Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Tính tới hết tháng 8, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 5,52 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm 56,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Hồi cuối tháng 6, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã từng nhấn mạnh rằng: Nửa cuối năm, trong bối cảnh khó khăn, cần sự cố gắng chung của toàn ngành, trong đó đặc biệt là tập trung đẩy mạnh, nhanh hơn ở những ngành hàng đang có dư địa.
Vị “tư lệnh” ngành chỉ rõ: “Một là chúng ta phải đẩy nhanh, mạnh lĩnh vực lâm nghiệp nói chung, trong đó có kinh tế lâm sản vì đang có thời cơ. Bên cạnh đó, lĩnh vực đẩy mạnh còn là thủy sản khai thác và nuôi trồng. Mặc dù giá thủy sản thế giới đang không cao, nhưng vẫn còn dư địa để tập trung phát triển”.
Thậm chí, lâm sản và thủy sản được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận là 2 khu vực “cứu cánh” cho mục tiêu tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp.
Kỳ vọng là thế, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại khi chỉ vỏn vẹn vài tháng nữa là kết thúc năm 2019, dựa trên những kết quả đạt được, tình hình xuất khẩu thủy sản cả năm nay lại không mấy khả quan.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân cho rằng, trong khi các chỉ tiêu về tốc độ tăng giá trị sản xuất hay tổng sản lượng thủy sản về cơ bản phù hợp với năng lực sản xuất của ngành thì mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu lại ở mức khá cao.
Cụ thể, năm 2019, ngành thủy sản được Bộ trưởng giao các chỉ tiêu cơ bản như tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,69%; tổng sản lượng thủy sản đạt 8,08 triệu tấn (tăng 4,2%) và kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD (tăng 19,3%)
Ông Trần Đình Luân phân tích: Mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD, tăng 13,7% so với thực hiện năm 2018 là 8,794 tỷ USD. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 5 năm vừa qua là 5,5%/năm.
Bên cạnh đó, năm 2019 xuất hiện nhiều yếu tố khó lường, tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Trước hết, các xung đột thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc sẽ tác động không nhỏ tới các chính sách thương mại, cán cân xuất nhập khẩu. Ngoài ra, các rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu ngày càng nhiều với các quy định chặt chẽ hơn, cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt…
Ông Luân cũng tỏ ra khá băn khoăn với các diễn biến thời tiết rất phức tạp, ảnh hưởng tới việc nuôi trồng thủy hải sản, đó còn chưa kể đến bão lớn, áp thấp nhiệt đới…
“Một khó khăn khác của ngành thủy sản là tình trạng nuôi thủy sản vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là trong khai thác chưa nhiều. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng (cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão…), bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và chế biến sản phẩm thủy sản khai thác còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu”, ông Luân nói.
Một trong những yếu tố được lãnh đạo Tổng cục Thủy sản đề cập tới còn là việc ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản còn hạn chế, tổn thất sau thu hoạch còn cao, chất lượng nguyên liệu thủy sản khai thác giảm do bảo quản dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.
“Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra, ngành thủy sản sẽ phải nỗ lực rất nhiều”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.