Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Thị Trường Tôm

Ấn Độ: Tôm tự nhiên vẫn bị cấm tại Mỹ

Ấn Độ đang rất lo ngại việc Mỹ quyết định tiếp tục kéo dài lệnh cấm nhập khẩu tôm biển tự nhiên.

Ảnh minh họa

Các hãng xuất khẩu thủy sản Ấn Độ đang rất lo ngại việc Mỹ quyết định tiếp tục kéo dài lệnh cấm nhập khẩu tôm biển tự nhiên từ Ấn độ do được đánh bắt bởi các tàu cá không có thiết bị loại trừ rùa biển. Lệnh cấm này có hiệu lực từ tháng 5/2018 sau khi Mỹ phát hiện các tàu cá Ấn Độ không áp dụng phương pháp khai thác kết hợp bảo vệ rùa biển. Một số hãng xuất khẩu tại Kerala bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi lệnh cấm này cũng đã bắt đầu lắp đặt thiết bị loại trừ rùa biển, hy vọng Mỹ sẽ sớm gỡ bỏ lệnh cấm. Dù tôm biển chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu tôm xuất khẩu, nhưng mang lại thu nhập tốt cho hàng nghìn ngư dân Ấn Độ với trị giá 300 triệu USD/năm.

Tuấn Minh

Nguồn :Thủy sản Việt Nam

Thái Lan sẽ tăng xuất khẩu tôm trong năm 2020

Thái Lan sẽ tăng xuất khẩu tôm trong năm 2020

Vinanet – Sản lượng tôm Thái Lan dự báo sẽ tăng lên 350.000 tấn vào năm 2020, tức là cao hơn 20% so với năm 2018 (khi sản lượng đạt 290.000 tấn, trị giá 60 tỷ baht). Đó là thông báo mới đây từ Chủ tịch Hiệp hội Tôm nước này, ông Somsak Paneetatyasai.
Suốt 2 năm qua, người chăn nuôi tôm ở Thái Lan đã gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh ở tôm và chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ khiến giá mặt hàng này sụt giảm. Đồng baht tăng giá càng khiến cho xuất khẩu tôm của Thái Lan khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết nhu cầu tôm trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức cao trong khi việc đánh bắt tôm tự nhiên ngày càng trở nên khó khăn hơn. FAO cho rằng một số quốc gia, trong đó có Mỹ, EU và Trung Quốc, vẫn tin tưởng vào chất lượng tôm Thái Lan.
Xuất khẩu tôm Thái Lan năm 2020 dự báo sẽ tăng lên 192.000 tấn so với 160.000 tấn của năm 2019 (nhưng giảm 5% so với năm 2018). Ông Somsak tin tưởng trị giá tôm Thái Lan xuất khẩu trong năm 2020 sẽ tăng 20% so với mức 50 – 55 tỷ baht của năm 2019 (trị giá tôm xuất khẩu năm 2019 giảm 11% so với 2018 do đồng baht mạnh lên so với USD và dịch bệnh ở tôm nuôi).
Cũng theo ông này, sản lượng tôm toàn cầu năm 2019 ước tính tăng 5% so với 2018, đạt 3,4 triệu tấn, nhờ sản lượng tăng ở Ấn Độ, Việt Nam và các nước Trung và Nam Mỹ.

Nguồn: VITIC/The Nation

Hà Tĩnh: Ra biển kéo trúng loài tôm bạc, bán 400 ngàn đồng/kg

Hơn hai tháng nay, bà con ngư dân Xuân Yên (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) hết sức phấn khởi vì thường xuyên “trúng” tôm bạc.

Những ngày này, sáng sớm là bà con ngư dân Xuân Yên lại chuẩn bị ngư lưới cụ ra biển khai thác tôm bạc. Nghề này, các tàu thuyền chỉ cần đi xa bờ chừng 1 – 2 hải lý. Buổi sáng buông lưới, buổi trưa trở về, bình quân mỗi tàu khai thác từ 6 – 7 kg tôm bạc, mang lại giá trị kinh tế cao.

Tôm bạc khi đưa lên bờ tươi xanh được các thương lái ưu chuộng.

Ngư dân Trần Văn Thực (thôn Yên Ngư, xã Xuân Yên) trở về trên con tàu 24 CV mang đầy ắp hải sản các loại, vui vẻ cho biết: “Tôm bạc xuất hiện bắt đầu từ tháng 10 cho đến nay, ngư trường khá dồi dào nên nhiều ngư dân chịu khó bám biển. Chuyến đi này, ngoài tôm tít, cá cháo, ghẹ… thuyền tôi may mắn kiếm được gần 8 kg tôm bạc.

Tôm bạc bán được giá cao, mỗi kg từ 380 – 400 nghìn đồng tùy theo kích cỡ. Chỉ tính riêng tôm bạc, chuyến đi này tôi thu được gần 3 triệu đồng”.

Tôm bạc được bán với giá cao, mỗi kg từ 380 – 400 nghìn đồng.

Ngư dân Lê Văn Việt (thôn Yên Hải) mới đầu tư nâng cấp con thuyền trị giá hơn 30 triệu đồng để khai thác tôm bạc. Đây là chuyến “mở hàng” trên con thuyền mới của vợ chồng ông.

Ông Việt cho biết: “Khai thác tôm bạc cũng có phần vất vả bởi khi sóng lớn mới đánh bắt được nhiều hơn. Các thuyền thường dùng lưới rê 3 lớp để đánh bắt, nhưng cũng rất dễ rối và rách. Đổi lại, mỗi chuyến ra khơi, ngư dân có thể thu lợi 2 – 3 triệu đồng nên chúng tôi vẫn mạnh dạn đầu tư tàu thuyền, ngư lưới cụ”.

Đắt giá, nhưng tôm bạc rất dễ tiêu thụ.

Dù tôm bạc có giá cao nhưng dễ tiêu thụ bởi “tôm sạch tự nhiên”. Vì thế, các thương lái phải xuống tận mép nước để “săn” mặt hàng này.

Chị Nguyễn Thị Hương – một thương lái ở thị trấn Nghi Xuân cho hay: “Các món ăn được chế biến từ tôm bạc tươi sống có chất lượng khác hẳn tôm nuôi nên được các khách hàng yêu thích. Vài ngày gần đây, sản lượng tôm bạc khá nhiều nên mỗi ngày tôi cũng mua được vài yến tôm về nhập cho các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh”.

Sau gần một buổi sáng đánh bắt, các tàu khai thác trở về với sản lượng từ 5 – 7 kg tôm bạc.

Theo Tổ trưởng tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ xã Xuân Yên Nguyễn Văn Mạnh: “Toàn xã có gần 30 tàu thuyền đánh bắt tôm bạc. Mùa khai thác tôm bạc bắt đầu từ khoảng tháng 10 cho đến tháng 2 năm sau. Đánh bắt tôm bạc ở Xuân Yên có hiệu quả nhất, chỉ 2 tháng gần đây, nhiều tàu cho thu nhập khá cao, thậm chí từ 4 – 5 triệu đồng mỗi ngày”.

Ngư dân Xuân Yên (Nghi Xuân) chuẩn bị ngư lưới cụ khai thác tôm bạc.

Theo Hữu Trung (Báo Hà Tĩnh)

Cần làm gì để cải thiện giá tôm trong năm 2020?

Tận dụng nhu cầu từ các thị trường lớn cũng như tuân thủ kĩ thuật, mùa vụ, tăng cường các biện pháp chăm sóc, quản lí, kiểm soát môi trường nuôi,…để nâng cao giá thành, đẩy mạnh xuất khẩu tôm trong năm 2020.

Cần nhiều biện pháp để nâng cao giá thành các loại tôm xuất khẩu.

Tổng quan thị trường tôm Việt Nam năm 2019

Về quy mô, diện tích nuôi cả nước trong năm 2019 ước đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750 nghìn tấn, bằng 98,3% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng tôm sú là 270.000 tấn, tôm chân trắng 480.000 tấn.

Về tình hình xuất khẩu, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), sau khi giảm liên tục trong ba tháng 8, 9, 10, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 11 đảo chiều tăng nhẹ so với cùng kì năm 2018.

Tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng nhẹ 1,5% đạt gần 309 triệu USD. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm đạt 3,1 tỉ USD, giảm 5,7% so với cùng kì năm ngoái.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2019, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 69,9%, tôm sú chiếm 20,6% và còn lại là tôm biển.

Về thị trường, Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường có những tín hiệu tích cực nhất đối với ngành tôm Việt Nam.

Giá tôm liệu có được cải thiện trong năm 2020?

Trong 2020, Tổng Cục Thủy sản đặt mục tiêu tôm nước lợ 730 nghìn ha, tăng nhẹ 10.000 ha so với năm 2019.

Ngành tôm trong năm 2020 có cơ hội hoàn thành hoặc thậm chí có thể vượt chỉ tiêu khi nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Tổng Cục Thủy sản cho biết giá tôm giống vẫn giữ mức ổn định ở mức từ 70-120 đồng/con. Tính đến hết 30/11, số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu là 198.414 con, không đổi so với cùng kì năm ngoái. Tôm bố mẹ được nhập chủ yếu từ Mỹ, Singapore và Thái Lan.

Để cải thiện và nâng cao giá thành các loại tôm, các doanh nghiệp, người nuôi tôm phải có những chính sách, tầm nhìn để tránh những rủi ro không may đến sản phẩm xuất khẩu. Điển hình mới đây, bệnh vi bào tử trùng (EHP) bùng phát trên tôm nước lợ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cũng phải nhận thấy rằng, thị trường chủ yếu của Việt Nam là Mỹ – Trung. Trong khi đó, hai quốc gia này đang căng thẳng về mối quan hệ thương mại. Hơn nữa, chỉ cần một trong hai thị trường này có chính sách giảm nhập thì sẽ gây ra khó khăn thật sự cho thị trường tôm Việt Nam.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thủy sản đã khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ kĩ thuật, mùa vụ, tăng cường các biện pháp chăm sóc, quản lí, kiểm soát môi trường nuôi, ổn định sản xuất và thực hiện hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường, để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro cao nhất.

 Trung Thành

Nguồn : https://thuongtruong.com.vn/

Nông sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới

Vận chuyển tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)© Vũ Sinh/TTXVN Vận chuyển tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)Năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10-15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt mốc kỷ lục mới với 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018.

Toàn ngành xuất siêu cũng đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018.

Kết quả trên cho thấy nông sản Việt ngày càng làm tốt hơn việc mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, chuỗi giá trị nông sản từng bước được kéo dài.

Tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm qua đã từng bước khắc phục những tồn tại, tạo ra những bước bứt phá, phát triển tích cực.

Ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tăng trưởng dựa vào số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế, thị trường thuận lợi.

Lâm nghiệp, thủy sản, rau quả… là những lĩnh vực đã triển khai cơ cấu lại mạnh mẽ và đạt thành tựu lớn.

Ngoài ra, sự bứt phá của lĩnh vực này còn do yếu tố “kéo” là thị trường, với việc Việt Nam đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do giúp không chỉ phát triển mà còn có sự điều chỉnh sản xuất để phù hợp với thị trường.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn cho rằng, thành công đó là nhờ việc sớm nhận ra xu thế về nhu cầu của thị trường thế giới, các lĩnh vực thủy sản, trái cây… sẽ mở ra nhiều cơ hội để xuất khẩu, nâng cao giá trị…

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương; trong đó có việc giảm diện tích đất trồng lúa, chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa thích ứng được với biến đổi khí hậu cũng như đáp ứng được yêu cầu cơ cấu lại của ngành nông nghiệp.

Thực tế đã chứng minh sự chuyển đổi này bước đầu mang lại hiệu quả cao, đời sống của người dân ở khu vực chuyển đổi ổn định.

Với con tôm, trước đây sản xuất nhỏ lẻ chiếm chủ đạo, nhưng sau khi thực hiện tái cơ cấu, các hợp tác, tổ hợp tác, sản xuất có liên kết tăng mạnh, đặc biệt ở các vùng nuôi tôm lớn Bạc Liêu, Sóc Trăng…

Sau dịch tôm chết sớm năm 2013-2014, nuôi tôm công nghệ cao hiện phát triển khá nhanh. Hiện, các nhà máy hoàn toàn chủ động được vùng nguyên liệu, sản lượng cho chế biến, xuất khẩu.

Hay với cá tra, trước đây xuất khẩu chủ yếu là phi lê đông lạnh nhưng nay đã có trên 80 sản phẩm; trong đó có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao chuỗi giá trị thủy sản. Các phụ phẩm của thủy sản nay cũng đã trở thành đầu vào cho sản xuất với các sản phẩm có giá trị cao.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, nhờ chế biến, đa dạng sản phẩm chế biến, thay vì chỉ thu hoạch khi cá tra đạt trọng lượng từ 800-900 gam, nhưng nay cá tra có thể nuôi lên 3kg để tăng hiệu quả sản xuất cho bà con.

Những sản phẩm chế biến sâu đã góp phần mở rộng thị trường, thị phần xuất khẩu.

Đặc biệt, ngành hàng cá tra đã hoàn thiện quy trình, hệ thống sản xuất, chế biến bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và được Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Việc Mỹ công nhận tương đương đối với sản phẩm cá tra này đã giúp Việt Nam bổ sung doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra vào Mỹ và quan trọng hơn là tạo niềm tin cho nhà nhập khẩu yên tâm nhập khẩu. Từ đó sẽ gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong thời gian tới.

Ông Trần Đình Luân khẳng định: “Đây là chuỗi, khi nông dân nuôi phải xác định bán cho ai và thị trường nào. Hiện mỗi thị trường đòi hỏi một tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật riêng. Không thể có suy nghĩ là cứ nuôi là bán được.”

Trung Quốc, thị trường truyền thống trước đây được xem là thị trường vừa lớn vừa dễ tính thì nay cũng đã đưa ra nhiều chính sách thay đổi trong nhập khẩu. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng tập trung tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng như trái cây, thủy sản, nông sản khác; đồng thời phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp các thông tin, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, các quy định kiểm soát xuất nhập khẩu nông sản tại thị trường này.

Đến nay, Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 9 loại trái cây, 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến được từ Việt Nam.

Tiêu biểu là Nghị định thư cho mặt hàng sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam đã đưa sữa tươi gia nhập vào thị trường đông dân nhất thế giới này.

Trước sự thay đổi cũng như yêu cầu của thị trường, khâu sản xuất cũng nhanh chóng chuyển đổi đáp ứng những yếu tố mới.

Điển hình như việc sử dụng giống lúa chất lượng cao và cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo có nhiều chuyển đổi mạnh mẽ. Theo đó, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu.

Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như VietGAP, Global GAP… được phổ biến nhân rộng. Năm 2019, diện tích lúa được chứng nhận VietGAP đạt trên 39.000 ha.

Năm 2019, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới gần 2.800 doanh nghiệp, tăng trên 25% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên gần 12.600 doanh nghiệp.

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Nafoods Group, Công ty cổ phần Tập đoàn TH, Tập đoàn Dabaco, Công ty cổ Phần Tập đoàn Masan…

Với sự tham gia của doanh nghiệp như vậy, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước được nâng cao năng lực, đặc biệt một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Năm 2019 có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.

Theo ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ, việc các nhà máy ra đời đã đánh dấu một diện mạo mới của ngành nông nghiệp. Các nhà máy lớn đạt tiêu chuẩn thể giới đã bước đầu chạm vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Lê Thành cho rằng, trước đây thị trường bị dẫn dắt bởi thương lái chứ không phải nhà máy vì nhà máy có quá ít và nhỏ, nay làm theo thị trường sẽ phải là các nhà máy lớn.

Việc ra đời các nhà máy này sẽ giúp Việt Nam thay đổi tư duy phải chuyển sang làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, cần coi thế giới là thị trường, là động lực phát triển. Việt Nam phải tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, từ đây tạo tiền đề để nông dân và các nhà cùng liên kết chặt chẽ với nhau, hình thành vùng sản xuất tốt, chế biến tốt, tổ chức thương mại tốt.

Chính phủ đã “đặt hàng” với ngành nông nghiệp phải đưa “nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics nông sản toàn cầu.

Trước yêu cầu đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành sẽ thực hiện điều chỉnh phân bố các cơ sở chế biến nông sản theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng trên phạm vi toàn quốc.

Phát triển các cụm liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực.

Đặc biệt, sự lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ, thị trường để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.

Để có được điều đó, các chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông sản sẽ được xây dựng theo hướng có tính đột phá, sáng tạo, độc đáo; tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư vào chế biến nông lâm thủy sản./.

2020 không lo thương lái Trung Quốc ép giá tôm?

2020 không lo thương lái Trung Quốc ép giá tôm?

Ảnh: Vietnamplus

2019 – Một năm chưa được như kì vọng cho ngành thủy sản

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tiến sĩ Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nhận định 2019 là một năm có nhiều kì vọng nhưng có cả những điều không như mong muốn.

Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cũng như chỉ tiêu riêng con tôm, con cá đều thấp hơn năm rồi, làm sao so sánh số kế hoạch đầy tham vọng. Đi tìm nguyên nhân để từ đó có thêm kinh nghiệm, để tìm ra cái chưa lường hết khi xây dựng kế hoạch, để không đạt kỳ vọng nhưng không đến nỗi thất vọng.

Con cá tra, nhận định là cũng có xu hướng giảm do cá minh thái tự nhiên khó khai thác. Nhưng hiệu ứng chiến tranh Mỹ – Trung khiến lượng cá thịt trắng rô phi xuất qua Mỹ bị thuế ngăn chặn.

Người tiêu dùng Trung Quốc có nguồn cung tại chỗ. Song song, họ đã âm thầm nuôi cá tra với sản lượng không nhỏ. Trong khi đó, người nuôi cá của Việt Nam âm thầm thả giống, sản lượng không kiểm soát hết.

“Cung tăng khá mạnh, giá đi xuống. Bài học rút ra là thông tin không kịp thời và xử lí càng chậm trễ”, ông Lực nhận định.

Theo Tổng Cục Thủy sản, tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 dự kiến đạt 6,6 nghìn ha, tăng 22,2% so với năm 2018. Sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, tương đương với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 1,9 tỉ USD, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ 2018.

Ông Lực cho hay con tôm, dù các cường quốc tôm đều hô hào tăng sản lượng nuôi. Nhưng thực chất không như vậy. Nguyên nhân giữa vụ, tôm nuôi bị dịch bệnh tấn công khá mạnh.

Nhất là tôm nuôi Ấn Độ và kế tiếp là Việt Nam. Dịch bệnh khiến cỡ tôm bị nhỏ lại, vì tôm chậm lớn; đồng thời sản lượng cũng không tăng mạnh vì một phần bị thiệt hại do dịch bệnh.

Giá tôm cỡ nhỏ tiêu thụ không tăng nhưng cỡ lớn tăng khá mạnh, nhất là lúc cuối vụ. Mặt khác, do nguồn cung trong nước giảm, giá tôm nói chung trong nước đã tăng cao khiến nhiều hợp đồng đã ký kết bị thiệt hại không nhỏ nếu giao đúng hạn.

Không lo thương lái Trung Quốc phá giá

Bước sang năm 2020, ông Lực khẳng định rằng doanh nghiệp tôm không thể nhập hàng block chế biến lại xuất khẩu vì vi phạm truy xuất nguồn gốc, chỉ trừ trường hợp có sự thoả thuận của bên tiêu thụ hàng.

Như vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ một mình một chợ các vựa tôm Ecuador, Ấn Độ… Từ đó, thương lái Trung Quốc sẽ giảm nhu cầu mua tôm tươi từ Việt Nam, trừ tôm sú cỡ lớn. Đây là một điểm tích cực, không lo thương lái Trung Quốc tranh mua, phá giá…

Theo Tổng Cục Thủy sản, cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Nhìn tới năm 2020, ông Lực cho rằng các thông tin khai thác, nuôi trồng tương ứng phải được quan tâm tìm hiểu cặn kẽ, làm căn cứ nhận định để tránh những điều không hay đã xảy ra trong năm nay.

Đồng thời, không thể không lo về thời tiết, dịch bệnh tiềm ẩn trong nuôi tôm.

“Chắc chắn dịch bệnh vẫn còn đó vì chưa nghe cơ quan chức năng kết luận. Và nguy cơ này không nhỏ, nhất là vùng nuôi chính của Việt Nam nằm ở lưu vực các con sông, nơi nguồn nước cấp nuôi tôm chứa đầy rủi ro khó kiểm soát”, ông Lực nói.

Việc theo dõi tiến độ thả giống, tiến độ phát triển tôm nuôi song song việc lập các kế hoạch kinh doanh trung hạn nhằm giảm thiểu rủi ro. Bởi trong lĩnh vực nông nghiệp đầy rẫy nguy cơ khách quan, không thể bỏ trứng dồn trong một giỏ.

Nguyên chủ tịch VASEP cũng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng lan toả và hiện diện trong mọi mặt hoạt động.

Các doanh nghiệp không thể thờ ơ, phải có sự cộng hưởng nhằm tăng năng suất cũng như khả năng kiểm soát tốt hơn.

Mặt khác đòi hỏi truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững là xu thế tất yếu, các doanh nghiệp không thể đứng ngoài, sẽ bị đào thải. Phải nhanh chóng thay đổi hệ thống quản trị của mình, toàn diện hơn, minh bạch hơn…

Nguồn: VietnamBiz

“Tôm vua, cua chúa” nhập khẩu “cháy hàng” dịp Tết dương lịch

Nếu như chỉ 1 tháng trước Tết dương lịch, giá tôm hùm Alaska dao động từ 1 triệu – 1,1 triệu/kg, cua hoàng đế nhập khẩu Canada giá từ 1,2 – 1,4 triệu/kg thì những ngày cận Tết dương lịch, giá mỗi loại hải sản nhập khẩu cao cấp này đều tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/kg mà vẫn không đủ hàng cung cấp cho khách hàng.

Chị Phương Mai (Hải Phòng) cho biết, dịp Tết dương lịch năm nay chỉ được nghỉ 1 ngày, nên nhà chị không đi chơi đâu mà gọi bạn bè đến tụ tập ăn uống cho vui. “Tuy là Tết tây nhưng cũng là những ngày cuối năm, chúng tôi quan điểm phải ăn uống thật linh đình để chia tay năm cũ. Thế nên vừa rồi tôi đặt 12kg tôm hùm Alaska, trong đó có 1 con nặng đến hơn 5kg cho hoành tráng”, chị Mai cho biết.

"Tôm vua, cua chúa" nhập khẩu “cháy hàng” dịp Tết dương lịch - 1

Tôm hùm Alaska nặng hơn 5kg cho bữa tiệc tất niên

Theo chị  Mai, “giá tôm đợt này tăng cao, lên đến 1,3 triệu/kg tôm sống, mà tôi phải đặt hàng trước cả tuần mới có. Vì lấy nhiều, tôi được đại lý bán bớt giá một chút, tính ra riêng tiền tôm khoảng hơn 15 triệu cho 15 người ăn, chưa tính chi phí các thực phẩm khác!”

Trao đổi với chị Thu Trang, nhân viên của một công ty chuyên cung cấp hải sản nhập khẩu, chị cho biết, thường vào các dịp lễ tết, sức tiêu thụ các mặt hàng hải sản nhập khẩu cao cấp tăng mạnh. Dịp Tết dương lịch năm nay, công ty chị đã có kế hoạch nhập số lượng lớn tôm hùm Alaska và cua hoàng đế từ Canada, nhưng nguồn hàng rất khan, không có hàng để nhập, bởi thị trường Trung Quốc thời điểm này cũng đang nhập tôm hùm ồ ạt.

"Tôm vua, cua chúa" nhập khẩu “cháy hàng” dịp Tết dương lịch - 2

Cua hoàng đế tăng 100.000 – 200.000 đồng/kg vẫn cháy hàng

“Thường 1 tuần công ty tôi có 2 đợt hàng về, mỗi đợt khoảng nửa tấn. Gần Tết dương lịch, số lượng mỗi đợt tăng thêm vài trăm cân mà vẫn không đủ cung cấp cho khách và đại lý bán lẻ. Chính vì vậy, nếu như khoảng 1 tháng trước, công ty tôi bán tôm hùm Alaska giá 1.050.000 đồng/kg thì bây giờ giá đã lên 1.300.000 đồng/kg. Tương tự, cua hoàng đế giá 1.200.000 đồng/kg thì nay đã lên 1.450.000 đồng/kg”, chị Trang cho biết.

Ngoài tôm hùm Alaska và cua hoàng đế, chị Trang cho biết các loại hải sản khác như hàu, cá tuyết đen, thịt điệp hồng Canada, sò điệp Hokkaido, bào ngư Hàn Quốc, bào ngư Úc… cũng bán rất chạy dịp này, dù giá tăng cao. “Hồi tháng 11 giá hàu sữa Canada size 4-6 con một cân chỉ khoảng 80.000 – 100.000 đồng/con, thì nay lên tới 150.000 đồng/con rồi, mà vẫn không đủ hàng bán cho khách”, chị Trang chia sẻ.

Nguồn : http://danviet.vn