Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Năm 2020: Những tín hiệu vui trên thị trường xuất khẩu tôm hùm Mỹ

Các nhà xuất khẩu thủy sản Mỹ đã tỏ ra khá lạc quan về khả năng thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Washington và Bắc Kinh sẽ cho phép họ quay trở lại Trung Quốc, một trong những thị trường tôm hùm lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, sự thay đổi này đã không thể diễn ra ngay lập tức vào dịp Tết Nguyên Đán, vốn được cho là thời điểm lượng tiêu thụ tôm hùm được đẩy lên cao nhất.

Trong những năm trở lại đây, tôm hùm đã trở thành món ăn quen thuộc đối với tầng lớp trung lưu đang phát triển ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi màu đỏ được coi là biểu trưng của sự may mắn.

Tuy nhiên, mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến một cuộc chiến thuế quan vào năm 2018, qua đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường xuất khẩu tôm hùm của Mỹ, đồng thời giúp thị phần tại Canada tăng mạnh.

Chính vì vậy, ngày 15/1, một thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã được công bố. Thỏa thuận này được thiết kế một phần nhằm cung cấp cho các nhà xuất khẩu thủy sản của Mỹ, đặc biệt là tôm hùm, mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Stephanie Nadeau, người sở hữu công ty The Lobster Co. ở Arundel thuộc tiểu bang Maine – nơi có ngành công nghiệp đánh bắt tôm hùm lớn nhất nước Mỹ, nhận định sự hồi sinh tại thị trường Trung Quốc có thể quay trở lại, nhưng điều này sẽ không diễn ra một cách nhanh chóng, hoặc diễn ra ồ ạt cùng một lúc.

Cũng theo chuyên gia này, thị trường sẽ không thể ngay lập tức trở lại nhộn nhịp như xưa, song thỏa thuận giai đoạn một có thể giúp cải thiện tình hình.

Theo các số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu tôm hùm từ Mỹ sang Trung Quốc đạt hơn 138 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 1-11/2018. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống dưới mức 47 triệu USD trong các tháng từ 1-11/2019.

Tháng Một hàng năm thường là thời điểm ghi nhận hoạt động xuất khẩu diễn ra mạnh mẽ. Khoảng 6 tháng trước khi cuộc chiến thuế quan xảy ra, vào tháng 1/2018, xuất khẩu tôm hùm từ Mỹ sang Trung Quốc đạt hơn 22 triệu USD. Con số này đã giảm xuống chỉ còn dưới 9 triệu USD vào tháng 1/2019.

Hiệp hội các đại lý tôm hùm ở Maine cho biết họ ủng hộ việc Mỹ và Trung Quốc cải thiện quan hệ thương mại, nhưng hiện vẫn chưa rõ thị trường sẽ phản ứng như thế nào, bởi một trong những câu hỏi lớn nhất được đặt ra là các nhà xuất khẩu thủy sản Mỹ sẽ có thể chiếm lại bao nhiêu phần trăm thị trường Trung Quốc, để từ đó đưa ra định hướng về vai trò của thị trường nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong những năm tiếp theo vào dịp Tết Nguyên Đán.

John Connelly, Chủ tịch Viện Thủy sản Quốc gia ở McLean, Virginia, nhận định chính quyền Tổng thống Trump sẽ đóng vai trò quyết định trong việc liệu các nhà xuất khẩu tôm hùm Mỹ có thể giành lại quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc hay không.

Nhà lãnh đạo này cho biết: “Chúng tôi mong chính quyền nhanh chóng tìm ra một giải pháp cho thỏa thuận giai đoạn hai, qua đó loại bỏ các biện pháp thuế quan, các rào cản xuất nhập khẩu, để từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng thủy sản Mỹ”./.

Theo TTXVN

Ngày Tết Canh Tý, người Cà Mau hốt bạc nhờ giá tôm càng xanh tăng cao

Những ngày tết, người dân nuôi tôm ở H.Thới Bình thu hoạch tôm càng xanh, bán giá cao…
Thới Bình được xem là “thủ phủ” tôm càng xanh của tỉnh Cà Mau.
 /// GIA BÁCH

Thới Bình được xem là “thủ phủ” tôm càng xanh của tỉnh Cà Mau.

GIA BÁCH

Hằng năm, vào thời điểm Tết Nguyên Đán, người nuôi tôm càng xanh ở H.Thới Bình, Cà Mau tất bật thu hoạch. Bên cạnh con tôm sú, tôm thẻ chân trắng, những năm gần đây, tôm càng xanh được người dân Cà Mau nuôi phổ biến.

Với điều kiện tự nhiên phù hợp, giá ổn định, ngày càng nhiều nông dân ở vùng sản xuất lúa – tôm của Cà Mau chọn nuôi con tôm càng xanh. Năm nay, giá tôm càng xanh tăng, giúp nông dân thu lãi cao. Theo kinh nghiệm của người nuôi tôm càng xanh thì thời điểm tết, thu hoạch sẽ bán được giá cao.

H.Thới Bình được xem là “thủ phủ” con tôm càng xanh của tỉnh, với hơn 16.000ha, tăng hơn 5.000ha so với 3 năm về trước. Diện tích nuôi chủ yếu tập trung ở các xã Biển Bạch Đông, xã Tân Bằng, xã Biển Bạch, xã Thới Bình…

Theo Phòng NN-PTNT H.Thới Bình, hiện nhiều diện tích tôm càng xanh của địa phương đã được thu hoạch, năng suất trung bình khoảng 200-250kg/ha mặt nước. Sau khi trừ chi phí, người nuôi tôm càng xanh thu lãi khoảng 20 triệu đồng/ha.

Ạnh Lê Vũ Phương (30 tuổi, ngụ ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng, H.Thới Bình) cho biết: “Gia đình tôi vừa thu hoạch tôm càng xanh trên đất lúa ở vụ năm nay, thu gần 300kg tôm trên khoảng 1ha đất. Cận tết hằng năm tôm càng xanh thường có giá cao, nhờ đó nông dân có thu nhập ổn để lo mua sắm tết”.

Theo một số thương lái mua tôm càng xanh ở xã Tân Bằng, H.Thới Bình, hiện, với giá bán tại ruộng từ 110.000-130.000 đồng/kg tùy loại. Năm nay giá tôm càng xanh cao hơn năm trước từ 10.000-20.000 đồng/kg. Giá tôm tăng cao là do nhu cầu tiêu thụ từ các tỉnh tăng. Ngoài ra, nhờ năng suất và chất lượng tôm càng xanh ở H.Thới Bình ổn định nên các thương lái tập trung về đây thu mua, từ đó giá tôm tăng.
Nguồn : https://thanhnien.vn/

Lại “nóng” chuyện Ethoxyquin

Trước nhiều ý kiến và thông tin từ các nhà nhập khẩu châu Âu, ngày 11/12/2019, Tổng cục Thủy sản đã ban hành Công văn 2786/TCTS-NTTS gửi Sở NN& PTNT các tỉnh/ thành phố, VASEP, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản về việc thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản.

Theo đó, Sở NN&PTNT các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương cần tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát hàm lượng Ethoxyquin theo Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT ban hành ngày 15/11/2018 và các văn bản liên quan khác. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo quy định.

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản cập nhật quy định của EU về quản lý Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi (bao gồm thức ăn thủy sản) để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về quản lý thức ăn thủy sản tại Thông tư số 26.

Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống, nuôi trồng thủy sản, chế biến và xuất khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản vào thị trường EU: Tiến hành tổ chức sản xuất, tăng cường liên kiết theo chuỗi, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thức ăn có chứa Ethoxyquin để không làm ảnh hưởng tới việc xuất khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản sang EU.

Xét thấy vấn đề này rất quan trọng cho hoạt động XK các sản phẩm nuôi của Việt Nam sang EU (đặc biệt là tôm và cá tra) trong khi thời hạn 31/3/2020 sắp đến, VASEP sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản để có những biện pháp phù hợp, kịp thời nhất.

Ngày 07/6/2017, EU đã ban hành quy định số 2017/962 về sử dụng Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi. Theo đó, sau ngày 31/3/2020, EU quy định Ethoxyquin không được phép sử dụng trong tất cả các loại thức ăn chăn nuôi (bao gồm thức ăn thủy sản).

Ethoxyquin là chất chống ôxy hóa tổng hợp thường được sử dụng như một chất bảo quản chống ôxy hóa trong thức ăn chăn nuôi, bảo quản sau thu hoạch đối với trái cây như táo, lê,… để ngăn chặn sự mất màu do quá trình oxy hóa của các sắc tố carotenoid tự nhiên. Trong thức ăn thủy sản, có chứa nhiều acid béo không no, Ethoxyquin được sử dụng như chất bảo quản chống oxy hóa. Đối với động vật nuôi, Ethoxyquin có khả năng làm tăng men gan, suy giảm chức năng gan, thận, giảm khả năng sinh sản. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng về sự ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tại thị trường EU, đối với thức ăn chăn nuôi thì cho phép sử dụng Ethoxyquin như là chất chống ôxy hóa với mức dư lượng tối đa là 150ppm; khi Ethoxyquin được xếp vào nhóm thuốc bảo vệ thực vật thì EU quy định mức dư lượng tối đa trong tất cả các sản phẩm thực vật, động vật trên cạn, lưỡng cư, bò sát là 0,05ppm và 0,1ppm đối với thủy sản. Hoa Kỳ cũng cho phép sử dụng Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi với mức dư lượng tối đa là 150 ppm.

Tại Việt Nam, để có cơ sở khuyến cáo các nhà sản xuất và người nuôi trồng thủy sản về việc sử dụng thức ăn có chứa Ethoxyquin, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo sản phẩm của quá trình nuôi đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản đã khảo sát và thử nghiệm thời gian tồn lưu Ethoxyquin trong nuôi tôm thương phẩm theo yêu cầu của Tổng cục Thủy sản.

Kết quả khảo sát cho thấy, đối với ao nuôi sử dụng các loại thức ăn có chứa hàm lượng Ethoxyquin thấp (từ 27,02-79,53 ppb) thì dư lượng Ethoxyquin trong tôm thương phẩm là không có hoặc rất thấp (dưới nồng độ phát hiện của phương pháp và thiết bị), kết quả của các lần phân tích đều không phát hiện. Đối với các loại thức ăn khác có hàm lượng Ethoxyquin cao hơn thì tùy theo hàm lượng Ethoxyquin có trong thức ăn nuôi tôm mà dư lượng Ethoxyquin có trong tôm thương phẩm vẫn còn.

Việc thử nghiệm thời gian tồn lưu Ethoxyquin trên tôm được thực hiện trên 3 thức ăn có 3 mức Ethoxyquin khác nhau là: 93,72 ppm, 128,84ppm, 151,08ppm. Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy, hệ số tích tụ Ethoxyquin trong quá trình sử dụng là không thay đổi nhiều theo thời gian. Ethoxyquin có thể thải loại hoàn toàn trong tôm thương phẩm trong khoảng thời gian 4-5 ngày tùy theo hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn kiểm nghiệm. Không có sự khác biệt rõ ràng về hệ số tích tụ Ethoxyquin và thời gian tồn lưu Ethoxyquin trong tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Để đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu tôm, dựa khảo sát và thử nghiệm thời gian tồn lưu Ethoxyquin trong nuôi tôm thương phẩm, Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản đề nghị các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản nói chung và thức ăn cho tôm nuôi nói riêng (bao gồm các loại thức ăn bổ sung, các loại dầu áo,…) phải công bố hàm lượng Ethoxyquin trên bao bì của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; không sản xuất thức ăn có hàm lượng Ethoxyquin lớn hơn 150 ppm; bổ sung Ethoxyquin trong quá trình kiểm tra chất lượng đối với thức ăn cũng như nguyên liệu sản xuất thức ăn…

N.C

Năm 2012, chính phủ Nhật Bản đã từ chối tôm nhập khẩu từ Ấn Độ và Việt Nam do một loại hóa chất tên là Ethoxyquin, một chất chống ôxy hóa tổng hợp trong thức ăn thủy sản và nhiều ứng lĩnh vực khác.
Tại Nhật Bản, đối với thức ăn cho tôm, nước này cho phép mức dư lượng tối đa là 150 ppm; đối với thủy sản, quy định mức giới hạn tối đa cho phép là 1ppm, các sản phẩm giáp xác như: tôm, cua,… là 0,01ppm).

Nguồn : http://nguoinuoitom.vn/

Muốn xây dựng thương hiệu tôm Việt phải có đủ tôm sạch

“Thương hiệu chỉ hình thành trên nền tảng có đủ tôm sạch, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận quốc tế và đây được xem là điểm cốt lõi, tạo ra sự khác biệt để xây dựng thương hiệu nhanh nhất”.

Và đó cũng là lý do các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây tích cực và chủ động đầu tư quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi tôm cho riêng mình.

Tùy theo điều kiện và năng lực của mình, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã chọn cho mình một hình thức đầu tư vùng nguyên liệu khác nhau như: Thuê đất, mua đất để nuôi; Liên kết với các tổ chức hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đầu tư, tiêu thụ tôm nuôi đạt chuẩn quốc tế, chất lượng tôm sạch, không nhiễm kháng sinh hay chất cấm.

Tuy cách làm của mỗi doanh nghiệp có khác nhau, nhưng đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đều đã xây dựng được cho riêng mình vùng nuôi tôm dễ truy xuất nguồn gốc, đạt chứng nhận quốc tế rộng hàng trăm héc – ta. Một số doanh nghiệp lớn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện nay như Stapimex, Sao Ta, Vinacleanfood, Tài Kim Anh, Khánh Sủng…

Theo các doanh nghiệp trên, chỉ có xây dựng được vùng nuôi tốt, đạt chứng nhận quốc tế mới chứng minh được với khách hàng về nguồn gốc, chất lượng, an toàn thực phẩm. Khi đó, sản phẩm mới vào được hệ thống phân phối lớn, có giá trị tốt và ổn định. Do đó, tất cả những vùng nuôi cả các doanh nghiệp như Sóc Trăng đều ứng dụng quy trình, công nghệ nuôi tôm sạch, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và thực hành nuôi theo các tiêu chuẩn quốc tế như ASC, BAP.

CẦN SỰ NĂNG ĐỘNG TỪ CÁC DOANH NGHIỆP

Công ty Cổ phần thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) cũng có vùng nuôi tôm riêng trên diện tích đất hơn 100ha, đạt chứng nhận ASC và đang tiếp tục mở rộng thêm. Không chỉ tự xây dựng vùng nuôi, Vinacleanfood còn ký kết hợp đồng liên kết chuỗi giá trị tôm đạt chứng nhận ASC hoặc tôm sạch không dư lượng chất cấm với các HTX trong tỉnh. Tương tự, các doanh nghiệp khác như Khánh Sủng, Satapimex, Út Xi cũng tự đầu tư vùng nuôi đạt chuẩn quốc tế và hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận ASC với THT, HTX trong tỉnh.

Không chỉ các doanh nghiệp Sóc Trăng, các doanh nghiệp tại những tỉnh có vùng nuôi tôm lớn như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang .. cũng đều xây dựng những vùng nuôi riêng thông qua việc thuê đất hoặc hợp đồng liên kết với các HTX, THT để đầu tư nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt tại Cà Mau, tận dụng điều kiện tự nhiên đặc thù, các doanh nghiệp đã liên kết với người dân, thực hiện các mô hình nuôi tôm sinh thái hay tôm hữu cơ theo hình thức tôm – rừng hay tôm – lúa.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc công ty Cổ phần chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau cho biết, ngay từ năm 2000,  Camimex đã đầu tư vùng nuôi đạt chứng nhận tôm sinh thái. Không chỉ được tiêu thụ với giá cao hơn 20% sản phẩm tôm sinh thái của Camimex còn giúp tạo lập nên thương hiệu riêng cho công ty trên thị trường thế giới. Hiện Camimex đang hợp tác với một doanh nghiệp của Israel triển khai nuôi tôm công nghệ RAS năng suất cao, nhưng rất thân thiện với môi trường”.

Nhắc đến con tôm sinh thái hay tôm hữu cơ không thể không nhắc đến Tập đoàn Minh Phú, một đơn vị tiên phong trong việc phát triển vùng nuôi tôm – rừng đạt các chứng nhận sinh thái, hữu cơ và đang phát triển rộng ra mô hình nuôi tôm hữu cơ với chủ yếu là tôm – lúa.

Theo ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Vinacleanfood, việc đầu tư vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đạt chứng nhận quốc tế không chỉ giúp doanh nghiệp chứng minh được nguồn gốc, chất lượng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm mà con giúp nâng cao uy tín doanh nghiệp với các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng, từ đó giúp cho việc xây dựng thương hiệu tôm của doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Ngoài ra, việc tự đầu tư nuôi tôm cũng được doanh nghiệp xác định là hướng làm kinh tế rất hiệu quả, làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp từ đó giúp tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi tôm, muốn có vùng nguyên liệu đạt chứng nhận quốc tế cần có diện tích lớn, nguồn vốn đầu tư dồi dào, trong khi nguồn nhân lực của doanh nghiệp thì có hạn. Do đó, để có đủ nguồn nguyên liệu đạt chứng nhận quốc tế, dễ truy xuất nguồn gốc nhằm phục vụ cho mục tiêu xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, tiến tới xây dựng thương hiệu tôm quốc gia, Chính phủ và các bộ, ngành nên có chính sách khuyến khích nuôi trang trại, nuôi kết hợp trong THT, HTX… Các địa phương cần có quy hoạch vùng nuôi cụ thể và nên có quỹ đất sạch xây dựng các dự án nuôi tôm kêu gọi nhà đầu tư.

Tích Chu

Tham gia thương trường thế giới trên 40 năm, đến nay, con tôm Việt đã bơi khá xa, được nhập khẩu và tiêu thụ bởi hàng trăm quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu tôm Việt đến nay chưa có sự tiến triển mạnh.

Để làm tốt công tác xây dựng thương hiệu cho con tôm – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cần có sự phối hợp cấp vĩ mô, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Chính phủ cần tạo ra những hành lang thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp quyết tâm xây dựng thương hiệu cho mình. Việc nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thành công, bóng dáng thương hiệu quốc gia tôm Việt sẽ dần rõ nét hơn.

Nguồn : http://nguoinuoitom.vn/

Đón tết ở… hồ tôm

TTH.VN – Khi dòng người đang tấp nập du xuân, khi những mâm cỗ ngày tết được bày biện trang trọng, nhang khói nghi ngút thì họ – cả chủ lẫn người làm công ban ngày đứng ngồi không yên, ban đêm căng mắt theo ánh đèn mờ tỏ.

Nhiều diện tích tôm thẻ chân trắng ở xã Phong Hải vẫn đang được nuôi xuyên tết

Ăn ngủ cùng… tôm

Phố hồ tôm – tôi thường đùa như vậy khi có dịp ghé qua những con đường ngang dọc khắp các vuông tôm thẻ chân trắng ven biển vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền). Tết – đêm ở khu vực này đèn điện sáng trưng và không vắng tiếng cười nói lao xao của những chủ hồ lẫn người làm thuê.

Gặp Hoàng (thôn 11, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) dịp đầu năm mới, tôi nhã ý mời bạn chén rượu nhưng lập tức bị khước từ ngay ngày Mùng 1 tết. Để đỡ mất lòng, bạn mời vào trại tôm uống trà, cắn hạt dưa. Đầu năm ngoái, sau nhiều năm tích cóp làm thuê, làm mướn, Hoàng liều dốc hết vốn liếng cùng ông anh đầu tư nuôi tôm. Hơn 300 triệu đồng với Hoàng là cả một số tiền khổng lồ, trong số đó gần phân nửa anh phải chạy vay khắp nơi. Vụ hè năm 2019, hồ của anh lỗ gần 100 triệu đồng, anh tiếp tục vay mượn để “chơi canh bạc” tất tay vào vụ đông. Thời điểm này, tôm của anh đã đạt đến đầu 7 (70 con/kg) và tết năm nay, Hoàng phó mặc việc nhà cho vợ con để ăn ngủ cùng tôm. “Nếu con tôm có mệnh hệ chi thì chắc vợ con ra đường mà ở”, Hoàng nửa đùa nửa thật.

Theo tính toán của người từng có nhiều năm nuôi tôm thuê cho các chủ hồ, Hoàng bảo rằng, vụ đông rơi vào dịp tết, cơ hội của người nuôi tôm thắng lợi lên đến 80%, nhưng nhìn sâu vào mắt anh, không khó để nhận ra lắm nỗi âu lo. Đôi mắt thâm quầng qua nhiều đêm không ngủ. Hoàng thú thật: “Từ ngày 20 tết đến nay, chưa có đêm mô tui chợp mắt. Những người khác nuôi tôm rủng rỉnh vốn liếng họ thuê người canh giữ và nếu có lỗ cũng có vốn tái đầu tư. Còn tui, vụ ni mà lỗ thì trắng tay. Nuôi con tôm cũng như chăm đứa trẻ, nó “thức” thì mình cũng thức. Từ khâu cho ăn, vệ sinh hồ, kiểm tra điện nước, giàn quạt, tất cả phải kỹ lưỡng. Hàng ngày, vợ thường cơm nước mang ra hồ cho tui chứ rất hiếm khi tui vào nhà”.

Cuối năm Kỷ Hợi 2019, nhiều hồ tôm thẻ chân trắng ở khắp các địa phương bội thu, song trong số đó vẫn còn nhiều diện tích nuôi đang duy trì, chỉ thu hoạch sau dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Bởi số tiền đầu tư quá lớn nên chuyện chơi tết đối với các chủ hồ dường như chỉ là ước mơ. Gần 10 năm theo đuôi con tôm trên cát, ông Nguyễn Xuân Qúy (xã Điền Hương, huyện Phong Điền) nếm trải biết bao ngọt bùi. Trong ký ức, ông đã đánh rơi “chiến thắng” vào phút chót. “Đa số người nuôi tôm dốc hết vốn liếng vào vụ đông. Cách đây 3 năm, tui từng thất bại trong vụ đông khi tưởng chừng sẽ có một mùa vụ bội thu. Năm đó, tôm đạt đạt đầu 8 (80 con/kg), ngang cỡ này đã cầm chắc lợi nhuận nhưng ngày tết nhiều cúng cấp, lỡ quá chén, trời mưa to, gió lớn khiến quạt tạo ô xy trong hồ gãy gần hết; hồ bị nứt khiến tôm thất thoát, số còn lại cũng bị sự cố (chết) dẫn đến thua lỗ. Rút kinh nghiệm từ vụ đó nên những vụ sau này, nếu tôm thu hoạch sau tết thì nhất quyết phải ở lại hồ. Không chỉ tui mà nhiều chủ hồ khác đều không dám đánh liều, phó mặc tôm cho trời đất để vui xuân đón tết”, ông Qúy chia sẻ.

Người nuôi tôm thuê vẫn ngày đêm chăm sóc tôm, không có một cái tết trọn vẹn

“Ai cũng họ… Hồ”

Phong trào nuôi tôm trên cát nở rộ đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở các vùng quê ven biển. Nhờ con tôm, nhiều lao động có của ăn, của để. Vụ đông này, anh Phan Văn Châu (thôn 10, Điền Hòa) nhận nuôi khoán tôm thuê cho một chủ hồ với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Vụ tôm vừa thu hoạch những ngày giáp tết, hồ anh Châu nuôi đạt sản lượng cao, lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng. Điều này không chỉ mang lại niềm vui cho chủ hồ mà anh Châu còn có một khoản thu nhập đáng kể để trang trải trong những ngày tết.

“Một vụ tôm vào mùa đông kéo dài khoảng 6 tháng, như rứa tui kiếm được 36 triệu đồng tiền lương. Với người nuôi tôm thuê sẽ có thêm giao ước phụ với chủ hồ, nếu hồ tôm có lãi, người nuôi sẽ nhận được khoảng 5-6% tiền thưởng từ tổng lợi nhuận thu được. Vụ đông vừa rồi, hồ nuôi lãi to nên ngoài tiền lương, tui được chủ thưởng thêm hơn 50 triệu đồng. Với số tiền đó, gia đình tui có một cái tết đủ đầy, ấm cúng”, anh Châu tâm sự.

Đời nuôi tôm thuê không phải ai cũng được may mắn như anh Châu. Đi theo những chủ hồ, dịp tết này, nhiều lao động nghèo cũng đang lo âu, vật vờ, không có một cái tết trọn vẹn bên người thân, gia đình. Anh Nguyễn Thạnh (thôn Hải Thế, xã Phong Hải, huyện Phong Điền) đùa rằng, dân nuôi hồ tôm thuê dù mang họ Nguyễn, Lê, Trần, Phan, Võ khi nhận khoán nuôi cho những người chủ thì đều đổi thành họ… Hồ. “Về vùng nuôi tôm, để dễ hỏi thăm thì anh nên hỏi họ Hồ. Ví dụ: Hồ Thạnh, Hồ Thuận, Hồ Vãng… Đời nuôi tôm thuê phần lớn thời gian ở hồ tôm nên tụi tui thường trêu đùa nhau ai nuôi tôm là đổi thành họ Hồ hết. Và đã quen gọi nhau như rứa. Ví dụ như, nếu hỏi thăm tui thì cứ hỏi Hồ Thạnh (hồ của anh Thạnh – PV) ở mô thì sẽ có người chỉ ngay”, anh Thạnh cười, vỗ đùi kêu bốp.

Tết này, anh Thạnh cùng nhiều lao động khác không có nhiều lần đoàn viên cùng gia đình bên mâm cỗ ngày tết. Bởi, hồ tôm mà anh nhận nuôi vẫn chưa thu hoạch. “Nhận khoán nuôi tôm phải làm việc có trách nhiệm, bởi chủ hồ bỏ ra số tiền rất lớn. Nếu có công việc nhà ngày tết thì chủ cũng cho về để giải quyết trong thời gian ngắn. Tết ni không chỉ tui mà nhiều người nuôi tôm thuê đón giao thừa cùng tôm. Dù vất vả nhưng mong răng sẽ có vụ tôm bội thu, chủ vui và mình cũng có thêm khoản thu nhập khá lớn”, anh Thạnh bày tỏ.

Bài, ảnh: L. Thọ

Nguồn :https://baothuathienhue.vn/

Xuất khẩu tôm của Australia chịu thiệt hại do virus Corona

VOV.VN – Dịch bệnh viêm phổi cấp tại Trung Quốc đã kéo theo nhu cầu nhập khẩu tôm từ Australia giảm mạnh.

Dịch bệnh do virus Corona đã bắt đầu tác động đến nền kinh tế Australia. Ngành thủy sản của nước này đã phải ngừng các đợt xuất khẩu tôm hùm đá tới Trung Quốc, khi lễ đón Tết Nguyên đán đã bị nước này hủy bỏ do sự bùng phát của virus Corona.

Vào mỗi dịp tết Âm lịch, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng tôm hùm của người dân Trung Quốc nhập khẩu từ Australia thường tăng cao. Tuy nhiên, dịch bệnh do virus Corona bùng phát vào dịp Tết, đã khiến các tuyến đường vận chuyển hàng hóa tới ít nhất 13 thành phố của Trung Quốc ngừng hoạt động, kéo theo nhu cầu nhập khẩu tôm từ Australia giảm mạnh.

97% san luong tom hum da cua australia duoc xuat khau sang trung quoc hinh 1
Australia là quốc gia xuất khẩu tôm hùm lớn nhất đến Trung Quốc.
Ảnh minh họa: KT

Ngoài ra, việc Trung Quốc hủy bỏ các lễ hội mừng năm mới nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan virus Corona đã khiến các đơn hàng xuất khẩu tôm hùm đá của bang Tây Australia gần như ngừng hoàn toàn.

Hiệp hội thủy sản Geraldton của bang Tây Australia cho biết, 97% sản lượng tôm hùm đá của hiệp hội này được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trong trường hợp dịch bệnh tại Trung Quốc diễn biến phức tạp và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu tôm hùm đá, bởi mặt hàng này không thể bảo quản đông đá quá lâu và hiện không có thị trường nào khác sẵn sàng mua lại những lô hàng dự kiến xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo ông David Templeman, quyền Bộ trưởng Thủy sảnTây Australia, ngành công nghiệp này rất quan trọng đối với bang Tây Australia và dịch bệnh tại Trung Quốc nếu không được ngăn chặn sớm không những sẽ tác động đến ngành thủy sản mà còn ảnh hưởng đến ngành du lịch của bang này./.

Hữu Tiến/VOV-Australia

Những tín hiệu vui trên thị trường xuất khẩu tôm hùm Mỹ

Trong những năm trở lại đây, tôm hùm đã trở thành món ăn quen thuộc đối với tầng lớp trung lưu đang phát triển ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi màu đỏ được coi là biểu trưng của sự may mắn.

Các nhà xuất khẩu thủy sản Mỹ đã tỏ ra khá lạc quan về khả năng thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Washington và Bắc Kinh sẽ cho phép họ quay trở lại Trung Quốc, một trong những thị trường tôm hùm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự thay đổi này đã không thể diễn ra ngay lập tức vào dịp Tết Nguyên Đán, vốn được cho là thời điểm lượng tiêu thụ tôm hùm được đẩy lên cao nhất.

Trong những năm trở lại đây, tôm hùm đã trở thành món ăn quen thuộc đối với tầng lớp trung lưu đang phát triển ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi màu đỏ được coi là biểu trưng của sự may mắn.

Tuy nhiên, mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến một cuộc chiến thuế quan vào năm 2018, qua đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường xuất khẩu tôm hùm của Mỹ, đồng thời giúp thị phần tại Canada tăng mạnh.

Chính vì vậy, ngày 15/1, một thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã được công bố. Thỏa thuận này được thiết kế một phần nhằm cung cấp cho các nhà xuất khẩu thủy sản của Mỹ, đặc biệt là tôm hùm, mở ra cánh cửa tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Stephanie Nadeau, người sở hữu công ty The Lobster Co. ở Arundel thuộc tiểu bang Maine – nơi có ngành công nghiệp đánh bắt tôm hùm lớn nhất nước Mỹ, nhận định sự hồi sinh tại thị trường Trung Quốc có thể quay trở lại, nhưng điều này sẽ không diễn ra một cách nhanh chóng, hoặc diễn ra ồ ạt cùng một lúc. Cũng theo chuyên gia này, thị trường sẽ không thể ngay lập tức trở lại nhộn nhịp như xưa, song thỏa thuận giai đoạn một có thể giúp cải thiện tình hình.

Theo các số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu tôm hùm từ Mỹ sang Trung Quốc đạt hơn 138 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 1-11/2018. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống dưới mức 47 triệu USD trong các tháng từ 1-11/2019.

Tháng Một hàng năm thường là thời điểm ghi nhận hoạt động xuất khẩu diễn ra mạnh mẽ. Khoảng 6 tháng trước khi cuộc chiến thuế quan xảy ra, vào tháng 1/2018, xuất khẩu tôm hùm từ Mỹ sang Trung Quốc đạt hơn 22 triệu USD. Con số này đã giảm xuống chỉ còn dưới 9 triệu USD vào tháng 1/2019.

Hiệp hội các đại lý tôm hùm ở Maine cho biết họ ủng hộ việc Mỹ và Trung Quốc cải thiện quan hệ thương mại, nhưng hiện vẫn chưa rõ thị trường sẽ phản ứng như thế nào, bởi một trong những câu hỏi lớn nhất được đặt ra là các nhà xuất khẩu thủy sản Mỹ sẽ có thể chiếm lại bao nhiêu phần trăm thị trường Trung Quốc, để từ đó đưa ra định hướng về vai trò của thị trường nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong những năm tiếp theo vào dịp Tết Nguyên Đán.

John Connelly, Chủ tịch Viện Thủy sản Quốc gia ở McLean – Virginia, nhận định chính quyền Tổng thống Trump sẽ đóng vai trò quyết định trong việc liệu các nhà xuất khẩu tôm hùm Mỹ có thể giành lại quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc hay không.

Nhà lãnh đạo này cho biết: “Chúng tôi mong chính quyền nhanh chóng tìm ra một giải pháp cho thỏa thuận giai đoạn hai, qua đó loại bỏ các biện pháp thuế quan, các rào cản xuất nhập khẩu, để từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng thủy sản Mỹ”./.

Phương Nga (Theo AP)

Nguồn : https://bnews.vn