Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Thị Trường Tôm

Giá tôm thẻ tăng mạnh, người nuôi lãi khủng 70.000 đồng/kg

Sau gần 3 năm liên tục đứng ở mức thấp, hiện giá tôm đang quay đầu và tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm. Đeo theo giá, nhiều nông dân đang đánh cược với vụ tôm Tết Nguyên đán 2020.

Hiện nhiều nông dân nuôi tôm đã và đang thả tôm nuôi vụ nghịch để đón tết. Nuôi tôm vụ này đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những tháng cuối năm, nhiệt độ xuống thấp, dịch bệnh tăng cao.

Nuôi tôm nghịch vụ tại HTX Hiệp Thành (TP.HCM)

Theo ông Trần Văn Mùa – Chủ tịch HTX nuôi tôm công nghệ cao Hiệp Thành (Nhà Bè, TP.HCM), hiện thời tiết diễn biến nóng, lạnh khá phức tạp.

“Giá tôm đang khá tốt, nhưng thời tiết quá phức tạp. Vụ tôm nghịch vụ này rủi ro sẽ khá cao. Chưa nói trước được điều gì, tiền Tết vẫn còn dưới ao”, ông Mùa khẳng định.

Cũng theo ông Mùa, nếu không nắm chắc kỹ thuật, xử lý tình huống bệnh dịch tốt, nhiều khả năng nông dân nuôi tôm sẽ phá sản mùa Tết này. Hiện, HTX Hiệp Thành đã thả nuôi hơn 20ha tôm. Mới đây HTX đã cho thu hoạch một ao tôm 4 tấn để bán ra thị trường.

Trong khi đó, tại ấp Kênh Đào (xã Long Hựu, Cần Đước, Long An), nông dân đã thả nuôi tôm nghịch vụ khoảng 15ha.

Ông Mười Đặng (Nguyễn Đặng) – một nông dân có 3 ao tôm với diện tích 8.000m2 cho biết, những năm gần đây rất ít nông dân thắng vụ tôm nghịch nuôi bán Tết. Tuy nhiên, để đánh đu may rủi với thời tiết, dịch bệnh và để có tiền ăn Tết, nhiều nông dân ở xã này vẫn thả nuôi tôm vụ nghịch.

“Tôi nuôi tôm hơn chục năm nay. Hiện tôi đang thả nuôi 600.000 con tôm được 2 tháng rồi. Từ giờ cho đến thu hoạch tôm hồi hộp lắm, tôm bị dịch là coi như hết ăn Tết”, ông Mười Đặng bộc bạch.

Nông dân rất trông mong vụ tôm Tết năm nay khi giá đang tăng cao.

Theo ông Mười Đặng, nuôi tôm vào những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều rủi ro và nguồn vốn bỏ ra lớn, nhưng nếu tuân thủ đúng các quy trình chăm sóc, tôm vụ nghịch này sẽ cho sản lượng và giá trị tương đối. Đặc biệt, thu hoạch bán ở thời điểm cận tết nên rất được giá.

Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Đước Nguyễn Hồng Chương thông tin, mấy năm nay, giá tôm không ổn định cộng thêm tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều bệnh trên tôm khiến nhiều hộ nông dân gặp không ít khó khăn.

Theo các chuyên gia, sản lượng tôm năm nay giảm nên giá tôm nguyên liệu những tháng cuối năm tăng mạnh. Các công ty chế biến thủy sản đang gặp khó khăn trong thu mua tôm nguyên liệu, do nguồn cung khan hiếm, giá khá cao, tăng trung bình 15 – 20%. Do thiếu nguyên liệu chế biến, các nhà máy đẩy mạnh mua vào để thực hiện những hợp đồng đã ký trước đó nên đẩy giá tôm thời gian gần đây leo thang.

Tuần trước, tại ĐBSCL giá tôm thẻ chân trắng cỡ 40 con/kg mua tại ao là 146.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi có lời khoảng 70.000 đồng/kg. Tôm cỡ 30 con/kg trên 175.000 đồng/kg, tăng hơn 40.000 đồng/kg so với cách đây vài tháng. Với mức tăng từ 15.000 – 45.000 đồng/kg, người nuôi tôm đạt lợi nhuận lớn.

Vụ tôm Tết năm nay được dự báo sẽ rất rủi ro khi thời tiết bất thường.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù giá tôm đang tăng cao, và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí theo dự báo gái tôm sẽ còn tăng trong những ngày tới, nhưng VASEP khuyến cáo nông dân không nên đua nhau thả tôm để tránh nguy cơ tăng cung ào ạt, nhất là trong bối cảnh giá tôm Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

Nguồn : Dân Việt

Xuất khẩu chính ngạch – Gỡ khó cho thị trường tôm hùm

VTV.vn – Thị trường tôm hùm đã đảo chiều, tăng giá trở lại từ khoảng 1 tháng nay nhưng nghịch lý là ở chỗ nhiều người nuôi không có tôm để bán.

Tôm hùm bông giờ đã ở mức 1,3 – 1,4 triệu đồng mỗi kg. Tôm hùm xanh dao động từ 700 – 800 ngàn đồng. So với hồi giữa năm, giá tôm hùm hiện tại đã tăng trên dưới 200 ngàn đồng.

Nhiều người nuôi tôm hùm tiếc nuối khi không còn tôm để bán. Tiếc nhưng không ai bất ngờ, họ đã quá quen với chuyện bấp bênh trên thị trường tôm hùm.

Ở vùng biển hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, sản lượng tôm hùm mỗi năm xấp xỉ 1.800 tấn. Phần lớn lượng tôm này xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Thế nhưng, từ cuối năm 2018, Trung Quốc đã thay đổi trong chính sách biên mậu đối với việc nhập khẩu hàng thủy sản Việt Nam. Cụ thể đối với tôm hùm là siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, tăng cường nhập khẩu chính ngạch với yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Suốt một năm qua, các địa phương có nghề nuôi tôm hùm đã tìm cách để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Theo yêu cầu trong xuất khẩu chính ngạch, từng lô hàng tôm hùm phải có chứng thư kiểm dịch, kiểm soát nguồn gốc, đảm bảo quy cách đóng gói, nhãn mác… Những điều này để làm được, cả doanh nghiệp thu mua lẫn người nuôi tôm hùm buộc phải thay đổi, không thể nuôi theo kiểu tự phát như lâu nay.

Những gì xảy ra đối với mặt hàng tôm hùm cũng là thực tế chung đối với nhiều mặt hàng thủy sản mà lâu nay đầu ra lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Cũng vì vậy, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch tiếp tục là vấn đề nóng trải dài ở hầu khắp các vùng nuôi thủy sản.

Xuất khẩu tôm ở Cà Mau có nhiều triển vọng

Các tỉnh vùng ĐBSCL, đặc biệt vùng Bán đảo Cà Mau đang nỗ lực đạt sản lượng hơn 1,1 triệu tấn tôm và kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỉ USD vào năm 2025.

Tín hiệu khả quan từ vùng nuôi

Gia đình ông Huỳnh Văn Dũng (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) đã có thâm niên làm mô hình lúa – tôm tại địa phương hơn 10 năm. Mấy năm trước, hết hạn mặn đến dịch bệnh hoành hành đã khiến 1,5 ha đất canh tác của gia đình có những vụ nuôi thất bát. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ tham gia thực hiện Đề án “Nâng cao tính bền vững của hệ thống canh tác tôm – lúa” của ngành chức năng địa phương nên năng suất nuôi tôm của gia đình ông tăng đều.

Ông Dũng cho biết, trước đây người dân làm theo kiểu truyền thống, thả giống nhiều mà không hiệu quả. Khi tham gia đề án, được tập huấn kỹ thuật nên bà con làm bài bản hơn. Thông thường, rơm của vụ lúa tuốt xong bỏ nay được giữ lại đưa xuống ruộng để tạo tảo, làm thức ăn cho tôm. Những việc cải tạo ao đầm như: phơi mặt trảng; đánh vôi; gây màu nước bằng phân DAP;… bà con được hướng dẫn cụ thể để đầu tư hiệu quả. Nhờ áp dụng những kỹ thuật mới, gia đình ông hiện nay có nguồn thu khoảng 70 – 80 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình lúa – tôm giúp người dân tăng thu nhập.

Ông Huỳnh Văn Dũng chia sẻ: “Cấy lúa trong vuông tôm lúc nào cũng hiệu quả hơn, tôm có hoài. Mần ruộng bây giờ đâu có đủ xài, mà cực khổ lắm. Tôm bây giờ có giá, vô con nào bắt con đấy. Có bữa 300.000-400.000, có bữa 700.000-800.000”.

Tỉnh Cà Mau có khoảng 38.000 đất làm mô hình lúa – tôm. Thời gian qua, trước khó khăn của người nuôi tôm thâm canh gặp phải, mô hình sinh thái lúa – tôm đang giúp sản lượng tôm giữ vững và phát triển.

Còn tại Bạc Liêu, tỉnh có diện tích nuôi tôm đứng thứ 2 cả nước sau Cà Mau, hiện đang có hơn 34.000 ha đất sản xuất theo mô hình lúa – tôm. Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh này, mô hình lúa – tôm mang lại lợi nhuận trung bình cao hơn từ 15-30% (khoảng 56 triệu đồng/ha/năm) so với độc canh lúa hoặc tôm. Từ đó, tỉnh định hướng tăng diện tích lúa – tôm lên 41.000 ha vào năm 2025. Đặc biệt, với “tham vọng” trở thành “thủ phủ ngành tôm của cả nước”, tỉnh Bạc Liêu đang mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ đầu tư cho các mô hình nuôi tôm.

Xây dựng thương hiệu cho tôm

Nổi bật nhất là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín của Tập đoàn Việt – Úc. Mô hình cho năng suất tôm đạt tới 100 tấn/ha/năm. Nuôi tôm siêu thâm canh đang chiếm tỷ trọng diện tích nhỏ nhất trong cơ cấu mô hình nuôi nhưng lại cho sản lượng rất cao.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn và ngay cả người dân cũng đang dần chuyển hướng đầu tư nuôi hình thức này, qua đó, góp phần nâng tổng sản lượng tôm nuôi năm nay của Bạc Liêu đạt hơn 142.000 tấn, tăng hơn 10% so với năm ngoái.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo công nghệ cao cho siêu năng suất.

Theo ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, địa phương hội đủ điều kiện để thực hiện các trọng trách Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng Bạc Liêu trở thành “công xưởng sản xuất tôm lớn nhất cả nước”.

Để thực hiện mục tiêu này, ngoài chú trọng sản xuất tôm theo hướng liên kết chuỗi giá trị thì tỉnh đã khởi động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 418 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. Hiện, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ đã có khoảng 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư trong nhiều lĩnh vực từ giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản để phục vụ phát triển nuôi tôm đến những doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực chế biến, xuất khẩu.

“Hiện nay, 20 nhà đầu tư trong chuỗi ngành tôm xin vào Khu công nghệ cao này và một số viện trường cũng xin vào đây để đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật về ngành tôm. Để lan tỏa ra và trở thành trung tâm ngành tôm Quốc gia ở Bạc Liêu, 20 doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai mô hình trong nhân dân. Hiện nay, trong dân có hơn 100 mô hình, bước đầu những mô hình này khá thành công. Chúng tôi hy vọng thời gian không xa, những mô hình công nghệ cao này sẽ lan tỏa khắp tỉnh Bạc Liêu và cả khu vực bán đảo Cà  Mau”, ông Dương Thành Trung nói”.

Những vấn đề vừa nêu cũng là một phần trên “con đường dài hơi” tỉnh Bạc Liêu trong việc thực hiện để xây dựng thương hiệu tôm. Chuỗi sự kiện quảng bá thương hiệu tôm được địa phương này tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, với chủ đề “Tôm Bạc Liêu – hương vị Việt Nam” đã cụ thể hơn khát vọng trở thành “thủ phủ ngành tôm” và xây dựng thương hiệu tôm riêng cho tỉnh mình.

Xuất khẩu vượt khó để tiến bước

Từ lâu thương hiệu tôm nước ta đã được người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới biết đến. Hiện, sản phẩm tôm Việt Nam đã có mặt tại gần 80 quốc gia, vùng lãnh thổ để hàng năm đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước khoảng 4 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường xuất khẩu còn một số khó khăn cần tháo gỡ.

Nhìn từ tình hình xuất khẩu tôm của tỉnh đứng đầu cả nước là Cà Mau sẽ phần nào thấy được thực trạng. Tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau năm 2018 là 1,2 tỷ USD và đến hết tháng 11-2019, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh mới đạt khoảng 1 tỷ USD. Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu tôm của địa phương này trong năm nay khó có thể đạt được.

Xuất khẩu tôm năm nay có những khó khăn nhất định.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được ông Nguyễn Việt Trung, Trưởng phòng Thương mại – Sở Công thương Cà Mau chỉ rõ là do rào cản kỹ thuật của thị trường các nước ngày càng cao. Cụ thể, hải sản của nước ta bị thẻ vàng của EU và mặt hàng tôm cũng chịu tác động theo, bị kiểm soát chặt hơn. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Cà Mau là Trung Quốc đã thay đổi chính sách nhập khẩu. Trước đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm của tỉnh đi theo đường tiểu gạch thì nay phải đáp ứng các tiêu chuẩn “khó tính” theo quy định của Hải quan Trung Quốc mới có thể xuất hàng. Một số doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu nên tình hình xuất khẩu chững lại.

Tuy nhiên, “bức tranh” xuất khẩu tôm của Cà Mau thời gian tới sẽ sáng hơn bởi con đường xuất khẩu chính ngạch đã bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi chính sách để tồn tại và sẽ tạo ra thị trường xuất khẩu bền vững trong tương lai. Ngoài ra, bên cạnh các thị trường truyền thống như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thì các doanh nghiệp cũng đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nga, Anh… và chú ý hơn tới thị trường trong nước.

“Xuất khẩu là hướng cơ bản nâng cao giá trị hàng hóa của người nông dân và doanh nghiệp. Chúng tôi đã đưa sản phẩm tôm ra thị trường rất nhiều nước giúp thu lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, cũng không xem nhẹ thị trường trong nước. Hiện nay, sản phẩm tôm của Cà Mau nhận được sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng trong nước, nhất là thị trường TP. HCM và Hà Nội. Xuất khẩu thủy sản nói riêng, mặt hàng tôm nói chung của tỉnh trong thời gian tới có nhiều triển vọng”, ông Nguyễn Việt Trung chia sẻ.

Thời gian qua các tỉnh ven biển trong vùng đã và đang tập trung phát triển theo định hướng kế hoạch hành động phát triển ngành tôm của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã thấy những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, để đạt như kỳ vọng của Thủ tướng, vẫn còn rất nhiều khó khăn cần khắc phục.

Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Đến năm 2020, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 710.000 ha; Tổng sản lượng tôm nuôi đạt 832.500 tấn; Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 4,5 tỷ USD. Đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000 ha; sản lượng tôm nuôi đạt hơn 1,1 triệu tấn; giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 8,4 tỷ USD. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đến 2025 sẽ đạt 10 tỷ USD.

Theo TẤN PHONG – TRẦN HIẾU (VOV)

Giá tôm hùm bất ngờ hạ nhiệt dù Tết Dương lịch đang tới gần

Trái với dự đoán, những ngày cận Tết dương lịch 2020, giá tôm hùm Alaska nhập khẩu và tôm hùm Việt Nam đều hạ nhiệt, giảm nhẹ so với 1 – 2 tuần trước.

Nếu như khoảng 1 – 2 tuần trước, giá tôm hùm Alaska nhập khẩu dao động từ 1,1 – 1,250 triệu đồng/kg với tất cả các size từ 0,5kg – 5kg thì hiện giá loại tôm này giảm nhẹ từ 100.000 – 200.000 đồng/kg, còn 1 triệu – 1,150 triệu đồng/kg.

Trao đổi với anh Nguyễn Tuấn, nhân viên tại một công ty nhập khẩu hải sản Canada tại Hà Nội, anh cho biết, khoảng 1 tuần trước giá tôm hùm Alaska vẫn còn khá cao, công ty anh để giá sỉ cho các đại lý là 1.060.000 đồng/kg tất cả các size, thì hiện nay giá sỉ là 980.000 đồng/kg, còn bán lẻ ra ngoài là 1.150.000 đồng/kg.

Giá tôm hùm bất ngờ hạ nhiệt dù Tết Dương lịch đang tới gần - 1

 Cận Tết dương lịch, giá tôm hùm Alaska giảm nhiệt

“Giá tôm hùm thay đổi theo mỗi đợt hàng về. Tuy nhiên, trái với dự đoán, gần đây giá tôm giảm nhẹ, do cạnh tranh nguồn hàng với Trung Quốc không còn khốc liệt như trước. Tuy nhiên, hiện đang là mùa tôm hùm Alaska thay vỏ nên hàng về 10 con thì có đến 7 con bị ọp, thịt không được chắc như các mùa khác. Thế nên chúng tôi hạn chế nhập tôm size lớn trên 3kg/con, chủ yếu là tôm size 0,5 – 1,5kg, tỷ lệ tôm bị ọp sẽ thấp hơn”, anh Tuấn cho biết.

Trong khi giá tôm hùm Alaska hạ nhiệt thì giá tôm hùm Việt Nam cũng chững lại ở mức từ 900.000 – 1.500.000 đồng/kg, dù nhiều dự đoán cho rằng giá tôm hùm Việt Nam sẽ tăng chóng mặt trong những ngày cuối năm.

Giá tôm hùm bất ngờ hạ nhiệt dù Tết Dương lịch đang tới gần - 2

Tôm hùm Việt Nam giữ giá từ 900.000 – 1.500.000 đồng/kg

Trao đổi với anh Phan Minh, một người bán tôm hùm thương phẩm tại Phú Yên, anh cho biết giá tôm hùm xanh hiện anh bán cho khách lẻ là 880.000 đồng/kg size 2-3 lạng; 1,160 triệu/kg size 4-5 lạng và 1,5 triệu/kg size 1kg đổ lên.

“Chúng tôi nhập hàng trực tiếp từ vùng nuôi nên giá có rẻ hơn so với các đại lý bán hải sản khác. Tuy nhiên, khả năng sang tuần giá tôm hùm sẽ bắt đầu tăng cao, phải sau Tết nguyên đán mới giảm nhiệt”, anh Minh cho biết.

Khảo sát giá tôm hùm xanh tại các cửa hàng hải sản tại Hà Nội, size từ 0,2 – 0,89kg/con được bán với giá 1,5 – 1,7 triệu/kg; size từ 0,9 – 1,15 kg/con giá từ 2 – 2,350 triệu/kg; size 1,16 – 1,69kg/con giá 2,5 – 2,7 triệu/kg; size 1,7 – 2kg giá từ 3 – 3,2 triệu/kg

Nguồn: http://danviet.vn

Xuất khẩu tôm sang EU: Cần sớm xây dựng thương hiệu

Tôm sú
Tôm sạch có chứng nhận, giá cạnh tranh sẽ được khách hàng đánh giá cao.

EU được coi là thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong nước, nhất là khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực tới đây. Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu thông tin về phương thức đáp ứng các tiêu chuẩn của EU để thâm nhập thị trường này.

Xuất khẩu tôm sang EU giảm mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), xuất khẩu tôm 10 tháng đầu năm 2019 giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,78 tỷ USD. Nguyên nhân do nửa đầu năm nay sản lượng tôm tăng, trong khi lượng tồn kho tại các thị trường cao, nguồn cung từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm tại các thị trường nhập khẩu hạ thấp hơn so với năm ngoái. Riêng tại thị trường EU, sau 9 tháng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng trưởng âm tới 20,8%, giá trung bình giảm 1 USD/kg so với năm 2018. Tuy nhiên, so với các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam vẫn cao hơn 15 – 20% (1 – 2 USD/kg).

Hiện, EU đang tăng mua thủy sản trong các tháng cuối năm 2019, giá tôm đã tăng trở lại. Tổng cục Thủy sản nhận định, tác động của EVFTA sẽ tạo nền tảng để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này trong nửa cuối năm chưa thể phục hồi như mong đợi.

Cần xây dựng thương hiệu tôm Việt

Theo Vasep, EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 22% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020.

Để tận dụng lợi thế từ EVFTA, Vasep cho rằng, trước mắt phải tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận với giá cạnh tranh; tiếp đó xây dựng được thương hiệu tôm Việt. Vì vậy, cần sự hỗ trợ trong việc kiểm soát chặt chế phẩm nuôi tôm, ngặn chặn từ gốc nguồn thẩm lậu các hóa chất nuôi tôm không có tên trong danh mục cho phép; sắp xếp lại vùng nuôi, tạo nên các trang trại, hợp tác xã nuôi quy mô lớn theo chuẩn quốc tế có chứng nhận…

Bên cạnh đó, cần tận dụng thế mạnh là chế biến hàng caocấp mà đối thủ bị thuế cao như tôm luộc (thuế cơ bản 20%, có GSP còn 7%). Qua đó, thúc đẩy người nuôi ứng dụng các quy trình nuôi ASC, BAP… tăng nguồn nguyên liệu để chế biến bán vào EU.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg và EU cho biết, tôm chỉ có thể xuất khẩu vào EU nếu đến từ các quốc gia được cấp phép, được đánh bắt bởi các tàu được cấp phép (tôm hoang dã) hoặc được nuôi tại các trang trại có đăng ký, được cấp các chứng nhận sức khỏe phù hợp, và vượt qua được bộ phận kiểm tra biên giới của EU. Các quy định dán nhãn thực phẩm của EU đảm bảo rằng, người tiêu dùng nhận được các thông tin cần thiết để quyết định khi mua thực phẩm như: Tên sản phẩm; danh sách các thành phần, bao gồm cả các chất phụ gia; thông tin về các chất có thể gây ra các phản ứng dị ứng và kích ứng cần phải được nêu ra; trọng lượng tịnh của các thực phẩm trước đóng gói theo các đơn vị hệ mét (mét, mét vuông, mét khối); ngày khuyến nghị mà đến thời điểm đó sản phẩm vẫn giữ được các đặc tính chuyên biệt, trình bày dưới dạng ngày, tháng, năm cùng với cụm từ “best – before”… Nhãn dán dễ hiểu, dễ nhìn, rõ ràng, không bị tẩy xóa và phải được sử dụng bằng ngôn ngữ dễ hiểu đối với người tiêu dùng…

Nguyễn Hạnh Công Thương
Đăng ngày: 19/12/2019

Ngành tôm hùm Canada tập trung lấy lại thị trường châu Âu

(vasep.com.vn) Mặc dù doanh số XK tôm hùm sống Canada sang Trung Quốc tăng trưởng theo cấp số nhân trong bối cảnh Trung Quốc áp thuế 25% đối với tôm hùm Mỹ, nhưng doanh số XK sản phẩm này sang thị trường châu Âu (EU) giảm.

Canada và EU đã ký Thỏa thuận kinh tế và thương mại toàn diện (CETA) – Thỏa thuận có hiệu lực vào cuối năm 2017. Dù đã được xóa bỏ mức thuế 8%, doanh số XK tôm hùm Canada sang EU chỉ đạt 172,9 triệu CAD, giảm 3,4 % so với 178 triệu CAD thu được năm 2017.

Tính từ đầu năm đến nay, XK tôm hùm sang thị trường EU tăng nhẹ. Trong 9 tháng đầu năm 2019, giá trị XK tôm hùm Canada sang EU đạt 131,7 triệu CAD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2018 với 117,4 triệu CAD.

Geoff Irvine, Giám đốc điều hành của Hội đồng Tôm hùm Canada – Cơ quan tiếp thị ngành tôm hùm Canada cho biết, Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường NK tôm hùm. Nhu cầu tôm hùm sống và chế biến của Trung Quốc đã thúc đẩy thị trường nói chung, giúp các kênh phân phối sản phẩm tôm hùm sống phát triển. Tuy nhiên, ngành tôm hùm Canada hy vọng sẽ sớm lấy lại thị trường EU.

Dự báo: Mỹ sẽ lấy lại 50% doanh số đã mất ở Trung Quốc

Giống như một số loài cá và thủy sản có vỏ khác, tôm hùm không bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu thụ không cao trong thời gian gần đây. Sản lượng thu hoạch đã giảm từ 20-40% tại Manine trong năm nay. Trong khi đó, vẫn còn những lo ngại sản lượng khai thác có thể giảm trong hai vụ đánh bắt tôm hùm thứ 33 và 34 ở hai khu vực đánh bắt lớn nhất.

Kết quả: Các nhà chế biến đang phải trả thêm 1-1,5 CAD/ pound tại các cảng cá so với năm 2018, mức giá đang thúc đẩy giá bán buôn.

Với nhu tiêu thụ cao và giá cả tốt, ngành tôm hùm cần làm gì trong việc cải thiện các nỗ lực tiếp thị?

Theo Irvine, ngành tôm hùm cần đa dạng hóa thị trường, đặc biệt khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – yếu tố thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Canada cũng sẽ đi đến hồi kết.

Những số liệu đã nói lên tất cả. Canada đã cập cảng 97.849 tấn tôm hùm trong vụ 2017-2018 (1/10/2017-30/9/2018). Irive cho rằng, 90% sản lượng khai thác này cùng với tôm hùm NK từ Mỹ để chế biến, tái xuất.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, Canada đã XK 1,9 tỷ CAD tôm hùm, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2018 với 1,7 tỷ CAD. Xu hướng này là sự tiếp nối của những năm trước, cho thấy XK tôm hùm Canada vẫn tiếp tục đạt được các mức tăng trưởng ổn định kể từ năm 2016.

Thị trường XK lớn nhất của tôm hùm Canada là Mỹ. Trong 9 tháng đầu năm 2019, nước này đã NK tôm hùm trị giá 1,2 tỷ CAD, giảm khoảng 18 triệu CAD (1,5%) so với cùng kỳ năm 2018.

Thị trường XK lớn thứ hai và là thị trường mang lại lợi nhuận lớn nhất cho ngành tôm hùm Canada là Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm 2019, XK tôm hùm Canada sang Trung Quốc tăng lên 381,9 triệu CAD. So với giá trị XK trong 9 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 210,6 triệu CAD, doanh số XK đã tăng mạnh 81,4%.

Trong năm 2018, Canada đã XK tôm hùm Bắc Mỹ sang Trung Quốc với giá trị 299 triệu CAD, tăng 44,7% so với 206,5 triệu CAD đạt được trong năm 2017.

Để có cái nhìn tương quan sự thay đổi giữa XK tôm hùm của Canada và XK tôm hùm Mỹ sang Trung Quốc, ta thấy trong 9 tháng đầu năm 2019, XK tôm hùm Mỹ sang Trung Quốc với giá trị 27,9 triệu USD, trong khi giá trị XK tôm hùm Mỹ sang Trung Quốc trong cùng kỳ năm 2018 đạt 109,7 triệu USD.

Stewart Lamont, Giám đốc điều hành của doanh nghiệp Tangier Lobster, tin rằng cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã tăng doanh số đáng kể cho DN của ông. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc tăng doanh thu ở thị trường Trung Quốc không tuyệt vời như mọi người nghĩ vì các DN đã phải trả thêm cho ngư dân 2-3 CAD cho sản phẩm. Ngoài ra, Trung Quốc là một thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn, nhưng cũng là thị trường có giá thấp.

Lamont cũng đồng ý với Irive về sự cần thiết phải đa dạng hóa thị trường vì khi chiến tranh thương mại chấm dứt, Mỹ sẽ lấy lại vị trí trước đây trên thị trường tôm hùm. Khi đó, Lamont tin rằng, 50% lợi nhuận trên thị trường đang thu được bởi các nhà XK tôm hùm Canada sẽ quay trở lại Mỹ.

Do đó, LCC – Tổ chức bao gồm các nhà chế biến, đại lý, vận tải, Hiệp hội và các Liên đoàn khai thác tôm hùm chính… bên cạnh việc tập trung phần lớn ngân sách tiếp thị của mình vào thị trường châu Âu, cũng sẽ hướng tới thị trường châu Á.

Khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kết thúc, ngành tôm hùm Canada muốn đảm bảo ngành hàng này đã được đa dạng hóa ở các thị trường trọng điểm trên thế giới. Ngoài ra, các nhiệm vụ thương mại tập trung đa loài đang được lên kế hoạch như Chiến lược tăng trưởng đầu tư thương mại Đại Tây Dương nhằm thúc đẩy thương mại ở Việt Nam, Indonesia và Đài Loan. Các hoạt động khác, như một phần của chiến lược dành riêng cho tôm hùm, bao gồm tiếp thị kỹ thuật số và quảng bá thương hiệu tôm hùm Canada…

(Theo undercurrentnews)

Indonesia tranh cãi vì lệnh cấm xuất khẩu tôm hùm giống

(VOH) – Tân Bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp Indonesia vừa có đề xuất gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tôm hùm con ở nước này và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.

 

Theo đó, các nhà nghiên cứu cho rằng nếu cho phép xuất khẩu trở lại tôm hùm con sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển này và góp phần “làm giàu” thêm cho những quốc gia đang cạnh tranh.

Tân Bộ trưởng Ngư nghiệp Edhy Prabowo – người vừa được Tổng thống Joko Widodo bổ nhiệm vào tháng 10 năm nay, nói rằng việc cho phép xuất khẩu tôm hùm con (hoặc tôm hùm giống) sẽ giúp hỗ trợ nhiều cho bà con ngư dân.

Ông Prabowo phản đối lệnh cấm xuất khẩu tôm giống và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nạn buôn lậu tôm. Đồng thời, truyền thông nước này cho hay, nếu được xuất khẩu, Indonesia có thể bán tôm giống cho Việt Nam – quốc gia vốn có nghề nuôi tôm hùm phát triển hơn.

Trước đó, cựu Bộ trưởng Ngư nghiệp là bà Susi Pudjiastuti vào năm 2016 đã ban hành lệnh cấm đánh bắt và xuất khẩu tôm hùm con nếu chúng có kích thước nhỏ hơn 8cm và nặng ít hơn 200gr, nhằm mục đích bảo tồn nguồn lợi thủy sản này. Bà Susi cũng là người nổi tiếng vì vụ bắt giữ 556 tàu đánh cá nước ngoài trái phép tại Indonesia.

Trước đề xuất mới của Tân Bộ trưởng, bà Susi đã bảo vệ chính sách hiện tại của mình và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ nguồn tài nguyên cho Indonesia.

“Nếu chúng ta không quan tâm và không dừng việc đánh bắt tôm hùm giống, chúng ta sẽ chỉ làm giàu thêm cho Việt Nam và Indonesia có thể sẽ không bao giờ thấy được con tôm hùm nào nữa trên biển.”

Indonesia tranh cãi vì lệnh cấm xuất khẩu tôm hùm giống

Một lọ đựng tôm hùm giống được mang ra trưng bày tại hội nghị chống kinh doanh trái phép tôm hùm giống tổ chức tại trụ sở cảnh sát Surabaya vào ngày 2/12 vừa qua. Ảnh: Reuters

Với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ông cho biết lệnh cấm xuất khẩu tôm giống có thể không giúp bảo vệ môi trường nhiều mà bù lại, kinh tế đất nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ông nói: “Đừng nói không với xuất khẩu. Sự cân bằng là điều cần thiết, tuy nhiên không phải cái gì đánh bắt được cũng đem đi xuất khẩu. Điều này cũng sai.”

Việc có xuất khẩu tôm hùm giống hay không hiện đang là vấn đề gây tranh cãi nhiều tại Indonesia – đất nước có địa hình tự nhiên với hầu hết diện tích đều giáp biển với hàng chục ngàn hòn đảo lớn nhỏ. Đây cũng là một trong những nước xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất thế giới. Tuy vậy, sản lượng xuất khẩu tôm hùm của nước này đã sụt giảm mạnh trong những năm gần đây, từ 3.330 tấn xuống còn khoảng 1.960 tấn, theo dữ liệu do công ty nghiên cứu Statista (Đức) cung cấp.

Thư Vân (Theo BBC)
Nguồn :https://voh.com.vn/