

11 tháng đầu năm nay, XK tôm Ecuador sang Trung Quốc đạt 320.739 tấn, trị giá 1,8 tỷ USD, tăng 294% về khối lượng và 259% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 11/2019, XK tôm Ecuador sang Trung Quốc đạt kỷ lục 46.000 tấn, tăng 33% so với tháng 10/2019. Sau khi giảm trong tháng 9/2019 do giới chức Trung Quốc cấm NK tôm từ một số công ty XK tôm lớn nhất của Ecuador, XK tôm đông lạnh của Ecuador sang Trung Quốc phục hồi trở lại trong tháng 10 và 11/2019 để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán tại Trung Quốc.

Với sản lượng tôm tăng, duy trì tăng trưởng mạnh XK sang Trung Quốc, XK tôm Ecuador năm 2019 dự kiến đạt kỷ lục 600.000 tấn.

Xuất khẩu tôm của Ecuador, T1-T11/2019
Thị trường KL (tấn) So với cùng kỳ 2018 (%) GT (triệu USD) So với cùng kỳ 2018 (%) Giá TB (USD/kg) So với cùng kỳ 2018 (%)
Trung Quốc 320.739 294 1.829 259 5,70 -9
Mỹ 70.544 8 404 -5 5,72 -12
Việt Nam 59.405 -69 329 -72 5,54 -9
Tây Ban Nha 34.795 4 195 -7 5,60 -11
Pháp 27.199 7 170 0 6,26 -7
Italy 22.378 -1 131 -10 5,83 -9
Nga 9.248 124 47 107 5,09 -7
Hàn Quốc 8.544 4 51 -8 5,97 -12
Colombia 3.756 24 22 11 5,91 -10
Anh 3.541 16 27 11 7,69 -4
Các thị trường khác 25.666 10 170 -9 6,64 -17
Tổng 585.816 27 3.375 15 5,76 -9
(Nguồn: Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador)

Kim Thu

Giá tôm nước lạnh dự kiến tăng vào mùa xuân

(vasep.com.vn) Giá tôm nước lạnh ổn định trong cả năm 2019. Giá trung bình tôm pandalus borealis NK của Mỹ trong năm 2019 đạt 7,12 USD/pao đối với cỡ 125/175; 6,80 USD/pao đối với cỡ 150/250; 6,49 USD/pao đối với cỡ 175/250; và 6,34 USD/pao đối với cỡ 250/350.

Đầu tháng 12/2019, giá giảm xuống 7,03 USD/pao đối với cỡ 125/175; 6,38 USD/pao đối với cỡ 150/250; 6,28 USD/pao đối với cỡ 175/250; và 5,95 USD/pao đối với cỡ 250/350. Giá thấp hơn khiến lượng mua tăng để đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới. Nếu lịch sử lặp lại, giá sẽ tăng trở lại trong mùa xuân.

Nguồn cung năm 2019 được cập cảng bởi các tàu của Na Uy, Nga, EU, Iceland, quần đảo Faroe, và Đông Greenland là 78.000 tấn, tăng từ  55.900 tấn năm 2018.

Năm 2019, các nhà chế biến Na Uy có nhu cầu cao hơn với tôm cỡ to so với những năm trước đó. Ở Tây Greenland, tổng sản lượng khai thác năm 2019 đạt 105.000 tấn, tăng từ 101.000 tấn năm 2018 và 92.500 tấn năm 2017.

Mặc dù tổng sản lượng khai thác tăng kể từ năm 2015, dự báo nguồn lợi tôm giảm. Tại Canada, tôm borealis được khai thác ở Newfoundland và Labrador. Sản lượng khai thác năm 2019 đạt khoảng 28.000 tấn, giảm từ 42.200 tấn năm 2018.

Kim Thu

(Theo undercurrentnews)

Trung Quốc: Nhập khẩu tôm đông lạnh vượt 3 tỉ USD

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, NK tôm đông lạnh của Trung Quốc đạt 410 triệu USD, tăng 17%.

Trung Quốc NK trực tiếp 67.000 tấn tôm đông lạnh gồm cả tôm nước lạnh (Pandalus borealis) và tôm nước ấm, tăng 15% trong đó tôm nước ấm 62.000 tấn và 5.000 tấn tôm nước lạnh, trị giá 353 triệu USD và 26 triệu USD.

Ecuador là nguồn cung tôm nước ấm nuôi lớn nhất của Trung Quốc, cung cấp 33.000 tấn tôm sang Trung Quốc, tăng 8%.

Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã bỏ lệnh cấm NK từ một số nhà cung cấp tôm lớn nhất của Ecuador. Lệnh cấm áp dụng hồi tháng 9/2019 do lo ngại lây lan dịch bệnh.

Tiếp đó, Ấn Độ là nguồn cung lớn thứ 2, cung cấp 12.200 tấn (giảm 3%).

Canada và Greenland là các nhà cung cấp lớn nhất tôm nước lạnh khai thác tự nhiên cho Trung Quốc, cung cấp lần lượt 2.800 tấn và 1.500 tấn.

Mười tháng đầu năm 2019, Trung Quốc NK trực tiếp 534.000 tấn tôm đông lạnh bao gồm 494.000 tấn tôm nước ấm và 40.000 tấn tôm nước lạnh. So với Mỹ, khối lượng NK tôm của Trung Quốc là tương đương trong khi giá trị NK tôm Trung Quốc thấp hơn 1 tỷ USD so với Mỹ vì Mỹ NK nhiều sản phẩm tôm giá trị gia tăng hơn. Chín tháng đầu năm nay, Mỹ NK 4,19 tỷ USD tôm.

Nguồn : https://sinhhoctomvang.vn/

Malaysia: 11 hãng tôm bị Mỹ đưa vào “danh sách đỏ” do kháng sinh

(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2019, nhiều công ty xuất khẩu tôm của Malaysia đã bị Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) liệt vào “danh sách đỏ” sau khi phát hiện nhiều mẫu từ 18 lô hàng của 11 hãng tôm Malaysia chứa chloramphenicol.

Từ 2009 đến 2018, 28 hãng xuất khẩu tôm Malaysia bị đưa vào “danh sách đỏ” của FDA do 56 mẫu tôm chứa nitrofurans. Nhiều nguồn tin quốc tế cho rằng trong khi những công ty xuất khẩu này bị kiểm soát chặt hơn, thì tôm nuôi bán tại thị trường nội địa lại bị quản lý rất lỏng lẻo.

Nhiều người dân Malaysia không biết họ đang ăn phải các sản phẩm tôm chứa tồn dư kháng sinh như nitrofurans và chloramphenicol có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một trong số những loại tôm này gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương thường xuyên được bày bán tại hầu hết các khu chợ thực phẩm tại Malaysia.

Để bảo vệ sức khỏe, người dân đã bắt đầu chuyển sang ăn tôm tự nhiên. Họ phân biệt tôm tự nhiên qua màu sắc và kích cỡ. Tôm tự nhiên có màu hồng nhạt, kích cỡ đa dạng không đều nhau trong khi tôm nuôi có màu xanh hoặc xám đậm và các con đều tăm tắp. Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng tại Malaysia cũng liên tục đưa ra lời cảnh báo về hậu quả của việc ăn phải các tồn dư hóa chất trong thủy hải sản. Các chuyên gia tin rằng tồn dư từ hai loại kháng sinh này chính là tác nhân gây ung thư.

Một trang trại nuôi tôm tại Malaysia

Đảo Penang là địa phương có số doanh nghiệp tôm bị liệt vào danh sách đỏ của FDA nhiều nhất cả nước. Trong số 28 hãng xuất khẩu tôm chứa kháng sinh nitrofurans sang Mỹ và bị đưa vào danh sách đỏ của FAD, có 19 hãng thuộc Penang; trong số 11 hãng xuất tôm chứa chloramphenicol, có 8 doanh nghiệp tại Penang. Số doanh nghiệp còn lại thuộc các tỉnh Perak, Selangor, Kedah và Sarawak.

Một nông dân nuôi tôm cho một trại nuôi lớn tại Kedah chia sẻ, cách đây 10 năm, dịch bệnh lạ đã tấn công các trại tôm tại Malaysia. Đó là EMS. Chỉ trong 30 ngày sau khi thả vào ao tăng trưởng, gần như toàn bộ tôm nuôi chết hết trong khi vụ nuôi cần đến 70 đến 100 ngày mới cho thu hoạch. Nông dân Malaysia đã thử rất nhiều loại thuốc nhưng đều thất bại trước EMS, và buộc phải dùng đến nitrofurans và chloramphenicol. Tại Penang, mặc dù là một hòn đảo, nhưng hơn một nửa sản lượng thủy sản trong năm 2014 có nguồn gốc từ trại nuôi.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Malaysia Sim Tze Tzin lại cho rằng, số tôm chứa tồn dư kháng sinh xuất sang Mỹ thực chất có nguồn gốc từ quốc gia khác, được trung chuyển qua Malaysia. Theo ông này, các hãng xuất khẩu của Malaysia đã nhập khẩu tôm đông lạnh nguyên liệu từ các quốc gia khác để chế biến và tái xuất vào thị trường Mỹ. Ông Sim lý giải: Chúng tôi luôn thắt chặt kiểm soát. Bất cứ trại tôm nào tham gia xuất khẩu sản phẩm nuôi của họ đều phải đăng ký qua Cục Thủy sản. Cơ quan quản lý an toàn sinh học thuộc Cục Thủy sản cũng thường xuyên lấy mẫu tôm nuôi từ các trại này để thử nghiệm kháng sinh, kim loại nặng, hormone và thuốc nhuộm. Nếu mẫu chứa kháng sinh cấm, trại nuôi sẽ bị cấm và toàn bộ tôm thu hoạch sẽ không được phép xuất khẩu.

Tuấn Minh
Nguồn :Thủy sản Việt Nam

Chùm ảnh: Giá tôm càng xanh tăng cao, người dân Cà Mau “hốt bạc”

Sau khi thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm, người dân Cà Mau tất bật thu hoạch tôm càng xanh. Cận Tết, giá tôm càng xanh tăng cao giúp nhiều nông dân “hốt bạc”.

Những năm gần đây, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau được xem là “thủ phủ” con tôm càng xanh của tỉnh. Đến nay, địa phương này đã phát triển hơn 16.000ha, tăng hơn 5.000ha so với 3 năm về trước, chủ yếu tập trung ở các xã Biển Bạch Đông, Tân Bằng, Biển Bạch, Thới Bình,…

Những năm gần đây, bên cạnh con tôm sú, tôm thẻ chân trắng thì tôm càng xanh được người dân tỉnh Cà Mau, nhất là trên địa bàn huyện Thới Bình nuôi phổ biến.

Đến nay, địa phương này đã phát triển hơn 16.000ha, tăng hơn 5.000ha so với 3 năm về trước, chủ yếu tập trung ở các xã Biển Bạch Đông, Tân Bằng, Biển Bạch, Thới Bình,…

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, đến thời điểm hiện tại, nhiều diện tích tôm càng xanh của huyện đã thu hoạch, năng suất đạt trung bình khoảng 200-250kg/ha mặt nước.

Hiện, giá bán tôm tại chỗ từ 110.000-130.000đồng/kg tùy loại. Sau khi trừ đi hết các khoản chi phí, người nuôi tôm càng xanh còn lãi khoảng 20 triệu đồng/ha.

Đẩy mạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh phía bắc có 760 giấy chứng nhận VietGAP thủy sản đã được cấp cho khoảng 1.200 cơ sở nuôi, với diện tích hơn 5.690 ha. Bên cạnh đó, có 1.900 ha được áp dụng và chứng nhận GAP khác như: GlobalGAP, ASC, BAP… Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản toàn vùng đạt 4,38 triệu tấn (tăng 5,5% so với năm 2018).

* Tại tỉnh Tuyên Quang hiện có năm tổ chức được cấp chứng nhận nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, với tổng dung tích lồng nuôi là 14.400 m3; sản lượng khai thác đạt 300 tấn/năm…

* Năm 2019, sản lượng thủy sản của tỉnh Nam Định ước đạt 160.125 tấn, tăng 7% so với năm 2018, đạt 104% kế hoạch năm. Sản lượng khai thác thủy sản cũng đạt khoảng 54.490 tấn, trong đó khai thác biển 52.485 tấn, khai thác nội đồng đạt 2.005 tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

* Năm 2019, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh Thái Bình ước đạt 85.350 tấn (tăng 7,22% so với năm 2018), giá trị ước đạt 1.305 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã tổ chức chín cuộc thanh tra, kiểm tra; nhắc nhở 179 lượt phương tiện; xử phạt bốn chủ tàu cá có hành vi vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước 22 triệu đồng.

* Diện tích nuôi tôm của tỉnh Quảng Trị có 1.260 ha, sản lượng nuôi tôm ước đạt 5.065 tấn, giá trị sản xuất đạt 914 tỷ đồng. Tuy nhiên, người nuôi tôm còn nhiều khó khăn về thời tiết, môi trường, dịch bệnh, rất cần ngành chăn nuôi địa phương hỗ trợ, hướng dẫn…

* Năm 2019, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng đạt hơn 211 nghìn tấn; thiệt hại do dịch bệnh cũng ở mức thấp, chỉ hơn 5.000 ha, chiếm 8,8% diện tích thả nuôi, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thiệt hại thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

* Có khoảng 60 hộ nông dân của tỉnh Kiên Giang tham dự tọa đàm sản xuất vụ tôm năm 2020 do ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức. Thông qua buổi tọa đàm, người dân được phổ biến lịch thời vụ thả giống nuôi tập trung từ tháng 1 đến tháng 3, thu hoạch dứt điểm tháng 8, không nên thả nuôi liên tục, nên nuôi tôm kết hợp trồng lúa.

* Tỉnh Bình Thuận đang yêu cầu chủ phương tiện tàu cá dài từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong thời hạn quy định. Theo kế hoạch, có 1.834 tàu cá thuộc đối tượng lắp thiết bị giám sát hành trình phải hoàn thành trước ngày 1-4. Tuy nhiên, đến hết năm 2019, tỉnh mới lắp được 600 tàu cá (đạt khoảng 30%).

* Tỉnh Cao Bằng vừa cho biết, tính đến ngày 31-12-2019, tại địa phương đã có 9.874 hộ chăn nuôi/1.217 xóm/169 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thành phố xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tổng số lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy gần 86 nghìn con. Tỉnh đã thực hiện chi trả 63 tỷ đồng hỗ trợ cho người chăn nuôi.

* Tại tỉnh Nam Định, tính đến ngày 30-12-2019, tổng số lợn chết và tiêu hủy do DTLCP là 265.988 con (chiếm khoảng 33% tổng đàn lợn trên địa bàn). Tổng trọng lượng tiêu hủy là 14.509 tấn. Tỉnh đã cấp 386,8 tỷ đồng hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị bệnh phải tiêu hủy…

* Tính đến hết năm 2019, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 73.788 con lợn bị tiêu hủy do mắc DTLCP, tổng trọng lượng lợn tiêu hủy là 4.463 tấn. Ước tính tỉnh đã hỗ trợ gần 133 tỷ đồng cho các hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy.

PV VÀ CTV