Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Thay đổi tư duy để nuôi tôm an toàn

Một loại hóa chất dùng diệt khuẩn khi tôm gặp “sự cố” mà người nuôi thường sử dụng​

“Không dùng thuốc tôm không to”

Những năm trước, tại những vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở các địa phương ven biển, tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh cho tôm tràn lan, phổ biến đến mức cơ quan chức năng khó kiểm soát. Tình trạng này hiện có thuyên giảm, nhưng chỉ những lúc thuận trời, tôm không xảy ra dịch bệnh. Và chỉ những người nuôi “rủng rỉnh” nguồn vốn mới hướng đến việc áp dụng công nghệ an toàn sinh học vào hồ nuôi.

Hồ nuôi của anh Hồ Văn Lưỡng tại vùng nuôi xã Phong Hải, huyện Phong Điền đang vào giai đoạn thu hoạch. Tôm đã đạt cỡ 40-50 con/kg nhưng vì giá thấp nên anh quyết định chờ. Vụ này, thuận trời, tôm phát triển tốt nên dự báo sản lượng sẽ rất cao. Hỏi chuyện có sử dụng thuốc kháng sinh hay không, anh khoe: “Vụ ni, tôm của tui không xảy ra dịch bệnh nên không sử dụng kháng sinh”.

Theo nhiều người nuôi, xét về chuyên môn, khi tôm đã đạt trọng lượng, kích cỡ như hộ anh Lưỡng thì tôm khó xảy ra dịch bệnh và không sử dụng kháng sinh là điều đương nhiên. Người nuôi cũng tiết lộ, giai đoạn bắt đầu thả giống đến khoảng 20 ngày tuổi, việc sử dụng kháng sinh là điều phải làm nếu không muốn tôm còi cọc, dịch bệnh xảy ra.

Người nuôi tôm xã Phong Hải dùng rớ kiểm tra kích cỡ tôm

Đến trại tôm của anh N.V.H (xã Phong Hải, huyện Phong Điền), sau một hồi lưỡng lự, anh H. cũng giới thiệu cho tôi một số loại muối khoáng, thuốc kháng sinh, trị bệnh trên tôm mà anh đã sử dụng trong giai đoạn tôm mới xuống giống như, cefotaxime, cavarol, biotical…. “Không có thuốc thì tôm không thể to được, tùy theo kích cỡ tôm mà sử dụng thuốc phù hợp. Khi dịch bệnh xảy ra phải tăng liều lượng thuốc, thậm chí phải mua thuốc tây trị bệnh cho người để trị cho tôm”, anh H. nói.

Ngoài các loại thuốc tây, trong quy trình nuôi tôm của người dân ven biển, thuốc nam được họ sử dụng khá phổ biến. “Lá cây chó đẻ, rể cây cà gai leo dùng trị bệnh gan và đường ruột. Ngoài ra còn có lá tam thất (cây cộng sản) để trị bệnh. Thông thường, tụi tui thường chuần bị những loại lá cây này ngay từ đầu vụ. Để dễ bảo quản thì thường mua lá cây khô. Khi sử dụng lá nấu lên, lấy nước cốt rồi trộn vào thức ăn của tôm”, anh H. tiết lộ.

Khảo sát tại các vùng nuôi tôm ven biển, không chỉ trại nuôi của anh H. mà nhiều hộ nuôi tôm trên cát tại vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) vẫn còn sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc tây và thuốc nam. “Khi tôm xảy ra dịch bệnh, chủ hồ thường lúng túng, họ tìm mọi cách để trị, trong đó có cả việc dùng thuốc tây cho người như, Teraxinlin, Becberin…Với người huôi tôm dường như không thể không dùng kháng sinh và thuốc”, anh N.T., một người nuôi tôm thuê cho chủ ở Phong Điền nói.

Người dân vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) thu hoạch tôm thẻ chân trắng

Thay đổi tư duy để con tôm vươn xa

Nuôi tôm trên cát luôn đòi hỏi chi phí đầu tư cao, chỉ một sơ suất nhỏ, người nuôi lỗ hàng trăm triệu đồng. Do vậy, cơ quan chức năng thường khuyến cáo ngươi dân cần nuôi tôm theo phương pháp an toàn, song chính tư duy sản xuất của người dân khiến cách nuôi chưa thể thay đổi.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh cho rằng, so với trước đây, tình trạng sử dụng kháng sinh và các loại tân dược đã giảm nhưng vẫn còn tình trạng người dân lén lút sử dụng. “Với người nuôi tôm, họ đầu tư số tiền rất lớn nên khi xảy ra dịch bệnh thường hoang mang, truyền tai nhau nhiều phương pháp để cứu tôm, trong đó có việc lén lút sử dụng tân dược. Nếu phát hiện thì chế tài xử phạt cũng không là bao so với số tiền họ đã đầu tư”, ông Khoa chia sẻ.

Hiện nay, có nhiều loại thuốc kháng sinh trong danh mục cho phép sử dụng. Tuy nhiên, mức độ, liều lượng sử dụng phải hợp lý. Các chuyên gia thủy sản khuyến cáo việc sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể gây tác dụng ngược, các vi khuẩn có lợi sẽ bị tiêu diệt. Ngoài ra, lạm dụng kháng sinh sẽ nguy hại cho hệ vi khuẩn trong hồ nuôi. Thực tế, chính tư duy “ăn xổi” của người nuôi khiến nhiều lần lâm vào cảnh “được mùa mất giá”. Những doanh nghiệp thu mua có thể bao tiêu sản phẩm giá cao lưỡng lự vì không kiểm soát được quy trình, chất lượng tôm nuôi.

Với phương pháp nuôi tôm tự phát hiện nay rất dễ xảy ra việc tồn đọng dư lượng kháng sinh cao trong tôm khiến tôm không đạt chuẩn để xuất khẩu, theo đó giá trị tôm sẽ bị giảm xuống, qua đó làm giảm giá thành xuất khẩu, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các hộ nuôi.

Tại thông báo kết quả giám sát các chất độc hại trong thủy sản nuôi tháng 8 và tháng 9/2019 của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung bộ, Thừa Thiên Huế có 11 mẫu thủy sản nuôi được kiểm nghiệm. Theo đó, mặc dù không có mẫu tôm nào bị phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, nhưng lại có đến 8 mẫu không đạt giới hạn cho phép về chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu được phân tích để xuất khẩu.

“Việc sử dụng kháng sinh phù hợp trong nuôi trồng thủy sẽ ít ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con giống. Trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày không sử dụng kháng sinh là cách tôm không có tồn dư kháng sinh khi test mẫu. Song, muốn tăng chất lượng sản phẩm để vươn tầm, người nuôi phải thay đổi tư duy, tiến tới nuôi tôm an toàn”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phan Thị Thu Hồng khuyến cáo.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

Nguồn : https://baothuathienhue.vn/

Cà Mau: Nuôi tôm siêu thâm canh năng suất đạt 60 tấn/ha/vụ

(Cổng ĐT HND)- Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Tân có trên 430 hộ nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh với diện tích gần 480 ha. Năng suất đạt từ 40-60 tấn/ha/vụ.
Hồ nuôi tôm thẻ chân trắng của hộ ông Ngô Minh Thông.

Trong đó có mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong đầm nổi theo công nghệ Bioloc được hộ ông Ngô Minh Thông, ấp Cống Đá, xã Phú Tân thực hiện đạt hiệu quả kinh tế cao.

Cuối năm 2019, ông Thông được đầu tư gần 90 triệu đồng từ nguồn vốn khoa học công nghệ năm 2019 thực hiện 02 đầm nổi, diện tích 500 m2/đầm. Đến nay, tôm được trên 90 ngày tuổi với trọng lượng 30 con/kg, ước tính thu hoạch đạt gần 5 tấn, lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Ông Thông cho biết: Việc nuôi tôm thẻ siêu thâm canh trong đầm nổi thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi, các chỉ tiêu môi trường luôn duy trì ổn định; sử dụng vi sinh định kỳ trong suốt quá trình nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tôm nuôi phát triển tốt, dễ thu gom chất thải…

Ông Tô Hoàng Nhàn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thực hiện mô hình này giúp bà con giảm chi phí đầu tư thực hiện trong quá trình nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây là yếu tố cơ bản mà ngành chuyên môn và người dân đang từng bước rút kinh nghiệm thực hiện trong quá trình sản xuất.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong đầm nổi hộ ông Ngô Minh Thông được nhiều người dân địa phương tham quan học hỏi, ngành chuyên môn đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần giúp bà con phát triển nuôi tôm theo hướng công nghiệp, bền vững.

Anh Phan
Nguồn : http://www.hoinongdan.org.vn/

Kinh nghiệm chọn mua tôm hùm xanh tươi ngon nhất

Từ thời xa xưa, tôm hùm xanh đã trở thành món hải sản cao cấp được nhiều người yêu thích. Bởi nó có hương vị thơm ngon, cung cấp nhiều dưỡng chất và có thể chế biến được nhiều món khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được cách chọn mua tôm hùm tươi ngon chất lượng. Nhiều trường hợp mua phải loại tôm để lâu, thịt óp, khi ăn không còn vị ngọt dai của từng thớ thịt như những con tôm tươi. Hãy cùng tham khảo kinh nghiệm chọn mua tôm hùm tươi ngon trong bài viết này.

Tổng quan về tôm hùm xanh

Tôm hùm xanh hay còn được gọi là tôm hùm đá, chúng thuộc ngành Arthropoda, lớp Malacostraca, bộ Decapoda, họ Palinuridae, giống Panulirus, loài Panulirus ornatus.

Đây là loại tôm có kích thước lớn, hàm lượng dinh dưỡng cao, chúng sống tại các vùng nước mặn từ 30 -36 ‰. Tôm hùm xuất hiện nhiều trong các nhà hàng khách sạn, các buổi tiệc sang trọng một cách dễ dàng và tiện lợi.

Tôm hùm nuôi xanh tại Việt Nam

Tôm hùm đá Việt Nam

Tôm hùm có chất lượng tuyệt đỉnh, cung cấp protein và không có chất béo bão hòa cao như các sản phẩm giàu chất béo khác. Thức ăn chủ yếu của chúng là tôm, giáp xác nhỏ, nhuyễn thể,… đảm bảo được độ tinh sạch và chất lượng trong từng thớ thịt. Chính vì lý do đó mà tôm hùm có mức giá cao hơn rất nhiều các loài tôm thẻ, tôm sú,….

Thịt tôm có chứa nhiều các loại dinh dưỡng như sắt, canxi, omega-3. Tôm có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn khác nhau như làm lẩu, hấp, nướng, nấu cháo, gỏi tôm, sốt, rang, rim,… tạo sự đa dạng cho bữa ăn gia đình.

Trên thế giới, tôm hùm được phân bố chủ yếu ở các vùng biển nhiệt đối đến Á nhiệt đới như khu vực: Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,… Tại Việt Nam, tôm hùm có nhiều ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, đặc biệt phân bố nhiều ở các khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận và Thuận.

Ưu điểm nuôi tôm hùm xanh

Trước đây, tại Cam Ranh đã có nhiều hộ nuôi thành công vào việc nuôi tôm hùm xanh. Nhiều người dân chia sẻ “loại tôm hùm này có nhiều ưu điểm hơn so với tôm hùm bông về mặt giá thành ổn đinh, tôm giống dễ mua, giá rẻ, thời gian nuôi ngắn, thu hồi vốn nhanh,thức ăn đơn giản mà giá trị dinh dưỡng cũng cao.”

Nuôi tôm hùm xanh với nhiều ưu điểm 

Nuôi tôm hùm với nhiều ưu điểm 

Đặc biệt, loại tôm hùm này ít dịch bệnh nên chiếm được sự tin tưởng của người nuôi trồng thủy sản tại địa phương với các ưu điểm cụ thể như:

  • Nuôi trong thời gian ngắn, thu hồi vốn nhanh.
  • Thức ăn dễ làm, không cầu kỳ, chi phí thấp.
  • Thích hợp với điều kiện môi trường Cam Ranh, dịch bệnh ít hơn so với tôm hùm
  • Hiệu quả kinh tế cao, thành phẩm chất lượng.

Hiện tại, một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và tiếp tục nuôi tôm hùm, cung cấp ra thị trường những thành phẩm chất lượng để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, không phải tôm hùm nào cũng ngon, nên khi lựa chọn người mua cần phải lưu ý, tránh lãng phí số tiền mình bỏ ra.

 

Kinh nghiệm chọn mua tôm hùm xanh tươi ngon

  • Chọn mua tôm hùm còn sống, khỏe mạnh, bơi khỏe dưới nước. Khi cầm tôm lên phải đảm bảo phần thân của nó cong lại và càng vẫn đạp mạnh thì đó là tôm hùm chất lượng.
  • Tôm hùm ngon nhất thường có trọng lượng trong khoảng từ 1.3 – 1.5 kg. Đây là kích thước chuẩn để chế biến, không nên chọn những con quá bé hoặc quá to.
  • Một con tôm hùm tươi cần đảm bảo có lớp vỏ bên ngoài cứng bóng loáng với màu sắc tươi sáng. Càng tôm có màu xanh trong.
  • Lựa chọn những con tôm có phần khớp nối giữa đầu và mình khít nhau. Không nên chọn những con tôm hùm có phần thịt bị lồi lên giữa những khớp nối, vì những con đó đã chết lâu và không còn tươi nữa.
Thịt tôm hùm lồi lên giữa khớp nối

Thịt tôm lồi lên giữa khớp nối

  • Không chọn những con tôm hùm có càng và chân mỏng, dễ gãy rụng, những con đó đã ươn thịt sẽ không còn ngọt nữa.
  • Dùng ngón tay chạm vào, nếu thấy tôm chảy nhớt hoặc những con có mùi hôi bốc lên thì đây là những con đã chết lâu, thậm chí đã thối, không nên mua những loại tôm này.

Để đảm bảo lựa chọn được tôm xanh tươi ngon, bạn cần lựa chọn địa chỉ cung cấp uy tín. Không nên mua hàng rẻ, hàng đại hạ giá vì như thế tôm hùm sẽ không còn tươi.

Nguồn : https://drtom.vn/

Những lợi ích bất ngờ khi ăn tôm hùm

Nguồn: Lovevideorecipes

Sóc Trăng: Huyện Mỹ Xuyên đã cải tạo gần 13.000 ha nuôi tôm

Ngày 20/2, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cùng các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát lịch mùa vụ thả nuôi tôm 2020 trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên.

Năm 2019, diện tích nuôi tôm của huyện Mỹ Xuyên hơn 20.200 ha, diện tích thiệt hại 8%, nguyên nhân do tôm bị sốc môi trường, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, bệnh đốm trắng và hoại tử gan cấp. Hiện nay, tại địa phương độ mặn thời điểm cao nhất đo được lên đến 14‰, tăng 7‰ so cùng kỳ năm 2019, có khả năng độ mặn tăng cao vào khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Qua nhận định tình hình môi trường, thời tiết, dịch bệnh và từ kết quả vụ nuôi tôm 2019, Phòng NN&PTNT huyện xây dựng khung mùa vụ thả tôm nước lợ năm 2020 trên địa bàn sớm hơn 1 tuần so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sẽ thả nuôi vào đầu tháng 3 đến cuối tháng 6, riêng tôm sú kết thúc thả nuôi trong tháng 5.

Khảo sát thực tế mô hình nuôi tôm tại HTX đạt chứng nhận ASC. Ảnh Thúy Liễu

Hiện nay, người nuôi tôm trong huyện đã cải tạo gần 13.000 /17.000 ha diện tích thả nuôi, diện tích lấy nước vào ao nuôi hơn 3.400 ha và số diện tích thả nuôi trước khung lịch thời vụ tại một số xã ước 276 ha, trong đó 242 ha tôm thẻ, còn lại là tôm sú.

Thúy Liễu
Nguồn: Thủy sản Việt Nam

Sử dụng dịch nano bạc khử khuẩn, người nuôi tôm thu lợi nhuận gấp ba

Sau khi thử nghiệm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng dùng dịch nano bạc khử khuẩn do Viện Công nghệ Nano (INT) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện, vụ tôm của Công ty TNHH Hoàng Vũ đã thu về lợi nhuận gấp 3 lần so với cách nuôi trước đây.

Dịch bệnh đe dọa ngành tôm
Tôm thẻ chân trắng ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chủ yếu được nuôi thâm canh bởi có ưu điểm là thời gian nuôi ngắn (2,5 – 3 tháng), có thể nuôi với mật độ cao, thu hoạch sản lượng lớn. Tuy nhiên, nuôi thâm canh đòi hỏi kỹ thuật cao cũng như vốn đầu tư lớn và nguy cơ dịch bệnh bùng phát luôn thường trực: 15 – 20% diện tích nuôi tôm bị thiệt hại bởi dịch bệnh hàng năm.
Trong số các vi sinh vật gây bệnh trên tôm, vi khuẩn Vibrio spp. là tác nhân phổ biến nhất. Đặc biệt, Vibrio spp. gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, một trong những dịch bệnh đáng lo ngại nhất trên tôm nuôi hiện nay với hậu quả là tôm chết sớm. Để phòng ngừa bệnh này, hầu hết các trại sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm đã dùng nhiều kháng sinh và hóa chất trong xử lí môi trường nước nuôi để kiểm soát sự tồn tại và hoạt động của Vibrio spp. trong môi trường nước. Tuy nhiên hiệu quả không được như mong đợi khi ngày càng có nhiều loại thuốc kháng sinh bị đề kháng. Ngoài ra, kháng sinh và hóa chất còn gây tồn dư trong tôm, dẫn tới việc giảm năng suất và chất lượng của tôm.

Dung dịch nano bạc do INT nghiên cứu

Dung dịch nano bạc do INT nghiên cứu, sản xuất Ảnh: INT
Trước thực tế đó, Viện Công nghệ nano đã thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình nuôi tôm bền vững tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên kiểm soát và xử lý nước ao tôm bằng vật liệu và công nghệ nano”. Đây cũng đề tài trong Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2014 – 2019 “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ” do TS Đoàn Đức Chánh Tín, Viện Công nghệ Nano, làm chủ nhiệm. Đề tài được triển khai từ năm 2017 – 2019.
Lợi nhuận gấp ba nhờ naono bạc
TS Đoàn Đức Chánh Tín cho biết, sau khi nghiên cứu và chế tạo thành công các hạt nano bạc cho mục đích diệt vi khuẩn trong nước ao nuôi tôm, nhóm thử nghiệm tại Trại thực nghiệm nuôi tôm của Viện Công nghệ Nano và xác định được nồng độ an toàn của dung dịch nano bạc (AgNPs) đối với tôm thẻ chân trắng. Sau đó, nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn tại ao tôm của Công ty TNHH Hoàng Vũ, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Trong mô hình này, tôm được ương trong ao ương có diện tích 1.000 m2. Từ lúc mới thả đến 50 ngày nuôi, tôm được chuyển một nửa từ ao ương sang ao mới có diện tích bằng diện tích ao ương và nuôi ở 2 ao này trong 40 ngày tiếp theo. Sau 90 ngày nuôi, tôm được chuyển hoàn toàn sang nuôi trong ao đất với diện tích ao khoảng 4.000 m2 cho đến lúc thu hoạch.

Rải

RảiAgNPs xuống ao nuôi tôm Ảnh: INT
Nhóm nghiên cứu sử dụng hệ thống cảm biến nano (cũng do Viện Công nghệ Nano nghiên cứu, chế tạo) để đo đạc các thông số môi trường nước hàng ngày trong suốt quá trình nuôi. AgNPs được sử dụng để diệt khuẩn trong nước nuôi tôm tại thời điểm trước khi thả tôm giống 24 giờ và trong giai đoạn ao ương.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, các thông số môi trường nước nhờ được đo đạc hàng ngày bằng hệ thống cảm biến, nên luôn được kiểm soát ở ngưỡng cho phép, phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm trong suốt quá trình nuôi, nhờ đó tiết kiệm được chi phí sử dụng hóa chất để xử lý và duy trì chất lượng nước ổn định.
AgNPs bổ sung vào ao nuôi tôm trước khi thả tôm giống giúp hạn chế sự phát triển Vibrio.spp trong nước, đảm bảo an toàn cho tôm ở giai đoạn mới thả nuôi. So với mô hình nuôi đối chứng mà Công ty Hoàng Vũ đang triển khai, mật độ Vibrio spp. trong nước ở ao nuôi thử nghiệm trong 45 ngày đầu tiên và tỉ lệ khuẩn lạc xanh thấp hơn, tôm không bị hoại tử gan tụy và không chết sớm.
Ngoài ra, sử dụng AgNPs không làm ảnh hưởng đến thành phần và mật độ vi tảo trong ao, không làm ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có lợi khác. Tôm nuôi theo mô hình thử nghiệm tăng trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống và cho kích cỡ thu hoạch cao hơn so với mô hình nuôi tôm thâm canh đối chứng.

Dùng cảm biến

Dùng cảm biến nano trên ao nuôi và đo, xử lý số liệu tại Phòng thí nghiệm
của Công ty Hoàng Vũ Ảnh: INT
Theo Công ty TNHH Hoàng Vũ, chi phí đầu tư cho mỗi hệ thống ao nuôi vào khoảng 900 triệu đồng, bao gồm đầu tư ban đầu, tôm giống, thức ăn, nhân công, hóa chất,… Lợi nhuận thu được ở hệ thống ao nuôi áp dụng xử lý diệt khuẩn bằng nano bạc vào khoảng 2,1 tỉ đồng/vụ. Trong khi đó, lợi nhuận ở hệ thống ao nuôi đối chứng chỉ vào khoảng 700 triệu đồng cho một vụ nuôi trong 4 tháng.
Ngoài ra, khi so sánh với kết quả nuôi tôm thâm canh thông thường trong ao đất (không dùng ao ương mà thả trực tiếp nuôi trong ao lớn) được tiến hành ở trại nuôi tôm Hoàng Vũ trong cùng thời gian, diện tích, cũng cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội của hệ thống ao thử nghiệm. Cụ thể, lợi nhuận ở tôm nuôi thâm canh trong ao đất chỉ khoảng 550 triệu đồng/vụ, trong khi số tôm giống thả ban đầu cao hơn.
TS Đoàn Đức Chánh Tín cho biết, qua kết quả thử nghiệm thực tế tại trại tôm Công ty TNHH Hoàng Vũ, mô hình nói trên được lãnh đạo xã Bình Thới, huyện Bình Đại ủng hộ và đồng ý hỗ trợ để nhân rộng mô hình.
Kiều Anh
Nguồn :http://khoahocphattrien.vn/

Qatar mở trang trại nuôi tôm siêu thâm canh đầu tiên

nuôi trong nhà
Nuôi trồng thủy sản ở Qatar

 

Trang trại nuôi tôm trong nhà siêu thâm canh đầu tiên tại Qatar đã được Blue Aqua International và ITQAN chính thức khai trương.

Trang trại mới đang xây dựng tại làng Al Areesh – Shamal, phía bắc Qatar, được thiết kế với công suất sản xuất 1000 tấn bao gồm trại sản xuất giống, trại nuôi thương phẩm, phòng thí nghiệm

Tiến sĩ Farshad Shishehchian – giám đốc của Blue Aqua International nói rằng dự án sẽ sử dụng những công nghệ mới trong nuôi tôm mà công ty đã nghiên cứu như phương pháp nuôi sử dụng hệ thống Mixotrophic, áp dụng các công nghệ được cải tiến mới nhất bao gồm hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn xanh – sạch (green-to-clean) và công nghệ nuôi trong nhà AgroDome housing.

Trong khi đó, Chủ tịch ITQAN – ông Musallam Al-Nabit cam kết mọi sản phẩm tôm của dự án nuôi siêu thâm canh này sẽ là những con tôm chất lượng cao nhất mà người tiêu dùng Qatar được thưởng thức.

Mối quan hệ đối tác mới sẽ tận dụng sức mạnh kết hợp giữa năng lực hoạt động của ITQAN và kiến thức kỹ thuật của Blue Aqua trong canh tác để mang lại một trang trại kiểu mẫu cho khu vực. Sự kết hợp giữa ITQAN và Blue Aqua International được dự đoán sẽ mang đến một trang trại nuôi thâm canh thắng lợi lớn. Hiện nay, họ đã phát triển một phương pháp nuôi siêu thâm canh và thiết kế hệ thống trang trại có năng suất cao, có khả năng sử dụng hiệu quả nước, năng lượng và không gian – vốn là những yếu tố quan trọng trong xu hướng phát triển của ngành tôm toàn cầu hiện nay.

Theo The Fish Site