Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Thị Trường Tôm

Nhu cầu nhập khẩu tôm giảm do Covid-19

Tính đến hết tháng 2/2020, XK tôm Việt Nam tăng nhẹ 2,6% đạt 383 triệu USD, chủ yếu nhờ thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc vẫn chưa bị biến động nhiều, NK vẫn tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, XK sang Trung Quốc và EU giảm lần lượt 37% và 15% do tác động của dịch Covid-19.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK tôm của Việt Nam trong tháng 2/2020 đạt 194,5 triệu USD, tăng 39,5% so với tháng 2/2019. Hai tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 383,4 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 2/2020, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc giảm gần 60% trong khi XK sang các thị trường chính khác như Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc đều tăng.

Nhật Bản là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20,6% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. XK tôm sang Nhật Bản trong tháng 2/2020 vẫn khá ổn định, đạt 43,6 triệu USD, tăng 63% so với tháng 2/2019. XK tôm sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm đạt 78,8 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2019.

XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 2/2020 đạt 36,3 triệu USD, tăng 42%. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay đạt 74,2 triệu USD, tăng 22,3%. Trong 2 tháng đầu năm nay, tại thị trường Mỹ, nhu cầu giao dịch tập trung cho phân khúc siêu thị, nhưng hiện nay tôm Ấn Độ và Ecuador cũng đang bán khá mạnh vào Mỹ với giá thấp hơn, do họ không XK được đi Trung Quốc, do vậy DN tôm khó thu mua được tôm nguyên liệu với giá hợp lý để cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador.

XK tôm Việt Nam sang thị trường NK lớn thứ 3, EU đạt 64,9 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay, giảm 15,4%.

Từ tháng 3/2020, Châu Âu bắt đầu trở thành tâm dịch mới của Covid-19, dịch bệnh đã lây lan nhanh ra toàn khu vực với các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Italy, Tây Ban Nha, Đức…XK hàng hóa sang thị trường này chịu ảnh hưởng nặng nề, các nhà NK thông báo hoãn, dừng đơn hàng. Một số DN XK tôm sang thị trường này bị hoãn hoặc dừng đơn hàng do nhà NK không bán được hàng và tồn kho cao. Dù nhu cầu NK vẫn có nhưng tình hình bùng phát dịch như hiện nay, DN chưa thể có kế hoạch cụ thể nào ngoài việc phải chờ đợi.

XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc 2 tháng đầu năm nay đạt hơn 46 triệu USD, tăng 12,4%. Thị trường Hàn Quốc chưa bị ảnh hưởng nhiều trong 2 tháng đầu năm nhưng sẽ phải chịu tác động khá dài. Nếu ngành tôm duy trì sản xuất ở mức độ chấp nhận được, dự trữ một phần cầm cự ít nhất đến tháng 6 thì hy vọng XK sang thị trường này sẽ ổn định.

Trong tháng 2 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc giảm 51% đạt hơn 10 triệu USD. Hai tháng đầu năm nay, XK tôm sang tôm sang thị trường này giảm 37,5% đạt gần 39 triệu USD. XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm bị tác động mạnh nhất do dịch Covid trầm trọng. DN đang chờ đợi đến tháng 4 XK tôm sang Trung Quốc sẽ dần khôi phục trở lại và sẽ tập trung xuất chính ngạch đường biển để ổn định.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, phần lớn các DN XK tôm cho biết, tỷ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy từ 20-40%, các đơn hàng mới có được rất ít. Các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại thị trường Châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc…Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19. Khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm cũng ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, các DN cũng khó khăn không ít trong di chuyển và thực hiện các hoạt động liên quan đến việc XNK hàng hóa.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, DN thủy sản đang mong chờ các giải pháp tháo gỡ khó khăn về phí công đoàn, thuế thu nhập doanh nghiệp, các chi phí liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh… để vượt qua đại dịch.

Về mặt nguyên liệu tôm, trong khi các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng DN vượt qua giai đoạn cầm cự này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6-tháng 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và XK, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm. Người nuôi cũng cần được tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ để có biện pháp duy trì nuôi như kéo dài thời gian hoặc thả giống mật độ thưa hơn…hoặc một số biện pháp khác để cầm cự và giữ ổn định nguyên liệu.

Đối với vấn đề hạn mặn, ở giai đoạn thả giống, bà con nông dân nên chủ động lấy nước ngọt vào ao chứa để dự trữ, hạn chế thả giống hoặc thả chậm đón mùa mưa. Nếu thả, người nuôi nên lựa chọn nguồn tôm giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ; thực hiện nuôi 2 – 3 giai đoạn; chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 30 độ C, vào sáng sớm hoặc chiều mát; thả nuôi mật độ phù hợp với mô hình nuôi của mình.

Kim Thu
Nguồn tin: Vasep

Giá tôm ĐBSCL giảm mạnh

Chiều 26-3, theo Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL cho biết, liên tục những ngày qua giá tôm nguyên liệu giảm rất mạnh khiến nhiều hộ nuôi tôm lo lắng.
Cụ thể, tôm thẻ loại 100 con/kg sụt chỉ còn 65.000- 70.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 20.000- 25.000 đồng so cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn giá thành sản xuất từ 10.000- 15.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg giá còn 130.000- 140.000 đồng/kg, mức giá khá thấp…

Nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, được các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL lý giải, là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều thị trường nhập khẩu tôm trên thế giới giảm mạnh, từ đó các đơn hàng xuất khẩu cũng giảm theo, bình quân 30-50%.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 việc xuất khẩu tôm gặp khó khăn, dẫn tới giá tôm ở ĐBSCL giảm mạnh

Cùng với việc giảm giá, thì nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL đang khốn đốn khi thời tiết bất lợi khiến tôm bị bệnh và chết khá nhiều. Tại Trà Vinh, những ngày qua có 446 hộ thả nuôi tôm sú bị thiệt hại trên diện tích 165 ha, với số lượng giống 58,4 triệu con; có 701 hộ thả nuôi tôm thẻ bị thiệt hại trên diện tích 203 ha, với số lượng giống 145 triệu con… Nhiều hộ nuôi cho biết, tôm chết do thời tiết thay đổi đột ngột, ban ngày nắng quá nóng và lạnh dần vào đêm; đồng thời do độ mặn lên sớm hơn so với cùng kỳ, làm cho môi trường ao nuôi biến động gây thiệt hại đến tôm nuôi. Đa phần tôm chết ở giai đoạn 20 – 45 ngày tuổi, với các bệnh đốm trắng, đỏ thân, hoại tử gan tụy.

Thời tiết diễn biến bất lợi cho tôm nuôi

Hiện tại, Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL, khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi yếu tố môi trường trong ao nuôi, diễn biến thời tiết, độ mặn… để có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.

Theo SGGP

Mỹ: Nhập khẩu tôm tháng 1 tăng mạnh

 Trong tháng đầu tiên của năm 2020, Mỹ đứng đầu trong danh sách các thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng tôm từ nhiều quốc gia.

Tăng vọt bất thường

Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng mạnh trong tháng đầu năm 2020 trong khi thị trường tôm Trung Quốc rơi vào trì trệ và gần như bị đóng băng do COVID-19 bùng phát. Các công ty sản xuất tôm tại Ấn Độ, Indonesia, Ecuador và Argentina vận chuyển tôm sang Mỹ nhiều hơn thường lệ. Dù việc tăng cường nhập khẩu tôm và corona có vẻ liên quan đến nhau, song nhiều nhà nhập khẩu và xuất khẩu tôm lại không nghĩ như vậy.

Mỹ đã nhập khẩu 65.109 tấn tôm, trị giá 566,2 triệu USD trong tháng 1/2020, tăng 19% khối lượng và 18% giá trị so tháng 1/2019, theo số liệu từ Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOOA). Giá trung bình của tất cả các mặt hàng tôm đạt 8,70 USD/kg, giảm 12% so mức 8,82 USD vào tháng 12/2018 và giảm 1% so giá tháng 1/2019.

Cả 3 nguồn cung tôm truyền thống và lớn nhất cho thị trường Mỹ đều tăng cường xuất tôm sang nước này, theo NOOA. Cụ thể, Ấn Độ đã xuất khẩu 28.231 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 244,6 triệu USD trong tháng 1/2020, tăng 31% khối lượng và 33% giá trị, với giá trung bình là 8,67 USD/kg, tăng 0,14 USD/kg so giá cùng kỳ năm ngoái. Indonesia cung cấp cho Mỹ 13.239 tấn tôm, trị giá 117,1 triệu USD, tăng 24% khối lượng và 21% giá trị. Giá xuất khẩu tôm trung bình của Indonesia đạt 8,85 USD/kg, thấp hơn giá cùng kỳ năm ngoái 0,17 USD/kg. Nguồn cung lớn thứ 3 là Ecuador, với 8.431 tấn tôm xuất khẩu sang Mỹ, tăng vọt 64% khối lượng và 62% giá trị, giá trung bình 6,27 USD/kg, thấp hơn giá cùng kỳ năm ngoái chỉ 0,06 USD/kg.

Những dữ liệu thống kê về nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 1/2020 khiến nhiều người không tránh khỏi sự ngạc nhiên vì quá bất thường, theo Donelse Berger, Phó Giám đốc công ty Lotus Seafood tại Seattle, Washington, một doanh nghiệp nhập khẩu tôm lâu đời tại Mỹ.

Trong khi tháng 10 và tháng 11 hàng năm mới có sự tăng vọt đột biến, thì tháng 1 năm nay lại ghi nhận lượng tôm nhập khẩu tăng bất thường. Tuy nhiên, tôm được giao đến thị trường Mỹ trong tháng 1 nằm trong những đơn hàng trước đó 2 tháng, cách xa thời điểm bùng phát COVID-19 tại Trung Quốc. Nên không thể khẳng định lượng tôm này được Mỹ đặt mua để phục vụ thị trường do COVID-19 bùng phát. Thật khó tin khi Mỹ mua nhiều tôm hơn với giá không hề rẻ, ông Donelse Berger cho biết. Dù vậy ông vẫn tin dữ liệu thống kê của NOOA chính xác.

Jim Gulkin, Tổng Giám đốc Tập đoàn Siam Canada không nhận thấy sự liên quan giữa COVID -19 và động thái nhập khẩu tôm bất thường tại Mỹ. Số liệu nhập khẩu tôm trong tháng 1 của Mỹ thực sự không phải do virus corona, ông Jim khẳng định. Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân có thể do một vài lô hàng phục vụ lễ Giáng sinh bị chậm giao, tháng 1 mới đến được thị trường Mỹ, cộng với việc Mỹ muốn lấp đầy các kho hàng dự trữ. Điều này làm cho lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ dường như tăng vọt bất thường nhưng kỳ thực nó không hề phản ánh sự thay đổi nào trên thị trường Mỹ.

Một công ty nhập khẩu tôm Ấn Độ vào Mỹ cũng khẳng định COVID -19 không thể chi phối xu hướng thị trường tôm Mỹ trong tháng 1 vừa qua. Theo công ty này, nhu cầu tiêu thụ tôm tại Mỹ vào thời điểm cuối năm 2019 rất mạnh, vì kinh tế ổn định, giá tôm hợp lý và lượng tôm tiêu thụ tại các chuỗi dịch vụ thực phẩm đều tăng cao. Ngoài ra, nhiều công ty cũng nỗ lực chuẩn bị trước hàng cho mùa chay sẽ diễn ra vào tháng 4 hàng năm và xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm vào mùa hè. Theo công ty này, nhìn chung giá tôm giảm so năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ có Ấn Độ gần đây đã xuất khẩu rất nhiều tôm cỡ lớn 16 – 20 đến 20 – 25 sang Mỹ, khiến giá tôm trung bình dường như tăng cao hơn năm ngoái.

 

Vượt thị trường tôm Trung Quốc?

Năm 2019, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới, với 718.000 tấn, trị giá 4,4 tỷ USD, vượt 462.000 tấn so với năm 2018, theo Undercurrentnews. Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa tính đến lượng lớn tôm chuyển tải qua Việt Nam không thống kê chính thức được. Tính riêng tháng 12/2019, Trung Quốc đã nhập khẩu 97.000 tấn tôm. Trong năm này, các nguồn cung tôm lớn nhất tại thị trường Trung Quốc gồm Ecuador (322.636 tấn), Ấn Độ (155.027 tấn), Argentina (35.099 tấn) và Indonesia (9.269 tấn).

Những công ty xuất khẩu tôm cũng đang đứng ngồi không yên tại Trung Quốc. Họ đang nỗ lực để vượt qua các vấn đề cơ sở hạ tầng thương mại. Nhiều cảng biển bị phong tỏa, giao thông đi lại trong nước bị kìm hãm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản của người dân Trung Quốc sụt giảm mạnh, dẫn đến nguồn cung hàng hóa bị ứ đọng và tràn ngập thị trường toàn cầu, theo Pavethra Ponniah, Phó Giám đốc ngân hàng đầu tư ICRA, Ấn Độ.

Ngoài nhu cầu tiêu thụ giảm, giao thông trong nước bị phong tỏa dẫn đến hàng hóa ùn ứ tại cảng, trong kho hàng và cả nhà máy chế biến làm nhiều mặt hàng thủy, hải sản tươi sống bị hư hỏng nặng. Các cảng biển vẫn chưa thông quan trở lại trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, số phận các container hàng thủy, hải sản vẫn chưa thể định đoạt.

Nhiều hãng chế biến và kinh doanh tôm Ấn Độ tại sự kiện Hội chợ triển lãm thủy hải sản quốc tế Kochi tổ chức hồi đầu tháng 2 cho biết giá tôm đã giảm tới 0,5 USD/kg. Tôm Ecuador giảm 15 – 23% tùy cỡ, mặc dù vậy xuất khẩu tôm của Ấn Độ vẫn tăng trưởng ngoạn mục trong cuối tháng trước.

Năm ngoái, Mỹ vẫn là một thị trường lớn với mặt hàng tôm khi nhập khẩu  700.065 tấn tôm, mặc dù đã giảm 18.000 từ Trung Quốc, nhưng trị giá lên đến 6 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so năm trước đó. Nhà nhập khẩu tôm Ấn Độ tại Mỹ cho biết họ lo ngại thị trường Mỹ sẽ khủng hoảng do các ca nhiễm COVID -19 đang tăng dần. Tuy nhiên, theo công ty này, tín hiệu tích cực là nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người dân vẫn chưa suy yếu. Do đó, công ty này vẫn dồn lực vào xuất khẩu hàng khi tình hình dịch bệnh chưa diễn biến quá phức tạp và vượt tầm kiểm soát.
Tuấn Minh – http://thuysanvietnam.com.vn/
Theo Undercurrentnews

Cà Mau sắp vào vụ tôm: Cần nhất tiền mua tôm cho dân và kho lạnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều mặt kinh tế và đời sống người dân bị ảnh hưởng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở Cà Mau đang lao đao khi kim ngạch xuất khẩu tôm giảm, dự báo còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 18%

Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn hàng đầu cả nước, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt gần 1,2 tỷ USD. Nghề nuôi trồng và chế biến thuỷ sản cũng đem lại sinh kế cho hàng ngàn hộ dân đất Mũi.

Tuy nhiên, theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu tôm trong tỉnh chỉ đạt trên 140 triệu USD, bằng hơn 12% kế hoạch, giảm hơn 18% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kim ngạch thủy sản giảm sút là do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn.

Xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau giảm hơn 18% trong những tháng đầu năm do dịch Covid-19. Ảnh: TA.

Song song đó, các đối tác lớn đề nghị tạm ngừng các đơn hàng do các nước thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, nhiều nhà nhập khẩu đã thông báo tạm dừng việc giao hàng khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước đạt hơn 16 triệu USD, giảm hơn 66,7%; Trung Quốc ước đạt hơn 4,5 triệu USD, giảm hơn 67,7%.

Mặc khác, việc tổ chức chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước tạm dừng nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó tìm kiếm khách hàng mới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Trung – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, nhận định: Do đầu năm các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động nên số hợp đồng phát sinh chưa nhiều, nhưng nếu dịch Covid-19 kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường xuất khẩu. Tình hình này cũng sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của địa phương, do phải tốn thêm nhiều chi phí để dự trữ hàng hóa, nhất là tiền điện.

Tác động xấu đến người nuôi tôm

Theo thống kê từ Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, tổng sản lượng thuỷ sản đến tháng 3 đạt 146.500 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi 46.800 tấn; sản lượng tôm khai thác 700 tấn. Tổng diện tích nuôi tôm cả tỉnh khoảng 280.200ha.

Trong đó, nuôi tôm thâm canh: 8.593ha; tôm quảng canh cải tiến: 144.495ha; tôm quảng canh: 135.900ha. Sản lượng tôm dự kiến đến cuối năm 2020 là 210.000 tấn. Trong đó: Sản lượng tôm nuôi: 200.000 tấn; sản lượng tôm khai thác biển: 10.000 tấn.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (Casep), các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và nhận định trong ít nhất khoảng 4 tháng nữa, tình hình xuất khẩu vẫn chưa khả quan. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn gây nhiều khó khăn cho hộ nuôi khi sắp vào thời điểm thu hoạch rộ.

Không chỉ doanh nghiệp, việc xuất khẩu gặp khó khăn còn ảnh hưởng trực tiếp đến người nuôi. Ảnh: TM.

Theo ông Trần Hoàng Em – Tổng Thư ký Casep, người dân sắp bước vào thu hoạch tôm, tuy nhiên hiện giá tôm sú cỡ 20 con/kg chỉ còn khoảng 180.000 đồng/kg, so với trước Tết đã giảm khoảng 100.000 đồng/kg.

Ở Cà Mau, sản lượng tôm nguyên liệu khoảng 200.000 tấn/năm, nếu doanh nghiệp không mua thì dân không biết bán ở đâu.

“Chính vì vậy, để có được nguồn vốn thu mua tôm cho dân và trữ hàng, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm triển khai gói vay hỗ trợ 30.000 tỷ đồng (gói vay hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19)” – ông Em nêu thực tế.

Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, dự kiến tháng 4 và quý 2/2020 còn nhiều khó khăn, kim ngạch không khả quan. Từ đó, doanh nghiệp cần tranh thủ thị trường Trung Quốc (do Trung Quốc đã kiểm soát cơ bản được dịch Covid – 19, hoạt động kinh tế – nhu cầu nhập khẩu bắt đầu hồi phục); tranh thủ thị trường Nhật Bản (do kiềm chế – hạn chế dịch bệnh, đang còn hoạt động xuất nhập khá tốt); nắm sát tình hình các thị trường khác để tranh thủ xuất khẩu và có giải pháp phù hợp kịp thời.

Để có những hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, ông Dương Vũ Nam – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, thông tin: “Đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở NNPTNT và các sở, ngành liên quan rà soát, dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; rà soát cụ thể tình tình xuất khẩu các doanh nghiệp, tranh thủ xuất khẩu khi điều kiện có thể.

Bên cạnh đó, củng cố thị trường truyền thống, mở rộng nhiều thị trường mới linh hoạt phù hợp tình hình. Phối hợp tạo điều kiện các doanh nghiệp nhập khẩu vật tư, nguyên phụ liệu, trang thiết bị máy móc để sản xuất hàng xuất khẩu.

Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp các ngành, đơn vị liên quan tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tín dụng, bảo hiểm xã hội, điện lực, thuế… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn thu mua chế biến, trữ hàng chờ xuất khẩu, góp phần bình ổn giá tôm nguyên liệu.

Theo CHÚC LY (Dân Việt)

Những tiêu chuẩn cơ bản về xuất khẩu tôm vào EU

Tôm sú
Những tiêu chuẩn cơ bản về xuất khẩu tôm vào EU

EU là thị trường tiềm năng nhưng cũng có những quy định rất khắt khe đối với mặt hàng tôm nhập khẩu. Cụ thể, sản phẩm cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe đối với thủy sản mà thị trường này quy định riêng.

Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới, trong khi sản xuất nội khối không đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, doanh nghiệp từ các nước nuôi tôm đang phát triển có thể thu được nhiều lợi nhuận nhờ xuất khẩu tôm sang thị trường EU.

Tuy là thị trường vô cùng tiềm năng, nhưng EU lại có những yêu cầu khắt khe đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ các nước. Sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe đối với thủy sản.

Một số tiêu chuẩn an toàn sức khỏe đối với thủy sản tại EU

Tôm chỉ có thể xuất khẩu vào EU nếu chúng đến từ các quốc gia được cấp phép, được đánh bắt bởi các tàu được cấp phép (tôm hoang dã) hoặc được nuôi tại các trang trại có đăng kí, được cấp các chứng nhận sức khỏe phù hợp.

Cuối cùng, sản phẩm phải vượt qua được bộ phận kiểm tra biên giới của EU.

Cụ thể, quốc gia xuất khẩu tôm cần nằm trong danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu thủy sản vào EU.

Danh sách này dựa trên một đánh giá của Văn phòng Thú y và Thực phẩm EU về sự phù hợp của quốc gia đó với các tiêu chuẩn sức khỏe của EU liên quan tới thủy sản.

Tôm có thể nhập khẩu vào EU nếu được đánh bắt, bảo quản và chế biến tại các cơ sở được cấp phép (bảo quản lạnh, xưởng, nhà máy chế biến và tàu chuyên chở có hệ thống đông lạnh).

Các cơ sở này phải được kiểm tra và cấp phép bởi các cơ quan của Chính phủ như Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Thương mại…

Tôm cần có các chứng nhận sức khỏe phù hợp với các tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Châu Âu. Chứng nhận này được cấp bởi Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu.

Khi lô hàng được chuyển đến EU, các nhân viên Thú y sẽ kiểm tra tôm (ví dụ như giấy tờ, nhận dạng và kiểm tra trực tiếp) cùng các giấy tờ chứng nhận tại một điểm kiểm tra biên giới.

Những thực phẩm xuất khẩu vào EU cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU. Các loại thủy sản có những giới hạn về dư lượng tối đa các kim loại nặng (than chì, catmi, thủy ngân), dioxins và các chất tương tự thuộc các nhóm hóa học PCB và PAH.

Đối với tôm nuôi, EU có một số quy định về kiểm soát bã thuốc thú y. Các quốc gia phải cung cấp một kế hoạch kiểm soát hàng năm về bã thuộc thú y cho EU và phải được EU chấp thuận trước khi xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nuôi vào thị trường này.

Ngăn ngừa đánh bắt thủy sản bất hợp pháp

Để ngăn chặn, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm thủy sản đánh bắt không đăng kí, không báo cáo và bất hợp pháp vào thị trường EU, các nhà xuất khẩu cần có chứng nhận đánh bắt được chứng minh rằng các quy định quản lí và bảo tồn quốc tế được tôn trọng.

Chứng nhận này phải được đệ trình lên các cơ quan chứng năng của Châu Âu trong vài ngày trước khi các sản phẩm xuất khẩu đến biên giới của EU. Chứng nhận phải được cấp phép bởi chính quyền nước có tàu đánh bắt đó.

Các quốc gia xuất khẩu thủy sản phải có một hệ thống đảm bảo rằng các tàu cá tuân thủ luật bảo tồn, kiểm soát, đồng thời cần tiến hành các hoạt động kiểm tra định kì để đảm bảo hệ thống này hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, thực phẩm nhập khẩu vào EU cũng phải đảm bảo các quy định dán nhãn thực phẩm, đảm bảo rằng người tiêu dùng nhận được các thông tin cần thiết để quyết định thông thái khi mua thực phẩm.

Qui định về dán nhãn thủy sản

Các quy định dán nhãn thực phẩm của EU đảm bảo rằng người tiêu dùng nhận được các thông tin cần thiết để quyết định thông thái khi mua thực phẩm. Để giúp họ lựa chọn, các nhãn thực phẩm phải trình bày một số thông tin nhất định như:

– Tên sản phẩm. Theo quy định của EU, tên của thực phẩm phải là tên thường gọi và có mô tả về thực phẩm. Một tên thương hiệu hoặc tên ưa dùng có thể được sử dụng nhưng nhãn cần có tên khoa học về giống loài.

Các phương pháp xử lý đặc biệt hoặc điều kiện bảo quản thực tế của sản phẩm (đông lạnh sâu, xông khói…) cũng cần được bổ sung để người mua không nhầm khi không có các thông tin đó.

– Danh sách các thành phần, bao gồm cả các chất phụ gia. Thông tin về các chất có thể gây ra các phản ứng dị ứng và kích ứng cần phải được nêu ra.

– Trọng lượng tịnh của các thực phẩm trước đóng gói theo các đơn vị hệ mét (m, m2, m3)

– Ngày khuyến nghị mà đến thời điểm đó sản phẩm vẫn giữ được các đặc tính chuyên biệt, trình bày dưới dạng ngày, tháng, năm cùng với cụm từ “best – before”. Đối với các thực phẩm dễ phân hủy, ngày lưu giữ tối thiểu phải được thay thế bằng ngày sử dụng (“use – by”).

– Các điều kiện đặc biệt về bảo quản và sử dụng.

– Tên và số kiểm định thú y của nơi mà sản phẩm được đánh bắt, bảo quản và chế biến.

– Tên hoặc tên kinh doanh và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc đơn vị đóng gói hoặc người bán có trụ sở tại EU.

N. Lê Kinh tế & Tiêu dùng

Tôm hùm tăng giá

Người dân thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) phấn khởi hơn khi tôm hùm bông tăng khoảng 300.000 đồng một kg, nhiều thương lái tìm đặt mua.

Bà Nguyễn Thị Bé, 42 tuổi có 400 trăm lồng nuôi tôm hùm bông và xanh ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Trong đó, hơn 100 lồng tôm hùm bông, mỗi lồng 50-70 con đạt kích cỡ từ 700 gram đến một kg, sau gần năm thả nuôi.

Người dân ở thị xã Sông Cầu, Phú Yên phân loại tôm hùm bán thương lái

Gần đây, thương lái đến hỏi mua tôm hùm bông, giá 1,5 triệu đồng kg cho loại một kg mỗi con thay vì 1,2 triệu đồng như hồi tháng 2. Tuy nhiên, bà Bé không bán mà chờ qua Covid-19 và chờ đến tháng 6-7, khi tôm đủ trọng lượng mới xuất ra thị trường.

Tương tự, tôm hùm xanh loại ba con một kg được thương lái mua giá 700.000-750.000 đồng (cao hơn một tháng trước từ 120.000 đến 200.000 đồng).

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng ở thị xã Sông Cầu cho hay, hai tháng trước người nuôi tôm hùm ở địa phương lao đao khi tôm hùm bị dịch bệnh rồi chết. Gia đình ông cùng nhiều hộ lo sợ tôm chết hàng loạt đã bán gỡ vốn làm ảnh hưởng đến sản lượng tôm.

Người nuôi phấn khởi khi tôm hùm tăng giá

Ngày 17/3, bà Lê Thị Hằng Nga (Phó chi cục thủy sản Phú Yên) cho hay, ảnh hưởng dịch bệnh khiến người nuôi tôm lo lắng nên đã bán tháo khiến giá giảm. Đến nay việc thương lái tìm mua và giá tôm tăng trở lại khiến họ phấn khởi hơn. “Nhu cầu tiêu thụ tôm hùm tại TP.HCM, Hà Nội cùng lượt khách đến tỉnh gần đây tăng cao, giúp tôm hùm tăng giá”, bà Nga nói.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo, để tôm hùm phát triển, người nuôi cần lựa chọn thức ăn phù hợp giảm chi phí; tăng cường vệ sinh lồng nuôi tránh dịch bệnh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung tìm kiếm thị trường, duy trì ổn định giá cả cho sản phẩm tôm hùm.

Phú Yên có hơn 118.000 lồng nuôi tôm hùm tập trung ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, Đông Hòa. Trong đó, có 84.246 lồng tôm thương phẩm và gần 34.800 lồng nuôi tôm giống, sản lượng đạt 190 tấn mỗi năm tôm hùm thương phẩm.

Nguồn tin: VnExpress

Ấn Độ: Sản lượng tôm chân trắng dự kiến đạt 710.000 tấn trong năm tài chính 2019-2020

Bộ Công thương Ấn Độ vừa đưa ra những số liệu thống kê về tình hình xuất khảu tôm tôm của nước này trong năm 2019. Theo đó, xuất khẩu tôm Ấn Độ tăng 8% đạt 667.141 tấn năm 2019 nhờ nhu cầu từ Mỹ tăng mạnh trong nửa cuối năm.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, năm 2019, khối lượng xuất khẩu tôm của Ấn Độ tăng hơn 50.000 tấn so với năm 2018. Giá trị xuất khẩu đạt gần 5 tỷ USD. Trong thập kỷ vừa qua, xuất khẩu  tôm của Ấn Độ tăng dần hàng năm.

Tháng 12/2019, Ấn Độ xuất khẩu 24.940 tấn các sản phẩm tôm sang Mỹ, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018. Giá trị xuất khẩu tăng 24% đạt 215 triệu USD.

Năm 2019, Mỹ nhập khẩu 280.832 tấn tôm của Ấn Độ, trị giá 2,37 tỷ USD, tăng 13% về khối lượng và tăng 9% về giá trị.

Thị phần của Mỹ tăng từ 40% năm 2018 lên 42% năm 2019. Về giá trị, xuất khẩu tôm sang Mỹ chiếm 48% tổng xuất khẩu tôm của Ấn Độ.

Năm 2019, giá trung bình xuất khẩu  tôm Ấn Độ giảm do giá tôm thế giới bắt đầu giảm từ năm 2018 và tiếp tục trong năm 2019.

Xuất khẩu tôm của Ấn Độ năm 2019. Nguồn: Hải quan Ấn Độ.

Năm 2019, giá xuất khẩu trung bình tôm Ấn Độ đạt 7,34 USD/kg, giảm 3% so với năm trước đó. Giá xuất khẩu sang Mỹ đạt 8,44 USD/kg, giảm 4%.

Tuy nhiên, giá tại đầm tôm cỡ lớn tăng khiến lợi nhuận các nhà chế biến bị thu hẹp do giá trị xuất khẩu giảm

Năm 2019, giá tại đầm trung bình tôm chân trắng nguyên con (HOSO), cỡ 40 con/kg, tăng 10% đạt 5,37 USD/kg tại Andhra Pradesh, tăng so với năm 2018.

Các nhà chế biến và người tôm Ấn Độ đều được lợi nếu giá tôm ổn định, tuy nhiên, năm 2019, giá tôm loại này dao động từ 359 rupee/kg (5,04 USD/kg) – 408 rupee/kg trung bình theo tháng, so với 269 rupee/kg – 424 rupee/kg năm 2018.

Triển vọng giá tôm Ấn Độ trong năm 2020 chưa rõ ràng và có thể giảm do tác động từ dịch coronavirus bắt nguồn từ Trung Quốc.

Nhóm chuyên gia tại GSMC dự báo sản lượng tôm chân trắng của Ấn Độ trong năm tài chính 2019-2020 (tháng4/2019 đến tháng 3/2020) đạt khoảng 710.000 tấn, tăng 4% so với năm trước đó.

 Nguyễn Tuân
Nguồn :https://thuongtruong.com.vn/