Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Thị Trường Tôm

Sau thời “giải cứu”, tôm hùm tiếp tục giảm giá

So với thời điểm “giải cứu” vào giữa tháng 2, giá tôm hùm thời điểm hiện tại giảm khoảng 20%, loại 0,3 – 0,4 kg/con giá chỉ còn 269.000 đồng/con

Sau thời

Loại tôm hùm baby 4-5 con/kg. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến 

Nhà hàng bán hải sản của chị T. trên phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội từ tuần thứ 2 của tháng 3 bắt đầu vắng khách, lượng tôm hùm, ốc hương, cá lăng, mực nháy,… bán ra giảm.

Thông tin từ chị T., cửa hàng đã chuyển sang đẩy mạnh quảng cáo các set lẩu hải sản giá 1-2,8 triệu đồng (bao gồm cua, tôm, cá, ngao và mực các loại) và nhận thấy dấu hiệu tích cực. Bên cạnh đó, giảm giá tất cả hải sản tươi sống hoặc chế biến sẵn mua mang về.

Mặt hàng được quan tâm nhất là tôm hùm baby (loại 0,3-0,4 kg/con), giá mua sống mang về giảm còn 269.000 đồng/con, trong khi giá “giải cứu” thời điểm giữa tháng 2 là 333.000 đồng/con. Nếu mua 1 kg tôm hùm baby, khách hàng giờ phải trả ít hơn trước 192.000 đồng.

Giá chế biến sẵn tôm hùm baby mua mang về (thay vì giá ăn tại nhà hàng) cũng được điều chỉnh từ 383.000 đồng/con xuống 319.000 đồng/con, giảm 17%.

Nhà hàng của chị T. kinh doanh thêm tôm hùm baby loại 4-5 con/kg, giá 169.000 đồng/con. Tuy nhiên, hiện tại đã hết hàng và không thể nhập thêm.

Tại một địa chỉ khác, cửa hàng hải sản của chị Nhung (Gò Vấp, TP.HCM), giá bán các loại tôm hùm đồng loạt giảm. Cụ thể, tôm hùm Alaska loại 1-3 kg/con mua sống mang về có giá 1,05-1,25 triệu đồng/kg, tôm hùm baby loại 4-5 con/kg có giá 169.000 đồng/con.

Theo chị Nhung, bên cạnh tôm hùm nhiều loại hải sản tươi sống khác cũng đồng loạt giảm giá khoảng 20-30% giá bán so với thời điểm giữa tháng 2.

Cụ thể, cá tầm mua sống mang về có giá 240.000-270.000 đồng/kg, tôm sú 370.000-450.000 đồng/kg, cua thịt và ghẹ mua 500.000-580.000 đồng/kg, sò huyết to loại 70-80 con/kg giá dao động 240.000-280.000 đồng/kg, cua Alaska loại 2,5-3,5 kg/con dao động 1,7-2 triệu đồng/kg.

Số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết tính đến giữa tháng 3, toàn tỉnh Khánh Hòa còn tồn khoảng 360 tấn tôm hùm thịt chưa thể xuất bán, chủ yếu là tôm hùm xanh, giảm khoảng 220 tấn so với giữa tháng 2.

Trong đó, có khoảng 350 tấn tôm của người dân nuôi tại TP.Cam Ranh và khoảng 10 tấn tôm nuôi tại huyện Vạn Ninh.

Liên quan đến sự việc, chiều 3/4, Phó giám đốc sở Công Thương TP.Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết nguồn cung thủy hải sản hiện nay rất dồi dào. Lãnh đạo sở Công Thương đề nghị người dân thủ đô tiêu thụ giúp các doanh nghiệp mặt hàng như cá hồi, ngao, hàu và các loại thủy sản khác do xuất khẩu đi các nước gặp khó khăn.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tỷ lệ đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn khoảng 20-40%, bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy là 20-30%. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết tính đến hết tháng 2, xuất khẩu thủy sản giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủy Tiên (T/h) -https://www.doisongphapluat.com/

Ổn định tâm lý cho người dân nuôi tôm xuất khẩu trong mùa dịch

VNHN – Ông Trương Hữu Thông – Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH Thông Thuận cho biết: Thông tin nhiễu loạn về tình hình thị trường xuất khẩu trong dịch covid-19 làm cho bà con nông dân không dám triển khai nuôi tôm.Theo chia sẻ của ông Thông, hiện nay, Trung Quốc, Ấn Độ đều giảm nuôi do dịch bệnh nên nói chung nguồn cung sắp tới trên thế giới rất yếu. Các cơ quan quản lý cần tổ chức, tuyên truyền để bà con nghe được thông tin chính thống. Những ngày gần đây họ toàn nghe thông tin qua mạng, đồn thổi là cấm xe, dừng xuất khẩu đi châu Âu, Nhật, Mỹ, không bán được hàng, ngân hàng không cho vay… nên người nuôi tôm sợ lỗ. Giá bán tôm hiện nay đang tốt nhưng thông tin của DN đến người dân rất khó. Nhiều nông dân kêu rằng do hạn mặn mà không dám thả tôm, nhưng ông Trương Hữu Thông cho rằng, đây chỉ là một lý do rất nhỏ, “vì chúng tôi vẫn nuôi bình thường và cam kết bao tiêu đầu ra cho nông dân”.

Trong những tháng đầu năm 2020, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, từ đầu tháng 3/2020 khi dịch bệnh lan rộng gây hậu quả nghiệm trọng tại Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… đã làm ra tăng khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhất là các sản phẩm thủy sản tươi sống. Tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã có kết quả tích cực, các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục các hoạt động sản xuất như trước khi có dịch.

Dự báo của VASEP, mặt hàng tôm xuất khẩu ở các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cầm cự này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6 – 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm. Cũng theo VASEP, thị trường xuất khẩu thuỷ sản thế giới có nhiều tín hiệu tích cực, cụ thể tại thị trường Mỹ, doanh số bán lẻ các loại sản phẩm thủy sản tươi, đông lạnh và thủy sản có thể bảo quản lâu (shelf-stable) đều tăng mạnh tại các chuỗi siêu thị của Mỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng.

Để ứng phó với tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tham mưu, Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp nỗ lực không ngừng tổ chức sản xuất theo diễn biến tình hình dịch bệnh đối với thị trường nhập khẩu truyền thống và tìm kiếm các thị trường mới cho sản phẩm thủy sản trong đó có sản phẩm tôm nước lợ nhằm khai thác cao nhất tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm thủy sản nước ta.

Nhằm ổn định sản xuất, tránh những thông tin bất lợi, chủ động tận dụng và đón bắt cơ hội trong sản xuất, nuôi tôm nước lợ năm 2020, ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, đơn vị này đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trung ương ven biển, các Hội, Hiệp hội liên quan đến sản xuất tôm nước lợ và các đơn vị liên quan cần thông tin kịp thời và chỉ đạo sản xuất thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn và dịch Covid-19 để hoàn thành kế hoạch sản xuất tôm nước lợ các tháng đầu năm và cả năm 2020.

Ổn định tâm lý cho người dân nuôi tôm xuất khẩu trong mùa dịch

Nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục các hoạt động sản xuất như trước khi có dịch. . Ảnh: Internet

“Các đơn vị làm việc với các doanh nghiệp chế biến, Hội/Hiệp hội, HTX/THT, người nuôi và chính quyền địa phương trên địa bàn nhằm nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin; tổ chức sản xuất, chế biến và hoạch định kế hoạch tiêu thụ sản phẩm phù hợp với diễn biến thực tế trong và sau khi dịch bệnh kết thúc. Bên cạnh đó, khuyến cáo doanh nghiệp, người dân tối ưu hoá chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho chế biến.

Đối với tôm nuôi đến kỳ thu hoạch cần hỗ trợ người dân kết nối với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm. Đối với các cơ sở đang nuôi với mật độ dầy, tôm kích thước nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất” – ông Trần Đình Luân cho biết. Hiện tại, Công ty Thông Thuận có 3 nhà máy chế biến, nuôi tôm giống, tôm thịt.

Thị trường Nhật 35%, châu Âu 40%, Mỹ hơn 10 %, các thị trường khác khoảng 7-10%. Hiện tại, thị trường bị ảnh hưởng khoảng hơn 20% do khách đề nghị giao hàng chậm, còn chưa bị ảnh hưởng gì lắm. “Thế nhưng các thông tin đồn đại khách không mua tôm, thị trường đóng cửa giao dịch dẫn đến đại lý, ngân hàng, các tổ chức tín dụng không cho vay, đặc biệt không thu mua được khiến dân không dám nuôi tôm. Các thông tin này làm thị trường rối loạn” –ông Trương Hữu Thông cho biết.

Trong lúc có thông tin thị trường nông sản bị ngưng trệ, ngành hàng tôm lại không nằm trong xu thế này, mặc dù có chậm giao hàng nhưng nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được cho các nhà máy, đơn hàng. Đơn cử, công suất của Thông Thuận mỗi tháng xuất 8 triệu USD, thành nguyên liệu mỗi ngày khoảng 40-50 tấn nhưng nay không đủ nguyên liệu sản xuất.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 và hạn hán xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo lịch mùa vụ và khuyến cáo đối với nuôi tôm nước lợ, các địa phương đã chủ động điều chỉnh lịch mùa vụ, khuyến cáo kỹ thuật nuôi, quan trắc cảnh báo môi trường, tổ chức liên kết sản xuất cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các tỉnh ĐBSCL ước trong quý I diện tích thả nuôi mới chỉ đạt 425.215 ha (bằng 85% so với cùng kỳ), chủ yếu là diện tích nuôi tôm quảng canh. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ 2 tháng đầu năm đạt 383,391 triệu USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ 2019).

Dương Hùng

Giữa dịch Covid-19, doanh nghiệp lo thiếu tôm xuất khẩu

Thông tin nhiễu loạn về tình hình thị trường xuất khẩu trong dịch covid-19 làm cho bà con nông dân không dám triển khai nuôi tôm vụ mới.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 và hạn hán xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo lịch mùa vụ và khuyến cáo đối với nuôi tôm nước lợ, các địa phương đã chủ động điều chỉnh lịch mùa vụ, khuyến cáo kỹ thuật nuôi, quan trắc cảnh báo môi trường, tổ chức liên kết sản xuất cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các tỉnh ĐBSCL ước trong quý I diện tích thả nuôi mới chỉ đạt 425.215 ha (bằng 85% so với cùng kỳ), chủ yếu là diện tích nuôi tôm quảng canh. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ 2 tháng đầu năm đạt 383,391 triệu USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ 2019).

Tin đồn về thị trường gây bất lợi cho người nuôi tôm

Sáng nay (3/4), trao đổi với VOV, ông Trương Hữu Thông – Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH Thông Thuận cho biết: Thông tin nhiễu loạn về tình hình thị trường xuất khẩu trong dịch covid-19 làm cho bà con nông dân không dám triển khai nuôi.

Hiện tại, Công ty Thông Thuận có 3 nhà máy chế biến, nuôi tôm giống, tôm thịt. Thị trường Nhật 35%, châu Âu 40%, Mỹ hơn 10 %, các thị trường khác khoảng 7-10%. Hiện tại, thị trường bị ảnh hưởng khoảng hơn 20% do khách đề nghị giao hàng chậm, còn chưa bị ảnh hưởng gì lắm.

“Thế nhưng các thông tin đồn đại khách không mua tôm, thị trường đóng cửa giao dịch dẫn đến đại lý, ngân hàng, các tổ chức tín dụng không cho vay, đặc biệt không thu mua được khiến dân không dám nuôi tôm. Các thông tin này làm thị trường rối loạn” –ông Trương Hữu Thông cho biết.

Trong lúc có thông tin thị trường nông sản bị ngưng trệ, ngành hàng tôm lại không nằm trong xu thế này, mặc dù có chậm giao hàng nhưng nguyên liệu trong  nước chưa đáp ứng được cho các nhà máy, đơn hàng. Đơn cử, công suất của Thông Thuận mỗi tháng xuất 8 triệu USD, thành nguyên liệu mỗi ngày khoảng 40-50 tấn nhưng nay không đủ nguyên liệu sản xuất.

giua dich covid-19, doanh nghiep lo thieu tom xuat khau hinh 1
Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của Công ty Thông Thuận

Theo chia sẻ của ông Thông, hiện nay, Trung Quốc, Ấn Độ đều giảm nuôi do dịch bệnh nên nói chung nguồn cung sắp tới trên thế giới rất yếu. Các cơ quan quản lý cần tổ chức, tuyên truyền để bà con nghe được thông tin chính thống. Những ngày gần đây  họ toàn nghe thông tin qua mạng, đồn thổi là cấm xe, dừng xuất khẩu đi châu Âu, Nhật, Mỹ, không bán được hàng, ngân hàng không cho vay… nên người nuôi tôm sợ lỗ. Giá bán tôm hiện nay đang tốt nhưng thông tin của DN đến người dân rất khó.

Nhiều nông dân kêu rằng do hạn mặn mà không dám thả tôm, nhưng ông Trương Hữu Thông cho rằng, đây chỉ là một lý do rất nhỏ, “vì chúng tôi vẫn nuôi bình thường và cam kết bao tiêu đầu ra cho nông dân”.

Nhu cầu tôm trên thế giới sẽ tăng mạnh

Trong những tháng đầu năm 2020, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, từ đầu tháng 3/2020 khi dịch bệnh lan rộng gây hậu quả nghiệm trọng tại Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… đã làm ra tăng khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhất là các sản phẩm thủy sản tươi sống.

Để ứng phó với tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tham mưu, Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp nỗ lực không ngừng tổ chức sản xuất theo diễn biến tình hình dịch bệnh đối với thị trường nhập khẩu truyền thống và tìm kiếm các thị trường mới cho sản phẩm thủy sản trong đó có sản phẩm tôm nước lợ nhằm khai thác cao nhất tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm thủy sản nước ta.

giua dich covid-19, doanh nghiep lo thieu tom xuat khau hinh 2

Nhằm ổn định sản xuất, tránh những thông tin bất lợi, chủ động tận dụng và đón bắt cơ hội trong sản xuất, nuôi tôm nước lợ năm 2020, ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, đơn vị này đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trung ương ven biển, các Hội, Hiệp hội liên quan đến sản xuất tôm nước lợ và các đơn vị liên quan cần thông tin kịp thời và chỉ đạo sản xuất thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn và dịch Covid-19 để hoàn thành kế hoạch sản xuất tôm nước lợ các tháng đầu năm và cả năm 2020.

“Các đơn vị làm việc với các doanh nghiệp chế biến, Hội/Hiệp hội, HTX/THT, người nuôi và chính quyền địa phương trên địa bàn nhằm nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin; tổ chức sản xuất, chế biến và hoạch định kế hoạch tiêu thụ sản phẩm phù hợp với diễn biến thực tế trong và sau khi dịch bệnh kết thúc. Bên cạnh đó, khuyến cáo doanh nghiệp, người dân tối ưu hoá chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho chế biến. Đối với tôm nuôi đến kỳ thu hoạch cần hỗ trợ người dân kết nối với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm. Đối với các cơ sở đang nuôi với mật độ dầy, tôm kích thước nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất” – ông Trần Đình Luân cho biết.

Tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã có kết quả tích cực, các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục các hoạt động sản xuất như trước khi có dịch.

Dự báo của VASEP, mặt hàng tôm xuất khẩu ở các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cầm cự này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6 – 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm.

Cũng theo VASEP, thị trường xuất khẩu thuỷ sản thế giới có nhiều tín hiệu tích cực, cụ thể tại thị trường Mỹ, doanh số bán lẻ các loại sản phẩm thủy sản tươi, đông lạnh và thủy sản có thể bảo quản lâu (shelf-stable) đều tăng mạnh tại các chuỗi siêu thị của Mỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng./.

An Nhi/VOV.VN

Hệ thống kho lạnh quá tải, không còn chỗ chứa cá tra, tôm

Hệ thống kho lạnh quá tải, không còn chỗ chứa cá tra, tôm

Hiệp hội Chế biến và Xuất Khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa “khẩn thiết” báo cáo lên Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường để kiến nghị Thủ tướng, có cơ chế đầu tư kho lạnh, vì hiện thệ thống các kho chưa đã “căng hết bụng”, không còn chỗ chứa cá tra, tôm trong mùa dịch COVID-19.

Hệ thống kho lạnh quá tải, không còn chỗ chứa cá tra, tôm - 1

Hệ thống kho lạnh của các DN thủy sản hiện đã đầy, không còn chỗ để chứa thêm nguyên liệu cá tra, tôm thu mua của dân.

Trong văn bản gửi tới Bộ trưởng NN&PTNT hôm nay (2/4), Vasep cho rằng, hệ thống kho lạnh là một mắt xích cốt lõi đối với cả chuỗi sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, cho cả bối cảnh vượt qua đại dịch trước mắt và cả tầm chiến lược cho ngành hàng trong tương lai.

Trong bối cảnh khó khăn, ách tắc như đại dịch COVID-19 hiện nay, kho lạnh trữ hàng càng cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên Việt Nam đang thiếu kho lạnh trầm trọng. Các DN không thể thu mua được hơn nguồn nguyên liệu tôm, cá mà cho bà con nông, ngư dân, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn chủ động khi thế giới có nhu cầu lớn trở lại.

Vasep cho hay, do việc đầu tư kho lạnh trữ thủy sản mất chi phí khá lớn nên công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn còn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành. Hiệp hội này đề nghị Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho phát triển kho lạnh.

Cụ thể, cần hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với các kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet (dùng để kê hàng hóa) trở lên. Ngoài ra, cần hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập DN cho 2 năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành.

Theo Vasep, hiện giá tôm, cá tra nguyên liệu giảm mạnh do người nuôi lo sợ giá tiếp tục giảm nên thu hoạch sớm. Trong khi, DN tạm thời ngưng mua nguyên liệu do các đơn hàng bị hoãn, hủy và không có các đơn hàng mới. Mặt khác, kho lạnh của DN đã bị đầy vì chứa hàng tồn kho nên không còn chỗ chứa được nguyên liệu.

Nhiều kho lạnh đã được các DN cá tra thuê để trữ nguyên liệu cá, nên các DN tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải chuyển thuê kho lạnh ở miền Trung để trữ nguyên liệu tôm và hỗ trợ mua tôm nguyên liệu cho người dân.

Theo Vasep, đến nay, do dịch COVID-19, tỷ lệ các đơn hàng xuất khẩu đã ký bị khách yêu cầu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%).

Các thị trường có yêu cầu hoãn, hủy đơn hàng nhiều nhất là EU, Hàn Quốc và Trung Quốc (từ tháng 3, Trung Quốc bắt đầu có dần các đơn hàng trở lại); con số này ít hơn ở các thị trường Nhật, Mỹ, Nga.

Đặc biệt tại thị trường châu Âu phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng, mặt hàng cá tra chịu tác động ít hơn do giá tiêu thụ rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị.

Đối với các đơn hàng trong quý II, quý III/2002, Vasep cho biết, việc ký kết các đơn hàng mới cũng rất khó khăn, đặc biệt tại các nhóm thị trường chính như Mỹ, Nhật, EU… Nhiều DN vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong quý II, quý III, một số doanh nghiệp khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều.

Trước đó, cả ba hiệp hội, gồm Vasep cùng hiệp Dệt May Việt Nam (Vitas) và Da giày -Túi xách Việt Nam (Lefaso) -ba ngành hàng xuất khẩu gần 80 tỷ USD năm qua, cùng ký văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các bộ ngành về tháo gỡ khó khăn cho DN trong lĩnh vực do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Theo Phạm Anh (Tiền Phong)

Khó đoán định tương lai ngành tôm

Ngành tôm thế giới đang hứng chịu hậu quả của “bão” COVID-19, giá tôm trên toàn cầu giảm mạnh. Theo đánh giá, mức giá bán hiện tại vẫn đảm bảo lãi cho người nuôi. Tuy nhiên, câu chuyện của con tôm sắp tới như thế nào thì chưa ai dám khẳng định.

Cơ hội vẫn còn

Nhìn nhận về tình hình thị trường tôm thời gian gần đây, ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) cho biết, cho đến giờ này tình hình vẫn chưa đến mức xấu dù giá tôm có giảm, bởi với mức giá như hiện tại, nếu đạt năng suất người nuôi vẫn sống được với nghề. Liên quan đến ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo ông Phẩm là có tác động đến giá tôm ở hiện tại, nhưng xa hơn vẫn rất khó đoán định được. Ông Phẩm chia sẻ: “Giá tôm gần đây cũng bình thường dù có giảm đôi chút do ảnh hưởng từ dịch tại các nước nhập khẩu. Cũng có những nhà nhập khẩu mua thêm, có nhà nhập khẩu đề nghị đình lại và cũng có nhà nhập khẩu yêu cầu xuất gấp các đơn hàng cho họ. Do đó, nếu nói tôm tồn kho lớn hiện nay theo tôi là chưa có tính thuyết phục, bởi các nhà máy ở Sóc Trăng cũng như trong khu vực ĐBSCL hiện vẫn đang hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu bình thường”.

Ảnh minh họa

Khẳng định thêm về việc các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động ổn định và giá tôm vẫn còn ở mức có lợi cho người nuôi, bảng giá thu mua tôm thẻ của Stapimex ngày 26/3 cho thấy, tôm cỡ 45 – 100 con/kg đã tăng lên từ 1.000 đến vài nghìn đồng/kg, riêng tôm cỡ lớn (20 – 30 con/kg) vẫn giữ ở mức khá cao. Còn theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, hiện giá tôm đang tăng trở lại ở hầu hết các cỡ và doanh nghiệp đang thu mua TTCT loại 30 con/kg với giá 135.000 đồng/kg.

Trong khi các doanh nghiệp Sóc Trăng khẳng định vẫn hoạt động bình thường và thu mua tôm với giá đảm bảo lợi nhuận khá cho người nuôi thì các doanh nghiệp thủy sản của tỉnh Cà Mau lại đang gặp khó. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh thông tin, dù Trung Quốc tuyên bố mở cửa thị trường trở lại, nhưng việc thông quan vẫn chưa nhiều, trong khi thị trường châu Âu và Mỹ đều ngưng đơn hàng. Tình hình trên khiến phần lớn doanh nghiệp trong tỉnh ngưng mua, hoặc mua cầm chừng, vì không biết bán cho ai, còn nếu trữ lại cũng chưa biết tới đây thị trường sẽ ra sao; thậm chí một số doanh nghiệp không còn vốn để thu mua do chưa giải phóng được hàng tồn kho.

Vì sao lại có sự trái chiều giữa Cà Mau với Sóc Trăng và một số tỉnh khác trong khu vực? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết nguyên nhân chính làm cho giá tôm ở Cà Mau giảm mạnh so với các tỉnh khác một phần là do thị trường tiêu thụ tôm của hầu hết các doanh nghiệp thủy sản tại đây là từ Trung Quốc, đặc biệt là con tôm sú, một sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong khi, từ trước Tết Nguyên đán, dịch COVID-19 đã hoành hành mạnh ở Trung Quốc buộc thị trường này phải đóng cửa và chỉ mới mở lại thời gian gần đây, nhưng việc thông quan vẫn rất hạn chế. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, do nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc là Ecuador cũng đang gặp khó khăn về thời tiết và dịch bệnh nên nhiều khả năng con tôm Việt Nam sẽ rộng cửa hơn khi vào thị trường này trong thời gian tới.

Sự thất thường của giá tôm từ đầu vụ đến nay cùng với diễn biến thời tiết bất lợi khiến người nuôi tôm lo lắng, dẫn đến tiến độ thả nuôi có phần chậm lại. Nhưng nếu thả tôm ở thời điểm này liệu có đảm bảo được mức giá tốt khi thu hoạch hay không vẫn là bài toán khó đối với người nuôi. Giả sử sau 3 – 4 tháng tới các nước khống chế dịch COVID-19 thành công, cũng chưa ai dám chắc nhu cầu thị trường khi đó sẽ tăng.

 

Xoay chuyển thị trường

Trung Quốc nằm trong top 6 thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất tôm cũng đã có những phương án tìm kiếm, mở rộng thị trường. Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7/2020 được kỳ vọng sẽ mở rộng cánh cửa hơn cho tôm Việt Nam tới thị trường EU. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt và áp dụng linh hoạt quy tắc tại “sân chơi” EVFTA, minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nỗ lực tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác có ký kết hiệp định thương mại tự do, tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan.

Mặt khác, theo đại diện VASEP, trong xuất khẩu tôm, để đảm bảo tính cạnh tranh thì việc kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào và đảm bảo theo các tiêu chuẩn quốc tế là rất quan trọng; trong khi, điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm Việt lâu nay vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế. Để khắc phục điều này, người dân cần liên tục trao đổi với đầu mối thu mua cũng như với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để nắm bắt nhu cầu, chất lượng; đồng thời cân nhắc vấn đề tài chính để nuôi trồng như thế nào cho hiệu quả.

>> Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau: “10 ngày trở lại đây, giá tôm sú loại 20 – 40 con/kg ở Cà Mau đã giảm 40.000 – 50.000 đồng/kg, còn TTCT cũng giảm 10.000 – 20.000 đồng/kg, thậm chí TTCT cỡ nhỏ tìm doanh nghiệp mua rất khó. Tỉnh đã tuyên truyền để người dân không nên hoang mang dẫn đến tình trạng thu hoạch ồ ạt càng làm cho giá tôm giảm mạnh thêm và đề xuất Chính phủ can thiệp bằng gói tín dụng để doanh nghiệp mua trữ tôm…”.

An Xuyên –Thủy sản Việt Nam

Giá tôm làm khó người nuôi và doanh nghiệp

Những ngày gần đây, giá tôm nguyên liệu, nhất là tôm sú biến động rất mạnh, làm hàng trăm ngàn hộ dân nuôi tôm vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng “thấm đòn” khi hàng xuất khẩu không được, hàng tồn kho ngày càng nhiều.

Giá tôm giảm làm người nuôi không có lợi nhuận

Giảm mạnh

Vừa thu hoạch đợt tôm sú vào con nước cuối tháng 2 (âm lịch) vừa qua, bà Phạm Thị Loan (xã An Trạch A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) nhẩm tính bị “mất” gần 800.000 đồng so với đợt bắt tôm vào con nước giữa tháng. Bà Loan nói: “Con nước vừa rồi, tôi xổ vuông hơn 30kg tôm sú, loại từ 30-40 con/kg, bán được gần 3,8 triệu đồng. Trong khi đó, con nước trước, tôi xổ chỉ 28kg mà bán hơn 4,5 triệu đồng. Hiện tôm nuôi đang vào chính vụ nhưng với giá tôm giảm như vậy, người nông dân còn đâu nữa mà ăn”.

Theo người nuôi tôm ven biển các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…, chưa bao giờ trong thời gian ngắn mà giá tôm giảm mạnh như hiện nay, mà giảm mạnh nhất là tôm sú. Chỉ hơn một tuần, giá tôm giảm kỷ lục khoảng 70.000 đồng/kg, còn so với cùng kỳ năm trước thì giá tôm sú (tùy loại) giảm từ 100.000 – 140.000 đồng.

Theo thống kê, giá tôm trong tuần thứ 3 (trong tháng 3-2020), tôm sú loại 20 con/kg giá 170.000 – 200.000 đồng/kg (giảm 60.000 đồng/kg so với tuần trước); tôm sú loại 30 con/kg giá 130.000 – 170.000 đồng/kg (giảm khoảng 70.000 đồng/kg); tôm sú loại 40 con/kg có giá khoảng 90.000 – 130.000 đồng/kg (giảm 40.000 đồng/kg). Riêng loại tôm thẻ chân trắng giảm nhẹ hơn, đối với loại 100 con/kg tôm thẻ chân trắng nuôi ao phủ bạt giá từ 72.000 – 78.000 đồng (giảm 20.000 đồng/kg), nuôi ao đất giá hiện còn 65.000 – 75.000 đồng/kg (giảm 16.000 đồng/kg).

Theo người dân, với giá như hiện nay, nhất là tôm thẻ chân trắng, người nuôi đối diện rủi ro rất cao. Ông Trần Văn Việt (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Tùy theo kinh nghiệm và am hiểu kỹ thuật mà nuôi trúng nhiều hay ít. Nhưng với cách nuôi ao đất hiện nay thì giá tôm từ 80.000 đồng/kg (loại 100 con) trở lên mới có lời. Với giá tôm như hiện nay, dân nuôi tôm treo ao đầy”.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp và tình hình nuôi tôm trên địa bàn. Một số doanh nghiệp, thương lái ngừng mua hoặc mua hạn chế với giá thấp, làm cho giá tôm giảm bất thường. Người nuôi tôm hoang mang, lo không bán được tôm trong thời gian tới, không xác định được giá tôm trên thị trường, nên một số đã bán tôm khi chưa đến lứa thu hoạch với giá rất thấp.

Hàng tồn kho tăng

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại ĐBSCL, dù các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc thông quan trở lại, nhưng lượng hàng chỉ nhỏ giọt, khi hàng vào nội địa cũng bị hạn chế việc di chuyển, mặt hàng tôm tiêu thụ được rất ít. Còn thị trường EU, do diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp, hiện các đơn hàng nhập khẩu tôm đã ký hầu hết đều bị tạm hoãn ít nhất đến hết tháng 4-2020 và không ký đơn hàng mới. Thị trường Mỹ hiện chưa biến động nhiều, vẫn còn duy trì nhập tôm Việt Nam nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu chững lại, các thị trường còn lại đều khó do dịch bệnh.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết do dịch Covid-19 nên tất cả các thị trường xuất khẩu tôm đều ảnh hưởng. Về phía tỉnh, hội, ngành thủy sản dù đã phản ứng nhanh và chủ động, nhưng do tình hình khách quan nên các chính sách ban hành chưa đủ, việc cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn chậm.

Trước thực tế như vậy, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các đơn vị có liên quan thiết kế mẫu để thu thập thông tin từ các doanh nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh: về công suất thiết kế, công suất đang chế biến, hàng tồn kho theo hợp đồng, số lượng công nhân, năng lực chế biến, thị trường, số lượng và sản lượng chế biến, khả năng lưu kho đăng ký trữ. Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan nắm tình hình đang thả nuôi, dự báo thu hoạch, giá cả thu mua tôm nguyên liệu tại các đại lý… để có giải pháp phù hợp, đồng thời kiến nghị Trung ương có những chính sách phù hợp đối với các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu.

TẤN THÁI
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Tôm Cà Mau lao đao vì dịch bệnh

Giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau đang giảm sâu chưa từng thấy trong gần hai năm trở lại đây. Tình cảnh trên khiến người nuôi tôm lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan…

Hoạ vô đơn chí

Mùa này, nông dân các huyện vùng mặn phía Nam của tỉnh Cà Mau bắt đầu thu hoạch vụ tôm đầu tiên trong năm. Trên những cánh đồng tôm mênh mông nước ở huyện Phú Tân, Đầm Dơi, Cái Nước…, những chiếc quạt nước vẫn quay đều để cung cấp ôxy cho những ao tôm đến lứa thu hoạch. Tuy nhiên, thương lái chẳng ngó ngàng thu mua.

Trường hợp của ông Trần Minh Đương, ngụ ấp Tân Long B, xã Tân Dân (huyện Đầm Dơi) là một thí dụ. Ông Đương nuôi năm ao tôm thẻ theo hình thức siêu thâm canh (mỗi ao từ 1.000-1.200 m2) và hiện có hai ao đã qua giai đoạn ba tháng, đến lứa thu hoạch, đạt kích cỡ khoảng 50 con/1kg. Mấy ngày nay, ông Đương điện thoại kêu thương lái vô mua tôm nhưng vẫn bặt vô âm tính. Ông Đương bức xúc: “Mọi khi tôm có giá, thương lái vô nài nỉ, thậm chí đặt trước tiền cọc để mình bán cho họ. Nhưng giờ giá tôm giảm sâu, họ hứa lần hứa lữa chẳng thèm vô mua. Kiểu này hổng biết bán tôm cho ai luôn, còn để lại thì lấy tiền đâu trả nợ cho đại lý thức ăn, thuốc thủy sản”.

Cùng tình cảnh trên, ông Hà Văn Hùm (ngụ ấp Tân Thành A, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi), có 1/3 ao nuôi tôm thẻ siêu thâm canh đến kỳ thu hoạch nhưng gặp cảnh giá rẻ như cho. Bấm đốt ngón tay, ông Hùm nhẩm tính, so với cách nay gần một tháng, giá tôm thẻ công nghiệp hiện đã giảm từ 20.000-30.000 đ/kg. “Giá thấp quá nên tôi định tỉa thưa (thu hoạch trước khoảng 50% ao tôm-PV) nhưng hổm rày không có lái nào hỏi mua cả”. Ông Hùm giọng buồn so.

Cũng theo ông Hùm, trong tình thế không bán được tôm, gia đình ông phải kéo dài thời gian nuôi thêm từ 30-45 ngày. Tới thời gian nêu trên, dù giá có thấp cỡ nào thì người nuôi cũng phải thu hoạch chứ không thể nuôi thêm được nữa. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, bản thân ông Hùm cũng chưa tiên liệu được điều gì. Ông bày tỏ lo lắng: “Giá tôm hiện tại ngang bằng chi phí đầu tư để có được 1kg tôm. Nếu bán được xem như phá huề. Nhưng nuôi tôm vất vả lắm, hơn ba tháng trời ròng rã, huề xem như lỗ vốn”.

Đồng tôm thâm canh Cà Mau đến lứa thu hoạch nhưng khó bán bởi giá giảm sâu.

Đầm Dơi là vùng nuôi tôm trọng điểm ở Cà Mau, với hơn 70.000 ha. Do nhiều nguyên nhân, trong hơn ba năm gần đây, hiếm khi người nuôi tôm có được một vụ tôm suôn sẻ. Ông Kiều Minh Tấn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), cũng là một trong hai nông hộ đầu tiên ở xã thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, phân tích: Với tỷ lệ nuôi thành công về sản lượng chiếm từ bằng đến hơn 80%, nếu tôm nguyên liệu có mức giá ổn định, thì mỗi ao tôm (khoảng 1.200m2), hộ nuôi có lời từ 200-300 triệu đồng mỗi vụ nuôi. Tuy nhiên, giá tôm “nhảy múa” liên tục, nhất là vào cao điểm thu hoạch, giá thường xuống thấp”, ông Tấn chia sẻ.

Các vùng chuyên tôm ít bị tác động bởi hạn hán, xâm nhập mặn như vùng ngọt phía bắc của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, nông hộ nuôi tôm ở Cà Mau đang chịu cái nạn được coi là “từ trên trời rơi xuống”. Tôm không bị dịch bệnh nhưng dịch bệnh trên người đang tác động bất lợi đến giá tôm. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg hiện chỉ còn từ 160.000 – 180.000 đồng/kg; sú loại 30 con/1kg giá từ 120-130.000đ. Trong khi, tôm thẻ (nuôi công nghiệp) loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000 đồng/kg; thẻ loại 50 con/kg còn khoảng 105.000 đồng. So với hai tuần trước đó, giá tôm sú giảm khoảng 100.000đ/kg và hơn 20.000 đồng đối với mặt hàng tôm thẻ.

Trước tình cảnh giá tôm giảm sâu, ông Trần Văn Của (có hơn 1ha đất nuôi tôm sú quảng canh ở ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam) cho biết sẽ tạm ngừng việc thu hoạch tôm. Ông nói trong tâm trạng bất an: “Chờ dịch bệnh qua đi xem tình hình có cải thiện không rồi tính tiếp”.

Những hộ nuôi tôm quảng canh như ông Của, tôm có thể chậm thu hoạch trong thời gian dài từ 2-3 tháng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, với những hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở Cà Mau, việc kéo dài vụ nuôi đồng nghĩa với việc người nuôi sẽ bỏ thêm tiền để cho tôm ăn, tiền điện chạy quạt nước, tiền vi sinh xử lý nước và tất tần tật nhiều thứ khác. Do đó, nếu tình hình dịch bệnh thuyên giảm và giá tôm không cải thiện, thì kịch bản “treo đầm” có thể sẽ diễn ra trên diện rộng ở vùng nuôi tôm trọng điểm quốc gia.

“Giá tôm nguyên liệu hiện giảm chưa từng thấy trong vòng hai năm trở lại đây. Trong điều kiện các loại vật tư đầu vào không giảm, thì với giá hiện tại, người nuôi tôm ở Cà Mau dù đạt về sản lượng nhưng vẫn không có lãi” – Thạc sĩ Mã Huy, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Cà Mau.

Xuất khẩu hẹp đầu ra vì Covid-19

Cà Mau được xem là “thủ phủ” nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, với tổng diện tích nuôi hơn 280.000 ha, tổng sản lượng tôm đạt khoảng 200 nghìn tấn mỗi năm. Trong đó, có các hình thức nuôi, như: Quảng canh kết hợp (hơn 62.000 ha); quảng canh cải tiến (khoảng 140.000 ha); Tôm-lúa (hơn 38.000 ha), tôm-rừng (hơn 30.700 ha) và hơn 8.700 ha tôm bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Chỉ riêng loại hình nuôi tôm siêu thâm canh, từ vài chục ha ban đầu, đến nay Cà Mau đã phát triển lên hơn 2.500 ha với 2.476 hộ nuôi, năng suất bình quân từ 40-50 tấn/ha.

Tôm Cà Mau giảm giá sâu tác động bất lợi đến người nuôi tôm.

Với vùng nuôi rộng lớn nêu trên và việc phát triển mạnh các hình thức nuôi có sự can thiệp của tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thì ước tính, mỗi năm nông hộ Cà Mau tiêu tốn vài nghìn tỷ đồng mua thức ăn cho con tôm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cà Mau vẫn chưa có được nhà máy sản xuất thức ăn mà phải nhập tỉnh, kể cả một số nguyên liệu thiết yếu phục vụ đầu vào trong quá trình nuôi tôm, như: Vôi, bạt lót đáy ao, ống nhựa, nhiều loại vi sinh và thuốc chuyên dùng trong thuỷ sản… Đó cũng là một trong những bất lợi mà người nuôi tôm ở Cà Mau gặp phải trong nhiều năm qua. Kéo theo đó là giá thành đầu vào luôn trong tình trạng “mất kiểm soát”. Trong khi đó, con tôm phần lớn phụ thuộc vào xuất khẩu qua hệ thống các nhà máy chế biến thủy sản.

Ông Phạm Thế Tài, Nguyên Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Người nuôi tôm luôn thiệt thòi vì không quyết định được giá đầu ra”. Ông Tài phân tích: Vật tư đầu vào chiếm khoảng 70% chi phí cho một vụ nuôi, đặc biệt là các hình thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh. Tuy nhiên, giá của vật tư hiếm khi nào giảm mà luôn trong tình trạng tăng, đặc biệt là các mặt hàng thuốc thuỷ sản và thức ăn cho tôm, bởi doanh nghiệp triết khấu hoa hồng khá cao cho hệ thống phân phối và đại lý. “Trong tình thế đó, năm nào xuất khẩu thuận lợi, giá tôm nhích lên thì nông dân “dễ thở”, bằng ngược lại người nuôi tôm lãnh đủ hoặc nai lưng “làm mọi” cho nhà sản xuất”, ông Tài chia sẻ.

Chế biến tôm đang có dấu hiệu sa sút do thị trường xuất khẩu bị bó hẹp vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đánh giá của đa phần người nuôi tôm, giá nhiều mặt hàng đầu vào hiện không tăng nhưng giá tôm giảm sâu do dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, khiến thị trường xuất khẩu bị bó hẹp. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường cho biết: Ban đầu là Trung Quốc, sau đó đến châu Âu và bây giờ toàn thế giới đã bị ảnh hưởng dịch Covid-19, khiến thị trường xuất khẩu bị co hẹp dần. “Không bán được hàng, không có vốn xoay vòng, trong khi, mỗi tháng công ty gánh chi phí hoạt động vài tỷ đồng”.

Cùng nhìn nhận trên, ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty thủy sản Anh Khoa (tỉnh Cà Mau) bổ sung: Một trong những khó khăn nhất hiện nay là ngân hàng nhà nước triển khai thông tư 01 về giảm lãi, giãn lãi,…nhưng chưa đúng nhu cầu thực sự của doanh nghiệp. “Doanh nghiệp đang cần vốn để khôi phục sản xuất, thu mua hàng thủy sản nhưng một số chính sách từ hệ thống ngân hàng triển khai rất chậm”, ông Trung nêu quan điểm.

Tình hình dịch Covid-19 đã và đang tác động bất lợi đến các mặt kinh tế và đời sống xã hội. Tại Cà Mau, con tôm là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng nhiều đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu thỷ sản của tỉnh hiện giảm hơn 50% so với cùng kỳ, gia tăng lượng hàng tồn kho. Đây cũng là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu tôm những tháng đầu năm 2020 của tỉnh Cà Mau giảm 15 – 20% so với cùng kỳ. Chính vì thế, việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không thể chậm trễ, góp phần bình ổn giá tôm. Về lâu dài, để giá tôm bình ổn, Cà Mau nói riêng và người nuôi tôm nước lợ các tỉnh ven biển cả nước nói chung rất cần sự đầu tư của Nhà nước về chuỗi cung ứng vật tư đầu vào tại các vùng nuôi tôm trọng điểm nhằm kiểm soát tốt giá thành đầu vào, giảm thiểu chi phí trong nuôi tôm. Có như thế, con tôm Cà Mau và của Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh và rộng đường “xuất ngoại”.

Cả hệ thống chính trị của tỉnh đang tập trung cùng lúc nhiều nhiệm vụ trọng tâm (chỉ đạo đại hội Đảng các cấp, giảm thiểu, khắc phục hạn-mặn, dịch bệnh Covid-19) nên rất cần sự chia sẻ, hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là trong việc cung cấp các thông tin cần thiết về sản lượng, hàng tồn kho, số lượng công nhân, giá mua nguyên liệu, sản lượng hợp đồng đã ký, đăng ký tạm trữ, minh bạch giá cả thu mua,… Đó cũng là cơ sở để tới đây tỉnh có đề xuất tới Trung ương nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử.

HỮU TÙNG
Nguồn tin: Nhân Dân