Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Tôm hùm Australia bị ùn ứ vì dịch virus Corona

Hàng trăm tấn tôm hùm Australia đang bị tồn ứ do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (nCoV) đang hoành hành.

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, nhu cầu ở ngoài nước giảm mạnh do dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) đã dẫn đến việc người tiêu dùng Australia có thể mua được tôm hùm đá với giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu cảnh báo về tổn thất kinh tế đáng kể trong dài hạn do dịch bệnh này.

Theo truyền thông địa phương, cuối tháng qua, Hợp tác xã nghề cá Geraldton (GFC) ở bang Tây Australia đã ngừng thu mua tôm hùm vì dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra đã làm giảm nhu cầu tôm hùm từ thị trường Trung Quốc.

Là nhà xuất khẩu tôm hùm lớn nhất của Australia, GFC có các bể nước mặn có tổng sức chứa 220 tấn, có thể lưu trữ tôm hùm từ 4-6 tuần.

Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp trị giá 500 triệu AUD (khoảng 335 triệu USD) của Tây Australia, chiếm khoảng 98% sản lượng khai thác 6.615 tấn.

Tôm hùm là loại thực phẩm được tiêu thụ nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán và GFC thường thu mua từ 40-50 tấn tôm hùm mỗi ngày trong thời gian này, song khi thị trường này đóng cửa, Giám đốc điều hành GFC Matt Rutter cho biết vẫn còn một số lượng nhỏ tôm hùm trong các bể chứa và hợp tác xã này đã buộc phải bán giảm giá cho các thị trường khác, bao gồm cả ở trong nước.

Một con tôm hùm đá Tây Australia loại A hiện có giá 33 AUD. Trước khi dịch bệnh do nCoV bùng phát, loại tôm hùm này được bán với giá 48 AUD/con.

Cũng theo ông Rutter, hiện GFC không còn nhiều tôm hùm trong các bể chứa, nhưng trên khắp đất nước Australia có vài trăm tấn tôm hùm đã được khai thác mà không thể vận chuyển tới Trung Quốc.

Tuy giá tôm hùm hiện chưa phải là thấp nhất từ trước đến nay, nhưng lại thấp hơn nhiều so với giá thị trường toàn cầu.

Trong bối cảnh chưa thể biết rõ khi nào thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại, ông Rutter cảnh báo ngành nuôi tôm hùm đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên thế giới.
Không chỉ các ngư dân bị ảnh hưởng, mà tất cả những người sống dựa vào ngành này đều bị tác động. Trong khi chờ đợi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, ông Rutter cho biết GFC sẽ tiếp tục bán tôm hùm ra các thị trường khác, bao gồm trong nước, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), khu vực Đông Nam Á và Mỹ./.

Nguyễn Minh (P/v TTXVN tại Sydney)

Đầu năm, nông dân mong ước tôm, lúa được mùa – trúng giá

Sau những ngày tạm gác lại chuyện đồng áng để vui xuân, hiện nay nông dân các địa phương trong tỉnh tiếp tục bắt tay vào chăm sóc vụ lúa đông xuân. Không khí ra đồng ngày đầu năm nhộn nhịp, phấn khởi, bà con hy vọng có một vụ mùa bội thu.

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch lúa.

Sáng mùng 6 Tết Canh Tý 2020, gia đình anh Võ Văn Ái (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) đã ra đồng chăm sóc vụ lúa đông xuân. Do đã được ngành chức năng cảnh báo vụ lúa năm nay có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn nên anh Ái thường xuyên thăm đồng. Anh chia sẻ: “Trong tết, tôi đã rải phân một lần rồi nhưng thấy cây lúa vẫn còn vàng nên tiếp tục rải thêm phân. Tôi mong năm nay được vụ mùa bội thu, nông sản được giá để bà con tăng thu nhập, nâng cao đời sống”.

Những ngày này, cán bộ nông nghiệp các địa phương cũng đã hướng dẫn nông dân cách phòng trừ sâu bệnh, biện pháp canh tác cây lúa đạt năng suất cao, nhất là việc điều tiết nước hợp lý trong điều kiện khô hạn kéo dài, tạo sự yên tâm cho bà con sản xuất lúa vụ đông xuân.

Cũng vào thời điểm qua tết, người nuôi tôm các huyện vùng Nam Quốc lộ 1A của tỉnh bắt đầu xử lý ao vuông, chuẩn bị thả giống theo lịch thời vụ. Ông Nguyễn Văn Bình (huyện Hòa Bình) cho biết: “Năm 2020, người nuôi tôm mong giá cả ổn định, ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, đồng thời quan tâm giúp nông dân giải quyết đầu ra cho sản phẩm”.

Người dân huyện Hòa Bình bán tôm cho thương lái. Ảnh: C.L

Năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh gặp nhiều bất lợi, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của nông dân. Điển hình là bệnh dịch tả heo châu Phi, dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều diễn biến phức tạp; tình trạng lạm dụng các chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt vẫn còn diễn ra thường xuyên… Do đó, để năm 2020 sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai hiệu quả chương trình đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành để từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh. Khuyến cáo người dân chuyển đổi tập quán sản xuất hiện nay theo hướng canh tác an toàn, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và bảo đảm nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT: “Mùa khô năm nay (năm 2020), các nhà khoa học nhận định là tình hình hạn mặn sẽ diễn biến phức tạp. Vì vậy Sở NN&PTNT đã chủ động kiểm soát nguồn nước thông qua việc vận hành các cống để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Đồng thời khuyến khích bà con chọn lựa các mô hình sản xuất tiết kiệm nước để có một vụ mùa thành công”.

Chí Linh

Nguồn : http://www.baobaclieu.vn/

Tuy An (Phú Yên): Chú trọng phòng, chống dịch bệnh đối với thủy sản nuôi

UBND huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) vừa triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đối với thủy sản nuôi năm 2020.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh đối với thủy sản nuôi năm 2020, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản, Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, ngành trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi đến với từng vùng, từng hộ nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, địa phương cũng tuyên truyền, vận động hộ nuôi nâng cao ý thức, trách nhiệm trong ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh và tự giác, tích cực hợp tác cùng cơ quan chuyên môn phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi.

Huyện cũng chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không để con giống và thủy sản nuôi chưa được kiểm dịch, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm lưu thông, mua bán, tiêu thụ trên địa bàn; tiến hành điều tra, xử lý khi dịch bệnh xuất hiện và triển khai khống chế dịch bệnh đảm bảo kịp thời nhanh gọn, triệt để, tránh để các loại dịch bệnh nguy hiểm thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch phát tán, lây lan.

Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng nâng cao kiến thức và hướng dẫn hộ nuôi các giải pháp phòng, trị bệnh; đồng thời vận động hộ nuôi, cơ sở sản xuất giống nuôi trồng thủy sản ký cam kết xây dựng vùng nuôi và cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản an toàn.

KHẮC NHO

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Thuận thiên để phát triển bền vững

Năm 2019, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp nhưng sản xuất nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn “cán đích” với những con số ấn tượng; nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với mũi nhọn là nuôi tôm.

Miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long
Miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long

Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước (chiếm gần 40% diện tích). Nhưng đồng thời, đây cũng là một trong 5 tỉnh của nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu(BĐKH) và là một trong 3 tỉnh dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.

Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết, để ứng phó với BĐKH, những năm gần đây, tỉnh đã áp dụng mô hình nuôi tôm sinh thái. Theo đó, tôm được nuôi dưới tán rừng ngập mặn; bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng hướng dẫn nông dân sản xuất luân canh một vụ lúa, một vụ tôm. Ngoài ra, Cà Mau còn có hơn 50.000ha nuôi tôm kết hợp các đối tượng nuôi khác như tôm – cua, tôm – cá, tôm – sò huyết…

Theo ông Triều, năng suất tôm nuôi dưới tán rừng đạt chứng nhận tôm sinh thái trung bình 300 – 350 kg/ha/năm, giá bán cao hơn 15 – 20% so các loại tôm nuôi khác. Còn năng suất tôm nuôi trên đất có trồng lúa trung bình 350 – 400 kg/ha/năm, cao hơn khoảng 15 – 20% so mô hình nuôi tôm quảng canh không có trồng lúa.

Với định hướng “thuận thiên”, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong đó mũi nhọn là nuôi tôm đã góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cà Mau. Đặc biệt, với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm mang về trên 1 tỷ USD, nghề nuôi và chế biến thuỷ sản ở Cà Mau còn là nguồn sinh kế cho trên 305 nghìn hộ dân và tạo ra nhiều việc làm ổn định trong các nhà máy chế biến thuỷ sản, các ngành thương mại dịch vụ liên quan…

Cũng như Cà Mau, ở Bạc Liêu-địa phương có diện tích nuôi tôm chỉ sau Cà Mau, trước đây, tình trạng hạn hán, triều cường dâng cao, xâm nhập mặn đã diễn ra liên tục, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Để ứng phó, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng những mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, thích ứng với BĐKH, bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Không chỉ riêng Cà Mau, Bạc Liêu mà ở các địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, những mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng “thuận thiên” đang phát triển tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp thì ngành Nông nghiệp các tỉnh trong khu vực cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả hơn.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau-ông Lê Thanh Triều cho rằng, sản xuất có tốt đến mấy đi nữa cũng phải gắn liền với bao tiêu, với đầu ra. Trong đó, với xu thế chuộng nông sản sạch và an toàn của các nước phát triển trên thế giới ngày càng được chú trọng.

Ông Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (áo xanh) và ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thăm mô hình nuôi tôm của HTX Công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu
Ông Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (áo xanh) và ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thăm mô hình nuôi tôm của HTX Công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu

“Từ đó, doanh nghiệp lựa chọn vùng nguyên liệu sạch phục vụ xuất khẩu, thì mô hình “tôm – lúa” luôn là lợi thế. Sản phẩm làm ra sẽ đạt chuẩn từ con tôm đến hạt lúa, mà nhất là thích nghi được với khí hậu cực đoan như hiện nay” ông Triều phân tích.

“Thuận thiên” để phát triển là xu hướng tất yếu, nhưng cùng với đó thì phải tăng cường áp dụng công nghệ vào nuôi tôm cũng là vấn đề cần được ngành Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt quan tâm. Như Bạc Liêu, đứng sau Cà Mau về diện tích nuôi tôm nhưng lại là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất tôm công nghệ cao, với diện tích sản xuất hơn 1.380ha.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả rất cao. Còn các mô hình nuôi tôm sinh thái thì tiếp tục sản xuất tôm đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới. Đây cũng là nơi lan tỏa những công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại nhất cho ngành tôm cả nước và hiện thực hóa mục tiêu 10 tỷ USD về giá trị xuất khẩu mà Thủ tướng đặt ra cho ngành tôm đến năm 2025”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định.

Nguồn : http://baodantoc.vn/

Xuất khẩu tôm hùm gặp khó

Nuôi tôm hùm
Hiện nay, người nuôi vẫn còn một lượng tôm hùm đến kỳ xuất bán nhưng chưa tiêu thụ được.

Ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona đang khiến cho việc xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ. Việc tiêu thụ tôm nuôi của người dân trong tỉnh cũng gặp khó.

Khó tiêu thụ

Những ngày này, ông Nguyễn Thanh Hải – người nuôi tôm hùm xanh ở phường Cam Linh (TP. Cam Ranh) vẫn liên tục ra bè nuôi để chăm sóc đàn tôm đã tới kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được. Ông cho biết: “Mọi năm, sau Tết Nguyên đán, thương lái tìm về các vùng nuôi tôm hùm ở Cam Ranh để mua tôm xuất khẩu nhưng năm nay, việc tiêu thụ rất chậm. Gia đình tôi còn khoảng 1.500 con tôm hùm, kích cỡ 0,5 – 0,6kg/con vẫn chưa tìm được thương lái thu mua. Các hộ nuôi khác đều lâm vào cảnh tương tự”.


Một góc vùng nuôi tôm hùm ở khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) vắng người thu mua.

Theo bà Nguyễn Thị Châu Pha – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh, trên địa bàn phường có hơn 8.000 lồng nuôi tôm hùm, hầu hết là tôm hùm xanh. Những năm trước, vào thời điểm sau Tết, hoạt động mua bán tôm hùm diễn ra rất sôi động. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đang tạm ngưng nên các thương lái, doanh nghiệp chuyên thu mua tôm hùm xuất khẩu cũng tạm dừng thu mua. Hiện nay, trên địa bàn còn hơn 100 tấn tôm hùm xanh chưa tiêu thụ được.

Tại vùng nuôi tôm hùm xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), tình trạng cũng tương tự. Theo ông Trần Văn Thông – người nuôi tôm ở thôn Đầm Môn, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều hộ nuôi tôm gọi điện thoại cho các thương lái nhưng họ đều báo phải đợi, vì hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đang “đứng”. Điều ông Thông lo lắng là chi phí thức ăn cho tôm nhiều, trong khi chưa biết đến bao giờ mới xuất bán được. Vì vậy, một số hộ vẫn chấp nhận bán với giá thấp nhưng cũng chẳng mấy người mua vì lượng tôm hùm tiêu thụ nội địa không nhiều. Do tiêu thụ chậm nên giá tôm hùm những ngày sau Tết rớt liên tục. Trước Tết, tôm hùm bông có giá hơn 1,8 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh hơn 650.000 đồng/kg, đến nay tôm hùm bông chỉ còn 1,5 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh 550.000 đồng/kg nhưng lượng xuất bán được rất ít.


Hiện các thương lái thu mua tôm hùm chủ yếu để tiêu thụ nội địa.

Được biết, toàn xã Vạn Thạnh có hơn 35.000 lồng nuôi tôm hùm. Năm nay, khoảng 70% lượng tôm đã được người dân bán trước Tết, sau Tết vẫn còn tồn khoảng 30%. Không chỉ tôm thịt đang bị ùn ứ mà việc thả giống nuôi tôm đợt mới cũng bị ảnh hưởng do lồng nuôi đang lưu tôm thịt chờ bán, lồng để nuôi mới không có.

Trước mắt, cần nuôi lưu giữ

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 49.400 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng nuôi hàng năm hơn 1.440 tấn, chủ yếu tập trung tại các địa phương như: Cam Ranh, Vạn Ninh, Nha Trang. Theo ước tính của Chi cục Thủy sản, phần lớn lượng tôm thịt đến thời kỳ xuất bán đã được người dân bán trước Tết Nguyên đán, lượng tôm còn tồn chỉ khoảng 20 – 25%.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do tác động của dịch cúm do vi rút Corona và các biện pháp ngăn chặn dịch đã khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hoạt động thương mại nông sản tại Trung Quốc bị tụt giảm; giao thương giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc bị ảnh hưởng, trong đó có mặt hàng nông sản. Hiện nay, các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tiếp tục tìm giải pháp để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, thủy sản.

Ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Không riêng gì tôm hùm, các mặt hàng như: ốc hương, cá mú, cá chẽm… và hàng nông sản khác đều bị tác động. Ngành Thủy sản tỉnh đang phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản của người dân để có biện pháp ứng phó phù hợp. Đối với lượng tôm còn tồn, chưa xuất khẩu được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, chăm sóc tốt; bên cạnh đó cần theo dõi sát tình hình thị trường. Trong quá trình nuôi, người dân cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý; áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Để hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân, các doanh nghiệp thu mua cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm một số thị trường khác, tiêu thụ nội địa. Chi cục Thủy sản đang hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên thu mua tôm hùm ở TP. Cam Ranh, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho biết, mặc dù nhu cầu tôm hùm tươi sống tại thị trường này rất lớn nhưng các cửa khẩu tạm thời đóng cửa nên không thể thu mua xuất khẩu được. Khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, các doanh nghiệp sẽ tập trung thu mua ngay để xuất khẩu. Ngoài ra, hiện nay, một số doanh nghiệp cũng tìm kiếm thị trường khác.

HẢI LĂNG Báo Khánh Hòa

Đồng Tháp: Giá tôm sau Tết tăng cao

 Các thành viên Phú Thịnh Hội quán, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông hiện đang rất phấn khởi bởi sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thu hoạch tôm nuôi bán được giá, đạt lãi cao.

Anh Lê Hữu Tài, Phó Chủ nhiệm Phú Thịnh Hội quán, cho biết: Hội quán hiện có 59 thành viên nuôi hơn 250 ha tôm. Trước đây, với 1 ha nuôi tôm nông dân thu hoạch sản lượng đạt từ 1,5 – 2 tấn tôm thương phẩm, bán giá 80.000 – 85.000 đồng/kg; trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha; có lúc giá tôm xuống thấp, người nuôi không có lời. Nhưng, từ khi thành lập Phú Thịnh Hội quán vào cuối tháng 6/2019 đến nay, người nuôi tôm đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, liên kết đầu vào và đầu ra… giúp người nuôi kiểm soát được chi phí đầu tư, giá bán tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg.

Tôm thương phẩm bán cho thương lái

Anh Tài cho biết, hiện giá tôm thương phẩm dao động mức 92.000 – 95.000 đồng/kg (loại 100 con/kg). Sản lượng vụ nuôi này ước đạt 625 tấn, người nuôi tôm Phú Thịnh Hội quán thu nhập trên dưới 60 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm 3 vụ, người nuôi có tổng sản lượng 1.875 tấn tôm thương phẩm, doanh thu đạt cả trăm tỷ đồng.

Trần Trọng Trung
Nguồn :Thủy sản Việt Nam