Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Mỹ thu hồi tôm trên diện rộng vì nguy cơ nhiễm khuẩn Vibrio

Vibrio parahaemolyticus
Vibrio parahaemolyticus được hiển thị ở đây trong một đĩa nuôi cấy. Ảnh: foodsafetynews

Công ty AFC Distribution Corp ở California (Hoa Kỳ) thu hồi sushi từ 40 tiểu bang vì nguy cơ nhiễm khuẩn Vibrio.

AFC Distribution Corp – một công ty thực phẩm lớn có trụ sở tại Ranchi Toduez tại California đang thu hồi trên diện rộng một loại sushi ở các nhà bán lẻ vì một số lô có thể bị nhiễm khuẩn Vibrio một sinh vật cực nhỏ có thể gây bệnh ở người.

Vibrio parahaemolyticus là một loại vi khuẩn gram âm, hình dấu phẩy. Môi trường sống tự nhiên của nó là nước lợ hoặc nước mặn và có thể lây nhiễm cho con người thông qua hải sản sống và vết thương hở.

Công ty đã thông báo thu hồi toàn bộ sushi ebi của mình với hạn ngày bán đến hết ngày 13 tháng 3. Công ty đã bắt đầu thu hồi vào ngày 13 tháng 3. Các cán bộ của công ty đã không đưa ra báo cáo cụ thể về việc nhiễm Vibrio parahaemolyticus vào sản phẩm sushi này. Việc thu hồi sushi liên quan bao gồm tất cả các sản phẩm có chứa tôm ngày bán từ ngày 19 tháng 2 đến ngày 13 tháng 3.

Tên cụ thể của sản phẩm thu hồi la Cooked Butterfly Tail-On Whiteleg Tôm (Sushi Ebi) được phân phối cho các quầy sushi bán lẻ của công ty có liên kết. Sản phẩm này được chế biến thành các món sushi được chuẩn bị trong các cửa hàng tạp hóa, quán ăn tự phục vụ và trung tâm ăn uống của công ty ở các tiểu bang Hoa Kỳ.

Trong khi AFC Distribution Corp đã ngừng sản phẩm bị thu hồi, phía công ty cũng kêu gọi bất kỳ ai có bất kỳ sản phẩm nào của AFC có chứa tôm thì nên nấu chín để loại bỏ vi khuẩn hoặc trả lại sản phẩm cho điểm mua của họ để được hoàn trả đầy đủ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, bất cứ ai đã ăn bất kỳ sản phẩm sushi bị thu hồi và có các triệu chứng nhiễm trùng từ Vibrio parahaemolyticus nên ngay lập tức tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Các triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt và ớn lạnh. Kể từ khi đăng thông báo thu hồi, không có bệnh nào được xác nhận liên quan đến sushi bị thu hồi.

Thanh Vân VietQ

Thị trường EU: Trong mờ mịt COVID-19, tôm Việt vẫn có đường sáng

Nông dân nuôi tôm
Thị trường càng khó khăn, người nuôi càng phải bình tĩnh.

Ngành tôm phải nhìn ra được cơ hội khi thị trường chao đảo do tác động của COVID-19.

EU vốn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 20,6% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Hiện nay, việc Châu Âu trở thành điểm nóng trong trận chiến với COVID-19 đã mang đến nỗi lo lớn cho ngành sản xuất tôm.

Trong khi những thị trường tiêu thụ chính vẫn đang chìm trong cuộc chiến mờ mịt chống lại COVID-19 thì cũng là thời điểm ngành nuôi tôm bước vào vụ nuôi chính, các nước châu Á bắt đầu đồng loạt thả nuôi. Cho đến nay, giá tôm ở Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam chỉ mới xuất hiện những biến động nhỏ, nhưng với tình hình sản lượng tăng trong vài tháng tới và diễn biến dịch bệnh chưa có dấu hiệu khởi sắc, các nước nuôi tôm đều lo lắng đứng ngồi không yên.

Dịch bệnh khiến người dân dừng các hoạt động du lịch, giải trí, kinh doanh,… các ngành dịch vụ gặp phải thảm họa, trong đó có dịch vụ ẩm thực cũng không ngoại lệ, mặt hàng tôm rơi vào vòng nguy hiểm khi hầu hết tôm ở châu Âu được tiêu thụ trong các nhà hàng. Thông thường, thị trường EU có nhu cầu tôm tăng đột biến vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Năm 2020, những ngày lễ này diễn ra vào khoảng ngày 5 – 11/4.  Tuy nhiên, có khả năng dịch bệnh sẽ khiến mùa lễ hội trở nên ảm đạm, các nhà hàng vẫn sẽ đóng cửa trong lễ Phục sinh, kết quả là các nước xuất khẩu tôm sẽ mất một mùa buôn bán lớn trong năm.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở khía cạnh lạc quan hơn thì tôm đông lạnh trong các chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ đang tăng vọt. Một số siêu thị lớn ở Hà Lan tổng kết doanh số bán tôm của họ tăng 1,4 – 2,2 lần so với bình thường. Mặc dù doanh số bán lẻ có thể chậm lại khi người dân bắt đầu quen với tình huống mới và ngừng mua sắm hoảng loạn, thì vẫn có khả năng doanh số bán lẻ tôm vẫn ở mức cao hơn bình thường do nhà hàng, quán ăn bị đóng cửa.

Câu hỏi đặt ra cho các nước xuất khẩu tôm như Việt Nam là liệu doanh số bán lẻ tăng có bù đắp được cho khoảng mất mát ở những kênh tiêu thụ khác không? Đáng buồn, câu trả lời cho đa số là không.

Đối với người tiêu dùng châu Âu, tôm là một sản phẩm tương đối khó để nấu tại nhà, mặc dù tiêu thụ tôm tại nhà sẽ tăng nhưng không thể hy vọng ở mức nhiều như thông thường. Hơn nữa, bán lẻ có tính chất là sản phẩm nhỏ, doanh số thu được không thể nào bằng những lô tôm khổng lồ mà các nhà hàng thường tiêu thụ. Do đó, tiêu thụ tôm tổng thể của châu Âu theo dự đoán có khả năng giảm tới 20% cho đến tận mùa hè.

Các quốc gia đang tập trung cho kênh bán buôn ở châu Âu như Bangladesh, Ấn Độ sẽ phải đối mặt tình huống đặc biệt khó khăn, doanh số mặt hàng tôm của những nước này sang châu Âu chắc chắn sẽ giảm hơn nữa trong những tháng tới.

Trong khi đó, Việt Nam có thể sẽ gặp ít vấn đề hơn với xu hướng tiêu dùng mới của châu Âu. Mặt hàng tôm Việt Nam ở châu Âu vốn tập trung chủ yếu cho lĩnh vực bán lẻ, vì vậy nhu cầu tăng từ ngành bán lẻ có thể giúp chúng ta bù đắp khoảng mất mát từ doanh số trong kênh bán buôn. Trên hết, Việt Nam vừa ký hiệp định thương mại tự do với EU, chỉ cần các nhà nhập khẩu tôm Việt Nam ở châu Âu có thể giải quyết hàng tồn kho và nhập khẩu những lô tôm mới, thì dù với mức giá giảm trong một vài tháng cũng sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nhập khẩu và công ty xuất khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải lưu ý rằng chỉ những công ty đã tham gia được vào kênh bán lẻ và có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng mới có thể trông cậy vào kênh bán lẻ để vượt qua mùa dịch COVID-19.

Tình hình COVID-19 ở các nước châu Á đã ổn định hơn, một số thị trường lớn như Trung Quốc bắt đầu manh nha khởi sắc. Bên cạnh đó, thị trường châu Âu cũng không quá u ám như lời đồn thổi. Với tình hình hiện nay, người nuôi tôm phải tỉnh táo, không nên quá hoang mang:
– Đối với tôm đang đến thời điểm thu hoạch: bình tĩnh, thu đúng kế hoạch, không vội vàng tránh bị thương lái lợi dụng ép giá.
– Đối với thả nuôi vụ mới: phải cẩn thận nhưng không được hoảng loạn, theo dõi khuyến cáo từ các nguồn tin chính thống, thả nuôi với mật độ vừa phải, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn từ các nước nhập khẩu.

Hoài An
Nguồn : https://tepbac.com/

Cơ hội hiện đại hóa nghề nuôi tôm

Nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do đã mở ra triển vọng trong xuất khẩu sản phẩm tôm nuôi. Quảng Nam đang tận dụng lợi thế này để phát triển mạnh nghề nuôi tôm theo hướng thâm canh, công nghiệp, hiện đại.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham quan, tìm hiểu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty CP QNTEK. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham quan, tìm hiểu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty CP QNTEK. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Mở rộng thị trường

Suốt nhiều năm qua, ngành thủy sản nước ta nói chung, nghề tôm nói riêng phát triển theo hướng hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho người dân. Thương hiệu của con tôm Việt Nam đã được khẳng định trên thị trường quốc tế.

Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhờ gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước mà mặt hàng thủy sản hàng đầu là con tôm đã được xuất khẩu tới hơn 170 nước với doanh thu xấp xỉ 4 tỷ USD mỗi năm. Năm 2019, Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập với thế giới. Thủy sản Việt Nam, với chủ lực là con tôm, càng có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA như Ấn Độ, Thái Lan.

Tham gia các hiệp định thương mại tự do đã giúp Việt Nam tích lũy nguồn lực trong nước và quốc tế, hiện đại hóa rất nhanh ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng để xuất khẩu. Tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kêu gọi quyết tâm của các doanh nghiệp, địa phương, đồng lòng vượt khó, tạo động lực phát triển nông nghiệp trong thời gian đến.

Tập đoàn C.P cho biết đang đầu tư mạnh vào các vùng nuôi tôm thương phẩm. Tập đoàn đang liên kết với nông hộ cả nước tạo chuỗi cung ứng, cung cấp tôm giống, thức ăn, thuốc, quy trình nuôi tôm… được các chuyên gia hướng dẫn chi tiết theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Nhờ áp dụng đồng thời 3 công đoạn cung ứng tôm bố mẹ, tôm giống, nuôi tôm thương phẩm hiệu quả, doanh thu của tập đoàn luôn đạt khá cao.

Tạo cú hích

Dịch Covid-19 nhanh chóng lan ra nhiều quốc gia khiến hoạt động xuất khẩu của nước ta bị ảnh hưởng, song ngành tôm ít chịu tác động. Dịch bùng phát tại Trung Quốc khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập tôm từ Trung Quốc, tạo cơ hội cho tôm nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngành chức năng khuyến cáo, để đảm bảo cạnh tranh thì việc kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào và đảm bảo theo các tiêu chuẩn quốc tế là rất quan trọng với xuất khẩu tôm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, con tôm là thương hiệu của quốc gia nên Quảng Nam nỗ lực phát triển, đóng góp trong xu thế vươn xa cung cấp sản phẩm ra thế giới của cả nước. Toàn tỉnh có đến hơn 2.000ha ao nuôi tôm, tiềm năng này còn bỏ ngỏ nhiều do nông dân với nguồn lực tài chính còn yếu, đầu tư chưa đồng bộ, sản xuất chưa đạt hiệu quả cao. Chủ trương của tỉnh là nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông hộ, tích tụ, tập trung ruộng đất, nuôi tôm quy mô lớn, thu được giá trị kinh tế cao.

“Trong bối cảnh nguồn ngân sách đầu tư phát triển ngành nông nghiệp, thủy sản còn khó khăn thì việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư sẽ tạo ra cú hích lớn. Qua đó huy động được nhiều nguồn lực, tạo thuận lợi để cơ cấu lại nghề nuôi tôm, thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Đáng mừng là đến nay, đã có doanh nghiệp lớn là Công ty CP QNTEK đầu tư nuôi tôm công nghiệp ở xã Bình Hải (Thăng Bình) hay ông Trần Công Thành đầu tư ở xã Tam Hòa (Núi Thành). Công ty CP Thủy sản Dương Hùng miền Trung đang xúc tiến đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên phạm vi hơn 70ha ở khu vực Vũng Lắm (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành). Hiện tại, Sở NN&PTNT đang phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và các sở, ngành, huyện Núi Thành để hoàn thành các thủ tục, giúp doanh nghiệp khẩn trương thực hiện dự án.

“Khu nuôi tôm tập trung, công nghệ cao ở Vũng Lắm không chỉ kỳ vọng khai thông lợi thế nuôi tôm của tỉnh mà còn là dự án điểm để các doanh nghiệp khác nhận thấy thuận lợi đầu tư nuôi tôm ở Quảng Nam. Nông dân có thể tham quan, học hỏi, tiếp nhận quy trình nuôi tôm tiến bộ của doanh nghiệp mà liên kết, thành lập tổ hợp tác hay hợp tác xã, góp đất, nguồn vốn lớn đầu tư nuôi tôm khép kín, hiện đại” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, suốt thời gian dài, dù chú trọng áp dụng các giải pháp để thúc đẩy nghề nuôi tôm toàn tỉnh phát triển nhưng chưa đạt. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn vốn và tập quán sản xuất của các hộ nông dân. Nuôi tôm đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng điện, thủy lợi, kênh cấp, kênh thoát nước, ao lắng xử lý nước đầu vào và ao xử lý nước đầu ra trong khi người dân với nguồn lực tài chính không đủ, nuôi tôm theo kiểu tự phát, may rủi. Ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích nuôi tôm trên quy mô diện tích từ 5ha trở lên nhưng nông hộ không tiếp cận, giữ cách nuôi manh mún chứ không liên kết sản xuất.

“Ở các tỉnh Bạc Liêu, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế… đã hình thành các vùng nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn. Doanh nghiệp liên kết với nông hộ cùng sản xuất, ăn chia thành quả rất rõ ràng nên càng phát triển mạnh. Sau khi tham quan, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế thu hút đầu tư, khuyến khích nuôi tôm quy mô lớn” – ông Ngô Tấn nói.

 VIỆT NGUYỄN
Nguồn :http://baoquangnam.vn/

Kỳ vọng mùa tôm mới

Tại ĐBSCL, hiện nay nhiều vùng nuôi tôm đã bước vào vụ sản xuất mới. Dự kiến vụ nuôi này sẽ có nhiều khó khăn trong sản xuất, cùng đó, thị trường chưa thực sự ổn định. Tuy nhiên, người nuôi tôm vẫn đầy hứng khởi, hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng”.

Khởi đầu suôn sẻ

Tại Sóc Trăng, ngay từ những ngày đầu tháng 11/2019, độ mặn và một số chỉ tiêu môi trường tại một số vùng nuôi đã đạt ngưỡng cho phép thả nuôi, nên không khí chuẩn bị cho vụ nuôi mới cũng trở nên sôi động. Anh Lâm Minh Lớn, ở xã Hòa Tú II, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết: “Năm nay, độ mặn lên sớm nên rất thuận lợi cho những mô hình nuôi TTCT lót bạt đáy. Một số hộ đã thả nuôi và tôm đang phát triển khá tốt; còn hộ nuôi ao đất đều đã cải tạo ao và trong tháng 3 sẽ thả giống. Giá tôm từ cuối vụ năm 2019 đến nay vẫn còn khá cao nên người nuôi tôm có thêm tự tin bước vào vụ mới. Nói chung, các yếu tố liên quan đến ngành tôm hiện đang rất tốt và người nuôi tôm rất kỳ vọng sẽ có vụ nuôi trúng mùa và nếu bán giá cao nữa thì càng tốt”.

Tuy được đánh giá là rất khả quan, nhưng theo ThS Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, vụ tôm nước lợ vẫn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức đến từ thời tiết, dịch bệnh, giá cả và đặc biệt là quy định về truy xuất nguồn gốc từ các thị trường nhập khẩu tôm. Trước những khó khăn được dự báo trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động đề ra các giải pháp nhằm đảm bảo thành công của vụ tôm này, như: thúc đẩy các giải pháp giảm giá thành, nhân rộng các mô hình nuôi có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số hộ nuôi, vùng nuôi… Đặc biệt, linh hoạt trong việc xây dựng khung lịch thời vụ thả nuôi nhằm xác định thời điểm thả nuôi thuận lợi nhất, giúp hạn chế rủi ro, thiệt hại.

Ở tỉnh Cà Mau, tình hình vụ mới diễn ra khá sôi động ngay từ những tháng đầu năm. Anh Nguyễn Xuân Diện ở xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, chia sẻ: “Đến giờ này giá tôm vẫn ở mức cao là một tín hiệu vui cho người nuôi tôm. Đối với cá nhân tôi, sau những cải tiến về quy trình, trang thiết bị nuôi mang lại thành công trong năm 2019 cũng thấy tự tin hơn ở vụ nuôi mới này. Diễn biến vụ nuôi từ đầu năm đến nay cùng những dự báo của ngành chức năng cho thấy, năm nay tình hình nuôi cũng khá thuận lợi, nên bước vào vụ nuôi mới này, ai cũng kỳ vọng sẽ được trúng mùa, còn chuyện giá cả hy vọng cũng sẽ tốt hơn so với đầu năm 2019.

 

Hy vọng từ thị trường

Tuy có đôi chút lo lắng về tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thị trường tôm thế giới, nhưng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm ở Sóc Trăng vẫn đặt nhiều kỳ vọng tốt đẹp vào vụ tôm năm 2020 này. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nhận định: “Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở Trung Quốc, khiến việc xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tại các cửa khẩu biên giới gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, Trung Quốc mua tôm Việt Nam chủ yếu là tôm sú cỡ lớn, trong khithời điểm này tôm sú cỡ lớn hết vụ, sản lượng cuối mùa không đủ trả các hợp đồng các thị trường khác, nên cơ bản không ảnh hưởng việc tiêu thụ tôm trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, hiện nhiều nước đang ráo riết sản xuất vaccine, thuốc phòng trị dịch COVID-19, nên không bao lâu nữa, dịch bệnh này sẽ được khống chế vàmọi hoạt động xuất khẩu sớm trở lại bình thường”.

Sự tự tin và kỳ vọng thị trường không bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19 của các doanh nghiệp được thể hiện rõ qua việc tôm nuôi vẫn được các doanh thu mua bình thường từ đầu năm đến nay với mức giá luôn cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể: giá TTCT loại 100 con/kg có giá dao động 90.000 – 100.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 124.000 – 135.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 155.000 – 165.000 đồng/kg… Ngoài ra, các doanh nghiệp của Sóc Trăng cũng đã thả nuôi vụ tôm mới hàng trăm ha với hầu hết nuôi thâm canh và ứng dụng công nghệ cao để chủ động một phần nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

>> Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tính đến hết tuần đầu tháng 2, toàn tỉnh đã thả nuôi gần 500 ha tôm nước lợ, chủ yếu là TTCT và phần lớn đều đang phát triển tốt.

An Xuyên  – Thủy sản Việt Nam

Kiên Giang: Nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp theo hướng an toàn

Năm 2020, tỉnh Kiên Giang phát triển nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp 3.200 ha, tập trung trên vùng Tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả, phấn đấu đạt sản lượng 28.000 tấn. Đến thời điểm này, đã thả nuôi khoảng 700 ha, sản lượng tôm thu hoạch 3.632 tấn.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết: Để nuôi tôm an toàn, bền vững, đạt hiệu quả, tỉnh thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi, kịp thời xử lý những tình huống xấu, bất lợi xảy ra gây hại tôm nuôi. Đặc biệt, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động trên tôm nuôi tại vùng đệm quanh vùng nuôi của Công ty cổ phần Thủy sản Trung Sơn (xã Bình Trị, huyện Kiên Lương thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên) để xây dựng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh đối với bệnh đốm trắng, đầu vàng, taura phục vụ xuất khẩu.

Cùng với đó, đơn vị chức năng thực hiện 44 điểm trình diễn trên địa bàn 7 huyện, thành phố có nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp thuộc 2 vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng. Tập huấn cho nông dân nuôi tôm quy trình kỹ thuật nuôi tôm chân trắng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước theo hướng VietGAP, hướng dẫn cách ghi chép sổ nhật ký nông hộ… để người nuôi có đầy đủ kiến thức áp dụng đúng quy trình trong sản xuất. Tổ chức tọa đàm để nông dân nuôi tôm tiếp cận các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm nuôi tôm.

Tỉnh có kế hoạch đầu tư hoàn thiện hệ thống điện 3 pha cho vùng nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp trên địa bàn 3 huyện Kiên Lương, An Biên và An Minh đáp ứng nhu cầu sản xuất. Thành phố Hà Tiên đầu tư nạo vét hệ thống các kênh thủy lợi đang bị xuống cấp để chủ động nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, năm 2019, nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp của tỉnh này 2.850 ha, sản lượng tôm thu hoạch 24.827 tấn. Việc ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước vào sản xuất tôm công nghiệp – bán công nghiệp đước phổ biến mở rộng. Năm 2019, diện tích nuôi tôm 2 giai đoạn, lót bạt đáy đạt hơn 950 ha đã góp phần cải thiện, nâng năng suất tôm nuôi công nghiệp – bán công nghiệp trung bình cả tỉnh đạt 8,7 tấn/ha/vụ.

Tỉnh có 9 doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp, với tổng diện tích 3.105 ha, trong đó hơn 1.330 ha mặt nước. Năm 2019, các doanh nghiệp đã thả nuôi được 562 ha, sản lượng tôm thu hoạch hơn 10.850 tấn, năng suất bình quân 19,3 tấn/ha/vụ.

Tỉnh triển khai thực hiện đề án quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản trên vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng; chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi tại địa bàn 2 vùng này; đề án ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiết kiệm nước vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP…

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang

Doanh nghiệp thủy sản đề xuất chính sách để vượt qua Covid-19

chế biến tôm
Doanh nghiệp thủy sản đang cần hỗ trợ để vượt qua đại dịch

Doanh nghiệp thủy sản đề xuất các chính sách để tiếp cận vốn, giảm chi phí vượt qua Covid-19

Tính tới thời điểm này, đại dịch Virus corona đã kéo dài hơn 3 tháng và vẫn đang ảnh hưởng lớn tới nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Thủy sản cũng là một trong các ngành kinh tế bị tác động ngày càng rõ nét hơn như: tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu bị gián đoạn hoặc đình trệ.

Để giảm bớt khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để ứng phó với tình hình. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tham gia tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Ngày 5/3/2020, tại cuộc họp với VASEP, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Hiệp hội chuẩn bị các đề xuất, kiến nghị cụ thể về nhu cầu tín dụng, lãi suất, đầu tư từ các doanh nghiệp hội viên thủy sản để Bộ sớm làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngay sau cuộc họp này, VASEP đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, tất cả các doanh nghiệp đều cho rằng tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài đang đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vốn cho sản xuất kinh doanh và điều kiện tiếp cận vốn ưu đãi

Lượng hàng thành phẩm tồn kho lớn, nhiều lô hàng xuất – nhập đang bị trì hoãn, khách hàng chậm thanh toán ảnh hưởng tới vòng quay vốn lưu động và lịch thanh toán nợ vay đến hạn trong tháng 3 – 4 – 5/2020, doanh thu xuất khẩu cũng đã giảm đáng kể.

Đối với một số thị trường Châu Á như: hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bị chậm chễ do thời gian xuất hàng kéo dài. Riêng tại Hàn Quốc, một số khách hàng đã từ chối thực hiện đơn hàng mới, khách hàng cũ cũng giảm lượng nhập do dịch bệnh.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn vay ngân hàng lớn trong khi các ngân hàng lại đưa ra rất nhiều tiêu chí khó thực hiện. Ví dụ như, yêu cầu phải tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ, chứng từ giải ngân đảm bảo tính pháp lý và phương án kinh doanh rõ ràng. Ngoài ra, còn có một số quy định khác như: dùng hàng hóa hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp cho khoản dư nợ vay chưa có tài sản đảm bảo.

Ngân hàng cũng chỉ mở hạn mức tín dụng theo hợp đồng có thời hạn 01 năm và cho vay với lãi suất cao đối với các Ngân hàng thương mại và các khoản vay trung – dài hạn: 7%/năm với Ngân hàng thương mại lớn, 10,5%/ năm với Ngân hàng TM nhỏ; lãi suất vay VNĐ từ 6% – 8,5%, lãi suất vay USD từ 4% – 4,5%. Phần lớn các doanh nghiệp đề xuất, mức lãi suất phù hợp VND trong giai đoạn khó khăn nay nên từ 3% – 6,5% và mức lãi suất phù hợp với USD là từ 1,5% – 2,8%.

Ngoài ra, so với các năm trước, hiện nay cũng phát sinh thêm nhiều khoản phí mà doanh nghiệp phải gánh thêm như:  Phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí nhắn tin phí gởi hồ sơ (đặc biệt là phí báo có nước ngoài, trong nước doanh nghiệp)…

Doanh nghiệp cũng phải cam kết nguồn ngoại tệ về đúng ngân hàng đã cấp vốn, tương ứng hoặc nhiều hơn số vốn mà Ngân hàng đó đã giải ngân, phải có hợp đồng đầu ra nhiều hơn số tiền đề nghị cấp vốn tại thời điểm đề nghị cấp vốn, thủ tục khác…

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, tất cả các doanh nghiệp đều đề xuất ngân hàng cần có gói tín dụng lãi suất ưu đãi (nhỏ hơn 5%/năm) cho các doanh nghiệp sản xuất vay và giảm thiểu phí lưu kho do hàng hóa chậm tiêu thụ, đồng thời giảm lãi suất tiền vay cho tất cả các khoản vay giải ngân từ ngày 01/02/2020.

Các doanh nghiệp thủy sản cũng đề xuất các Ngân hàng nới lỏng các điều kiện cho vay như: chưa áp dụng tài sản thế chấp đảm bảo theo tỷ lệ, giảm quy trình thủ tục, điều kiện về thế chấp, tín chấp, yêu cầu về ngoại tệ tương ứng số vốn cấp; dựa vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để cấp thêm hạn mức tín chấp để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn; Cho vay dự trữ  hàng hóa (xét cho vay tín chấp) để khi hết dịch sẽ có hàng bán kịp thời; tăng kỳ hạn vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng; Chấp nhận cho vay chiết khấu các bộ hồ sơ thanh toán quốc tế qua các điều kiện và hình thức thanh toán quốc tế: L/C., D/P., TTr…

Về cơ cấu thời hạn trả nợ

Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ: kỳ hạn trả nợ kỳ hạn so với đăng ký lên 3 tháng; các món vay thời hạn từ 60 ngày lên 120 ngày; các món vay thời hạn từ 180 ngày lên 240 ngày; tăng thời hạn trả nợ ngắn hạn thêm 2-3 tháng; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lúc khó khăn khi vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng (thời gian cần cho vòng quay vốn).

Gia hạn nợ: Những khoản vay đến hạn do các trường hợp ảnh hưởng này nên được gia hạn; gia hạn nợ khi dòng tiền về không kịp để đáo hạn; gia hạn nợ tới hạn doanh nghiệp trả không kịp thêm 30 ngày;

Không tính lãi phạt: Không tính lãi phạt trong thời gian được gia hạn và có thể trả chậm không tính lãi phạt

Phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống: Hiện nay, phí chuyển tiền ngoài hệ thống ngân hàng đang rất cao, chuyển tiền tiền trong nước cùng hệ thống thì phí giao dịch tại quầy là như nhau. Các doanh nghiệp đề xuất miễn phí chuyển khoản trong hệ thống, giảm phí chuyển khoản ngoài hệ thống (đề nghị giảm 50%). Do hiện nay hạn chế sử dụng tiền mặt nên doanh nghiệp tăng cường thanh toán bằng hình thức chuyển khoản và miễn phí các khoản tiền nước ngoài vào tài khoản của doanh nghiệp

Phí dịch vụ thanh toán

Các doanh nghiệp đề xuất miễn phí báo tiền về thuộc TT/TTR (điện chuyển tiền) và giảm phí đối với các phương thức còn lại. Các dịch vụ khác cũng giảm phí để hỗ trợ trong thời gian khó khăn hiện nay; Miễn phí dịch vụ nộp tiền và rút tiền mặt khi giao dịch tại Ngân hàng để giảm chi phí cho doanh nghiệp; giảm phí dịch vụ: kiểm tra, vận chuyển, thanh toán bộ chứng từ xuất khẩu do tình hình sản xuất kinh doanh đang khó khăn; bỏ phí báo có; giảm (50%) phí dịch vụ thanh toán…

Bên cạnh việc cần thiết phải giảm các thủ tục, quy trình, điều kiện tiếp cận vốn, giảm lãi vay, miễn, giảm phí, gia hạn nợ cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng đề xuất thêm các chính sách miễn, giảm thuế, các loại phí, lệ phí, gia hạn nộp thuế… cho doanh nghiệp trong năm 2020…

Tạ Hà – Đỗ Hương VASEP

Phòng bệnh vi bào tử trùng và đốm trắng mùa nắng nóng

Đốm trắng
Đặc trưng vỏ tôm nhiễm đốm trắng

Hiện nay,thời tiết nắng nóng, độ mặn cao, nhiệt độ cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên dễ phát sinh các mầm bệnh nguy hiểm do vi khuẩn và virus trong nuôi tôm, đặc biệt là bệnh đốm trắng đang diễn biến phức tạp trên cả tôm thẻ và sú.

Theo các chuyên gia, để hạn chế đốm trắng cũng như giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm trong mùa nắng nóng, bà con nên ổn định mực nước ao nuôi khoảng 0,7-1m, không nên để mực nước quá sâu nhằm hạn chế phân tầng nước, không che lưới lan để tránh ao nuôi hấp thụ nhiệt độ cao vào ban ngày mà lạnh vào ban đêm; quản lý thức ăn thật tốt để tránh dư thừa chất hữu cơ trong ao, đồng thời hạn chế sử dụng quạt muỗng hoặc quạt lông nhím để tránh phát tán mầm bệnh từ ao này sang ao khác. Khi phát hiện bệnh đốm trắng cần báo ngay cho cán bộ thú y xã và tiến hành cô lập ao nuôi, thu hoạch nếu có thể hoặc tiêu hủy bằng Chlorine với nồng độ 30 kg/1.000 m3 (TCCA 15 kg/1.000 m3) để diệt tất cả các vật chủ trong nước mà bệnh đốm trắng có thể ký sinh được, ngâm ao trong Chlorine từ 10-15 ngày mới xả thải ra môi trường bên ngoài.

Ngoài ra, hiện nay bệnh vi bào tử trùng (EHP) cũng gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm, nhất là trên tôm thẻ. EHP không gây chết tôm hàng loạt mà làm cho tôm nuôi chậm lớn, gây thiệt hại về kinh tế và môi trường do khả năng tồn lưu mầm bệnh EHP trong ao nuôi là khá cao từ vụ này sang vụ khác và khó xử lý triệt để.

Để phòng ngừa EHP, cần áp dụng nguyên tắc an toàn sinh học từ trại giống đến khâu cải tạo và quản lý ao tôm. Tôm bố mẹ nhập khẩu và thức ăn tươi sống của tôm bố mẹ phải được xét nghiệm sạch bệnh EHP. Trong nuôi thương phẩm, bà con nên lấy mẫu bùn đáy ao nuôi và ao lắng xét nghiệm EHP, cải tạo ao thật tốt để diệt tất cả các vật chủ trung gian có thể mang mầm bệnh như tôm, cá tạp, hến, cua, còng, ốc…Khi ao nuôi bị nhiễm EHP, tiến hành bón vôi nóng (CaO) với liều lượng lớn vào đáy ao và cày bừa để nâng pH trong đáy ao từ 9 trở lên, sau đó lấy mẫu bùn xét nghiệm lại, đạt yêu cầu mới thả tiếp. Ao nuôi nên thiết kế hệ thống xi phông đáy trên cả ao đất và ao lót bạt nhằm loại bỏ bùn thải, phân tôm, chất hữu cơ dư thừa, hạn chế sự tiếp xúc giữa tôm nuôi và bùn đáy ao…

Võ Quốc Hào Chi cục Thủy sản Sóc Trăng