Năm 2019, XK tôm chân trắng giảm 3,2% đạt 2,36 tỷ USD, chiếm 70% giá trị tôm XK, tôm sú giảm mạnh 15% đạt 693 triệu USD, chiếm 20,5%, các sản phẩm tôm biển và tôm khác chiếm gần 10%.
Nửa đầu năm 2019, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm NK tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy XK tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018. XK giảm chủ yếu do kết quả XK nửa đầu năm kém, nửa cuối năm XK hồi phục dần dần.
EU
EU là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,6% trong tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Năm 2019, XK tôm Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 696,2 triệu USD, giảm 16,9% so với năm 2018.
XK tôm Việt Nam sang EU năm 2019 sụt giảm so với năm 2018 tuy nhiên Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020.
Theo EVFTA, thuế NK hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) NK vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế NK tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Về lợi thế cạnh tranh thuế NK vào EU so với các nước sản xuất khác, lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh XK khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%.
Khu vực EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng, phân khúc thị trường cao cấp rộng, đủ dư địa các DN tôm Việt lựa chọn các hệ thống phân phối thuỷ sản vừa tầm cung ứng của mình.
Mỹ
Mỹ đứng thứ 2 về NK tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,5%. Năm 2019, XK tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ ước đạt 646,6 triệu USD, tăng 1,4% so với năm 2018.
Từ đầu năm 2019, mặc dù tăng trưởng không cao nhưng XK tôm Việt Nam sang Mỹ duy trì được giá trị XK ổn định so với năm 2018. Nhu cầu NK tôm của Mỹ từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn nhờ Mỹ có xu hướng giảm NK từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh NK từ Trung Quốc.
Trong tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này giúp tạo thêm động lực cho các DN XK tôm Việt Nam sang Mỹ.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến Mỹ tăng thuế 25% đối với 250 tỷ hàng hóa NK từ Trung Quốc trong đó có sản phẩm tôm. XK tôm của Trung Quốc sang Mỹ càng thêm khó khăn, tạo cơ hội cho các nguồn cung đối thủ của Trung Quốc trên thị trường Mỹ trong đó có Việt Nam. Mặt hàng tôm bao bột từ Việt Nam XK sang Mỹ cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc trên thị trường Mỹ. 10 tháng đầu năm 2019, XK tôm bao bột từ Việt Nam sang Mỹ đạt 9.045 tấn, trị giá 64,9 triệu USD, tăng 52% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. XK tôm bao bột từ Trung Quốc sang Mỹ đạt 16.113 tấn, trị giá 85,3 triệu USD, giảm 31% về khối lượng và giảm 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Theo số liệu mới nhất của FAS.USDA, 10 tháng đầu năm 2019, Mỹ NK 571.297 tấn tôm, trị giá 4,9 tỷ USD, tăng 1% về khối lượng nhưng giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Top 6 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ gồm Ấn Độ (chiếm thị phần 40,4% trong tổng giá trị NK tôm vào Mỹ), Indonesia (18,8%), Ecuador (12,3%), Việt Nam (8,8%), Thái Lan (6%) và Trung Quốc (3%).
Nhật Bản
XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản năm 2019 ước đạt trên 626 triệu USD, giảm 2% so với năm 2018. Trong cơ cấu tôm XK sang Nhật Bản, tôm chân trắng chiếm 58%, tôm sú 23,4% và tôm biển 18,7%.
XK tôm sang Nhật Bản năm 2019 chỉ giảm nhẹ so với năm 2018. Các Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản phần nào giúp duy trì ổn định giá trị XK tôm Việt Nam sang thị trường này.
Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản, đặc biệt là tôm nên nhu cầu tiêu thụ tôm dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà XK tôm trên thế giới.

Nguồn: Vasep