Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt một số giải pháp để đảm bảo kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2020.
Theo đó, ngành yêu cầu các đơn vị chuyên môn thực hiện tốt việc ký kết quy chế phối hợp giữa các địa phương trong việc quản lý giống tôm nước lợ; tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống tôm theo quy định; hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm nước lợ đăng ký mã số cơ sở nuôi. Trên cơ sở khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2020, chủ động xây dựng lịch mùa vụ chi tiết thả giống tôm nước lợ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm nước lợ, triển khai kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn phù hợp với từng vùng sinh thái trên địa bàn. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi; chủ động quan trắc cảnh báo môi trường, cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến vùng nuôi và người nuôi; tổ chức kiểm soát có hiệu quả các bệnh trên tôm; đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh tôm giống, sản xuất và kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm theo quy định…
Minh Phú cho biết việc áp dụng biện pháp trong Quyết định sơ bộ chỉ có tính chất tạm thời. Theo đó, Minh Phú được yêu cầu tạm nộp thuế chống bán phá giá áp dụng cho Ấn Độ (khoảng 10%) đối với các lô hàng nhập vào Mỹ.
Minh Phú chưa nhận được văn bản chính thức từ Mỹ
Trong thông cáo báo chí mới đây của mình, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết họ nhận được thông tin qua báo chí về việc Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với MSeafood, công ty con của Tập đoàn Minh Phú tại Mỹ, (Điều tra EAPA) và áp dụng biện pháp tạm thời sơ bộ theo cáo buộc của tổ chức “Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Mỹ” (AHSTEC).
Tuy nhiên, Minh Phú cho biết công ty chưa nhận được văn bản chính thức nào từ CBP về vấn đề này.
“Chúng tôi hết sức bất ngờ vì trong Quyết định (đăng tải trên các phương tiện truyền thông), CBP đã chỉ dựa trên các thông tin một chiều được thu thập, cung cấp bởi tổ chức AHSTEC – đại diện cho một nhóm các công ty đánh bắt và chế biến tôm tại Mỹ, là tổ chức từ lâu đã tham gia vào các vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam với tư cách nguyên đơn”, Minh Phú cho biết.
AHSTEC nộp đơn tố cáo Mseafood vào tháng 9/2019. Minh Phú cho rằng vì qui trình điều tra là bảo mật, CBP đã sử dụng các thông tin mà AHSTEC cung cấp cũng như một số thông tin thu thập từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ Internet, được cắt đoạn và đơn phương diễn giải mà không có sự đối chiếu hay kiểm chứng lại với Minh Phú hay Mseafood.
Minh Phú cho biết luật sư của công ty tại Mỹ đã đăng kí với CBP để họ chính thức tham gia vào cuộc điều tra và cung cấp thông tin cùng các bằng chứng cụ thể để CBP xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Quyết định sơ bộ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Minh Phú vào Mỹ
Minh Phú cho biết thêm việc áp dụng biện pháp trong Quyết định sơ bộ nói trên chỉ có tính chất tạm thời. Theo đó, Minh Phú được yêu cầu tạm nộp thuế CBPG áp dụng cho Ấn Độ (khoảng 10%) đối với các lô hàng nhập vào Mỹ.
Do đó, biện pháp tạm thời nói trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Minh Phú vào thị trường Mỹ và các thị trường khác. Mọi hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Minh Phú vẫn diễn ra bình thường, theo kế hoạch.
Minh Phú khẳng định Tập đoàn không nhập tôm thành phẩm đông lạnh từ Ấn Độ để xuất sang Mỹ như trong cáo buộc. Quyết định sơ bộ được đưa ra vì CBP cho rằng có một số dấu hiệu, nghi vấn để cho phép suy đoán về khả năng Minh Phú đã xuất khẩu tôm đông lạnh Ấn Độ sang Mỹ.
Thực tế Minh Phú không xuất tôm thành phẩm Ấn Độ sang Mỹ mà chỉ mua tôm nguyên liệu để đưa vào chế biến tại các nhà máy theo qui trình và không mua tôm thành phẩm từ các nhà máy khác để xuất vào Mỹ.
Minh Phú nói thêm CBP cũng chỉ rõ là Quyết định sơ bộ nói trên chỉ dựa trên các thông tin, số liệu ban đầu và chưa được kiểm chứng.
Tuy nhiên, Minh Phú cho rằng thông tin được dẫn chiếu không chính xác hoặc do nhầm lẫn, mâu thuẫn hay do phía nguyên đơn cố tình cắt xén làm sai lệch nội dung thông tin.
Theo đó, trong trang số 3 trong Quyết định của CBP cho thấy AHSTEC đã dựa vào các thông tin được trích trong Thông cáo báo chí ngày 7/6/2019 của Tập đoàn Minh Phú và cho rằng trong năm 2018 Minh Phú chỉ sản xuất được 12.000 tấn tôm nhưng lại xuất khẩu tới 67.000 tấn.
Minh Phú cho rằng đây là thông tin sai sự thật bởi 12.000 tấn là số liệu ước tính của sản lượng tôm nguyên liệu do Minh Phú nuôi và thu hoạch từ các ao nuôi của tập đoàn trong năm 2018, hoàn toàn không phải là công suất sản xuất tôm đông lạnh của Minh Phú theo như cáo buộc của AHSTEC.
Thực tế Minh Phú không chỉ sử dụng nguyên liệu tôm tự nuôi mà còn mua nguyên liệu từ bên ngoài thông qua các hợp đồng mua tôm, hỗ trợ và bao tiêu dài hạn với hàng ngàn hộ nông dân tại khu vực ven biển phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, trao đổi với người viết, đại diện của Minh Phú cho biết hoạt động nhập khẩu tôm của Minh Phú để chế biến hoàn toàn bình thường giống như những công ty khác và “Minh Phú không vi phạm cam kết thương mại”. Vị này cho biết Minh Phú nhập khẩu tôm từ Ấn Độ để chế biến sâu sau đó mới xuất khẩu sang Mỹ.
Tại trang số 5 của Quyết định, CBP đã dựa vào thông tin mà nguyên đơn trích từ Báo cáo xuất khẩu tháng 6/2019 đăng trên website của Minh Phú để cho rằng có dấu hiệu cho thấy có một số lượng hàng xuất khẩu khá lớn của Minh Phú không phải do Minh Phú sản xuất.
Minh Phú cho rằng kết luận này dường như đã dựa trên sự nhầm lẫn, hiểu sai về số liệu tại báo cáo. Thực chất, số liệu được dẫn chiếu chỉ là theo đơn đặt hàng mà Minh Phú đã nhận được vào tháng 6/2019 và lượng đơn đặt hàng trị giá 141 triệu USD, tương ứng với khoảng 13.403 tấn thành phẩm, chỉ gấp đôi so với công suất sản xuất 1 tháng của Minh Phú.
100% lượng tôm thành phẩm mà Minh Phú xuất khẩu đều được sản xuất tại các nhà máy của Minh Phú tại Cà Mau và Hậu Giang. Sau khi nhận được đơn đặt hàng, Minh Phú sẽ cân đối nguyên liệu, lên kế hoạch sản xuất và xác nhận lại với khách hàng về số lượng, giá cả và thời gian giao hàng.
Điều này có nghĩa là, không phải toàn bộ số lượng đơn đặt hàng đều được Minh Phú chấp nhận và bán cho khách hàng. Hơn nữa, các đơn đặt hàng được xác nhận trong tháng 6/2019 thường được sản xuất và xuất khẩu trong nhiều tháng tiếp theo.
Tại trang số 6 của Quyết định, CBP có nêu trong giai đoạn điều tra từ 1/10/2018 đến 31/8/2019, Tập đoàn Minh Phú đã nhập một lượng lớn tôm Ấn Độ.
Minh Phú cho rằng đây là thông tin không có cơ sở bởi thực tế trong giai đoạn này, lượng tôm Ấn Độ mà Minh Phú nhập để sử dụng làm nguyên liệu chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng tôm nguyên liệu đầu vào của Tập đoàn.
Đặc biệt từ đầu năm 2019, lượng tôm nhập khẩu của Minh Phú chỉ chiếm một lượng không đáng kể và từ quí II/2019, Minh Phú đã không còn sử dụng tôm nhập khẩu Ấn Độ.
“Quyết định này dường như đã cố tình phớt lờ thông tin được nói rõ ngay trong Thông cáo báo chí tháng 6/2019 của Minh Phú là tổng lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm dưới 39% tổng lượng tôm xuất khẩu của Minh Phú”, Minh Phú nhận định.
Minh Phú đã chỉ định luật sư tại Mỹ và Việt Nam làm thủ tục đăng kí với CBP để tham gia tích cực và cung cấp số liệu cho CBP để giúp cơ quan này hiểu chính xác hơn, có thông tin đa chiều và đã được kiểm chứng trước khi CBP đưa ra quyết định cuối cùng.
ENTERNEWS.VNNiềm vui chưa trở lại với kết quả kinh doanh, mới đây, vua tôm Minh Phú lại đón tin buồn khi Mỹ chính thức điều tra cáo buộc công ty con lẩn tránh thuế chống bán phá giá.
Kết thúc năm 2019, doanh thu xuất khẩu của Minh Phú ghi nhận gần 644 triệu USD, giảm hơn 14% so với năm trước, Minh Phú ước tính chỉ đạt gần 76% chỉ tiêu doanh thu xuất khẩu cả năm.
Gặp khó trong xuất khẩu
Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC), vừa có thông tin về tình hình kinh doanh năm 2019. Theo đó, Minh Phú ghi nhận đạt gần 644 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với năm trước. Đáng chú ý, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong tháng 12 chỉ đạt hơn 12 tỷ đồng, giảm hơn 50% so cùng kỳ.
Doanh nghiệp của đại gia Chu Thị Bình, “vua tôm” Lê Văn Quang đang đối mặt với nhiều thách thức
Như vậy, kết thúc năm 2019, sản lượng sản xuất của MPC đạt 59.548 tấn, giảm hơn 9% so với năm trước. Doanh thu xuất khẩu ghi nhận gần 644 triệu USD, giảm hơn 14% so với năm trước; sản lượng xuất khẩu đạt 57.709 tấn, giảm gần 15%. Như vậy, MPC ước tính chỉ đạt gần 76% chỉ tiêu doanh thu xuất khẩu cả năm.
Theo bản tin xuất khẩu tháng 12/2019 của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) vừa công bố, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp này cũng sụt giảm mạnh.
Cụ thể, sản lượng xuất khẩu giảm 3.643 tấn, giảm 41,84%; doanh thu xuất khẩu tháng 12 giảm 43,35% so với cùng kì, xuống mức 44,45 triệu USD.
Trong đó, doanh thu xuất khẩu sang thị trường lớn nhất mà Mỹ giảm mạnh nhất, ghi nhận mức 55,55%. Trong khi đó, doanh thu thị trường Nhật Bản cũng giảm mạnh so với mức tăng 3,11% trong tháng 11.
Đáng chú ý, thị trường Châu Âu cũng giảm đột biến đến 58%, chỉ còn 3,83 triệu USD. Trước đó, vào tháng 11, thị trường này tăng trưởng 3,11% và thậm chí tăng đến 21% trong tháng 9.
Theo Minh Phú, thời tiết và dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn tôm nguyên liệu của Minh Phú trong năm nay.
Cụ thể, đầu vụ 1 năm 2019 nguyên liệu tôm trong được khá dồi dào, tuy nhiên sang vụ 2 lượng tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh do thời tiết và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, làm tôm chậm lớn không đủ cung cấp cho các nhà máy, kéo theo giá thành nguyên liệu tiếp tục tăng cao trong các tháng 8, 9, 10.
Ngoài ra, năm nay nguồn tôm nguyên liệu nhập khẩu giảm mạnh, làm tình hình cạnh tranh nguyên liệu với các nhà máy cũng trở nên nghiêm trọng hơn, giá nguyên liệu trong nước tăng cao trong khi giá bán ko tăng tương ứng dẫn đến kết quả kinh doanh Minh Phú không đạt được kì vọng.
Về vùng nuôi, Minh Phú cho biết do tình hình mưa nhiều, nguồn tiền giải ngân khá chậm nên hoạt động xây dựng vùng nuôi công nghệ cao cũng gặp nhiều khó khăn. Số lượng ao nuôi công nghệ cao ở Minh Phú Long An chỉ đạt 57 ao, Kiên Giang 80 ao.
“Do số ao nhỏ được triển khai , nên năm nay Minh Phú cũng chưa có nhiều nguyên liệu tôm cung cấp cho nhà máy, và chưa có lợi nhuận”, báo cáo Minh Phú cho biết.
“Tin buồn” cuối năm
Tình hình xuất khẩu không được như kỳ vọng, công ty con của MPC – Mseafood thì đang bị phía Mỹ điều tra cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá do vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ.
Cụ thể, Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) vừa thông báo đã thực hiện một cuộc điều tra chính thức về việc công ty xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam – Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) và các công ty con đã vi phạm luật chống bán phá giá đối với một số loại tôm nước ấm đông lạnh xuất xứ từ Ấn Độ nhập khẩu tôm vào Mỹ.
CBP cho biết vào ngày 9/10/2019, Tổng cục Thi hành Luật Phòng vệ Thương mại Mỹ (TRLED) thuộc Cục Thương mại đã khởi xướng cuộc điều tra trên cơ sở Đạo luật Thực thi và Bảo vệ (EAPA) sau khi nhận được cáo buộc từ Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Ad Hoc (liên minh của 18 tổ chức và doanh nghiệp đại diện cho những người thu hoạch và bán tôm của Mỹ).
Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Ad Hoc cáo buộc Thủy sản Minh Phú cùng các công ty con là Công Ty TNHH Chế Biến Thủy Hải Sản Minh Quý, Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Phát và Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang, đã nhập khẩu tôm từ Ấn Độ vào Việt Nam với mục đích xuất khẩu sang Mỹ.
Theo thông tin Uỷ ban này cung cấp, Thủy sản Minh Phú đã nhập khẩu lần lượt 16.800 và 23.800 tấn tôm đông lạnh từ Ấn Độ trong năm 2017 và 2018. Kể từ đầu năm 2018, đã có 1.512 lô hàng sản phẩm tôm Ấn Độ được chuyển đến cả Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang.
Thông qua các khiếu nại trên, TRLED đã đưa ra quan điểm “các cáo buộc cho rằng MSeafood đã cố gắng trốn lệnh chống phá giá thông qua việc trung chuyển tôm đông lạnh xuất xứ từ Ấn Độ qua Việt Nam là có cơ sở và doanh nghiệp này đã không báo cáo hàng hóa nhập khẩu là từ Ấn Độ” theo thư của CBP.
CBP cũng đã tiến hành các công tác điều tra sơ bộ riêng để thu thập thêm bằng chứng.
Dựa trên các cáo buộc và bằng chứng trên, CBP đang áp dụng các biện pháp tạm thời lên các đơn hàng nhập khẩu tôm đông lạnh chưa thanh toán của MSeafood sau ngày 18 tháng 9 năm 2018.
Cơ quan này cho biết “các đơn hàng sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ để đảm bảo tuân thủ lệnh chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh xuất xứ từ Ấn Độ và các khoản tiền gửi của công ty này sẽ bị thu hồi”.
CBP tuyên bố họ đã tạm dừng cấp phép tất cả các hoạt động nhập khẩu tôm do MSeafood thực hiện bắt đầu từ ngày bắt đầu cuộc điều tra nhằm ngày 9/10/2019.
Cơ quan này yêu cầu tất cả các đơn hàng nhập khẩu trong tương lai của MSeafood phải thông qua “nhập cảnh trực tiếp”, nghĩa là “trước khi hàng hóa vận chuyển được CBP cho phép nhập vào Mỹ, tất cả các chứng từ nhập cảnh và tiền gửi phải được cung cấp” theo CBP.
VTV.vn – Ngành thủy sản các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn để tư vấn, hướng dẫn người nuôi tôm sớm triển khai việc đăng ký mã số ao nuôi theo Luật Thủy sản.
Hiện các thị trường nhập khẩu tôm của nước ta đang đưa ra yêu cầu truy xuất gốc nguồn gốc sản phẩm một cách rất nghiêm ngặt. Nếu như trước đây chỉ yêu cầu chứng minh nguồn gốc sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, nay các nhà nhập khẩu còn đòi hỏi chi tiết đến tận vùng nuôi, ao nuôi. Muốn làm được điều đó, không cách nào khác người nuôi tôm phải thực hiện việc đăng ký, đánh mã số ao nuôi, vùng nuôi.
Nếu như trước đây, những con tôm nguyên liệu để vào được nhà máy chế biển chỉ cần kiểm tra tồn dư hóa chất, kháng sinh, nay ngoài các chỉ tiêu đó, doanh nghiệp còn yêu cầu nơi bán nguyên liệu phải cung cấp mã số về vùng nuôi, ao nuôi. Theo các nhà máy thủy sản, đây là một trong những yếu tố giúp xác nhận nguồn gốc sản phẩm mà các nhà nhập khẩu rất quan tâm hiện nay.
Trước yêu cầu đó, mới đây tại tỉnh Bến Tre, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức hội nghị chuyên ngành nhằm thông tin, phổ biến quy định mới về việc đăng ký, cấp mã số ao nuôi theo Luật Thủy sản. Điểm đặc biệt là từ tháng 4/2020, các cá nhân, tổ chức nuôi tôm nói riêng và thủy sản nói chung không đăng ký, không cấp mã số ao nuôi sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 – 15 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên mức phạt hành chính được đưa để buộc các cá nhân, tổ chức phải đăng ký cơ sở vùng nuôi, mã số ao nuôi thay vì chỉ khuyến cáo như trước.
Trên thực tế, việc đăng ký vùng nuôi, đánh mã số ao nuôi đã được triển khai từ lâu. Điển hình tại Tập đoàn Việt Úc, từ nhiều năm trước, ngay trong các hồ sơ đăng ký đầu tư doanh nghiệp này đã đăng ký rõ ràng các hạng mục công trình, trong đó có vùng nuôi tôm. Tại từng vùng nuôi, đơn vị đều đăng ký, đánh mã số ao nuôi chi tiết. Cùng với việc đánh mã số ao nuôi bài bản, doanh nghiệp tại đây còn xây dựng và triển khai phần mềm quản lý tôm thương phẩm với nhiều tính năng hữu ích.
Hiện nhiều vùng nuôi nuôi tôm thương phẩm của doanh nghiệp đều được cấp chứng nhận do các tổ chức uy tín trên thế giới cấp như: BAP, ASC… Với cách làm bài bản như vậy, doanh nghiệp tại đây đã đóng góp tích cực cho thị trường những con tôm sạch, chất lượng và có địa chỉ rõ ràng. Đây cũng là giải pháp minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị cũng như sức cạnh tranh hàng hóa thủy sản nước ta khi tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, những mô hình hiệu quả như vậy chỉ mới làm tốt ở cấp độ doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hơn 700.000ha diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước.
(Thủy sản Việt Nam) – Ngành thủy sản thế giới nên nắm bắt cơ hội, thay vì sợ hãi “người khổng lồ” toàn cầu hóa 3.0. Hai làn sóng trước của toàn cầu hóa đã định hình nền kinh tế thế giới; tới nay, chúng ta đang đứng trên ngọn sóng toàn cầu hóa thứ 3. Từ Thế chiến thứ nhất đến cuộc Đại suy thoái năm 1930 và Thế chiến thứ hai, thế giới chứng kiến sự giao lưu nhộn nhịp trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, thực sự đây chỉ là đột phá từ giai đoạn toàn cầu hóa mạnh mẽ nhất, giai đoạn 1815 – 1914 sang giai đoạn sau năm 1945. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, giai đoạn đầu này từ thế kỷ 19 đến cuối Thế chiến thứ Nhất là đợt sóng “toàn cầu hóa đầu tiên” trên thế giới. Các con tàu chở đầy container và máy vi tính đã mang lại kỷ nguyên toàn cầu hóa thứ 2 vào năm 1980 và kéo dài tới tận 2008 trước sức ép của các cuộc khủng hoảng tài chính.
Trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện với khả năng thay đổi mọi thứ. Trong ngành thủy sản, AI là chìa khóa giúp nông dân sản xuất tốt hơn. Hiện nay, dịch bệnh và quản lý thức ăn là 2 vấn đề quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản. Do đó, nếu nắm AI trong tay, nông dân không còn bị ám ảnh bởi 2 yếu tố này nữa. Để đảm bảo sức khỏe vật nuôi, nông dân có thể tạo ra các hình mẫu được học hỏi từ hàng nghìn hình ảnh về triệu chứng dịch bệnh cụ thể. Các hình mẫu này được sử dụng để phát hiện dịch bệnh trước khi nông dân nhận dạng được bằng mắt thường. Nhờ đó, họ sẽ sản xuất chủ động hơn, thay vì chỉ biết chờ thu hoạch khi đã quá muộn. AI sẽ là công cụ giúp ngành thủy sản toàn cầu phát huy hết mọi tiềm năng chưa được khai phá. Hãy tưởng tượng 20 năm sau, AI sẽ điều hành các hệ thống nuôi thủy sản hoạt động hiệu quả suốt 24/7.
Toàn cầu hóa 3.0 chứng kiến tốc độ gia tăng tự động hóa kéo theo sự đào thải nhiều nhân lực lao động dư thừa và cả những hộ sản xuất nhỏ lẻ yếu kém. Nhưng toàn cầu hóa 3.0 đang giúp cho chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu hiệu quả hơn. Ngành thủy sản Việt Nam cũng đón nhận sự đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia để nắm bắt cơ hội được chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, tăng doanh thu, việc làm, từng bước đưa đất nước trở thành trung tâm thủy sản mới của thế giới; nhưng ngành này cũng sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ làn sóng toàn cầu hóa thứ 3 trong bối cảnh nhiều vòng xoáy thương mại toàn cầu chưa đến hồi kết cùng sức ép cạnh tranh cao hơn.
Khi toàn cầu hóa kinh tế thị trường đã lan tỏa rộng khắp thế giới, các tập đoàn thủy sản lớn nước ngoài với chiến lược thâm nhập thị trường đang dịch chuyển sản xuất mạnh mẽ để tận dụng ưu đãi thuế, nhân công, lao động… tại Việt Nam. Họ cũng có nhiều sự lựa chọn hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh qua chuỗi cung ứng toàn cầu. Là một quốc gia nuôi thủy sản hàng đầu thế giới, nhưng thực tế thu nhập của nông dân Việt Nam chưa cao, trong khi giá thức ăn đắt đỏ hơn so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Thực tế cho thấy nhiều sản phẩm thủy sản Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế.Tham gia vào chuỗi giá trị thế giới đang ngày càng được chuyên môn hóa cao là một xu hướng tất yếu nhưng không dễ; đã đến lúc ngành thủy sản Việt Nam nói riêng và nông nghiệp nói chung cần một hướng đi chuyên môn hóa sâu hơn để người nông dân, nhất là các hộ nhỏ lẻ không bị loại ra khỏi cuộc chơi toàn cầu hóa.
(vasep.com.vn) Theo ông Somsak Paneetatyasai, Chủ tịch Hiệp hội tôm Thái Lan, sản lượng tôm Thái Lan có thể đạt 350.000-400.000 tấn năm 2020 so với 290.000 tấn của năm 2019.
XK tôm của Thái Lan năm 2020 dự kiến tăng lên 192.000 tấn so với 160.000 tấn của năm 2019. XK tôm Thái Lan năm 2019 giảm 5% so với năm 2018. Giá trị XK dự kiến tăng 20% năm 2020 từ 50-55 tỷ bạt của năm 2019. Giá trị XK năm 2019 giảm 11% so với năm 2018 do đồng bạt tăng giá và dịch bệnh trên tôm.
10 tháng đầu năm 2019, Thái Lan XK 135.249 tấn tôm, trị giá 40,2 tỷ bạt, giảm 11,8%. Các thị trường XK chính gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia và EU.
Năm 2020, sản lượng tôm của Thái Lan tốt hơn 2 năm trước đó do cải thiện công nghệ nuôi và kiểm soát hiệu quả hơn dịch bệnh trên tôm.
Ông Somsak đề xuất Chính phủ Thái Lan kiểm soát trị giá đồng bạt, tạo điều kiện về vốn cho người nuôi tôm quy mô nhỏ và thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do, đặc biệt với EU.
(vasep.com.vn) Theo Thời báo Kinh tế Ấn Độ (The Economic Times), XK thủy sản của nước này sang Trung Quốc đã tăng 42% trong năm 2019 nhờ tăng trưởng mạnh XK tôm.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Xúc tiến XK Thủy sản Ấn Độ (MPEDA), tổng giá trị XK thủy sản Ấn Độ sang Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2019 lần đầu tiên đạt mốc 1 tỷ USD.Trong cùng kỳ năm 2018, con số này chỉ đạt 700 triệu USD.
Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất tôm lớn nhất khu vực với khoảng 1 triệu tấn tôm được sản xuất mỗi năm. Tuy nhiên, sự thâm hụt ngày càng lớn giữa nguồn cung trong nước và nhu cầu ngày càng tăng cao, tạo cơ hội và lợi ích cho các quốc gia XK khác như Ấn Độ và Ecuador. Việc Trung Quốc siết chặt thương mại đường mậu biên và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt đối với sản phẩm tôm Việt Nam cũng góp phần tăng nhu cầu NK từ các quốc gia khác.
MPEDA hy vọng rằng việc XK sang Trung Quốc đang phát triển cũng sẽ giảm sự phụ thuộc của tôm Ấn Độ vào Mỹ. Hiện tại XK tôm Ấn Độ sang Mỹ đang chiếm 33% tổng giá trị XK thủy sản của Ấn Độ, trong khi XK sang Trung Quốc chỉ chiếm 15%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng XK 42% sang Trung Quốc trong năm 2019 vượt xa mức 13% XK sang Mỹ. Nhìn chung, các nhà XK Ấn Độ vẫn thận trọng với các biện pháp kiểm soát chất lượng của Trung Quốc, vốn đã được thắt chặt đáng kể trong những tháng qua.