Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Tôm hùm tăng giá

Người dân thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) phấn khởi hơn khi tôm hùm bông tăng khoảng 300.000 đồng một kg, nhiều thương lái tìm đặt mua.

Bà Nguyễn Thị Bé, 42 tuổi có 400 trăm lồng nuôi tôm hùm bông và xanh ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Trong đó, hơn 100 lồng tôm hùm bông, mỗi lồng 50-70 con đạt kích cỡ từ 700 gram đến một kg, sau gần năm thả nuôi.

Người dân ở thị xã Sông Cầu, Phú Yên phân loại tôm hùm bán thương lái

Gần đây, thương lái đến hỏi mua tôm hùm bông, giá 1,5 triệu đồng kg cho loại một kg mỗi con thay vì 1,2 triệu đồng như hồi tháng 2. Tuy nhiên, bà Bé không bán mà chờ qua Covid-19 và chờ đến tháng 6-7, khi tôm đủ trọng lượng mới xuất ra thị trường.

Tương tự, tôm hùm xanh loại ba con một kg được thương lái mua giá 700.000-750.000 đồng (cao hơn một tháng trước từ 120.000 đến 200.000 đồng).

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng ở thị xã Sông Cầu cho hay, hai tháng trước người nuôi tôm hùm ở địa phương lao đao khi tôm hùm bị dịch bệnh rồi chết. Gia đình ông cùng nhiều hộ lo sợ tôm chết hàng loạt đã bán gỡ vốn làm ảnh hưởng đến sản lượng tôm.

Người nuôi phấn khởi khi tôm hùm tăng giá

Ngày 17/3, bà Lê Thị Hằng Nga (Phó chi cục thủy sản Phú Yên) cho hay, ảnh hưởng dịch bệnh khiến người nuôi tôm lo lắng nên đã bán tháo khiến giá giảm. Đến nay việc thương lái tìm mua và giá tôm tăng trở lại khiến họ phấn khởi hơn. “Nhu cầu tiêu thụ tôm hùm tại TP.HCM, Hà Nội cùng lượt khách đến tỉnh gần đây tăng cao, giúp tôm hùm tăng giá”, bà Nga nói.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo, để tôm hùm phát triển, người nuôi cần lựa chọn thức ăn phù hợp giảm chi phí; tăng cường vệ sinh lồng nuôi tránh dịch bệnh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung tìm kiếm thị trường, duy trì ổn định giá cả cho sản phẩm tôm hùm.

Phú Yên có hơn 118.000 lồng nuôi tôm hùm tập trung ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, Đông Hòa. Trong đó, có 84.246 lồng tôm thương phẩm và gần 34.800 lồng nuôi tôm giống, sản lượng đạt 190 tấn mỗi năm tôm hùm thương phẩm.

Nguồn tin: VnExpress

Ấn Độ: Sản lượng tôm chân trắng dự kiến đạt 710.000 tấn trong năm tài chính 2019-2020

Bộ Công thương Ấn Độ vừa đưa ra những số liệu thống kê về tình hình xuất khảu tôm tôm của nước này trong năm 2019. Theo đó, xuất khẩu tôm Ấn Độ tăng 8% đạt 667.141 tấn năm 2019 nhờ nhu cầu từ Mỹ tăng mạnh trong nửa cuối năm.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, năm 2019, khối lượng xuất khẩu tôm của Ấn Độ tăng hơn 50.000 tấn so với năm 2018. Giá trị xuất khẩu đạt gần 5 tỷ USD. Trong thập kỷ vừa qua, xuất khẩu  tôm của Ấn Độ tăng dần hàng năm.

Tháng 12/2019, Ấn Độ xuất khẩu 24.940 tấn các sản phẩm tôm sang Mỹ, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018. Giá trị xuất khẩu tăng 24% đạt 215 triệu USD.

Năm 2019, Mỹ nhập khẩu 280.832 tấn tôm của Ấn Độ, trị giá 2,37 tỷ USD, tăng 13% về khối lượng và tăng 9% về giá trị.

Thị phần của Mỹ tăng từ 40% năm 2018 lên 42% năm 2019. Về giá trị, xuất khẩu tôm sang Mỹ chiếm 48% tổng xuất khẩu tôm của Ấn Độ.

Năm 2019, giá trung bình xuất khẩu  tôm Ấn Độ giảm do giá tôm thế giới bắt đầu giảm từ năm 2018 và tiếp tục trong năm 2019.

Xuất khẩu tôm của Ấn Độ năm 2019. Nguồn: Hải quan Ấn Độ.

Năm 2019, giá xuất khẩu trung bình tôm Ấn Độ đạt 7,34 USD/kg, giảm 3% so với năm trước đó. Giá xuất khẩu sang Mỹ đạt 8,44 USD/kg, giảm 4%.

Tuy nhiên, giá tại đầm tôm cỡ lớn tăng khiến lợi nhuận các nhà chế biến bị thu hẹp do giá trị xuất khẩu giảm

Năm 2019, giá tại đầm trung bình tôm chân trắng nguyên con (HOSO), cỡ 40 con/kg, tăng 10% đạt 5,37 USD/kg tại Andhra Pradesh, tăng so với năm 2018.

Các nhà chế biến và người tôm Ấn Độ đều được lợi nếu giá tôm ổn định, tuy nhiên, năm 2019, giá tôm loại này dao động từ 359 rupee/kg (5,04 USD/kg) – 408 rupee/kg trung bình theo tháng, so với 269 rupee/kg – 424 rupee/kg năm 2018.

Triển vọng giá tôm Ấn Độ trong năm 2020 chưa rõ ràng và có thể giảm do tác động từ dịch coronavirus bắt nguồn từ Trung Quốc.

Nhóm chuyên gia tại GSMC dự báo sản lượng tôm chân trắng của Ấn Độ trong năm tài chính 2019-2020 (tháng4/2019 đến tháng 3/2020) đạt khoảng 710.000 tấn, tăng 4% so với năm trước đó.

 Nguyễn Tuân
Nguồn :https://thuongtruong.com.vn/

Khắc phục tôm chết trong giai đoạn lột vỏ

Khi tôm cứ chết dần từng đợt và có tôm mềm vỏ, sậm màu, ta có thể thấy rằng hiện tượng chết này có liên quan đến quá trình lột vỏ.

Đây là hiện tượng đặc trưng liên quan đến tình trạng đáy ao bị xấu nghiêm trọng và sự biến động chất lượng nước. Tình trạng tương tự có thể thấy trong trường hợp “Hội chứng tôm chết sau một tháng tuổi” ở ao có tảo đáy phát triển hoặc phiêu sinh vật chết tích tụ ở đáy ao. Những chất vẩn hữu cơ này phân hủy làm cho đáy ao có nhiều vi khuẩn và hàm lượng chất độc cao. Tôm sẽ tiếp xúc với vùng này khi chúng lẩn trốn ở nền đáy ao trong quá trình lột vỏ. Trong giai đoạn lột vỏ tôm dễ bị nhiễm bệnh và bị sốc do môi trường.

Nếu đáy ao xấu thì khó cải thiện được bệnh. Nên ước lượng lại tỷ lệ sống của tôm. Nếu cố gắng xử lý tình trạng này thì phải ổn định lại chất lượng nước và đáy ao phải làm sạch. Làm sạch đáy ao có liên quan tới việc có đủ máy sục khí và phải đặt ở vị trí thích hợp. Cần phải thay nước trong suốt thời gian dọn đáy ao để loại bỏ chất thải. Nếu không thể thay đủ nước thì việc dọn đáy ao có thể làm môi trường ao xấu đi.

Tôm có thể bị nhiễm khuẩn Vibrio spp. cơ hội và vì thế cũng cần xử lý bằng thuốc kháng sinh thích hợp. Tuy nhiên, xử lý bằng thuốc kháng sinh mà không cải tạo môi trường trong ao nuôi là lãng phí thời gian và tiền bạc.

Nguồn :https://nongnghiep.vn/

Ứng dụng mạng cảm biến không dây trong nuôi tôm

Ứng dụng mạng cảm biến không dây

Gần đây, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ đã nghiên cứu giải mã các công nghệ thông minh ứng dụng trong nuôi tôm.

Khắc phục nhược điểm
Thời gian qua, nhiều công ty đã nghiên cứu và cho ra đời hệ thống giám sát tự động chất lượng nước ao nuôi. Tuy nhiên, các  sản phẩm trên thị trường giá thành vẫn rất cao do chưa làm chủ hoàn toàn công nghệ và còn nhiều nhược điểm cơ bản:
– Thiết bị tương đối đắt tiền, không linh hoạt do thiết bị cồng kềnh khó khăn trong việc di chuyển cũng như xử lý.
– Thiết bị rời rạc đơn lẻ nên dữ liệu thu thập được chưa có tính thống kê cao và độ chính xác không cao. Điều này gây khó khăn trong việc tổng hợp báo cáo.
– Chưa tự động hóa việc lấy dữ liệu, còn cần sự can thiệp từ phía con người nên kinh phí tốn kém. Dữ liệu không được cập nhật liên tục.
– Hệ thống đề xuất cũng chưa chú ý tới sự phát triển của các dòng điện thoại thông minh một trong định hướng phát triển công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản.
– Chưa có bộ cơ sở dữ liệu chuẩn để triển khai đại trà trên các sông, hồ nuôi trồng thủy sản.
Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn cho ngành tôm
Nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ đã thực hiện nhằm giải mã được sáng chế về công nghệ xử lý tín hiệu và công nghệ truyền thông không dây LoRa trong mạng cảm biến không dây. Nghiên cứu nhằm phát triển ứng dụng công nghệ mạng cảm biến không dây phù hợp trong truyền thông dữ liệu. Xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam. Ứng dụng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam.
Trong nghiên cứu này, công nghệ truyền thông mới LoRa lần đầu tiên được nhóm nghiên cứu triển khai cho hệ thống mạng cảm biến không dây. Với lợi thế truyền bằng sóng vô tuyến theo phương thức P2P (peer to peer – mạng ngang hàng) không phụ thuộc vào các yêu cầu về cơ sở hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ, LoRa là công nghệ truyền thông không dây mới, được xây dựng để thiết lập kết nối vô tuyến ở khoảng cách rất xa (đến 10 km, trong tầm nhìn thẳng) cho các thiết bị thông minh trong bối cảnh phát triển ứng dụng IoT (Internet of Things) cho các thiết bị dùng nguồn pin, yêu cầu tiêu thụ năng lượng thấp.
Mục tiêu của nghiên cứu là thiết kế, chế tạo module truyền thông LoRa tích hợp vào thiết bị IoT, xây dựng một số thuật toán cho Node và Gateway để kết nối nhiều thiết bị thành một hệ thống mạng và kết nối với các hệ thống mạng khác để tạo thành một hệ thống IoT hoàn chỉnh. Hệ thống đạt được các kết quả như truyền dữ liệu giữa các thiết bị IoT tích hợp module LoRa với Gateway, xây dựng bản tin truyền và nhận có Protocol đã định sẵn, xây dựng được mạng hình sao sử dụng công nghệ truyền thông LoRa, truyền dữ liệu từ các nút đến Gateway theo kết nối mạng hình sao, truyền nhận dữ liệu chính xác, ổn định, phát triển thuật toán đa truy nhập, tìm ra được các nguyên nhân gây mất dữ liệu và khắc phục.

Theo 2lua.vn

Mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp rong gai

Tôm càng xanh
Tôm càng xanh.

Mô hình nuôi ghép tôm càng xanh với rong gai cho hiệu quả kinh tế và môi trường.

Đặc điểm dinh dưỡng của tôm càng xanh

Có mặt ở hầu hết các vùng nước ngọt như ao, hồ, kênh mương cũng như vùng cửa sông, tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là loài thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nuôi, trong nuôi thương phẩm tôm sử dụng chủ yếu là thức ăn công nghiệp do con người cung cấp, ngoài ra tôm còn tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao nuôi. Tuy nhiên, FCR cao trong quá trình nuôi khiến giá thành tăng, gây ô nhiễm môi trường và giảm năng suất.

Hiện nay, tôm càng xanh chủ yếu được nuôi trong ao đất hoặc xen canh với cây lúa và đều đem lại hiệu quả tốt, đây cũng chính là điều kiện lý tưởng cho sự sinh trường và phát triển của các loại thủy thực vật có vai trò tối quan trọng trong khẩu phần ăn của tôm qua đó góp phần giảm FCR của vụ nuôi.

Nuôi tôm càng xanh kết hợp rong gai

Theo một nghiên cứu mới, việc nuôi tôm càng xanh sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn nếu bổ sung thủy sinh vật (waterthyme) vào hệ thống nuôi. Các nhà khoa học đã nghiên cứu các tác động và hiệu quả kinh tế của việc thêm cây rong gai hay rong mái chèo (Hydrilla verticillata) vào môi trường nuôi với các mật độ khác nhau.


Chất lượng môi trường cho rong gai phát triển (theo Flowgrow.de).

Các chỉ tiêu môi trường cho rong gai phát triển hoàn toàn thích hợp với điều kiện môi trường tại nước ta. Các nhà nghiên cứu cũng đã xem xét tác động của cây rong gai đến các yêu cầu về chất lượng tôm thương phẩm và chất lượng nước. Loài thực vật này góp phần quan trọng trong xử lí nước, đóng vai trò như một bộ lọc sinh học. Ngoài ra chúng còn sử dụng chất thải khi nuôi tôm làm nguồn dinh dưỡng cho quá trình phát triển và là thành phần thiết yếu trong khẩu phần ăn của tôm giúp giảm chi phí thức ăn cũng như chi phí xử lí nước thải.


Cây rong gai hay rong mái chèo.

Nghiên cứu được thực hiện trong năm bể khác nhau bao gồm kiểm soát độc canh tôm mà không có rong gai, thả tôm với mật độ 30 con/m2. Cùng thời điểm đó, bốn bể còn lại rong chiếm 15% thể tích bể. Có một vấn đề xảy ra khi thực hiện hệ thống nuôi kết hợp prawn-plant ( tôm và rong) này là số lượng tôm đực nhỏ  và tôm cái chưa trưởng thành nhiều, nhưng hơn 77,2% tôm đạt hoặc vượt quá 40g khi hoàn thành các thử nghiệm, cao hơn so với bể không có rong gai sinh sống và trong sáu tháng tất cả đều có kích cỡ phù hợp với yêu cầu thị trường.

Các nhà khoa học kết luận mô hình tôm càng xanh với rong gai vừa khả thi vừa đem lại lợi nhuận. Tôm được nuôi với mật độ tối ưu là 20 con/m2, lượng thức ăn tiết kiệm được là 20% so với mô hình nuôi không kết hợp rong gai. Theo ước tính, đầu tư vào việc thiết lập hệ thống nuôi kết hợp trên tạo ra gấp 3,87 lần doanh thu của hệ thống nuôi thông thường, nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mô hình nuôi ghép tôm càng xanh và cây rong gai nên áp dụng ở các trang trại nuôi lớn.

Giải pháp cho điều kiện nuôi ở Việt Nam

Như đã đề cập ở trên, với điều kiện và chất lượng các hệ thống nuôi tại Việt Nam, người nuôi hoàn toàn có thể cân nhắc nuôi kết hợp mô hình nuôi ghép tôm càng xanh – cây rong gai. Bên cạnh đó cần điều chỉnh lượng rong gai sao cho phù hợp với mật độ nuôi. Theo ước tính, nếu thả nuôi tôm càng xanh toàn đực trên 1 ha, người nuôi có thể thu lợi nhuận 100 triệu đồng sau mỗi vụ. Đây cũng là đối tượng nuôi triển vọng cho ĐBSCL trong bối cảnh khí hậu biến đổi bất thường, tôm có thể phát triển tốt hơn và có chất lượng thịt ngon hơn ở độ mặn thấp (0 – 15 ‰), . Hiệu quả cao cùng với điều kiện thuận lợi, bà con cũng nên cân nhắc thử nghiệm nuôi tôm càng xanh toàn đực với mô hình trên và kiểm tra độ hiệu quả.

Đặng Tuấn
Nguồn : https://tepbac.com/

Sóc Trăng: Trần Đề thả nuôi 791 ha tôm thẻ chân trắng

Huyện Trần Đề đang trong giai đoạn cải tạo ao nuôi tôm và đã có hơn 1.293 ha/4.150 ha thả giống, trong đó tôm thẻ chân trắng có diện tích 791 ha, còn lại là tôm sú.

Diện tích tôm nuôi của huyện tập trung tại các xã: Trung Bình, Lịch Hội Thượng, Liêu Tú, với nhiều mô hình nuôi như: lót bạt đáy ao, nuôi cá lấy nước nuôi tôm… Nuôi tôm công nghệ cao chiếm từ 20 – 30% diện tích thả nuôi hàng năm.

nuôi tôm tại htx ntts diêm hải hà tĩnh

Ảnh minh họa

Phòng NN&PTNT huyện khuyến cáo hộ nuôi thả thăm dò và tuân thủ đúng khung lịch mùa vụ do ngành chuyên môn đưa ra nhằm đảm bảo vụ tôm nuôi thắng lợi. Cùng đó, nếu độ mặn lên 20‰ tôm nuôi sẽ phát triển không tốt; kèm với đó là chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao cũng ảnh hưởng đến tôm nuôi. Vì vậy, người dân cần hết sức thận trọng, cải tạo ao thật kỹ, thời điểm thích hợp mới thả nuôi tôm…

Hải Đường
Nguồn : http://thuysanvietnam.com.vn/

Khánh Hòa: Thiết bị làm lạnh nước biển nuôi tôm hùm trên cạn

Một nhóm giảng viên bộ môn Kỹ thuật nhiệt lạnh, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Nha Trang đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công thiết bị làm lạnh nước biển điều hòa nhiệt độ cho bể nuôi tôm hùm thương phẩm (gọi tắt là thiết bị làm lạnh).

Kết quả thử nghiệm cho thấy, thiết bị hoạt động ổn định, duy trì nhiệt độ nước trong bể nuôi từ 27ºC đến 28ºC, đáp ứng nhu cầu công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trên cạn.

Thiết kế thiết bị làm lạnh nước biển 

Theo Thạc sĩ Lê Như Chính, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, bão lụt khiến nghề nuôi tôm hùm trên biển gặp nhiều khó khăn, tôm dễ lây dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước. Ở Việt Nam đã có một số người thử nghiệm nuôi tôm hùm thương phẩm trên cạn và cho thấy nhiệt độ thích hợp để tôm sinh trưởng tốt khoảng 27ºC đến 28ºC.

khanh hoa: thiet bi lam lanh nuoc bien nuoi tom hum tren can hinh anh 1

Thiết bị làm lạnh nước biển trong các bể nuôi tôm hùm.

Trong khi đó, vào mùa hè, nhiệt độ trong bể nuôi ban ngày có khi lên tới 32ºC đến 34ºC, dễ làm cho tôm bị chết. Để khắc phục nhiệt độ cao, người nuôi thường thả nước đá cây có bọc túi ni lông xuống bể để làm lạnh nước biển.

Tuy nhiên, cách làm này dễ làm cho tôm bị nhiễm bệnh, khó điều chỉnh được nhiệt độ nước biển trong bể và chi phí khá cao. Cùng lúc đó, Tiến sĩ Mai Duy Minh (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3) tiến hành thực hiện đề tài cấp bộ “Nghiên cứu công nghệ nuôi thâm canh tôm hùm thương phẩm (tôm hùm bông Panulirus ornatus) bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn.

Tiến sĩ Minh đặt vấn đề với nhóm (gồm: Trần Đại Tiến, Lê Như Chính, Huỳnh Văn Thạo) về việc thiết kế hệ thống làm lạnh nước biển trong bể, duy trì được nhiệt độ như dưới biển để tôm hùm phát triển bình thường. 

Sau khi trao đổi với Tiến sĩ Minh, nhóm tiến hành nghiên cứu và đưa ra nhiều phương án để lựa chọn nhằm tìm ra ưu và nhược điểm của thiết bị. Phương án được nhóm lựa chọn để tính toán, thiết kế và chế tạo là dàn lạnh dạng ống xoắn với ưu điểm vệ sinh dễ dàng, dễ chế tạo, sự chênh lệch nhiệt độ nước vào và ra không lớn nên không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của tôm.

Sau hơn 1 tháng nghiên cứu, bước đầu, nhóm đã thiết kế, chế tạo thành công thiết bị làm lạnh. Theo đó, thiết bị hoạt động hoàn toàn tự động, tự điều chỉnh nhiệt độ nước trong bể ổn định thích hợp để tôm sinh trưởng tốt từ 27ºC đến 28ºC.

Kết quả khả quan

Sau khi hoàn thành, thiết bị đã được đưa vào thử nghiệm tại khu vực nuôi tôm hùm của Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung ở dốc Đá Trắng (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3.

Tiến sĩ Minh cho biết: “Thiết bị hoạt động ổn định. Hàng năm, các thành viên trong nhóm định kỳ bảo trì. Thiết bị chạy trên nguồn điện 3 pha, điều chỉnh nhiệt độ làm mát nước dưới 30oC, làm ấm nước trên 25oC, đáp ứng nhu cầu công nghệ nuôi tôm hùm thương phẩm trên cạn. Đặc biệt, dàn lạnh chịu nước mặn rất tốt, ít gây ồn”.


khanh hoa: thiet bi lam lanh nuoc bien nuoi tom hum tren can hinh anh 2

Nói về quá trình nghiên cứu, Thạc sĩ Chính cho biết, khó khăn lớn nhất là dàn lạnh như thế này trên thị trường hoàn toàn chưa có bán (hoặc không đáp ứng được yêu cầu công nghệ), nhóm phải tự tính toán, thiết kế, chế tạo ra một dàn lạnh mới. Nhóm phải tính toán đưa vật liệu ống thép Inox 316L vào để vừa không bị nước biển ăn mòn, vừa hiệu quả làm lạnh nhanh nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng của tôm.

Ngoài ra, để đánh giá hiệu quả chi phí của thiết bị, nhóm đã sử dụng các thông số để so sánh với việc sử dụng nước đá cây làm lạnh. Theo tính toán của nhóm, chi phí làm lạnh và duy trì cho 1m3 nước biển/ngày hơn 580 đồng (thiết bị làm lạnh), còn bằng đá hơn 2.500 đồng.

Điều đó cho thấy, dùng thiết bị để điều hòa nhiệt độ nước biển cho bể nuôi tôm hùm thương phẩm trên cạn không những duy trì nhiệt độ nước biển trong bể ổn định, điều kiện vệ sinh tốt cho môi trường thích hợp để tôm sinh trưởng mà chi phí ít hơn gần 5 lần so với dùng nước đá cây.

Ngoài Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung, hiện nay, thiết bị được Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc tại Phú Yên ứng dụng nuôi tôm hùm trên cạn, với kinh phí đầu tư hệ thống 450 triệu đồng. Sau gần 6 tháng lắp đặt, bước đầu thiết bị hoạt động ổn định, tôm sinh trưởng bình thường.

 “Có thể nói, đây là một sản phẩm có tính ứng dụng thực tế cao, mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi tôm hùm trên cạn. Mục tiêu của nhóm sắp tới là tiếp tục nhân rộng sản phẩm; đồng thời nghiên cứu nâng cấp để thiết bị có tính tự động hóa cao hơn. Ngoài ra, nghiên cứu thêm một số chất liệu làm dàn lạnh khác, phù hợp hơn với môi trường nước biển mà giá thành rẻ hơn, nhằm giảm chi phí đầu tư cho người nuôi…”, Thạc sĩ Chính nói.
Theo Khánh Hà (Báo Khánh Hòa)