Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm kỳ vọng vào EVFTA

 

Gặp khó khăn “kép” khi vừa chịu ảnh hưởng của dịch Corona khiến nhu cầu sụt giảm, vừa bị điều tra chống bán phá giá, doanh nghiệp xuất khẩu tôm đặt hết kỳ vọng vào EVFTA khi hiệp định này chính thức được thông qua.

Bức tranh xuất khẩu tháng 1 kém sắc

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2020 ước tính đạt 19 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 11,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 15,7%.

Các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm mạnh là dệt may đạt 2,6 tỷ USD, giảm 21%; điện thoại và linh kiện đạt 2,6 tỷ USD, giảm 22,4%; giày dép đạt 1,6 tỷ USD, giảm 9,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,5 tỷ USD, giảm 6,5%.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2020 với kim ngạch đạt 4,8 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 2,75 tỷ USD, giảm 32%; Liên minh Châu Âu (EU) đạt 2,6 tỷ USD, giảm 30,8%…

Ðánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho rằng, nếu virus Corona được khống chế trong quý I/2020, ước tính kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 46,5 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, lâm sản giảm khoảng 29%, dệt may giảm 22%, thủy sản giảm 38%…

Kỳ vọng vào EVFTA

Không chỉ dịch bệnh mà các biện pháp chống bán giá của một số nước quy định cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Ðơn cử như câu chuyện đang diễn ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC).

Ngày 14/1 vừa qua, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) ra thông báo khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Ðộ, đồng thời áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của MPC và công ty liên kết tại Hoa Kỳ.

“Chúng tôi hết sức bất ngờ vì trong quyết định này, CBP đã chỉ dựa trên các thông tin một chiều được thu nhập cung cấp bởi tổ chức AHSTEC – đại diện một nhóm các công ty đánh bắt và chế biến tôm tại Hoa Kỳ, là tổ chức từ lâu đã tham gia vào các vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam với tư cách nguyên đơn”, đại diện MPC nêu tại văn bản gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 21/1.

Ðể làm rõ hơn vấn đề này, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HÐQT MPC cho biết, thứ nhất, quyết định của CBP chỉ có tính chất tạm thời.

Theo đó, MPC được yêu cầu tạm nộp thuế chống bán phá giá áp dụng cho Ấn Ðộ (khoảng 10%) đối với các lô hàng nhập vào Hoa Kỳ.

Thứ hai, MPC không nhập tôm thành phẩm đông lạnh từ Ấn Ðộ để xuất sang Hoa Kỳ như trong cáo buộc. Công ty chỉ mua tôm nguyên liệu để đưa vào chế biến tại các nhà máy của Minh Phú theo quy trình nghiêm ngặt đã được chứng nhận và không mua tôm thành phẩm từ các nhà máy khác để xuất vào Hoa Kỳ.

Thứ ba, CBP cũng nêu rõ, đây mới là số liệu ban đầu và đang được kiểm chứng.

“Quyết định trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Minh Phú vào thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác. Mọi hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Công ty vẫn diễn ra bình thường.

Về phía MPC, chúng tôi sẽ chủ động hợp tác và minh bạch thông tin để tránh việc bị ảnh hưởng bởi các cáo buộc không có cơ sở nhằm vào Minh Phú nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung”, ông Quang nhấn mạnh.

Hiện Hoa Kỳ đứng thứ 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,4%. Ðể hạn chế sự phụ thuộc, các doanh nghiệp ngành tôm đang tích cực mở rộng thị trường.

Năm 2020 ngành tôm được kỳ vọng sẽ có những dấu hiệu tích cực khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thông qua, tôm Việt sẽ rộng được xuất khẩu vào thị trường này.

Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Ngày 21/1/2020, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện Châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua EVFTA. Để EU có thể thông qua EVFTA, Việt Nam phải tham gia thêm 3 công ước của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động. Tiếp theo, EP sẽ bỏ phiếu về EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) tại phiên họp diễn ra vào tháng 2/2020 ở Strasbourg, Pháp. Nếu thông qua, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực. Riêng IPA thì sẽ mất thời gian lâu hơn vì còn phải chờ từng nước trong EU thông qua.

Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore, với thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỷ euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ euro mỗi năm, theo số liệu của Phái đoàn Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam.

Nguồn: Đầu Tư Chứng Khoán

Sử dụng hỗn hợn probiotic sẽ hiệu quả hơn đơn lẻ

Tôm thẻ chân trắng
Probiotic có tác dụng tăng cường miễn dịch trên tôm thẻ chân trắng

Bài viết giới thiệu tác dụng đồng hiệp lực khi bổ sung hỗn hợp chế phẩm sinh học có hiệu quả tốt hơn trong việc cải thiện hiệu suất tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng so với chế phẩm sinh học đơn lẻ.

Sử dụng probiotic để tăng cường miễn dịch trên tôm thẻ chân trắng

Năm 2019 là năm đầy thách thức với nghề nuôi tôm, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, con tôm phải đối mặt với tình hình dịch bệnh kéo dài, diễn biến ngày càng phức tạp. Điển hình là WSSV (virus hội chứng đốm trắng), AHPND (bệnh hoại tử gan cấp tính) và bệnh vi bào tử trùng (EHP) nhiều bệnh chưa có giải pháp chữa trị dứt diểm, chính vì vậy, công tác phòng bệnh là hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản đang là vấn đề cấp thiết được các cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng quan tâm. Bởi, không chỉ gây hại đến môi trường nuôi, chất lượng các con nuôi mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó các chiến lược mới thay thế là cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của động vật thủy sản và kiểm soát mầm bệnh.

Probiotic là sự thay thế đầy hứa hẹn để cải thiện sức đề kháng với bệnh và kích thích sự tăng trưởng của tôm nuôi

Nghiên cứu ứng dụng hỗn hợp probiotic lên tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng

Nghiên cứu bổ sung hỗn hợp men vi Lactobacillus pentosus BD6, Lac. fermentum LW2, Saccharomyces cerevisiae P13 và Bacillus subtilis E20 và bổ sung đơn lẻ từng loại vi sinh trong vòng 56 ngày và theo dõi tốc độ tăng trưởng. Sau đó tất cả các nghiệm thức được cảm nhiễm với vi khuẩn V. alginolyticus và theo dõi tỉ lệ chết trong vòng 14 ngày.

– Nghiệm thức 1: đối chứng không bổ sung chế phẩm vi sinh

– Nghiệm thức 2: hỗn hợp Lactobacillus pentosus BD6, Lac. fermentum LW2, Saccharomyces cerevisiae P13 và Bacillus subtilis E20 với nồng độ 107  cfu/ kg thức ăn

– Nghiệm thức 3: Nghiệm thức 2: hỗn hợp Lactobacillus pentosus BD6, Lac. fermentum LW2, Saccharomyces cerevisiae P13 và Bacillus subtilis E20 với nồng độ 108  cfu/ kg thức ăn

– Nghiệm thức 4: Nghiệm thức 2: hỗn hợp Lactobacillus pentosus BD6, Lac. fermentum LW2, Saccharomyces cerevisiae P13 và Bacillus subtilis E20 với nồng độ 109  cfu/ kg thức ăn

– Nghiệm thức 5: Lactobacillus pentosus BD6 với nồng độ 109  cfu/ kg thức ăn

– Nghiệm thức 6: Bacillus subtilis E20 với nồng độ 109  cfu/ kg thức ăn

– Nghiệm thức 7: Lac. fermentum LW2 với nồng độ 109  cfu/ kg thức ăn

– Nghiệm thức 8: Saccharomyces cerevisiae P13  với nồng độ 109  cfu/ kg thức ăn

Kết quả

Sau 56 ngày, tốc độ tăng trưởng của nghiệm thức 2 bổ sung hỗn hợp vi sinh ở mức 108  cfu/ kg thức ăn  và nghiệm thức 5 (BD6) và 6 (E20) ở 109 cfu/ kg thức ăn cải thiện đáng kể sự tăng trưởng và tình trạng sức khỏe của tôm, trong khi các nghiệm thức còn lại không ảnh hưởng đáng kể đến sự tăng trưởng của tôm.

Không có sự khác biệt đáng kể trong thành phần thân thịt trong nhóm đối chứng và phương pháp điều trị khác. Sau 56 ngày kể từ khi cho ăn, tôm ăn thức ăn có chứa các hỗn hợp probiotic với nồng độ 107 ~109  cfu/ kg thức ăn  và 109  cfu/ kg thức ăn của men vi sinh đơn (trừ S. cerevisiae P13)  đã sống sót cao hơn sau khi tiêm vi khuẩn V. alginolyticus so với nhóm đối chứng.

Khả năng kháng bệnh tốt hơn của tôm trong các nhóm được cho ăn hỗn hợp men vi sinh có thể là do tăng hoạt động phenoloxidase, hoạt động  hô hấp và hoạt động lysozyme và gia tăng khả năng đại thực bào khi tiếp xúc với vi khuẩn V. alginolyticus.

Kết quả từ nghiên cứu thấy được bổ sung hỗn hợp vi sinh có hiệu quả tốt hơn trong việc cải thiện hiệu suất tăng trưởng của tôm so với chế phẩm sinh học đơn lẻ. Do đó, cần nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học chứa vi sinh Lactobacillus pentosus BD6, Lac. fermentum LW2, Saccharomyces cerevisiae P13 và Bacillus subtilis E20 và khuyến cáo sử dụng với nồng độ 108  cfu/ kg thức ăn  để kích thích tăng trưởng, tăng cường sức đề kháng chống chọi lại mầm bệnh.

Theo Yu-Chu Wang, Shao-Yang Hu, Chiu-Shia Chiu, Chun-Hung Liu.

NHƯ HUỲNH Lược dịch
Nguồn : https://tepbac.com/

Tôm hùm ế ẩm

Dù đang vào mùa thu hoạch nhưng thủ phủ tôm hùm của tỉnh Phú Yên lại khá yên ắng vì vắng bóng tư thương.
Vùng nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, TX.Sông Cầu	 /// Ảnh: Đức Huy

Vùng nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, TX.Sông Cầu

Ảnh: Đức Huy
TX.Sông Cầu lâu nay được xem là thủ phủ tôm hùm của Phú Yên. Những ngày này đang vào mùa thu hoạch tôm hùm nhưng khác với mọi năm, ở đây khá yên ắng. Nguyên nhân là bởi hầu hết tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc nên khi dịch bệnh do vi rút Corona chủng mới (nCoV) gây ra thì mặt hàng này cũng “đứng bánh”.

Chờ hoài không có người mua

Nhiều người ở đây đã bớt khẩu phần ăn của tôm lại còn khoảng 40 – 60% so với trước và nuôi thêm hàu để cho tôm ăn nhằm giảm chi phí. Nếu tình trạng không có thương lái mua tôm kéo dài thì người nuôi tôm hùm thật sự gặp khó khăn bởi chi phí nuôi ngày càng tăng thêm

Ông Lê Văn Ngọc, xã Xuân Phương, TX.Sông Cầu

Hiện TX.Sông Cầu có khoảng 70.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, trong đó gần 10.000 lồng nuôi tôm đã đến thời kỳ xuất bán nhưng do không có thương lái đến mua nên người nuôi tôm rất lo lắng. Ông Lê Thanh Phong (P.Xuân Yên) đang có lứa tôm hùm vào kỳ thu hoạch, chờ tư thương đến mua nhưng mãi chẳng thấy khiến ông như ngồi trên đống lửa. Ông Phong than: “Trước Tết Nguyên đán, tôm hùm được giá nên gia đình tôi đã xuất bán khoảng 1.000 con. Hiện nay giá tôm hùm thấp hơn trước tết khoảng 200.000 – 300.000 đồng/kg nhưng vẫn chẳng có ai mua. Hiện tôi còn khoảng 3.000 con tôm hùm thịt đã đủ tuổi mà không bán được, trong khi mỗi ngày vẫn phải chi phí khoảng 3 triệu đồng mua thức ăn cho tôm”.

Theo ông Lê Hữu Nam, Phó chủ tịch UBND P.Xuân Yên, cả phường có gần 390 hộ nuôi tôm hùm với số lượng khoảng 9.500 lồng. Đến thời điểm này, tôm hùm đã vào kỳ thu hoạch khoảng 1/4 tổng lượng tôm nuôi trên địa bàn (khoảng 200.000 con). Ông Nam cho biết: “Hiện nay, việc xuất bán tôm của người nuôi trên địa bàn phường gặp khó khăn bởi không có thương lái đến mua. Trước Tết Nguyên đán, người dân xuất bán nhưng chỉ bán cầm chừng, vì theo dự báo sau tết giá tôm hùm sẽ tăng. Không ngờ sau tết lại xuất hiện dịch nCoV nên giá tôm hùm bông hiện chỉ còn khoảng 1,3 – 1,4 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh khoảng 600.000 đồng/kg mà không xuất bán được vì không có thương lái mua”.
Tôm hùm ế ẩm  - ảnh 1

Tôm hùm thu hoạch nhưng rất ít tư thương đến hỏi mua

Nuôi cầm chừng chờ qua dịch

Xuất bán không được nên nhiều người dân đành chấp nhận tiếp tục nuôi đàn tôm quá lứa, chi phí cao mà hiệu quả thấp. Ông Lê Văn Ngọc (xã Xuân Phương) than thở: “Để kéo dài thời gian, nhiều người ở đây đã bớt khẩu phần ăn của tôm lại còn khoảng 40 – 60% so với trước và nuôi thêm hàu để cho tôm ăn nhằm giảm chi phí. Nếu tình trạng không có thương lái mua tôm kéo dài thì người nuôi tôm hùm thật sự gặp khó khăn bởi chi phí nuôi ngày càng tăng thêm”.
Ông Lê Thanh Phong cũng cho biết hầu hết người nuôi tôm hùm ở TX.Sông Cầu đang tìm mọi cách cho tôm ăn cầm chừng nhằm kéo dài thời gian và giảm chi phí đến mức thấp nhất, chờ qua dịch nCoV.
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó trưởng phòng Kinh tế TX.Sông Cầu, khuyến cáo đối với lượng tôm còn tồn, chưa xuất bán được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, tiếp tục chăm sóc tốt và bên cạnh đó cần theo dõi sát tình hình thị trường để xuất bán vào thời điểm thích hợp. Trong quá trình nuôi, cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý và áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học.
“Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi tôm hùm, địa phương kiến nghị tỉnh có chỉ đạo và định hướng cụ thể, đồng thời các doanh nghiệp thu mua cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm một số thị trường khác và thị trường nội địa nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm của ngư dân”, ông Hải Anh nói.

Nguồn : https://thanhnien.vn/

Thủy sản thế giới 2020: Sản lượng tăng, giá giảm

(Thủy sản Việt Nam) – Nhận định về thị trường thủy sản thế giới trong những năm tiếp theo, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều cho rằng, sản lượng của ngành thủy sản tiếp tục tăng và giá thủy sản sẽ không tăng mà có thể sẽ giảm dần do nguồn cung ngày càng phong phú hơn.

Dịch chuyển sang NTTS

Trước kia, khi nói tới ngành thủy sản, người ta đều nói tới khuynh hướng đánh bắt tự nhiên, song khi dân số thế giới ngày càng phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, những năm gần đây hầu hết các nước đều dần chuyển sang NTTS để tránh việc phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên. Xu hướng này vẫn tiếp tục lan rộng khắp thế giới và ngày càng xuất hiện nhiều quốc gia nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản ngày được chú trọng hơn tại nhiều quốc gia. Ảnh: PTC

Thông tin tại Hội nghị Triển vọng toàn cầu cho các Lãnh đạo Nuôi trồng thủy sản (GOAL) 2019 dự báo rằng, sản lượng tôm thế giới tăng 5% năm 2020 đạt trên 5 triệu tấn. GOAL cũng dự báo sản lượng tăng thêm 5% năm 2021 lên gần 5,3 triệu tấn. Như vậy, sản lượng tôm tăng liên tục từ 6,2% trong giai đoạn 2015 – 2017 đến 2021 và dự kiến sau năm 2021 sản lượng tôm vẫn tăng, nhưng sẽ ở một tốc độ chậm hơn. GOAL dự kiến Đông Nam Á sẽ thu vượt 1,8 triệu tấn tôm vào năm 2021, Trung Quốc có thể đạt 1,5 triệu tấn, châu Mỹ ước đạt 1,2 triệu tấn. Ấn Độ dự kiến vẫn ổn định ở dưới mức 600.000 tấn. Sản lượng tôm Thái Lan dự kiến đạt gần 300.000 tấn, Indonesia dự kiến vượt 400.000 tấn năm 2021. Tại châu Mỹ Latinh, sản lượng tôm của Ecuador dự kiến tăng 13% trong giai đoạn 2013 – 2021 với sản lượng ước đạt 600.000 tấn năm 2020 và đạt gần 700.000 tấn năm 2021.

 

Khó khăn ngành tôm chỉ là tạm thời

Hoạt động sản xuất TTCT Ấn Độ gặp nhiều khó khăn trong năm 2019, khiến sản lượng tôm Ấn Độ giảm khoảng 15 – 20%. Hai nguyên nhân chính là dịch bệnh và mưa nhiều. Tôm Ấn Độ hiện hiệu quả chưa cao, tôm nuôi chậm lớn và size nhỏ; song các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao tiềm năng của Ấn Độ và cho rằng Ấn Độ sẽ sớm khắc phục được hạn chế của họ và tôm nước này sẽ có sản lượng và chất lượng tương đương với tôm Việt Nam trong một thời gian không xa nữa.

Năm 2020, các nhà nuôi tôm Ấn Độ dự kiến sẽ khôi phục được sản lượng, do đó, giá tôm Ấn Độ đưa ra trong năm 2020 khả năng cũng không tăng. Ngành tôm Thái Lan cũng phục hồi chậm do dịch bệnh vẫn tiềm ẩn. Trao đổi với phóng viên, một doanh nghiệp nuôi tôm hàng đầu tại Thái Lan cho biết: “Chính phủ chúng tôi chủ động hạn chế nuôi tôm, tránh dịch bệnh lan rộng. Khi khắc phục được dịch bệnh, chúng tôi sẽ nhanh chóng khôi phục được sản lượng, do ngành tôm Thái Lan chủ động được con giống, thức ăn và có thị trường”. Khảo sát các vùng nuôi tôm của Thái Lan cho thấy, các doanh nghiệp Thái Lan đang âm thầm nỗ lực cải tạo con giống, hiện đại hóa các vùng nuôi, nhiều vùng nuôi của Thái Lan đã có đầu tư tương đương với Việt Nam. Năm 2020, Thái Lan rất kỳ vọng sẽ phục hồi ngành tôm của mình và tăng cường xuất khẩu. Trong khi, Ecuador cũng nổi lên như một đất nước nuôi tôm với tỷ lệ thành công cao, rất hiệu quả và giá thành hạ; điều này cho thấy, đây cũng là một đối thủ tiềm tàng của ngành tôm thế giới.

 

Bỏ cá rô phi, nuôi cá tra

Năm 2019, giá cá tra tại các vùng nuôi của Việt Nam có xu hướng giảm; chủ yếu do nguồn cung thế giới ngày càng dồi dào. Năm 2020, tình hình được dự báo cũng không sáng sủa hơn. Sản lượng cá tra của Ấn Độ sẽ tăng. Ấn Độ mở rộng vùng nuôi cá tra từ bang Andhra Pradesh sang các bang Bihar, Tripura, Uttar Pradesh và West Bengal. Liên đoàn Hợp tác Nghề cá (COFFED) cho rằng, sản lượng thủy sản của bang Bihar có thể tăng gấp 10 lần trong 2 năm tới khi nông dân chuyển sang nuôi cá tra thay cá chép bản địa và các loại cá da trơn khác.

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, Việt Nam đã sản xuất 1,42 triệu tấn cá tra trong năm 2018, trong khi đó Ấn Độ đã đạt sản lượng 590.000 tấn; Bangladesh và Indonesia sản lượng lần lượt là 524.000 tấn và 485.000 tấn. Sản lượng cá tra của Ấn Độ sẽ tăng 8% lên 630.000 tấn vào năm 2020, trong khi Indonesia sẽ tăng 16% lên 562.000 tấn trong cùng khoảng thời gian này.

Sản xuất tôm tại các quốc gia lớn ở châu Á (2013 – 2021). Nguồn: GOAL

Diện tích nuôi cá tra tăng đột biến trong mấy năm gần đây là do nhiều quốc gia đã chuyển từ nuôi cá rô phi sang cá tra, dựa trên nền tảng ao nuôi có sẵn, việc dịch chuyển sang nuôi cá tra diễn ra rất nhanh chóng. Hiện tại, đa số các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia chỉ nuôi cá tra để cung ứng cho thị trường nội địa. Trung Quốc cũng khuyến khích nuôi cá tra. Khả năng các nước tham gia xuất khẩu cá tra chỉ là vấn đề thời gian.

 

Thích ứng

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp thủy sản lớn chia sẻ: “Chúng tôi là một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn của thế giới. Theo dõi xu hướng của thị trường, có thể thấy nguồn cung của thế giới ngày càng phong phú, do vậy, giá tôm trong năm 2020 và những năm tiếp theo sẽ khó tăng, thậm chí sẽ giảm”. Theo doanh nghiệp này, nguyên tắc của một ngành nuôi trồng phát triển đó là giá thành sẽ giảm, giá bán giảm, nhưng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng. Giá tôm giảm, sẽ kích thích tiêu dùng, nhiều người sẽ ăn tôm thường xuyên. Như vậy, bù lại việc giá giảm thì sản lượng tiêu thụ sẽ tăng. Bởi vậy, nhìn tổng thể thì các doanh nghiệp cũng không thiệt hại nhiều, mà người tiêu dùng lại có cơ hội tiếp cận với sản phẩm giá cả rẻ hơn.

Theo các doanh nghiệp, ngành tôm đã có bước đột phá về khoa học, hiện nay đã có những quy trình nuôi trồng mà tỷ lệ thành công lên tới 95%, thay vì 50% như trước đây. Trong bối cảnh như vậy, việc sản lượng tôm thế giới ngày càng tăng là điều tất yếu. Để có lợi nhuận tốt, các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam sẽ cần giảm thiểu chi phí, đồng thời tăng sản lượng, mở rộng vùng nguyên liệu.

>> Theo dự báo của FAO, khoảng 31% tổng sản lượng cá tự nhiên và nuôi trồng sẽ được xuất khẩu trong năm 2030 (38% với EU). Tính về lượng, giao dịch sản phẩm dùng cho con người dự báo tăng 24% đạt hơn 48 triệu tấn (60,6 triệu tấn nếu tính cả giao dịch nội khối EU). Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm dự báo giảm từ mức 2,3% trong giai đoạn từ 2013 – 2016 xuống mức 1,5% trong giai đoạn từ 2017 – 2030.

Nguyên Anh

Nguồn : http://thuysanvietnam.com.vn/

Artemia là gì? Cách nuôi Artemia làm thức ăn cho tôm

Artemia có giá trịnh dinh dưỡng cao, là thức ăn giàu đạm tốt cho giai đoạn sinh sản và tạo sắc tố trên tôm cá. Chính vì thế mà chúng được ưa chuộng trong các trại sản xuất tôm. Bài viết này Dr.Tom sẽ giúp bà con tìm hiểu chi tiết xem Artemia là gì và hưỡng dấn cách nuôi Artemia làm thức ăn cho tôm đúng cách.

Artemia là gì?

Artemia là tên khoa học của một loại giáp xác, chúng thuộc ngành Arthropoda, lớp Crustacea, lớp phụ Branchiopoda, bộ Anostraca, họ Artemiidea, giống Artemia. Đây là một loại ấu trùng có chứa nhiều axitamnin, axit béo, chất khoáng, giàu đạm, cần thiết cho sự sinh sản cũng như tạo màu sắc cho tôm cá. Bởi vậy mà Artemia được sử dụng làm thức ăn tươi sống trong các trại sản xuất tôm giống.

Artemia trong tự nhiên

Định nghĩa Artemia là gì?

Artemia đã được tìm thấy nhiều nơi trên thế giới, chúng có khả năng sống ở những vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới cho đến ôn đới. Ở điều kiện tự nhiên, Artemia sống ở độ mặn > 70‰ nhưng vẫn có thể chết ở độ mặn bão hòa của muối là 250‰. Thức ăn nuôi Artemia là các hạt lơ lửng trong nước và các loại sinh vật cỡ nhỏ như tảo và vi khuẩn. Trong điều kiện nuôi ở ruộng muối, Artemia có thể ăn phân hoặc ăn trực tiếp đậu nành hay cám gạo.

Vòng đời của Artemia được diễn ra như sau:

  • Trứng Artemia nở ấu trùng mới có màu vàng cam, một mắt màu đỏ ở phần đầu, ba đôi phụ bộ, chiều dài 400 – 500 µm. Lúc này, bộ máy tiêu hóa của chúng chưa hoàn chỉnh nên chỉ sống dựa vào nguồn noãn hoàng.
  • Sau khi nở 8 giờ, ấu trùng lột xác và có thể tiêu hóa các loại thức ăn kích thước nhỏ từ 1 – 50 µm. Sau 10 – 15 ngày, ấu trùng sẽ trải qua 15 lần lột xác trước khi đến giai đoạn trưởng thành. Lúc này, các đôi phụ bộ lần lượt sẽ xuất hiện ở vùng ngực và dần dần hình thành chân ngực, mắt kép ở hai bên mắt, ống tiêu hóa thẳng, có râu cảm giác.
  • Sau khi trưởng thành, Artemia có sự thay đổi về hình thái và bắt đầu có sự phân biệt giới tính. Các chân ngực được biệt hóa thành ba bộ phận: Chân chính, nhánh chân trong và nhánh chân ngoài dạng màng.
Mô tả vòng đời của Artemia

Mô tả vòng đời của Artemia

Giá trị của Artemia

Artemia cung cấp lượng dinh dưỡng lớn chó tôm cá, chúng có hàm lượng Protein cao đạt khoảng 60 – 70%, hàm lượng đạm đạt khoảng 50%, hàm lượng axit béo không no > 17% mg/g.

Bổ sung Artemia sẽ giúp tôm tiêu hóa dễ dàng hơn, bảo vệ đường ruột khỏi các tác nhân gây bệnh, đồng thời giúp quá trình hấp thụ các chất đạm vào cơ thể tôm được nhanh chóng hơn.

Artemia làm thức ăn cho tôm cá

Artemia làm thức ăn cho tôm cá

Cách nuôi Artemia làm thức ăn cho tôm

Sau khi hiểu được rõ Artemia là gì chắc hẳn bà con đang tò mò không biết cách nuôi Artemia làm thức ăn cho tôm như thế nào? Thông thường, ấu trùng Artemia được sử dụng làm thức ăn cho tôm giống.

Để tạo ra ấu trùng, bà con cần phải trứng Artemia (trứng bào xác). Theo thống kê, hàng năm trên thị trường có khoảng 2.000 tấn trứng bào xác khô được bán ra quanh năm đến từ nhiều nguồn khác nhau như: Mỹ, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam,… Tùy theo từng nguồn mà chất lượng với mức giá cả khác nhau.

Các tiêu chuẩn lựa chọn trứng Artemia :

Artemia là gì

Khi ấp trứng trong nước sau 1 – 2 tiếng, trứng sẽ hút nước và trương thành hình cầu. Sau khoảng 12 – 15 giờ sau, vỏ trứng sẽ bị vỡ ra, phôi sẽ tách rời khỏi vỏ treo lơ lửng ở phía dưới vỏ rỗng, đồng thời xuất hiện tiền ấu trùng nằm trong màng nở. Sau khi màng nở bị vỡ, các ấu trùng sẽ được phóng tích và bơi lội tự do.

Hướng dẫn nuôi Artemia:

  • Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ

— Trứng Artemia đã được khử trùng

— Bể ấp đáy hình chóp trong suốt

— Máy thổi khí

— Đèn neon chiếu sáng

— Lưới lọc nước

— Xô chậu

— Vợt lưới

  • Bước 2: Điều kiện ấp

— Nhiệt độ 28 – 30 oC

— Độ pH từ 8 – 8.5

— Độ mặn 3 – 35‰

  • Bước 3: Nuôi Artemia nước mặn

— Cho lượng trứng đã khử trùng vào bể ấp sau đó cấp nước qua lưới lọc (1 lít nước cho 1 gram trứng) với độ mặn từ 35‰, sau đó sục mạnh để cung cấp hàm lượng oxy nhằm thúc đẩy quá trình hút nước của trứng và kích thích sự phát triển của phôi.

— Chiếu sáng liên tục bằng đèn neon và giữa cho nhiệt độ giao động trong khoảng 28 – 30 oC.

— Sau 24 giờ, 90% lượng trứng sẽ nở, lúc này ấu trùng sẽ được tách ra khỏi vỏ của bào xác.

— 1 giờ trước khi thu hoạch, tiến hành cho vào bể một lượng Formol

— Khi ấu trùng Artemia nở hết, tiến hành tắt sục khí rồi vớt các vỏ bào xác trên mặt nước. Lúc này chỉ cần mở nhỏ van ở đáy bể cho nước và ấu trùng chảy từ từ vào vợt rồi đóng ban trước khi cạn nước.

— Rửa sạch ấu trùng Artemia là chúng ta đã thu được thức ăn dinh dưỡng cho tôm.

  • Bước 4: Nuôi Artemia nước ngọt

Hiện nay, có một số nơi họ nuôi Artemia nước ngọt sinh khối, không cần sục khí oxy và muối hột, trứng được nở sau khoảng 24 – 36 tiếng. Cách ấp cũng khá đơn giản:

— Bỏ trứng Artemia vào bể rồi cấp nước đã được xử lý qua lưới lọc

— Sau 24 giờ trứng sẽ nở và thu được ấu trùng như bước 3.

Kỹ thuật nuôi Artemia

Kỹ thuật nuôi Artemia

Thông thường, ấu trùng Artemia có thể được dùng ngay hoặc dùng dần trong khoảng 24 giờ sau khi trứng nở. Nếu để quá lâu sau 24 giờ, ấu trùng sẽ tiêu thụ hết khoảng 25 – 30% năng lượng dự trữ, khiến giảm chất lượng dinh dưỡng. Artemia có thể trữ lạnh để dùng dần.

Nguồn : https://drtom.vn/

Vừa lỗ hơn ngàn tỷ, Thuỷ sản Hùng Vương vẫn tham vọng lãi 790 tỷ năm 2020

Hung Vuong Panga
Thuỷ sản Hùng Vương nuôi hy vọng ở năm 2020 sau khi bắt tay với THADI

Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) vừa thay đổi kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, thời gian mới dự kiến vào ngày 28/2.

Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) vừa thay đổi kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, thời gian mới dự kiến vào ngày 28/2.

Về kế hoạch trình cổ đông, HVG dự thông qua phương án cho Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp THADI nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 25% vốn mà không phải thực hiện chào mua công khai. Theo nội dung hợp tác chiến lược được ký vào ngày 9/1, THADI sẽ sở hữu 35% vốn HVG và nắm 65% vốn trong liên doanh giữa Hùng Vương và THADI phát triển mảng sản xuất heo giống. Tính đến nay, THADI đã sở hữu 24,28% vốn Hùng Vương, ứng với 53,9 triệu cổ phiếu.

Cùng với đó, Công ty cũng sẽ tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021. Cơ cấu HĐQT hiện nay của Hùng Vương có 5 thành viên, trong đó, ông Dương Ngọc Minh là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.

Cuối cùng về chỉ tiêu kinh doanh, HVG dự kiến trình kế hoạch doanh thu 12.524 tỷ đồng và lợi nhuận 790 tỷ đồng. Trong đó, mảng chế biến cá đem về doanh thu và lợi nhuận cao nhất với lần lượt 6.292 tỷ và 315 tỷ đồng, sau đó là mảng thức ăn thủy sản và thức ăn chăn nuôi.

Tính đến 30/9/2019, HVG có 24 đơn vị thành viên. Về nuôi trồng, Công ty có 3 trại giống, 200 ha vùng nuôi tôm thương phẩm tại Bến Tre, 334 ha vùng nuôi cá tra thương phẩm.

Về chế biến, Công ty sở hữu 11 nhà máy chế biến cá với tổng công suất thiết kế trên 400.000 tấn nguyên liệu/năm và 1 nhà máy chế biến tôm có công suất 7.000 tấn/năm. Hệ thống nhà máy chế biến thủy sản của Hùng Vương có tổng công suất trên 1,5 triệu tấn/năm và 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 500.000 tấn/năm. Công ty cũng đang triển khai 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi khác tại Bình Định.

Tại mảng chăn nuôi heo HVG đang có 3 trại heo giống tại An Giang (2 trại, tổng công suất 20.802 con) và Bình Định (1 trại, công suất 13.154 con).

Về kho lạnh, Công ty hiện sở hữu kho lạnh có sức chứa 12.000 tấn tại Lô 10 Đường Trung Tâm, KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, Tp.HCM. Công ty cũng đã bước vào giai đoạn hoàn thiện kho lạnh mới tại Lô 24, 26 ,28, 30 Đường số 1, KCN Tân Tạo, Tp.HCM. Đây là kho lạnh vận hành theo công nghệ mới nhất, 100% sử dụng rô bốt tự động với quy mô 60.000 pallet, tổng giá trị đầu tư 950 tỷ đồng. Trong đó, phần máy móc thiết bị là 610 tỷ, phần xây dựng là 230 tỷ và giá trị đất là 110 tỷ. Dự kiến tháng 9/2020 đưa vào khai thác.

Cũng trong năm 2020, Công ty dự kiến khởi động lại dự án Kho lạnh tại Lô C10 – C12, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Tp.HCM, diện tích đất sử dụng là 41.767,6 m2. Dự án này đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn ban đầu 469,5 tỷ đồng.

Tri Túc Tri thức trẻ

Thủy sản Cà Mau tìm cách kéo giảm thiệt hại do tác động của dịch Corona

Ngành thủy sản Cà Mau mỗi năm đem về 1,2 tỉ USD đang bị tác động bởi dịch Corona (ảnh Nhật Hồ)
Ngành thủy sản Cà Mau mỗi năm đem về 1,2 tỉ USD đang bị tác động bởi dịch Corona (ảnh Nhật Hồ)
Sau nông sản, thủy sản cũng bắt đầu chịu tác động vì dịch cúm qua đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Các tỉnh nuôi trồng, chế biến thủy sản lớn khu vực phía Nam bắt đầu tìm giải pháp ứng phó hiệu ứng này.

Thiệt hại… vô hình

Cà Mau là một trong những tỉnh, thành phố có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất cả nước, khoảng 302.000ha, sản lượng tôm nuôi hàng năm đạt trên 300.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt gần 1,2 tỉ USD. Nghề nuôi trồng và chế biến thuỷ sản còn là nguồn sinh kế cho trên 305.000 hộ dân và tạo nhiều việc làm ổn định trong các nhà máy chế biến thuỷ sản và các ngành thương mại, dịch vụ liên quan.

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều nhận định: Với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, trong những ngày gần đây và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hoá để tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng, thương mại nông – lâm – thuỷ sản sẽ chịu những tác động tiêu cực.

Dịch bệnh Corona ảnh đã ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản Cà Mau (ảnh Nhật Hồ)
Dịch bệnh Corona ảnh đã ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản Cà Mau (ảnh Nhật Hồ)

Tổng thư ký Hội Chế biến thuỷ sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau Trần Hoàng Em cho biết: Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu trong toàn tỉnh đạt trên 1,15 tỉ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng khoảng 6 – 7%, tương đương hơn 102 triệu USD. Riêng tháng 1.2020, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này 6,99 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng khiến cho việc xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc. Trước tác động từ dịch Corona, các doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó trong việc thông quan sản phẩm đến thị trường này.

Ông Trần Hoàng Em nhận định: Do đầu năm các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động nên số hợp đồng phát sinh chưa nhiều, phần lớn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp có thị trường lớn, truyền thống tại Trung Quốc, còn các thị trường khác tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Corona kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường Trung Quốc và lan sang các thị trường lân cận, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu.

Nguy cơ bị huỷ các đơn hàng do các nước thực hiện các biện pháp đi lại và đóng cửa kinh doanh sẽ gây khó khăn về tài chính, hàng hoá tồn kho đối với doanh nghiệp trong nước. Theo đó, đã tác động đến việc thu mua tôm nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản và sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ nuôi tôm, nhất là về giá thành.

“Theo ghi nhận, vào ngày 5.2, phía đối tác Trung Quốc ra thông báo tạm dừng 2 hợp đồng nhập khẩu thuỷ sản của Công ty Cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thuỷ sản Thanh Đoàn sang thị trường này”, ông Trần Hoàng Em cho biết.

Tìm cách kéo giảm thiệt hại

Theo ngành nông nghiệp, dịch bệnh Corona không chỉ tác động xấu đến thị trường xuất khẩu thuỷ sản mà còn nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Hiện nay giá cua biển trên thị trường Cà Mau đã sụt giảm hơn 100 ngàn đồng/kg so với trước khi phát sinh dịch bệnh, giá tôm nguyên liệu cũng sụt giảm nhẹ, kéo theo các mặt hàng nông sản khác cùng giảm giá.

Với tình hình dịch bệnh chưa được khống chế như hiện nay, các doanh nghiệp và người dân sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Ông Trần Hoàng Em đề xuất, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngân hàng thương mại cùng phối hợp với các doanh nghiệp nắm lại tình hình cụ thể để có phương hướng, giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm mức lãi suất thanh toán cho một số doanh nghiệp thuỷ sản có lô hàng tạm dừng xuất khẩu do ảnh hưởng dịch bệnh. Ngành điện cần có giải pháp gia hạn thời gian thu tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu.

Ảnh hưởng dịch bệnh xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ vô cùng khó khăn (ảnh Nhật Hồ)
Ảnh hưởng dịch bệnh xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ vô cùng khó khăn (ảnh Nhật Hồ)

Trước tình hình này, Sở NNPTNT Cà Mau đề nghị định kỳ thứ 2 hằng tuần, Phòng NNPTNT các huyện và Phòng Kinh tế TP Cà Mau báo cáo thêm nội dung giá một số sản phẩm ngư, nông, lâm nghiệp về các Chi cục chuyên ngành thuộc Sở NNPTNT để tổng hợp theo lĩnh vực.

Đối với sản xuất tôm, nếu tôm đã đến ngày thu hoạch, khuyến cáo người dân nắm bắt tình hình giá cả thị trường. Nếu trọng lượng tôm chưa đạt, khuyến cáo chờ thêm thời gian để bình ổn thị trường. Nếu người dân chuẩn bị thả giống, khuyến cáo thả thưa.

NHẬT HỒ
Nguồn : https://laodong.vn/