Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Thị Trường Tôm

Quy định mới khi xuất khẩu tôm vào Australia

Quy định mới khi xuất khẩu tôm vào Australia

Từ ngày 1/7/2020, khi xuất khẩu (XK) tôm vào thị trường Australia phải tuân thủ các quy định mới do Bộ Nông nghiệp, nguồn nước và Môi trường Australia vừa ban hành.

Từ ngày 1/7/2020, khi xuất khẩu (XK) tôm vào thị trường Australia phải tuân thủ các quy định mới do Bộ Nông nghiệp, nguồn nước và Môi trường Australia vừa ban hành.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp, nguồn nước và Môi trường Australia vừa ban hành các điều kiện nhập khẩu mới đối với tôm và các sản phẩm từ tôm chưa được làm chín phục vụ tiêu dùng của con người nhập khẩu vào thị trường Australia.

Bộ Nông nghiệp Australia cho rằng việc đưa ra các điều kiện mới này là cần thiết để quản lý được rủi ro về an toàn sinh học liên quan đến bệnh Enterocytozoon hepatopenaei (EHP- Bệnh vi bào tử trùng ở tôm).

Các điều kiện nhập khẩu hiện tại (bao gồm cả đối với tôm đông lạnh đã bỏ đầu và vỏ) chưa kiểm soát được rủi ro từ bệnh EHP ở mức độ bảo vệ thích hợp của Australia (ALOP).

Theo đó, rút bỏ chỉ (tĩnh mạch) tôm được coi là biện pháp hữu hiệu và thực tế nhất để giảm lượng bào tử EHP có thể tồn tại ở các cá thể tôm bị nhiễm bệnh.

Các điều kiện này được ban hành sau khi đã tham vấn ý kiến của các bên liên quan tại nội dung Hướng dẫn An toàn sinh học động vật 2020-A02. Theo đó, tôm và các sản phẩm từ tôm chưa được làm chín sẽ phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đã qua khâu sơ chế loại bỏ chỉ tôm.

Các sản phẩm này sẽ tiếp tục được kiểm tra dấu niêm phong toàn bộ 100% các lô hàng khi làm thủ tục thông quan tại Australia. Nếu không đáp ứng được các quy định mới này các sản phẩm nêu trên sẽ được hướng dẫn tái xuất hoặc tiêu hủy hoặc xử lý (làm chín).

Các điều kiện mới về yêu cầu an toàn sinh học đối với tôm và các sản phẩm từ tôm chưa làm chín nhập khẩu phục vụ tiêu dùng của con người được quy định cụ thể tại – mục 2.1 của hướng dẫn an toàn sinh học 2020-A03.

Mẫu Giấy chứng nhận sức khỏe của Australia cho tôm các loại và thịt tôm phục vụ tiêu dùng của con người đã hoàn thiện. Giấy chứng nhận được cập nhật bổ sung nội dung: “The uncooked prawns have been deveined (removal of the digestive tract to at least the last shell segment)” (tạm dịch: Tôm chưa được làm chín đã được rút chỉ (loại bỏ bộ phận tiêu hóa của tôm ít nhất là tới đoạn vỏ tôm cuối cùng)).

Những thay đổi về điều kiện nhập khẩu này không áp dụng đối với các sản phẩm đã được làm chín, chế biến sâu, tẩm bột, nghiền hoặc các sản phẩm tôm có nguồn gốc từ Australia đã chế biến tại cơ sở được phê duyệt của Thai Union.

Các điều kiện nhập khẩu mới này sẽ được duy trì tạm thời trong quá trình Australia thực hiện Đánh giá rủi ro An toàn sinh học và các điều kiện nhập khẩu tôm và các sản phẩm từ tôm phục vụ tiêu dùng của con người theo tuyên bố của Giám đốc cơ quan An toàn sinh học của Australia vào ngày 16/5/2017. Dự thảo Báo cáo đánh giá này dự kiến sẽ công bố vào giữa năm 2020 để thực hiện tham vấn các bên liên quan.

Australia cũng đã ban hành thông báo về vệ sinh và kiểm dịnh động vật tới Ủy ban phụ trách về vệ sinh và kiểm dịnh động vật của WTO để thông báo tới các đối tác thương mại. Ngoài ra, các tổ chức đang được cấp phép nhập khẩu các mặt hàng này của Australia cũng sẽ nhận được thông báo.

Lê Thu – https://haiquanonline.com.vn

Thị trường xuất khẩu tôm ghi nhận những chuyển biến tích cực

Với diện tích nuôi đạt khoảng 280.000 ha, con tôm chính là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, cả doanh nghiệp và người dân nuôi tôm trên địa bàn Cà Mau gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, thị trường xuất khẩu tôm đã có những chuyển biến tích cực. Giá tôm nguyên liệu cũng được kích cầu, tăng trở lại. Tuy chưa được như kỳ vọng nhưng đây là những tín hiệu tích cực để ngành tôm Cà Mau dần ổn định và phát triển thời gian tới.

Con tôm liên quan đời sống 70% người dân tỉnh Cà Mau.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường trong tháng 3 chỉ xuất khẩu được 5 container hàng nhưng từ tháng 4 đến nay công ty đã xuất được 25 container hàng. Các thị trường lớn của công ty là Trung Quốc, EU, Hàn Quốc đã nhập hàng trở lại.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát những tháng đầu năm thị trường xuất khẩu tôm gần như bị “đóng băng”, công ty của ông như “ngồi trên lửa”. Nhưng hiện việc xuất khẩu mặt hàng tôm đang dần ổn định và những tín hiệu tích cực đã được thể hiện rõ.

Nhờ việc vẫn duy trì hoạt động xuất thời gian qua, công ty Minh Cường đang có lượng hàng dự trữ dồi dào để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu sắp tới. Đặc biệt, “Cuộc chiến chống dịch Covid-19” hiệu quả ở nước ta đã tạo lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng có lợi thế trong việc cạnh tranh với các nước khác. Cũng từ đó, kế hoạch đạt giá trị xuất khẩu 35 triệu USD của công ty Minh Cường trong năm nay rất khả quan.

“Thị trường Trung Quốc và Châu Âu đã nhập hàng trở lại. Tầm này năm ngoái công ty xuất khoảng 4 triệu thì hiện đã tương đương. Nhờ chủ động trước nên dù gặp khó khăn trong dịch nhưng kế hoạch tăng trưởng năm nay vẫn đảm bảo. Công ty chúng tôi có thể đạt và vượt kế hoạch. Sau dịch, thị trường thông thoáng, việc tăng trưởng sẽ nhanh hơn”, ông Tuấn nêu rõ.

Vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu Ngân hàng nhà nước trên địa bàn hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp ngành tôm để thu mua nguyên liệu khôi phục sản xuất và kích cầu giá tôm, giúp nông dân vượt khó. Các doanh nghiệp trên địa bàn đang đẩy mạnh thu mua hàng nên giá tôm đã có những chuyển biến.

Vào tháng 2 và tháng 3, giá tôm thẻ nguyên liệu tại Cà Mau lao dốc còn khoảng 70.000 đồng/kg loại 100 con/kg; loại 60 con giá khoảng 85.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, giá tôm thẻ loại 100 con/kg đã đạt mức khoảng 85.000 đồng/kg; loại 60 con giá đã tăng trên 100.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Cái Bát, các nhà máy đang nâng giá thu mua tôm để dự trữ. Khi các thị trường ổn định lại sẽ có hàng cung cấp cho các đối tác.

“Nguồn nguyên liệu hiện nay ít do thời gian vừa qua giá thấp, ít người nuôi và độ mặn tăng cao nuôi cũng khó thành công hơn. Giá tôm hiện đang tăng lên và sẽ còn tăng lên nữa trong thời gian tới”, ông Lâm cho biết.

Trong hội nghị kiểm điểm chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế – xã hội tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu ngân hàng nhà nước trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh thực các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Ngoài ra, các sở ban ngành, các địa phương cần thực hiện các giải pháp cấp bách để thúc đẩy ngành tôm.

Giá tôm thẻ nguyên liệu đã tăng trở lại.

Trong đó, việc chủ động tìm kiếm các thị trường mới cũng được ông Nguyễn Tiến Hải chỉ rõ: “Những nước thị trường dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta nên sớm kết nối lại. Còn với những thị trường mà diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, có thể kéo dài hơn nữa, chúng ta không thể ngồi trông chờ mà phải tìm kiếm thị trường mới. Việc này đòi hỏi sự năng động của các ngành, các cấp đặc biệt là của ngành công thương và bản thân doanh nghiệp”.

Con tôm liên quan đến đời sống khoảng 70% dân số của tỉnh Cà Mau. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã có những chỉ đạo cụ thể để ngành tôm vượt khó. Những dấu hiệu chuyển biến đã được thể hiện rõ. Tuy nhiên, trong vấn đề hỗ trợ vốn, các doanh nghiệp ngành tôm vẫn đang rất khó tiếp cận, nếu tiếp cận được cũng rất “nhỏ giọt”. Trong khi, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lại chính là trung tâm để kích cầu thị trường tôm. Vì thế, sẽ cần những giải pháp mạnh mẽ hơn./.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Sản xuất tôm ở hàng loạt nước gặp khó khăn và cơ hội cho Việt Nam

Ngành tôm Việt Nam đang được cho là đứng trước cơ hội lớn sau dịch COVID-19 được kiểm soát trên thế giới, trong khi nguồn cung tôm ở các nước giảm do chịu tác động của dịch bệnh.

Nguồn cung các nước lớn dự báo giảm mạnh

Trao đổi với người viết TS Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sao Ta Việt Nam, hiện nay COVID-19 đang tác động trên thế giới khiến hệ thống nhà hàng cơ sở du lịch còn đóng cửa.

Điều này dẫn đến nhu cầu tôm giá trị cao giảm mạnh nhưng tổng cầu chung giảm nhẹ do các hộ gia đình có xu hướng tiêu thụ tôm cỡ nhỏ nhiều hơn, bù đặp với sụt giảm đối với các loại tôm khác.

Theo đó, nguồn cung của các nước nuôi tôm lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hoặc bệnh trên tôm.

Theo VASEP, dịch COVID-19 đã làm toàn bộ chuỗi sản xuất tôm tại các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Ecuador phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Người nuôi tôm Ấn Độ gặp khó khăn do Chính phủ nước này áp lệnh phong tỏa cả nước từ 23/3 đến 3/5.

Tại bang Andhra Pradesh, bang sản xuất tôm lớn nhất Ấn Độ, hoạt động nuôi tôm bị đe dọa bởi dịch COVID-19 do hiện là cao điểm của mùa thu hoạch. Nhiều nhà chế biến đang hoạt động trong tình trạng thiếu nhân công.

Hơn 50% nhân công tại các nhà máy chế biến của Andhra Pradesh là người từ các bang khác nên họ phải về gia đình khi lệnh phong tỏa có hiệu lực và rất khó để quay lại làm việc tại các nhà máy do lệnh hạn chế đi lại của chính quyền địa phương.

Người nuôi không bán được tôm. Mặc dù chính quyền bang đứng về phía người nuôi đe dọa sẽ rút giấy phép hoạt động của các nhà chế biến nếu họ không hoạt động trở lại.

Đến thời điểm giữa tháng 4/2020, phần lớn các lô hàng đã xuất từ đầu tháng 3 trước khi lệnh phong tỏa diễn ta vẫn bị mắc kẹt trên biển hoặc tại cảng đến.

Ngành tôm Ecuador đang phải hoạt động chỉ với 50% công suất trong bối cảnh COVID-19 vì số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng ở nước này.

Sản xuất tôm tại nước này bị ảnh hưởng nặng nề do các công ty chế biến chủ yếu nằm ở Guayaquil, thuộc tỉnh Guayas- đây cũng là tâm dịch COVID-19 ở Ecuador. Một số công ty có nguy cơ phải đóng cửa nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện.

Một số nhà máy chế biến không mua thêm nguyên liệu vì không có nhân công làm việc tại các nhà máy do lệnh phong tỏa. Trong khi ngành tôm nước này không nhận được hỗ trợ gì từ phía Chính phủ.

Nguồn cung tại Việt Nam có thể giảm 10%

Người nuôi tôm Việt Nam đối diện với khó khăn là dịch bệnh. Bệnh từ năm ngoái đến giờ ảnh hưởng quá nhiều đến sản lượng. Đây cũng là lí do cuối năm ngoái Việt Nam giảm chỉ tiêu xuất khẩu tôm.

“Theo phản ánh của các doanh nghiệp, dự kiến năm nay sản lượng tôm sẽ giảm khoảng 10% do người dân lo ngại dịch bệnh kèm theo thời tiết không thuận lợi, nên không dám thả nuôi”, ông Lực nói.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người nuôi tiếp tục thả nuôi, doanh nghiệp, người dân tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho chế biến.

Đối với tôm nuôi đến kì thu hoạch cần hỗ trợ người dân kết nối với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm. Đối với các cơ sở đang nuôi với mật độ dày, tôm cỡ nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu chi phí sản xuất…

Bộ Công Thương cho biết các công ty kinh doanh tôm hàng đầu Việt Nam lo ngại có thể xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu trong nửa cuối năm 2020 do người dân trì hoãn việc thả giống vì lo sợ đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới xuất khẩu.

Tại Sóc Trăng, tỉnh có năng suất nuôi tôm cao nhất Việt Nam, tính đến nay thả giống được 6.000 ha, chỉ chiếm 24% tổng diện tích 25.000 ha.

Giá tôm sẽ dần cải thiện do cung giảm hơn cầu

Ông Lực cho rằng kịch bản giá tôm năm 2020 sẽ vẫn tốt do nguồn cung sụt giảm mạnh hơn nhu cầu.

Sau một thời gian sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, từ đầu tháng 4/2020, giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL đang dần tăng trở lại. Việc giá tôm nhích lên mở ra kỳ vọng thuận lợi cho sản xuất vụ tôm mới.

Theo số liệu từ VASEP, cuối tháng 4, giá tôm chân trắng loại 100 con/kg có giá từ 95.000 – 100.000 đồng, so với cách đây 3 tháng, tăng từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Tôm sú cỡ 30 con/kg có giá từ 200.000 – 230.000 đồng, tăng 30.000 – 40.000 đồng/kg.

Giá tôm chân trắng tại Bạc Liêu hiện tăng hơn trước 20.000 đồng/kg (đối với loại nhỏ). Cụ thể, tôm chân trắng loại 100 con/kg có giá 90.000 đồng/kg đối với nuôi ao lót bạt; tôm nuôi ao đất giá từ 80.000 – 85.000 đồng/kg.

Các loại tôm chân trắng cỡ lớn tăng nhẹ so với trước: loại 70 con/kg có giá 110.000 đồng/kg; loại 50 con/kg có giá từ 120.000 – 125.000 đồng/kg.

Theo VASEP, thời gian của vụ tôm nước lợ năm 2020 vẫn còn dài, những dấu hiệu thuận lợi cũng bắt đầu xuất hiện ngày một rõ ràng hơn như nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới vẫn có.

Nguyên nhân là tôm là thực phẩm thiết yếu, việc kiểm soát dịch COVID-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hi vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ.

Tăng tốc để tận dụng cơ hội

Nhìn vào khía cạnh tích cực hơn, việc nguồn cung tôm giảm sẽ tác động tốt đối với giá tôm trong thời gian tới, nhất là sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Tại hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp diễn ra cuối tuần trước, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí VASEP kì vọng xuất khẩu tôm năm nay đạt 3,8 tỉ tăng 15% so với 2019 để bù đắp phần sụt giảm của cá tra chỉ có thể đạt 1,6 tỉ USD

Ông Hòe kiến nghị đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hỗ trợ tối đa cho người nông dân nuôi tôm để thực hiện ngay từ tháng 5 thả lại tôm bắt kịp tháng 7,8 khi thị trường và thị trường thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ trong khi một số nước cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.

Trên thực tế, một số thị trường lớn nhập khẩu tôm Việt Nam cho thấy những tín hiệu tích cực theo.

Chẳng hạn như Mỹ – thị trường đứng thứ 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỉ trọng 18,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Quí I/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019.

VASEP cho biết trong khi nguồn cung tôm từ Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan đang giảm sút do lệnh phong tỏa quốc gia, khách hàng Mỹ quay sang mua tôm Việt Nam.

Nhằm tận dụng cơ hội thời gian tới, sau khi thế giới đã kiểm soát được dịch bệnh và nguồn cung thế giới bị thiếu hụt, ông Lực cho biết bản thân Sao Ta cũng đang cố gắng tăng diện tích nuôi để cố gắng chủ động nguồn nguyên liệu.

“Doanh số bán hàng các tháng có thể trồi sụt so với năm ngoái nhưng tính chung năm 2020, tôi kì vọng doanh số của Sao Ta ít nhất bằng hoặc cao hơn năm ngoái”, ông Lực nói.

Trong báo cáo thường niên được công bố mới đây, Sao Ta đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ năm 2020 đạt 176 triệu USD, tăng 10% so với thực hiện năm 2019; lợi nhận trước thuế tăng 5%, ước khoảng 240 – 250 tỉ đồng.

Trong quí I, lũy kế ba tháng đầu năm, lãi trước thuế và lãi sau thuế của Sao Ta lần lượt đạt 41 tỉ đồng và 40 tỉ đồng, tương đương so với cùng kì năm trước.

Nguồn: Kinh tế & Tiêu dùng

Mặc cho sản lượng tôm thẻ chân trắng GIẢM nhưng giá trị xuất khẩu TĂNG

Ước tính sản lượng tôm nước lợ tính đến 30/4/2020 đạt 168.600tấn(bằng 94,4% cùng kỳ năm 2019 và đạt 21,7% kế hoạch); trong đó tôm sú đạt 65.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 103.600 tấn. Trong đó, tôm thẻ chân trắng đạt 417,216 triệu USD (tăng 2,1%), tôm sú 112,948 triệu USD (giảm 23,2% so cùng kỳ).

thu hoạch tôm
ảnh minh họa

Báo cáo từ các địa phương, diện tích tôm thả nuôi tính đến nay khoảng 481.534 ha, (bằng 84,9% cùng kỳ năm 2019 và đạt 71,1% kế hoạch), trong đó tôm sú là 457.420 ha (bằng 85,3% cùng kỳ năm 2019), tôm thẻ chân trắng là 22.132 ha (bằng 79%).

Về tình hình dịch bệnh, theo báo cáo từ Cục Thú y, từ đầu năm đến nay có 15.950,26 ha nuôi tôm bị thiệt hại (trong đó, 990,87 ha thiệt hại do bị bệnh; 469,08 ha do môi trường và 14.490,31 ha chưa rõ nguyên nhân). So với cùng kỳ năm 2019 tổng diện tích thiệt hại tăng 3,3 lần, nhưng diện tích bị bệnh giảm 28,42%, do môi trường giảm 49,21%, diện tích thiệt hại không xác định được nguyên nhân tăng 5,83 lần (khiến cho diện tích thiệt hại tăng mạnh, chiếm 90,85% diện tích thiệt hại của năm nay, chủ yếu là ở mô hình nuôi quảng canh tại Cà Mau), tuy nhiên quy mô xảy ra thiệt hại giảm 12,5%.

Bạc Liêu là địa phương có sản lượng thu hoạch nhiều nhất, tiếp đến là Cà Mau, Trà Vinh và Kiên Giang.Kim ngạch xuất khẩu tôm tính đến 31/3/2020 đạt 591,083 triệu USD (giảm 4,3% so cùng kỳ 2019); trong đó,tôm thẻ chân trắng đạt 417,216 triệu USD (tăng 2,1%), tôm sú 112,948 triệu USD (giảm 23,2% so cùng kỳ).

Thiên Bình

Mục tiêu xuất khẩu tôm hùm đạt hơn 200 triệuUSD vào năm 2025

Mục tiêu  đến năm 2025, tổng sản lượng tôm hùm nuôi đạt 3.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8%. Bên cạnh đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất và xuất khẩu tôm hùm trọng điểm phù hợp với sức tải môi trường.

ẢNH MINH HỌA

Để phát huy tiềm năng và lợi thế đưa lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu tôm hùm theo hướng bền vững và hiệu quả, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo Đề án “Phát triển sản xuất, xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025”.Theo Dự thảo Đề án triển khai thực hiện trên phạm vi 9 tỉnh ven biển miền Trung, bao gồm: Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Dự thảo đặt mục tiêu phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; xây dựng ngành tôm hùm theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, phát huy cao lợi thế kinh tế biển của đất nước.

Đảm bảo 100% cơ sở nuôi tôm hùm tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về NTTS và từng bước được cơ quan quản lý địa phương cấp mã số nhận diện giúp truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tôm hùm.

Tôm hùm vượt biển lớn

Về khoa học công nghệ, ưu tiên nhập công nghệ, nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ về sản xuất giống, ương nuôi tôm hùm bông, tôm hùm xanh; nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm hùm thương phẩm theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp và biện pháp phòng trị bệnh trên tôm hùm. Song song với phát triển, cần bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống ngoài tự nhiên: Nghiên cứu xây dựng các mô hình bảo vệ, tái tạo nguồn lợi tôm hùm giống ngoài tự nhiên và kỹ thuật khai thác bền vững tôm hùm giống.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng nuôi tôm hùm trên bờ được quy hoạch phát triển theo hình thức nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn. Ứng dụng tiến bộ của các ngành khoa học khác như tin học, công nghệ tự động hóa, nano, sinh học để tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả nuôi tôm hùm thương phẩm. Nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật như thả giống cỡ lớn, nuôi tôm thành nhiều giai đoạn, thả mật độ thích hợp để nâng cao năng suất, sản lượng và đảm bảo ATTP, an toàn dịch bệnh…

Một số giải pháp thực hiện: Về hình thức nuôi, tiếp tục phát triển hình thức nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển theo hướng bền vững, được quản lý dựa vào cộng đồng và có sự giám sát của cơ quan quản lý địa phương; đồng thời phát triển hình thức nuôi bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn trên cơ sở chủ động về con giống, thức ăn và quản lý môi trường dịch bệnh.

PV

Nguồn: thuysanvietnam

Sẽ thiếu tôm nguyên liệu?

Ngay từ khi khởi đầu vụ tôm nước lợ năm 2020, con tôm đã chịu tác động mạnh từ thời tiết và dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là 2 nguyên nhân chính chi phối giá tôm thời gian qua, khiến người nuôi chùn tay, tiến độ thả nuôi chậm lại, gây nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu trong thời gian tới một khi thị trường hồi phục.

Đúng như dự báo, ngay từ đầu tháng 12-2019, mặn đã xuất hiện tại hầu hết các vùng nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mặn lên sớm lại được sự “trợ giúp” từ những đợt gió chướng mạnh và thời tiết nắng nóng đã nhanh chóng tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng. Các dự báo ban đầu đều nghiêng về yếu tố thuận cho vụ tôm năm nay, kể cả việc thả giống sớm để tranh thủ có tôm, có giá tốt. Tuy nhiên, tất cả những dự tính của người nuôi tôm đã bị đảo ngược khi nhiệt độ và độ mặn tăng quá cao làm phát sinh bệnh đốm trắng và vi bào tử trùng, khiến nhiều diện tích nuôi chỉ sau 1,5 – 2 tháng buộc phải thu hoạch. Tôm cỡ nhỏ nhiều, trong khi thị trường tiêu thụ, chủ yếu là Trung Quốc đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 đẩy giá tôm thẻ cỡ nhỏ lao dốc, người nuôi thua lỗ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm.

Cũng trong thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lây lan ra nhiều nước trên thế giới. Hiện Ecuador đang giới nghiêm vì diễn biến dịch Covid-19 khá phức tạp khiến nhiều diện tích bị treo ao, nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa. Tương tự như thế là cường quốc tôm Ấn Độ cũng đang thực hiện phong tỏa toàn quốc gây thiếu nhân công phục vụ nghề nuôi lẫn chế biến. Một số quốc gia nuôi tôm lớn khác, như: Indonesia, Thái Lan cũng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với các mức độ khác nhau, nên sản lượng tôm cũng biến động theo chiều hướng giảm.

Các nhà máy chế biến lo lắng tình trạng thiếu hụt nguyên liệu tôm nhiều khả năng sẽ xảy ra một khi thị trường hồi phục sớm.

Riêng Việt Nam, tuy thời gian cách ly xã hội chỉ diễn ra trong 2 tuần, nhưng cũng ảnh hưởng đến tâm lý ở người nuôi về khâu tiêu thụ. Mặt khác, trong suốt 4 tháng đầu năm, nhiệt độ và độ mặn cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn làm tôm dễ bị sốc, dẫn đến phát sinh bệnh cơ hội như đốm trắng và vi bào tử trùng, nên người nuôi cũng chưa dám thả nuôi nhiều.

Việc thả giống chậm lại của người nuôi trong bối cảnh trên là khá hợp lý, nhất là đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ theo mô hình quảng canh cải tiến hay bán thâm canh, dù nó có thể gây thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy trong khoảng 1 – 2 tháng tới, nhất là khi thị trường có sự hồi phục sớm. Diễn cảnh trên gần như là chắc chắn, bởi người nuôi hiện phần lớn đều chờ đến khi vào mùa mưa mới tiến hành thả giống, trong khi theo dự báo, khoảng nửa cuối tháng 5, khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới chính thức bước vào mùa mưa.

Theo nhận định chung của các doanh nghiệp, nguồn cung tôm thế giới trong năm 2020 sẽ giảm khá mạnh so với năm 2019, nhưng còn giá tôm cũng như sức mua trong thời gian tới diễn biến ra sao còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong nước cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, do nguồn cung tôm thế giới giảm nên dù dịch bệnh Covid-19 có kéo dài hơn dự kiến thì giá tôm vẫn khá ổn, nếu có giảm cũng sẽ không nhiều, nhưng xu hướng tăng vẫn được đánh giá là nhiều khả năng hơn.

Còn theo ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), do ảnh hưởng dịch Covid-19, một số kênh tiêu thụ tôm, như: nhà hàng, khách sạn, du thuyền, các cửa hàng thức ăn nhanh… đều tạm đóng cửa và cho dù có mở cửa trở lại thì trong thời gian ngắn sức tiêu thụ cũng không mạnh. Ông Phục cho biết thêm: “Bên cạnh sự sụt giảm từ một số kênh tiêu thụ thì sức tiêu thụ tại các siêu thị ở Mỹ, châu Âu vẫn khá tốt, thậm chí tăng 20% – 30% so với cùng kỳ. Do đó, Vinacleanfood và các doanh nghiệp khác ở Sóc Trăng cũng có sự linh hoạt đẩy mạnh bán hàng vào các siêu thị, nên giảm được phần nào tác động từ dịch Covid-19. Điều này đã giúp cho giá tôm thời gian qua được giữ vững, thậm chí còn tăng thêm từ đầu tháng 4 đến nay.

Tuy có đôi chút lo lắng về khả năng thiếu hụt nguyên liệu, nhất là trong 2 tháng 5 và 6, nhưng theo các doanh nghiệp tình trạng trên chỉ diễn ra mang tính cục bộ đối với các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu và đã có hợp đồng giao hàng đến hết quý II-2020. Cơ sở cho nhận định trên được các doanh nghiệp đưa ra là hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp có hàng tồn kho tương đối lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên mặt hàng tôm sú và doanh nghiệp có quy mô nhỏ chưa đủ uy tín, điều kiện bán hàng vào các siêu thị lớn ở Mỹ và châu Âu. Điển hình như tại Cà Mau, theo báo cáo của ngành chức năng, hiện các doanh nghiệp trong tỉnh đang tồn kho hơn 17.000 tấn tôm các loại, trong khi phần lớn doanh nghiệp ở Sóc Trăng vẫn thu mua, chế biến và xuất khẩu khá ổn định.

Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phục phân tích: “Thật ra để đưa ra nhận định về mốc thời gian hồi phục của thị trường tôm vào lúc này là rất khó, bởi chưa ai dám khẳng định khi nào dịch Covid-19 mới được khống chế trên phạm vi toàn cầu, hay chí ít là tại những thị trường tiêu thụ tôm lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Nói một cách khác là thị trường tôm vẫn khó đoán định mặc dù nguồn cung giảm mạnh gần như là chắc chắn. Do đó, chuyện có thiếu hụt nguyên liệu hay không, mức độ thiếu hụt như thế nào, thời gian thiếu hụt bao lâu… ngoài chuyện dịch Covid-19 ra còn tùy thuộc vào uy tín và sự linh hoạt của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu người nuôi vẫn cứ e dè, lo sợ tôm rớt giá không dám thả nuôi như từ đầu năm đến nay thì khả năng thiếu hụt nguyên liệu sẽ không còn là cục bộ nữa mà sẽ diễn ra trong toàn ngành tôm”.

Theo TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng)

Nghịch lý xuất khẩu tôm: Thị trường cần tôm nhỏ, DN thích sản xuất tôm lớn

Người tiêu dùng cần tôm cỡ nhỏ, người nuôi thích tôm lớn (ảnh Nhật Hồ)
Người tiêu dùng cần tôm cỡ nhỏ, người nuôi thích tôm lớn (ảnh Nhật Hồ)