Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Thị Trường Tôm

Tôm Việt Nam xuất khẩu trên 100 thị trường

Thu hoạch tôm
Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng. Ảnh: Nhật Tân.

Năm 2019, tôm Việt Nam xuất khẩu sang 102 thị trường, đạt kim ngạch 3,36 tỷ USD, phấn đấu năm 2020 đạt 3,5 tỷ USD.

Ngày 8/5, tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, tổng diện tích tôm thả nuôi đạt 705.545 ha (trong đó tôm sú 603.855 ha, tôm thẻ chân trắng 97.865 ha), đạt sản lượng 823.851 tấn. Xuất khẩu tôm 2019 đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018.

Trong quý I/2020, diện tích tôm thả nuôi được khoảng 481.534 ha, đạt 71,1% so với kế hoạch năm 2020. Trong đó tôm sú thả 457.420 ha, tôm thẻ 22.132 ha. Đến ngày 30/4, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 168.6000 tấn, trong đó tôm sú 65.000 tấn, còn lại là tôm thẻ.

Đến cuối tháng 3/2020, kim ngạch xuất khẩu tôm các loại đạt 591,083 triệu USD (giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó tôm chân trắng đạt 417,216 triệu USD, tôm sú 112,948 triệu USD (giảm 23% so với cùng kỳ năm 2019).

Định hướng năm 2020, diện tích nuôi thả đạt 730.000 ha, trong đó tôm sú 620.000 ha, tôm thẻ 110.000 ha; sản lượng đạt 830.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 550.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa cuối năm 2019, xuất khẩu tôm sang các thị trường có xu hướng khả quan hơn sau khi sụt giảm trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2020 khi lượng tồn kho của năm 2019 được giải quyết, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ sẽ tăng, giá xuất khẩu cũng sẽ hồi phục.

Trong năm 2019, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 102 thị trường, trong đó top 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN,Thụy Sỹ (chiếm 96,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam).

Việt Tường & Nhật Tân Zing

Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2020 phấn đấu đạt 3,5 tỉ USD

Ngày 08/5, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020. Đến dự có các đồng chí: Phan Văn Sáu – Bí thư Tỉnh ủy; Trần Văn Chuyện – Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Thanh Mừng – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Văn Hiểu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường dự và chỉ đạo Hội nghị.

         Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Chuyện – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nêu rõ: Với lợi thế về vị trí địa lý, với bờ biển dài hơn 700km, ĐBSCL có thế mạnh phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Cũng như các tỉnh ven biển ĐBSCL, kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ trung tâm, là thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng, trong đó tôm nước lợ chiếm tỷ trọng khá cao và tiềm năng phát triển vẫn còn khá lớn. Diện tích nuôi thủy sản của tỉnh năm 2019 đạt trên 78.000 ha, trong đó nuôi tôm nước lợ hơn 57.000 ha, chiếm gần 74%; tổng sản lượng nuôi và khai thác tôm nước lợ đạt trên 150.000 tấn, chiếm tỉ lệ 71%; xuất khẩu thủy sản đạt 630 triệu USD, chiếm 76% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2019, bên cạnh những thuận lợi, ngành tôm còn có một số diễn biến bất lợi cho ngành thủy sản như giá cả hàng hóa trên thế giới diễn biến phức tạp trong nửa đầu năm 2019; cạnh tranh thương mại gia tăng; giá nguyên liệu thủy sản giảm sụt, giá nhiên liệu tăng…

Năm 2019, tổng diện tích thả nuôi đạt 705.545 ha, bằng 97,9% so cùng kỳ năm 2019 (trong đó tôm sú 603.855 ha, tôm chân trắng 97.865 ha). Sản lượng thu hoạch đạt 823.851 tấn, bằng 110,5% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu tôm đạt 3,36 tỉ USD, giảm 5,4% so với năm 2018. Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng, nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.

Trong quý I/2020, diện tích tôm thả nuôi được khoảng 481.534 ha (bằng 84,9% so cùng kỳ năm 2019, đạt 71,1% so với kế hoạch năm 2020), trong đó tôm sú là 457.420 ha (bằng 85,3% so với cùng kỳ năm 2019), tôm chân trắng 22.132 ha (bằng 79% so với cùng kỳ năm 2019). Đến ngày 30/4, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 168,6 nghìn tấn (bằng 94,4% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 21.7% so với kế hoạch năm 2020), trong đó tôm sú đạt 65 nghìn tấn, tôm chân trắng đạt 103,6 nghìn tấn. Tính đến ngày 31/3/2020, kim ngạch xuất khẩu tôm các loại đạt 591,083 triệu USD (giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó tôm chân trắng đạt 417,216 triệu USD, tôm sú 112,948 triệu USD (giảm 23% so với cùng kỳ năm 2019).

Định hướng năm 2020, diện tích nuôi thả đạt 730.000 ha, trong đó tôm sú 620.000 ha, tôm thẻ 110.000 ha; sản lượng đạt 830.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 550.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỉ USD.

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa cuối năm 2019, xuất khẩu tôm sang các thị trường có xu hướng khả quan hơn sau khi sụt giảm trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2020 khi lượng tồn kho của năm 2019 được giải quyết, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ sẽ tăng, giá xuất khẩu cũng sẽ hồi phục. Năm 2019, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 102 thị trường, trong đó Top 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN, Thụy Sỹ (chiếm 96,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam).

Cũng theo VASEP, Hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam sang thị trường EU nhiều hơn khi thuế giảm mạnh. Thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến vào EU sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh của Việt Nam có lợi thế rõ rệt so với các nước khác.

Quang cảnh Hội nghị

Đối với thị trường Mỹ, nơi chiếm tỉ trọng 19,5% xuất khẩu tôm của Việt Nam với kim ngạch năm 2019 ước đạt 646,6 triệu USD, nhu cầu mua tôm từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn khi nước này có xu hướng giảm lượng mua từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh từ Trung Quốc. Đặc biệt, trong tháng 3/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Văn Hiểu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Năm 2019, diện tích nuôi thủy sản của Sóc Trăng đạt 78.968 ha, vượt 8,3% kế hoạch, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tôm nước lợ đạt 57.000 ha, vượt 15,7% kế hoạch, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018; diện tích thiệt hại tôm nước lợ là 5.085 ha, chiếm 8,8% diện tích, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước; thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Thủy sản nước ngọt 20.136 ha; thủy sản khác 1.152 ha (trong đó Artemia 720 ha). Sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 281.357/279.800 tấn, bằng 100,56% kế hoạch, tăng 9,16% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó sản lượng khai thác đạt 70.315 tấn; sản lượng nuôi đạt 211.042 tấn (trong đó tôm nước lợ đạt 150.355 tấn, đạt 108,5% kế hoạch, tăng 12,3% so với cùng kỳ, chiếm hơn 18% sản lượng của cả nước). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh năm 2019 đạt 630/830 triệu USD, chiếm 76% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Năm 2020, Sóc Trăng phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 317.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 167.000 tấn; kim ngạch thủy sản đạt 670/900 triệu USD (tăng 6,3% so với năm 2019). Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 236.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 900/1.200 triệu USD (tăng 34% so với năm 2020). Tính đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi được khoảng 11.200/50.000 ha, đạt 22%, bằng 78,9% so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích thu hoạch 1.500 ha, sản lượng đạt 8.957 tấn.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Lê Văn Hiểu cho biết: UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện các nhiệm vụ sau: Nuôi nước trước khi nuôi tôm; triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm giảm giá thành; tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình tôm – lúa để tiến tới triển khai Dự án phát triển vùng sản xuất lúa thơm – tôm sạch huyện Mỹ Xuyên; quản lý vùng nuôi đúng qui định Luật Thủy sản, thực hiện cấp mã số nhận diện ao nuôi các đối tượng nuôi chủ lực theo Nghị định số 26 của Chính phủ và Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt lịch thời vụ nuôi tôm; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo đủ nguồn nước cho các vùng nuôi…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển vùng sản xuất lúa thơm – tôm sạch huyện Mỹ Xuyên giai đoạn 2021-2025 với qui mô 17.000 ha, tổng mức đầu tư 500 tỉ đồng; dự án xây dựng mô hình thí điểm thủy lợi vùng chuyên canh nuôi tôm công nghệ cao khu vực huyện Trần Đề với qui mô 300 ha, tổng mức đầu tư 232 tỉ đồng.

Tác giả:Theo Soctrang.gov.vn

Xuất khẩu tôm hùm chật vật, người nuôi gặp khó

Thu mua tôm hùm ở TX Sông Cầu. Ảnh: ANH NGỌC

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên một số lượng lớn tôm hùm nuôi đã đạt kích cỡ thu hoạch ở TX Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) chưa tiêu thụ được. Hiện nay, việc giãn cách xã hội được nới lỏng, người nuôi tôm hùm kỳ vọng thị trường xuất khẩu tôm hùm thương phẩm sẽ hoạt động trở lại.

TX Sông Cầu đang quyết tâm sắp xếp lại các vùng nuôi, hướng đến vùng nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản nuôi…

Mong thị trường sôi động trở lại

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản không thể xuất khẩu được, trong đó có tôm hùm. Ông Nguyễn Văn Hoàng ở thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, cho biết: Gia đình tôi nuôi khoảng 4.000 con tôm hùm xanh tại vùng nuôi thuộc đầm Cù Mông, đến nay có khoảng 2/3 lượng tôm nuôi đã đến thời kỳ thu hoạch. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên thế giới, tôm hùm nuôi đến thời kỳ thu hoạch chủ yếu xuất bán nội địa với giá thấp hơn khoảng 200.000 đồng/kg so với năm trước. Mặc dù giá thấp (tôm hùm xanh khoảng 550.000-650.000 đồng/kg, tôm hùm bông khoảng 1,1-1,3 triệu đồng/kg) nhưng người nuôi tôm hùm ở đây vẫn phải bán vì kéo dài thời gian nuôi thì chi phí sẽ tăng cao, nhưng số lượng tiêu thụ không nhiều. Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 tạm ổn, chúng tôi mong thị trường tôm hùm sẽ bình ổn trở lại.

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, trên địa bàn xã có khoảng 17.000 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm hùm xanh. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bị tạm ngưng nên các thương lái chỉ thu mua với số lượng ít để tiêu thụ nội địa. Hiện nay, ở xã Xuân Thịnh có hơn 1/3 số lượng tôm nuôi đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được.

Còn ông Lê Hữu Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Yên cho hay: Trên địa bàn phường có khoảng 390 hộ nuôi tôm hùm với số lượng khoảng 9.500 lồng. Đến thời điểm này, tôm hùm nuôi ở phường Xuân Yên đạt kích cỡ thương phẩm xuất bán khoảng 1/3 tổng lượng tôm nuôi trên địa bàn. Người nuôi tôm ở đây đang hy vọng việc mua bán tôm hùm thương phẩm sẽ sôi động trở lại, lượng tôm đến thời kỳ thu hoạch cũng sẽ được tiêu thụ…

Hướng đến vùng nuôi an toàn

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, trên địa bàn thị xã có khoảng 1.365 hộ nuôi thủy sản bằng lồng bè, trong đó chủ yếu là nuôi tôm hùm với số lượng khoảng 70.000 lồng tôm hùm thịt và khoảng 4.450 lồng tôm hùm ương. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên sản lượng thủy sản nuôi xuất bán, nhất là tôm hùm đến thời điểm này đã giảm nhiều so với các năm trước.

Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết: Đối với lượng tôm đến thời kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được, người nuôi cần tiếp tục nuôi lưu giữ, chăm sóc tốt, bên cạnh đó cần theo dõi sát tình hình thị trường để xuất bán vào thời điểm thích hợp. Trong quá trình nuôi, người nuôi cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý và áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học. Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng cho nông dân, địa phương kiến nghị tỉnh có định hướng cụ thể, đồng thời các doanh nghiệp thu mua cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm một số thị trường khác và thị trường nội địa nhằm giúp tiêu thụ sản phẩm của nông dân.

Hiện nay, số lượng lồng tôm hùm ương chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là lượng tôm hùm giống nhập về địa phương rất ít bởi ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Đây cũng là một trong những vấn đề thuận lợi để địa phương giảm số lượng lồng nuôi, tổ chức sắp xếp các vùng nuôi theo quy hoạch. “Đến nay, UBND TX Sông Cầu đã ra quyết định thành lập 17 tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản với khoảng 370 thành viên tham gia. Công tác giao quyền sử dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản đến nay đã giao cho 4 tổ thuộc phường Xuân Đài và xã Xuân Phương với 115 thành viên. Địa phương đang quy hoạch chi tiết các vùng nuôi và tiếp tục giao mặt nước để người dân nuôi trồng thủy sản ổn định”, ông Nguyễn Thái Hải Anh nói.

Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu: Người dân cần phối hợp và chấp hành việc bố trí, sắp xếp của chính quyền địa phương để hướng đến vùng nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản nuôi để tham gia xuất khẩu theo đường chính ngạch.

ANH NGỌC – Báo Phú Yên

VASEP: Dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản

VASEP: Dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản

Trong các sản phẩm xuất khẩu giá trị cá tra giảm mạnh nhất trên 29%, mực bạch tuộc giảm 24%, cá ngừ giảm 10% trong khi xuất khẩu tôm còn duy trì mức tăng nhẹ 1,8%.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, quý I/2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn giới, nhất là những nước đang nhập khẩu nhiều thủy sản của Việt Nam khiến kết quả xuất khẩu thủy sản của cả nước giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019 đạt 1,62 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản, có thể được coi như là cơ hội và thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam.

Những thị trường bị tác động giảm nhiều nhất gồm Trung Quốc, giảm 27%, EU giảm 16%, Hàn Quốc giảm 11% và ASEAN giảm gần 7%. Xu hướng của thị trường tiêu dùng thế giới thay đổi do tác động của dịch Covid, lệnh cấm, lệnh phong tỏa của nhiều quốc gia và nỗi lo sợ của người tiêu dùng khiến nhu cầu tiêu thụ trong phân khúc dịch vụ thực phẩm giảm mạnh.

Thu nhập của người tiêu dùng giảm nên tiêu thụ các sản phẩm cao cấp có xu hướng giảm, tác động giảm giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản. Trong các sản phẩm xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất trên 29%, mực bạch tuộc giảm 24%, cá ngừ giảm 10% trong khi xuất khẩu tôm còn duy trì mức tăng nhẹ 1,8%.

Theo VASEP, dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, đơn hàng bị sụt giảm, hoạt động vận chuyển, vận tải hàng hóa bị trì hoãn, tắc nghẽn tại các cảng, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ/tồn kho trong bối cảnh doanh nghiệp phải gia tăng tối đa trách nhiệm xã hội với chuỗi và với người lao động khiến doanh nghiệp chịu nhiều khó khăn và các sức ép lớn trong đợt dịch Covid-19.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản, có thể được coi như là cơ hội và thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam.

Theo đó, thách thức đầu tiên có thể kể đến là sức mua từ các thị trường giảm và phục hồi “thận trọng”, sẽ có 1 số doanh nghiệp bị đào thải (đóng cửa/phá sản hay bán lại cho nhà đầu tư khác). Đồng thời, nợ xấu có thể sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến cả các ngành có liên quan (bảo hiểm, ngân hàng, các ngành phụ trợ như sản xuất thuốc, hóa chất, bao bì vật tư,…), chi phí sản xuất tăng cao. Tình trạng treo ao xảy ra với quy mô không nhỏ khiến nguyên liệu càng thêm thiếu hụt trong tương lai và giá nguyên liệu sẽ tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lượng tồn kho tăng và tình trạng thiếu hụt kho lạnh tiếp tục gia tăng,…

Bên cạnh những khó khăn vẫn còn nhiều cơ hội của ngành thủy sản để thích ứng, phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới. Theo đó, niềm tin của các nhà đầu tư với Việt Nam và với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể hiện nay và sau dịch Covid (quyết sách và phương châm chống dịch hiệu quả, an sinh xã hội kèm phát triển kinh tế). Các quốc gia cạnh tranh thủy sản chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuado phải phong tỏa cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu; Indonesia hay Philipin, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất để duy trì nguồn cung cho thế giới. VASEP cho rằng đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam.

Ngoài ra, sẽ có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là sau khi xảy ra “chiến tranh” thương mại Mỹ – Trung và dịch Covid -19. Các sản phẩm thủy sản tiện dụng (RTC và RTE) có giá trị gia tăng có xu hướng được ưa chuộng hơn trên thị trường thế giới. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản (sản xuất thuốc, hóa chất, bao bì vật tư, trang thiết bị, dụng cụ cho NTTS, chế biến,…) có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp thủy sản chủ động hơn trong sản xuất…

VASEP dự báo, diễn biến dịch bệnh Covid còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm. Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi.

Xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 và cả quý II sẽ chưa thể hồi phục vì một số thị trường vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, nhất là thị trường EU. Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chưa thể hồi phục được như trước thời điểm có dịch. Các nước ở tâm điểm dịch có thể sẽ nới lỏng phong tỏa, nhưng việc giao dịch chưa thể thông suốt và hồi phục ngay.

Xuất khẩu thủy sản quý II được VASEP dự báo sẽ tiếp tục giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 2,0 tỷ USD, sau đó sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV, kết quả cả năm 2020 sẽ đạt 8,26-8,30 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.

Minh Ngọc

Theo Nhịp sống kinh tế

Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn ‘cháy hàng’

Gần đây, trên chợ mạng xuất hiện nhiều tiểu thương rao bán tôm sú khổng lồ có kích cỡ ngang ngửa tôm hùm. Điều đặc biệt là dù giá lên tới hơn triệu đồng nhưng mặt hàng này vẫn cháy hàng do có quá đông bà nội trợ đặt mua.

Cụ thể, trên một group mua bán thực phẩm lớn ở Hà Nội, một facebook tên H.T đã đăng tải rao bán tôm sú siêu to khổng lồ to gần bằng “cổ tay”.

Tiểu thương này cho biết, đây là loại tôm sú được đánh bắt tự nhiên và cấp đông ngay lúc sống hoặc ướp đá tươi. Chính bởi thế loại tôm này rất tươi ngon. Hơn nữa, do tôm tự nhiên, không phải tôm nuôi nên số lượng có hạn vì hiếm. Bởi thế, muốn ăn loại tôm này, khách phải order trước 2-3 ngày mới trả hàng 1 lần được.

Ngoài ra, loại tôm sú khổng lồ này có kích cỡ siêu khủng, chỉ từ 3- 6 con/kg và được bán với mức giá hấp dẫn: “Loại tôm sú kích cỡ 3-4 con/kg có giá bán 1180k. Loại kích cỡ 5-6 con/kg thì có giá 1130k”.

Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'

Trên chợ mạng, rất nhiều tiểu thương bán hải sản khác cũng đang rao bán loại tôm sú siêu khủng này. Chị Trần Thị Thanh (Vạn Phúc, Hà Nội) một người bán hải sản ở Hà Nội gần 1 tuần nay cũng rao bán mặt hàng tôm sú kích cỡ khủng.

Theo chị Thanh cho biết, gần 1 tuần nay, hễ cứ thấy nhà chị rao bán tôm sú loại khủng này là khách quen vào đặt hàng mua hết ngay. Do đây là loại tôm sú thuộc dòng lâu năm nên trọng lượng tôm rất to. Có những chú tôm sú dài trên 30 cm: “Khi ăn thì thịt của chúng rất chắc, ngọt, thơm, khác hẳn với những con tôm sú nuôi hoặc những chú tôm sú kích cỡ bé. Vì thế, dù có giá hơn triệu đồng/kg nhưng khách sành ăn là mê nên không tiếc tiền đặt mua. Nhà mình toàn phải khất hàng trả khách vì mặt hàng này quá khan hiếm, không lấy về được nhiều”.

Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
Những tôm sú có kích cỡ 3-4 con/1kg được bán với giá xấp xỉ 1,2 triệu đồng vẫn cháy hàng do loại tôm này khan hiếm. (Ảnh minh họa)

Tiểu thương buôn bán hải sản này cũng tiết lộ, loại tôm sú này thường sống 1-3 năm ở các rừng đước miền Tây, Bến Tre. Những ngư dân miền Tây thường săn tôm sú tự nhiên rất khó khăn: “Mình thấy các ngư dân săn tôm sú thiên nhiên bảo, mẻ nào trúng đậm lắm mới được khoảng gần chục kg. Còn thường chỉ được 1-2kg. Vì thế, mình tuy có nhiều mối gom giỏi lắm cũng chỉ gom được 2-3kg/tuần về bán cho khách quen”.

Kích cỡ tôm sú cũng có rất nhiều kích cỡ. Những chú tôm sú kích cỡ 3-5 con/kg được chị Thanh bán với giá hơn triệu đồng. Riêng những tôm sú có kích cỡ nhỏ hơn được bán giá mềm hơn: “Ngoài những nhà có điều kiện đặt mua tôm sú cỡ đại thì đa số khách mua hay mua loại tôm sú có kích cỡ 7-10 con/kg. Những loại tôm sú kích cỡ này mình bán với giá từ 900-700 ngàn đồng/kg. Loại kích cỡ này thì khách cũng phải đặt mua sớm mới gom được hàng để trả”.

Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
Ngoài những nhà có điều kiện đặt mua tôm sú cỡ đại thì đa số khách mua hay mua loại tôm sú có kích cỡ 7-10 con/kg. (Ảnh minh họa)

Chị Hạnh, 35 tuổi – một người thích ăn hải sản cũng cho biết, chị vừa đặt mua 1kg tôm sú kích cỡ khổng lồ về. Dự định giữa tuần này chị sẽ nhận được hàng.

Theo bà nội trợ sành ăn này tiết lộ: “Vì nhà mình rất thích ăn thủy hải sản nên hay mua tôm cá ăn. Bởi thế bản thân không ngại chi tiền triệu để ăn bữa tôm sú tự nhiên khổng lồ này. Do loại tôm này khan hiếm, lại chỉ mùa này mới có hàng. Vì thế 1 năm bỏ tiền ra ăn 1 bữa ngon mình không tiếc. Loại tôm này nhiều thịt, dai, giòn, các con mình ăn sẽ thích. Nhà có 4 người nên mình mua loại 4 con/kg để mỗi người ăn một con đến no”.

Minh Anh- https://vietnamnet.vn/

Đâu là lợi thế của ngành tôm Việt Nam?

Với giá thành sản xuất cao, ngành tôm Việt Nam bị đánh giá là yếu thế khi cạnh tranh trên thị trường thế giới nên rất khó để cạnh tranh một cách song phẳng. Tuy nhiên, giá trị sản xuất và thị trường của con tôm Việt Nam ngày một tăng. Điều gì tạo nên sức mạnh của ngành tôm nước ta?

Tìm con đường riêng

Khi nói về tính cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam, gần như bao giờ cụm từ “giá thành cao” cũng luôn được nhắc đến đầu tiên và nhiều nhất. Đây là thực trạng chung, dù trình độ nuôi tôm của người dân Việt Nam không hề thua kém các nước nhưng do hầu hết chi phí đầu vào, như: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… đều cao hơn các nước, nên giá thành tôm nuôi của Việt Nam thường trội hơn 20 – 30%. Đây thực sự là một bất lợi lớn của ngành tôm, khi nó làm giảm sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam so với các nước. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, kể cả những thời điểm giá tôm thế giới xuống mức thấp điểm thì ngành tôm Việt Nam vẫn không ngừng tăng trưởng, trở thành một trong số ít quốc gia xuất khẩu tôm lớn trên thế giới. Vậy, bằng cách nào con tôm Việt Nam vượt qua được bất lợi trên?

Ảnh minh họa

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho rằng: “Đó là nhờ ở trình độ chế biến và sự đa dạng sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam”. Theo ông Lực, trình độ chế biến của các doanh nghiệp tôm nước ta hiện thuộc hàng “chiếu trên” so với nhiều nước sản xuất tôm lớn trên thế giới. Ông Lực chia sẻ thêm: “Đơn cử như thị trường Nhật Bản, sản phẩm tôm Việt luôn có giá khá tốt, nhưng đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ cao trong quá trình chế biến, nên muốn bán được hàng vào thị trường này, ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm có phải có tính thẩm mỹ cao, mà điều này thì Sao Ta và nhiều doanh nghiệp thủy sản khác rất lợi thế nhờ trình độ tay nghề chế biến của công nhân Việt Nam rất khéo léo”. Ngoài sản phẩm tôm, Sao Ta còn chế biến bánh Kaki-Agi truyền thống của Nhật Bản để xuất khẩu vào thị trường này với doanh số vài triệu USD/năm.

Tại Sóc Trăng, hầu hết các doanh nghiệp chế biến tôm lớn như: Khánh Sủng, Stapimex, Sao Ta, Vinacleanfood, Tài Kim Anh… đều đã đầu tư máy móc công nghệ chế biến tôm hiện đại để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ các phân khúc thị trường cao cấp trên thế giới. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) chia sẻ: “Nhu cầu tiêu dùng thế giới ngày càng cao, buộc các nhà máy chế biến phải thay đổi để đáp ứng. Ngay từ ngày đầu mới thành lập, chúng tôi đã xác định hướng đi chủ lực là sản phẩm chế biến có hàm lượng giá trị gia tăng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính nhờ hướng đi đúng đắn này mà hiện nay sản phẩm của Vinacleanfood đã có mặt tại hầu hết thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc”.

Các phân khúc thị trường cao cấp tại EU, Mỹ hay Nhật Bản đều có được giá tốt và ổn định, nhưng theo các doanh nghiệp, ngoài Việt Nam và Thái Lan, hiện có rất ít quốc gia đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường này. Chính từ lợi thế trên nên có những thời điểm giá tôm thế giới xuống thấp, người nuôi tôm một số nước thua lỗ, nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn vượt qua, doanh nghiệp và người nuôi tôm vẫn bảo toàn được nguồn vốn, một số có lãi. Đơn cử như trong hai năm liên tiếp 2018 – 2019, những tháng đầu năm, giá tôm rớt thê thảm, nhưng các doanh nghiệp tôm vẫn có được thị trường tiêu thụ tốt, giúp ngành tôm nhanh chóng phục hồi và về đích trong những tháng cuối năm. Hay như những tháng đầu năm 2020 này, thị trường tôm thế giới liên tục biến động do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn và nhất là dịch COVID-19, nhưng giá tôm trong nước vẫn được giữ vững và đang tăng trở lại cũng là nhờ một phần ở việc chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp từ các sản phẩm chế biến sâu.

 

Then chốt là công nghệ

Mặc dù, ngành công nghiệp chế biến đang mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp tôm, tuy nhiên, do giá nguyên liệu ở Việt Nam đang cao hơn giá thế giới từ 1 – 2 USD/kg nên phần lợi nhuận này cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong ngành phải mạnh tay đầu tư thiết bị, công nghệ mới trong nuôi trồng, chế biến nhằm hạ giá thành; cùng đó, đầu tư vào công nghệ, đưa một phần robot, máy móc tự động vào trong quá trình chế biến để thay thế lượng lao động thiếu hụt. Nhiều phân đoạn trước đây được thực hiện bằng tay thì nay chuyển sang hoàn toàn bằng máy móc tự động.

Theo nhận định của ông Hồ Quốc Lực, hiện một số nước cũng đã đầu tư máy móc, công nghệ chế biến. Do đó, để đảm bảo tính cạnh tranh cho sản phẩm tôm Việt Nam, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến, ngành chức năng và người nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao tỷ lệ thành công, diện tích nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế và giảm giá thành trong nuôi tôm.

Đại diện VASEP cho biết, các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu cần tích lũy vốn để phát triển công nghệ, nhằm gia tăng tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô và bán thành phẩm. Cần quy định chỉ doanh nghiệp có đủ vốn, dây chuyền công nghệ, có cơ cấu sản phẩm xuất khẩu đạt tối thiểu 50% hàng giá trị gia tăng mới được hoạt động. Ngoài ra, do đặc thù ngành tôm mang tính mùa vụ rất cao nên cần tạo cơ chế thông thoáng cho việc nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, sản xuất hàng giá trị gia tăng tái xuất khẩu, tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho người lao động.

>> Những tháng đầu năm 2020, thị trường tôm thế giới liên tục biến động do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn và nhất là dịch COVID-19, nhưng giá tôm trong nước vẫn ổn và đang tăng trở lại cũng là nhờ một phần ở việc chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp từ các sản phẩm chế biến sâu.

Mai Trường – http://www.thuysanvietnam.com.vn/

Giật mình tôm hùm siêu rẻ tràn lan: Sự thật bất ngờ

Thời gian gần đây, tôm hùm được rao bán tràn lan trên chợ mạng với giá rẻ chưa từng có nhằm “giải cứu” người nuôi tôm hùm. Tuy nhiên, cơn sốt giải cứu đã khiến nhiều người bị lừa đẹp bởi các chiêu bẩn khi mua bán online.

Anh Duy Tuấn (trú tại TP. HCM) cho biết nhà hàng hải sản hay mua đóng cửa để phòng dịch Covid-19 nên lên mạng xã hội tìm hàng bán online để mua tôm hùm.

“Trước khi mua tôi cũng cẩn thận tìm hiểu và tin tưởng vì họ có page bán hàng, quay video đầy đủ và giá hợp lý. Sau khi thỏa thuận giá cả, tôi chọn mua 5 con tôm hùm ngộp, nặng 2,1kg với giá 430.000 đồng/kg. Khi nhận tôm, trả tiền rồi mang lên hấp thì ngửi thấy mùi thum thủm. Kiểm tra 5 con thì 4 con thối um, nồng nặc mùi hôi, thịt tôm bột bột rất kinh khủng, không thể nào ăn được. Liên hệ với người bán thì họ bảo do tôm ngộp nên chỉ có thế, nhận hàng nấu lên rồi họ không chịu trách nhiệm”, anh Tuấn bức xúc.

Giật mình tôm hùm siêu rẻ tràn lan: Sự thật bất ngờ - 1

Nhiều người quảng cáo bán tôm hùm ngất nhưng khách hàng mua về ăn thì bị thối hoặc kém chất lượng không thể nuốt nổi.

Theo anh Tuấn, tốt nhất người tiêu dùng nên mua tôm tươi sống, tránh gặp phải trường hợp như mình. “Với giá hiện tại, tôm sống size 2-3 con/kg chỉ từ 600.000 đồng/kg, chênh lệch 170.000 đồng/kg so với giá tôm ngộp nhưng ăn ngon, thịt chắc và thơm. Tôm ngộp chỉ nên mua của cửa hàng uy tín, người bán quen biết chứ mua online rất nguy hiểm vì họ nói một đằng, giao hàng một nẻo, khi người mua bị lừa thì không biết bắt đền bằng cách nào, đành ngậm quả đắng”, anh Tuấn nói.

Không những bán tôm kém chất lượng, nhiều “gian thương” còn bơm tạp chất để tăng trọng lượng của tôm hùm nhằm kiếm lời lớn. Người tiêu dùng ham rẻ, mua về chế biến mới phát hiện ra trong con tôm có chứa rất nhiều chất nhầy giống như thạch rau câu màu trắng đục.

Đánh vào phân khúc khách hàng bình dân, nhiều người đăng bán tôm hùm chỉ 35.000 đồng và 50.000 đồng/con thu hút hàng trăm lượt quan tâm, tuy nhiên khi hỏi thì được biết họ đang bán với giá “cắt cổ”.

Giật mình tôm hùm siêu rẻ tràn lan: Sự thật bất ngờ - 2

Đăng ảnh chụp tôm hùm loại 2-3 con/kg nhưng mua về là loại 12-14 con/kg đông lạnh.

Chị Phạm Thị Cúc (trú tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết thấy bài đăng trên nhóm chợ online gần nhà bán tôm hùm chỉ 35.000 đồng/kg, tò mò nên chị gọi điện hỏi thì được biết đó là tôm hùm baby đông lạnh.

“Họ chụp ảnh con tôm loại 2-3 con/kg rồi đăng giá bán 35.000 đồng/con nhưng không ghi loại bao nhiêu 1kg. Tôi nhìn thấy con tôm to tướng, giá lại quá rẻ nên tò mò đặt ăn thử. Khi hỏi mỗi cân được bao nhiêu con thì họ mới nói thật là 12-14 con/kg, loại 9-10 con/kg thì bán với giá 50.000 đồng/con”, chị Cúc nói.

Nghĩ là rẻ nhưng khi nhân giá lên thì người mua sẽ phải trả 490.000 đồng cho 1kg tôm hùm đông lạnh. “Gần nhà nên tôi cũng mua 140.000 đồng/4 con về ăn thử nhưng con tôm thì bé xíu, hấp lên bóc ăn toàn vỏ là vỏ, thịt rất nhạt, không ngon bằng tôm sú, tôm thẻ mọi khi tôi vẫn ăn”, chị Cúc chia sẻ.

Đặt mua 10 con tôm hùm size 0,5kg/con với giá 600.000 đồng/kg trên chợ mạng, chị Bùi Mai (trú tại Na Rì, Bắc Kạn) ôm cục tức vì “tiền mất tật mang”.

Theo chị Mai, do cần mua tôm nên chị đăng bài lên nhóm chuyên bán đồ hải sản và nhận được tin nhắn mời chào của rất nhiều người bán tôm hùm. “Trong số những người chủ động nhắn tin báo giá tôm hùm cho tôi thì một tài khoản tên là Hoài Phương báo giá rẻ nhất, chỉ 600.000 đồng/kg, nặng 5kg. Để tạo sự tin tưởng, Phương còn gửi cả chứng minh thư cho tôi xem, nói rằng bạn ấy có cửa hàng rất to, nếu đi hỏi trong nhóm buôn hải sản thì cả nhóm đều biết…”.

Sau khi thỏa thuận và trao đổi xong, chị Mai cho địa chỉ nhà, số điện thoại, ngay lập tức Phương chụp ảnh 5kg tôm lên và nói đã đóng hàng xong và cho chị Mai số điện thoại của nhà xe tên là Hùng Anh, có chạy qua Na Rì.

“Tôi gọi theo số điện thoại nhà xe của Phương cho thì họ nói xe họ có chạy qua địa chỉ nhà tôi nên thêm tin tưởng và chuyển đầy đủ 3 triệu cho số tài khoản mang tên Nguyễn Thanh Thư do Phương cung cấp. Không ngờ khi chuyển xong thì cả số điện thoại của người bán tôm hùm lẫn nhà xe Hùng Anh đều không liên lạc được, tài khoản trên mạng xã hội mang tên Hoài Phương cũng chặn tôi ngay sau đó”.

Giật mình tôm hùm siêu rẻ tràn lan: Sự thật bất ngờ - 3

Không những lừa tiền của người mua, nhóm đối tượng này còn lừa đảo cả người bán hải sản lẫn shipper giao hàng.

Bực mình vì “tiền mất tật mang”, chị Mai đăng bài “bóc phốt” lên nhóm bán hải sản thì nhận được phản hồi của hàng loạt người tiêu dùng khác đã bị lừa giống hệt mình. Người bị lừa vài trăm, người bị lừa vài triệu đồng, thậm chí cả shipper lẫn chủ cửa hàng hải sản cũng bị lừa tiền qua việc mua bán tôm hùm.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, dịch vụ bán hàng online trên các trang mạng xã hội đang tăng trưởng nóng. Mặc dù hoạt động này thuận tiện cho người tiêu dùng, song cũng đã xảy ra nhiều vụ rao hàng một đằng, nhưng chất lượng một nẻo.

Giật mình tôm hùm siêu rẻ tràn lan: Sự thật bất ngờ - 4

Cách tốt nhất để tránh lừa đảo là chọn mua tôm hùm đang sống, mua tại nơi đã quen biết và không trả tiền trước khi nhận hàng hóa.

Để hạn chế bị lừa đảo trong quá trình mua sắm online, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân nên cẩn trọng kiểm tra kỹ hàng hóa, dịch vụ và cơ sở bán hàng trước khi thực hiện giao dịch. Khi nhận hàng cũng phải kiểm tra kỹ trước khi thanh toán tiền, tuyệt đối không trả tiền hoặc không biết rõ người bán và uy tín của họ trước khi nhận hàng hóa. Khi nghi ngờ bị lừa đảo, người dân có thể trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Nguồn: http://danviet.vn