Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Ngành tôm Bạc Liêu: Biến khát vọng thành hiện thực

(PLVN) – Bạc Liêu đang tập trung dồn sức đầu tư hạ tầng các vùng nuôi, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, để biến khát vọng sớm thành hiện thực, đó chính là đưa tỉnh trở thành “Thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước”.

 

Các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng, có lợi thế là vùng đất đan xen nước mặn và nước lợ, với tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh đến nay hơn 136 ngàn ha, trong đó có hơn 1 ngàn ha nuôi theo mô hình siêu thâm canh trong nhà kín ứng dụng công nghệ cao, có thể cho năng suất từ 120 đến 150 tấn/1ha mỗi năm.

Tỉnh Bạc Liêu còn là trung tâm sản xuất tôm giống lớn trong khu vực ĐBSCL và đứng thứ 02 cả nước, với gần 200 cơ sở sản xuất, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 20 tỷ con giống, chiếm đến 40% sản lượng tôm giống của vùng ĐBSCL và 15% của cả nước.

Khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Công ty Việt Úc – Bạc Liêu

Với lợi thế trên, tỉnh Bạc Liêu đã xác định con tôm là lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, theo đó tỉnh đã tập trung đầu tư, phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao và chế biến xuất khẩu. Nhờ được sự ủng hộ của TW, sự quan tâm của ngành chức năng, nhanh nhạy trong nắm bắt các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất của bà con nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp, mà những năm qua sản lượng tôm của tỉnh không ngừng phát triển.

Ông Lưu Hoàng Ly – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu nhận định: “Hiện nay, trên toàn tỉnh đã có 12 công ty, đơn vị, cùng các hợp tác xã và gần 330 hộ dân đã và đang nuôi trên tổng diện tích đất hơn 2 ngàn ha, với gần 1 ngàn ao nuôi áp dung theo các mô hình công nghệ cao có năng suất hơn 150 tấn/ha/năm.

Điển hình như Công ty nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu, thuộc địa bàn xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, có tổng diện tích đất 50 héc ta, nằm liền kề Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Đây là công ty áp dụng mô hình nuôi tôm tiên tiến, với 2 giai đoạn, mỗi ao nuôi có diện tích 1 ngàn 600 mét vuông, qua 120 ngày nuôi có thể thu hoạch đạt sản lượng từ 8 đến 9 tấn tôm.

Đặc biệt, năm 2019 sản lượng tôm của tỉnh đạt mức cao nhất từ trước tới nay 155 ngàn tấn (trong đó tôm nuôi 143 ngàn tấn), chiếm gần 18% sản lượng tôm của cả nước, góp phần mang lại kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 700 triệu USD.

Theo sở NN&PTNT, kết quả trên chính là tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện thắng lợi vụ tôm nuôi năm 2020. Đến nay, người nuôi tôm và các doanh nghiêp nuôi tôm qua mô trên địa bàn tỉnh đã minh chứng rỏ nét cho sự thành công của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao”. 

Ông Lưu Hoàng Ly – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu

Ông Phạm Hoàng Minh – Giám đốc Ban quản lý, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu cho biết: “Tỉnh Bạc Liêu xác định Ngành nông nghiệp nằm trong 05 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là mũi nhọn. Năm 2017, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bạc Liêu. Đến 2025, Tỉnh Bạc Liêu sẻ là Trung tâm Ngành công nghiệp tôm của cả nước. Để thực hiện mục tiêu, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã thực hiện gần xong xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn I.

Để chuẩn bị giai đoạn II, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang xây dựng cơ chế chính sách cho các Doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học… hoạt động trong Khu công nghệ cao; đề xuất mức thu phí sử dụng đất đã qua xây dựng hạ tầng trong Khu công nghệ cao; xây dựng các tiêu chí, để tuyển chọn Dự án của các Doanh nghiệp đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Ông Phạm Hoàng Minh – Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu

Ngành tôm là mũi nhọn kinh tế của tỉnh, nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh là hướng đi đúng đắn mở đường, từ các doanh nghiệp và lan tỏa đến bà con nông dân, để từ đó đưa đời sống của nhân dân ngày càng sung túc hơn. Để biến thực hiện khác vọng trên thành hiện thực tỉnh Bạc Liêu đã triển khai kế hoạch và cụ thể hóa từng bước đi vững chắc, theo từng giai đoạn cụ thể và tiến đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia về con tôm Việt Nam, gắn với việc đảm bảo ổn định đầu ra trên thị trường xuất khẩu thế giới – là khâu quan trọng nhất trong chuỗi giá trị ngành tôm.

Thu hoạch tôm ứng dụng công nghệ cao của Công ty Việt Úc

Chính vì vậy, các Doanh nghiệp với sự tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng đã và đang liên kết và hỗ trợ nông dân thực hiện thành công từ khâu hướng dẫn kỷ thuật nuôi và hỗ trợ đầu ra cho tôm thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao tinh thần và đời sống của người dân.

Mùa xuân mới đã về, Người dân nuôi tôm Bạc Liêu đang thu hoạch một mùa tôm mới nhiều thắng lợi, thành quả và những bước đi đột phá để Bạc Liêu sớm trở thành “Thủ phủ ngành công nghiệp tôm của cả nước”./.

Trọng Nghĩa
Nguồn :https://baophapluat.vn/

Góc nhìn thủy sản Việt

(Thủy sản Việt Nam) – Những tưởng rằng thủy sản sẽ có một năm 2019 bứt phá mạnh sau thành công vang dội từ 2018, vậy nhưng, kinh tế toàn cầu suy giảm, thị trường ảm đạm, sản xuất trong nước khó khăn đã khiến cho “giấc mộng” 10 tỷ đô của ngành bị hoãn lại. Nhìn từ nhiều phía, ngành thủy sản dù còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội để trở mình cũng không ít.

Góc nhìn nhà quản lý

Sau thành công với 9 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2018, ngành thủy sản đặt mục tiêu 10,5 tỷ USD trong năm 2019, tăng 11% so năm trước và hoàn thành sớm mục tiêu được đặt ra cho năm 2020. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, mục tiêu 10 tỷ USD mà ngành thủy sản đề ra là rất cao, nhưng hoàn toàn có cơ sở để thực hiện. Cùng đó, các hiệp định thương mại tự do được ký kết và chính thức có hiệu lực sẽ là đòn bẩy giúp ngành tăng kim ngạch. Thậm chí, vị “tư lệnh” ngành nhìn nhận thủy sản cùng với lâm sản sẽ là 2 “cứu cánh” cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn từ thị trường đã khiến mục tiêu của ngành không đạt được. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân trong một cuộc hội nghị đã cho rằng, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ở mức khá cao. Vì ảnh hưởng từ xung đột thương mại, rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu. Về sản xuất, diễn biến thời tiết rất phức tạp, ảnh hưởng tới việc NTTS. Mặt khác, tình trạng nuôi trồng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác còn hạn chế, tổn thất sau thu hoạch còn cao… Để hoàn thành được cần nỗ lực rất lớn.

Thế nhưng, khó khăn chung đã khiến kế hoạch bị chậm lại, giá trị xuất khẩu thủy sản không đạt kỳ vọng. Tuy vậy, nhiều nhận định cho rằng, ngành sẽ khởi sắc trong năm tới. Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI cho rằng, năm 2019, tăng trưởng của ngành nông nghiệp có chậm lại; đây là một năm “khô hạn”; nhưng thường sau một năm “khô hạn” thì năm sau sẽ tốt hơn, kéo theo những ngành liên quan khác cũng sẽ tích cực hơn.

 

Góc nhìn chuyên gia

Ngay đầu năm 2019, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP đã cho rằng, thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề, điển hình việc kiểm soát nguồn nguyên liệu chưa thực sự tốt, giá thức ăn cao; cùng đó, rào cản thị trường vẫn lớn. Thị trường EU là vấn đề “thẻ vàng”, còn tại Mỹ, thuế chống bán phá giá tôm và cá tra, chương trình thanh tra cá da trơn và chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu trở thành sức ép lớn cho thủy sản Việt Nam. Cùng đó, hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu cho chế biến.

Ở một góc độ khác, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện trình độ nuôi trồng, chế biến thủy sản thế giới đã phát triển đến mức cao, việc cạnh tranh trong xuất khẩu đặt ra nhiều thách thức. Chẳng hạn, trước đây cá tra của ta “một mình một chợ” thì nay Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc đã nuôi được cá tra với sản lượng hàng năm khá lớn. Chưa kể, Việt Nam cần 10 năm để phát triển được nguồn giống chất lượng nhưng với những quốc gia có trình độ công nghệ cao thì chỉ cần 2 – 3 năm.

Hơn nữa, theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi một quốc gia cung cấp nguyên liệu đơn thuần. Minh chứng là tôm và cá tra chiếm đến 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản nhưng mới chỉ có 25% sản phẩm tôm và 10% sản phẩm cá tra xuất khẩu có giá trị gia tăng. Thêm vào đó, do chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực, nên thủy sản Việt Nam lệ thuộc nhiều vào biến động thị trường, lợi nhuận thấp và sức ép cạnh tranh lớn.

Thu hoạch cá tra tại ĐBSCL – Ảnh: Hữu Thành

 

Góc nhìn doanh nhân

Năm nay, mặc dù giá trị xuất khẩu tăng, nhưng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hải sản vẫn gặp nhiều vấn đề cả khách quan và chủ quan. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty CP Chế biến XNK Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, có mặt hàng nhà máy nhập khẩu hàng năm nhưng việc kiểm soát cũng như với mặt hàng mới, làm thời gian vận chuyển về nhà máy bị kéo dài. Ông Dũng kiến nghị, việc kiểm tra sau thông quan nên làm dứt điểm hàng năm thay vì 5 năm, vì kéo dài như vậy sẽ khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong triển khai sản xuất.

Còn ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, có những vấn đề cần Nhà nước phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, đó là quy hoạch vùng nuôi rõ ràng giữa các địa phương và có chương trình thủy lợi cho con tôm. Cùng đó, khó khăn chung từ kinh tế thế giới và ảnh hưởng của cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn đã khiến giá bán thủy sản trên toàn cầu sụt giảm làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ lại. Báo cáo tài chính Công ty mẹ quý III/2019 của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho thấy, lũy kế 9 tháng, MPC ghi nhận doanh thu thuần 8.397 tỷ đồng, tăng 1,6% so cùng kỳ, nhưng lợi nhuận giảm 9,6% xuống 484,4 tỷ đồng. Còn theo ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (ASM), giá cá tra đã giảm từ 36.000 đồng/kg xuống còn 19.000 đồng/kg, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu của ASM đạt 10.453 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 600 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so cùng kỳ.

 

Góc nhìn người nông dân

Năm 2019, hình thức nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khiến lợi nhuận của người nuôi không còn nhiều. Ông Nguyễn Bá Phụng (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) chia sẻ: Khoảng 2 – 3 năm nay, người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn. Một số hộ nuôi tôm siêu thâm canh xả thải trực tiếp ra môi trường làm nguồn nước ô nhiễm; tôm nuôi liên tục bị dịch bệnh; giá tôm nguyên liệu biến động trong khi chi phí đầu vào như thức ăn, thuốc, giá điện… liên tục tăng. Giờ đây, bà con chỉ nuôi tôm cầm chừng chứ không ai tính chuyện làm ăn lớn. Chưa kể, giá TTCT cỡ 100 con/kg sụt giảm rất mạnh trong thời gian dài, có thời điểm chỉ ở mức 70.000 đồng/kg, khiến cho người nuôi “buộc phải bán tháo vì không thể cầm cự do giá thức ăn cao” càng khiến tình hình thêm hỗn loạn.

Với lĩnh vực cá tra, thê thảm nhất là những hộ ương nuôi cá tra giống. Phá “rào” đào ao đã tốn kém, việc lấp lại ao còn khó gấp nhiều lần. Một người sản xuất cá tra giống ở Long An cho biết: “Chi phí mà tôi phải bỏ ra để đào ao nuôi cá khoảng 50 triệu đồng/ha; nhưng hiện nay, số tiền phải trả để lấp ao còn cao hơn rất nhiều. Mặt khác, phần đất này không biết có còn làm lúa được hay không vì trước đây tôi thuê máy đào rất sâu, có khả năng đất sẽ bị dậy phèn và phần đất này sẽ thấp hơn đất ban đầu rất nhiều”. Một cảnh tượng buồn của ngành cá tra sau một năm 2018 thắng vang dội.

 

Góc nhìn nhà báo

Gần như cả một năm, trên các mặt báo trong nhiều tháng là “cảnh” buồn tẻ ở vùng nuôi, giá bán giảm thê thảm, người nông dân ai oán vì thua lỗ, nhất là vùng nuôi cá tra, giá xuống thấp khiến người nuôi bỏ ao đầm tràn lan. Thảm nhất là tại Tân Hưng, Long An; khi toàn huyện có 1.305 ha mặt nước nuôi cá tra bột, tập trung ở các xã Hưng Thạnh, Hưng Điền và Hưng Điền B. Trong đó, số diện tích ao hiện đang bỏ trống, tạm ngưng nuôi là 240 ha, chiếm 18,4% tổng diện tích ao nuôi.

Với con tôm, TTCT một thời gian dài giá bán duy trì ở mức không có lợi cho người nuôi. Tại Trà Vinh, trong khi giá thành sản xuất tôm loại 100 con/kg giá còn khoảng 90.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất ở mức 70.000 – 75.000 đồng/kg chưa kể các chi phí khác. Còn ở một số địa phương, có thời điểm giá tôm rơi xuống bằng giá thành sản xuất, cộng với chi phí, người nuôi thua lỗ.

TTCT thoát nạn thì tôm hùm rớt giá thê thảm. Xã Cam Bình (TP Cam Ranh, Khánh Hòa), thời điểm cuối tháng 7, thương lái thu mua tôm hùm thương phẩm với giá “rẻ bèo” khiến người nuôi điêu đứng. Tôm hùm xanh dao động 400.000 – 550.000 đồng/kg, giảm khoảng 100.000 đồng/kg, còn tôm hùm bông dao động khoảng 1,1 triệu đồng/kg (loại 1), giảm mạnh 600.000 đồng/kg so với tháng trước. Nhiều hộ nuôi lỗ nặng hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng. Cảnh tượng đìu hiu xuất hiện dọc các vùng nuôi tôm hùm miền Trung.

Không ít nhà báo tâm sự, đã lâu lắm rồi, đi thực địa viết bài tại các địa phương, họ không còn nhìn thấy nụ cười của người nông dân, mà chỉ là những cái lắc đầu ngao ngán, nhưng lời than vãn đến quặn lòng.

>> Năm 2020, ngành thủy sản đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất: 5,3%; sản lượng NTTS: 4,68 triệu tấn (tăng 5,3%); trong đó, cá tra: 1,52 triệu tấn, tăng 6,6%; tôm các loại: 915.000 tấn, (tăng 6,5%), nuôi biển các loại: 540.000 tấn (tăng 16,6%).

Phan Thảo

Nguồn : http://thuysanvietnam.com.vn/

Nghiên cứu phát triển tôm và cá tra

(Thủy sản Việt Nam) – Cùng với sự phát triển của ngành thủy sản thời gian qua, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng các nhà khoa học, người nuôi và nhất là sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong việc đầu tư, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, tạo nhiều kết quả ở tôm và cá tra.

Nuôi tôm an toàn sinh học

“Từ ngày 11/11/2019, chế phẩm sinh học của chúng tôi đã được cấp mã số lưu hành toàn quốc. Chế phẩm này đạt 1012 CFU/ml, tức là trong 1 ml có nghìn tỷ con vi khuẩn, không thua các nước tiên tiến”, TS Mai Thi ở Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tươi cười. Trước đây, chị ở một cơ quan của tỉnh Sóc Trăng từng chủ trì nghiên cứu chế phẩm sinh học được nhiều giải thưởng và từ tháng 4/2019, chuyển về Tập đoàn Thủy sản Minh Phú làm Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế phẩm Sinh học Minh Phú.

Các yêu cầu của chị được lãnh đạo Tập đoàn đáp ứng mau lẹ nên chỉ ba tháng sau chị cho ra mẻ chế phẩm đầu tiên, nay đã có 12 chế phẩm, gồm 4 chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường và 8 chế phẩm nuôi tôm. Mẻ chế phẩm đầu tiên ứng dụng nuôi 3 ha tôm sú ở xã Thạnh Thới Thuận (Trần Đề, Sóc Trăng) đạt kết quả tốt nên mở rộng ra 700 ha nuôi TTCT của Tập đoàn ở tỉnh Kiên Giang, kết quả nâng cao được chất lượng tôm, hạ giá thành sản xuất. TS Mai Thi và cộng sự nghiên cứu ruột nhiều con vật như sùng đất, giun… để tuyển chọn vi khuẩn có lợi làm chế phẩm, bởi vi khuẩn bản địa nên khỏe hơn vi khuẩn trong chế phẩm nhập ngoại, vòng đời dài và còn có thể phục tráng khi bị thoái hóa. Chế phẩm đã được lưu hành toàn quốc, TS Mai Thi lại tập trung đưa đến ao tôm của đông đảo nông dân đang liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với Tập đoàn. TS Lê Thị Hải Yến ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tổng Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Vật tư và Thuốc thú y (Vemedim) lại có nhiều nghiên cứu về sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. Gồm sử dụng chế phẩm xử lý nước ao nuôi và hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm. Trong hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm, có kích thích miễn dịch đường tiêu hóa của tôm, tiết ra các hợp chất chống lại vi khuẩn gây bệnh và còn cạnh tranh dinh dưỡng, cạnh tranh nơi cư trú với vi khuẩn có hại khiến vi khuẩn có hại không phát triển được. Sử dụng chế phẩm sinh học bằng cách đưa vào cơ thể tôm như bổ sung thức ăn, ngâm, bổ sung vào ao nuôi; sử dụng thường xuyên hoặc định kỳ đều là những quy trình có tính quyết định thành công nuôi tôm an toàn sinh học.

 

Giống và sản phẩm cá tra

Giám đốc điều hành Công ty CP Cá tra Việt Úc – An Giang Võ Minh Khôi giới thiệu Khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao tại xã Vĩnh Hòa (Tân Châu, An Giang) có 1.000 con cá tra bố mẹ G1. Những con cá này đã được lấy mẫu ADN gửi qua Viện CSIRO (Australia) kiểm tra chất lượng đảm bảo tốt để mỗi năm sinh ra khoảng 2 tỷ con cá bột, sau đó là 200 triệu con cá giống (loại 30 con/kg) đưa ra thị trường. Khu sản xuất giống rộng hơn 100 ha, nằm trên cồn Vĩnh Hòa giữa sông Tiền, tách biệt các khu dân cư nên giữ được an toàn sinh học trong quá trình sản xuất, lại gần bãi sinh sản cá tra tự nhiên nên thích hợp điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng của ĐBSCL.

Cá tra bố mẹ của Tập đoàn Việt – Úc – Ảnh: V.U

Đã có 18 nhà màng lưu giữ cá bố mẹ, được đầu tư hệ thống điện mặt trời để vận hành các thiết bị. Giám đốc Khôi cho hay, giống cá tra sản xuất ở đây đang đặt mục tiêu vươn tới 3 đặc tính: tăng trưởng nhanh, ước mỗi thế hệ cá bố mẹ sẽ tăng trưởng nhanh hơn 8 – 10%; tỷ lệ sống tăng trung bình 5 – 10% so thế hệ liền kề trước đó; chất lượng thịt cũng tăng. Chất lượng thịt đánh giá qua tỷ lệ fillet cải thiện từ 2,8 kg giảm xuống 2 kg để thu 1 kg fillet và tăng tỷ lệ thịt trắng. Chất lượng cá tăng trưởng ngoài yếu tố di truyền, sẽ phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi với mức độ khá cao nên cải tiến quy trình được coi trọng.

Khu sản xuất giống đã ứng dụng một số công nghệ vượt trội như di truyền phân tử, di truyền số lượng, ứng dụng bắn chip điện tử vào cá để theo dõi, phân tích bằng các phần mềm ứng dụng. Từ đó, lựa được những con cá có đặc tính mong muốn vượt trội trong đàn để chọn các thế hệ cá tra bố mẹ ưu việt. Không chỉ cung cấp giống, Khu sản xuất còn sẵn sàng cung cấp cá tra bố mẹ hậu bị cho các cơ sở sản xuất giống cấp 2 trong Đề án liên kết sản xuất giống cá tra chất lượng cao vùng ĐBSCL.

Ở lĩnh vực chế biến đa dạng sản phẩm cá tra, năm 2019 đánh dấu nhiều bước tiến của Công ty CP và Đầu tư Phát triển Đa quốc gia (IDI). Doanh nghiệp này vốn nổi tiếng với dầu ăn cao cấp Ranee, tinh luyện từ cá tra bằng dây chuyền nhập khẩu toàn bộ từ châu Âu, lưu giữ được những dưỡng chất quý của cá. Mới đây, IDI có thêm dầu ăn dinh dưỡng cho trẻ Ranee KIDS cũng tinh luyện từ cá tra, bổ sung thêm dầu cá hồi nhập khẩu. Sản phẩm kết hợp khá hoàn hảo hai loại dầu cá giàu dưỡng chất tốt cho trẻ em. Năm 2019, sản phẩm cá tra Việt Nam sang thị trường Malaysia tăng cao, trong đó, IDI góp phần quan trọng. Đây là quốc gia theo đạo Hồi, nhu cầu thủy sản có những đặc điểm riêng, đòi hỏi việc cung ứng phải nghiên cứu và IDI cung cấp ngoài fillet đông lạnh, còn có bong bóng cá tra sấy, cá tra cắt khúc đông lạnh, bao tử cá, dầu ăn, cá tra tẩm bột. Các sản phẩm này đang được người dân Malaysia khá ưa chuộng.

Sản phẩm cá tra của IDI sang Đức cũng tăng mạnh trong năm 2019, đa dạng như cá tra cắt khúc, da cá tra đông lạnh, fillet đông lạnh, cá tẩm bột, cá xiên que… Đặc biệt có dòng sản phẩm mới là fillet cá tra organic với giá trung bình 9,6 – 9,78 USD/kg, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Theo lãnh đạo IDI, sản phẩm của Công ty xuất khẩu tới hơn 50 thị trường trên thế giới qua chế biến của hai nhà máy có tổng công suất một ngày 600 tấn nguyên liệu, vùng nuôi rộng 300 ha, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp.

>> Rõ ràng, việc quyết định lựa chọn phương thức đưa công nghệ sản xuất cùng với việc ứng dụng thích hợp, đúng đắn, chính xác từng ngành nghề đã tạo sự thay đổi về chất và lượng trong các sản phẩm thủy sản, góp phần tạo chất lượng và thương hiệu cho thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Sáu Nghệ

Nguồn :http://thuysanvietnam.com.vn/

10 thị trường xuất khẩu lớn nhất

(Thủy sản Việt Nam) – Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 7,85 tỷ USD, giảm 2,3% so cùng kỳ năm 2018. Năm 2019, xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ giảm 1,2% so năm ngoái khi đang phải đối mặt nhiều rào cản bất lợi trên các thị trường chủ lực, nhất là Mỹ. Song Mỹ vẫn là thị trường quan trọng nhất khi chiếm 17,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt.

1. Mỹ

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, mặc dù giá trị xuất khẩu giảm so cùng kỳ năm 2018. Theo thống kê của VASEP, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ 11 tháng đầu năm 2019 đạt 1,354 tỷ USD, giảm 8,5% so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do sản lượng tồn kho cao, trong khi nguồn cung dồi dào dẫn đến giá bán giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ năm 2020 kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại khi Mỹ đã chính thức công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện tương đương.

 

2. Nhật Bản

11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,352 tỷ USD, tăng 7,2% so cùng kỳ năm ngoái, đưa Nhật trở thành thị trường lớn thứ 2 của thủy sản Việt Nam. Đây là kết quả đáng chú ý khi trước đây người tiêu thụ Nhật Bản gần như không “sẵn lòng” với sản phẩm thủy sản nuôi mà chỉ yêu thích nhập các sản phẩm hải sản. Bằng những con số thống kê về mức tăng trưởng lạc quan xuất khẩu thủy sản, có thể tin Nhật Bản sẽ là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam chinh phục trong thời gian tới. Ngoài ra, Nhật Bản và Việt Nam đã tham gia CPTPP, đây là điều kiện thuận lợi và cơ hội giúp gia tăng xuất khẩu.

 

3. Trung Quốc và Hồng Kông

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc những tháng đầu năm sụt giảm vì nhiều doanh nghiệp không xuất được hàng do phía Trung Quốc siết chặt thương mại tiểu ngạch và kiểm tra ATTP. Tuy nhiên, sau khi nắm bắt được thị trường và những quy định mới, các doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh, thích ứng, nên từ tháng 6 trở đi, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc hồi phục nhanh.

Tính đến cuối tháng 11/2019, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng 15,2%, đạt 1,27 tỷ USD. Với dân số chiếm 1/5 thế giới, lại đa dạng về nhu cầu nên thời gian tới Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường tỷ đô của thủy sản Việt Nam.

Chế biến thủy sản là ngành sản xuất công nghiệp hiện đại – Ảnh: IE

 

4. EU

Đối với thị trường EU, việc bị “thẻ vàng” về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đã tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu thủy sản, nhất là hải sản sang thị trường này, nên tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU trong 11 tháng đầu năm 2019 đã bị sụt giảm 11,6%, chỉ đạt 1,195 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 18,4%; cá tra giảm 0,1%; cá ngừ giảm 11,6%; mực, bạch tuộc giảm 18,7%. Từ thị trường nhập khẩu hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam, EU đã tụt xuống thứ 4 sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc – Hồng Kông. Kết quả này đã phản ánh rõ nét hệ lụy của “thẻ vàng” IUU.

 

5. Hàn Quốc

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 5 của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc 11 tháng đầu năm 2019 đạt 713,4 triệu USD, giảm 9,1% so cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu thủy, hải sản truyền thống ngày càng khó tính, thị trường Hàn Quốc dường như cởi mở hơn với các nhà xuất khẩu Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao ý thức chủ động tiếp cận thông tin về Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) để lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp; đồng thời thay đổi công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường nhập khẩu.

 

6. ASEAN

Với đà tăng trưởng liên tục trong 10 năm trở lại đây, ASEAN đang ngày càng trở thành thị trường quan trọng của thủy sản Việt Nam và hoàn toàn có thể đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang ASEAN trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 632,4 triệu USD tăng 2,7% so cùng kỳ năm ngoái, đưa ASEAN trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 6 của Việt Nam. Dự kiến trong giai đoạn khó khăn sắp tới, nhiều doanh nghiệp sẽ nhanh chóng chuyển hướng sang các thị trường thay thế, trong đó có ASEAN.

 

7. Canada

Trong 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Canada đạt 208,7 triệu USD, giảm 4% so cùng kỳ năm ngoái. Canada là thị trường có khả năng chi trả cho các sản phẩm có giá trị cao và là cầu nối quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sang các quốc gia châu Mỹ khác. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, chú trọng các yếu tố về giá cả, mẫu mã, chất lượng để nâng tính cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường này.

 

8. Australia

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Australia 11 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 190,7 triệu USD, tăng 7,8% so cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam hiện là một trong 3 nhà cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Australia nên chắc chắn sẽ tăng được thị phần nếu có cách tiếp cận và bước đi phù hợp. Giải pháp ưu việt nhất là đưa hàng chất lượng cao, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và ATTP.

 

9. Mexico

Mexico hiện là thị trường lớn thứ 9 của thủy sản Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này tăng đột biến, tăng 112,5% so cùng kỳ năm 2018, đạt 102,4 triệu USD. Với cá tra, đây cũng là thị trường lớn thứ 5 của cá tra Việt Nam khi chiếm 4,7% thị phần. Theo VASEP, cho tới nay Mexico vẫn là thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng của cá tra Việt Nam. Mặc dù so với các thị trường lớn khác thì giá nhập khẩu trung bình tại Mexico chưa cao nhưng thực sự đây vẫn là thị trường đáng lưu tâm trong thời gian tới.

 

10. Nga

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga tăng từ 28 triệu USD năm 2008 lên 47,4 triệu USD năm 2018 và 94,4 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2019, đưa Nga trở thành thị trường lớn thứ 10 của thủy sản Việt Nam. Với con tôm, mặc dù các doanh nghiệp đã quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Với cá tra, Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng lớn thứ 2 tại Nga, sau Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là thị trường khó dự đoán do tính dao động thất thường về hoạt động nhập khẩu. Các chuyên gia cho biết, thị trường Nga đang có nhu cầu lớn về mặt hàng cá fillet, thủy sản khô và tôm thẻ chân trắng, do vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Phương Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn : http://www.thuysanvietnam.com.vn/

C.P. Việt Nam: Đột phá thành công cùng mô hình CPF-Combine

(Thủy sản Việt Nam) – Năm qua, C.P. Việt Nam đã ghi nhận tốc độ bứt phát mạnh mẽ về sự phát triển của mô hình nuôi tôm công nghệ cao CPF-Combine; điều này thể hiện ở việc có thêm 4.000 mô hình được xây mới và đi vào vận hành. Ngoài ra, C.P. Việt Nam cũng đã đưa ra rất nhiều cải tiến mới trong mô hình để mang lại thành công bền vững hơn cho người nuôi và khách hàng.

Hiệu quả tối ưu cho người đầu tư

Được phát triển từ sự kết hợp các mô hình CPF-Green House, CPF-Turbo Program, C.P-Probiotic Farm, 3C, mô hình CPF-Combine bắt đầu được chuyển giao cho người nuôi tôm cả nước từ năm 2015. Trải qua chặng đường 5 năm, hiện tại mô hình CPF-Combine đã được các chuyên gia của C.P Việt Nam nâng cấp lên phiên bản thứ 2. Ở mô hình CPF-Combine phiên bản 2 được thiết kế để ứng dụng các ao nổi cùng hệ thống xử lý nước hoàn chỉnh sẽ giúp cho người đầu tư xây dựng nhanh chóng và quản lý dễ dàng hơn.

Mô hình CPF-Combine phiên bản 2 – Ảnh: C.P

Mô hình CPF-Combine, từ khâu xử lý nước đầu vào cho đến suốt quá trình vận hành đều được thiết kế đồng bộ và khoa học. Trong mô hình CPF-Combine, với việc sử dụng các sản phẩm tôm giống CPF-Turbo thế hệ mới G19, thức ăn tôm C.P công nghệ mới và các chế phẩm sinh học chất lượng cao của C.P, đã giúp khách hàng nuôi được tôm với kích cỡ lớn, năng suất cao và hệ số chuyển đổi FCR thấp, qua đó tối đa hóa lợi nhuận cho người đầu tư.

 

Lan tỏa những giá trị

Để tạo điều kiện cho bà con nông dân dễ dàng tiếp cận với mô hình CPF-Combine, trong năm 2019 C.P. Việt Nam đã tổ chức hàng trăm chuyến tham quan tìm hiểu thực tế tại các mô hình thành công cùng với đó là các buổi hội thảo đầu bờ. Đặc biệt vào cuối tháng 10 và cuối tháng 11, C.P. Việt Nam đã tổ chức 7 hội thảo có quy mô lớn dành cho các khách hàng đang thực hiện mô hình CPF-Combine lần lượt tại các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, TP Hồ Chí Minh.

Một chương trình hội nghị khách hàng của C.P. Việt Nam được tổ chức tại Bạc Liêu

 

Hướng đi bền vững cho ngành tôm

Mô hình CPF-Combine được thiết kế theo hướng khép kín, tất cả các khâu trong mô hình như khu xử lý nước, khu ương nuôi đều được tính toán theo một tỷ lệ hợp lý giúp cho việc quản lý được hiệu quả, điểm cốt lõi trong mô hình đó là luôn luôn duy trì được môi trường nuôi sạch cho tôm. Ngoài ra, nét khác biệt của mô hình CPF-Combine chính là hệ thống xử lý chất thải Biogas, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm do chất thải từ ao tôm, đồng thời khí gas được sử dụng để phục vụ cho cả sinh hoạt và sản xuất.

Hệ thống xử lý chất thải Biogas trong mô hình CPF-Combine 

Đội ngũ nhân viên C.P đồng hành cùng khách hàng

Thành công của mô hình CPF-Combine cũng đến từ việc người nuôi sử dụng các sản phẩm chất lượng cao của C.P như tôm giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, đều được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, sản xuất ra nguồn tôm nguyên liệu sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc, tạo hướng đi bền vững cho ngành tôm Việt Nam.

Khách hàng từ mọi miền đất nước thành công với mô hình CPF-Combine  

>> Ông Boonlap Watcharawanitchakul, Phó Tổng Giám đốc cấp cao C.P. Việt Nam cho biết: “Năm 2020, trong chiến lược của C.P. Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào việc chuyển giao và nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao CPF-Combine, đặc biệt là mô hình CPF-Combine phiên bản 2. Để hỗ trợ cho các khách hàng vận hành thành công mô hình, C.P. Việt Nam sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tăng cường thêm các cán  bộ kỹ thuật có chuyên môn giỏi tại mỗi vùng nuôi tôm, đội ngũ nhân viên này sẽ luôn kề vai sát cánh cùng với khách hàng”. 

Nguyễn Long An

Nguồn : http://www.thuysanvietnam.com.vn/

Tôm càng ắp ụ trên núi đá ở xã Trà Cổ ngày giáp Tết

(NLĐO)- Toàn bộ nguồn nước nơi tôm càng xanh sinh sống tại xã Trà Cổ được lấy từ khe đá, theo các con suối đổ về nên tôm khỏe, thịt ngọt, dai và thơm hơn ở các vùng khác.

Vùng đất thuộc xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai khá nổi tiếng vì có nghề nuôi tôm càng xanh trên núi đá.

Những ngày cận Tết, người dân nơi đây rộn rịp thu hoạch, giao cho thương lái. Người nuôi tôm nặng tay kéo lưới, xe thu mua của thương lái nhộn nhịp ra vào.

Làng tôm trên núi đá nhộn nhịp ngày cận Tết - Ảnh 1.

Người đàn ông đang gom tôm ở lưới chờ thương lái đến lấy

Anh Tuấn, nông dân nuôi tôm cho biết ao của anh thu hoạch được khoảng 2 tấn tôm, năng suất khá cao. Theo anh Tuấn nghề này xuất hiện ở đây gần chục năm nay. Lúc đầu, từ một vài gia đình nuôi, sau đó thấy hiệu quả cao nên nhiều người làm theo. Những hộ nuôi tôm tại đây có lãi ròng hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Làng tôm trên núi đá nhộn nhịp ngày cận Tết - Ảnh 2.

Những giỏ tôm nặng

Quan sát tại đây, những cánh đồng tôm trên vùng đất núi đá, địa thế cao khá hoang vu gió lồng lộng. Đó đây những bóng dáng người nuôi tôm chăm sóc ao tôm, cho tôm ăn, sửa sang những guồng quạt sục thổi khí, khuấy nước nước lấy oxy cho tôm.

Làng tôm trên núi đá nhộn nhịp ngày cận Tết - Ảnh 3.

Thu mua

Theo người dân, việc nuôi tôm được bắt đầu từ tháng 4 âm lịch đến tháng Giêng năm sau, 3 tháng còn lại người nuôi phơi ao, thời gian này người dân tranh thủ trồng lúa hoặc hoa màu do nước trên các khe bị cạn không đủ cung cấp cho các ao.

“Vào vụ Tết, thu hoạch nhộn nhịp, đem lại thu nhập cao, vui lắm” – anh Nhị, một chủ ao tôm rộng 3ha, vui vẻ nói.

Làng tôm trên núi đá nhộn nhịp ngày cận Tết - Ảnh 4.

Những chú tôm “hấp dẫn”

Anh Nhị cho hay tôm càng xanh được nuôi ở vùng này được đánh giá có vị ngọt, thịt dai vì được nuôi nguồn nước đều chảy ra từ khe đá. Giá tôm ở đây do vậy cũng cao hơn các vùng khác.

Hiện tôm càng xanh Trà Cổ được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh, thành lân cận như TP HCM, Lâm Đồng, Bình Dương… Nghề phát triển, Chi cục Thủy sản Đồng Nai cũng quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con.

Làng tôm trên núi đá nhộn nhịp ngày cận Tết - Ảnh 5.

Chủ ao tôm này đang cho tôm ăn để chuẩn bị thu hoạch

UBND xã Trà Cổ cho biết hiện trên địa bàn xã có khoảng 54 ha ao nuôi tôm càng xanh. Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đang có ý định xây dựng hệ thống mương nước để đón nước từ các đập xung quanh nhằm giúp người dân phát triển hơn nữa nghề có tính chất đặc thù này.

Bài và ảnh: Xuân Hoàng

Thông tin thủy sản trong tuần: Xuất khẩu tôm, cá tra sẽ cải thiện

Thông tin thủy sản trong tuần: Xuất khẩu tôm, cá tra sẽ cải thiện

Vinanet – Xuất khẩu cá tra khởi sắc ngay từ quý đầu năm, Xuất khẩu tôm sẽ khả quan trong năm 2020; Giá tôm năm 2020 liệu có cải thiện…là những thông tin thủy sản đáng chú ý.
Xuất khẩu cá tra khởi sắc ngay từ quý đầu năm
Theo haiquanonline.com.vn, bước qua năm 2019 đầy khó khăn khi giá cá tra liên tục giảm sâu, năm 2020 được dự báo là năm tươi sáng hơn với ngành cá tra, giá sẽ nhích nhẹ ngay quý đầu năm.
Giai đoạn 2017-2018 lợi nhuận cao nên năm 2019 các hộ nuôi và doanh nghiệp tập trung tăng sản lượng cá tra. Nguồn cung cao đã gây áp lực lên giá. Suốt năm 2019, tiêu thụ cá tra khó khăn chủ yếu do xuất khẩu sang các thị trường truyền thống giảm mạnh, điển hình là thị trường Mỹ. Tuy nhiên, dự kiến trong tháng 2 tới, Mỹ sẽ công bố kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 15. Trước đó, cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam.Đó được xem là tín hiệu tốt để khôi phục xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp thì mức độ phục hồi vẫn chưa thực sự rõ nét.
Với thị trường chủ lực khác là Trung Quốc, đã khởi sắc từ cuối năm 2019. Bước sang năm 2020, đặc biệt là dịp giáp Tết, nhu cầu ở thị trường này vẫn tiếp tục tăng. Với những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường Trung Quốc và Mỹ, dự báo xuất khẩu cá tra thời gian tới có thể tăng nhưng mức độ tăng chưa nhiều. Dù dự báo xuất khẩu cá tra khả quan hơn, song áp lực cạnh tranh đặt ra cho ngành cá tra Việt ngày càng lớn bởi Trung Quốc đã bắt đầu nuôi được cá tra. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bắt đầu siết chặt hơn quản lý chất lượng và tiêu chuẩn cá tra, không còn là thị trường “dễ tính”. Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia… cũng đã nuôi được cá tra. Sản lượng của các nước này gộp lại gần bằng sản lượng cá tra Việt Nam.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, thời gian tới các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng.
Giá tôm năm 2020 liệu có cải thiện
Theo vietnambiz.vn, Tổng Cục Thủy sản cho biết, cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Theo Tổng Cục Thủy sản, diện tích nuôi cả nước trong năm 2019 ước đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750 nghìn tấn, bằng 98,3% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng tôm sú là 270.000 tấn, tôm chân trắng 480.000 tấn. Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Trong 2020, Tổng Cục Thủy sản đặt mục tiêu tôm nước lợ 730 nghìn ha, tăng nhẹ 10.000 ha so với năm 2019.
Theo VASEP, sau khi giảm liên tục trong ba tháng 8, 9, 10, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 11 đảo chiều tăng nhẹ so với cùng kì năm 2018. Tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng nhẹ 1,5% đạt gần 309 triệu USD. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm đạt 3,1 tỉ USD, giảm 5,7% so với cùng kì năm ngoái. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2019, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 69,9%, tôm sú chiếm 20,6% và còn lại là tôm biển.
VASEP nhận định xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc vào những tháng cuối năm. Xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỉ USD, giảm 4% so với năm 2018.
Tổng Cục Thủy sản cho biết giá tôm giống vẫn giữ mức ổn định ở mức từ 70-120 đồng/con. Tính đến hết 30/11, số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu là 198.414 con, không đổi so với cùng kì năm ngoái. Tôm bố mẹ được nhập chủ yếu từ Mỹ, Singapore và Thái Lan.
Xuất khẩu tôm sẽ khả quan trong năm 2020
Theo haiquanonline.com.vn, năm 2019, mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng nhưng XK tôm Việt Nam sang các thị trường chính cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2020.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2019, XK tôm của Việt Nam ước đạt 3,38 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2018. Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng nhưng XK tôm Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.
Năm 2019, XK tôm chân trắng giảm 3,2% đạt 2,36 tỷ USD, chiếm 70% giá trị tôm XK, tôm sú giảm mạnh 15% đạt 693 triệu USD, chiếm 20,5%, các sản phẩm tôm biển và tôm khác chiếm gần 10%.
Nửa đầu năm 2019, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm NK tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy XK tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018. XK giảm chủ yếu do kết quả XK nửa đầu năm kém, nửa cuối năm XK hồi phục dần dần.
EU là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,6% trong tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Năm 2019, XK tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 696,2 triệu USD, giảm 16,9% so với năm 2018.
Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm nay.
Theo EVFTA, thuế NK hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) NK vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế NK tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Với những lợi thế nêu trên, các doanh nghiệp XK tôm đang kỳ vọng năm 2020 tôm xuất sẽ bật lên thật khả quan.
Chương trình Xúc tiến thương mại VASEP tại Toronto – Canada năm 2020
Thông tin từ vietnambiz.vn, VASEP dự kiến tổ chức chương trình B2B nhằm gặp gỡ khách hàng tiềm năng, khảo sát hệ thống phân phối, siêu thị tại thị trường Canada trong năm nay.
Chương trình 1 (Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ)
Chương trình này do VASEP phối hợp với Bộ Công Thương, dự kiến tổ chức vào ngày 18 – 20/3/2020.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình B2B sẽ gặp gỡ nhà nhập khẩu Canada, thăm hệ thống phân phối Costco Canada, Loblaw (Hệ thống bán lẻ lớn nhất của Canada), hệ thống siêu thị Kim Phát (hệ thống châu Á lớn nhất Canada) cùng với một số hoạt động khác.
Chương trình kết hợp với Hội chợ thủy sản Bắc Mỹ, sẽ được thực hiện sau khi kết thúc hội chợ.
Lịch trình dự kiến cho Chương trình 1 như sau: ngày 18/3, các doanh nghiệp tham dự chương trình B2B và thăm hệ thống phân phối; ngày 19/3, tham quan thác Niagara và ngày 20/3 sẽ trở về Việt Nam.
Chương trình 2
Chương trình 2 phối hợp cùng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, dự kiến tổ chức vào tháng 5/2020 và kết hợp với Hội chợ thủy sản Bắc Mỹ, sẽ được thực hiện sau khi kết thúc hội chợ. Các doanh nghiệp sẽ tham gia chương trình B2B tại Toronto, gặp gỡ khách hàng tiềm năng, tham quan, khảo sát hệ thống phân phối, siêu thị cùng một số hoạt động liên quan khác.
Lịch trình dự kiến cho Chương trình 2 như sau: ngày 1, các doanh nghiệp tham dự chương trình B2B và thăm hệ thống phân phối; ngày 2, tham quan thác Niagara và ngày 3 sẽ trở về Việt Nam.
Chương trình XTTM năm 2020: Triển lãm thủy sản toàn cầu
Theo vietnambiz.vn, Triển lãm thủy sản toàn cầu là hội chợ triển lãm chuyên ngành thủy sản lớn nhất thế giới sẽ diễn ra ngày 21 – 23/4 tại Trung tâm triển lãm Brussels, Vương quốc Bỉ do Công ty truyền thông Diversified (Mỹ) đứng ra tổ chức.
Tham gia Triển lãm thuỷ sản toàn cầu 2019, Hiệp Hội chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã đăng kí diện tích 264 m2 và dàn dựng thành gian hàng quốc gia Việt Nam với phương châm “Việt Nam – ngôi nhà của thủy sản châu Á”.
Địa điểm Trung tâm triển lãm Brussels, Bỉ
Chương trình XTTM năm 2020: Triển lãm thủy sản Bắc Mỹ
Theo vietnambiz.vn, Triển lãm thủy sản Bắc Mỹ (Seafood Expo North America) là sự kiện có qui mô lớn, sẽ diễn ra vào ngày 15 – 17/3/2020 tại Trung tâm triển lãm quốc tế Boston (Mỹ) do Công ty truyền thông Diversified đứng ra tổ chức.
Là một trong những hội chợ thủy sản lớn nhất thế giới, Triển lãm thủy sản Bắc Mỹ năm 2019 đã tổ chức thành công với các gian hàng đến từ 1.200 nhà trưng bày đến từ 40 quốc gia trên thế giới. Địa điểm Trung tâm triển lãm quốc tế Boston (Mỹ). Thị trường mục tiêu Mỹ và các nước Bắc Mỹ

Nguồn: VITIC