Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Cảnh giác với dịch bệnh trên tôm nuôi trước tiết trời “đỏng đảnh”

Thời tiết hanh khô xen kẽ các đợt không khí lạnh với nhiệt độ môi trường nước xuống thấp là cơ hội phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi. Bởi vậy, người nuôi tôm cần đảm bảo quy trình kỹ thuật chăm sóc phù hợp để tôm sinh trưởng, phát triển tốt.

Nền nhiệt độ xuống thấp là điều kiện để cho vi khuẩn, vi-rút gây bệnh phát triển.

Thời tiết hanh khô xen kẽ các đợt không khí lạnh với nhiệt độ môi trường nước xuống thấp là cơ hội phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi. Bởi vậy, người nuôi tôm cần đảm bảo quy trình kỹ thuật chăm sóc phù hợp để tôm sinh trưởng, phát triển tốt.

Thận trọng cho tôm nuôi vụ đông 2019, anh Thân Văn Thành ở thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chờ thời tiết nắng ấm mới tiến hành xuống giống để phòng ngừa dịch bệnh.

Anh Thành chia sẻ: Vụ thu đông trước, một số ao nuôi tôm của anh bị “dính” bệnh gan tụy cấp tính do thời tiết thay đổi đột ngột ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm. Rút kinh nghiệm, năm nay, anh theo dõi sát sao thời tiết phù hợp mới xuống giống. Cách đây gần một tháng, với diện tích 8ha nhưng anh chỉ thả 2 ao nuôi (0,5 ha) với hơn 1,2 triệu con tôm giống.


Tôm nuôi của anh Nguyễn Việt Khách ở xã Đan Trường (Nghi Xuân) bị thiệt hại do rét.

Theo anh Thành, hai tuần gần đây, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ xuống thấp là điều kiện tốt để cho vi khuẩn, vi-rút (nhất là vi-rút đốm trắng) gây bệnh phát triển. Nhiệt độ thấp cùng với trời ít nắng sẽ làm tảo chậm phát triển, quá trình quang hợp của tảo xảy ra cường độ thấp có khả năng gây thiếu oxy về đêm. Bình thường, tôm nuôi sinh trưởng phát triển tốt ở nhiệt độ phù hợp từ 28 – 32oC. Vì vậy, anh không dám mạo hiểm đầu tư thả thêm con giống.

Với nền nhiệt độ rét đậm gần đây, không ít người nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh lo lắng bởi khả năng bắt mồi, tiêu hoá thức ăn, sức đề kháng, hoạt động của hệ thống thần kinh giảm, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.

Chủ đầm tôm Nguyễn Việt Khánh ở xã Đan Trường (Nghi Xuân) có diện tích 2 ha với 6 ao nuôi. Vụ đông này, anh thả hơn 3 triệu con tôm giống.

Anh Khánh cho biết: Tôi thả nuôi cách đây 4 tháng, hiện tôm nuôi đã có kích cỡ 80 con/kg. Tuy nhiên, các đây hơn tuần, do trời rét, nhiệt độ giảm sâu khiến tôm bị chết, thiệt hại hơn 2 tạ.

“Để hạn chế thiệt hại, phòng ngừa dịch bệnh, tôi nâng mực nước trong ao lên trên 1,4m, nhằm giữ nhiệt độ ít dao động giữa ngày và đêm. Mặt khác, tăng cường thời gian vận hành quạt nước, nhất là thời điểm trời ít nắng, ban đêm, nhiệt độ xuống thấp, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường, hạn chế khí độc…” – anh Khánh cho biết thêm.


Người nuôi tôm cần tăng cường thời gian vận hành quạt nước, nhất là thời điểm trời ít nắng, ban đêm, nhiệt độ xuống thấp…

Theo ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, nuôi tôm vụ đông thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế rất cao. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 300 ha nuôi tôm vụ đông, chủ yếu nuôi công nghiệp, công nghệ cao trên cát.

Tuy nhiên, trước thời tiết khắc nghiệt, nuôi tôm vụ đông ở Hà Tĩnh đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là các loại dịch bệnh phát sinh như: đốm trắng, gan tụy cấp tính và bệnh còi (EHP). Do đó, các chủ đầm tôm cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi; chủ động quan trắc cảnh báo môi trường nước và chăm sóc tôm đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của Chi cục Thủy sản tỉnh.

Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bị dịch bệnh phải báo cho chính quyền địa phương, ngành chuyên môn để có biện pháp xử lý. Đặc biệt, không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường… ảnh hưởng đến các vùng nuôi tôm khác.

Nguồn: Theo Báo Hà Tĩnh

Ảnh hưởng của cường độ ánh sáng đến tôm thẻ chân trắng nuôi biofloc

Tôm thẻ chân trắng
Tôm thẻ chân trắng.

Cường độ ánh sáng ảnh hưởng đến kích cỡ và tốc độ sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng nuôi theo công nghệ biofloc

Tôm thẻ chân trắng là một trong những đối tượng được nuôi phổ biến trên thế giới, sản lượng không ngừng tăng qua các năm. Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm biển với mức độ ngày càng thâm canh hóa làm môi trường nước ô nhiễm và việc ứng dụng công nghệ biofloc có thể được xem là một giải pháp thay thế tích cực và có thể áp dụng rộng rãi, thay cho công nghệ nuôi tôm truyền thống để giải quyết lượng nitơ thải ra từ thức ăn gây nên sự biến đổi bất lợi cho môi trường ao.

Khi ương giống tôm thẻ ở cường độ ánh sáng khác nhau thì sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành biofloc và sự phát triển của tôm. Bên cạnh đó, ánh sáng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thủy sinh vật và đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm (Vũ Trung Tạng, 2011) cường độ ánh sáng có ảnh hưởng đến sự lột xác và tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng. Chính vì thế, nghiên cứu “Ảnh hưởng của cường độ ánh sáng khác nhau lên sinh trưởng và chất lượng của tôm thẻ chân trắng nuôi theo công nghệ biofloc” được thực hiện nhằm xác định cường độ ánh sáng thích hợp cho sự phát triển của tôm thẻ chân trắng nuôi theo công nghệ biofloc.

Bố trí thí nghiệm

Tôm được nuôi theo công nghệ biofloc (C:N=15:1), thể tích nước trong bể 300L với độ mặn 15‰ và mật độ 150 con/m3, khối lượng trung bình của tôm bố trí là 0,54 g và chiều dài là 3,69 cm. Thời gian thực hiện thí nghiệm là 90 ngày.

Thí nghiệm gồm 5 nghiệm thức: (i) Ánh sáng tự nhiên; (ii) che tối hoàn toàn; (iii) sử dụng 1 bóng đèn compact 30w; (iv) đèn compact 55w và (v) đèn compact 110w.

Ở nghiệm thức ánh sáng tự nhiên được bố trí ngoài trời, các nghiệm thức còn lại được bố trí trong nhà và nghiệm thức (ii) được che tối bằng bạt đen trong suốt quá trình nuôi.

Thời gian chiếu sáng ở các nghiệm thức sử dụng đèn là 12 giờ/ngày (6 đến 18 giờ hàng ngày), các bóng đèn được đặt ở giữa bể và nằm trọn trong bể để không ảnh hưởng đến cường ánh sáng của các bể khác.

Bột gạo được sử dụng làm nguồn carbohydrate bổ sung vào bể nuôi để tạo biofloc. Lượng bột gạo cần bón ở từng bể được xác định dựa trên tổng lượng thức ăn cho cá ăn trong 4 ngày và được bón 4 ngày/lần (Avnimelech, 1999). Trước khi bón, bột gạo khuấy đều với nước 40oC theo tỷ lệ 1 bột gạo: 3 nước và được ủ kín trong 48 giờ.

Kết quả

Khi che tối hoàn toàn thì hạt biofloc có kích cỡ nhỏ, hàm lượng chlorophyll-a và mật độ vi khuẩn tổng thấp hơn có ý nghĩa so với các nghiệm thức có ánh sáng.

– Khi sử dụng đèn 55w với cường độ ánh sáng 6.266 – 6.312 lux để nuôi tôm thẻ chân trắng thì tốc độ tăng trưởng (4,03 %/ngày), tỉ lệ sống (58,9%), sinh khối của tôm nuôi đạt kết quả cao nhất (1,8 kg/m3 ) và ngược lại ở nghiệm thức che tối hoàn toàn thì tôm có tỉ lệ sống, tăng trưởng thấp nhất.

– Thành phần sinh hóa của tôm nuôi sử dụng ánh sáng đèn và ánh sáng tự nhiên khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Nghiệm thức che tối hoàn toàn có điểm số thấp nhất về chỉ tiêu màu sắc, mùi vị của tôm nuôi.

Kết quả nghiên cứu này thể hiện, ánh sáng đã ảnh hưởng đến sự hình thành hạt biofloc, chiều dài và chiều rộng hạt biofloc tăng dần về cuối thời gian nuôi, sau thời gian mật độ vi khuẩn, nguyên sinh động thực vật phát triển tốt thì các hạt biofloc kết thành những hạt lớn hơn.

Như vậy, thay thế ánh sáng tự nhiên bằng đèn 55w cho thấy sự tăng trưởng của tôm về khối lượng, chiều dài cũng như tỷ lệ sống tương đương nhau và có thể áp dụng với các hệ thống nuôi tôm biofloc trong nhà.

Theo Lê Quốc Việt và cộng sự. 

NH Tổng Hợp
Nguồn : tepbac.com

Một năm bứt phá của ngành tôm Bạc Liêu

Năm 2019 tình hình nuôi tôm siêu thâm canh, công nghệ cao tại Bạc Liêu đạt kết quả rất khả quan, về diện tích nuôi đạt 1.001ha, sản lượng đạt 19.082 tấn.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu.

Cũng như một số tỉnh ven biển ĐBSCL, thì tỉnh Bạc Liêu có lợi thế là vùng đất đan xen nước mặn và nước lợ, với tổng diện tích nuôi tôm hơn 136 ngàn ha, trong đó 22 ngàn ha nuôi theo mô hình thâm canh, bán thâm canh và hơn 1 ngàn ha nuôi theo mô hình siêu thâm canh trong nhà kín ứng dụng công nghệ cao, cho năng suất từ 120 đến 150 tấn/ha mỗi năm.

Cùng với đó, tỉnh còn là trung tâm sản xuất tôm giống lớn trong khu vực ĐBSCL và cả nước, với gần 200 cơ sở sản xuất, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 20 tỷ con giống, chiếm đến 40% sản lượng tôm giống của vùng ĐBSCL và 15% của cả nước.

Với lợi thế trên, tỉnh Bạc Liêu đã xác định con tôm là lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, theo đó tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng và phát triển chuỗi hệ thống toàn phần, từ sản xuất con giống, vật tư ngành tôm, phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao và chế biến xuất khẩu.

Năm 2019, ngành thủy sản Bạc Liêu đã có những bước phát triển vượt bật, sản lượng vượt 5.000 tấn tôm so với kế hoạch. Ngành nông nghiệp đã tập trung triển khai tích cực, quyết liệt và hiệu quả, trong đó chú trọng phát triển ngành nuôi tôm, trọng tâm là khu nông nghiệp công nghệ cao, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: Bước đầu, tỉnh đã ổn định quy hoạch vùng nuôi. Đối với các mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả được nhân rộng và đang lan tỏa từ doanh nghiệp đến nông dân. Toàn tỉnh có 12 công ty nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với 1.248ha và 324 hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn với 1.073ha.

Năm 2019, tuy còn gặp môt số khó khăn, như vốn đầu tư ban đầu lớn, giá các yếu tố đầu vào biến động theo chiều hướng tang, bệnh dịch trên tôm diễn biến khá phức tạp trong khi giá sản phẩm không ổn định. Song tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác tôm đạt 365.000 tấn, trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, công nghệ cao là 400ha, sản lượng 10.000 tấn.

Có thể nói, qua hơn 2 năm triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nhìn chung tỉ lệ thành công cao (chiếm khoảng 68,83% số hộ nuôi) và ổn định, tỷ lệ tôm thiệt hại thấp (khoảng 31,17% số hộ thả nuôi). Đây là tiền đề tạo thắng lợi cho vụ tôm năm 2020, sớm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm của cả nước thời gian tới.

TRỌNG LINH
nguồn :https://nongnghiep.vn/

Xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2020 sẽ tích cực

Năm 2019 không khả quan như kỳ vọng nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Năm 2019, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018. Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.

Năm 2019, xuất khẩu tôm chân trắng giảm 3,4% đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 70,1% giá trị tôm xuất khẩu, tôm sú giảm mạnh 15,9% đạt trên 687 triệu USD, chiếm 20,4%, các sản phẩm tôm biển và tôm khác đạt 317,6 triệu USD, chiếm gần 9,4%.

Xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2020 sẽ tích cực. 
Xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2020 sẽ tích cực.

Nửa đầu năm 2019, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy xuất khẩu tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018.

Trong khi đó, Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc tại biên giới và những diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. xuất khẩu tôm giảm chủ yếu do kết quả xuất khẩu nửa đầu năm kém. Nửa cuối năm, xuất khẩu tôm hồi phục dần nhờ giá tôm nguyên liệu và xuất khẩu tăng.

EU

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 689,8 triệu USD, giảm 17,7% so với năm 2018.

xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU năm 2019 sụt giảm so với năm 2018 tuy nhiên Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020.

Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Mỹ

Mỹ đứng thứ 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,4%. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 653,9 triệu USD, tăng 2,5% so với năm 2018.

Từ đầu năm 2019, mặc dù tăng trưởng không cao nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ duy trì được giá trị xuất khẩu ổn định so với năm 2018. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn nhờ Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến Mỹ tăng thuế 25% đối với 250 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có sản phẩm tôm. xuất khẩu tôm của Trung Quốc sang Mỹ càng thêm khó khăn, tạo cơ hội cho các nguồn cung đối thủ của Trung Quốc trên thị trường Mỹ trong đó có Việt Nam.

Mặt hàng tôm bao bột từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc trên thị trường Mỹ. 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm bao bột từ Việt Nam sang Mỹ đạt 9.045 tấn, trị giá 64,9 triệu USD, tăng 52% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. xuất khẩu tôm bao bột từ Trung Quốc sang Mỹ đạt 16.113 tấn, trị giá 85,3 triệu USD, giảm 31% về khối lượng và giảm 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Nhật Bản

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản năm 2019 đạt trên 618,6 triệu USD, giảm 3,3% so với năm 2018. Trong cơ cấu tôm xuất khẩu sang Nhật Bản, tôm chân trắng chiếm 58%, tôm sú 23,4% và tôm biển 18,7%.

Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản, đặc biệt là tôm nên nhu cầu tiêu thụ tôm dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm trên thế giới.

Xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến sẽ thuận lợi hơn so với năm 2019. Thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ đã về 0%. Hiệp định EVFTA khả năng có hiệu lực từ tháng 6/2020, sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu nhờ lợi thế về thuế suất. Đối với thị trường Trung Quốc, hiện từ 75 – 80% hàng thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch là yếu tố quan trọng giúp cho việc hồi phục và tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường này trong thời gian tới.

Hướng đi mới từ nuôi tôm bằng ao tròn

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường vùng nuôi thường bị ô nhiễm, mô hình ao tròn bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra cơ hội mới cho nghề nuôi tôm trên cát ven biển Ngũ Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Người dân chăm sóc tôm nuôi trong ao tròn

Được tham quan, học tập mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn từ các tỉnh phía Nam, anh Đặng Phước Hoàng ở xã Điền Lộc (Phong Điền) đã ứng dụng vào nuôi ở vùng cát Ngũ Điền từ vụ nuôi cuối năm nay. Thay vì lót bạt, đưa nước vào nuôi bằng ao vuông diện tích lớn như trước đây, anh Hoàng đã thiết kế ao tròn diện tích nhỏ được đặt trong ao nuôi cũ, không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn tuy mới trên địa bàn tỉnh, nhưng đã áp dụng thành công tại các tỉnh phía Nam từ nhiều năm nay. Mô hình không đòi hỏi diện tích lớn hàng ngàn mét vuông như quy trình nuôi ao vuông. Mỗi ao tròn chỉ 500m2 được làm bằng khung sắt, lót bạt, đặt trên bề mặt đất cát, chi phí vật liệu xây dựng chỉ bằng 1/3 so với ao vuông.

Diện tích ao nuôi nhỏ nên dễ quản lý, xử lý chất thải trong quá trình nuôi, đưa nước vào ao cũng như thải ra môi trường bên ngoài. Quá trình nuôi, các loại chất thải rắn, xác tôm chết… trong ao được dễ dàng lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên và xử lý đúng quy trình kỹ thuật.

Với mô hình ao tròn không đòi hỏi nhiều nhân công chăm sóc, hạn chế quá trình sục khí… nên giảm chi phí đầu tư. Việc dễ quản lý môi trường, dịch bệnh, chăm sóc tôm còn hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình nuôi so với ao vuông. Trong điều kiện dễ kiểm soát, quản lý, mô hình nuôi tôm bằng ao tròn với diện tích nhỏ có thể nuôi được 3 vụ/năm, trong đó có cả vụ hè.

Diện tích nuôi tôm trên cát trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 500 ha, tập trung lớn nhất ở vùng Ngũ Điền khoảng 300 ha, còn lại tại các xã Phú Thuận (Phú Vang), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Lộc Bình (Phú Lộc)… tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố thời tiết khắc nghiệt nên mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao vuông chưa thật sự phát huy hiệu quả.

Tính từ thời điểm thả giống đến nay gần 3 tháng, cho thấy tôm nuôi ao tròn sinh trưởng tốt hơn so với nuôi trong ao vuông, có thể thu hoạch chỉ sau ba tháng rưỡi. Đánh giá bước đầu cho thấy, sản lượng ước đạt chừng 2-2,5 tấn, tương đương hoặc cao hơn nuôi ao vuông 0,5 tấn. Trong khi đó, mô hình nuôi bằng ao tròn chỉ mất chừng 3-3,5 tháng cho thu hoạch thì nuôi ao vuông lâu nay phải cần đến từ bốn tháng trở lên mới cho thu hoạch.

Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền đánh giá, ngoài giảm chi phí đầu tư, mô hình nuôi tôm trên cát bằng ao tròn còn dễ dàng trong quá trình quản lý, chăm sóc, hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Đối với các địa phương hiện nay chưa có hệ thống cấp nước mặn tập trung thì việc áp dụng mô hình mới này tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình cấp nước cũng như thoát nước, xử lý môi trường.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh chia sẻ, chi cục luôn đồng hành, hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi mô hình ao vuông diện tích lớn sang ứng dụng mô hình nuôi tôm bằng ao tròn. Đây được xem là mô hình nuôi tôm bằng công nghệ mới với nhiều ưu điểm vượt trội, an toàn, bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế. Chi cục phối hợp với các địa phương sẽ tổ chức cho người dân tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm để triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình mới này ở vùng Ngũ Điền nói riêng và vùng cát ven biển toàn tỉnh nói chung.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Úc tăng mạnh trong năm 2019

Xuất khẩu tôm sang Úc tăng mạnh trong năm 2019, với tốc độ tăng trưởng lên tới 2 con số, theo Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Xuất khẩu tôm sang Úc đạt gần 121 triệu USD tính đến ngày 15/12/2019, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2018 – tốc độ tăng trưởng cao nhất trong top 10 thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam. Úc là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 7 của Việt Nam, chiếm 3,8% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm.

Xuất khẩu tôm sang Úc phục hồi mạnh từ tháng 4/2019, sau khi suy giảm xuất khẩu trong năm 2018. Đặc biệt, xuất khẩu tôm sang Úc trong tháng 7 chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất 56%, với tốc độ tăng tháng 11 là 45%. Trong nhiều năm, Việt Nam là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất sang Úc, chiếm thị phần 42% tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của Úc, theo sau là Trung Quốc 23% và Thái Lan 22%. Cả Úc và Việt Nam là thành viên của thỏa thuận Đối tác Thương mại Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ đầu năm 2019. Theo đó, xuất khẩu tôm sang Úc sẽ hưởng thuế 0%.

Theo VASEP, Úc nằm trong nhóm các nước có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh và an toàn thực phẩm. VASEP kêu gọi các doanh nghiệp thiết lập các chuỗi sản xuất để tăng chất lượng tôm với nguồn gốc rõ ràng để mở rộng xuất khẩu sang Úc. Xuất khẩu tôm sang Úc đạt 114,7 triệu USD trong năm 2018, giảm 4,4% so với năm 2017. Tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2019 đạt 3,39 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2018.

Theo VNA

Nguồn: GappingWorld