Nhập siêu hơn 400 triệu USD trong 15 ngày đầu năm 2020
Haiquanonline.com.vn đưa tin, theo Tổng cục Hải quan, tính hết 15/1, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 10,88 tỷ USD; nhập khẩu đạt 11,288 tỷ USD. Như vậy, khởi đầu năm mới 2020, nước ta nhập siêu gần 410 triệu USD, so với cùng kỳ 2019, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có mức tăng khá. Trong đó, xuất khẩu tăng 18,3% (cùng kỳ đạt 9,2 tỷ USD); nhập khẩu tăng gần 10,7% (cùng kỳ đạt 10,2 tỷ USD).
Dù khởi đầu năm 2020 cán cân thương mại bất ngờ đảo chiều khi đang từ đà xuất siêu lớn hơn 11 tỷ USD của năm 2019 chuyển sang trạng thái nhập siêu, nhưng đây là điều không bất thường. Bởi, giai đoạn đầu năm, nhất là tháng 1 có Tết Nguyên đán hoặc cận Tết Nguyên đán của Việt Nam và một số quốc gia châu Á, trong đó có đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, vì vậy, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng cao hơn, trong khi các doanh nghiệp lại bước vào kỳ nghỉ dài ngày nên hoạt động xuất khẩu có phần trầm lắng.
Đơn cử như 15 ngày đầu tháng 1 năm 2019 vừa qua, Việt Nam cũng nhập siêu gần 1 tỷ USD trong khi kết thúc năm 2018 nước ta xuất siêu 6,8 tỷ USD. Vì vậy, theo thông lệ hàng năm, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất đi vào quỹ đạo, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cán cân thương mại của Việt Nam sẽ trở lại trạng thái xuất siêu.
15 ngày đầu tháng đã có 5 nhóm hàng xuất nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Ở lĩnh vực xuất khẩu có 3 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 1,543 tỷ USD; dệt may đạt 1,466 tỷ USD; điện thoại và linh kiện với kim ngạch 1,376 tỷ USD.
Ở lĩnh vực nhập khẩu, 15 ngày đầu tháng 1/2020, cả nước có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,181 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,875 tỷ USD.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019: Chăn nuôi và cao su là điểm sáng
Thông tin từ vneconomy.vn, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tổng kim ngạch 41,3 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản của năm 2019, thì giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,5 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 12/2019 ước đạt 65 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cả năm 2019 lên 710 triệu USD, tăng 10,6% so với năm 2018. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trở thành điểm sáng nhất trong xuất khẩu nông sản. Xuất khẩu gạo giảm sâu, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12/2019 đạt 474 nghìn tấn với giá trị 214 triệu USD. Tổng kết cả năm 2019, nước ta xuất khẩu 6,34 triệu tấn gạo, đem về 2,79 tỷ USD, tăng 3,9% về khối lượng nhưng giảm 9,7% về giá trị so với năm 2018.
Ở mặt hàng rau, tháng 12/2019 đã thu về 320 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Tổng giá trị xuất khẩu rau quả năm 2019 đạt 3,74 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2018. Xuất khẩu cà phê tháng 12/2019 ước đạt 126 nghìn tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cà phê năm 2019 ước đạt 1,59 triệu tấn và 2,75 tỷ USD, giảm 15,2% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị so với năm 2018.
Đối với mặt hàng hồ tiêu, tháng 12/2019 xuất khẩu 17 nghìn tấn, thu về 41 triệu USD. Lũy kế cả năm 2019, xuất khẩu hồ tiêu đạt 284 nghìn tấn và 715 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với năm 2018. Năm 2019, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân ước đạt 2.516 USD/tấn, giảm 23,6% so với năm 2018.
Trong tháng 12/2019, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu 43 nghìn tấn với giá trị 300 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều năm 2019 ước đạt 457 nghìn tấn và 3,29 tỷ USD, tăng 22,4% về khối lượng nhưng giảm 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trong nhóm các ngành hàng nông sản, ngoài sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu, thì cao su cũng đạt được tăng trưởng dương. Khối lượng xuất khẩu cao su tháng 12/2019 đạt 181 nghìn tấn với giá trị đạt 238 triệu USD, đưa xuất khẩu cả năm 2019 đạt 1,68 triệu tấn và 2,26 tỷ USD, tăng 7,7% về khối lượng và tăng 8,3% về giá trị so với năm 2018.
Năm 2020, xuất khẩu thủy sản được dự báo mang về 9 tỷ USD
Baoquocte.vn đưa tin, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt 2,15 triệu tấn, trị giá 9 tỷ USD, tăng 1,98% về lượng và tăng 5% về trị giá so với năm 2019.
Thống kê cho thấy, ước tính xuất khẩu thủy sản tháng 12/2019 đạt 190 nghìn tấn, trị giá 750 triệu USD, tăng 11,55% về lượng, nhưng giảm 2,24% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2019 ước đạt 2,108 triệu tấn, trị giá 8,6 tỷ USD, tăng 4,4% về lượng và 2,4% về trị giá so với năm 2018
Lượng xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng cuối năm 2019 đã tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ năm 2018, nhưng do giá nhiều mặt hàng thủy sản ở mức thấp nên trị giá xuất khẩu vẫn giảm nhẹ.
Trong 11 tháng năm 2019, xuất khẩu tôm và cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi xuất khẩu cá ngừ, chả cá, nghêu, cá đóng hộp và cua tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2018.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt 2,15 triệu tấn, trị giá 9 tỷ USD, tăng 1,98% về lượng và tăng 5% về trị giá so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ tăng trở lại, xuất khẩu sang Trung Quốc và ASEAN tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Xuất khẩu tôm tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá tôm khó tăng mạnh trở lại và phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Ecuador…
Hàn Quốc dành cho Việt Nam hạn ngạch hơn 55 ngàn tấn gạo
Theo nongnghiep.vn, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc về việc nước này thuế hóa mặt hàng gạo trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 5 đối tác WTO (gồm Úc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, và Việt Nam), về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan và Thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo.
Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu. Hàn Quốc bảo đảm áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch phù hợp với quy định của WTO và không gây ra tác động hạn chế nhập khẩu.
Hàn Quốc bảo đảm việc đấu thầu gạo theo cơ chế hạn ngạch thuế quan được tiến hành phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA) là cơ quan đầu mối tiến hành đấu thầu hàng năm theo hình thức cạnh tranh để nhập khẩu lượng hạn ngạch riêng của Việt Nam cũng như của các nước khác được phân bổ.

Nguồn: VITIC