Những tháng cuối năm 2020, giá tôm hùm xanh bất ngờ tăng lên mốc gấp gần 3 lần so với thời điểm cuối tháng 8.
Năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng. Cụ thể những người nuôi tôm hùm đã phải chịu liên tiếp các đợt giảm giá chưa từng thấy, thậm chí có thời điểm tôm hùm chỉ còn giá từ 450.000 đồng/kg.
Vào tháng 11, hơn 169 hộ nuôi tôm hùm với 1.521 lồng, trị giá gần 40 tỷ đồng ở Sông Cầu (Phú Yên) bị thiệt hại do bão lũ, chưa kể tôm hùm con đang ươm giống cũng bị chết sạch.
Niềm vui bất ngờ thời gian gần đây, người nuôi tôm hùm bỗng đón tin vui tăng giá trở lại. Giá tôm hùm hiện tại còn cao hơn cả thời điểm chưa có dịch và cao hơn cả tôm hùm và cua hoàng đế nhập khẩu.
Nguyên nhân khiến giá tôm hùm xanh leo cao chót vót, một phần do thương lái phía Trung Quốc thu mua lại và một phần do ảnh hưởng của cơn bão số 12. Bão số 12 khiến nước lũ đổ về quá nhanh, tôm hùm bị sốc nước ngọt gây nên tình trạng chết hàng loạt, vì thế mặt hàng tôm hùm trở nên khan hiếm.
Trên thị trường, giá tôm hùm xanh size 0,4-0,5kg/con được niêm yết với giá 1,160 triệu đồng/kg; size 0,5-0,6kg/con là 1,2 triệu đồng/kg; từ 0,6kg/con trở lên có giá 1,270 triệu đồng/kg.
Được biết, tôm hùm xanh được cân tại bè với size từ 200-600gr/con đã lên tới 1,120 triệu đồng triệu đồng/kg, tôm hùm lên mốc 2,450 triệu đồng/kg, cao hơn cả thời điểm này năm ngoái, trước khi có dịch Covid-19.
Tôm hùm xanh mua tại bè với giá cao như vậy, thương lái họ phải vận chuyển rồi thêm chi phí xe cộ, hao hụt nữa nên giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng phải trên 1,2 triệu đồng/kg mới có chút lời.
Bờ biển xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) ngày càng sạt lở nghiêm trọng khiến hàng chục hộ dân nuôi tôm ở nơi đây sống trong cảnh thấp thỏm.
Dù bờ biển Cửa Lở được người dân làm kè tạm nhưng chỉ sau trận mưa lũ là những bờ kè này bị cuốn trôi theo dòng nước.
Ông Đặng Quốc Hoanh (47 tuổi, thôn Bình Trung, xã Tam Hải) cho hay, từ đầu năm đến nay, bờ biển Cửa Lở bị ăn sâu vào đất liền gần 100m. Riêng 2 tháng trở lại đây đã sạt lở vào đất liền 50m. “Hàng chục ao tôm ở đây bị cuốn trôi, gây thiệt hại nặng nề cho bà con. Cũng như những người khác, tôi thường xuyên canh chừng ao tôm sắp thu hoạch đang đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi“- ông Hoanh nói.
Những căn nhà của người dân cũng bị đánh sập.
Những công trình kiên cố của những hộ nuôi tôm bị sóng cuốn trôi.
Nhiều hộ nuôi tôm ở sát “miệng hà bá” phải bỏ hoang dù đã đầu tư hàng trăm triệu đồng.
Ông Phạm Văn Châu đang đứng trên số tài sản hàng trăm triệu đồng bị nước cuốn trôi, và vùi lấp ở Cửa Lở trong cơn bão số 9 vừa qua.
“Sạt lở nhanh khiến tôi chỉ biết đứng nhìn số tài sản cuốn theo dòng nước, thiệt hại quá nặng nề. Giờ thấy đó những cũng bỏ vì vùi lấp quá sâu và hư hỏng nặng nên không đào lên được“- ông Châu chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Tiến – Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, tình hình sạt lở ở khu vực Cửa Lở là rất nghiêm trọng, có gần 2km đường bờ biển bị sạt lở, nhiều nơi sóng biển khoét sâu vào đất đai người dân, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh kế của 200 hộ dân.
“Địa hình xã đảo có thể bị chia cắt thành nhiều mảnh nếu tình trạng sạt lở nghiêm trọng tiếp tục kéo dài“- ông Tiến nói. Thanh Chung – Lao Động
Liên tiếp trong nhiều ngày qua, nhiều ngư dân hành nghề khai thác thủy sản trong khu vực đầm Ô Loan (huyện Tuy An) có thu nhập cao nhờ trúng đậm tôm đất.
Theo bà con ngư dân, do ảnh hưởng nước ngọt từ thượng lưu đổ về, kèm theo gió mạnh khiến tôm đất phải di chuyển trên đầm Ô Loan. Nắm bắt được yêu tố này, nên trong những ngày qua, bằng nhiều hình thức khai thác, như đóng đáy, đăng chấn, hoặc thả lưới, thả lờ, bình quân mỗi đêm mỗi ngư dân có thể khai thác được từ 1,2 – 1,5kg tôm đất. Đáng chú ý, tại các xã An Cư, An Hòa Hải và An Ninh Đông, nhờ tôm xuất hiện dày nên mỗi đêm có nhiều ngư dân khai thác được từ 3 – 5kg tôm đất.
Tuy nhiên, phần lớn tôm đất khai thác được ở đầm Ô Loan trong thời gian gần đây có kích cỡ còn quá nhỏ, chỉ từ 260 – 280 con/kg. Do vậy, giá tiêu thụ trên thị trường quá thấp, chỉ từ 130 nghìn – 170 nghìn đồng/kg. Nhưng nhờ sản lượng tôm đất khai thác được tương đối, nên ngư dân hành nghề khai thác thủy sản trên đầm vẫn có thu nhập cao so với nhiều tháng trước đây.
Mặc dù có nguồn hàng khá dồi dào, nhưng một số tiểu thương chuyên mua bán hải sản tại đây cho biết, nếu để tôm đất tiếp tục sinh trưởng trong tự nhiên từ 10 – 15 ngày nữa, thì trọng lượng của tôm sẽ tăng đáng kể và nguồn lợi từ tôm đất đem lại cho ngư dân có thể cao gấp 2 – 3 lần so với thời điểm hiện nay.
Tôm đất là một trong những đối tượng thủy sản tự nhiên ở đầm Ô Loan, được xếp vào hàng đặc sản ở huyện Tuy An. Cao điểm tôm đất xuất hiện bắt đầu vào tháng 9 và cho khai thác đến tháng 2 năm sau. Nhờ chế biến được nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, nên đối tượng thủy sản này thường bị hút hàng trên thị trường, nhất là trong dịp Lễ, Tết.
Khắc Nho – UBND Huyện Tuy An – https://tepbac.com/
Người nuôi tôm thường nghĩ nhóm vi khuẩn Vibrio là nguyên nhân gây bệnh trên tôm, điều đó đúng – nhưng không phải với tất cả Vibrio, thậm chí chúng còn có lợi.
Nuôi tôm thẻ chân trắng là ngành sản xuất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Đây cũng là một trong những loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất, do chúng có hàm lượng protein cao và nhiều chất dinh dưỡng khác. Trong thập kỷ vừa qua, do nhu cầu cao nên tốc độ của ngành sản xuất này phát triển một cách nhanh chóng. Và việc nuôi tôm thâm canh với mật độ quá cao đã làm tôm dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm, dẫn tới mức độ tử vong cao.
Một trong những mối đe dọa chính đối với sản lượng tôm thẻ đó là vi khuẩn và virus. Đây cũng là vấn đề gây ra thiệt hại đáng kể nhất cho nghề nuôi. Nhóm vi khuẩn Vibrio spp là những loài gây bệnh chủ yếu trên tôm, bao gồm V. harveyi , V. alginolyticus , V. campbellii và nhất là V. parahaemolyticus, chúng sẽ gây hoại tử gan tụy, chậm lớn, biếng ăn và làm tôm chết nhanh chóng sau đó. Tuy nhiên không phải bất kỳ loài vibrio nào cũng mang độc lực gây bệnh.
Ví dụ như Vibrio gazogenes cho thấy khả năng đối kháng đặc biệt với V. alginolyticus trong ruột tôm thẻ khi bổ sung vào đường tiêu hóa. Kiểm tra sâu hơn, các chuyên gia thấy rằng các phản ứng của hệ miễn dịch tôm sẽ tạo điều kiện thuận thuận lợi và thu nhận V. gazogenes, trong khi đối lập hoàn toàn với sự “ hắt hủi” những loài vibrio gây bệnh khác. Việc tạo ra các phức hợp kháng khuẩn là khả năng đặc biệt của các vi khuẩn có lợi, không loại trừ Vibrio gazogenes.
Sự biểu hiện độc lực của những loài Vibrio spp còn phụ thuộc rất nhiều vào vi sinh vật thường trú trong cơ thể tôm, vì loài nào chiếm số lượng lớn thì sẽ điều khiển được cơ chế sinh học cũng những loài. Do đó có thể những con Vibrio nào đó không mang độc lực với mật độ cao, đã hạn chế được sự gây bệnh của các loài khác. Chúng sẽ hoạt động như một chế phẩm sinh học tự nhiên điều chỉnh các protein tín hiệu và kích hoạt hệ thống phòng thủ của tôm. Và việc thiết lập một môi trường thuận lợi cho những lợi khuẩn sinh sống rất quan trọng, chúng sẽ cạnh tranh thức ăn và chỗ bám với các vi sinh vật có hại. Từ đó làm sức khỏe tôm ổn định, tăng trưởng tốt với chất lượng cơ thịt cao hơn.
Không phải loài Vibrio spp nào cũng gây bệnh và đừng lầm tưởng chúng sẽ có mặt ở tất cả những giai đoạn sống của tôm. Một sự khác biệt đáng kể trong cộng đồng vi sinh vật của tôm, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu khi tôm từ 1-40 ngày tuổi, chúng tăng sinh rất nhanh, giai đoạn thứ 2 từ ngày thứ 40 trở đi, trong khi vi sinh vật vẫn có sự tăng trưởng nhưng tốc độ đã giảm đi rất nhiều, không có sự khác biệt tăng trưởng giữa ngày thứ 60 và 80 của tôm. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng của tôm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của hệ vi sinh vật. Ngoài ra, một số yếu tố khác như bệnh tật, dinh dưỡng và môi trường cũng có thể điều chỉnh hệ vi sinh vật này.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng cả tôm và nước nuôi nó đều có chung thành phần vi khuẩn, có nghĩa là tôm có thể có các tổ hợp vi khuẩn tương tự như môi trường nước nuôi. Đáng chú ý, Vibrio spp trong nước hoạt động chuyển hóa cao hơn đáng kể so với Vibrio spp trong ruột tôm, mặc dù cộng đồng trong đường ruột thì phong phú hơn do có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng. Trước đây, sự gia tăng cộng đồng Vibrio spp hoặc các biến thể trong ruột hoặc nước nuôi tôm được coi là dấu hiệu của bệnh. Nhưng dù quần thể Vibrio spp trong ruột tôm cao nhưng chúng không trao đổi chất thì tôm vẫn khỏe mạnh. Điều này chứng minh hoạt động trao đổi chất là yếu tố chính gây ra bệnh do rối loạn hệ vi sinh vật trong đường ruột, rối loạn một hàng rào miễn dịch tự nhiên của cơ thể tôm.
Cộng đồng sinh vật phù du cũng ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trên cơ thể tôm, khi chúng và tôm sống chung trong một môi trường, chính những loài này có thể sẽ tạo ra những cửa ngõ xâm nhập cho các vi khuẩn ngoài môi trường nước vào trong đường ruột của tôm.
Như đã nói ở trên, Vibrio spp gây bệnh là do sự chuyển hóa của chúng, mà điều này có khả năng rất lớn là do các hoạt động trong quá trình chăm sóc tôm của người nuôi. Vì vậy, việc theo dõi các yếu tố chất lượng nước và chất dinh dưỡng có tầm quan trọng cao để tránh nhiễm Vibriosis do hoạt động trao đổi chất của chúng. Đặc biệt, nhiệt độ nước, độ mặn và mức độ phú dưỡng của tảo là những nguyên nhân có thể dẫn đến sự căng thẳng và cuối cùng là tạo cơ hội cho vi khuẩn gây bệnh ở tôm.
Vibrio spp là một phần không thể thiếu của hệ vi sinh vật đường ruột tôm, chúng có thể đóng cả hai vai trò, có thể trở thành chế phẩm sinh học tự nhiên, đồng thời cũng hoạt động như một mầm bệnh cơ hội luôn “rình rập” trong chính cơ thể tôm. Do đó nên thiết lập một cơ chế chung sống không gây hại cho nhau giữa vi sinh vật và tôm, và thay đổi tích cực các phương pháp chăm sóc sức khỏe tôm để điều khiển được sự trao đổi chất của hệ vi sinh vật.
The implication of metabolically active Vibrio spp. in the digestive tract of Litopenaeus vannamei for its post-larval development by Estefanía Garibay-Valdez, Luis Rafael Martínez-Córdova, Marco A. López-Torres, F. Javier Almendariz-Tapia, Marcel Martínez-Porchas & Kadiya Calderón. Hà Tử – https://tepbac.com/
Hơn 90% tôm hùm Úc được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh AAP
Tại khu chợ Sanyuanli (Bắc Kinh), những người bán hàng đang nỗ lực bán những con tôm hùm đá Úc cuối cùng trước khi loài này nhanh chóng biến mất khỏi thực đơn của Trung Quốc.
Trung Quốc úp mở lệnh cấm chưa chính thức
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) trích lời một chủ sạp hàng tại chợ cho biết: “Chúng tôi đang bán số hàng còn lại của mình và nếu không mua chúng ngay bây giờ, bạn sẽ không mua được,” ông nói thêm rằng cửa hàng vẫn còn những con tôm hùm đông lạnh, nhưng những con tươi sống vẫn ngon nhất, đặc biệt là cho những bữa tiệc.
Một thương nhân khác chuyên bán hải sản nhập khẩu tại chợ nói cô nhận được nhiều tín hiệu trái chiều về nguồn cung tôm hùm đá tươi của Úc từ nhà nhập khẩu tại địa phương.
“Không rõ liệu chúng tôi có thể mua được loại tôm này trong những tuần tới hay không.”
Trung Quốc đã cấm nhập khẩu tôm hùm Úc một cách không chính thức vào tháng trước trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Canberra kéo dài hơn 7 tháng. Các lô hàng tôm của Úc bị kẹt tại Thượng Hải, nhiều lô đã hỏng ở sân bay địa phương. SCMP cho biết, lý do cho việc kẹt hàng có thể là do các đợt kiểm tra nhập khẩu tăng cường của Bắc Kinh.
Khi các thông tin chưa chắc chắn, các nhà cung cấp tại chợ Sanyuanli đã dự trữ tôm hùm từ Boston để thay thế cho giống tôm từ Úc – loại thức ăn chủ đạo trong bữa tiệc của Trung Quốc 10 năm qua.
Chủ cửa hàng hải sản ở Sanyuanli cho biết thêm, tôm hùm đá Úc thường được hấp và bày trên đĩa lớn, và được coi là món ăn xa xỉ ở Trung Quốc.
“Một số khách hàng thất vọng. Ở Bắc Kinh, họ thích mời chiêu đãi tôm hùm Úc khi có khách đến ăn tối. Tôm Úc lớn, đặt trên bàn ăn trông rất đẹp. Tôm hùm không phải là ‘nạn nhân’ duy nhất của căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc. Mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ chính thức công bố lệnh cấm, các sản phẩm của Úc như than đá, đồng, đường, gỗ, lúa mạch và rượu của Úc cũng được cho vào danh sách hàng cấm của nước này,” nguồn tin cho hay.
“Đòn chí mạng” tới các nhà xuất khẩu tôm của Úc
SCMP đưa tin, trong tháng trước, các nhà chức trách Trung Quốc tìm thấy các loại côn trùng trong các lô hàng gỗ của Úc, sau đó cho biết các lô hàng than của Úc không đạt tiêu chuẩn về môi trường.
Tôm hùm Úc trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-Úc năm 2015 khiến mức thuế cho sản phẩm này xuống 0%. Trước lệnh cấm, hơn 90% tôm hùm đá của Úc đã được xuất khẩu sang Trung Quốc. Thị trường tôm hùm đá ở Bắc Kinh có giá trị khoảng 750 triệu USD/ năm.
Các nhà bán lẻ Trung Quốc nói với SCMP, đây là loại mặt hàng xuất khẩu đánh bắt có giá trị nhất của Úc. Do đó, tôm hùm đá Úc tươi có giá đắt gấp 3 lần tôm hùm Boston.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp Úc, thị trường béo bở một thời giờ đã chết, nhà xuất khẩu tôm hùm tại Sydney chuyên làm việc với các nhà hàng ở Thượng Hải cho biết.
Nguồn thạo tin nói với SCMP, giá tôm hùm tươi ở Úc hiện khoảng 30 USD/kg, giảm gần 70% từ mức giá thông thường là 100USD/kg vào thời điểm lễ hội như mùa này trong năm.
Ai là người được lợi?
“Ở Trung Quốc, bạn có thể mua tôm hùm ở mọi nơi trên thế giới, nên thay vì mua tôm hùm Úc, người ta có thể mua tôm hùm của Boston, Cuba, New Zealand, vùng Caribbean, Nam Phi và Mozambique,” nhà xuất khẩu cho biết.
Người này cũng bổ sung, nhu cầu đối với tôm hùm thay đổi không chỉ bởi tính sẵn có của các lựa chọn mà vì nó là mặt hàng không thiết yếu.
“Không nhiều người phân biệt được các loại tôm hùm khi bạn nấu chín và bày ra bàn. Tôm hùm là loại thức ăn xa xỉ, thường được sử dụng trong các đám cưới và bữa tiệc mời khác, nhưng đó không phải là thứ mà thực khách Trung Quốc phải có hàng ngày.”
Các chủ cửa hàng chợ Sanyuanli đồng ý, nói rằng việc mất đi mặt hàng tôm hùm Úc không phải là tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh vì họ có nhiều hải sản khác để bán.
Một số nhà hàng ở khu thương mại của Bắc Kinh bắt đầu đưa món ăn này ra khỏi thực đơn.
Tôm hùm đá đang dần “biến mất” ở các quầy hàng tại chợ Sanyuanli, Bắc Kinh. Ảnh: SCMP
Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Tôm hùm đá New Zealand Mark Edwards, cho biết ngành công nghiệp này đã có một “tháng 11 khởi sắc” sau suy thoái từ đại dịch Covid-19. Mặc dù chưa thấy sự gia tăng trong xuất khẩu sau khi lệnh cấm đối với Úc được áp dụng từ hôm 6/11, cơ quan phát triển kinh doanh quốc tế New Zealand Trade & Enterprise cho biết gần đây, triển vọng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc là tích cực. Khoảng 35% thủy sản của New Zealand được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hội đồng Tôm hùm Canada nói họ chưa thể xác nhận liệu lệnh cấm tôm hùm từ Úc – đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nước này có giúp ích cho xuất khẩu hay không do số liệu từ tháng trước chưa sẵn sàng.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu Úc tiếp tục điều chỉnh để thích ứng với thay đổi. Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn thương mại và đầu tư China and Beyond tại Sydney Sara Cheng cho biết: “Một số nhà nhập khẩu và phân phối Trung Quốc do dự trong việc tiếp nhận bất cứ sản phẩm nào của Úc do những lệnh cấm. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ của Úc chưa đạt được thành tựu trong thị trường Trung Quốc cũng đã quyết định dừng lại.”
Tuy nhiên một số thương hiệu lớn và những doanh nghiệp mới của Úc lại nhìn thấy đây là cơ hội để thâm nhập vào thị trường với ít đối thủ hơn, bà cho biết.
Trong khi các nhà xuất khẩu tôm hùm Úc phải vật lộn với việc kinh doanh thua lỗ thì những thực khách ở nhà có vẻ là những người thắng lớn khi giá của các món ăn ngon của địa phương giảm mạnh trước dịp Giáng sinh.
Nuôi tôm nhất là TTCT ngày một phát triển, điều này kéo theo những tác động lớn đến môi trường, trong đó có vấn đề về chất thải sau mỗi vụ nuôi. Vì vậy, việc nghiên cứu tìm ra phương pháp, quy trình nuôi tôm hiệu quả mà giảm chất thải ra môi trường đang rất được quan tâm. Mới đây, “Quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh 3 giai đoạn, giảm chất thải” đã được Tổng cục Thủy sản công nhận tiến bộ kỹ thuật.
Thiết kế khu nuôi
Khu nuôi được thiết kế gồm các hạng mục như sau:
Sơ đồ hệ thống nuôi được thiết kế như Hình 1:
Yêu cầu của hệ thống
Bể/ao ương giống giai đoạn 1
Bể hoặc ao có hình tròn hoặc hình chữ nhật được bo tròn các góc, được làm nổi trên mặt đất, ao/bể được lót bạt toàn bộ, có mái che. Rốn ở giữa bể để gom chất thải ra ao chứa bùn. Mỗi bể lắp 1 máy sục khí ôxy có công suất 3 kW/h với 10 – 20 cục sủi (bố trí khoảng 1 cục sủi/3 m2 bể) để phân bố ôxy hòa tan đều khắp bể.
Ao nuôi giai đoạn 2 và giai đoạn 3
Ao nuôi có mái che, lót bạt HDPE toàn bộ. Rốn ao được thiết kế ở giữa ao và có hệ thống ống dẫn xiphong chất thải ở giữa ao và dẫn ra ao chứa bùn. Mỗi ao cần được bố trí 1 máy sục khí công suất 2.5 kW với khoảng 100 – 120 cục sủi rải đều khắp ao và 1 quạt, có 8 – 12 cánh, công suất 2.5 kW.
Ao chứa bùn
Ao chứa bùn được dùng để chứa chất thải từ các ao nuôi xiphong ra. Chất thải được để lắng 2 – 5 ngày, sau khi bùn được chìm xuống, thì bơm nước cùng chất hữu cơ lơ lửng về ao thả cá rô phi để cho cá rô phi xử lý.
Ao lắng thô (ao nuôi cá rô phi)
Nước được lấy từ kênh cấp vào ao lắng, được lọc qua hệ thống lọc ngầm ở giữa ao. Cá rô phi được nuôi với mật độ 3 – 5 con/m2, cỡ cá không lớn hơn 50 g/con nhằm mục đích xử lý nước ao nuôi tôm có hiệu quả để tái sử dụng nguồn nước.
Ao xử lý nước
Ao xử lý nước được dùng để xử lý nước bằng các loại hóa chất nhằm lắng tụ các chất hữu cơ và diệt mầm bệnh.
Ao sẵn sàng
Ao sẵn sàng được dùng để chứa nước đã sạch mầm bệnh và đã được điều chỉnh chất lượng nước trước khi cấp vào ao nuôi (khoáng, kiềm, pH…). Ao sẵn sàng được bố trí 1 hệ thống giàn quạt với 12 – 14 cánh, công suất 2.5 kW.
Các bước vận hành, quản lý ao nuôi
Chuẩn bị nước cho ao ương giống lớn và các ao nuôi
Nước được lấy từ kênh cấp chung qua bể lọc ngầm ở đáy ao vào ao nuôi cá rô phi để lắng 1 đến 2 ngày; sau đó được bơm sang ao xử lý nước hình zic zắc. Tại đường zic zắc đầu nguồn nước được xử lý bằng hóa chất, sau đó nước được bơm từ ao xử lý sang ao sẵn sàng. Tại đây, nước được bổ sung khoáng chất, kiềm và điều chỉnh pH. Khi nước ở ao sẵn sàng đạt tiêu chuẩn cấp vào ao nuôi thì được cấp vào ao ương và các ao nuôi. Kiểm tra hàng ngày đối với các chỉ tiêu môi trường và chất lượng nước cấp vào ao nuôi cần đạt theo QCVN 02-19:2014/BNNPTNT.
Vận hành ao nuôi giai đoạn 1: ương tôm giống bằng công nghệ Biofloc
Chọn giống và thả giống
Chọn giống: Cỡ giống: PL12 trở lên, chiều dài 9 – 11 mm. Tôm giống đạt yêu cầu chất lượng theo TCVN10257:2014.
Thả giống: Trước khi thả giống kiểm tra lại các chỉ tiêu môi trường nước ao ương, bổ sung khoáng chất và chế phẩm sinh học. Tiến hành thả tôm giống vào buổi sáng hoặc vào chiều mát. Mật độ ương: 2.000 – 4.000 con/m2.
Gây floc ở ao ương giống lớn
Sử dụng 180 lít nước ngọt sạch, cám gạo: 2 kg, 2 kg cám tôm số 0 (43% protein), 5 kg rỉ mật đường, 1 kg muối ăn và 500 g chế phẩm sinh học. Sục khí liên tục 3 – 5 ngày, sau đó thì té đều xuống ao. Bổ sung liên tục trong 5 ngày đầu, bật quạt nước và sủi liên tục để tạo floc. Lượng rỉ mật đường và chế phẩm sinh học được điều chỉnh theo lượng thức ăn để đạt được tỷ lệ C/N là ≥ 12/1.
Chăm sóc và quản lý ao nuôi
Hàng ngày theo dõi hàm lượng floc, thức ăn và các dấu hiệu bất thường của tôm để có biện pháp xử lý phù hợp. Thời gian ương: từ 20 – 30 ngày, nuôi đến khi tôm giống đạt cỡ 1.500 – 2.000 con/kg thì tiến hành chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2.
Vận hành ao nuôi giai đoạn 2: nuôi tôm thịt bằng công nghệ Biofloc và Semi Biofloc
Thuần hóa tôm và vận chuyển tôm giống lớn từ ao nuôi giai đoạn 1 sang ao nuôi giai đoạn 2
Trước khi chuyển tôm giống ở ao ương giống lớn sang ao nuôi giai đoạn 2 thì thay 50% nước ở bể ương chuyển sang ao nuôi và lấy nước từ ao nuôi chuyển về đầy ao ương; tiến hành thuần hóa tôm 2 ngày trước thời điểm chuyển tôm giống từ ao ương giống lớn sang ao nuôi giai đoạn 2. Sau đó toàn bộ nước ở ao ương giống lớn được chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2. Mật độ nuôi giai đoạn 2: 350 – 800 con/m2; cỡ tôm ương: 1.000 – 2.000 con/kg; thời gian nuôi: 25 – 30 ngày.
Chăm sóc và quản lý ao nuôi giai đoạn 2
Trước khi thả tôm từ 5 – 7 ngày cần tiến hành gây floc tương tự như cách gây floc ở giai đoạn 1. Bổ sung floc liên tục trong 5 ngày đầu, bật quạt nước và sủi liên tục để tạo đủ floc. Lượng rỉ mật đường và chế phẩm sinh học được điều chỉnh theo lượng thức ăn để đạt được tỷ lệ C/N là ≥ 12/1. Tuần đầu của giai đoạn 2: tôm được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein cao (>42% protein), cỡ số 1; đồng thời gây floc ở ao nuôi. Từ tuần 2 của giai đoạn 2 đến hết giai đoạn 2: tôm được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp với các cỡ phù hợp với ngày tuổi của tôm.
Hàng ngày kiểm tra chất lượng nước, lượng thức ăn thừa, sức khỏe tôm để có biện pháp xử lý kịp thời. Căn cứ vào tuổi, kích thước, trọng lượng và sức ăn thực tế để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn của tôm. Nước được xiphong về ao chứa bùn hàng ngày, sau đó chuyển sang ao nuôi cá rô phi để cá xử lý và tái sử dụng nước.
Vận hành ao nuôi giai đoạn 3: nuôi tôm thịt bằng công nghệ Semi Biofloc
Mật độ nuôi: 150 – 250 con/m²; thời gian nuôi: 30 – 60 ngày.
Khi tôm đạt cỡ 150 – 200 con/kg tiến hành chuyển toàn bộ tôm từ ao nuôi giai đoạn 2 sang ao nuôi giai đoạn 3.
Trước khi tiến hành chuyển tôm, cần kiểm tra chất lượng nước ao nuôi giai đoạn 3. Bơm nước vào ao nuôi giai đoạn 3 bằng với mực nước ao nuôi giai đoạn 2, bật các hệ thống quạt nước và sục khí của 2 ao nuôi.
Tôm được kéo bằng lưới và chuyển sang ao giai đoạn 3 bằng rổ.
Cho ăn: Căn cứ vào ngày tuổi và sức ăn thực tế để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm.
Hàng ngày kiểm tra chất lượng nước, dấu hiệu bệnh do tác nhân sinh học của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn: Trộn vào thức ăn tôm khoảng 1 – 2 bữa/ngày Vitamin C, B1, B12… và khoáng chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Thay nước: Hàng ngày thay 15 – 20% nước. Nước được xiphong về ao chứa bùn để sau đó chuyển sang ao nuôi cá rô phi để cá xử lý và tái sử dụng nước.
Thu hoạch
Nuôi tôm 3 giai đoạn mang lại lợi nhuận cao hơn cho người dân Ảnh: HT
Ao nuôi được làm cạn 50% lượng nước trong ao, dùng lưới quét kéo và thu tôm. Sau khi thu xong, tiếp tục xả lượng nước còn lại ra ao chứa bùn. Tại ao chứa bùn, nước được để lắng. Sau đó, phần chất hữu cơ lơ lửng hòa tan trong nước được bơm sang ao lắng thô để cá rô phi xử lý để tái sử dụng nước cho các vụ nuôi tiếp theo.
TS Nguyễn Thị Hạnh Tiên-https://thuysanvietnam.com.vn/
“Muốn nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn dịch bệnh, lớn nhanh thì phải áp dụng quy trình sản xuất sạch, đó là quy trình sản xuất VietGAP”, ông Hoàng Văn Minh nói.
Ông Hoàng Văn Minh (khu 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đang sở hữu trang trại nuôi tôm sạch rộng 3ha, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Ở cái tuổi lục tuần, dáng người nhỏ thó nhưng trông ông Minh rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh như thanh niên. Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi thủy sản, thành công ở nhiều mô hình khác nhau, nhưng cuối cùng ông lại chọn con tôm thẻ chân trắng để phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Ông Minh kiểm tra chất lượng tôm giống.
Ông Minh tâm sự, năm 2010 ông bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng; hồi đó tôm thẻ chân trắng ít người nuôi, chưa phát triển rầm rộ như bây giờ. Do đã có kinh nghiệm nuôi tôm nên ông không mảy may lo lắng chút nào. Ngay từ vụ nuôi đầu tiên, ông đã nuôi theo hình thức công nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất sạch.
Bởi thế, đàn tôm luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, con nào con nấy to đồng đều nhau. Từ khi mở trang trại đến nay, gia đình ông Minh chưa lần nào phải đau đầu vì đại dịch xuất hiện trên con tôm. “Muốn nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn dịch bệnh, lớn nhanh thì phải áp dụng quy trình sản xuất sạch, đó là quy trình sản xuất VietGAP”, ông Minh nói.
Ông cho rằng, nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP môi trường nuôi luôn sạch sẽ, đảm bảo an toàn, không ô nhiễm; giúp chủ hộ kiểm soát được dịch bệnh, thay đổi ý thức trong nuôi trồng, tạo thói quen trong việc ghi chép sổ sách về thuốc thú y, nguồn thức ăn; từ đó cần tăng cái gì, giảm cái gì để đưa ra 1 bài toán nuôi hợp lý với trang trại…
Hiện tại, trang trại của gia đình ông Minh chuyên cung cấp con giống, tôm thương phẩm cho các thương lái trong và ngoài tỉnh. Trang trại có 14 ao nuôi thương phẩm, ao rộng nhất 1.000m2, ao nhỏ nhất 500m2 và 20 bể xi măng ương tôm giống, 14 bể gièo, mỗi bể khoảng 50m3. Các khu nuôi, ương tôm được phân vùng, quy hoạch rõ ràng.
Với số lượng ao nuôi, bể ương như trên, trung bình mỗi năm trang trại xuất bán ra ngoài thị trường khoảng 7 tấn tôm thương phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho các nhà hàng, khách sạn và 50 triệu con giống cho người dân trong vùng.
“Đối với tôm thương phẩm, trang trại bán với giá bán dao động từ 70.000 – 120.000đ/kg (size 100 con/kg); 140.000 – 200.000đ/kg (size 50 con/kg). Đối với con giống, bán với giá 500.000đ/vạn. Sau khi trừ chi phí, trang trại thu về hơn 1 tỉ đồng/năm”, ông Minh nhẩm tính và cho biết thêm hiện nay nguồn cung không đủ cầu, nhất là vào dịp đầu năm và cuối năm.
Ao nuôi được quy hoạch bài bản.
Chia sẻ về kĩ thuật nuôi tôm, ông Minh bảo, trang trại đang nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tôm giống được ương trong bể xi măng có thiết kế đầy đủ hệ thống nước dẫn vào, dẫn ra; hệ thống sục khí, máng cho ăn; mái che nắng, che mưa có điều chỉnh nhiệt độ bên trong.
Giai đoạn 2, sau 15 ngày ương trong bể, chuyển toàn bộ tôm ra ao nuôi thương phẩm. Trong ao, có lắp đặt hệ thống quạt sục khí tạo oxy; khi tôm ở độ tuổi còn nhỏ bật 20 tiếng/ngày, tuổi trưởng thành bật 24/24h.
Trong quá trình nuôi, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh để xử lý môi trường; tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Nguồn nước cần xử lý sạch trước khi đưa vào ao nuôi. Và, nên nuôi với mật độ vừa phải, khoảng 80 con/m2.
“Sau khi thu hoạch, vệ sinh lại ao nuôi bằng vôi bột với mục đích xử lý các mầm bệnh, virus có hại tồn đọng dưới đáy ao. Đặc biệt, phải phơi ao khoảng 15 ngày trước khi vào vụ nuôi mới. Trung bình, mỗi vụ nuôi kéo dài 3 tháng”, ông Minh hướng dẫn.
Ông Minh nói thêm, mỗi năm gia đình ông chỉ sản xuất 3 vụ tôm thương phẩm. Để mô hình thành công thì yếu tố con giống quyết định 70%. Nếu con giống chuẩn, sản xuất đúng quy trình thì chắc chắn đem hiệu quả kinh tế cao.
“Trang trại của gia đình ông Minh nuôi trồng thủy sản theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hàng năm, trang trại đón hàng chục đoàn đến tham quan và hướng dẫn nhiều sinh viên thực tập”, ông Lại Minh Hưng, Phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hưng nói. An Lãng Nông nghiệp Việt Nam