Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Thị Trường Tôm

Thủy sản sang Trung Quốc vẫn đầy triển vọng trong năm 2020

Đến thời điểm này, có thể nói Trung Quốc là thị trường tăng trưởng tốt nhất (trong những thị trường lớn) của thủy sản Việt Nam năm 2019 và đang đầy triển vọng cho năm 2020.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh Lê Hoàng Vũ

Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng 19,7% so với cùng kỳ 2018 và đạt 1,1 tỷ USD.

Như vậy, đây là lần thứ 2, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt trên 1 tỷ USD trong 1 năm (lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt hơn 1 tỷ USD là năm 2017). Đồng thời, giá trị xuất khẩu trong 11 tháng qua đã giúp cho xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong năm nay vượt kỷ lục về giá trị của năm 2017 (đạt 1,085 tỷ USD).

Và cũng với giá trị xuất khẩu như trên, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và EU.

Nhưng có một điều đáng chú ý là giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã tiệm cận với giá trị xuất sang EU (1,1 tỷ USD so với 1,15 tỷ USD trong 11 tháng năm 2019). Do đó, với đà tăng trưởng tốt, Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt qua EU để đứng vào Top 3 thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới.

Năm 2020, xuất khẩu sang Trung Quốc được đánh giá là vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt cho thủy sản Việt Nam. Trước hết là nhu cầu ngày càng tăng cao ở thị trường này.

Chẳng hạn, năm 2018 Trung Quốc đã nhập khẩu tới 5,2 triệu tấn thủy sản, tăng 7% so với năm 2017. Nửa đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 7,03 tỷ USD thủy sản, tăng tới 32% so với cùng kỳ năm 2018…

Hai sản phẩm được kỳ vọng nhất của thủy sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc năm 2020, vẫn sẽ là cá tra và tôm.

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông trong năm 2019 đã đạt được mức tăng trưởng tốt là 19,3% (đạt 552, 4 triệu USD).

Với đà tăng trưởng tốt của nửa cuối năm 2019 nhờ đã thích ứng với các quy định mới, Trung Quốc sẽ tiếp tục là điểm đến đầy hứa hẹn của cá tra trong năm 2020.

Theo Công ty Chứng khoán KIS, Trung Quốc đang có nhiều khả năng trở thành thị trường dẫn dắt cho cá tra trong những năm tới.

Trước hếy là do quy mô dân số lớn với hơn tỷ người, sẽ hỗ trợ cho ngành dịch vụ ăn uống nội địa ở Trung Quốc phát triển.

Tiêu thụ cá tra trên đầu người ở Trung Quốc hiện còn thấp (0,14 kg/người) so với 0,32 kg/người của thị trường Mỹ. Vì vậy, dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc còn rất lớn

Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam vào các kênh thương mại điện tử ở Trung Quốc, nhất là kênh Alibaba, sẽ giúp cho cá tra Việt Nam có cơ hội đi sâu vào nội địa Trung Quốc và đa dạng hóa sản phẩm, nhất là sản phẩm giá trị gia tăng.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc những tháng cuối năm 2019 tăng.

Với con tôm, cũng nhờ đã đáp ứng được những quy định mới của Trung Quốc, mà từ tháng 5 đến nay, đã tăng trưởng trở lại ở thị trường này. Trong 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 438,6 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ 2018.

Những tháng cuối năm 2019, tôm Việt Nam xuất sang Trung Quốc từng có thời điểm tăng mạnh, nhờ hưởng lợi từ việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm tạm thời với 4 công ty xuất khẩu tôm của Ecuador.

Tuy nhiên, vừa qua, lệnh cấm này đã được phía Trung Quốc dỡ bỏ hồi cuối tháng 11, đồng nghĩa với việc tôm Việt Nam không còn lợi thế này nữa.

Trong khi đó, tôm Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được về giá so với tôm Ecuador và Ấn Độ. Vì vậy, lợi thế lớn nhất của tôm Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc là vị trí địa lý gần gũi và nhu cầu ngày càng cao của thị trường lớn này về tôm nhập khẩu.

Năm 2019, một số dự báo quốc tế cho hay, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc lên tới 800 ngàn tấn và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, qua đó sẽ đưa Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong bối cảnh biên mậu đã bị siết chặt, để gia tăng được giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc, ngành tôm phải chú trọng nâng cao chất lượng. Đã đến lúc cũng phải coi Trung Quốc là thị trường có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm, chất lượng… như nhiều thị trường khác.

SƠN TRANG – NGUYỄN THỦY
Nguồn: NNVN

Toàn cảnh kinh tế thủy sản năm 2019 và dự báo năm 2020

Toàn cảnh kinh tế thủy sản năm 2019 và dự báo năm 2020

1. Toàn cảnh kinh tế thủy sản năm 2019

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 GDP thủy sản theo giá thực tế đạt 205.252 tỷ đồng chiếm 3,4% GDP toàn quốc và chiếm 24,4% GDP toàn ngành nông nghiệp, chỉ đạt 80% so với mục tiêu chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 (mục tiêu đến năm 2020 thủy sản chiếm 30 – 35% GDP trong khối nông – lâm – thủy sản nghiệp). Theo giá so sánh năm 2019 đạt 111.846 tỷ đồng, bình quân tăng trưởng giai đoạn 2015-2019 chỉ đạt 5,3%/năm, với mức tăng trưởng này đến năm 2020 sẽ không thể đạt mục tiêu thủy sản chiếm 30 – 35% GDP trong khối nông, lâm, thủy sản nghiệp.

Cũng theo Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 GDP thủy sản tăng trưởng 6,3% so với năm 2018, bằng 0,89 lần so với tăng trưởng toàn quốc và tăng trưởng cao gấp 3,13 lần so với toàn ngành nông nghiệp (toàn quốc tăng trưởng 7,02% so với năm 2018; toàn ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,01% so với năm 2018). Đạt được thành tựu này chủ yếu do nhờ tổng sản lượng thuỷ sản tăng 5,6% so với năm trước (ước tính đạt 8.200,8 nghìn tấn đạt vượt trên 1,2 triệu tấn so với mục tiêu Chiến lược và quy hoạch tổng thể ngành thủy sản đề ra đến năm 2020 đạt 7 triệu tấn). Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 6,5% so với năm 2018 (ước đạt 4.432,5 nghìn tấn đạt 97,4% so với  mục tiêu Chiến lược và quy hoạch tổng thể ngành thủy sản đề ra đến năm 2020 sản lượng nuôi trồng chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản); sản lượng thủy sản khai thác tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước (ước tính đạt 3.768,3 nghìn tấn đạt vượt trên 1,3 triệu tấn so mục tiêu Chiến lược và quy hoạch tổng thể ngành thủy sản đề ra đến năm 2020 sản lượng nuôi trồng chiếm 35% tổng sản lượng thủy sản); Cũng theo Tổng cục Hải quan, năm 2019 ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2018, đạt mục tiêu Chiến lược thủy sản đề ra đến năm 2020 đạt từ 8-9 tỷ USD. Tuy nhiên không đạt mục tiêu quy hoạch đề ra đến năm 2020 đạt 11 tỷ USD, nguyên nhân chủ yếu do gặp khó khăn ở thị trường nhập khẩu (vướng rào cản và khả năng cạnh tranh sản phẩm thủy sản Việt Nam còn cao).

Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 đạt mức tăng trưởng thấp do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng, ngành chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu. Tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 đạt 2,01%, chỉ cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016 (Ngành nông nghiệp đạt mức tăng thấp 0,61%, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2019, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,98% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Tuy nhiên, điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,3%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm chủ yếu do sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt khá) (Tổng cục Thống kê, 2019).

Hình 1. Cơ cấu GDP thủy sản trong nền kinh tế quốc dân 2015-2019

Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2019

Hình 2. Cơ cấu GDP thủy sản trong ngành nông nghiệp 2015-2019

Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2019

Hình 3. Hiện trạng và mục tiêu đóng góp của GDP thủy sản vào GDP

chung toàn ngành nông, lâm thủy sản đến năm 2020

Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2019

Hình 4. Tăng trưởng các ngành kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2019

Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2019

2. Một vài dự báo kinh tế thủy sản năm 2020

– Dự báo tăng trưởng kinh tế ngành thủy sản năm 2020 sẽ tăng trưởng trên 7% so với năm 2019 (sai số dự báo ±5%). Với mức tăng trưởng này đến năm 2020 sẽ không đạt mục tiêu Chiến lược thủy sản đề ra đến năm 2020 thủy sản chiếm 30-35% GDP trong khối nông, lâm, thủy sản nghiệp.

– Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ đạt trên 9 tỷ USD (sai số dự báo ±5,9%). Với mức tăng trưởng này đến năm 2020 sẽ không đạt mục tiêu Quy hoạch tổng thể ngành thủy sản đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD.

Hình 5. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam giai đoạn 2005-2019 và dự báo 2020

Nguồn: Tính toán dựa vào số liệu của VASEP, 2019

          3. Tài liệu tham khảo

          – Tổng cục Hải quan (2019). Năm 2020, ngành thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều thách thức (https://haiquanonline.com.vn/nam-2020-nganh-thuy-san-tiep-tuc-doi-mat-nhieu-thach-thuc-117927.html).

– Tổng cục Thống kê (2019). Tình hình Kinh tế-xã hội Việt Nam quý IV và cả năm 2019.

– VASEP (2019). Thống kê số liệu xuất khẩu thủy sản Việt Nam giai đoạn 2005-2018 và 11 tháng năm 2019.

                                                                      ThS. Nguyễn Tiến Hưng

Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản

Nguồn http://vifep.com.vn/

Bảng giá tôm Thẻ chân trắng ngày 30/12/2019

 

STT Tôm đạt size(con/kg) Giá thị trường(vnd)
01 25 195.000
02 30 175.000
03 40 144.000
04 50 130.000
05 60 120.000
06 70 115.000
07 80 110,000
08 90 106.000
09 100 103.000
10 110 87,000
11 120 86,000
12 130 82,000
13 140 77,000
14 150 74,000
15 160 70,000
16 170 69,000
17 180 68,000
18 190 67,000
19 200 66,000
20 210 64,000
21 220 62,000
22 230 60,000
23 240 58,000
24 250 56,000
25 251/300 38,000 (dạt nhỏ 26,000đ)

Tình hình thị trường giá tôm có hướng giảm 2000-3000/kg so với tuần trước.

Thông tin thủy sản tuần qua: Giá tôm năm 2020 sẽ tăng; Thủy sản khó vào EU

Thông tin thủy sản tuần qua: Giá tôm năm 2020 sẽ tăng; Thủy sản khó vào EU

Vinanet – Giá tôm năm 2020 sẽ được cải thiện; Thủy sản Việt Nam có nguy cơ không vào được EU; Cuối năm xuất khẩu tôm và cá ngừ đảo chiều nhích nhẹ; Xuất khẩu hải sản tăng khoảng 10% trong năm 2019…
Xuất khẩu hải sản tăng khoảng 10% trong năm 2019
Theo vov.vn, dự kiến, xuất khẩu hải sản của Việt Nam năm 2019 tăng khoảng 10% so với năm 2018. Xuất khẩu hải sản đạt 2,9 tỷ USD trong 11 tháng năm 2019, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 11/2019 đạt gần 282 triệu USD, tăng 2% so với tháng 11/2018. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ 59,4 triệu USD, tăng 5,3%, xuất khẩu cá biển khác (trừ cá ngừ) đạt 143,3 triệu USD, tăng 6,3%. Tuy nhiên, xuất khẩu mực, bạch tuộc và nhuyễn thể lại giảm lần lượt 19,3% và 14,8%.
Xuất khẩu cá ngừ đạt 668,9 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng giá trị cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường. EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2, chiếm 19,2%. Lũy kế 11 tháng năm 2019, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt 531,2 triệu USD. Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 39,9% tổng số mực, bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất khẩu hải sản sang EU vẫn bị tác động bởi thẻ vàng IUU, tuy nhiên, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác. Dự kiến tháng 6/2020, Ủy ban Châu Âu sẽ cử đoàn thanh tra lần 3 sang làm việc về việc thực hiện các khuyến cáo đưa ra đối với thủy sản Việt Nam.
Cuối năm xuất khẩu tôm và cá ngừ đảo chiều nhích nhẹ
Thông tin từ baodautu.vn, theo Vasep, sau mấy tháng giảm liên tục, xuất khẩu tôm và cá ngừ tháng 11 đảo chiều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.
Tháng 11/2019, xuất khẩu tôm tăng 1,5% đạt gần 309 triệu USD. Luỹ kế 11 tháng năm nay đạt 3,1 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 11/2019, trong Top 9 thị trường chính nhập khẩu tôm Việt Nam, xuất khẩu tôm đồng loạt tăng ở 7 thị trường chính trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia tăng trưởng hai con số, 2 thị trường vẫn giảm là Nhật Bản và Hàn Quốc. xuất khẩu sang EU sau khi sụt giảm trong nhiều tháng cũng đã tăng trong tháng 11. Cụ thể, tháng 11/2019 tăng 1,3% đạt 55,7 triệu USD. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Anh, Hà Lan, Đức), trong tháng 11/2019, xuất khẩu sang Anh và Đức tăng lần lượt 3% và 10%, xuất khẩu sang Hà Lan giảm 20,7%.
EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 21% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020.
Tháng 11 xuất khẩu tôm sang Mỹ cũng tăng, tính chung 11 tháng năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 1,3% đạt 601,5 triệu USD. VASEP nhận định, kết quả khả quan về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ trong POR 13 đã góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này. xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự kiến tăng khoảng 5% trong quý cuối năm nay.
VASEP cũng cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 11/2019 đạt hơn 54,4 triệu USD, tăng 17,6%. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong số 6 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Tính chung 11 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt hơn 493 triệu USD, tăng 9,6%.
VASEP nhận định, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020 dự kiến vẫn duy trì đà tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu và chế biến từ Trung Quốc vẫn cao để phục vụ Tết Nguyên đán. Xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc vào những tháng cuối năm. xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.
Xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 59 triệu USD
Theo VASEP, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 11/2019 đạt hơn 59 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính trong tháng này cũng đã khởi sắc. Cụ thể, tháng 11/2019, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng tốt sau khi chững lại trong tháng 10. Giá trị xuất khẩu tăng 15,6% so với cùng kỳ. Xu hướng thị trường cá ngừ Mỹ năm nay tích cực hơn, đặc biệt tại phân khúc cá ngừ tươi sống đông lạnh. Do đó, nhập khẩu cá ngừ của Mỹ từ các nguồn cung chính hầu hết đều tăng trong giai đoạn này.
Cùng với Mỹ, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 11 tăng trưởng cao bất ngờ, tăng gần 114% so với cùng kỳ năm 2018. Nhờ đó tổng giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này trong 11 tháng đã tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân của sự tăng trưởng mạnh trong tháng 11, VASEP cho rằng, do Thái Lan tăng nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam. Riêng trong tháng 11, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Thái Lan tăng 98%.
Ở thị trường Nhật Bản, nếu như năm ngoái, xuất khẩu khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản giảm liên tục trong những tháng cuối năm thì năm nay xu hướng tăng trưởng tích cực hơn. Tháng 11, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản tăng 58% so với cùng kỳ, nhờ đó tính tổng 11 tháng xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng 11,7%.
Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cá ngừ chế biến sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đang là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nước Đông Nam Á xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang thị trường này. Việt Nam hiện đang xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm loin cá ngừ mắt to hấp đông lạnh, cá ngừ đóng túi làm thức ăn cho vật nuôi… sang thị trường này trong thời gian gần đây.
Giá tôm năm 2020 sẽ được cải thiện
Vietnambiz.vn đưa tin, theo Tổng Cục Thủy sản, cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Theo Tổng Cục Thủy sản, diện tích nuôi cả nước trong năm 2019 ước đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750 nghìn tấn, bằng 98,3% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng tôm sú là 270.000 tấn, tôm chân trắng 480.000 tấn. Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Trong 2020, Tổng Cục Thủy sản đặt mục tiêu tôm nước lợ 730 nghìn ha, tăng nhẹ 10.000 ha so với năm 2019.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), sau khi giảm liên tục trong ba tháng 8, 9, 10, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 11 đảo chiều tăng nhẹ so với cùng kì năm 2018.
Tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng nhẹ 1,5% đạt gần 309 triệu USD. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm đạt 3,1 tỉ USD, giảm 5,7% so với cùng kì năm ngoái. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2019, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 69,9%, tôm sú chiếm 20,6% và còn lại là tôm biển.
VASEP nhận định xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc vào những tháng cuối năm. Xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỉ USD, giảm 4% so với năm 2018.
Tổng Cục Thủy sản cho biết giá tôm giống vẫn giữ mức ổn định ở mức từ 70-120 đồng/con. Tính đến hết 30/11, số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu là 198.414 con, không đổi so với cùng kì năm ngoái. Tôm bố mẹ được nhập chủ yếu từ Mỹ, Singapore và Thái Lan.
Thủy sản Việt Nam có nguy cơ không vào được EU
Theo vtv.vn, các DN thủy sản đang đứng ngồi không yên khi EU vừa đưa ra quy định mới về việc siết chặt chất Ethoxyquin, chất chống oxy hóa giúp bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản.
Từ ngày 31/3/2020, EU quy định Ethoxyquin sẽ không được sử dụng trong tất cả các loại thức ăn thủy sản. Như vậy, các doanh nghiệp thủy sản trong nước rất khó xuất khẩu vào EU vì hiện các sản phẩm thức ăn thủy sản đều sử dụng chất này để bảo quản.
Trước tình hình này, Tổng Cục Thủy sản đã có văn bản khẩn yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương, VASEP cùng các đơn vị sản xuất thức ăn phải tăng cường thông tin hướng dẫn và có kế hoạch sản xuất phù hợp với quy định mà EU đưa ra.

Nguồn: VITIC

Năm 2020, ngành thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều thách thức

Tôm thẻ chân trắng
Ngành thủy sản có thể sẽ tiếp tục gặp khó khắn trong năm 2020.

Năm 2019 là năm khó khăn của ngành thủy sản khi một số ngành hàng phải đối mặt với nhiều thách thức, đồng thời, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và các rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu đã ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất thủy sản.

Ước tính, năm 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 6,25% so với năm 2018, tổng sản lượng đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 4,9%, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,77 triệu tấn, tăng 4,5%, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn, tăng 5,2%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,6 tỷ USD.

Từ đầu tháng 3 đến tháng 9/2019, giá tôm giảm do cạnh tranh từ xuất khẩu của Ấn Độ và Ecuador và sản lượng tồn kho từ năm 2018, trong khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát chất lượng, truy suất nguồn gốc tại biên giới và diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thuỷ sản đã đánh giá sâu diễn biến thị trường, sản xuất, tiêu thụ tôm, đưa ra khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ kỹ thuật, mùa vụ, tăng cường các biện pháp chăm sóc, quản lý, kiểm soát môi trường nuôi, ổn định sản xuất và thực hiện hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro đối với sản phẩm xuất khẩu. Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Không chỉ tôm, năm 2019 cũng là năm ghi nhận khó khăn đối với ngành hàng cá tra. Theo đó, việc xuất khẩu đi một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3/2019, Ả rập – Xê út vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, một số quốc gia lân cận đã phát triển nuôi cá tra… Những nguyên nhân trên đã dẫn đến việc giá cá tra nguyên liệu giảm từ cuối tháng 3 đến nay sau 2 năm tăng trưởng liên tục.

Tổng cục đã chỉ đạo các tỉnh triển khai một số giải pháp để duy trì mục tiêu tăng trưởng năm 2019. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đã chủ động điều chỉnh giảm mật độ thả nuôi, giảm lượng thức ăn. Với các biện pháp đó, sản lượng thu hoạch cá thương phẩm có xu hướng duy trì ở mức như năm 2018 trong khi diện tích tăng.

Bên cạnh đó, việc cơ quan thanh tra An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chính thức công nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes của Việt Nam là tương đương với hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho việc xuất khẩu cá tra những tháng cuối năm 2019 và tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2020.

Tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 dự kiến đạt 6,6 nghìn ha (tăng 22,2% so với năm 2018), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, tương đương với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 1,9 tỷ USD, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ 2018.

Cho biết thêm về những vướng mắc trong “gỡ thẻ vàng” cho thủy sản, bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thủy sản) cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà Việt Nam cần phải tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành với nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để khắc phục các khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC), đặc biệt là tăng cường phối hợp, điều tra, xử phạt tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như đảm bảo lộ trình lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá. Năm 2020, việc Việt Nam nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành thủy sản, đặc biệt là thực thi Luật Thủy sản một cách đồng bộ sẽ là điều kiện quan trọng.

Năm 2020, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn, tăng 0,6% so với ước thực hiện năm 2019; sản lượng cá tra 1,42 triệu tấn, tương đương so với năm 2019; sản lượng tôm các loại 850.000 tấn, tăng 3,7%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2019.

Xuân Thảo Hải Quan Online

Xuất khẩu tôm phục hồi ở nhiều thị trường

Sau khi giảm liên tục trong 3 tháng trước, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 11 phục hồi, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm tăng 1,5% và đạt gần 309 triệu USD trong tháng 11. Tuy nhiên, xuất khẩu 11 tháng đầu năm nay vẫn giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

tom-1-png-7798-1577440943.png

Nguồn số liệu: VASEP.

Xuất khẩu tăng ở 7 trên 9 thị trường tiêu thụ chính của tôm Việt, trong đó, bán hàng sang Trung Quốc, Australia tăng 2 con số. Nguyên nhân là giá tôm nguyên liệu và xuất khẩu tăng trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường này phục hồi để phục vụ các lễ hội cuối năm.

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương, do nguồn cung khan hiếm, giá tôm thẻ chân trắng tại Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng sau gần 3 năm đứng ở mức thấp. Đầu tháng 11, tôm cỡ 40 con/kg tăng 24.000 đồng lên cao nhất 4 năm ở 144.000 đồng/kg. Giá tiếp tục tăng từ 15.000 – 45.000 đồng/kg trong thời gian gần đây.

Theo các chuyên gia, sản lượng năm nay giảm nên giá tôm nguyên liệu những tháng cuối tăng mạnh. Các vùng nuôi tôm lớn trên thế giới đều đang gặp sự cố về dịch bệnh tôm nên khả năng cung ứng từ nay đến cuối năm không đáng kể. Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo các hộ thả nuôi sớm năm 2020 sẽ có giá bán khả quan.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm cả năm 2019 ước giảm 4% so với năm ngoái và đạt khoảng 3,4 tỷ USD, VASEP dự báo.

tom-2-png-6573-1577440943.png

Nguồn số liệu: VASEP.

Trái ngược với dự đoán trước đó, xuất khẩu sang EU tăng 1,3% trong tháng 11, sau khi giảm liên tục trong 4 tháng trước. Trong đó, bán hàng sang Anh và Đức tăng lần lượt 3% và 10% nhưng sang Hà Lan giảm 20,7%.

Tôm Việt được đánh giá sẽ có ưu thế lớn tại thị trường EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, dự kiến vào năm 2020. Bởi thuế nhập khẩu với tôm tươi sống, đông lạnh và ướp lạnh ngay lập tức được giảm về 0% và với tôm chế biến được giảm dần về 0% trong 7 năm. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại EVFTA sẽ làm mất lợi thế hiện tại với tôm chế biến (sản phẩm thế mạnh của doanh nghiệp Việt) trong những năm đầu tiên thực thi hiệp định, bởi sản phẩm này đang được hưởng thuế ưu đãi phổ cập 7%, thấp hơn mức 10 – 20% mà các đối thủ phải chịu.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), một thành viên của The PAN Group, khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ có hiệu lực thêm 2 năm. Vì vậy, trong những năm đầu tiên thực hiện EVFTA, nếu thuế GSP thấp hơn mức thuế của FTA, doanh nghiệp có thể lựa chọn xuất theo GSP.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, để tận dụng lợi thế từ EVFTA, yêu cầu cấp thiết và dài hạn đối với doanh nghiệp Việt Nam là tạo ra nguồn cung tôm được chứng nhận với giá thành cạnh tranh. Văn phòng Thương mại Việt Nam tại Bỉ cho biết tôm chỉ được xuất khẩu vào EU nếu chúng có xuất xứ từ những quốc gia được chứng nhận xuất khẩu sang EU và được nuôi trồng ở trang trại có chứng nhận của EU.

Xuất khẩu sang Mỹ ghi nhận 2 tháng tăng liên tiếp, với kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 19,7% tổng giá trị xuất khẩu đi các thị trường.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam trong những tháng cuối năm tích cực hơn vì nước này có xu hướng giảm mua từ Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ trong POR 13 là 0% cũng góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh bán hàng sang thị trường này.

VASEP dự báo xuất khẩu sang Mỹ tăng khoảng 5% trong quý cuối năm nay.

Xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia, Đài Loan (Trung Quốc) đều tăng 2 con số trong tháng 11. Cụ thể, bán hàng sang Australia tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và là thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất trong số các thị trường tiêu thụ chính của tôm Việt trong tháng 11. Đứng thứ 2 là Trung Quốc – Hong Kong với mức tăng 17,6%. Ngoài ra, xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) cũng tăng 10,8%.

Theo dự báo của hiệp hội, xuất khẩu sang Trung Quốc trong cuối năm 2019 và đầu năm 2020 dự kiến vẫn tăng do nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu và chế biến lên cao để phục vụ Tết Nguyên đán.

Thanh Long

Nguồn : https://ndh.vn/

Hơn 1,2 tấn tôm chứa tạp chất chuẩn bị đưa đi tiêu thụ

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 13 thùng phuy loại lớn chứa hơn 1,2 tấn tôm nguyên liệu chứa tạp chất là Agar, đang được công nhân của doanh nghiệp này chuẩn bị vận chuyển ra thị trường để tiêu thụ.

Khoảng 18h ngày 27-12, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu tiến hành kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh thủy sản do Phạm Thanh Sử (SN 1980, ngụ ấp 4, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) làm chủ.

Cơ quan Công an lấy lời khai của Phạm Thanh Sử.
Số tôm chứa tạp chất.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 13 thùng phuy loại lớn chứa hơn 1,2 tấn tôm nguyên liệu chứa tạp chất là Agar, đang được công nhân của doanh nghiệp này chuẩn bị vận chuyển ra thị trường để tiêu thụ.

Hiện vụ việc đang được cơ quan Công an tiến hành điều tra, xử lý.

Trọng Nguyễn
Nguồn: http://cand.com.vn/