Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Sớm xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước

(PLVN) – Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung nhấn mạnh, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan phải khẩn trương hoàn tất và sớm triển khai đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”; đưa ra mô hình thành công tiêu biểu để chuyển giao lan tỏa cho nông dân…

Ngày 10/1, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Ông Dương Thành Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến dự và chỉ đạo Hội nghị; Đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh; các huyện, thị thành phố; Đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Năm 2019, Ngành Nông nghiệp Bạc Liêu tăng trưởng 5,1% góp phần tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh 10,61%. Tiếp tục giữ vai trò quan trọng nhất của tỉnh góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Về xây dựng nông thôn mới với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của người dân. Có 36 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM); 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 58 ấp được công nhận ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã 11 sản phẩm được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá có quyết định công nhận đạt 3 – 4 sao.

Quang cảnh Hội nghị. 

Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tiếp tục năm 2020 sẻ triển khai đầu tư và sớm đưa vào khai thác Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; tạo điều kiện thuận lợi cho các Công ty, doanh nghiệp đủ điều kiện để đầu tư vào Khu; tăng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm – lúa…để phát triển nuôi tôm, tăng cường các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước nuôi tôm công nghệ cao; phát triển mạnh nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng khu vực ven biển của tỉnh.

Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ các vùng nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, nâng cao tỷ lệ canh tác giống lúa mới, lúa chất lượng cao, nhất là sớm triển khai canh tác giống lúa ST25 trên đất tôm – lúa; áp dụng IPM, Quy trình canh tác lúa theo “3 giảm, 3 tăng” hoặc “1 phải, 5 giảm”; sử dụng tiết kiệm nước, quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá cộng đồng, quản lý dinh dưỡng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có hiệu quả; áp dụng các giải pháp góp phần giảm tổn thất trong và sau thu hoạch.

 Ông Dương Thành Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thực hiện NTTS và nuôi Artemia để tăng thu nhập, cải thiện đời sống diêm dân. Phát triển hạ tầng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai. Phấn đấu năm 2020 tỉnh Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; có 49/49 xã đạt chuẩn NTM; tối thiểu 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Về chương trình mỗi xã một sản phẩm, phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 23 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh lên 34 sản phẩm.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Dương Thành Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Thời gian qua tỉnh đã đầu tư rất nhiều cho ngành nông nghiệp, so với các ngành khác thì ngành nông nghiệp tỉnh còn dư địa khá lớn ở nhiều lĩnh vực, đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm khai thác để mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho tỉnh.

Để ngành nông nghiệp khắc phục những tác động tiêu cực, hạn chế, yếu kém và tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trong năm 2020. Ngành nông nghiệp cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó các địa phương phải bắt tay ngay vào triển khai thực hiện theo kịch bản chống hạn và mặn xâm nhập, bảo vệ sản xuất trà lúa vụ 3.

 Ông Dương Thành Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP đạt 3 và 4 sao cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan phải khẩn trương hoàn tất và sớm triển khai đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”; Thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng các mô hình nuôi tôm và đưa ra mô hình thành công tiêu biểu để chuyển giao lan tỏa cho nông dân; Làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới, xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm; Xây dựng thương hiệu muối Bạc Liêu; Đẩy mạnh việc xây dựng cánh đồng lớn, bao tiêu  sản phẩm cho nông dân…

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung trao 11 giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP đạt 3 và 4 sao cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất…

Trọng Nghĩa
Nguồn : https://baophapluat.vn/

Xuất khẩu tôm hồi hộp chờ thuế giảm

chế biến tôm
Xuất khẩu tôm vẫn đặt nhiều hy vọng bức phá ở thị trường EU trong năm mới. Ảnh: Nguyễn Vy

Dù xuất khẩu không đạt kết quả như kỳ vọng trong năm 2019 nhưng con tôm Việt Nam vẫn đặt nhiều hy vọng ở năm mới 2020, khi một số hiệp định thương mại quan trọng như EVFTA sẽ có hiệu lực, hay thế vận hội mùa hè năm nay…

Hồi hộp chờ đợi EVFTA

EU là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 20% tổng tỉ trọng. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 696,2 triệu USD, giảm 16,9% so với năm 2018.

Dù kết quả năm 2019 không như kỳ vọng nhưng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm vẫn đặt nhiều hy vọng bức phá ở thị trường này trong năm mới. Đặc biệt, khi Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm nay.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng Phòng xuất xứ hàng hóa (Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương), thành viên tham gia phái đoàn đàm phán hiệp định thương mại EU (EVFTA) thông tin, thuế nhập khẩu vào EU hầu hết các sản phẩm tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) sẽ được giảm từ mức cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Riêng thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Đây là một điểm cộng rất lớn cho Việt Nam trong cuộc đua tăng thị phần tại thị trường EU, vì cho tới nay, Việt Nam là nước duy nhất đã đàm phán được FTA tại thị trường này. Các đối thủ như Ấn Độ, Ecuado, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Bangladesh đều chưa có hoặc chưa kết thúc đàm phán.

Lợi thế về thuế quan cũng thể hiện rõ rệt ở sản phẩm tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh khi mức thuế phổ cập GSP giảm từ 4,2% về mức 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Trong khi, Thái Lan, Ecuado không được hưởng ưu đãi GSP nên mức thuế là 12%, Ấn Độ, Indonesia cũng phải chịu thuế ở mức 4,2%.

Kỳ vọng xuất khẩu tăng mùa Olympic

Nếu thị trường EU được chờ đợi sẽ bức phá nhờ lợi thế về ưu đãi thuế quan thì tại thị trường Mỹ, thị trường lớn thứ 2 của tôm Việt Nam, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho tôm Việt Nam.

Cụ thể, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến Mỹ tăng thuế 25% đối với 250 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có sản phẩm tôm. Điều này đã tạo cơ hội cho các nguồn cung đối thủ của Trung Quốc trên thị trường Mỹ trong đó có Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng tôm bao bột.

Hiện tại, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 4 trong top 6 nước xuất khẩu tôm và Mỹ, chiếm 8,8% tổng giá trị nhập khẩu tôm của nước này. Trong khi Trung Quốc đã phải lui về vị trí chót bảng, chỉ còn chiếm 3% tổng giá trị.

Ngoài ra, tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong năm mới này.

Riêng tại thị trường Nhật Bản – thị trường lớn thứ 3 của tôm Việt Nam, Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản, đặc biệt là tôm tăng cao.

Đại diện Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, tại Nhật Bản, các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao đang được ưa chuộng, có nhiều điều kiện để tăng trưởng tốt thời gian tới.

Nguyên nhân là do ngành kinh doanh thực phẩm ăn sẵn của Nhật Bản phát triển khi số người độc thân gia tăng, tỷ lệ nội trợ giảm. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, doanh nghiệp Việt phải tăng cường đổi mới công nghệ chế biến, gia tăng các sản phẩm chế biến sâu.

Ngoài ra, để đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, doanh nghiệp nên đổi mới phương thức tiếp cận thị trường cùng với quảng bá mạnh mẽ hơn nữa thương hiệu cho sản phẩm của mình. Thêm nữa, cần chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Nguyễn Vy  Nguồn : Dân Việt

Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm VietGAP

(Thủy sản Việt Nam) – Nuôi tôm hiện đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát khắp nơi, giá thành cao, hiệu quả kinh tế thấp, chất lượng sản phẩm kém, thị trường xuất khẩu có nhiều rào cản. Trước thực trạng trên đã có nhiều giải pháp đưa ra để nghề nuôi tôm phát triển bền vững trong đó có việc áp dụng công nghệ sinh học (CNSH). Sau đây là một vài mô hình điển hình.

Nuôi tôm công nghiệp

Hiện nay ứng dụng CNSH được coi là một giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu để ngành nuôi tôm công nghiệp tại nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ổn định và phát triển bền vững. Khi, việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm thâm canh hiện nay đã phá vỡ cân bằng sinh thái và tác động xấu đến môi trường, chất lượng sản phẩm kém và tồn lưu các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng đang tạo nên rào cản trong việc xuất khẩu tôm Việt Nam ra thị trường thế giới.

Nuôi tôm theo mô hình VietGAP hướng đến an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và vệ sinh thực phẩm nên CNSH cần được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình nuôi tôm và có thể chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Trước khi thả giống

Cải tạo ao nuôi: Đối với ao đất có thể tháo cạn nước trong ao, dọn bùn đáy ao và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý bùn đen ở đáy ao. Phơi đáy 10 – 15 ngày. Cày xới đáy ao để các khí độc NH3, H2S thoát ra khỏi đáy ao về tạo điều kiện thuận lợi cho hệ vi sinh vật phân giải ở đáy ao phát triển mạnh. Bón vôi cải tạo đáy và bờ ao. Cấp nước và diệt khuẩn với các sản phẩm không độc cho tôm như Vikon hoặc ít độc cho tôm như Isodine. Chỉ diệt khuẩn bằng Chlorine chỉ khi thực sự cần thiết với những ao nuôi khi vụ trước bị bệnh hoặc ao nuôi nằm trong vùng có dịch bệnh. Sau 5 – 6 ngày, tiến hành diệt tạp và bón phân gây màu nước. Đối với những ao nuôi khó gây màu nước có thể sử dụng chế phẩm vi sinh probio để gây màu nước. Với những ao nuôi có đáy bị nhiễm phèn nặng dùng chế phẩm vi sinh chuyên xử lý phèn có chủng vi sinh Thiobacillus spp. để xử lý phèn. Sử dụng chế phẩm vi sinh để gia tăng hàm lượng vi sinh vật có lợi trong ao nuôi. Kiểm tra thành phần vi sinh trong ao khi đạt yêu cầu thì tiến hành thả giống.

Đối với ao nuôi lót bạt HPDE, sau khi cải tạo ao xong tiến hành cấp nước đã xử lý vào ao nuôi, sau đó sử dụng chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất để nâng cao mật số vi khuẩn có lợi và kìm hãm sự tăng sinh vi khuẩn có hại trong ao nuôi.

Giai đoạn 2: Trong quá trình nuôi

Sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nước định kỳ trong suốt vụ nuôi để ổn định mật số vi khuẩn có lợi trong ao nuôi nhằm duy trì chất lượng nước trong suốt vụ nuôi và phòng trừ dịch bệnh. Sử dụng chế phẩm vi sinh trộn vào thức ăn trong suốt quá trình nuôi để ổn định hệ vi sinh vật trong đường ruột của tôm nhằm tăng cường sự bắt mồi của tôm, tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn, nâng cao hiệu suất sử dụng thức ăn đồng thời giúp phòng trị các bệnh về đường ruột của tôm.

Giai đoạn 3: Sau khi thu hoạch tôm thương phẩm

Sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại chế phẩm vi sinh với nhiều thương hiệu khác nhau;  tuy nhiên chế phẩm vi sinh được dùng phổ biến nhất, giá thành thấp, hiệu quả sử dụng cao và dễ áp dụng cho các hộ nuôi tôm theo mô hình VietGAP là chế phẩm EM (Efective Microorganism: Vi sinh vật hữu hiệu). Sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

Công nghệ Biofloc nuôi TTCT

Biofloc đã trở thành công nghệ phổ biến trong các trại nuôi TTCT. Kỹ thuật Biofloc cơ bản được phát triển bởi TS Yoram Avnimelech ở Israel và được áp dụng ở quy mô thương mại lần đầu tiên bởi Công ty Belize Aquaculture ở Belize. Sau đó, đã được ứng dụng thành công trong các trang trại nuôi tôm ở Indonesia và Australia. Tại Việt Nam, công nghệ Biofloc cũng đã được ứng dụng thành công ở một số trang trại nuôi tôm; tuy nhiên hiện nay vẫn chưa được triển khai rộng rãi.

Tiếp cận công nghệ Biofloc nhằm nâng cao sinh khối của vi sinh vật làm thức ăn cho tôm bằng cách bổ sung thêm C để vi khuẩn sử dụng triệt để hơn nguồn N thải chuyển thành sinh khối trong Biofloc. Sử dụng công nghệ Biofloc sẽ nâng cao hiệu quả quản lý môi trường ao nuôi, giảm dịch bệnh, giảm lượng thức ăn thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn dinh dưỡng của thức ăn.

Biofloc (kết tủa sinh học/kết dính sinh học), hoặc Activated sludge (bùn hoặc tính) là tập họp các loại vi sinh vật khác nhau, chủ yếu là vi khuẩn, kết lại thành khối bông, xốp, màu vàng nâu, với trung tâm là  hạt chất rắn lơ lửng trong nước.

Thành phần Biofloc bao gồm: Hỗn hợp các vi sinh vật dị dưỡng (vi khuẩn tạo floc và vi khuẩn sợi), mảnh vụn, keo, polymer sinh học, cation, tế bào chết, muối tinh thể… Bám vào Biofloc còn có vi tảo (tảo sợi, tảo silic), nấm, động vật nguyên sinh, động vật phù du (luân trùng), giun tròn…

Trong Biofloc, vật chất hữu cơ chiếm 60 – 70%, vật chất vô cơ chiếm 30 – 40%; trong vật chất hữu cơ, vi khuẩn sống chiếm khoảng 2 – 20%. Biofloc có cấu trúc rỗng, xốp (99% thể tích là khoảng không); kích thước không nhất định, có thể biến đổi: 0,1 – 2 mm. Tốc độ chìm lắng chậm: 1 – 3 m/giờ.

Vấn đề mấu chốt trong công nghệ Biofloc là tạo điều kiện tối ưu để vi sinh vật dị dưỡng phát triển, hấp thụ Amonium, tạo sinh khối làm thức ăn cho vật nuôi. VSV dị dưỡng sử dụng C hữu cơ (từ carbohydrate như tinh bột, rỉ đường…) và nguồn nitơ vô cơ (chủ yếu là Amonium) để tổng hợp nên protein. Nếu bổ sung C với tỷ lệ thích hợp sẽ tăng cường quá trình chuyển hóa nitơ vô cơ thành protein trong sinh khối vi sinh vật. Sau đó, Biofloc làm thức ăn cho tôm nuôi và sẽ giảm lượng thức ăn 20% so quy trình nuôi thông thường.

Công nghệ này không chỉ được áp dụng trong các trang trại nuôi tôm thương phẩm, mà còn được ứng dụng trong hệ thống Raceway siêu thâm canh với sản lượng hơn 9 kg tôm/m3. Hệ thống Raceway đã được ứng dụng cho việc ương nuôi và chọn lọc các dòng tôm bố mẹ. Hiện nay, nhiều nghiên cứu ở các trường đại học lớn và các công ty tư nhân đang sử dụng Biofloc như là một nguồn protein trong thức ăn tôm và cá.

Lợi ích thương mại trong công nghệ Biofloc gồm 3 yếu tố: Biofloc cho năng suất cao, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp (FCR) và môi trường nuôi bền vững. Hơn nữa, với những rủi ro về dịch bệnh do virus và sự gia tăng chi phí năng lượng trong các hệ thống nuôi truyền thống, Biofloc dường như là một lời giải đáp cho việc sản xuất bền vững với chí phí thấp hơn. Lợi thế của công nghệ Biofloc là an toàn sinh học cao. Cho đến nay, bệnh đốm trắng (WSSV) không còn đáng lo ngại trong hệ thống nuôi này; năng suất và sản lượng cao hơn từ 5 – 10% so hệ thống nuôi thông thường, không thay nước trong quá trình nuôi. Tôm tăng trưởng nhanh và tương ứng với hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) khoảng 1.0 – 1.3. Chi phí sản xuất có thể thấp hơn 15 – 20%.

Khó khăn của nuôi tôm theo công nghệ Biofloc là cần nguồn năng lượng lớn để vận hành hệ thống sục khí; việc mất điện trong khoảng thời gian 1 giờ cũng có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng. Các ao nuôi theo công nghệ này phải được lót bạt hoặc làm bằng xi măng, ngoài ra, cần phải huấn luyện kỹ thuật cao hơn cho kỹ thuật viên.

>> Nhìn chung áp dụng CNSH trong nuôi tôm thương phẩm có thể quản lý được chất lượng nước trong suốt vụ nuôi, hạn chế được dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

TS Nguyễn Tấn Sỹ – Phó Viện trưởng Viện NTTS, Đại học Nha Trang

Nguồn :Thủy sản Việt Nam

Hiệu quả nuôi tôm thẻ bằng thức ăn có B-Glucan

(Thủy sản Việt Nam) – Sử dụng chế phẩm sinh học B-Glucan trong nuôi TTCT là rất cần thiết trong tình trạng dịch bệnh, tỷ lệ sống thấp gây thiệt hại nặng cho người nuôi và rủi ro cho sản xuất; chính vì vậy, Bộ Công thương đã giao cho Viện Nghiên cứu NTTS II thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất B-Glucan kích thước phân tử lượng lớn bổ sung trong thức ăn NTTS”.

Đề tài này được thực hiện từ tháng từ 1/2017 – 6/2019. ThS Phạm Duy Hải, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất thức ăn có B-Glucan phân tử lượng lớn, từ 1.000 – 5.000 kDa, từ bã men bia đảm bảo các chỉ tiêu ATTP quy định cho thức ăn chăn nuôi, đồng thời tăng cường miễn dịch, tăng trưởng, tăng tỷ lệ sống cho TTCT.

Sử dụng chế phẩm sinh học B-Glucan trong nuôi TTCT là rất cần thiết

Nguyên liệu đầu vào được sử dụng là bã men bia tươi và men khô được thu thập từ 5 nhà máy do Công ty TNHH Thương mại Đại Hùng Sáng cung cấp; các enzym thương mại protease PA 3000 và a-amylase Licuamind được cung cấp bởi Dyadic International (Mỹ). Xây dựng quy trình sản xuất thức ăn nuôi TTCT có bổ sung B-Glucan dựa vào quy trình công nghệ và trang thiết bị hiện có của nhà máy Công ty CP Thức ăn Thủy sản Tomking; địa điểm nuôi khảo nghiệm đánh giá hiệu quả ở quy mô công nghiệp được thực hiện tại ấp Giồng Cha, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Kết quả, đã xây dựng thành công quy trình sản xuất B-Glucan và mô hình thiết bị với công suất 100 kg nguyên liệu/ngày, giúp sản xuất được 50,4 tấn thức ăn nuôi TTCT. Tỷ lệ sống của tôm đạt 65%, tăng 11%, giúp tăng năng suất lên 10,74 tấn/ha/vụ, tăng 1,9 tấn. “Đặc biệt, dựa trên tính ứng dụng rộng rãi cũng như khả năng sản xuất quy mô công nghiệp, nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ quy trình công nghệ để có thể đưa vào sản xuất quy mô lớn trong một ngày không xa”, ThS Hải thông tin.

An An
Nguồn:Thủy sản Việt Nam

Giá tôm thẻ 08/01/2020

Gia the stapimex số 004,ad:06g09.01.2020 (A1=>A5)
15c:268,265,263,261,258.
20c:243,240,238,236,233.
25c:191,188,186,184,181.
30c:167,164,162,160,157.
35c:157,154,152,149,145.
40c:151,148,146,143,139.
45c:144,141,139,136,132 .
50c:138,135,133,130,127 .
55c: 130,127,125,122,119.
60c:124,121,119,116,113 .
70c:123,120,118,115,112 .
80c:115,112,110,107,104 .
90c:107,104,102,99,96.
100c:101,98,96,93,90.
110c:90,87,85,82,79.
120c:89,86,84,81,78.
130c:88,85,83,80,77.
140c:86,83,81,78,75.
150c:82,79,77,74,71.
155c:77,74,72,69,66.
Giam 1 từ 45c đến 80c.

Trung tâm xét nghiệm thủy sản miễn phí đầu tiên tại Quảng Trị

Đây là cơ sở miễn phí đầu tiên có chuyên môn trong việc kiểm tra các yếu tố môi trường nước và xét nghiệm một số bệnh tôm trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu cùng nhau phát triển đem lại sự an tâm cho bà con nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhằm tìm ra những nguyên nhân chính xác nhất, hạn chế dịch bệnh và góp phần đem lại thành công cho người nuôi tôm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công ty TNHH Thủy sản Toàn Cầu (TP Hồ Chí Minh) và đưa vào hoạt động Trung tâm Xét nghiệm thủy sản miễn phí Toàn Cầu tại địa chỉ số 29, đường Lý Thường Kiệt, TP Đông Hà, từ ngày 06/01/2020.

Năm 2019, diện tích nuôi tôm của tỉnh Quảng Trị có 1.260 ha, sản lượng nuôi tôm ước đạt 5.065 tấn, giá trị sản xuất đạt 914 tỷ đồng. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm còn nhiều khó khăn bất cập về thời tiết, môi trường, dịch bệnh. Trung tâm Xét nghiệm miễn phí thủy sản Toàn Cầu khai trương và đi vào hoạt động sẽ kịp thời hỗ trợ người nuôi tôm về vấn đề chẩn đoán, phòng và trị bệnh trên tôm nuôi được hiệu quả và chính xác.

Trung tâm với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như, máy PCR, máy điện di, kính hiển vi, sẽ kịp thời hỗ trợ bà con xét nghiệm kiểm tra nguồn nước nuôi tôm, phát hiện tác nhân gây bệnh cho tôm và bệnh tôm đang mắc phải, cũng như tư vấn để giúp người nuôi tôm kiểm tra các chỉ tiêu môi trường trong nước như kiềm, pH, ammoniac (NH3), NO2 và các kim loại nặng.

Đồng thời kiểm tra lâm sàng cho tôm như các bệnh đường ruột, gan, soi tươi mẫu tôm và xét nghiệm 4 loại bệnh thường gặp trên tôm là bệnh hoại tử gan (Vi-para), hội chứng chết sớm (EMS), bệnh đốm trắng (WSSV) và vi bào tử trùng (EHP). Kiểm tra virus, vi khuẩn trong tôm bằng máy PCR. Tất cả các kết quả này sẽ trả cho khách trong vòng 15-30 phút. Nếu có thông số nào không phù hợp, người nuôi tôm sẽ được nhân viên tư vấn cụ thể các biện pháp phòng trị khi trả kết quả xét nghiệm.

PHAN VIỆT TOÀN
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp

Xây dựng Đề án lúa thơm – tôm sạch

Quy mô thực hiện đề án trên diện tích 17.000ha, bao gồm toàn bộ vùng sản xuất tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên tại địa bàn 9 xã…

Những ngày đầu tháng 12/2019, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường làm việc với Tỉnh ủy Sóc Trăng, thống nhất chủ trương phát triển vùng sản xuất tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng tiến tới xây dựng thương hiệu lúa – tôm cho tỉnh.

Đặc biệt vừa qua, với sự kiện giống lúa ST25 (một trong nhóm lúa ST rất thích hợp với vùng đất tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên) đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2019, thì việc xây dựng đề án phát triển sản xuất tôm – lúa tại huyện này là hết sức cần thiết. Vì vậy, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị và địa phương xây dựng đề án để phát vùng sản xuất tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung.

Trên tinh thần đó, mới đây Sở NN-PTNT tỉnh đã tổ chức cuộc họp bàn thống nhất xây dựng đề án. Các đại biểu đã bàn bạc, thống nhất xác định đề án với tên gọi: “Phát triển vùng sản xuất lúa thơm – tôm sạch huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”.

Về quy mô thực hiện đề án trên diện tích 17.000ha, bao gồm toàn bộ vùng sản xuất tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên tại địa bàn 9 xã Ngọc Tố, Ngọc Đông, Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2, Thạnh Phú, Thạnh Quới và Tham Đôn. Về thời gian thực hiện, từ 2020 – 2025, đặt tầm nhìn đến năm 2035.

Về cơ sở hạ tang sẽ phối hợp với các viện nghiên cứu, các cơ quan liên quan khảo sát, đề xuất cụ thể khi xây dựng đề án. Sẽ chú trọng vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất lúa, nhất là việc gieo cấy và khâu thu hoạch.

Về xây dựng thương hiệu lúa – tôm và phát triển các chuỗi sản xuất, sẽ phối hợp với Sở KH-CN, Sở Công thương… để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, dựa trên một số chuỗi giá trị đã và đang được hình thành.

Ông Đào Đắc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên đề nghị đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 sớm hoàn thành đề án trong tháng 5/2020 để kịp trình HĐND tỉnh kỳ họp giữa năm để thông qua. Giao Phòng NN-PTNT huyện Mỹ Xuyên tham mưu giúp UBND huyện các hồ sơ, thủ tục để đề nghị Sở NN-PTNT, trình UBND tỉnh cho chủ trương và cấp kinh phí xây dựng Đề án.

TĂNG THANH CHÍ
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp