Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Thị Trường Tôm

Doanh nghiệp thủy sản chủ động các giải pháp thích ứng

Thủy sản là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh từ dịch COVID-19. Nhằm thích ứng với tình hình xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã tìm ra các giải pháp ứng phó.

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, xuất khẩu của Công ty sụt giảm 20% so cùng kỳ năm trước; khách hàng hủy đơn hàng khoảng 10% và lượng lớn kéo giãn thời gian giao nhận hàng, song, Công ty vẫn thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn ổn định. Cùng đó, quán triệt các giải pháp phòng dịch an toàn để đảm bảo cho hơn 6.300 công nhân của nhà máy. Còn giải pháp của Công ty CP Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES) là chủ động phương pháp làm việc với khách hàng; chủ yếu là ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc qua môi trường mạng, qua điện thoại. Khi cần thiết, khách hàng đến kiểm tra hàng hóa thì phải đảm bảo các quy định bảo hộ, phòng, chống dịch an toàn. Bên cạnh đó, CASEP vẫn tiếp tục sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng 80% lượng khách hàng và dự trù tình huống khan hàng, hút hàng thời gian tới.

Một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm chia sẻ, tuy dịch COVID-19 ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ ở các nước đang bị dịch bệnh nặng như Mỹ, Trung Quốc, Nhật bản…, song lượng hàng hóa cung ứng vẫn cần xuất khi đường vận chuyển giữa các quốc gia hoạt động trở lại. Bởi, trong thời gian phòng chống dịch, nhu cầu tiêu dùng của người dân sở tại vẫn tăng, nhất là các mặt hàng tôm chế biến loại vừa và nhỏ xuất bán ở các siêu thị.

Vân Anh – http://www.thuysanvietnam.com.vn/

Bất lực nhìn giá đi lên

Mặc dù giá tôm tại các tỉnh ĐBSCL đang tăng trở lại, nhất là tôm thẻ chân trắng, thế nhưng, người dân “lực bất tòng tâm”, bởi điều kiện nuôi vẫn rất bất lợi. Hạn hán, xâm nhập mặn đang khiến nhiều diện tích nuôi thủy sản tại đây thiệt hại nặng.

Diện tích thiệt hại tăng dần

Những ngày qua, dù đã có mưa trái mùa xuất hiện tại một số tỉnh, nhưng nhìn chung nắng nóng còn khá gay gắt và mặn vẫn xâm nhập sâu vào nội đồng khu vực ven biển ĐBSCL với nồng độ cao. Tình hình trên không chỉ làm chậm tiến độ thả nuôi vụ tôm nước lợ năm 2020, mà còn làm cho môi trường bị biến động mạnh, phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại không ít cho người dân.

Tại Bến Tre, ngay những ngày đầu tháng 2, do độ mặn và nhiệt độ tăng cao đã làm hàng trăm ha nghêu của các HTX Rạng Đông, Thạnh Lợi… bị thiệt hại với tỷ lệ từ 60 – 90%. Ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc HTX Thạnh Lợi cho biết: “Năm nay, nghêu chết rất bất thường, nhưng theo kinh nghiệm của HTX nguyên nhân chủ yếu có thể là do độ mặn quá cao (26 – 30‰) và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn. Hiện, các HTX nghêu trong tỉnh tập trung dọn dẹp làm sạch môi trường và hạn chế thả nuôi nên tình hình nghêu chết có phần giảm lại”. Không chỉ có con nghêu, nắng nóng và độ mặn cao còn làm cho nhiều diện tích nuôi thủy sản khác của Bến Tre bị thất thu. Ông Võ Văn Hiện, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú cho biết, hơn 3.800 ha diện tích thả giống tôm càng xanh từ giữa năm 2019 đến đầu năm 2020, đã có 1.400 ha bị thiệt hại, với tỷ lệ hơn 37,8%.

Tại Sóc Trăng, tuy nắng nóng và độ mặn cao chỉ làm thiệt hại khoảng 115 ha trong tổng số gần 7.000 ha tôm nước lợ đã thả nuôi, nhưng cũng tạo tâm lý bất an nơi người nuôi khiến tiến độ thả nuôi có phần chậm lại. Ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên bộc bạch: “Năm nay, độ mặn lên quá cao và trời quá nóng, nên phần lớn người nuôi tôm chỉ thả nuôi cầm chừng. Tình hình này khiến cho lịch thả giống của địa phương có phần chậm hơn so với mọi năm”.

Không chỉ có Sóc Trăng hay Bến Tre, nhiều diện tích nuôi thủy sản của các tỉnh khác ở ĐBSCL cũng chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Tại Cà Mau, Kiên Giang, nhiều vùng nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến nằm sâu trong nội đồng không đủ điều kiện lưu thông nguồn nước khiến độ mặn trong vuông nuôi có nơi lên đến 30 – 40‰, làm nhiều diện tích tôm nuôi thiệt hại, chủ yếu do sốc môi trường và bệnh đốm trắng. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, phần lớn diện tích tôm nuôi thiệt hại là do sốc môi trường, một số do dịch bệnh và tập trung chủ yếu tại các vùng nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Còn tại Bạc Liêu, nếu nắng nóng và độ mặn tiếp tục tăng cao, theo dự kiến sẽ có khoảng 9.000 ha tôm nuôi có nguy cơ bị thiệt hại.

Hiện tại, diện tích thiệt hại do nắng nóng và độ mặn cao chưa phải là lớn do người nuôi chỉ thả cầm chừng, nhưng theo lãnh đạo các tỉnh, điều đáng lo ngại là giá tôm đang tăng trở lại sẽ kích thích nhiều hộ thả nuôi, trong khi thời tiết, môi trường vẫn chưa thật sự ổn định, rất dễ làm cho diện tích thiệt hại tăng nhanh trong thời gian tới. Ông Châu Công Bằng lo lắng: “Mấy ngày nay, giá tôm tại Cà Mau bắt đầu tăng trở lại. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng đáng lo, vì một khi người dân tập trung thả nuôi ồ ạt nhưng điều kiện nuôi vẫn chưa ổn định rất dễ phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại tôm nuôi, còn nếu trúng mùa, thu hoạch ồ ạt cũng chưa biết giá tôm sẽ ra sao”.

 

Người nuôi nóng lòng vì giá

Sau một thời gian giảm mạnh, hiện giá TTCT tại tỉnh Cà Mau đã tăng trở lại, người nuôi có lãi khá, nhất là tôm cỡ lớn. Nếu như tháng trước, TTCT nguyên liệu được thương lái thu mua loại 100 con/kg tại các huyện dao động 73.000 – 75.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 128.000 đồng/kg thì hiện nay tình hình đã khởi sắc hơn. Trong những ngày đầu tháng 4, giá TTCT được thương lái thu mua bắt đầu tăng nhẹ. Cụ thể, loại 15 con/kg giá 244.000 đồng/kg; loại 20 con/kg giá 202.000 đồng/kg; loại 25 con/kg giá 169.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 132.000 đồng/kg và loại 100 con/kg giá 90.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay thì người nuôi tôm sẽ có lãi khi thu hoạch, đặc biệt những ao nuôi cỡ lớn lãi sẽ cao.

Giá TTCT đã tăng trở lại. Ảnh minh họa

Theo ghi nhận của phóng viên, sau thời gian “sống chậm” chờ giá, hiện người nuôi đang rất nôn nóng thả giống vì giá tôm gần đây liên tục tăng lên. TTCT loại 30 con/kg kiểm kháng sinh và màu sắc đạt tại Sóc Trăng hiện đang có giá 138.000 – 148.000 đồng/kg, loại 100 con/kg thấp nhất cũng được 88.000 – 90.000 đồng/kg. Trong khi, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, phải đến 15/5 mùa mưa ở Nam bộ mới chính thức bắt đầu nên nắng nóng, mặn cao sẽ còn kéo dài đến hết tháng 4. Do đó, hầu hết ngành nông nghiệp các tỉnh khu vực ven biển ĐBSCL đều khuyến cáo người nuôi nên thận trọng, chưa vội thả nuôi hết diện tích để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Theo Tổng cục Thủy sản, để chủ động ứng phó, ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL cần chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thủy văn, hạn hán và xâm nhập mặn; tăng cường quan trắc môi trường, thông tin kịp thời, hướng dẫn các giải pháp phòng ngừa. Về lâu dài, cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất, mùa vụ của từng địa phương phù hợp.

>> Chủ đại lý Hiền Như ở xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, hiện độ mặn cao nên chỉ có một số khách hàng nuôi theo mô hình CPF-Combine model của C.P mới dám thả nuôi, còn các mô hình khác hầu hết đều chờ độ mặn và nhiệt độ giảm xuống mới dám thả nuôi do lo sợ bệnh đốm trắng và gan tụy.

 An Xuyên – http://www.thuysanvietnam.com.vn/

Cơ hội và thách thức của tôm Việt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

NDĐT – Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phần lớn hoạt động xuất khẩu (XK) hàng hóa đều bị gián đoạn. Mặc dù vậy, ba tháng đầu năm, XK tôm Việt Nam đạt 628,6 triệu USD, tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng khích lệ đối với các doanh nghiệp (DN) XK tôm Việt Nam.

Cơ hội và thách thức của tôm Việt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Ba tháng đầu năm, xuất khẩu tôm tăng nhẹ 1,8% so cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ tăng 18,2%

Theo Hiệp Hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 3 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 41,3 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ đứng thứ hai về nhập khẩu (NK) tôm của Việt Nam. Lũy kế ba tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong tốp 5 thị trường NK tôm chính của Việt Nam.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thông thường, Mỹ đặt hàng nhập khẩu tôm trước khoảng hai tháng. Do đó việc nhập khẩu tôm trong hai tháng đầu năm 2020 không chịu tác động của dịch Covid-19. Mỹ tăng mạnh nhập khẩu tôm trong hai tháng đầu năm 2020 do nhu cầu cuối năm 2019 tăng mạnh khi kinh tế nước này khả quan, giá tôm ở mức hợp lý và doanh thu bán tôm cho doanh nghiệp dịch vụ thực phẩm của Mỹ tăng. Ngoài ra, các công ty có xu hướng chuẩn bị nguồn hàng cho kỳ nghỉ lễ Phục sinh và xu hướng tiêu dùng mùa hè đang tăng mạnh.

Dịch Covid-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3-2020 khiến hoạt động NK hàng hóa trong đó có tôm vào thị trường này bị đình trệ. Nhu cầu NK cũng giảm do giảm mạnh tiêu thụ ở phân khúc dịch vụ thực phẩm do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tôm ở phân khúc bán lẻ vẫn tăng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Trong khi đó, nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ là Ấn Độ, cũng là đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ, đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa nhằm hạn chế dịch Covid-19 lây lan ở Ấn Độ bắt đầu từ 23-3 và kéo dài đến 3-5 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nước này khi tháng 3 là tháng cao điểm để thả giống vụ hè. Người nuôi tôm ở Ấn Độ gặp khó khăn về nguồn cung và vận chuyển tôm giống trong khi đầu ra bị tắc, không có người chăm sóc tôm vì lệnh phong tỏa, giá tôm nguyên liệu giảm sâu. Do Lệnh phong tỏa, một số nhà máy chế biến của Ấn Độ chỉ có thể hoạt động 50% số lượng công nhân. Nên XK tôm của Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 3-2020 bị ảnh hưởng.

Bảo đảm nguồn cung nguyên liệu, sản xuất khi hết dịch

Vasep khuyến nghị, trong khi dịch bệnh trên toàn thế giới vẫn chưa được khống chế và chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, cả người nuôi và DN vẫn đang nỗ lực cố gắng để vượt qua khó khăn. Người nuôi tôm cũng đang cần sự hỗ trợ khống chế kịp thời dịch bệnh trên tôm, nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp, bởi nếu không rất dễ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu tôm khi thị trường tôm hồi phục.

Tình hình dịch bệnh cũng chưa thể dự đoán được sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, tôm thuộc nhóm thực phẩm thiết yếu với mức giá dễ chịu nên nhu cầu tiêu thụ vẫn có trên thế giới và nội địa trong thời gian tới. Tình hình phòng, chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ. Khi các nước sản xuất chính như Ấn Độ và Ecuador cũng đang gặp khó khăn về sản lượng do dịch bệnh, thời tiết, Việt Nam cần bảo đảm nguồn cung nguyên liệu, sản xuất đón đầu khi dịch bệnh được khống chế, các nước nhập khẩu tôm chính đang thực hiện các gói kích cầu… thì nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng cao và hy vọng giá sẽ tăng theo.

Hiện nay, do dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, các nước như EU, Australia, Hàn Quốc… đều áp dụng các biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế đi lại nên ảnh hưởng đến việc giao hàng, theo đó, giá tôm nguyên liệu có xu hướng giảm trong quý đầu năm nay. Người nuôi cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp. Nếu tôm nuôi không đạt, nông dân nên thu hoạch sớm để không bị thua lỗ. Nếu tôm đang ở giai đoạn có kích cỡ nhỏ và phát triển tốt thì nên tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn.

Doanh nghiệp XK sang thị trường nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ EZ… để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.

THANH TRÀ – https://www.nhandan.com.vn/

Sau đại dịch, xuất khẩu thuỷ sản sẽ tự tin tăng trưởng tốt

Hai mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra được dự báo sẽ có nhiều triển vọng về XK trong thời gian tới, góp phần đưa kim ngạch XK thuỷ sản bật tăng sau đại dịch.
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực cá tra kỳ vọng sẽ tăng trưởng dương
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực cá tra kỳ vọng sẽ tăng trưởng dương
Tự tin vào chất lượng xuất khẩu
Tự tin vào chất lượng nguyên liệu chế biến hàng XK, nhiều DN chế biến, XK thuỷ sản cho rằng, sản phẩm của Việt Nam sẽ có ưu thế để bật tăng sau đại dịch. Theo TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, hiện nay do dịch bệnh đầu vụ  và tình hình dịch Covid-19 khiến việc thả giống tôm nuôi chậm lại. Điều này khiến giá tôm trong nước sẽ biến động hình sin do thiếu hụt cục bộ, nhất là giai đoạn từ tháng 5 tới sẽ thiếu nguồn cung.
Tuy nhiên, theo ông Lực, nếu tình huống Covid-19 vãn hồi sớm, giá tôm trong nước sẽ tăng mạnh hơn các nước, do trình độ chế biến của DN Việt Nam cao. Điều này dẫn tới nhiều sản phẩm vào được các hệ thống phân phối cấp cao, giá cả tốt. “Dù Covid tác động kéo dài bao lâu, giá tôm cũng sẽ khá ổn, cơ bản do cung giảm. Nếu giá có giảm, sẽ không nhiều nhưng xu thế giá tăng là xu thế mạnh hơn”- ông Lực nhận định.
Với XK tôm của Công ty CP thực phẩm Sao Ta, đến nay DN đã có đủ đơn hàng XK cho quý II/2020, nên DN chủ động được nguồn cung, ứng dụng công nghệ 4.0 để nuôi trồng, chế biến sản phẩm XK, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu.
Trong diễn biến cung về XK thuỷ sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, XK tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm 2020 đạt 628,6 triệu USD, tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Điểm nhấn trong XK tôm đó là, XK tôm sang thị trường Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng khả quan nhất trong số các thị trường NK chính. Trong bối cảnh XK bị gián đoạn ở nhiều thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây là mức tăng trưởng khích lệ đối với các doanh nghiệp XK tôm Việt Nam.
Mỹ đứng thứ 2 về NK tôm của Việt Nam. Tháng 3 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 41,3 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong top 5 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.
Để XK tôm sang thị trường này đạt kết quả tốt nhất, VASEP khuyên cáo, doanh nghiệp XK sang thị trường Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ… để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.
Bên cạnh đó, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 132 triệu USD, tăng 8,4% so với quý 1/2019.
Khi các nước sản xuất chính như Ấn Độ và Ecuador cũng đang gặp khó khăn về sản lượng do dịch bệnh, thời tiết, Việt Nam cần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, sản xuất sản phẩm cất lượng cao đón đầu khi dịch bệnh được khống chế, các nước nhập khẩu tôm chính đang thực hiện các gói kích cầu… thì nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng cao và hy vọng giá sẽ tăng theo- VASEP khuyến cáo.
Kỳ vọng tăng trưởng dương
Đối với mặt hàng cá tra, bức tranh XK đang sáng hơn khi chứng kiến giá trị XK cá tra sang hai thị trường lớn là Trung Quốc – Hồng Kông và Mỹ tăng trưởng khá tốt. Trong đó, tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông đã tăng 109% so với tháng 1/2020.
Theo VASEP, 3 tháng đầu năm nay, tổng giá trị XK cá tra đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước. Suốt quý đầu năm nay, Covid-19 đã tác động không nhỏ tới XK cá tra Việt Nam sang nhiều thị trường. Tính đến hết tháng 3/2020, giá trị XK sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt 63,2 triệu USD, chiếm 18,9% tổng giá trị XK cá tra, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, đây là mức XK lạc quan so với những ngày đầu năm – thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Riêng tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc- Hồng Kong đạt 34,7 triệu USD, tăng hơn 109% so với tháng 1/2020. Trung Quốc – Hồng Kông trở lại là thị trường XK cá tra lớn nhất của DN Việt Nam trong quý I năm nay.
VASEP dự báo trong quý II/2020, XK cá tra sang thị trường lớn nhất này sẽ khôi phục mạnh và tăng từ 30-40% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với thị trường Mỹ, hiện Việt Nam có trên 30 doanh nghiệp tham gia XK cá tra sang thị trường Mỹ, trong đó, 3 doanh nghiệp lớn nhất là: VINH HOAN CORP, BIEN DONG SEAFOOD và VD FOOD LTD. Theo VASEP, nếu không bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong giao dịch thương mại, có lẽ quý đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ khả quan hơn nhiều so với mức giảm liên tiếp ở năm ngoái. Tính riêng tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt 23 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù, giá trị XK cá tra trong 3 tháng đầu năm nay vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 61,7 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước), nhưng trong các tháng đầu năm đã cho thấy phản ứng tích cực từ thị trường này. Các doanh nghiệp hy vọng trong quý II, giá trị XK cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ vượt lên mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, sự gián đoạn XK cá tra sang thị trường lớn Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới. Đây cũng sẽ cơ hội tốt để DN mở rộng thị phần XK sau đại dịch.
Theo Báo Hải Quan

Ngành tôm Cà Mau gặp khó

Cà Mau được xem là thủ phủ nuôi tôm của cả nước với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã và đang làm cho ngành tôm Cà Mau đứng trước nhiều khó khăn, người nuôi tôm, doanh nghiệp (DN) chế biến gặp rất nhiều khó khăn.

Cà Mau có 150.000 hộ nuôi tôm với tổng diện tích hơn 280.000 ha, tổng sản lượng tôm đạt khoảng 300.000 tấn/một năm. Trong đó, các hình thức nuôi, gồm: quảng canh kết hợp 62.000 ha; quảng canh cải tiến 140.000 ha; tôm-lúa 38.000 ha, tôm-rừng 30.700 ha và trên 8.700 ha tôm bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Chỉ riêng loại hình tôm siêu thâm canh, từ vài chục ha ban đầu, đến nay Cà Mau có hơn 2.500 ha với 2.476 hộ nuôi, năng suất bình quân từ 40-50 tấn/ha.

Thu hoạch tôm nuôi sinh thái tại huyện Năm Căn (Cà Mau).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người nuôi tôm ở Cà Mau đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì giá tôm biến động liên tục. Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Cà Mau, thương lái thu mua tôm tung tin đồn nhằm làm nhiễu loạn giá, thậm chí kéo giá xuống thấp, làm cho người nuôi hoang mang. Việc loạn giá theo chiều hướng đi xuống đã đẩy người nông dân lâm vào thế “bỏ thì thương, vương thì tội”, bán cũng không xong, để lại cũng chẳng yên lòng.

Ông Châu Trung Trực (ngụ ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) cho biết, chưa bao giờ chứng kiến người nuôi tôm khó khăn đến vậy. Giá tôm giảm mạnh không đoán được thời điểm dừng. Nhà ông Trực có một ao 2.200m2 nuôi tôm siêu thâm canh, 6 vụ đầu gia đình ông đều thu lãi. Mới cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 1 tỷ, giờ ông Trực buộc phải bán khi tôm chỉ mới đạt 100 con/kg; giảm 50% sản lượng, lỗ 300 triệu đồng.

Nhiều năm qua, thị trường xuất khẩu chính của các DN chế biến tôm Cà Mau là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… hiện các thị trường truyền thống này đang bị dịch bệnh COVID-19 hoành hành, việc nhập khẩu hàng hóa từ các hợp đồng đã ký trước đều phải dừng lại. Mặc dù Chính phủ đã có những chủ trương tháo gỡ nhưng DN vẫn gặp khó khăn nghiêm trọng.

Với 68 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, trong đó 29 DN có 39 nhà máy chế biến tổng công suất 185.000 tấn/năm với 20.000 lao động, khó khăn về thị trường xuất khẩu đang làm các doanh nghiệp ngành tôm Cà Mau điêu đứng.

Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Anh Khoa, cho biết: “Quý 1-2019 kim ngạch xuất sang thị trường Trung Quốc khoảng 10 triệu USD. Nhưng quý 1-2020 chỉ bán được 450.000 USD. Lượng hàng tồn kho gồm 400 tấn tôm sú trị giá 150 tỷ đồng đã khiến công ty không thể tìm được nguồn vốn thu mua tôm trong dân, góp phần kích tăng giá tôm gỡ khó cho nông dân”.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, đến quý 2-2020, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến DN khó khăn hơn về thị trường xuất khẩu, kho lưu trữ hàng hóa, nguồn vốn, lao động, vốn thu mua tôm… ảnh hưởng rất lớn việc sản xuất của các hộ nuôi tôm. Do đó, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang được triển khai đi vào thực hiện; thông qua cơ hội hy vọng giải được bài toán khó khăn của ngành tôm Cà Mau.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, về phía tỉnh, các hội sở ngân hàng phản ứng khá nhanh so với tình hình chung cả nước. Chủ trương đã có nhưng việc cụ thể hóa chính sách còn chậm.

“DN có tồn tại được hay không là liên quan đến nông dân, nếu nông dân dừng sản xuất, DN sẽ thiếu nguyên liệu, không thể sản xuất. Do vậy, để duy trì sản xuất một cách ổn định, có hiệu quả thì trước tình thế này, DN phải lên tiếng, minh bạch thông tin thu mua để người nông dân nắm bắt, tránh tình trạng để thương lái thu mua với giá lung tung, làm hại đến lợi nhuận kinh tế người dân. Đồng thời, DN cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin, năng lực chế biến đối với ngân hàng để tạo đủ niềm tin cùng nhau gỡ khó trong điều kiện dịch bệnh này”, ông Sử nhấn mạnh.

Còn ông Trần Quốc Khởi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau, cho hay: “Theo Thông tư 01, hệ thống ngân hàng đang triển khai hỗ trợ trên 3 nội dung: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hỗ trợ miễn, giảm lãi, phí và hỗ trợ giữ nguyên nhóm nợ đối với các DN thủy sản đang gặp khó khăn. Trong đó, giảm, miễn lãi từ 0,5-1%. Tuy nhiên, hiện tiêu chí cho vay ưu đãi thì chưa được phổ biến, chưa có những hướng dẫn cụ thể…”.

Đ.Văn – H.Quân – http://cand.com.vn/

Xuất khẩu tôm tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm

KTCKVN – Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt 628,6 triệu USD, tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, XK tôm sang thị trường Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng khả quan nhất trong số các thị trường nhập khẩu (NK) chính

Trong bối cảnh XK bị gián đoạn ở nhiều thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây là mức tăng trưởng khích lệ đối với các DN XK tôm Việt Nam.

Mỹ đứng thứ hai về NK tôm của Việt Nam. Tháng 3 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 41,3 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong top 5 thị trường NK tôm chính của Việt Nam.

Dịch Covid-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3/2020 khiến hoạt động NK hàng hóa trong đó có tôm vào thị trường này bị đình trệ. Nhu cầu NK cũng giảm do giảm mạnh tiêu thụ ở phân khúc Dịch vụ Thực phẩm do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tôm ở phân khúc bán lẻ vẫn tăng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. DN XK sang thị trường nên tập trung vào các sản phẩm Chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ EZ… để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.

xuat khau tom tang nhe trong 3 thang dau nam
Xuất khẩu tôm tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm

Nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ là Ấn Độ, cũng là đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ, đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa nhằm hạn chế dịch Covid lây lan ở Ấn Độ bắt đầu từ 23/3 và kéo dài đến 3/5 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nước này khi tháng 3 là tháng cao điểm để thả giống vụ hè. Người nuôi tôm ở Ấn Độ gặp khó khăn về nguồn cung và vận chuyển tôm giống trong khi đầu ra bị tắc, không có người chăm sóc tôm vì lệnh phong tỏa, giá tôm nguyên liệu giảm sâu. Do Lệnh phong tỏa, một số nhà máy chế biến của Ấn Độ chỉ có thể hoạt động 50% số lượng công nhân. Nên XK tôm của Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 3/2020 bị ảnh hưởng.

Chiếm 21% tổng giá trị XK tôm Việt Nam, Nhật Bản vươn lên là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam trong quý đầu năm nay nhờ tăng trưởng mạnh NK tôm từ Việt Nam trong tháng 2/2020 với mức tăng trưởng 63% so với cùng kỳ năm 2019. Quý 1 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 132 triệu USD, tăng 8,4% so với quý 1/2019.

XK tôm Việt Nam sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc trong tháng 3 năm nay vẫn giảm lần lượt 16%, 6,3% và 6,4% so với tháng 3 năm ngoái do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Trong khi dịch bệnh trên toàn thế giới vẫn chưa được khống chế và chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, cả người nuôi và DN vẫn đang nỗ lực cố gắng để vượt qua khó khăn. Người nuôi tôm cũng đang cần sự hỗ trợ khống chế kịp thời dịch bệnh trên tôm, nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp, bởi nếu không rất dễ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu tôm khi thị trường tôm hồi phục.

Hiện nay do dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, các nước như EU, Australia, Hàn Quốc…đều áp dụng các biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế đi lại nên ảnh hưởng đến việc giao hàng, theo đó, giá tôm nguyên liệu có xu hướng giảm trong quý đầu năm nay. Người nuôi cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp. Nếu tôm nuôi không đạt, nông dân nên thu hoạch sớm để không bị thua lỗ. Nếu tôm đang ở giai đoạn có kích cỡ nhỏ và phát triển tốt thì nên tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn.

Tình hình dịch bệnh cũng chưa thể dự đoán được sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, tôm thuộc nhóm thực phẩm thiết yếu với mức giá dễ chịu nên nhu cầu tiêu thụ vẫn có trên thế giới và nội địa trong thời gian tới. Tình hình chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ. Khi các nước sản xuất chính như Ấn Độ và Ecuador cũng đang gặp khó khăn về sản lượng do dịch bệnh, thời tiết, Việt Nam cần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, sản xuất đón đầu khi dịch bệnh được khống chế, các nước nhập khẩu tôm chính đang thực hiện các gói kích cầu… thì nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng cao và hy vọng giá sẽ tăng theo.

Minh Dương- https://kinhtechungkhoan.vn/

Chật vật với hàng tồn kho, doanh nghiệp thủy sản chiến đấu để sống còn

Tôm đông lạnh
Tôm đông lạnh chưa qua chế biến.

Với nhiều doanh nghiệp thủy sản, hàng tồn kho là mặt hàng có tính… “nhạy cảm” cao, bởi đây là sản phẩm nhanh xuống cấp nếu phải lưu kho lâu ngày. Chưa kể, chi phí lưu kho các loại mặt hàng này cũng cao do phải vận hành hệ thống kho lạnh để bảo quản…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 1, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, các đơn hàng của doanh nghiệp thủy sản bị hủy, trì trệ, bị trả về… là chuyện diễn ra thường xuyên. Vì vậy, chi phí lưu kho của các doanh nghiệp cũng tăng lên; chưa kể trong báo cáo tài chính, phần hàng tồn kho giảm giá trị phải trích lập dự phòng khiến vòng quay tài chính của các doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Hàng tồn kho kéo “sụt” lợi nhuận

Công ty CP Camimex Group (HoSE: CMX) mới đây đã công bố BCTC kiểm toán năm 2019 với mức lãi ròng sụt giảm tới gần 63 tỷ đồng sau kiểm toán. Theo đó, kết thúc năm 2019 Camimex đạt 951 tỷ đồng doanh thu (DT) thuần giảm 10,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 77,7 tỷ đồng giảm gần 44% so với con số hơn 140 tỷ đồng được doanh nghiệp này công bố tại báo cáo tự lập. Điểm đáng chú ý với CMX trong BCTC là giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp tại thời điểm ngày 31/12/2019 có giá trị 581 tỷ đồng, tăng tới 38% so với đầu năm. Đây là con số đã trừ phần trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 30 tỷ đồng.

Càng đặc biệt hơn, giá trị hàng tồn kho phải trích lập dự phòng sau kiểm toán đã tăng thêm gần gấp đôi so với số liệu được ghi nhận tại báo cáo tài chính do doanh nghiệp tự lập trước đó (16,8 tỷ đồng).

Theo giải thích của doanh nghiệp, lợi nhuận sụt giảm sau kiểm toán là do kết quả hoạt động tài chính giảm gần 47 tỷ đồng do điều chỉnh thay đổi tài sản góp vốn vào công ty con năm 2013; giảm thêm 13,7 tỷ đồng do kiểm toán trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Ngoài ra chi phí quản lý và chi phí bán hàng cũng được điều chỉnh tăng làm lợi nhuận giảm hơn gần 2,6 tỷ đồng nữa.

Có thể thấy, với tổng giá vốn hàng bán năm 2019 đạt 750,5 tỷ đồng, thì với tổng hàng tồn kho hiện tại (581 tỷ đồng), nếu duy trì tốc độ bán hàng như năm 2019, doanh nghiệp sẽ mất ít nhất 3 quý để “xả” hết hàng. Đồng nghĩa với việc chi phí lưu kho, giảm giá trị… có thể sẽ tăng mạnh gây nên áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong năm 2020.


Chế biến thủy sản tại một DN trực thuộc tập đoàn PAN (Ảnh: IT).

Không chỉ có Camimex, nhiều doanh nghiệp thủy sản khác cũng có giá trị hàng tồn kho tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại Công ty CP Thủy sản Mekong (HoSE: AAM), theo BCTC quý I vừa được doanh nghiệp này công bố, tổng tài sản cuối quý I của doanh nghiệp đạt gần 220 tỷ đồng, nhưng phần lớn nằm ở hàng tồn kho với giá trị 112 tỷ đồng. Về kết quả kinh doanh, doanh thu trong quý của doanh nghiệp giảm 8% xuống 41 tỷ đồng, giá vốn ở mức cao khiến lợi nhuận gộp giảm 44% còn hơn 5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 666 triệu đồng, giảm 79% so với cùng kỳ.

Tương tự, với Công ty CP Nam Việt (HoSe: ANV; Navico), tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng tài sản của ANV ở mức 4.134 tỷ đồng, tăng 21% so với hồi đầu năm, song phần lớn tài sản là hàng tồn kho với 1.583 tỷ đồng. Theo doanh nghiệp này, tình hình khó khăn chung do dịch Covid-19 nên năm 2020 dự tính doanh thu của đơn vị giảm 33%, lãi giảm 71,5%, lần lượt với giá trị 3.000 tỷ đồng và 200 tỷ đồng.

Với “ông lớn” Vĩnh Hoàn, kết thúc quý 1/2020, giá trị tổng tài sản của Vĩnh Hoàn đạt 6.440 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với thời điểm đầu kì, trong đó chỉ tiêu hàng tồn kho cũng đang ở mức khá cao với giá trị 1.340 tỷ đồng…

Ngành thủy sản phải “chiến đấu” mỗi ngày để sống còn

Tính đến giữa tháng 4, ngành thủy sản Việt Nam mới nhận được một số tín hiệu tốt từ thị trường Trung Quốc, trong khi đó, các thị trường lớn khác như châu Âu, châu Á, Nam Mỹ… lại đang cắt giảm sản lượng vô thời hạn do dịch Covid-19. Do vậy, trong vài tháng tới đây tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm. “Nhìn chung, việc Trung Quốc hồi phục và mở cửa trở lại là tín hiệu đáng mừng trong cơn bĩ cực hiện nay của ngành thủy sản Việt. Song, khó khăn vẫn sẽ tiếp diễn khi dịch bệnh còn tiếp tục phức tạp trên thế giới và doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng xuất khẩu sụt giảm, bị hoãn hoặc hủy các đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, thanh toán không thuận lợi,… Vì thế, khả năng sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể trụ nổi…”, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo.


Công nhân sơ chế tôm tại nhà máy.

Vì vậy, đối với các doanh nghiệp thủy sản, việc duy trì dòng tiền trở thành bài toán sống còn khi nguồn thu bị cắt giảm mạnh và dịch Covid-19 còn kéo dài.

Tại Công ty thủy sản Nam Việt (Navico, ANV), đại diện doanh nghiệp này cho biết: “Trung Quốc có mở cửa trở lại nhưng tồn kho vẫn còn nhiều, do đó chưa thể nói ngay lập tức xuất khẩu có thể đạt được mức tăng trưởng như trước đây. Khi khách hàng châu Âu, Mỹ… tiếp tục đóng cửa vì dịch, do đó, ANV vẫn đang chiến đấu từng ngày trong việc tăng thu, bán hàng, đặc biệt là duy trì dòng tiền thật tốt (giữ dòng tiền vay thấp, cắt giảm các chi phí…) trong thời gian này. Đồng thời, ANV cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc phục hồi mạnh khi dịch qua đi”.

Tương tự, với kết quả lợi nhuận sau thuế trong quý 1 quí I giảm 51%, còn 152 tỷ đồng, “ông lớn” Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), mới đây đã xây dựng hai kịch bản đối với các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020. Theo đó, kịch bản thứ nhất, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 8.600 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm 2019, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tương ứng giảm 10%, còn 1.063 tỷ đồng. Ở kịch bản thứ hai, VHC đặt doanh thu và lãi sau thuế đạt 6.450 tỷ đồng và 800 tỷ đồng…

Quốc Hải Dân Việt