Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Gặp gỡ người nông dân nuôi tôm ‘vụ nào cũng trúng’

2020 là một năm đầy thách thức cho những ai gắn bó với nghề thế nhưng nếu có sự đầu tư và quy trình bài bản, người nuôi tôm vẫn có thể chộn rộn ‘thu lưới’ với những vụ được giá, được mùa!

Dù giá tôm có lúc tăng, lúc giảm nhưng với kinh nghiệm dày dặn đúc tỉa qua quá trình thử nghiệm kỹ càng, từ đầu năm đến nay anh Phạm Văn Chu tại khu Điện Gió, Thành Phố Bạc Liêu vẫn duy trì được mức lợi nhuận ổn định qua từng vụ nuôi. Cụ thể hơn, trong vụ thu hoạch tháng 10/2020, anh nuôi 106 ngày, đạt kích cỡ 19 con/kg, trung bình sau khi trừ hết chi phí, anh lời hơn 1,19 tỷ đồng trên 2 ao nuôi với diện tích ao vỏn vẹn 1.400m2/ao!

Ngoài nhanh nhạy nắm bắt mô hình mới cùng quy trình ứng đối bài bản trước những yếu tố bất lợi từ môi trường, góp phần không nhỏ cho thành công của anh Chu là hiệu quả khác biệt từ Aquaxcel – thức ăn dinh dưỡng đột phá công nghệ ép đùn anh đang ứng dụng.

Đâu là yếu tố quan trọng nhất khi nuôi tôm mật độ cao?

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm ‘được giá được mùa’ sau 5 vụ liên tiếp, anh Chu phấn khởi bày tỏ: “Để giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất, bên cạnh các yếu tố quan trọng về chất lượng con giống, phương pháp nuôi, hạ tầng, người dân còn phải chọn đúng thức ăn”.

Theo anh, thức ăn là yếu tố quyết định phần lớn đến thành công và khả năng lời-lỗ sau vụ nuôi, nếu không cân nhắc kỹ càng, ham rẻ hay hời hợt, có thể gây tổn thất không chỉ 1 mà tới 3 lần chi phí!

Tổn thất lần 1: Chi phí thức ăn

Đặc tính của tôm thẻ chân trắng là ăn theo đàn, chỉ xâu xé thức ăn ở lớp nước trên mà bỏ qua phần dư, cùng những mảnh vụn đã chìm xuống đáy. Đặc biệt khi bắt được viên thức ăn lớn hơn, chúng sẽ ngay lập tức bỏ lại những mảnh đang ăn dở.

Thế nên khi chọn thức ăn, “người nuôi nên ưu tiên những sản phẩm chìm chậm, có kích thước đồng đều, vừa cỡ miệng tôm và đặc biệt bền trong nước để tôm bắt mồi nhanh và giảm chi phí thức ăn”. Thức ăn rã quá nhanh sẽ gây thất thoát dinh dưỡng ra môi trường ngoài, làm tăng hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR). Nếu chi phí thức ăn tăng cao đến 70% giá thành sản xuất thì lợi nhuận sẽ gần về không.

Tổn thất lần 2: Chi phí xử lý môi trường

Thức ăn kém chất lượng, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất, mà còn gây tác động xấu đến môi trường. Mà nuôi tôm ai cũng biết “nuôi tôm là nuôi nước”. Thức ăn nhiều bụi, tan nhanh sẽ dễ làm dơ ao nuôi, tạo điều kiện lý tưởng cho mầm bệnh lây lan. Phải xử lý nước liên tục để ổn định môi trường đôi lúc không chỉ tăng công sức lao động mà còn phát sinh thêm nhiều chi phí khiến lợi nhuận vụ nuôi sụt giảm!

Tổn thất lần 3: Thiệt hại do bán tôm non, tôm bệnh

“Điều đau đớn nhất với người dân đó là phải bán tôm non, tôm bệnh” – Anh Chu chia sẻ. Tôm chưa đạt kích cỡ thu hoạch, người nuôi không bán được hoặc dễ bị lái thương ép giá, gây tổn thất nặng nề sau những ngày tất bật ngược xuôi!

Bởi vậy, dựa trên kinh nghiệm thực tế, anh Chu cho rằng khi chọn thức ăn người nuôi cần ưu tiên yếu tố chất lượng lên hàng đầu thay vì ham rẻ chạy theo những sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Bên cạnh đó, để duy trì lợi nhuận ổn định người dân cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng về tổng chi phí trên hiệu suất vụ nuôi.

Làm thế nào để lựa chọn thức ăn phù hợp cho tôm?

Chia sẻ về tiêu chí lựa chọn thức ăn, anh Chu nhấn mạnh 2 yếu tố: cảm quan ban đầu và kết quả thực tế trong quá trình thử nghiệm.

Về tính cảm quan, người nuôi nên lựa chọn những viên có kích cỡ và màu sắc đồng đều, ít bụi, khó tan trong nước, đây cũng là những yếu tố dễ dàng quan sát được bằng mắt thường.

Xét về tính hiệu quả trong quá trình thử nghiệm thực tế, người nuôi có thể theo dõi lượng thức ăn hằng ngày và chỉ số tăng trưởng tôm để có những đánh giá chính xác.

Sau nhiều năm thử nghiệm nuôi với nhiều loại thức ăn trên thị trường, hiện anh đang sử dụng thức ăn ép đùn Aquaxcel từ Cargill – sản phẩm mà theo anh mang lại cho anh hiệu suất tốt nhất trên diện tích nuôi có hạn.

Chia sẻ từ anh Chu trong buổi phỏng vấn với Cargill Việt Nam vào cuối tháng 08/2020

Chỉ với 2 ao nuôi 1.400 m, anh có thể thu về 13,6 tấn tôm với nhiều số liệu khả quan như:

  • Chỉ số tăng trọng bình quân/ngày (ADG) lên tới 0,50 gram/con/ngày.
  • Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) rơi vào khoảng 1,35.
  • Tỷ lệ sống là 96%.
  • Tôm bóng vỏ, đẹp, kích cỡ đồng đều và đặc biệt không có tôm nhỏ!

Ngay trước đại dịch Covid-19, anh trúng liền 5 vụ liên tiếp. Tính từ đầu năm trở lại đây, giá tôm dù có giảm do ảnh hưởng chung nhưng nhờ chế độ dinh dưỡng khoa học từ Aquaxcel giúp tỷ lệ sống cao, chi phí thấp, nhìn chung anh vẫn đạt lợi nhuận tốt.

Ưu điểm của thức ăn ép đùn Aquaxcel so với sản phẩm khác là gì?

Theo anh Chu, điểm đặc biệt của dòng thức ăn ép đùn Aquaxcel chính là công nghệ ép đùn mang tính tiên phong với quá trình nghiền siêu mịn và nấu chín hoàn toàn để tạo nên viên thức ăn tối ưu cả về mặt lý tính và dinh dưỡng. Bởi vậy, ưu điểm của Aquaxcel là:

  • Chỉ số thức ăn rất thấp so với những dòng sản phẩm khác, có thể giúp giảm tới 20% chi phí thức ăn, bởi vậy dù giá thức ăn ép đùn có nhỉnh hơn một chút so với thức ăn ép viên nhưng xét về tổng thể lại mang lại chi phí thấp hơn.
  • Viên nén rất chặt, ít bụi, bền trong nước nên khi cho ăn không làm dơ ao, giảm bớt công sức vệ sinh môi trường. Mà tôm là loài nuôi rất nhạy cảm nên việc nuôi tôm cần môi trường nước ổn định, mỗi lần thay đổi đều gây ảnh hưởng tới sức khỏe của tôm.
  • Dinh dưỡng tối ưu với công nghệ immune booster giúp tôm tăng sức đề kháng và tăng trưởng nhanh hơn. Trung bình tôm đạt kích cỡ nhanh hơn 1 tuần tuổi.

Bên cạnh công nghệ ép đùn từ Mỹ, điểm khác biệt của sản phẩm Aquaxcel là chương trình dinh dưỡng và kích cỡ viên thức ăn chuyên biệt cho từng giai đoạn trong suốt vòng đời của con tôm. Khi người dân sử dụng Aquaxcel cho trại nuôi của mình còn được hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn tận tình từ đội ngũ nhân viên Cargill Việt Nam.

Dưới góc nhìn cá nhân, anh Chu nhận định thức ăn ép đùn chính là công nghệ đột phá trên thị trường và hứa hẹn sẽ là giải pháp mới giúp gỡ khó phần nào thách thức nghề tôm, đặc biệt là khi nuôi từ mật độ cao 200-500 con/m2 theo mô hình ao bạt, hồ tròn nổi. Anh cũng hy vọng tình hình đại dịch sớm ngày ổn định để vụ nuôi cuối năm tiếp tục là một mùa gặt hái thành công!

nguồn :https://thuysanvietnam.com.vn/

Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông trong nhà bạt

Nuôi tôm thẻ nhà bạt
Nuôi tôm thẻ nhà bạt

Nuôi tôm vụ đông cũng có nhiều khó khăn như nhiệt độ thấp nên người nuôi phải đầu tư cao hơn (làm nhà bạt) để ổn định nhiệt độ, thời gian nuôi dài hơn, quản lý môi trường khó khăn hơn… Sau đây là kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông trong nhà bạt mang lại hiệu quả kinh tế cao để bà con tham khảo.

1. Chuẩn bị ao nuôi và nhà bạt

– Ao có diện tích từ 1.000-3.000 m2, thiết kế hình vuông, được lót bạt hoặc bê tông hóa, có lắp đặt hệ thống xi-phông đáy. Do nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt kín gió phải tăng cường hơn hệ thống sục khí đáy và quạt nước để đảm bảo hàm lượng oxy đầy đủ.

– Nhà bạt có thể dựng bằng cọc bê tông hoặc bằng cọc gỗ.

+ Trường hợp nhà bạt dùng cọc bê tông: Cột bê tông có chiều dài 5 – 6 m làm trụ đỡ, chăng dây cáp bọc nhựa tạo khung. Sau đó phủ bạt kín, để phòng tránh xô bạt, cần chăng dây cáp bọc nhựa lên trên.

+ Trường hợp dùng cọc gỗ: Các cột gỗ có đường kính 6 cm, dùng dây thép (2,4 mm) buộc dựng thành khung cột và nâng đỡ giá lưới. Khoảng cách giữa hai cột gỗ là 1,2 m. Phủ một tấm phim nhựa mỏng lên trên. Khi thiết kế, tạo cửa để dễ dàng để ra vào trong khâu chăm sóc quản lý sau này.

– Chú ý: Trước khi nuôi, cần có biện pháp cải tạo ao tốt, chỉ để lượng bùn đáy khoảng 5 – 10cm, hoặc nếu đáy phủ bạt thì bóc lớp bạt cũ. Sau đó bón vôi với liều lượng 15 – 17kg vôi cho 100m3, phơi đáy 5 – 7 ngày. Nếu ao rải bạt đáy thì rải bạt mới. Sau đó, cấp nước vào ao khoảng 1,2 – 1,4m.

2. Thả giống và thức ăn

– Thời gian thả giống từ tháng 8 – 10 âm lịch, tức là vào khoảng tháng 9 – 11 dương lịch, nhằm thu hoạch trước tết để bán được giá cao.

– Mật độ thả giống nuôi tôm vụ đông cụ thể như sau:

+ Nuôi đa cấp: Thả mật độ trung bình 80 con/m2

+ Nuôi 1 cấp: Thả 80-120 con/m2.

– Cách thức chọn giống: Giống được mua tại cơ sở được phép sản xuất theo quy định của Ngành Thủy sản, khỏe mạnh, cỡ tổi thiểu P12 trở lên, được cơ quan thú y cấp giấy kiểm dịch, được xét nghiệm âm tính với các bệnh trong danh mục các bệnh bắt buộc do cơ quan chuyên môn cấp, có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh.

– Thức ăn tôm chân trắng được mua có nguồn gốc rõ ràng, yêu cầu tỷ lệ đạm 32 – 38%, lipit 4-6%, độ ẩm <11%. Được mua tại cơ sở có đăng ký kinh doanh, đảm bảo chất lượng theo quy định, tiêu chuẩn thức ăn thủy sản. Ngoài ra, bổ sung khoáng, vitamin C, E, dầu mực.

– Nên cho tôm ăn một cách khoa học, hợp lý, tránh thừa thức ăn, gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Sử dụng sàng để cho tôm ăn, quan sát và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.

3. Quản lý môi trường ao nuôi

Dùng chế phẩm sinh học để quản lý môi trường nước được sản xuất EM2 từ EM gốc. Cách làm như sau:

– Nguyên liệu: 1 lít mật đường hoặc 1kg mật đường + 1 lít EM gốc + 45-50 lít nước ngọt sạch khuẩn + 2kg thức ăn số 0+ 10g muối ăn

– Cách tiến hành: cho vào thùng ủ kín 5-7 ngày.

– Cách sử dụng: Chế phẩm EM2 được sử dụng định kỳ 3-7 ngày/lần tùy theo điều kiện màu nước ao nuôi để bón, liều lượng 50 lít EM2/1.000 m3 nước.

4. Biện pháp phòng trị bệnh

– Để tránh hiện tượng tôm sốc môi trường nước, ao cấp nước bổ sung được xây dựng trong nhà bạt.

– Định kỳ dùng Iotdin phòng bệnh 20 ngày/lần vào những tháng đầu sau giảm 15 ngày/lần. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Dùng chế phầm sinh học bón định kỳ 5-7 ngày/lần để gây màu nước và phân hủy khí độc (chú ý, nếu dùng chế phẩm sinh học thì không dùng Iotdin và các chất diệt khuẩn khác).

Chú ý: Trong quá trình nuôi cần thường xuyên kiểm tra, tránh trường hợp rách bạt khi gió to. Một yếu tố quan trọng khi nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt là cần chuẩn bị nhiều thiết bị quạt nước và thời gian chạy quạt phải đảm bảo cung cấp đủ ôxy trong quá trình nuôi.

T.Hợp Báo Dân tộc và Phát triển

Triển vọng nuôi tôm công nghệ cao ở ĐBSCL

Nuôi tôm lót bạt đáy
Nuôi tôm lót bạt đáy, ứng dụng công nghệ cao tại Sóc Trăng.

Vùng ĐBSCL có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất cả nước. Riêng 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng có một số doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nuôi tôm công nghệ cao. Hiện đã có mô hình ứng dụng phù hợp quy mô nhỏ trong cộng đồng.

Triển vọng mới

Nhiều năm qua vùng nuôi tôm nước lợ các tỉnh ven biển ĐBSCL có các mô hình nuôi tôm phổ biến như quảng canh, bán thâm canh. Trong đó có nhiều mô hình cải tiến tăng năng suất và giảm rủi ro dịch bệnh được người nuôi tôm áp dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây xuất hiện một số doanh nghiệp (DN) đầu tư nuôi tôm ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao – một lĩnh vực hoàn toàn mới nhằm kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao hiệu quả, giá trị tôm nuôi.

Hiện nay ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu có vùng nuôi tôm nước lợ hơn 186.000ha. Đây là 2 địa phương có DN đầu tư mạnh vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh với quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Theo xu hướng mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh và sử dụng vi sinh, đảm bảo theo tiêu chuẩn tôm sạch. Trong đó, đáng kể có mô hình nuôi tôm lót bạt đáy, tỷ lệ thành công trên 90%, đã có một số trang trại chuyển đổi theo mô hình từ ao nuôi đất sang ao lót bạt bờ hay ao lót bạt đáy.

Hơn 3 năm qua, mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ở Sóc Trăng chiếm khoảng 30% tổng diện tích nuôi tôm. Năng suất, sản lượng tôm thu hoạch tăng lên gấp 2-3 lần. Nổi bật có trại nuôi tôm Tân Nam của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta ở xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu áp dụng kỹ thuật theo mô hình nuôi tôm lót bạt đáy thành công. Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công là nhờ việc sử dụng dòng vi sinh bản địa do trang trại tự phân lập, nuôi cấy để đối kháng với các dòng vi khuẩn gây bệnh trên tôm. Trại tôm Tân Nam có hàng trăm ao nuôi tôm trên tổng diện tích 270ha, đạt tổng sản lượng nuôi của vụ 1 trong năm 2020 lên đến 1.000 tấn, cao gấp đôi so mục tiêu kế hoạch ban đầu đề ra.

Mô hình nuôi tôm lót bạt đáy có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn ao đất nhưng ưu điểm dễ quản lý dịch bệnh, môi trường ao nuôi. Nhờ đó rủi ro thấp, tôm lớn nhanh,  đồng đều nên được các hộ nuôi tôm tham khảo áp dụng.

Trong khi đó nuôi tôm công nghệ cao áp dụng theo mô hình ao nuôi nổi kiểm soát chất lượng nước, quản lý môi trường ao nuôi tốt và cần vốn đầu tư lớn hơn. Trong 2 năm qua, Công ty CP Thủy sản sạch VN (Viana Cleanfood) ở Sóc Trăng đầu tư trên 350 tỉ đồng đầu tư vùng nuôi tôm công nghiệp trên 140ha, với hàng trăm ao nuôi hình tròn nổi (trên mặt đất). Suất đầu tư mỗi ao nổi hàng trăm triệu đồng, được xây dựng kết cấu bê tông nhẹ và lót bạt đáy. Một năm có thể thả nuôi 3 vụ, năng suất đạt từ 8-12 tấn/ha. Năng suất, sản lượng tôm nuôi tăng dần theo từng năm. Dự kiến năm 2020 sản lượng đạt 2.500 tấn và năm 2021 sẽ đạt năng suất cao nhất, khoảng 3.500ha. Môi trường tôm nuôi đảm bảo từ khu xử lý nước ao lắng, lọc sạch trước khi đưa vào các ao nuôi tuần hoàn nước. Chất lượng tôm nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (chứng nhận tôm vào EU).

Nhân rộng mô hình

Theo nhận định của các DN đầu tư vào nuôi tôm công nghệ cao, ứng dụng kỹ thuật mới hình thành vùng nuôi sạch, kiểm soát chất lượng tôm bằng vi sinh không sử dụng hóa chất kháng sinh đang là bước tiến nhanh về khoa học kỹ thuật ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản. Có thể xem đây là bước chuyển lớn lần thứ 2 sau khi sản phẩm tôm của Việt Nam vượt trội hơn so với các nước trong khu vực về trình độ và công nghệ chế biến tôm giá trị gia tăng.

Tại Bạc Liêu, từ tháng 9-2019, Công ty Nuôi tôm Công nghệ cao Bạc Liêu áp dụng kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích 52ha. DN này đang tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao rộng rãi mô hình nuôi tôm tiên tiến, phù hợp với khả năng đầu tư của nhiều hộ nuôi tôm hiện nay.

Vừa qua tỉnh Bạc Liêu phổ biến chuyển giao kỹ thuật nhiều mô hình, cách làm mới trong nuôi tôm công nghệ cao và xúc tiến nhanh dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện tích hơn 100ha, tổng vốn đầu tư 175 tỉ đồng. Tỉnh Bạc Liêu định hướng kết nối chuỗi sản xuất cung ứng tôm nguyên liệu cho hơn 20 nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh (tổng công suất gần 135.000 tấn), kỳ vọng sản lượng tôm xuất khẩu sẽ tăng vượt mức 60.000 tấn/năm.

PGS.TS Châu Tài Tảo, Giảng viên cao cấp Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: ĐBSCL có hướng chuyển đổi áp dụng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao theo hướng tăng năng suất, phổ biến nhất là nuôi tôm trong ao lót bạt. Ưu điểm có thể nuôi 4-5 vụ/năm, nuôi trong nhiều giai đoạn, có thể từ 2-4 giai đoạn. Năng suất có thể đạt 50-60 tấn/ha. Mô hình nuôi tôm này có thể quản lý, kiểm soát nhiệt độ, độ pH và các chỉ tiêu môi trường. Diện tích ao nuôi nhỏ, chiếm chỉ khoảng 20%, còn lại phần lớn diện tích dành cho ao xử lý nước, chất thải nên kiểm soát tốt chất lượng nước. Mô hình đạt hiệu quả cao và tỷ lệ rủi ro giảm thấp do kiểm soát tốt các chỉ tiêu môi trường nước nên phù hợp cho người có vốn đầu tư chuyển từ nuôi tôm trong ao đất sang mô hình nuôi tôm lót bạt.

Hữu Đức Báo Cần Thơ

Thận trọng để thành công

Xử lý ao nuôi
Xử lý ao nuôi trước khi thả giống

Mùa mưa ở ĐBSCL đã kết thúc, thời tiết chuyển sang hanh khô và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm có xu hướng ngày càng cao. Với điều kiện thời tiết, nhiệt độ trên rất dễ làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi, tạo cơ hội cho dịch bệnh bùng phát và gây hại tôm nuôi, nhất là những diện tích tôm nuôi dưới 45 ngày tuổi và những diện tích sẽ thả trong đầu tháng 1-2021.

Vụ tôm nước lợ năm 2020 ở ĐBSCL về cơ bản đã kết thúc trên diện rộng với tỷ lệ thành công khá cao. Theo báo cáo của chi cục thủy sản các tỉnh, hiện mỗi tỉnh chỉ còn khoảng một vài ngàn hécta, chủ yếu là số diện tích nuôi lót bạt 2 – 3 giai đoạn, trong khi số diện tích thả mới theo ghi nhận là không đáng kể, mà nguyên nhân chính là do điều kiện nuôi chưa mấy thuận lợi. Đơn cử như tỉnh Sóc Trăng, trong vụ tôm nước lợ năm 2020 đã thả nuôi gần 51.500ha, nhưng tỷ lệ thiệt hại chỉ chiếm 8,5%, tức gần 4.400ha. Kết quả thu hoạch trên diện tích gần 41.500ha cho sản lượng ước đạt trên 166.000 tấn. Hiện số diện tích còn tôm của Sóc Trăng khoảng 5.000ha và phần lớn sẽ được thu hoạch dứt điểm từ nay đến giữa tháng 1-2021. Như vậy, sản lượng tôm nước lợ năm 2020 của tỉnh Sóc Trăng sẽ vượt kế hoạch 10 – 15 ngàn tấn.

Đối với những diện tích thả nuôi đúng theo lịch thời vụ năm 2020 (kết thúc thả giống vào cuối tháng 9) đến thời điểm này có thể nhận định phần lớn đều không đáng lo vì tôm sắp đến thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, đối với những diện tích mới thả nuôi từ giữa tháng 10 đến nay và kể cả những diện tích sắp thả nuôi từ đầu năm 2021 theo khung lịch thời vụ mới sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là về thời tiết và dịch bệnh. Không nói đâu xa, do ảnh hưởng những đợt mưa cuối mùa khá lớn diễn ra trên diện rộng và kéo dài, môi trường tại một số vùng nuôi có sự biến động mạnh, gây sốc và làm giảm sức đề kháng tôm nuôi, tạo điều kiện cho một số dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, nhất là bệnh đốm trắng và bệnh còi – vi bào tử trùng (EHP). Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người nuôi chùn tay chưa dám thả nuôi sớm do lo ngại rủi ro.

Kết quả quan trắc của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, từ đầu tháng 12, một số khu vực nuôi tôm trong tỉnh độ mặn đang có xu hướng tăng và một số chỉ số môi trường khác, như: pH, độ kiềm… cũng khá phù hợp cho việc lấy nước vào để xử lý nuôi tôm. Cụ thể như: tại điểm cầu Trà Niên độ mặn đo được lên đến 8,1%o, đầu vàm Trà Niên là 7,9‰, cống Sáu Quế 1 là 7,3‰, bến đò NT 30-4 là 7‰… Môi trường nuôi tương đối thuận lợi và giá tôm hiện tại là khá cao và dự báo sẽ còn kéo dài qua tận quý I-2021 nhưng phần lớn người nuôi đều rất thận trọng, kể cả những mô hình nuôi ao bạt 2 – 3 giai đoạn.

Sự thận trọng của người nuôi là có cơ sở vì hiện rải rác đã có bệnh đốm trắng xuất hiện và những dự báo cho thấy thời tiết có xu hướng chuyển mạnh sang Lanina nên chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm sẽ rất lớn, nếu thả nuôi sớm như năm rồi rủi ro sẽ rất cao. Vì vậy, nếu có thả nuôi sớm cũng chỉ thả nuôi một số ao mang tính thăm dò, khi thấy thuận lợi thì tiếp tục thả còn nếu không thì đợi khi nào điều kiện thuận lợi mới vào vụ nuôi chính. Để quản lý ao nuôi tốt hơn, theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, đối với các ao, nhất là tôm thẻ đang cải tạo lại người nuôi nên thiết kế lại ao nuôi diện tích nhỏ để dễ quản lý (1.500 – 2.000m2) và thiết kế hố xiphông đáy ao để loại bỏ bùn thải, phân tôm, thức ăn dư thừa, xác tôm chết trong suốt quá trình nuôi tôm để làm sạch môi trường và đáy ao. Việc cải tạo ao cũng được khuyến cáo phải thật kỹ để loại bỏ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh trong ao nuôi như: tôm tạp, cá tạp, cua còng, ốc đinh, hến. Phải có ao chứa nước, ao xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi để loại bỏ phù sa, chất hữu cơ, mầm bệnh mang vào khu vực nuôi. Phải có ao xử lý nước thải – bùn thải và tuyệt đối không xả thải nước thải – bùn thải trong quá trình cải tạo ao cũng như xiphông trực tiếp ra ngoài kênh rạch tự nhiên khi chưa được qua xử lý.

Ngoài ra, người nuôi cần bắt giống ở cơ sở có uy tín, có thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng và phải xét nghiệm sạch bệnh ít nhất 3 loại bệnh: đốm trắng (WSSD), hoại tử gan tụy cấp (AHPND) và bệnh còi – vi bào tử trùng (EHP). Kích cỡ con giống đối với tôm sú là Post 15 và tôm thẻ là Post 12 trở lên. Về quản lý môi trường ao nuôi, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng khuyến cáo người nuôi cần quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi như độ mặn, pH, oxy, kiềm, độ trong, khoáng chất (Ca, Mg, Kali…) luôn nằm trong ngưỡng thích hợp; áp dụng các biện pháp xiphông đáy ao, tăng cường vi sinh xử lý và làm sạch đáy ao… để giảm thiểu tối đa chất hữu cơ (phân tôm, bùn đáy, thức ăn dư thừa…) ra khỏi đáy ao, kiểm soát các vấn đề về tảo (tảo tàn, tảo nở hoa) và đặc biệt khuyến khích người nuôi nếu có điều kiện nên nuôi theo các mô hình tiên tiến bền vững như: nuôi 2 – 3 giai đoạn có hố xiphông đáy, kết hợp với cá rô phi xử lý nước…

Phúc Hiếu  – Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Dinh dưỡng cho động vật thủy sản và các vấn đề liên quan

thức ăn thủy sản
Thành phần dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng đối với động vật thủy sản.

Thành phần dinh dưỡng trong thức ăn thủy sản cơ bản bao gồm: Protein và amino acid, lipid và acid béo, carbohydrate, vitamin. Đây là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe tôm cá và cũng góp phần quan trọng vào thành công của mô hình nuôi.

Protein và amino acid

Protein là thành phần chất hữu cơ chính của cơ thể động vật thủy sản, chiếm khoảng 60-75% trọng lượng của cơ thể (Halver, 1988). Protein có cấu trúc rất phức tạp, trong thành phần hóa học của protein có chứa: carbon (50-55%), oxy (22-26%), nitơ (12-19%), hydro (6-8%). Mặc dù chúng rất khác nhau về cấu trúc, chức năng, thành phần hóa học, kích thước,… nhưng khi thủy phân chúng đều phân hủy thành các acid amin.

Nhiệm vụ chính của protein là xây dựng nên cấu trúc của cơ thể. Protein trong thức ăn cung cấp các amino acid nhờ quá trình tiêu hóa và thủy phân. Phần trăm thành phần protein cơ bản trong khẩu phần ăn, vẫn còn đang gây tranh cãi trong nghiên cứu này. Phần trăm dựa trên các nghiên cứu thay đổi từ 25% đến 55% khẩu phần (Lovell, 1991 và Roberts, 2010). Ngoài chức năng chính ra, protein còn là nguồn cung cấp acid amin. Acid amin tham gia vào sản xuất protein đặc hiệu có hoạt tính sinh học cao(hormon, enzyme) và quá trình tạo thành năng lượng trực tiếp hay tích lũy ở dạng glycogen hay lipid. Trong ống tiêu hóa, các amino acid được hấp thu vào máu và đi đến các mô, cơ quan, tham gia vào quá trình sinh tổng hợp protein của cơ thể, phục vụ cho quá trình sinh trưởng, sinh sản và duy trì cơ thể. 

Nếu thức năng cung cấp đủ nhu cầu protein cho cá sẽ dẫn đến cá chậm lớn, hoặc ngừng tăng trưởng, thậm chí có thể giảm trọng lượng. Mặt khác, nếu lượng protein trong thức ăn vượt quá nhu cầu thì chỉ cần một phần được sử dụng để tạo nên protein mới, phần còn lại sẽ được chuyển sang dạng năng lượng, điều này sẽ làm tăng giá thành thức ăn không cần thiết. Chính vì vậy, các nhà khoa học rất chú ý và đã nghiên cứu nhu cầu protein và amino acid cả cá, bắt đầu từ những năm 50, đến nay, phần lớn các đối tượng nuôi quan trọng và phân bố rộng trên toàn thế giới đã được nghiên cứu về lĩnh vực này.

Lipid và acid béo

Lipid là một trong những thành phần sinh hóa cơ bản của động thực vật. Các thành phần của thức ăn thường được tập trung nghiên cứu là protein, lipid, glucid và một số vitamin. Trong đó lipid đóng vai trò quan trọng như là nguồn cung cấp năng lượng (8- 9 kcal/gam) và các acid béo cần thiết cho quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật thủy sản. Lipid trong thức ăn cũng đóng vai trò như là chất vận chuyển vitamin tan trong dầu và sterols. Ngoài ra trong thành phần của lipid có phospholipid và sterol ester tham gia vào quá trình sinh tổng hợp màng tế bào.

Với vai trò của lipid quan trọng như vậy, nên lipid hiện nay là một vấn đề đang được quan tâm nghiên cứu để nâng cao chất lượng thức ăn cho động vật thủy sản, Nhiều kết quả nghiên cứu về nhu cầu các acid béo của động vật thủy sản đã được công bố và ứng dụng vào thực tế sản xuất đem lại hiệu quả cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy lipid có ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của động vật thủy sản, đặc biệt là ở giai đoạn ấu trùng và giống. Ở giai đoạn nuôi vỗ thành thục thức ăn được bổ sung nguồn lipid thích hợp sẽ nâng cao sức sinh sản của động vật thủy sản cũng như chất lượng của giống.

Đối với các loài cá cảnh (ví dụ như cá koi và cá vàng), do điều kiện nuôi nhốt trong bể nên việc tiêu hao năng lượng. Nếu lượng thức ăn cho ăn quá nhiều, lượng mỡ sẽ tích tụ nhiều trên cơ thể cá nuôi làm xuất hiện những biến dạng trên cơ thể và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của động vật thủy sản.


Cho ăn quá mức dễ dẫn đến “béo phì” ở cá vàng.

Carbohydrate

Carbohydrate được xem là nguồn năng lượng chủ yếu cho toàn bộ hoạt động sống cơ thể và rẻ tiền nhất cho động vật thủy sản. Trong khẩu phần thức ăn khi carbohydrate tăng lên thì sự phân giải lipid và protein trong cơ thể sẽ giảm đi, thì năng lượng chủ yếu do carbohydrate cung cấp. Do đó carbohydrate được xem là nguồn chia sẻ việc cung cấp năng lượng cho protein và lipid. 

Khả năng tiêu hóa carbohydrate phụ thuộc rất nhiều vào trọng lượng phân tử và cấu tạo các nối của carbohydrate. Các loại đường đơn dễ tiêu hóa hơn các loại đường đa và nhóm không đường như tinh bột, dextrin. Đường đơn có thể hấp thu trực tiếp qua thành ruột trong khi các nhóm khác phải qua quá trình tiêu hóa, đặc biệt là quá trình này xảy ra chậm ở động vật thủy sản. Khi thủy phân các loại tinh bột dẫn đến làm gia tăng độ tiêu hóa của tinh bột, vì vậy, việc nấu chín hay hồ tinh bột đều giúp cải thiện độ tiêu hóa thức ăn tinh bột. Cá và hầu hết động vật thuỷ sản không có enzyme thủy phân nối β-1,4 nên việc tiêu hóa các cellulose hầu như không đáng kể. Một số báo cáo cho rằng hệ vi khuẩn đường ruột của một số loài cá có khả năng thủy phân cellulose trong chất xơ. Tuy nhiên cấu trúc ống tiêu hóa các loài cá trên cho thấy các vi khuẩn trên có nguồn gốc ngoại sinh. 

Chitin, là polymer của các đơn vị N-acetyl glucosamine trong khi chitosan cấu tạo bởi các đơn vị glucosamine, được xem là chất dinh dưỡng quan trọng của một số loài cá ăn động vật, đặc biệt ở giai đoạn cá bột và cá hương, nguồn cung cấp này từ thức ăn tự nhiên là Artemia và Dapnhia hay giáp xác khác.

Vitamin

Vitamin đóng vai trò quan trọng trong thành phần dinh dưỡng của động vật thủy sản. Vai trò và nhu cầu vitamin đối với động vật thực sự được quan tâm khi nghề nuôi thủy sản thâm canh ra đời. So sánh với các thành phần dưỡng chất chính trong thức ăn như protein, lipid và carbohydrate, vitamin chiếm một lượng rất nhỏ từ 1-2% trong thức ăn. Tuy nhiên, vitamin có vai trò quyết định trong quá trình trao đổi chất của cơ thể và chi phí có thể lên đến 15% trong khẩu phần ăn.

Hầu hết các vitamin giữ vai trò đặc biệt như là một co-enzyme hay các tác nhân hỗ trợ các enzyme thực hiện các phản ứng sinh hóa trong cơ thể sinh vật. Vitamin đóng vai trò tác nhân của phản ứng oxy hóa, chuyển các electron từ hợp chất hữu cơ sang chất nhận như oxy hóa sinh vật. Co-enzymes trong sự thành lập hồng cầu và tế bào thần kinh và tiền chất của các hormones.


Cá lóc gù lưng do khẩu phần ăn thiếu chất mà chủ yếu là thiếu Vitamin C.

Nhu cầu vitamin cho động vật thủy sản đã được một số tác giả nghiên cứu và đề ra mức thích hợp cho một số loài động vật thủy sản. Tuy nhiên nhu cầu vitamin chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố: kích cỡ và giai đoạn phát triển của đối tượng nuôi, các yếu tố môi trường nuôi, mối tương tác với các thành phần dinh dưỡng khác và đặc biệt là quá trình chế biến và bảo quản.

Nhiều kết quả nguyên cứu cho thấy, động vật thủy sản không có khả năng hay khả năng tổng hợp rất ít không đủ cho nhu cầu nên việc cung cấp vitamin vào thức ăn cho động vật thủy sản là rất cần thiết. Động vật thủy sản ăn thức ăn không được cung cấp đầy đủ vitamin sẽ sinh trưởng chậm, tỉ lệ sống thấp, khả năng chịu đựng với biến động môi trường kém và dễ bị bệnh. Một số dấu hiệu bệnh lý khi thiếu vitamin ở động vật thủy sản đã được ghi nhận như: xuất huyết, dị hình, nứt sọ ở cá, đen thân ở tôm…

Duy – https://tepbac.com/

Tác động của chất chiết xuất Yucca trong NTTS

Cây yucca
Chiết xuất Yucca là một hoạt chất sinh học tự nhiên dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Bổ sung Yucca schidigera vào khẩu phần ăn của tôm cá giúp gia tăng tốc độ tăng trưởng, giảm FCR, sử dụng tối đa nguồn dinh dưỡng trong thức ăn, làm giảm chất thải hữu cơ, giảm lượng khí độc thải ra môi trường nước.

Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản (NTTS) phải đi đôi với vấn đề bảo vệ môi trường đang là xu thế toàn cầu. Các khí độc NH3, H2S, CH4 và COlà những chất gây ô nhiễm nhất trong chuồng và ao nuôi, gây ra mùi hôi và các vấn đề trong hệ thống hô hấp ở cả vật nuôi, tôm, cá và công nhân trong các khu vực nuôi. 

Hơn nữa, các chất tổng hợp như kháng sinh và hoocmon steroid dùng làm phụ gia thức ăn đã bị cấm ở một số nước. Việc tìm kiếm hoạt chất sinh học tự nhiên để thay thế những chất tổng hợp nguy hiểm cho sự phát triển của vật nuôi và thân thiện với môi trường là vô cùng cần thiết. Một trong những chất thích hợp được lựa chọn hiện nay là saponin trong chiết xuất của cây Yucca schidigera.

Nghiên cứu ảnh hưởng của yucca trong nuôi cá

Theo kết quả nghiên cứu của Kelly & Kohler, (2003) trên cá nheo Mỹ (Ictalurus punctatus) cho thấy khi bổ sung Yucca schidigera vào khẩu phần ăn của cá bột với liều lượng 1g/kg thức ăn cho thấy sự tăng trọng đáng kể cao hơn so với nhóm cá ăn khẩu phần thức ăn không bổ sung Yucca schidigera. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) cũng được cải thiện đáng kể khi bổ sung chiết xuất Y.schidigera và Y. saponaria vào khẩu phần ăn (Güroy, 2014).

Cá rô phi sông Nile (Oreochromis niloticus) giống (Deyab và ctv, 2004) ăn khẩu phần có bổ sung Yucca schidigera ở mức 0.75mg/kg thức ăn giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hóa protein làm giảm hàm lượng NH3, NO2+, tăng  NO3, cải thiện tăng trọng của cá, giảm FCR, chất béo tích tụ trong toàn bộ cơ thể cá giảm khi nồng độ yucca trong khẩu phần ăn tăng lên. Đồng thời với hàm lượng 0.75mg/kg Yucca schidigera trong thức ăn cũng cải thiện sự phát triển của các loại cá ăn thực vật, nhờ tăng hiệu quả sử dụng protein (PER) trong khẩu phần đạm thực vật (Gaber, 2006).

Kết quả tương tự cũng đã được ghi nhận bởi Bassem Khalil Elkhayat và cvt (2019). Khi bổ sung Yucca schidigera vào khẩu phần ăn của cá chẽm Châu Âu (Dicentrarchus labbrax) ở hàm lượng 1g/kg thức ăn giúp cá tăng cường bắt mồi, cải thiện tốc độ tăng trưởng, tăng hiệu quả sử dụng protein trong thức ăn, giảm lượng NH3 thải ra, giảm FCR và tăng tỷ lệ sống của cá.

Bên cạnh đó, khi đánh giá ảnh hưởng của Yucca schidigera trong khẩu phần ăn lên chất lượng nước Headen và Dawson (1990) đã báo cáo rằng nước trong các bể cá sử dụng khẩu phẩn có bổ sung Yucca schidigera có nồng độ NO3 tăng và mức NH3 giảm, nồng độ NO2 cũng giảm. Điều này chỉ ra rằng có phản ứng oxy hóa hóa chất hoặc nitrat hóa vi khuẩn. Yucca schidigera có tác dụng giảm NH3 có thể là bởi vì NH3 kết dính vào yucca hoặc NHbị chuyển hóa thành hợp chất khác. Yucca schidigera có khả năng giảm ammonia cao nhất trong ao nuôi cá vào khoảng thời gian từ 12 – 24 giờ.

Từ các kết quả nghiên cứu trên cho thấy: Bổ sung Yucca schidigera vào khẩu phần ăn của cá, đặc biệt trong hệ thống nuôi thâm canh ở mức 750mg- 1g/kg thức ăn giúp tăng tỷ lệ sống, cải thiện tăng trọng, giảm FCR, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hóa protein, Yucca schidigera đóng vai trò như chất kích thích sinh trưởng để tăng hiệu quả sử dụng thức ăn có thể tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, đồng thời làm giảm NH3 và NO2 trong nước.

Nghiên cứu ảnh hưởng của yucca ao nuôi tôm

Theo Valle và ctv, (2006) mức tăng trưởng của tôm thẻ (Litopenaeus vannamei) postlarvae tăng 23%  và  26%  khi sử dụng khẩu phần ăn có bổ sung Yucca schidigera. Tương tự, Martínez và ctv (2008) thử nghiệm nuôi tôm ở độ mặn thấp có bổ sung Yucca schidigera ở mức 2g/kg vào khẩu phần ăn của tôm, làm tăng hiệu suất phát triển đáng kể, đồng thời FCR ở nhóm tôm ăn khẩu phần có bổ sung 3g Yucca schidigera/kg thức ăn là 1.6 so với FCR = 2.32 ở nhóm đối chứng.

Các kết quả trên cho thấy Yucca schidigera có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng và giảm FCR thông qua việc thúc đẩy quá trình tổng hợp protein, đẩy mạnh hấp thụ chất dinh dưỡng trong tế bào biểu mô đường ruột tôm, giúp ruột hấp thụ axit amin và axit béo cũng như hỗ trợ hấp thu các loại axit amin và chất dinh dưỡng thấm qua màng tế bào khác.

Hơn nữa, việc bổ sung 0.2% và 0.3% Yucca schidigera vào khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng thì lượng NH3 và NO2  trong nguồn nước thải của hệ thống nuôi tôm đã giảm hơn 2/3 nồng độ NHban đầu trong vòng 12 giờ. Việc làm giảm NH3 và các chất chuyển hóa nitơ khác chỉ ra rằng, việc bổ sung Yucca schidigera vào ao nuôi hoặc chất thải NTTS trước khi xả ra sẽ làm giảm ô nhiễm nguồn nước. Yucca schidigera có thể được dùng xử lý nước thải hoặc xử lý nước trước khi cấp vào hệ thống nuôi tuần hoàn để làm giảm ô nhiểm môi trường, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên nước (Martínez và ctv, 2008).

Trong hệ thống ương nuôi tôm sú hàm lượng ammonia tổng cộng giảm nhiều nhất trong vòng 12 giờ khi xử lý bằng Yucca schidigera với liều lượng 72 – 108mg/L.

Từ các kết quả nghiên cứu trên cho thấy: Việc bổ sung Yucca schidigera vào khẩu phần ăn ở mức 2-3g/kg thức ăn giúp gia tăng tốc độ tăng trưởng, giảm FCR, sử dụng tối đa nguồn dinh dưỡng trong thức ăn, làm giảm chất thải hữu cơ, giảm lượng NH3, NO2, NO3 thải ra môi trường nước, làm tăng tỷ lệ sống của tôm.YUCCA STAR

Yucca Star® là sản phẩm thiên nhiên được sản xuất 100% từ cây Yucca schidigera bởi công ty Baja Agro International, S.A. de C.V. – Mexico. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn của Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (Food Safety Management System-FSMS). Quá trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, sử dụng hệ thống tích hợp kiểm tra và điều chỉnh để đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất không ngừng được cải thiện. Các tiêu chuẩn sản xuất được áp dụng bao gồm HACCP, ISO 22000:2005, GMP+.
YUCCA STAR

Với diện tích hơn 500 hecta trồng yucca, Baja Agroin được xếp hạng là công ty có đồn điền trồng Yucca schidigera lớn nhất và duy nhất trên thế giới, tạo ra nguồn cung cấp yucca ổn định.
Hiện nay Yucca của Baja Agroin đã có mặt ở 50 quốc gia trên toàn thế giới. Tại thị trường Việt Nam, BQ&Q tự hào là đại diện thương mại duy nhất cho thương hiệu này.BQ&Q CORPORATION

Nguồn :https://tepbac.com/

Đưa tạp chất vào tôm: Sẽ xử lý hình sự

Tôm tạp chất bị lên án hơn chục năm qua và từng có chương trình doanh nghiệp nói không với tôm tạp chất nhưng tình hình hiện vẫn rất phức tạp, đe dọa mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) vừa có kế hoạch phòng chống, trong đó kiến nghị xử lý hình sự hành vi đưa tạp chất vào tôm.

Dai dẳng nguy cơ lớn

Chiều 28/3, đoàn liên ngành tỉnh Bạc Liêu kiểm tra cơ sở mua tôm nguyên liệu ở xã Tân Phong (thị xã Giá Rai) của bà Hà Thị Kiều, bắt quả tang 20 người đang bơm tạp chất vào tôm. Kiểm nghiệm nhanh tại chỗ, xác định có khoảng 55 kg tôm có chứa agar (còn gọi là rau câu). Tang vật được tạm giữ cùng với tôm là bình nén chứa agar, 2 đoạn ống dẫn tạp chất dài 5 m, 16 ống bơm tạp chất vào tôm và 2 thùng thành phẩm rau câu.

Đây là vụ thứ 3 trong nửa cuối tháng 3, các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu phát hiện tôm chứa tạp chất, bắt giữ gần 2 tấn tôm nguyên liệu (chủ yếu là tôm sú). 

Phó trưởng Công an thị xã Giá Rai, thiếu tá Phan Thành Được cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, công an còn bắt 5 vụ với khoảng 150 kg tôm chứa tạp chất ở các cơ sở mua tôm giáp ranh với tỉnh Cà Mau. Ông nói: “Đó cũng là địa bàn thường xuyên phát hiện cơ sở bơm tạp chất vào tôm. Có cơ sở bị phát hiện đến ba lần. Như cơ sở mua tôm của ông Nguyễn Minh Đường ở ấp 4, xã Phong Thạnh Tây bị phát hiện ba lần đưa tạp chất vào tôm. Cứ bị phát hiện, họ chuyển sang địa bàn khác và lại bơm tạp chất vào tôm”.

Sở NN&PTNT Bạc Liêu thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, kiểm tra phát hiện 15 trường hợp tôm sú chứa tạp chất, tổng cộng gần 3,5 tấn. Trong đó, 6 trường hợp đang bơm tạp chất vào tôm, 6 trường hợp thu gom tôm có tạp chất, 3 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất. Tổng số tiền phạt hành chính là 844 triệu đồng.

Còn tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phát hiện hai vụ với 51 kg tôm chứa tạp chất, phạt hành chính 55 triệu đồng. Các cơ quan khác bắt 5 vụ với 1.984 kg tôm chứa tạp chất.

Ảnh minh họa (Bấm vào hình)

Kiến nghị xử lý hình sự

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Cà Mau, ông Võ Thành Tiến than thở, xử lý tôm tạp chất làm thường xuyên và đã mười mấy năm rồi nhưng vẫn rất khó dứt điểm. 

Trước vấn nạn nghiêm trọng, NAFIQAD vừa đưa ra kế hoạch phòng chống ngăn ngừa tôm tạp chất đầy kỳ vọng. Tập trung vào một số tỉnh trọng điểm nuôi tôm ở ĐBSCL là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang với mục tiêu đến hết năm 2017 có 100% cơ sở nuôi và mua, chế biến ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm. Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm.

Nhiều biện pháp được nêu lên như hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý hiệu quả hơn, tăng đào tạo nghiệp vụ, tuyên truyền vận động. Đặc biệt, chú trọng tới công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe. Đó là tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành gồm NAFIQAD với Cục An ninh Kinh tế Nông lâm ngư nghiệp, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an), Thanh tra Bộ NN&PTNT, tiến hành ngay mỗi khi có thông tin vi phạm hoặc thời gian khan hiếm tôm nguyên liệu.

Trong trường hợp không xác định được tội danh tương ứng, NAFIQAD đề nghị Bộ Công an phối hợp các cơ quan liên quan “có phương án thống nhất báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung hành vi vi phạm về tạp chất là tội danh mới trong Bộ luật Hình sự”.

Theo: Ngọc Huyền

Nguồn: chothuysan