Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Xuất khẩu thủy sản thẳng tiến sang Anh nhờ UKVFTA

Chế biến tôm xuất khẩu
Anh một trong 10 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, thị phần thủy sản xuất khẩu của ta tại thị trường này năm 2020 đạt hơn 4% (năm 2015 đạt 1,03%).

Thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Anh với các lợi thế về cam kết thuế quan có được từ Hiệp định UKVFTA, đặc biệt là trong các tháng đầu năm 2021.

Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai – len (UK) vừa qua đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (UKVFTA), hiệp định này đã có hiệu lực từ 23 giờ 31/12/2020, tức 6 giờ ngày 1/1/2021. UKVFTA đi vào thực thi, trên tinh thần tiếp nối Hiệp định EVFTA với các điều khoản cam kết tương tự, thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội, tiềm năng phát triển xuất khẩu sang thị trường UK với các lợi thế về cam kết thuế quan có được từ Hiệp định UKVFTA, đặc biệt là trong các tháng đầu năm 2021.

Từ tháng 2/2020 Vương quốc Anh đã chính thức ra khỏi EU, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, trong khi xuất khẩu sang các thị trường thuộc khối EU 27 lại gặp nhiều khó khăn và có sự sụt giảm do tác động của dịch Covid-19.

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 11 năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang Anh tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt khoảng 322 triệu USD, trong đó tôm, cá tra, cua ghẹ và các loại cá biển là những sản phẩm đạt mức tăng trưởng tích cực; đặc biệt là cá tra đã có sự đột phá về cơ cấu chủng loại xuất khẩu, theo đó sản phẩm cá tra chế biến đã tăng trưởng tốt, gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra (trong khi năm 2019 chỉ chiếm 3%).

Với xu hướng và thị hiếu tiêu dùng đã có sự thay đổi rõ rệt tại khu vực EU nói chung và thị trường Anh nói riêng sau tác động của dịch Covid-19, các sản phẩm chế biến với giá trị gia tăng cao của ta đã và đang chiếm lĩnh dần thị trường Anh, cụ thể tôm chân trắng chế biến tăng 33%, tôm sú chế biến tăng gần 120%, cua ghẹ đóng hộp tăng 61%, cá biển phile đông lạnh tăng 127%…

Tính đến nay, thị trường UK là một trong 10 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, thị phần thủy sản xuất khẩu của ta tại thị trường này năm 2020 đạt hơn 4% (năm 2015 đạt 1,03%).

Mặc dù, trong năm 2020, Anh đã ra khỏi EU, nhưng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của ta sang thị trường này vẫn được hưởng thuế quan ưu đãi theo cơ chế của Hiệp định EVFTA đến hết ngày 31/12/2020.

Đến nay, khi Anh và Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu thủy sản của ta sang thị trường này sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi dựa trên cơ chế tiếp nối Hiệp định EVFTA.

Đối với các dòng thuế mà EU đã cam kết dành cho Việt Nam trong cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%, Anh dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch đối với các mặt hàng này trên cơ sở số liệu thống kê của EU về trao đổi thương mại song phương thực tế giữa Việt Nam và UK trong giai đoạn 2014 – 2016. Theo đó, lượng TRQ mà UK dành cho thủy sản của ta như sau:

Mặt hàngHạn ngạch EU dành cho VN (tấn)Hạn ngạch UK dành cho VN (tấn)Tổng hạn ngạch mới của EU và UK dành cho VN (tấn)
Cá ngừ11.5001.56613.066
Surimi50068568

Trong khối EU28, trước khi chính thức ra khỏi EU, Anh luôn là một trong 7 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều thủy sản nhất trong khối, đồng thời cũng là nước xuất khẩu đứng thứ 8 của khối. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản bình quân của Anh vào khoảng 4,1 – 4,5 tỷ USD trong giai đoạn 2016 – 2020, một phần để tiêu thụ nội địa, một phần để tái xuất khẩu sang các nước trong khu vực EU27, bình quân chiếm khoảng 1,7 – 1,9 tỷ USD, tương đương 42 – 45% tổng nhu cầu nhập khẩu.

Đối với thị trường Anh, việc chính thức rút khỏi EU không ảnh hưởng đến thương mại với các nước ngoại khối EU do chính sách thuế nhập khẩu của UK không thay đổi so với chính sách thuế nhập khẩu của khối EU27. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của UK được dự báo ổn định và có khả năng gia tăng trong thời gian tới đối với với sản phẩm thủy sản nuôi trồng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Để khai thác thị trường Anh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng như người nông dân, ngư dân, cần phải lưu ý thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tự giác thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc kháng sinh trong khâu sản xuất, chế biến của mình để phục vụ xuất khẩu; đồng thời kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có sản phẩm hàng hóa thủy sản xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, ngư dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện “chuỗi giá trị” từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững của Hiệp định UKVFTA nói riêng cũng như các FTAs thế hệ mới, cụ thể cần lưu ý đến các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, về bảo vệ môi trường.

Thế Hoàng – Báo Đầu Tư

Vai trò của dầu nhuyễn thể trên tôm hậu ấu trùng

Dầu nhuyễn thể.
Dầu nhuyễn thể. Ảnh: qrillpet.com

Sử dụng dầu nhuyễn thể giàu astaxanthin trong chế độ ăn của giai đoạn hậu ấu trùng (PL) của tôm thẻ có thể rút ngắn chu kỳ sản xuất và giảm tỷ lệ chết, ngay cả trong điều kiện căng thẳng.

Vai trò của dầu nhuyễn thể với tôm 

Bột nhuyễn thể được xem là chất phụ gia rất tốt trong việc tăng tính dẫn dụ của thức ăn, kích thích động vật thủy sản bắt mồi nhanh hơn. Nghiên này trước đây đã chỉ ra, bổ sung 6% bột nhuyễn thể vào thức ăn sẽ giúp tôm bắt được mùi thức ăn nhanh hơn và tăng tính ngon miệng khi ăn.

Những nghiên cứu trước đây cũng cho thấy, việc bổ sung astaxanthin từ 25 đến 100 mg/kg trong thức ăn trong khoảng một tháng đã được tìm thấy để tạo ra sắc tố đầy đủ để thương mại hóa một số loài tôm như P. japonicus, L. vannamei và P. monodon. Và việc tăng sắc tố giúp cải thiện màu sắc tôm thẻ đóng một vai trò quan trọng với khả năng chấp nhận của người tiêu dùng, đánh giá chất lượng và quyết định giá cả của tôm.

Trong khi các nghiên cứu trước đây đã chứng minh tác dụng của dầu nhuyễn thể đối với tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (Litopenaeus vannamei), người ta vẫn còn ít biết đến tác dụng của nó đối với tôm trong giai đoạn hậu ấu trùng. Một nghiên cứu mới ở Brazil đã phân tích cách dầu nhuyễn thể astaxanthin tác động đến tôm nuôi trong giai đoạn tăng trưởng trung gian này.

Tác dụng dầu nhuyễn thể với tôm thẻ chân trắng hậu ấu trùng

Giai đoạn hậu ấu trùng là thời gian giữa giai đoạn ấu trùng và tôm con trong nuôi thương phẩm. Tôm hậu ấu trùng phải tuân theo các chương trình cho ăn tích cực và giàu chất dinh dưỡng trong thời gian này, một phần để chống lại các điều kiện nuôi cấy mật độ cao. Nghiên cứu được thực hiện tại cơ sở của Labomar ở Brazil, sử dụng hai hệ thống nuôi khác nhau, một trong nhà (50 bể) và một ngoài trời (40 bể), trong thời gian tương ứng là 41 và 52 ngày.

Các nhà khoa học đã chuẩn bị 5 chế độ ăn khác nhau cho nhóm thử nghiệm trong nhà và 4 chế độ ăn cho nhóm thử nghiệm ngoài trời. Thử nghiệm ngoài trời nhận được các mức khác nhau của dầu nhuyễn thể giàu astaxanthin (Dầu AstaOmega Qrill từ Aker BioMarine), cùng với một chế độ ăn uống kiểm soát không có bất kỳ loại dầu nhuyễn thể nào. Chế độ ăn của nhóm trong nhà bao gồm các mức độ khác nhau của cả dầu nhuyễn thể giàu astaxanthin và bột nhuyễn thể, để đánh giá hiệu quả của chúng như những chất thay thế cho dầu cá và bột cá. Các chế độ ăn này được so sánh với chế độ ăn đối chứng không có dầu hoặc bột nhuyễn thể.

Hiệu suất tăng trưởng được nâng cao và khả năng sống sót khi bị căng thẳng có thể liên quan đến việc tăng lượng EPA, DHA và astaxanthin trong chế độ ăn uống được cung cấp khi dầu nhuyễn thể astaxanthin.

“Nhìn chung, phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng chế độ ăn bao gồm 30-50 gam dầu nhuyễn thể astaxanthin cho mỗi kg chế độ ăn, kết hợp với 80 gam bột nhuyễn thể, có tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương hậu ấu trùng được nuôi trong điều kiện mật độ cao Nunes nói. Ngoài ra, chúng tôi thấy rằng những con tôm nhận được chế độ ăn 50 gram dầu nhuyễn thể không có tỷ lệ chết sau 30 phút tiếp xúc với căng thẳng thẩm thấu cấp tính.”

Nghiên cứu này cho thấy, việc bổ sung dầu nhuyễn thể astaxanthin trong chế độ ăn đã dẫn đến cải thiện trọng lượng cơ thể ở tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương hậu ấu trùng. Chế độ ăn có chứa ít nhất 10 gam dầu nhuyễn thể giàu astaxanthin/ 1kg thức  ăn giúp tôm có tỷ lệ sống cao hơn khi tôm bị căng thẳng do nhiệt độ hay độ mặn bất lợi.

Krill oil shown to enhance growth and survival of post-larval shrimp by The Fish Site

Lệ Thủy – https://tepbac.com/

Phân tích mô bệnh học bệnh phân trắng

tôm thẻ chân trắng
Những hiểu biết sâu sắc về mô bệnh học là tiền đề để phòng trị bệnh phân trắng hiệu quả.

Mật độ Vibrio spp càng cao lại càng làm trầm trọng thêm mức độ nhiễm phân trắng cho tôm thẻ.

Khi các chuỗi phân trắng xuất hiện trong ao, đó là dấu hiệu chính của Hội chứng phân trắng (WFS). Hội chứng này đã gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho những trại nuôi thâm canh, đặc biệt là khi nhiệt độ nước cao bất thường. Triệu chứng thường xuất hiện trong các ao nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở giai đoạn từ 50-70 ngày tuổi (hoặc 7-12gr) ở tất cả các độ mặn khác nhau.

Một số nghiên cứu trước đây chứng minh ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) và vi khuẩn Vibrio spp được xem là 2 trong số nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng này. Trong đó, EHP làm chậm đi sự phát triển của tôm, mặc dù EHP và cả bào tử của chúng đều được tìm thấy nhiều khi dấu hiệu phân trắng xuất hiện, nhưng vẫn không phải là nguyên nhân chính gây ra hội chứng. Bên cạnh đó, lượng Vibrio spp cao sẽ đẩy nhanh sự tiến triển của phân trắng, là nguyên nhân cơ hội nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính của bệnh phân trắng.

Dấu hiệu bên ngoài dễ thấy nhất của hội chứng là ruột tôm bị “nhuộm” trắng và đứt khúc. Các kết quả dưới đây chỉ ra những thay đổi của mô bệnh học khi bệnh tiến triển theo những giai đoạn khác nhau. Cùng với đó là sự thay đổi của thành phần vi khuẩn chiếm ưu thế và sự tương tác của chúng trong đường ruột và gan tụy. Phân trắng là bệnh gây đau đầu nhất cho những hộ nuôi khu vực châu Á. Theo quan sát lâm sàng và mô học bệnh được chia làm 3 giai đoạn theo những tiến triển của bệnh:

Giai đoạn 1: Bề ngoài tôm bệnh phân trắng như tôm khỏe mạnh, gan tụy hơi nâu, mềm, mọng nước nhưng kích thước vẫn bình thường; dạ dày đen và chứa nhiều thức ăn, phần giữa gan tụy bị bao phủ bởi một lớp màng trắng.

Giai đoạn 2: Dạ dày trống rỗng, ruột chứa đầy phân màu trắng có thể nhìn thấy từ bên ngoài, tế bào biểu mô ruột chứa nhiều sắc tố màu nâu khác thường. 

Giai đoạn 3: Gan tụy teo nhỏ, có màu nâu sẫm, mềm hơn giai đoạn 2, bị xâm nhập bởi nhiều tế bào huyết sắc tố. Dịch lỏng nhiều trong gan tụy có thể do nước thải từ không bào của tế bào B, gan tụy teo nhỏ và các thành phần được cắt như thạch mềm. 

Kiểm tra sâu hơn về mô bệnh học cho thấy biểu mô ống gan tụy tách dần ra khỏi các lớp biểu mô. Giai đoạn 1, ống gan tụy vẫn chứa nhiều tế bào B (tế bào tiết), R (tế bào dự trữ) và F (tế bào tạo khung biểu mô). Đến giai đoạn 2, biểu mô của ống nhỏ và lòng mạch bắt đầu phình ra, độ dày của biểu mô này giảm dần. Giai đoạn 3, các ống gan tụy đều xẹp, không còn nhiều tế bào B, F và R tồn tại trong các lớp biểu mô mỏng, huyết cầu phát tán rộng, lớp vi nhung mao trong gan tụy biến mất.

EHP không phải là tác nhân chính gây ra bệnh phân trắng trên tôm vì ký sinh trùng này vẫn tìm thấy ở tôm khỏe. Ngoài ra phải kể đến việc phân trắng ít có liên hệ đến bệnh hoại tử gan tụy cấp tính do tìm thấy chủng vibrio không chứa gen mang độc tố gây AHPND. Cộng thêm kết quả phân tích mô bệnh học của AHPND là gan tụy bong tróc, nhưng khi nhiễm phân trắng thì gan tụy teo nhỏ. V. sinaloensis và  V. parahaemolyticus được xác định là 2 mầm bệnh xuất hiện nhiều nhất của hội chứng phân trắng trên tôm, nhưng lại không là nguyên nhân chính làm xuất hiện những dải phân trắng. Theo đó, có thể khẳng định rằng bệnh phân trắng trên tôm không phải chỉ do một loại vibrio gây ra.

Khi kiểm khuẩn trong gan tụy và ruột tôm bị bệnh phân trắng cho thấy V. sinaloensis gây ra những triệu chứng nặng hơn cho gan tụy tôm so với V. parahaemolyticus. Mật độ vi khuẩn trong gan tụy tăng cao dần từ  19.4 lên tới 76.7% từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 3, kéo tình trạng sức khỏe tồi tệ ở tôm. Có thể kết luận mật độ vibrio sp càng cao lại càng làm trầm trọng thêm mức độ nhiễm bệnh phân trắng trên tôm thẻ.

Ngoài ra có một sự khác biệt về cấu trúc của hệ vi sinh vật khi tôm bị nhiễm phân trắng, chủng Vibrio ngày càng trở nên phong phú và chiếm ưu thế trong cộng đồng. Do vậy Vibrio spp cũng được coi là sinh vật chỉ thị cho hội chứng phân trắng. Vì vi khuẩn sẽ làm trầm trọng hơn các triệu chứng của phân trắng nên việc diệt khuẩn khử trùng trước và trong khi thả nuôi là rất quan trọng. Và quan tâm đến chất lượng nước cũng là một trong số những cách phòng bệnh phân trắng hữu hiệu nhất.

Insights into the histopathology and microbiome of Pacific white shrimp, Penaeus vannamei, suffering from white feces syndrome by Hailiang Wang, Xiaoyuan Wan, Guosi Xie, Xuan Dong, Xiuhua Wang, Jie Huang.

Hà Tử – https://tepbac.com/

Dòng tôm càng xanh mới của Thái Lan

Tôm càng xanh
Dòng tôm càng xanh mới. Ảnh (Darryl Jory/ aquaculturealliance)

Ngành nuôi tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) có triển vọng đầy hứa hẹn, nhưng một số vấn đề đang làm cản trở sự phát triển đó là chất lượng tôm post và tỉ lệ đực cái trong đàn tôm.

Tôm càng xanh bố mẹ được lai tạo và nuôi trong điều kiện nuôi nhốt qua nhiều thế hệ. Do đó, khan hiếm nguồn tôm post chất lượng. Tôm bố mẹ bị đánh bắt trong tự nhiên mang các bệnh do vi rút có thể truyền sang ấu trùng của chúng. Hiện nay nông dân nuôi tôm phải mất hơn 6 đến 8 tháng để nuôi một con tôm từ post đến khi đạt kích cỡ yêu cầu của thị trường tiêu dùng. Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất. 

Con tôm càng xanh đực phát triển nhanh hơn nhiều so với con cái. Do đó, nếu tôm nuôi trong một quần thể toàn đực sẽ tạo ra năng suất cao hơn đáng kể so với toàn tôm cái hoặc quần thể hỗn hợp cả tôm đực và cái. Tỷ lệ tôm cái trong ao cao hơn dẫn đến hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) cao hơn và nuôi tôm hỗn hợp giới tính khiến tôm đực phát triển hình thái càng xanh, một đặc điểm thị trường không mong muốn.

Việc sản xuất các dòng không được cải tiến trong nuôi hỗn hợp giới tính dẫn đến thu hoạch với nhiều kích cỡ và đặc điểm không đồng nhất như: con đực có càng màu cam và con đực nhỏ có càng màu xanh (bán với giá thấp làm người nông dân ít thu nhập hơn).

Thái Lan đã phát triển một chương trình nhân giống chọn lọc cho tôm càng xanh, thu thập các dòng tôm địa phương từ khắp các trường đại học và Sở Thủy sản ở Thái Lan. Sau đó phát triển một chương trình nhân giống chọn lọc từ các dòng tôm có tốc độ tăng trưởng cao, không nhiễm 5 loại vi rút: WSSV, YHV, TSV, MrNV và XSV. Sau hơn 16 năm làm việc, chương trình đã tạo ra một dòng tôm càng xanh bố mẹ sạch bệnh và có những đặc điểm tối ưu hơn.

Với việc đảm bảo an toàn sinh học chặt chẽ, trang trại nuôi tôm post sạch bệnh trong hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) không có kháng sinh. PL được nuôi trong hệ thống này có tỷ lệ sống cao hơn các dòng tôm thông thường trong ao nuôi thương phẩm. Ở độ mặn thấp hơn 5 ppt, tôm post có thể được nuôi ghép với tôm thẻ chân trắng. Tôm càng xanh sạch bệnh sẽ không lây truyền mầm bệnh cho tôm thẻ chân trắng.

Dòng tôm mới khi được lai tạo với những con đực chưa được cải tiến sẽ tạo ra hơn 80% con đực. Số lượng tôm đực phát triển tính trạng bộ càng màu cam mong muốn có thể nhiều hơn 60% trong một vụ thu hoạch, và năng suất cao hơn ba lần so với các ao có các dòng không được cải tiến di truyền.

Giống tôm càng xanh cái mới này phù hợp với nuôi tôm đơn tính và có tỷ lệ chuyển hóa thức ăn tốt hơn so với nuôi tôm lẫn lộn đực cái. Trong môi trường nuôi tôm càng xanh hỗn hợp đực cái điển hình, những con đực bắt đầu sinh sản khi càng của chúng chuyển sang màu xanh lam. Sau khi sinh sản, chúng ngừng kiếm ăn và phát triển. Một số thậm chí có thể chết, điều này làm giảm sản lượng và giảm thu nhập của người nuôi.

Thông qua chương trình nhân giống chọn lọc và quy trình sản xuất không có mầm bệnh, dòng tôm càng xanh mới của Thái Lan, với tỷ lệ đực trên 80%, tăng trưởng nhanh hơn 30-35% so với các dòng không được cải tiến- đã rút ngắn chu kỳ nuôi thương phẩm. Tôm đạt 5 gam trong hai tháng từ mật độ thả 100-120 con/m2. Trong ao với mật độ thả 3-5 con/m2, thì kích cỡ tôm thương phẩm khi thu hoạch (80-100 gam/con) có thể đạt trong 2,5-3,0 tháng. Chu kỳ sản xuất giảm xuống còn 4,5 đến 5,0 tháng, ít hơn hai tháng so với chu kỳ nuôi tôm càng xanh điển hình.

Hatchery Feed and Management.  New Thai Strain of Giant Freshwater Prawn.  Somprasong Natetip. Tập 8, Số 2, Trang 16, 2020. 
Lệ Thủy – https://tepbac.com/

Lựa chọn bộ gen kháng virus gây bệnh đốm trắng trên tôm thẻ

xem nhá tôm
Tiềm năng lựa chọn gen trong việc cải thiện tính kháng virus WSSV

Khám phá cách thức của sự biến đổi gen tự nhiên trên động vật thủy sản để kháng lại các mầm bệnh do vi rút và phương pháp lựa chọn bộ gen trong việc cải thiện tính kháng bệnh đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng.

Bệnh đốm trắng do virus WSSV

Bệnh đốm trắng do virus WSSV gây ra đang là mầm bệnh nghiêm trọng đối với nghề nuôi tôm toàn cầu. Bệnh lây nhiễm sang tất cả các loài tôm nuôi và có độc lực cao, thường gây chết 100% ao nuôi trong vài ngày.

Các chiến lược được sử dụng trên toàn thế giới để đối phó với sự lây nhiễm virus trong trang trại là đảm bảo an toàn sinh học và tôm giống không nhiễm WSSV. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa cũng đã được chứng minh là kém hiệu quả với mầm bệnh do vi rút. 

Trong khi đó việc phát triển các phương pháp điều trị khác như vắc xin đang là một là thách thức bởi khó sản xuất và triển khai để bảo vệ hiệu quả các quần thể lớn. Tôm không có các tế bào ghi nhớ miễn dịch, vì vậy việc tiêm phòng để tăng cường phản ứng miễn dịch trên tôm bị hạn chế.

Tiềm năng lựa chọn gen trong việc cải thiện tính kháng WSSV

Chúng ta biết rằng có sự biến đổi gen tự nhiên để kháng lại các bệnh do vi rút trong nuôi trồng thủy sản. Ước tính về hệ số di truyền kháng WSSV trong tôm thẻ chân trắng khoảng từ 0,01 và 0,31 tùy theo lô tôm. 

Nghiên cứu này được thiết kế để xác định sức mạnh và độ chính xác của việc lựa chọn bộ gen trong việc cải thiện tính kháng WSSV trên tôm thẻ chân trắng. Tôm đã được thử nghiệm trong thực nghiệm với WSSV và sức đề kháng được đánh giá là chết hoặc sống (DOA) 23 ngày sau khi nhiễm bệnh. Đây là nghiên cứu đầu tiên về trên tôm thẻ chứng minh lợi ích di truyền được thực hiện từ chọn lọc bộ gen.

Trong thử nghiệm này sử dụng hai quần thể tôm do Benchmark Genetics Colombia phát triển. Tôm được tách ngẫu nhiên thành hai nhóm, một nhóm là quần thể thử nghiệm đã thử thách với vi rút và nhóm còn lại là quần thể sinh sản được nuôi trong điều kiện an toàn sinh học cao. Bằng cách phân tích sự biến đổi trên bộ gen của cả hai quần thể, có thể dự đoán giá trị di truyền của các đàn giống tiềm năng.

Sau đó, các nhà nghiên cứu chọn và giao phối tôm bố mẹ để tạo ra hai quần thể tôm khác nhau – một quần thể có giá trị cao và một quần thể có giá trị giống ước tính về bộ gen thấp. Sự sống sót của hai quần thể này, và con cái từ đàn bố mẹ được giao phối “ngẫu nhiên”, được so sánh trong một thử nghiệm thách thức virus.

Kết quả cho thấy rằng tỷ lệ sống trung bình của các họ tôm tăng từ 38% lên 51% chỉ sau một thế hệ chọn lọc bộ gen có khả năng kháng virus hội chứng đốm trắng (WSSV) cao.

Giống như tác dụng của việc tiêm phòng cho các cá thể tôm trong quần thể, mức độ miễn dịch cao ở những quần thể có “hiệu ứng miễn dịch bầy đàn” vì những con vật có sức đề kháng cao này sẽ không còn lây nhiễm cho những con vật khác.

Dịch bệnh có thể chậm lại hoặc ngừng khi một mức độ nhất định của tôm nuôi trong quần thể có sức đề kháng với mầm bệnh, cùng với các thực hành ngăn chặn dịch bệnh, có thể đủ để kiểm soát WSSV trong nuôi tôm quy mô thương mại. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng bằng cách sử dụng chọn lọc bộ gen, có thể nhanh chóng tăng mức độ kháng bệnh và hy vọng sẽ có thể sử dụng công cụ này để cung cấp cho người nuôi những quần thể tôm có thể sống sót và sản xuất khi có WSSV mà không cần phải tiêu diệt hoàn toàn sinh vật gây bệnh.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cải thiện di truyền với khả năng kháng WSSV có thể đạt được trong chương trình nhân giống tôm thẻ bằng cách áp dụng chọn lọc bộ gen. So với các phương pháp thông thường, việc sử dụng dữ liệu bộ gen dẫn đến ước tính hệ số di truyền cao hơn và cải thiện độ chính xác của việc lựa chọn gen để cung cấp cho ngành nuôi tôm thương mại.

Theo Marie Lillehammer et al. Báo cáo Khoa học (2020). DOI: 10.1038 / s41598-020-77580-3.

Lệ Thủy – https://tepbac.com/

Nhà nghiên cứu về phương pháp cắt mắt tôm giành giải thưởng Đổi mới Nuôi trồng thủy sản toàn cầu năm 2020

Giải thưởng Đổi mới Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu hằng năm lần thứ 8, năm 2020 đã được trao cho nhà nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Simão Zacarias (Trường Đại học Stirling) với đề tài nghiên cứu về tác động của việc cắt mắt tôm trong sản xuất tôm giống. Nghiên cứu của Zacarias tập trung vào vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay trong các trại sản xuất tôm giống là việc cắt một bên mắt ở tôm mẹ trong quá trình sản xuất giống để đạt được sản lượng trứng cao hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu của ông đã loại bỏ quan điểm cho rằng phương pháp cắt mắt sẽ giúp tăng sản lượng trứng đồng thời chỉ ra rằng hành động này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở tôm giống, đặc biệt là việc cắt mắt tôm mẹ còn đang thu hút sự chú ý của những người ủng hộ quyền lợi động vật.

Zacarias đã chứng minh trong thử nghiệm tại phòng thí nghiệm (tại Honduras và Thái Lan) rằng ấu trùng và tôm con được sinh ra từ tôm thẻ chân trắng bố mẹ không cắt mắt cho tỷ lệ sống cao hơn khi tôm mắc hai loại bệnh chính gây nguy hiểm trên tôm thẻ chân trắng là bệnh Đốm trắng – White Spot Virus Disease (WSSV) và bệnh Hoại tử gan tụy cấp, còn gọi là bệnh chết sớm EMS – Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease (AHPND). Đồng thời, ông cũng chứng minh rằng vẫn có thể đạt được tỷ lệ trứng tương tự mà không cần cắt mắt bằng cách cung cấp cho tôm bố mẹ thức ăn chất lượng cao, giàu dinh dưỡng ở giai đoạn trước thành thục. Đây là một sự thay thế hợp pháp cho phương pháp cắt bỏ cuống mắt.

Zacarias chia sẻ, giải thưởng danh giá này không chỉ là niềm vinh dự khi ông là người châu Phi đầu tiên đạt được, mà còn giúp mang đến thông điệp mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền lợi động vật đối với ngành tôm nói riêng cũng như ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản nói chung.

Quốc Minh (Lớp CH29NTTSV – Học viện Nông nghiệp Việt Nam) – http://nguoinuoitom.vn/

Lược dịch theo https://www.aquaculturealliance.org/blog/2020-aquaculture-innovation-award-winner/

Philippines sẽ đạt sản lượng 120.000 tấn tôm thẻ chân trắng vào năm 2022?

Theo nguồn tin từ tạp chí Aqua Culture Asia Pacific, các đại diện ngành công nghiệp tôm tại Philippines rất lạc quan về sản lượng tôm thẻ chân trắng trong năm 2019. Với sự thúc đẩy và phát triển nhân rộng của các trang trại nuôi tôm, sản lượng tôm thẻ chân trắng được dự báo có thể tăng lên nhiều và sẽ đạt 120.000 tấn vào năm 2022. Nhưng một điều đáng ngạc nhiên là mặc dù diện tích và sản lượng nuôi tăng nhưng sản lượng xuất khẩu lại giảm, tôm chủ yếu được tiêu thụ trong thị trường nội địa.

Trong năm 2019, xuất khẩu tôm của Philippines chỉ đạt trên 5.000 tấn trong tổng số 65.000 tấn được sản xuất. Điều này có nghĩa là hơn 90% sản lượng tôm được tiêu thụ trong nước. Lý giải cho sự chênh lệch này, có thể thấy, đối với thị trường nội địa, tôm chủ yếu cung cấp cho các chợ địa phương, nhà hàng dịch vụ và qua một số kênh bán lẻ. Một phần được chế biến dưới dạng đông lạnh và các sản phẩm chế biến sâu. Hiện nay, giá tôm nội địa tại Philippines được đánh giá vẫn đang ở mức cao, dao động từ 2,96 USD/kg tới 5,9 USD/kg (vào dịp Giáng sinh) với loại tôm có kích cỡ 60-70 con/kg. Chính vì vậy, thị trường xuất khẩu không còn là mảnh đất màu mỡ cho những nhà sản xuất tôm nước này.

Vấn đề được đặt ra là, với diện tích và sản lượng nuôi ngày một tăng, thị trường trong nước sẽ sớm bão hòa, khi đó buộc các nhà sản xuất phải đưa ra sự lựa chọn giữa cắt giảm sản xuất hoặc mở rộng sang thị trường xuất khẩu.

Tình hình xuất khẩu tôm của Philippines từ 2010 – 2019 (Nguồn ITC 2020)

Vài năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu tôm của Philippines đã phải chịu áp lực rất lớn, những nhà phân tích đang lo ngại rằng các nhà sản xuất của họ liệu có chịu được áp lực cạnh tranh để mở rộng thị trường xuất khẩu hay không. Mặc dù giá tôm đông lạnh trên thị trường nội địa khá cao và ổn định, nhưng chi phí chế biến tôm lột vỏ và các sản phẩm giá trị khác lại tăng cao. Điều này khiến các nhà đánh giá lo ngại liệu chi phí sản xuất ở Philippines có cho phép các nhà sản xuất cạnh tranh với sản phẩm tôm nguyên vỏ, bóc vỏ hoặc sơ chế cùng các sản phẩm chế biến sâu khác trên thị trường toàn cầu hay không.

Mặc dù là một tay chơi nhỏ trong thị trường ngành tôm châu Á cũng như toàn cầu, song sự gia tăng về sản lượng sẽ dẫn đến việc mở rộng thêm số lượng các trang trại, áp dụng các phương pháp thâm canh, công nghệ cao cũng như nhu cầu về số lượng con giống, thức ăn, thuốc thủy sản cùng các nhà máy sơ chế, phân phối sẽ tăng lên. Với tất cả những bước phát triển này, Philippines chắc chắn sẽ là một quốc gia đáng để theo dõi trong thời gian tới.

Hải Anh -http://nguoinuoitom.vn/