Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Xuất khẩu tôm vượt “bão” Covid-19

Trong khi nhiều ngành hàng đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì ngành tôm xuất khẩu vẫn chưa ảnh hưởng nhiều vì chưa vào chính vụ. Doanh nghiệp ngành hàng này đang nâng cao năng lực cạnh tranh để nắm cơ hội mới, “vượt bão” dịch bệnh trong thời gian tới.

Đón đầu nhu cầu tiêu dùng của các nước châu Âu sẽ nghiêng về các sản phẩm thủy sản đông lạnh, đóng hộp tiện dụng, dễ chế biến tại nhà thay vì thủy sản tươi sống như trước đây, Công ty CP Sao Ta đã tập trung nguồn lực cho các sản phẩm này. Sau khi tiêu thụ 937 tấn tôm thành phẩm, doanh thu 10,7 triệu USD ngay trong tháng hai sang châu Âu, các trại tôm của công ty đang thả giống để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ, năm 2020, Sao Ta đang nỗ lực cân bằng ba thị trường chính là châu Âu, Nhật Bản và Mỹ và hệ thống khách hàng bền vững đã gắn bó lâu dài. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), quý I-2020 chưa phải là mùa vụ chính mà phải đến tháng 4, tháng 5 trở đi, ngành tôm mới bước vào niên vụ chính. Ngoài ra, khi dịch bùng phát tại Trung Quốc đã khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập hàng hóa từ Trung Quốc nên cũng có thể coi là cơ hội cho tôm Việt tận dụng để tăng XK.

Đáng chú ý, tôm Việt đang đứng trước cơ hội ở hàng loạt các thị trường chính như Mỹ, EU. Cụ thể, thuế suất chống bán phá giá tại thị trường Mỹ đã về 0%, giúp tạo thêm động lực cho các DN XK tôm Việt Nam sang Mỹ. Hiện Mỹ đứng thứ hai về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,4%. EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020.

Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) NK vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 – 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau bảy năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh thuận lợi, phân tích của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng lưu ý, trong bối cảnh các nước gia tăng diện tích nuôi tôm, ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới trong thời gian tới, giá tôm khó có thể phục hồi mạnh.

Xuất khẩu tôm vượt “bão” Covid-19

Xuất khẩu tôm chờ cơ hội mới trong năm 2020. Ảnh Internet

Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu ngày càng thắt chặt các yêu cầu về chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm cũng sẽ tác động đến XK thủy sản nói chung của Việt Nam và XK tôm nói riêng. Chưa kể, điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm Việt lâu nay vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế. Dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu sản phẩm thay đổi, đòi hỏi DN nhanh chóng nắm bắt.

Cụ thể, cùng với hàng rào thuế quan bị dỡ xuống, EU đã dựng lên hàng rào phi thuế khi đưa ra quy định mới về việc siết chặt chất Ethoxyquin, chất chống oxy hóa giúp bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản. Theo đó, từ ngày 31-3-2020, Ethoxyquin sẽ không được sử dụng trong tất cả các loại thức ăn thủy sản. Các DN thủy sản của Việt Nam cần lưu ý cập nhật và đáp ứng quy định này để XK tôm vào EU không bị trở ngại trong thời gian tới.

Để khắc phục điểm yếu về truy xuất nguồn gốc, ông Trương Đình Hòe cho rằng người nông dân cần phải liên tục trao đổi với đầu mối thu mua, cũng như với các DN chế biến XK nhằm nắm bắt nhu cầu, chất lượng; cân nhắc tài chính để xem xét nuôi trồng như thế nào cho hiệu quả. Các DN cũng cần tăng thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng khu vực… để tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Nhận thức rõ ràng cơ hội, cũng như sự cấp thiết của việc phải đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới để tận dụng cơ hội trong dịch bệnh, DN ngành tôm đang nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Ông Hồ Quốc Lực chia sẻ, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đang nỗ lực áp dụng các thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tăng năng suất, khả năng quản trị và kiểm soát, tối đa hóa lợi ích và duy trì XK bền vững.

“Các DN tôm của Việt Nam hiện ở TOP của thế giới, nên nếu chất lượng tôm của Việt Nam tốt thì vấn đề tiêu thụ không phải là quá lớn, dư địa để tăng trưởng là hoàn toàn có thể thực hiện được ở mức độ cho phép. Để tận dụng các cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh tốt, các DN phải có chiến lược kinh doanh bài bản, lấy phát triển bền vững làm mục tiêu hàng đầu.

Đồng thời coi trọng chọn lựa tôm nguyên liệu sạch, có thể truy xuất nguồn gốc và chú trọng xây dựng thương hiệu… Đây cũng là đường hướng mà Sao Ta đang kiên định thực hiện”, ông Lực cho hay. Tập đoàn Việt Úc cũng đang có chính sách hỗ trợ tôm giống cho nông dân cũng như có khuyến cáo người nuôi nuôi tôm sạch, tôm truy xuất nguồn gốc để XK thuận lợi sang châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đã ký kết EVFTA.

Nguồn : https://thanhhoaexpress.vn/

Cà Mau: Người nuôi tôm cần bình tĩnh khi thu hoạch tôm

Hoang mang trước tin đồn thương lái không thu mua tôm nguyên liệu nên những ngày qua, người dân đang bán tôm ồ ạt dẫn đến tình trạng giá tôm đã thấp nay càng thấp hơn do lượng tôm nguyên liệu quá lớn, gây áp lực cho các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam nên giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, các thương lái thu mua loại 100 con/kg tại các huyện dao động 77.000 – 80.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 128.000 đồng/kg. Với giá này người nuôi tôm gần như không có lãi.

Nông dân nuôi tôm xã Phú Tân, huyện Phú Tân tiếp tục chăm sóc tôm nuôi chờ giá tôm tăng trở lại.

Thạc sĩ Ngô Văn Lương, Trưởng Trạm khuyến nông huyện Phú Tân cho biết: “Hiện nay, thương lái hợp đồng thu mua tôm của người dân cho giá trong ngày, từ sáng tới chiều có 2 giá khác nhau đã ảnh hưởng đến tâm lý của bà con. Chính vì giá tôm biến động theo ngày lớn từ 6.000 – 8.000 đồng/kg nên người nuôi tôm e dè không muốn bán, vì nếu bán thì mất lãi quá lớn, dẫn đến tin đồn thương lái không mua tôm như những ngày qua.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Châu Công Bằng cho biết: Trong những ngày qua, lượng tôm nguyên liệu mà các doanh nghiệp thu mua khá lớn. Nó đã tạo áp lực thu mua tăng đột biến và lưu trữ kho rất lớn nên ảnh hưởng đến hoạt động thu mua. Và hiện doanh nghiệp vẫn tổ chức thu mua bình thường nên tin đồn doanh nghiệp ngừng thu mua là không đúng, đây là cơ hội để các thương lái trục lợi. Ngành nông nghiệp đang chỉ đạo chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp các huyện tăng cường tuyên truyền cho người dân nắm, hiểu rõ tình hình, tránh những thiệt hại khi bán tôm ồ ạt chưa đến kích cỡ thu hoạch trong giai đoạn hiện nay”.

Diệu Lữ
Nguồn :http://thuysanvietnam.com.vn/

Chủ cửa hàng bán hải sản ở Hà Nội chỉ dẫn bà nội trợ cách phân biệt 5 loại tôm hùm để không bị chặt chém khi đi chợ

Chị Nguyễn Như Hoa – chủ cửa hàng bán hải sản ở Láng Hạ, Hà Nội đã chỉ dẫn cách nhận biết các loại tôm hùm nhằm từ đó giúp người mua hàng mua đúng chuẩn lại tôm hùm cần mua cũng như không bị chặt chém khi đi chợ.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều mặt hàng rớt giá thê thảm. Trong đó phải kể tới dưa hấu, thanh long, chuối, mít, và tôm hùm do không xuất khẩu được sang Trung Quốc.

Để giúp những ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, một số chuỗi cửa hàng, siêu thị đã tiên phong giải cứu tôm hùm giúp bà con ngư dân.

Trên mạng xã hội khắp nơi hô hào khẩu hiệu giải cứu tôm hùm với giá ưu đãi từ tiền triệu giảm giá hơn nửa để kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, tôm hùm hiện nay trên thị trường hải sản Việt có rất đa dạng chủng loại như tôm hùm Canada, tôm hùm bông, tôm hùm tre, tôm hùm baby, tôm hùm sen. Thực tế, tùy theo đặc điểm hình thể và màu sắc mà có tên gọi và các dấu hiệu phân biệt riêng.

Chia sẻ về cách nhận biết đúng loại tôm hùm cần mua, chị Nguyễn Như Hoa – chủ cửa hàng bán hải sản lâu năm ở Láng Hạ, Hà Nội đã chỉ dẫn cách nhận biết các loại tôm hùm nhằm từ đó giúp người mua hàng mua đúng chuẩn lại tôm hùm cần mua cũng như không bị chặt chém khi đi chợ.

Chủ cửa hàng bán hải sản ở Hà Nội chỉ dẫn bà nội trợ cách phân biệt 5 loại tôm hùm để không bị chặt chém khi đi chợ-1Chủ cửa hàng bán hải sản ở Hà Nội chỉ dẫn bà nội trợ cách phân biệt 5 loại tôm hùm để không bị chặt chém khi đi chợ-2Chủ cửa hàng bán hải sản ở Hà Nội chỉ dẫn bà nội trợ cách phân biệt 5 loại tôm hùm để không bị chặt chém khi đi chợ-3
Cách nhận biết tôm hùm nhập khẩu Canada
Trên thị trường hiện nay, rất nhiều cửa hàng hải sản có bán loại tôm hùm Canada. Đây là loại tôm hùm nhập khẩu từ vùng biển Alaska.

Những chú tôm hùm nhập khẩu Canada có hình dáng bên ngoài rất dễ nhận biết: “Nhìn vào là thấy đôi càng của chúng lớn, thân dài và có trọng lượng lớn. Thông thường 1 chú tôm nhập khẩu có trọng lượng 1 – 3 kg, có những con lên tới 5-6kg”, chị Hoa nói.

Chủ cửa hàng bán hải sản ở Hà Nội chỉ dẫn bà nội trợ cách phân biệt 5 loại tôm hùm để không bị chặt chém khi đi chợ-4
Tôm hùm nhập khẩu Canadađôi có đôi càng lớn, thân dài và có trọng lượng lớn.

Khi ăn tôm hùm nhập khẩu sẽ cảm giác giống thịt cua và không chắc như tôm hùm Việt. Tuy nhiên do giá thành của chúng khá rẻ, chỉ từ 900.000 đ – 1.200.000 đ/kg nên nhiều người vẫn mua ăn.

Cách nhận biết tôm hùm bông
Tôm hùm bông hay còn được gọi là tôm hùm sao sống chủ yếu ở vùng Nam Trung Bộ, biển Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Nhìn bề ngoài, những chú tôm hùm này có vỏ láng, màu xanh nước biển pha lá cây. Nhất là phần đầu và gai có đốm màu cam, giữa vỏ lưng các đốt bụng có 1 dãy ngang màu đen hoặc nâu đen tương đối rộng.

Những chú tôm hùm bông có kích cỡ lớn với chiều dài phổ biến 30 – 35 cm. Tuy nhiên trọng lượng của chúng trung bình đạt 1.5 – 1.8 kg. Cá biệt có ít con được 4 – 4.5 kg/con.

Chủ cửa hàng bán hải sản ở Hà Nội chỉ dẫn bà nội trợ cách phân biệt 5 loại tôm hùm để không bị chặt chém khi đi chợ-5
Nhìn bề ngoài, những chú tôm hùm này có vỏ láng, màu xanh nước biển pha lá cây.

“Khi ăn loại tôm hùm này, bạn sẽ thấy thịt của chúng ngon, dai, chắc và rất ngọt. Tuy nhiên chúng có giá thành khá đắt đỏ, được bán phổ biến từ 1.6 – 2.5 triệu đồng/kg tùy kích cỡ.

Cách nhận biết tôm hùm baby
Theo chị Hoa cho biết, tôm hùm baby là những chú tôm hùm có kích cỡ nhỏ, chỉ khoảng 3 – 8 con/1 kg. Tuy có kích cỡ như vậy nhưng khi ăn loại tôm hùm này cũng khá thơm ngon. Thịt của loại tôm này khá dai, chắc. Nhất là phần gạch ở phần đầu và dọc sống lưng của loại tôm này béo ngậy màu vàng ươm rất thơm ngon.

Chủ cửa hàng bán hải sản ở Hà Nội chỉ dẫn bà nội trợ cách phân biệt 5 loại tôm hùm để không bị chặt chém khi đi chợ-6Những chú tôm hùm có kích cỡ nhỏ, chỉ khoảng 3 – 8 con/1 kg.

Dù là loại tôm hùm baby nhưng giá bán của chúng luôn ở khoảng 500.000 đ – 800.000 đ/kg tùy kích cỡ to nhỏ.

Cách phân biệt tôm hùm xanh
Giống như tôm hùm baby, tôm hùm xanh cũng có kích cỡ nhỏ. Thế nhưng loại tôm này khi ăn không ngon và dai.

Nhìn hình dáng bên ngoài, tôm hùm xanh có màu xanh lá. Ở vỏ và lưng có màu xanh đậm pha viền trắng nhìn khá đẹp. Giá 1kg tôm hùm xanh tươi sống khoảng 700.000 đ/kg.

Chủ cửa hàng bán hải sản ở Hà Nội chỉ dẫn bà nội trợ cách phân biệt 5 loại tôm hùm để không bị chặt chém khi đi chợ-7Ở vỏ và lưng có màu xanh đậm pha viền trắng nhìn khá đẹp.

Cách phân biệt tôm hùm tre
Theo chủ hàng bán hải sản trên, cách nhận biết rõ nhất tôm hùm tre với các loại tôm hùm khác là chúng có màu vỏ giống như màu tre ngà.

Khi ăn tôm hùm tre, thịt sẽ khá thơm ngon, săn chắc. Loại tôm này cũng có kích cỡ vừa từ 0.4 – 1.2 kg/con và được bán với giá khá cao khoảng 800.000đ – 1.200.000đ/kg.

Chủ cửa hàng bán hải sản ở Hà Nội chỉ dẫn bà nội trợ cách phân biệt 5 loại tôm hùm để không bị chặt chém khi đi chợ-8Cách nhận biết rõ nhất tôm hùm tre với các loại tôm hùm khác là chúng có màu vỏ giống như màu tre ngà.

Ngoài chỉ dẫn cách phân biệt các loại tôm hùm như trên, chị Hoa cũng lưu ý bà nội trợ đặc biệt chú ý khi mua loại tôm này để xứng đồng tiền đã bỏ ra: “Để chọn mua một con tôm hùm ngon, bà nội trợ nên luôn chọn tôm hùm tươi ngon, còn sống. Ngoài ra nên chọn tôm có trọng lượng từ 1.3 – 1.5kg sẽ ngon nhất. Bên cạnh đó, nên chọn những chú tôm có phần khớp nối giữa đầu và mình khít nhau vì thịt của chúng vẫn còn tươi, ngon. Tuyệt đối không chọn những chú tôm hùm có càng và chân mỏng manh, đã gãy rụng hoặc bị chảy nhớt. Bởi đó là những chú tôm không còn tươi ngon nữa, không nên mua”.

Theo Nhịp Sống Việt

Thái Lan chi gói 400 tỷ để ngành thủy sản vượt qua COVID-19

Baht Thái
Chính phủ Thái Lan chi gói hỗ trợ riêng cho ngành thủy sản.

Ngày 18/3/2020, ông Chalermchai Srion, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã cho biết chính phủ Thái Lan sẽ giúp đỡ nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tổng cục Thủy sản Thái Lan hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do xuất khẩu giảm vì dịch COVID-19. Tổng số tiền hỗ trợ không dưới 600 triệu baht (khoảng 432 tỷ VND).

Thái Lan chủ yếu xuất khẩu tôm tươi sống và đông lạnh sang Trung Quốc, do đó chính sách đóng cửa của Trung Quốc cùng biện pháp hạn chế bay của Thái Lan đã khiến ngành thủy sản Thái Lan thiệt hại nghiêm trọng. Theo đánh giá sơ bộ ban đầu, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2020, xuất khẩu tôm của Thái lan sẽ giảm 1.500 – 2.900 tấn, trị giá hơn 340 – 650 triệu baht.

Ông Banchong Jumnongthitam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Thái Lan phát biểu rằng ông đã tìm ra chiến lược để giảm bớt tác động đối với người nuôi tôm do dịch bệnh COVID-19, bao gồm:

– Tăng cường xuất khẩu tôm đông lạnh thay vì tôm tươi.

– Thay đổi đường vận chuyển từ hàng không sang đường bộ bằng xe tải.

– Mở rộng thị trường, tăng tốc tìm thị trường mới như Trung Đông, CLMV (Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam), đặc biệt là Lào và Campuchia.

Với gói hỗ trợ lần này, Chính Phủ Thái Lan hy vọng có thể giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân hoạt động trong ngành thủy sản để tiếp tục sản xuất trong lúc chờ thị trường phục hồi như cũ.

Hoài An
Nguồn : https://tepbac.com/

Vi khuẩn có đánh bại vi khuẩn được không?

Phòng Lab
Công nghệ can thiệp iRNA vào hệ gen của tôm.

Công nghệ can thiệp iRNA vào hệ gen của tôm để hạn chế bệnh đốm trắng (WSSV) và hội chứng tôm chết sớm (EMS).

Sự thành công của nghề nuôi tôm trên toàn cầu đang tạo cơ hội rất lớn cho ngành thủy sản nâng tầm của mình lên so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên cuộc chiến của tôm với những tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn vẫn đang diễn ra rất quyết liệt, có thể làm người nuôi không còn thiết tha gì với nghề nữa.

Một trong những bệnh tôm có sức tàn phá kinh khủng nhất trong vài thập kỷ qua là bệnh đốm trắng do virus WSSV gây ra. Quan trọng là bệnh lại xuất hiện nhiều trên tôm thẻ chân trắng và gây chết hàng loạt chỉ trong một thời gian ngắn. Hầu như ai cũng biết, đốm trắng xuất hiện trên vỏ tôm (hình thành từ muối canxi) là triệu chứng điển hình của bệnh này. Qua một thời gian sau, virus sẽ làm hỏng mang tôm và các cơ quan bên trong, cuối cùng dẫn tới việc chết hàng loạt. Khu vực Đông Nam Á đang là nơi virus gây thiệt hại nặng nề nhờ điều kiện khí hậu ấm áp. Con số thiệt hại lên tới 1 tỷ USD mỗi năm và trải rộng trên khắp khu vực Châu Á, Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Và cũng giống như đốm trắng, EMS cũng là một bệnh gây hại vô cùng cho con tôm thẻ chân trắng trong những năm gần đây. Hội chứng được báo cáo là do virus ký sinh trong vi khuẩn vibrio gây ra, nặng nhất là vào năm 2009. Trong thử nghiệm, iRNA đã làm giảm tỷ lệ EMS lên tới 60%, trong khi đó các phương pháp khác cao nhất chỉ đến mức 10%. Không hứa hẹn một sự kiểm soát hoàn toàn nhưng đây sẽ là phương pháp hiệu quả nhất thời điểm hiện tại.

Nông dân có rất ít biện pháp lựa chọn để chống lại virus này, ngoài cách thu hoạch một cách nước rút trước khi virus lây lan. Rất nhiều nghiên cứu đang tập trung để tìm ra giải pháp, không phải bắt đầu bằng việc kiểm soát virus, mà là “lấy vi khuẩn chặn vi khuẩn”. Phương pháp này được gọi là RNA can thiệp hay iRNA.

Công nghệ được các chuyên gia đảm bảo có thể sửa đổi và cung cấp kỹ thuật iRNA một cách nhanh chóng, với trung gian là DNA của thực vật và động vật. Nôm na là việc bổ sung một RNA lấy từ vi khuẩn có sẵn trên cơ thể tôm, có khả năng can thiệp vào quá trình phiên mã và dịch mã của tôm, kiểm soát gen đang hoạt động theo ý muốn của mình, từ đó ức chế các tác nhân có hại. iRNA trước đây cũng đã được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực khác. Một bằng chứng là can thiệp RNA để chuyển đổi giới tính cho tôm càng xanh và cho kết quả rất cao.

Công nghệ này cũng được xem như việc sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện hệ vi khuẩn của tôm. Tuy nhiên, việc bổ sung iRNA vào tôm sẽ góp phần làm hệ thống phòng thủ tự nhiên của tôm hoạt động một cách mạnh mẽ hơn, chống lại các tác nhân gây bệnh. Directed Biotics là tên gọi mà chuyên gia đặt cho nghiên cứu này, dựa vào vi khuẩn có sẵn trên cơ thể tôm để ngăn chặn những tác nhân khác gây bệnh cho tôm. Từ đó đẩy lùi một số một cách tự nhiên mà không cần dùng kháng sinh hay bất cứ hóa chất nào khác.

Đây hứa hẹn là một giải pháp tự nhiên để đẩy lùi mầm bệnh. “Một sự bảo vệ nguyên vẹn, chất lượng và an toàn cho tôm cũng như toàn bộ hệ sinh thái của khu vực nuôi”, cơ hội để tạo ra một chuỗi cung ứng thủy sản bền vững. Tuy nhiên các chuyên gia đang kỳ vọng là có thể bổ sung iRNA vào thức ăn của tôm mỗi ngày để giúp nông dân không phải bỏ công quá nhiều như các phương pháp khác.

Các chuyên gia tin rằng, công nghệ này một ngày nào đó sẽ thay thế kháng sinh hoàn toàn trong thủy sản. Tiềm năng là rất lớn, ban đầu là đẩy lùi bệnh WSSV và EMS trên tôm thẻ chân trắng, nhưng trong tương lai iRNA chắc chắc có khả năng lấn sân vào cả ngành Nông nghiệp rộng lớn. Hiện tại, công nghệ này đã ra khỏi phòng thí nghiệm và đang được nghiệm ở một số ao, cho thấy tỷ lệ thành công rất cao.

Hà Tử
Nguồn : https://tepbac.com/

Thả tôm trong ruộng lúa, không sợ hạn mặn, lợi nhuận gấp đôi

Những năm gần đây, nhiều nông dân vùng ĐBSCL đã thả nuôi tôm mỗi khi nước mặn về, trồng lúa khi mùa mưa đến để tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích. Ở một số nơi, bà con còn thả tôm càng trong ruộng lúa, tạo ra sản phẩm tôm và lúa an toàn, có giá bán cao.

Sau khi nuôi một vụ tôm, nông dân sẽ tiến hành trồng một vụ lúa hoặc kết hợp nuôi tôm càng xanh + lúa. Ảnh: Ngọc Oanh

Mùa khô năm nay, xâm nhập mặn ăn sâu vào đất liền, mức độ tàn phá hơn cả đợt hạn mặn năm 2015 – 2016 khiến nhiều nơi sản xuất và sinh hoạt khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những nơi người dân không cần lo chống hạn mặn, bởi họ đã tìm cách thích ứng, thuận theo sự biến đổi của thiên nhiên để tồn tại, phát triển.

Thay đổi để thích ứng

Nhận thấy tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng ở ĐBSCL, trong tương lai có thể có những diễn biến bất lợi hơn, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã chủ động liên kết với các nhà khoa học để nghiên cứu, thử nghiệm những mô hình sản xuất thích ứng với tình hình, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Trong đó có thể kể đến mô hình luân canh lúa và thủy sản đang được triển khai hiệu quả tại địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, điểm mạnh của mô hình tôm – lúa là mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với độc canh cây lúa. Mức thu nhập trung bình của mô hình 2 vụ tôm + 1 vụ lúa đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.

Hay như mô hình canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn mặn thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện với quy mô 234ha ở huyện Hòn Đất và Gò Quao cũng đem lại hiệu quả.

Theo đó, mô hình đã lắp đặt 8 trạm quan trắc môi trường và 7 ống cảm biến ướt khô xen kẽ, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, kết nối internet vạn vật để quản lý và phân phối nước trong canh tác lúa thông minh. Qua đó, nông dân có thể giám sát mực nước trên bề mặt ruộng tự động để tiết kiệm nước tưới, từ đó nâng cao thu nhập.

Mô hình thâm canh tôm – lúa ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: C.L

Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), hình thức nuôi tôm – lúa phát triển nhanh ở ĐBSCL những năm gần đây. Nhiều nhất là Kiên Giang, hơn 83.400ha, Cà Mau trên 80.000ha, Bạc Liêu 40.000ha.

Năng suất nuôi tôm – lúa bình quân khoảng 300-500kg/ha tôm và 4-7 tấn lúa, nông dân lãi trung bình 35-50 triệu đồng/ha/năm (tính cả tôm và lúa).

Ông Nguyễn Văn Hiển – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, giai đoạn 2016-2019, đơn vị đã thực hiện các chương trình, dự án trên cây lúa được hơn 26.000ha, gần 2.000ha tôm – lúa, cá – lúa, 500ha cây ăn trái, hơn 700 điểm chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…

“Các mô hình trên phù hợp với chủ trương, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản và phát triển bền vững. Có nhiều mô hình đạt hiệu quả thiết thực về kinh tế, sâu sắc về mặt xã hội như ở vùng U Minh Thượng, việc nuôi tôm, cua, cá kết hợp với trồng lúa hữu cơ có tính thân thiện môi trường cao hơn so với trồng chuyên canh, bền vững hơn về mặt kinh tế và hiệu quả đầu tư” – ông Hiển cho biết.

Ngoài mô hình tôm – lúa, bà con nông dân các vùng ven biển, có nguy cơ hạn mặn cao ở Kiên Giang còn phát triển tốt mô hình nuôi vịt biển thương phẩm, nuôi vịt kết hợp nuôi cá. Trong khi ở tỉnh Bạc Liêu, chính quyền địa phương cũng đang khuyến khích người dân thả nuôi tôm càng nuôi trong ruộng lúa.

Ông Phạm Thanh Hải – Chủ tịch UBND huyện Phước Long (Bạc Liêu) cho biết: Khi thả tôm càng trong ruộng lúa, cây lúa sẽ được chăm sóc tốt hơn do không thể dùng thuốc bảo vệ thực vật, con tôm thì được bổ sung thức ăn, phù du trong quá trình chăm sóc lúa. Theo tính toán, thu nhập của mô hình lúa, tôm càng, tôm sú trên 1ha có thể đạt 80 triệu đồng/năm.

Đề xuất chính sách cho mô hình tôm – lúa

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, mô hình canh tác tôm – lúa tại ĐBSCL là mô hình canh tác hở, hầu hết điều kiện canh tác phụ thuộc vào thời tiết khí hậu của vùng. Đa phần mô hình tôm – lúa phát triển ở nội đồng, vào mùa nắng thiếu nước, nhưng mùa mưa thì ứ đọng nước. Do đó, phát triển bền vững tôm – lúa ở ĐBSCL cần thực hiện theo hướng phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và phù hợp với quy hoạch phát triển tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến 2020, tầm nhìn 2030.

Ông Lê Hoàng Tùng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu cũng cho rằng cần đẩy mạnh việc tổ chức các tổ hợp tác, HTX vùng tôm – lúa. Trong đó các mô hình HTX, tổ hợp tác sẽ là cơ sở phát triển cánh đồng lớn, giúp khắc phục được các hạn chế về giống tôm, giống lúa; hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thúc đẩy bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.

Thương lái thu mua tôm càng xanh tại ruộng với giá 105.000 đồng/kg (ảnh Nhật Hồ)

Trên cơ sở các mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn đang được ứng dụng, các nhà khoa học cũng cho rằng, trước mắt các địa phương ĐBSCL cần rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch các vùng tôm – lúa, lúa – màu, chuyên lúa phù hợp với tình hình thời tiết và điều kiện tự nhiên.

Về lâu dài, cần ban hành quy hoạch sử dụng đất thống nhất cho toàn vùng, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm – lúa và tôm – màu tập trung; đầu tư các hệ thống trữ, bơm cấp nước ngọt để chủ động cho sản xuất; tập trung nghiên cứu, phát triển các giống lúa chịu mặn cao, phù hợp với vùng nuôi tôm lúa…

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Mô hình tôm – lúa qua sản xuất thực tế đã chứng minh tính thích với ứng biến đổi khí hậu, có khả năng phát triển trong điều kiện nước biển xâm nhập, bảo vệ môi trường; sản phẩm lúa an toàn vì nông dân ít hoặc không dùng thuốc bảo vệ thực vật… Để nâng cao hiệu quả mô hình, nông dân cần quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là hình thức nuôi tôm 2 giai đoạn nhằm cải tạo đất cắt mầm bệnh, tăng hiệu quả mô hình.

Mạnh Hùng – Thiên Hương

Nguồn :https://baotuoitre.com/

Xuất khẩu tôm tập trung cho các thị trường lớn

Chế biến tôm xuất khẩu
Xuất khẩu tôm sẽ có lợi thế tại thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực.

Chịu tác động từ dịch Covid-19, nhưng không “nằm im” chịu trận, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đang chuyển hướng, tập trung vào các thị trường lớn.

Mở rộng thị trường

Theo ước tính của Bộ Công thương, tháng 2/2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 15% về lượng và 18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng với xuất khẩu tôm, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, một số doanh nghiệp dù đã có đơn hàng xuất đi Trung Quốc, nhưng tạm thời chưa thể thực hiện, do nhà nhập khẩu lùi thời gian giao hàng, khiến doanh nghiệp gặp khó bởi chi phí lưu kho tăng lên.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, Trung Quốc nằm trong top 6 thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất tôm cũng đã có những phương án tìm kiếm, mở rộng thị trường.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong tháng đầu tiên của năm 2020, Mỹ đứng đầu danh sách các thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam với kim ngạch 37,9 triệu USD.

Trước đó, vào cuối năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Đây là lợi thế đáng kể cho các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường lớn này trong năm nay.

Còn với thị trường EU, trong tháng 1/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 36,4 triệu USD, giảm 26,6% so với tháng cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, theo VASEP, Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7/2020 được kỳ vọng sẽ mở rộng cánh cửa hơn cho tôm Việt Nam tới thị trường này.

Nắm bắt và đáp ứng nhu cầu thị trường

Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia châu Âu, nhưng theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, nếu dịch bệnh chỉ kéo dài vài tháng, thì ngành tôm không quá lo ngại, vì chưa vào chính vụ.

Ông Lực phân tích, do dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng tại một số nước châu Âu sẽ có thay đổi. Cụ thể, nhu cầu nhập khẩu thủy sản đông lạnh, đóng hộp tiện dụng, dễ chế biến tại nhà sẽ cao hơn thủy sản tươi sống. Về dài hạn, xuất khẩu sang thị trường EU sẽ có lợi thế khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Trong tháng 2 vừa qua, Công ty Sao Ta đã tiêu thụ 937 tấn tôm thành phẩm, doanh thu 10,7 triệu USD. Các trại tôm của Công ty đang thả giống để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới.

Là đơn vị sản xuất tôm giống lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Việt – Úc đang có chính sách hỗ trợ tôm giống nhằm chung tay hỗ trợ người nuôi tôm. Theo ông Bùi Bá Sự, Phó tổng giám đốc kinh doanh Tập đoàn Việt – Úc, người nuôi nên cân nhắc thả tôm ở thời điểm hiện tại để đón đầu xu thế giá tôm sẽ tăng do thiếu hụt thực phẩm sau dịch bệnh, đồng thời, tập trung nuôi tôm sạch, truy xuất nguồn gốc để tăng xuất khẩu sang châu Âu và hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

Tương tự Tập đoàn Việt – Úc, Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn cũng đang hướng đến thị trường EU. Tuy nhiên, ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn cũng lưu ý, muốn hưởng lợi từ EVFTA, doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Ưu đãi thuế quan từ EVFTA sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hướng vào thị trường EU nhiều hơn. Ông Trần Đình Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn chia sẻ: “Trước đây, xuất khẩu vào thị trường EU gặp nhiều khó khăn do “thẻ vàng” và hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên trước cơ hội lớn mà EVFTA mang lại, Công ty sẽ nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Phương Anh Báo Đầu Tư