Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Streptomyces parvulus và Bacillus subtilis: Nguồn vi khuẩn trong ương tôm

Tôm thẻ chân trắng.
Tôm thẻ chân trắng.

Nghiên cứu cho thấy vi khuẩn Bacillus subtilis và Streptomyces parvulus là 2 loài vi khuẩn tiềm năng nên được đưa vào ương nuôi tôm để kích thích tăng trưởng, tăng cường miễn dịch và nâng cao tỉ lệ sống của tôm.

Thủy sản là ngành sản xuất thực phẩm có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới với các đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, trong đó có tôm thẻ chân trắng. Tốc độ phát triển ngành nuôi tôm công nghiệp đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Để giải quyết vấn đề này, các chất hóa học và kháng sinh đã được thường xuyên sử dụng trong hoạt động nuôi tôm dẫn đến kháng thuốc và tồn dư kháng sinh tôm thu hoạch ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và xuất khẩu.

Hiện nay, vi sinh vật hữu ích được sử dụng phổ biến là một giải pháp tích cực, có nhiều triển vọng để quản lý vi sinh vật trong ao nuôi, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh và giảm lượng chất thải hữu cơ thải ra môi trường góp phần phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về sự tồn tại cũng như hiệu quả của dòng Streptomyces và Bacillus đến sự kháng Vibrio gây bênh cho tôm nuôi. Vì vậy, đề tài: “So sánh khả ̣ năng cải thiện chất lượng nước và ức chế Vibrio của xạ khuẩn Streptomyces và vi khuẩn Bacillus chon lọc trong hê ̣thống nuôi tôm thẻ chân trắng (L. vannamei)” được thực hiện với mục đích cải thiện chất lượng nước, tăng cường năng suất và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng.

Bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần và được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên.

– Nghiệm thức 1 (Đối chứng: ĐC): Không bổ sung vi khuẩn

– Nghiệm thức 2 (NT2): Bổ sung vi khuẩn B. subtilis

– Nghiệm thức 3 (NT3): Bổ sung xạ khuẩn S. parvulus

– Nghiệm thức 4 (NT4): Hỗn hợp B. subtilis và S. parvulus (HH) ( tỷ lệ 1:1).

Mật độ sau khi bổ sung vào môi trường nước nuôi đạt 105  CFU/mL và chu kỳ bổ sung vi khuẩn vào bể là 5 ngày/lần. Thí nghiệm được bố trí trong 12 bể composite 120 lít đã được sát trùng bằng clorine trước khi bố trí thí nghiệm. Mật độ thả tôm 0,5 con/lít. Tôm được cho ăn 4 lần/ngày bằng thức ăn công nghiệp cho tôm giai đoạn Postlarvae vào lúc 06, 11, 16 và 21 giờ, liều lượng cho ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời gian thí nghiệm là 60 ngày.

Kết quả

Sau 60 ngày nuôi, các thông số chất lượng nước (COD, TAN, NH3 và NO2) cho thấy ở các nghiệm thức bổ sung probiotic trong môi trường nuôi đã thúc đẩy phân hủy vật chất hữu cơ tốt hơn và mật độ Vibrio thấp hơn so với nghiệm thức đối chứng.

Bổ sung probiotic giúp cải thiện tỉ lệ sống và tăng trưởng tốt của tôm hơn so với đối chứng, trong đó bổ sung xạ khuẩn S. parvulus kích thích tốc độ tăng trưởng của tôm tốt nhất gồm tăng trưởng trọng lượng tuyệt đối và tăng trưởng chiều dài tuyệt đối giữa các nghiệm thức cao nhất là nghiệm thức 3 (0,118±0,011 g/ngày) và 0,152±0,011 cm/ngày, và thấp nhất ở đối chứng (0,076±0,008g/ngày) và 0,127±0,012 cm/ngày.

Tỷ lệ sống của tôm dao động trong khoảng 44.7- 64.7%, so với nghiệm thức bổ sung vi khuẩn B. subtilis, nghiệm thức bổ sung S. parvulus và nghiệm thức bổ sung hỗn hợp cho kết quả tốt hơn trong việc ức chế mật độ vi khuẩn Vibrio trong môi trường nuôi. Kết quả cho thấy bổ sung 2 loài vi khuẩn trên giúp tiến trình phân hủy vật chất hữu cơ nhanh hơn và ức chế sự phát triển Vibrio trong môi trường nuôi đồng thời làm tăng tỷ lệ sống và tăng trưởng của tôm.

Kết quả từ nghiên cứu cho thấy bổ sung 2 loài vi khuẩn trên giúp tiến trình phân hủy vật chất hữu cơ nhanh hơn và ức chế sự phát triển Vibrio trong môi trường nuôi. Do đó, kết quả từ nghiên cứu cung cấp thông tin cơ sở vào sản xuất probiotic dùng trong thủy sản.

Theo Phạm Thị Tuyết Ngân, Hồ Diễm Thơ và Trần Sương Ngọc.

NH Tổng Hợp
Nguồn : tepbac

Một số biện pháp phòng, chống dịch EHP tại các cơ sở sản xuất tôm giống


Một số biện pháp phòng, chống dịch EHP tại các cơ sở sản xuất tôm giống

Để chủ động phòng, chống hiệu quả bệnh do vi bào tử trùng (EHP) gây ra và các bệnh nguy hiểm khác trên tôm nước lợ, Cục Thú y đã ban hành văn bản 1848/TY-TS ngày 8/10/2019 hướng dẫn phòng, chống bệnh vi bào tử trùng trên tôm nuôi nước lợ.

Các loài tôm (sú, thẻ, he) ở giai đoạn giống cũng mẫn cảm với bệnh vi bào tử trùng, do đó, tại văn bản trên, Cục Thú y đã hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh vi bào tử trùng tại các cơ sở sản xuất tôm giống. Cụ thể các cơ sở sản xuất tôm giống phải thực hiện các biện pháp tổng hợp theo quy định tại Thông tư số 4/2016/TT-BNNPTNT và một số nội dung chính sau đây:

– Xây dựng và triển khai các quy trình quản lý, kỹ thuật đảm bảo an toàn sinh học để ngăn chặn tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở và mầm bệnh từ cơ sở (nếu có) ra ngoài môi trường.

– Triển khai giám sát bệnh theo hướng dẫn tại Công văn số 431/TY-TS ngày 18/3/2019 của Cục Thú y.

– Tổ chức xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 2/6/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

– Đối với tôm bố mẹ: Mua tôm từ những cơ sở giống được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc đã được xét nghiệm chứng minh âm tính với tác nhân gây bệnh vi bào tử trùng và các bệnh khác theo quy định về kiểm dịch động vật thủy sản tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 và Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

– Đối với nguồn thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ: Với mỗi lô thức ăn tươi sống, thu ít nhất 1 mẫu đối với mỗi loại thức ăn tại 5 vị trí để xét nghiệm nhằm đảm bảo không nhiễm vi bào tử trùng và các bệnh khác trên tôm theo quy định.

– Đối với tôm giống: Thực hiện xét nghiệm bệnh đảm bảo không bị nhiễm vi bào tử trùng trước khi xuất bán và thực hiện kiểm dịch theo quy định.

– Đối với nguồn nước nuôi: Xây dựng quy trình khử trùng nước nuôi bằng Chlorine với nồng độ 30 ppm hoặc các hóa chất/công nghệ khác tương đương, phương pháp phù hợp khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh (trong đó có vi bào tử trùng) trước khi đưa vào sử dụng.

– Đối với công cụ, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, người ra vào trại: Phải có quy trình vệ sinh, khử trùng tiêu độc, bảo đảm hiệu quả khử trùng (bảo hộ, hố khử trùng, khử trùng định kỳ…).

– Khi phát hiện lô tôm giống dương tính với vi bào tử trùng, tiến hành thu mẫu tôm, thức ăn tươi sống để truy tìm nguồn bệnh và thực hiện tiêu hủy theo quy định. Khai báo với thú y cơ sở, cơ quan thú y của địa phương để được hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng chống theo quy định.

– Xử lý ổ dịch phải đảm bảo: Toàn bộ dụng cụ, phương tiện chứa đựng,vận chuyển, bể nuôi… phải được khử trùng bằng chất sát trùng và phương pháp phù hợp; nước trong ao bệnh phải được xử lý bằng Chlorine nồng độ 30 ppm, ngâm trong 7 ngày trước khi xả ra ngoài môi trường; các chất cặn bã, bùn đáy ao… trong quá trình nuôi phải được thu gom và xử lý tại khu vực riêng (ngoài khu vực sản xuất).

Đào Duy Anh Vũ – Chi cục Thủy sản Bình Thuận


Xuất khẩu tôm tranh thủ tín hiệu tốt thị trường Trung Quốc

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), diện tích nuôi tôm của cả nước trong năm 2019 ước đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750 nghìn tấn, bằng 98,3% so với năm 2018.

Thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ ngày càng siết chặt yêu cầu kỹ thuật và chất lượng.

Trong đó, sản lượng tôm sú là 270.000 tấn, tôm chân trắng 480.000 tấn. Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Trong năm 2020, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu thả nuôi tôm nước lợ là 730 nghìn ha, tăng 10.000 ha so với năm 2019. Những ngày đầu năm 2020 đến nay, giá tôm sú nguyên liệu tại ĐBSCL tăng ở một số kích cỡ do nguồn cung thấp. Dự báo trong thời gian tới, giá tôm nguyên liệu có xu hướng tăng do nguồn cung thấp, nhu cầu cao.

Với thị trường xuất khẩu, thị trường xuất khẩu tôm sang Trung Quốc thời gian qua đã có những tín hiệu sáng do nhu cầu từ thị trường này tăng. Dự báo những tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu nhập khẩu phục vụ dịp Tết Nguyên đán của nước này ở mức cao. Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường lớn trong CPTPP là Nhật Bản và Úc cũng tăng trưởng khả quan.

Với thị trường EU, xuất khẩu tôm của Việt Nam thời gian qua bị giảm do nhu cầu thị trường chậm lại và tôm Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với tôm Ecuador. Hiện Ecuador có xu hướng tăng xuất khẩu tôm sang thị trường EU sau khi hiệp định thương mại tự do giữa Ecuador và EU có hiệu lực.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 2 về trị giá và lớn thứ 3 về lượng của Việt Nam trong 11 tháng năm 2019, đạt 57,85 nghìn tấn, trị giá 599,9 triệu USD, tăng 3,2% về lượng và tăng 1,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chỉ tăng nhẹ do nhu cầu tại thị trường này chậm lại và tôm Việt Nam bị cạnh tranh bởi tôm Ấn Độ.

Theo Bộ Công thương, trong bối cảnh các nước gia tăng diện tích nuôi tôm, ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới trong thời gian tới, giá tôm khó có thể phục hồi mạnh. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu ngày càng thắt chặt các yêu cầu về chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm cũng sẽ tác động đến xuất khẩu thủy sản nói chung của Việt Nam và xuất khẩu tôm nói riêng.

Đặc biệt mới đây, EU đưa ra quy định mới về việc siết chặt chất Ethoxyquin, chất chống oxy hóa giúp bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản. Theo đó, EU quy định từ ngày 31/3/2020 Ethoxyquin sẽ không được sử dụng trong tất cả các loại thức ăn thủy sản. Vì vậy, Các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam cần lưu ý cập nhật và đáp ứng quy định này để xuất khẩu vào EU không bị trở ngại trong thời gian tới.

Theo QUỲNH TRANG/Nông nghiệp VN

Cận tết, giá tôm thẻ chân trắng tăng mạnh

Sau thời gian dài giá tôm liên tục đứng ở mức thấp, khiến người nuôi tôm trong tỉnh Bình Thuận luôn trong tình trạng thua lỗ, thì những ngày cận tết, người nuôi tôm có thể thở phào, phấn khởi đón xuân vì giá tôm bỗng tăng trở lại do nguồn cung khan hiếm.

Dân nuôi tôm sẽ ăn tết lớn

Cách đây vài tháng, giá tôm thẻ chân trắng thấp kỷ lục chỉ còn khoảng 70.000 kg/100 con. Với mức giá này, người nuôi giỏi cỡ nào cũng không thể bù chi phí khi thức ăn, thuốc đều rục rịch tăng giá. Có người buộc phải phơi ao đợi giá lên mới dám nuôi trở lại. Tháng cuối năm, giá tôm bắt đầu nhích dần do nhu cầu tiêu thụ tôm những ngày cận tết tăng cao, nhưng nguồn cung khan hiếm. Anh Nguyễn Văn Trí đang nuôi tôm ở xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong) cho biết: “Giá tôm vụ tết năm nay khá cao. Tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ, khoảng 100 con/kg có giá dao động từ 95.000 – 100.000 đồng/kg; còn loại trung bình, cỡ lớn từ 130.000 – 150.000 đồng/ kg. Nếu mức giá này ổn định lâu dài, người nuôi tôm không lo bị lỗ”.

Ghé vùng tôm Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân những ngày cuối năm, người nuôi tôm có vẻ phấn khởi hơn thời gian trước. Không có nhiều hộ thu hoạch tôm vào thời điểm này vì cách đây vài tháng giá tôm quá thấp khiến các hộ ngại thả giống, chỉ có vài hộ nuôi cầm chừng. Ngoài ra, nuôi tôm vụ nghịch thường gặp nhiều rủi ro, giá cả không ổn định, thời tiết nóng lạnh thất thường khiến dịch bệnh tăng cao. Tuy nhiên, thấy tôm tăng giá, ai cũng vui mừng. Hộ ông Hùng ở xã Vĩnh Hảo có 3 sào nuôi tôm thẻ chân trắng vừa thu hoạch cách đây 2 ngày cho biết: “Tôi thu hoạch gần 4 tấn với giá 100.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng lãi hơn 100 triệu đồng, bù lại những vụ trước toàn thua lỗ. Năm nay, người nuôi tôm có thể đón cái tết no ấm hơn”. Những người nuôi tôm tại khu vực này chia sẻ, trong điều kiện khó khăn vì sự cố môi trường nuôi, nhiều vụ thua lỗ, vụ tôm tết năm nay được mùa là nguồn động viên rất lớn, giúp người dân có điều kiện tái sản xuất, bám nghề. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, giá tôm đang ở mức cao, hộ nào vừa thu hoạch xong sẽ tập trung cải tạo ao, qua tết thả nuôi vụ tiếp theo.

Nhiều rủi ro

Những năm gần đây, việc nuôi tôm của nông dân gặp nhiều khó khăn như: ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, thời tiết diễn biến thất thường… Bên cạnh đó, nông dân cũng chưa vệ sinh, xử lý ao, đầm đúng với yêu cầu kỹ thuật, tình trạng lạm dụng các loại thuốc kháng sinh vẫn còn diễn ra phức tạp, chưa thể kiểm soát được, người nuôi thả giống dày. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp – PTNT, Chi cục Thủy sản đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn cho người dân về quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng giống, vật tư, thức ăn nuôi tôm, quản lý môi trường… Đồng thời, khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh ao, đầm và cẩn trọng trong việc chọn con giống, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, khuyến khích người dân thực hiện các mô hình nuôi tôm công nghệ cao nhằm hạn chế dịch bệnh, bảo đảm năng suất và chất lượng.

Mặc dù giá tôm đang tăng cao, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí theo dự báo giá tôm sẽ còn tăng trong những ngày tới, nhưng ngành chức năng khuyến cáo nông dân không nên đua nhau thả nuôi để tránh nguy cơ tăng cung ào ạt, nhất là trong bối cảnh giá tôm Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

Hiện, tôm thẻ chân trắng cỡ 60 – 70 con/kg có giá từ 110.000 – 115.000 đồng/kg; cỡ 100 – 110 con/kg giá từ 100.000 – 105.000 đồng/kg. Tôm sú cỡ 40 – 50 con/kg giá từ 200.000 – 210.000 đồng/kg; cỡ 70 – 80 con/kg giá từ 130.000 – 140.000 đồng/kg.

M.Vân

Nguồn :Báo Bình Thuận

Thuỷ sản Minh Phú: Tình hình sản xuất 2019 chưa đạt kế hoạch, doanh số xuất khảu giảm hơn 14% về 643 triệu USD

Về vùng nuôi, Thuỷ sản Minh Phú cho biết do tình hình mưa nhiều, nguồn tiền giải ngân khá chậm nên hoạt động xây dựng vùng nuôi công nghệ cao cũng gặp nhiều khó khăn. Số lượng ao nuôi công nghệ cao ở MPLA chỉ đạt 57 ao, Kiên Giang 80 ao.

Kết thúc năm 2019, kết quả hoạt động kinh doanh Minh Phú không đạt được kế hoạch đề ra. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng sản xuất đạt 59.548 tấn, giảm 9,05%; doanh số xuất khẩu đạt 643 triệu USD, giảm 14,25%, sản lượng xuất khẩu 57.709 tấn, giảm 14,69%.

Bản tin cũng ghi nhận, thời tiết và dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn tôm nguyên liệu của Minh Phú trong năm nay. Đầu vụ 1 năm 2019 nguyên liệu tôm trong được khá dồi dào, tuy nhiên sang vụ 2 lượng tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh do thời tiết và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, làm tôm chậm lớn không đủ cung cấp cho các nhà máy. Giá thành nguyên liệu tiếp tục tăng cao trong các tháng tháng 8, tháng 9,  tháng 10.

Ngoài ra, năm nay nguồn tôm nguyên liệu nhập khẩu giảm mạnh, làm tình hình cạnh tranh nguyên liệu với các nhà máy cũng trở nên nghiêm trọng hơn, giá nguyên liệu trong nước tăng cao trong khi giá bán ko tăng tương ứng dẫn đến kết quả kinh doanh Minh Phú không đạt được kỳ vọng.

Về vùng nuôi, do tình hình mưa nhiều, nguồn tiền giải ngân khá chậm nên hoạt động xây dựng vùng nuôi công nghệ cao cũng gặp nhiều khó khăn. Số lượng ao nuôi công nghệ cao ở MPLA chỉ đạt 57 ao, Kiên Giang 80 ao. Do số ao nhỏ được triển khai, nên năm nay Minh Phú cũng chưa có nhiều nguyên liệu tôm cung cấp cho nhà máy, và chưa có lợi nhuận.

Thuỷ sản Minh Phú: Tình hình sản xuất 2019 chưa đạt kế hoạch, doanh số xuất khảu giảm hơn 14% về 643 triệu USD - Ảnh 1.
Nguồn : http://ttvn.vn/

Mỹ điều tra cáo buộc công ty con của Minh Phú lẩn tránh thuế chống bán phá giá

Mỹ bắt đầu điều tra cáo buộc liên quan tới việc MSeafood vi phạm luật thương mại của Mỹ. MSeafood bị cáo buộc sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.Mseafood sẽ phải cung cấp các chứng từ nhập cảnh và ký quỹ tiền mặt trước khi hàng hóa được thông quan vào Mỹ.

Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) vừa thông báo bắt đầu điều tra cáo buộc liên quan tới việc MSeafood, một chi nhánh của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Theo Undercurrent News, ông Christopher Bowman, Quyền Giám đốc Phòng Thực thi pháp luật và Sửa đổi thương mại của CBP, đã gửi thư thông báo tới ông Lê Văn Quang, Chủ tịch của Minh Phú, thông qua văn phòng của MSeafood tại Fountain Valley, California vào ngày 14/1. Ông Bowman cho biết cơ quan này sẽ trình đơn kiện dựa trên Đạo luật Bảo vệ và Thực thi, đồng thời sẽ áp dụng các biện pháp tạm thời, bao gồm yêu cầu Mseafood cung cấp các chứng từ nhập cảnh và ký quỹ tiền mặt trước khi hàng hóa được thông quan vào Mỹ.

Bức thư của ông Bowman cũng được gửi đến luật sư Nathan Rickard nhằm thông báo cho Ủy ban lâm thời Thực thi Thương mại Tôm (liên minh của 18 tổ chức và doanh nghiệp đại diện cho những người thu hoạch và bán tôm của Mỹ).

Mỹ điều tra cáo buộc công ty con của Minh Phú lẩn tránh thuế chống bán phá giá - Ảnh 1.
Mỹ bắt đầu điều tra cáo buộc liên quan tới việc MSeafood vi phạm luật thương mại của Mỹ. Ảnh: Shutterstock.

Động thái của CBP diễn ra sau khi Ủy ban lâm thời Thực thi Thương mại Tôm hồi tháng 7/2019 đệ đơn yêu cầu điều tra những cáo buộc liên quan tới việc Minh Phú, MSeafood và một số công ty khác, như Thủy sản Minh Quý, Thủy sản Minh Phát và Minh Phú Hậu Giang, nhập khẩu tôm từ Ấn Độ vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ để tránh thuế.

Trả lời Undercurrent News, người phát ngôn của Minh Phú cho biết công ty không thể bình luận ngay sau khi nhận được bức thư.

Theo thông cáo từ Liên minh Tôm miền Nam nước Mỹ, CBP đã đánh giá các chứng cứ được gửi lên hồi tháng 7/2019 và nhận thấy đủ tiêu chuẩn để khởi động một cuộc điều tra. “CBP cũng đã thực hiện cuộc điều tra sơ bộ riêng về hoạt động nhập khẩu tôm của MSeafood và kết quả là các bằng chứng bổ sung đều hỗ trợ cho các cáo buộc”, thông báo viết.

Trước đó, đại diện của bang Illinois, ông Darin LaHood, hồi tháng 5/2019 cũng cho biết đã nhận được một đơn kiện bằng thư điện tử liên quan tới việc Tập đoàn Minh Phú tránh thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ tại Mỹ. Tháng 6, phía Minh Phú sau đó đáp trả các bình luận của ông LaHood rằng công ty không làm gì sai và ủng hộ thực hiện một cuộc điều tra. Minh Phú cho biết tôm Ấn Độ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nguyên liệu nhập khẩu nhằm bổ sung nguyên liệu chế biến, bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các nguồn tin của Undercurrent News cho rằng những vấn đề của Minh Phú với CBP có thể khiến một số nhà bán buôn thủy sản, công ty dịch vụ thực phẩm và nhà bán lẻ lớn nhất tại Mỹ bị ảnh hưởng vì từng là khách hàng của công ty này.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) bắt đầu áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lanh nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác từ năm 2005. Tuy nhiên, tháng 7/2016, DOC thu hồi lệnh áp thuế với Minh Phú. Nói cách khác, Minh Phú không cần cung cấp thông tin và số liệu về sản lượng với DOC, cũng như không bị cơ quan này tới thanh tra hàng năm.

Trong cáo buộc gửi lên CBP, Ủy ban lâm thời Thực thi Thương mại Tôm đưa một manh mối lớn là Minh Phú báo cáo tổng sản lượng tôm đông lạnh năm 2018 tại Việt Nam là 12.000 tấn nhưng xuất khẩu đi lại đạt 67.000 tấn.

“Bên cạnh đó, ủy ban cũng cung cấp số liệu cho thấy Minh Phú tiếp tục nhập khẩu một lượng tôm đông lạnh đáng kể từ nhiều nhà sản xuất tôm Ấn Độ. Năm 2017 và 2018, Minh Phú lần lượt nhập khẩu 16.800 tấn và 23.800 tấn tôm loại này từ Ấn Độ”, theo bức thư của CBP.

Ủy ban lâm thời Thực thi Thương mại Tôm cáo buộc Minh Phú nhập khẩu tôm từ những công ty không đủ tiêu chuẩn nằm trong “Danh sách xanh” của Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ. Khoảng 170 công ty sản xuất tôm của Ấn Độ bị loại khỏi danh sách này mà không cần thanh tra thực tế.

Ủy ban trích số liệu thương mại của Ấn Độ cho biết, kể từ ngày 1/1/2018, có 1.512 lô hàng tôm Ấn Độ được vận chuyển tới Minh Phú.

Theo UnderCurrentNews

Theo Thanh Long

Người đồng hành

Bảo vệ môi trường trong nuôi tôm: Vẫn còn nhiều bất cập

Nuôi trồng thủy sản (NTTS) được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở nuôi tôm có diện tích và quy mô lớn. Tuy nhiên, ngành nghề này cũng đặt ra nhiều thách thức và tác động không nhỏ đến môi trường, nhất là việc lạm dụng hóa chất trong cải tạo ao đầm và xử lý chất thải trong quá trình nuôi tôm.

Khó kiểm soát, quản lý

Từ khi thực hiện chuyển đổi sản xuất cho đến nay, diện tích NTTS không ngừng tăng cao, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận là ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) của hộ nuôi tôm, nhất là hộ nuôi tôm siêu thâm canh chưa thật sự tốt.

Thông qua việc khảo sát, lấy mẫu và phân tích chất lượng nước của ngành Tài nguyên – Môi trường (TN&MT) tỉnh cho thấy, nhiều nơi môi trường nước, đất bị ô nhiễm nặng nề và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Ô nhiễm môi trường từ việc cải tạo, xử lý và lạm dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong cải tạo, xử lý nước để nuôi tôm; xả thải bùn từ ao nuôi tôm trực tiếp ra các kênh nội đồng; hay khi tôm bệnh chết, người nuôi cũng xả thải nước ô nhiễm ra các kênh nội đồng. Từ đó tạo nên vòng luẩn quẩn: người thải nước ô nhiễm, người lại lấy nguồn nước ô nhiễm để nuôi tôm làm dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở NTTS, trước đây quy định diện tích mặt nước từ 5.000m2 phải xây dựng kế hoạch BVMT. Còn hiện nay, theo quy định mới thì diện tích mặt nước từ 5ha đến dưới 10ha mới thực hiện kế hoạch BVMT. Trong khi thực tế nuôi tôm trên địa bàn tỉnh (theo quy mô nông hộ) thì có diện tích nhỏ, nhưng lượng nước xả thải thì rất lớn. Nếu không có kế hoạch BVMT thì rất khó quản lý và giám sát. Những bất cập này đã gây tác động xấu đến môi trường trong NTTS và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững.

Sở TN&MT phối hợp với địa phương nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải của một hộ nuôi tôm công nghiệp ở huyện Đông Hải. Ảnh: C.L

Cần sớm tháo gỡ

Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, việc BVMT sản xuất để phát triển bền vững được xem là quan điểm chỉ đạo nhất quán và được cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Ngày 5/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 14 quy định BVMT trong hoạt động NTTS.

Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động NTTS phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hệ thống kênh, mương cấp nước và xả nước thải phải đảm bảo theo quy định của ngành Thủy sản cũng như các điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan. Tùy theo quy hoạch nuôi thủy sản, điều kiện tự nhiên của khu vực mà cơ sở nuôi chọn đối tượng và hình thức nuôi hợp lý, nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi, các quy chuẩn của ngành Thủy sản.

Đối với xử lý nước thải và chất thải rắn, tùy thuộc vào điều kiện quy mô và loại hình hoạt động mà sử dụng các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vệ sinh phòng dịch theo quy định của pháp luật về BVMT, vệ sinh thú y. Riêng xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, thoát nước thải phải luôn thông thoáng, được sên vét, cải tạo thường xuyên, đảm bảo không bị bồi lắng, tồn đọng gây tác động xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất, canh tác của khu vực.

Việc xử lý chất thải rắn, chất thải phát sinh trong NTTS phải được thu gom, xử lý triệt để bằng các biện pháp thích hợp. Đối với lượng bùn thải và xác vật nuôi phải được thu gom xử lý triệt để theo quy định của pháp luật về chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, đảm bảo không để phát tán mầm bệnh, vi sinh vật làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, canh tác trong khu vực.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ nuôi tôm xả thải trực tiếp ra môi trường là do diện tích nuôi quá nhỏ, không có đất xây dựng hệ thống xử lý nước; vốn đầu tư hệ thống xử lý nước lại khá lớn. Để góp phần BVMT và hướng đến phát triển bền vững, không chỉ cơ quan chức năng mà các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực NTTS cần phải nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định về BVMT; vận động cộng đồng xã hội tham gia các hoạt động BVMT.

Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại buổi triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành TN&MT tỉnh, ông Lê Minh Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Ngành TN&MT cần tập trung kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về TN&MT để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉnh sửa, bổ sung và ban hành mới. Tăng cường công tác quản lý môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có diện tích dưới 5ha. Kiên quyết xử lý những trường hợp xả thải gây ô nhiễm môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững trong lĩnh vực NTTS trên địa bàn tỉnh.

Chí Linh

Nguồn :www.baobaclieu.vn/