Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Thị Trường Tôm

Tôm Minh Phú thoát “án” lẩn tránh thuế bằng cách nào?

TS Phan Ngọc Tâm, Giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc điều hành Công ty Luật Tín & Tâm cho rằng Tôm Minh Phú hoàn toàn có thể thoát được việc chống áp thuế.

Ngày 14/1/2020, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) thông báo khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ, đồng thời áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) và công ty liên kết tại Hoa Kỳ.

– Ông đánh giá như thế nào về quyết định áp thuế này?

Từ năm 2016, căn cứ phán quyết của WTO, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá (CBPG), không tiến hành rà soát hàng năm biện pháp CBPG với sản phẩm tôm xuất khẩu của Minh Phú. Điều này đồng nghĩa với việc Minh Phú là công ty duy nhất của Việt Nam không chịu mức thuế CBPG khi xuất khẩu tôm vào Mỹ.

Tuy nhiên, với cáo buộc này, Minh Phú có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trong việc xuất khẩu tôm sang thị trường nước ngoài. Với việc bị áp thuế CBPG, kim ngạch xuất khẩu tôm của Minh Phú sẽ bị ảnh hưởng đến những mục tiêu đặt ra, nhất là trong giai đoạn Hoa Kỳ đang là thị trường có doanh thu nhập khẩu tôm Minh Phú đứng đầu.

Hiện nay, Minh Phú cho rằng những thông tin cáo buộc do bên khởi kiện cung cấp là sai lệch, không đúng. Trong hoàn cảnh CBP đã sử dụng các thông tin thu thập từ nhiều nguồn, được cắt đoạn và đơn phương diễn giải mà không có sự đối chiếu hay kiểm chứng lại với Minh Phú hay Mseafood thì Minh Phú cần tham gia vào cuộc điều tra và cung cấp thông tin cùng các bằng chứng cụ thể để CBP xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, một cách thỏa đáng, công bằng và phù hợp với thực tế hơn.

-Tôm Minh Phú hiện là doanh nghiệp tôm lớn nhất cả nước, vụ việc này sẽ tác động như thế nào tới ngành tôm, thưa ông?

Mỹ là thị trường quan trọng ngành thủy sản Việt Nam. Từ năm 2005, mặt hàng tôm của Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ thị trường.

Là doanh nghiệp duy nhất được Mỹ đã dỡ bỏ lệnh áp thuế CBPG từ năm 2016, Minh Phú đã “hồi sinh” cho thị trường tôm xuất khẩu Việt Nam. Hoa Kỳ trở thành thị trường tiềm năng hàng đầu và những sản phẩm tôm xuất khẩu cũng rất được ưa chuộng tại quốc gia này. Tuy nhiên, vụ việc lần này có thể khiến con đường phát triển của ngành tôm Việt Nam lại rơi vào khó khăn khi phải đối mặt với những biện pháp khắt khe của Mỹ.

Nhìn lại, năm 2004, khi Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh của Việt Nam, nhiều nông dân lao đao bởi không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà giá tôm trong nước sụt xuống còn 50.000-70.000 đồng một kg trong khi trước đó có thời điểm trên 130.000 đồng một kg. Vụ việc lần này có thể đem lại một kết quả tương tự cho tôm Minh Phú nói riêng và ngành tôm nói chung.

Rất có khả năng ngành tôm Việt Nam sau khi bị áp thuế bán phá giá này sẽ bị hạn chế khả năng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành này.

– Đây mới là quyết định mang tính chất tạm thời, vậy tôm Minh Phú có khả năng thoát được việc chống áp thuế không, thưa luật sư?

Tôm Minh Phú hoàn toàn có thể thoát được việc chống áp thuế. Tuy nhiên, để thoát được việc chống áp thuế, Minh Phú cần đưa ra những cơ sở, bằng chứng cụ thể cho những cáo buộc mà Minh Phú cho rằng là sai phạm.

Về lâu dài, Minh Phú cần rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc nhập khẩu và chế biến tôm đáp ứng sự khắt khe của thị trường nước ngoài. Trong điều kiện từ nhiều năm nay, thủy sản Việt Nam luôn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là thủy sản khai thác và tôm nguyên liệu, Minh Phú cần có những biện pháp theo dõi tình hình nguồn nguyên liệu, giá thành, mở rộng vùng nuôi, chủ động nguồn cung nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng. Cần tạo dựng niềm tin về thương hiệu tôm Việt Nam theo chuẩn quốc tế.

Từ quá trình theo dõi các vụ kiện chống bán phá giá cũng như vấn đề phòng vệ thương mại, có một thực tế cần lưu ý là doanh nghiệp Việt thường chỉ bị điều tra và áp thuế chống lẩn tránh tại các thị trường như Ấn Độ, EU, Mỹ…

– Vậy, theo ông doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường này cần phải lưu ý điều gì? Thưa luật sư?

Từ xung đột căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế khổng lồ càng khiến cho rủi ro bị kiện tụng với hàng Việt tăng lên. Hàng Việt Nam đi Mỹ hoặc EU đều là nhóm sẽ bị điều tra chống bán phá giá theo phương pháp phi thị trường, tức là nhà điều tra không thừa nhận chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, nhóm 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng bị điều tra sẽ là bị đơn bắt buộc, phải báo cáo số liệu chi tiết và chính xác cho nhà điều tra Mỹ hoặc EU theo từng mã sản phẩm (cả về giá bán, chi phí, lượng tiêu thụ lẫn các yếu tố đầu vào, …). Do đó, các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị nguồn lực tài chính để đầu tư cho các vấn đề kỹ thuật về pháp lý.

Việc xây dựng chiến lược thị trường xuất khẩu cần đảm bảo tránh không để cho xuất khẩu tăng đột biến vào những thị trường có thể xảy ra những khiếu kiện chống bán phá giá. Trong công tác nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển xuất khẩu, doanh nghiệp cũng cần xem xét, cân nhắc đến nguy cơ đe dọa từ các vụ kiện chống bán phá giá tại những thị trường lớn và những thị trường đã có tiền lệ kiện chống bán phá giá đối với những sản phẩm xuất khẩu tương tự hoặc giống của các nước trên thế giới.

Điều mấu chốt là các doanh nghiệp cần phải tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh, chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu… để kịp thời ứng phó với những tranh chấp có thể phát sinh trong thương mại quốc tế.

Khi bị điều tra thì doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan chức năng trong thủ tục điều tra vì nếu doanh nghiệp từ chối hợp tác, cơ quan điều tra sẽ bị áp dụng các thông tin có sẵn, thường rất bất lợi cho doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất không phải là chứng minh rằng doanh nghiệp đúng mà là giảm thiểu mức áp thuế chống bán phá giá càng thấp càng tốt.

Nhưng bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải biết tiến thoái đúng lúc. Trường hợp doanh nghiệp không có hệ thống lưu trữ chứng từ chuẩn xác thì cách tốt nhất là nên tuyên bố từ bỏ cuộc điều tra. Nếu từ bỏ thì chỉ mình doanh nghiệp đó phải “chịu trận” và có thể được xem xét giảm thuế trong các đợt rà soát sau này. Nếu không vượt qua được giai đoạn thẩm tra thì tất cả doanh nghiệp Việt xuất khẩu cùng mặt hàng sẽ bị áp thuế ở mức rất cao.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn : https://enternews.vn/

Xuất khẩu tôm Việt Nam được dự báo thuận lợi hơn trong năm 2020

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang EU, Mỹ và Nhật Bản có nhiều cơ hội nhờ EVFTA, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và Thế vận hội Tokyo.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), năm 2019, xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018. Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu (NK) chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.

Có thể bạn quan tâm
xuat khau tom viet nam duoc du bao thuan loi hon trong nam 2020 hinh 1
Xuất khẩu tôm được dự báo có nhiều thuận lợi trong năm 2020

Năm 2019, XK tôm chân trắng giảm 3,4% đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 70,1% giá trị tôm XK, tôm sú giảm mạnh 15,9% đạt trên 687 triệu USD, chiếm 20,4%, các sản phẩm tôm biển và tôm khác đạt 317,6 triệu USD, chiếm gần 9,4%.

Nửa đầu năm 2019, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm NK tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy XK tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018. Trong khi đó, Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc tại biên giới và những diễn biến khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. XK tôm giảm chủ yếu do kết quả XK nửa đầu năm kém. Nửa cuối năm, XK tôm hồi phục dần nhờ giá tôm nguyên liệu và XK tăng.

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Năm 2019, XK tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 689,8 triệu USD, giảm 17,7% so với năm 2018.

XK tôm Việt Nam sang EU năm 2019 sụt giảm so với năm 2018 tuy nhiên Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020.

Theo EVFTA, thuế NK hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) NK vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế NK tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Mỹ đứng thứ 2 về NK tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,4%. Năm 2019, XK tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 653,9 triệu USD, tăng 2,5% so với năm 2018.

Từ đầu năm 2019, mặc dù tăng trưởng không cao nhưng XK tôm Việt Nam sang Mỹ duy trì được giá trị XK ổn định so với năm 2018. Nhu cầu NK tôm của Mỹ từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn nhờ Mỹ có xu hướng giảm NK từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh NK từ Trung Quốc.

Trong tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này giúp tạo thêm động lực cho các DN XK tôm Việt Nam sang Mỹ.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến Mỹ tăng thuế 25% đối với 250 tỷ hàng hóa NK từ Trung Quốc trong đó có sản phẩm tôm. XK tôm của Trung Quốc sang Mỹ càng thêm khó khăn, tạo cơ hội cho các nguồn cung đối thủ của Trung Quốc trên thị trường Mỹ trong đó có Việt Nam. Mặt hàng tôm bao bột từ Việt Nam XK sang Mỹ cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc trên thị trường Mỹ. 10 tháng đầu năm 2019, XK tôm bao bột từ Việt Nam sang Mỹ đạt 9.045 tấn, trị giá 64,9 triệu USD, tăng 52% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. XK tôm bao bột từ Trung Quốc sang Mỹ đạt 16.113 tấn, trị giá 85,3 triệu USD, giảm 31% về khối lượng và giảm 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản năm 2019 đạt trên 618,6 triệu USD, giảm 3,3% so với năm 2018. Trong cơ cấu tôm XK sang Nhật Bản, tôm chân trắng chiếm 58%, tôm sú 23,4% và tôm biển 18,7%.

Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản, đặc biệt là tôm nên nhu cầu tiêu thụ tôm dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà XK tôm trên thế giới.

XK tôm năm 2020 dự kiến sẽ thuận lợi hơn so với năm 2019. Thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ đã về 0%. Hiệp định EVFTA khả năng có hiệu lực từ tháng 6/2020, sẽ giúp tăng trưởng XK tôm vào thị trường châu Âu nhờ lợi thế về thuế suất. Đối với thị trường Trung Quốc, hiện từ 75 – 80% hàng thủy sản của Việt Nam đã XK chính ngạch là yếu tố quan trọng giúp cho việc hồi phục và tăng trưởng XK tôm vào thị trường này trong thời gian tới./.

Theo VOV

Hàng Việt ‘đi cao tốc’ vào EU

Giữa lúc đại dịch COVID-19 đang lan rộng, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu, mà nền kinh tế Việt Nam là một mắt khâu, thì việc EVFTA được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, lại mở ra một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị này.

Cơ hội vàng nâng cấp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngay sau khi EVFTA được thực thi trong năm đầu tiên, EU sẽ giảm 85% dòng thuế với hàng hóa Việt Nam. Sau đó 7 năm, 99% dòng thuế cũng được miễn giảm.

Đây là cơ hội rất quan trọng để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, các mặt hàng Việt Nam gặp khó khăn về thị trường khi xảy ra dịch virus corona. Đặc biệt, các mặt hàng như nông sản, da giày, dệt may… đang gặp khó khăn.

Người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh, châu Âu là thị trường rất lớn với quy mô 18.000 tỷ USD. Khi được hưởng ưu đãi thuế quan, các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, hàng điện tử, thủy sản, đồ gỗ… sẽ có thể vào được thị trường EU một cách dễ dàng.

Theo Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tác động kép của COVID-19 và EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường…

Theo ông Lộc, lợi ích đến từ những con số có thể cân, đong, đo, đếm được: Ngay lập tức, châu Âu dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, Việt Nam xóa bỏ 48,5% tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ, mà với Hoa Kỳ thì chúng ta chưa có hiệp định thương mại tự do), tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao và giá rẻ.

“Rượu vang Pháp, Ý rồi sẽ quen thuộc hơn trong bữa ăn của người dân Việt và tôm Việt Nam sẽ nhiều hơn trong bữa ăn của các gia đình các nước EU”, ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng cho rằng ăn theo dòng chảy thương mại là dòng vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cấp các mắt khâu “made in Viet Nam” hay “made by Viet Nam” trong các chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam đang nỗ lực tham gia. Với sự tham gia của các đối tác châu Âu, chúng ta kỳ vọng, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của những công đoạn sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng lên…

Nhà nước cần nỗ lực cải cách thể chế

Cơ hội lớn mở ra, nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt. Về lý thuyết, ở những lĩnh vực nào có đối đầu trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp EU thì cạnh tranh trong EVFTA sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, về tổng thể, cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các nước EU mang tính bổ sung, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Cạnh tranh gay gắt sẽ chỉ ở một số lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu trong khi EU lại rất mạnh như logistic, chăn nuôi.

Hơn nữa, muốn trở thành chủ nhân của “ngôi nhà” EVFTA, Chủ tịch VCCI cho rằng trước hết các DN phải tìm, phải hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại mình và phải hành động ngay, phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng… để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra.

Cùng với đó, phải gia tốc những nỗ lực, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu… Không có nền tảng là năng lực cạnh tranh bền vững thì không thể hội nhập thành công.

Bên cạnh đó, với vai trò của nhà nước, ông Lộc kiến nghị, cộng đồng DN cần sát cánh với các cơ quan Chính phủ trong những nỗ lực thực thi EVFTA. Doanh nghiệp chuẩn bị về tâm thế, về nguồn lực. Nhà nước, bên cạnh việc phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp về Hiệp định, thì việc chuẩn bị về thể chế là quan trọng nhất. Để nâng cao năng lực thể chế chuẩn bị cho hội nhập không chỉ có việc cải cách để “nội luật hóa” bảo đảm tuân thủ các cam kết mà còn phải cải cách để tận dụng tốt nhất các cơ hội. Cải cách thể chế sâu, rộng hơn cam kết sẽ mở không gian phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.

“Nếu ví EVFTA là con đường cao tốc, những thể chế nội địa là những đường nội đô, nội thị, những đường gom… Tất cả những con đường này có thông thoáng, kỷ cương thì cỗ xe kinh tế Việt Nam mới có thể tăng tốc. Thể chế nào thì doanh nghiệp đó”, chìa khóa để hội nhập EVFTA nói riêng, hay hội nhập kinh tế quốc tế nói chung thành công, suy cho cùng, phải bắt nguồn từ những nỗ lực cải cách thể chế của Nhà nước song hành với những nỗ lực nâng cấp về quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là đôi chân ngàn dặm để nền kinh tế Việt Nam có thể đi tới thành công”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu biết hơn về Hiệp định EVFTA nhằm tận dụng tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại, Bộ Công Thương đã đăng tải toàn bộ văn kiện Hiệp định cũng như tóm tắt và giải thích nội dung cam kết của các lĩnh vực quan trọng trong Hiệp định trên trang web evfta.moit.gov.vn. Bên cạnh đó, trang web này cũng cập nhật thông tin về tình hình phê chuẩn Hiệp định, các thông tin cho nhà xuất khẩu sang thị trường EU.

Theo Bộ Công Thương, Chính phủ hiện đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để hai Hiệp định này sớm được Quốc hội phê chuẩn. Song song với việc hoàn tất các thủ tục phê chuẩn, công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đã được tiến hành. Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA.

Nguồn : https://www.ssi.com.vn/

Cà Mau: Cần theo dõi sát tình hình thời tiết và thị trường

– Trước những diễn biến phức tạp thời tiết và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, nhằm giảm thấp nhất thiệt hại trong sản xuất thủy sản, Hội Thủy sản Cà Mau đã có những khuyến cáo tới hội viên, nông dân và ngư dân.

Thực tế cho thấy, năm nay mưa dứt sớm, lượng nước ngọt giảm đáng kể, thủy triều lên cao, nhiều vùng tôm – lúa bị thiệt hại nặng như huyện Thới Bình, U Minh, Cái Nước, TP Cà Mau… Nhiệt độ ngày đêm có nhiều chênh lệch ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản trên nhiều hình thức nuôi. Diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh cũng bị ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả.

Gần đây, nạn dịch bệnh hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona Trung Quốc lây lan các nước ớn. Hiện  nay, Việt Nam tuy chưa có chết người, nhưng hàng hóa nông – lâm – thủy sản tiêu thụ ứ đọng, giá cả sụt giảm. Trên lĩnh vực thủy sản, nhất là con tôm và cua… cũng bị sụt giảm đột biến.

Ảnh minh họa

Từ dự báo và nhận định tình hình trên, Hội Thủy sản Cà Mau đề nghị các Ban Chấp hành Tỉnh hội, Chủ tịch Hội Thủy sản các huyện, thành phố Cà Mau phối hợp cùng Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế TP Cà Mau chỉ đạo các Hội Thủy sản xã, phường, thị trấn tập trung: Nắm chặt diễn biến thời tiết, khí hậu, điều kiện thực tế của từng vùng nuôi, từng loại hình thức, từng đối tượng nuôi, thị trường, giá cả, chủng loại, kích cỡ mà tham mưu các cấp lãnh đạo cùng cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị chuyên môn trên địa bàn.

Phát động phong trào nuôi thủy sản có trách nhiệm, thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường bền vững, thực hiện nghiêm túc việc nuôi tôm có điều kiện. Trên lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ dự báo khí hậu thời tiết như dự báo của đài Khí tượng thủy văn và kinh nghiệm thực tế nhiều năm đầu vụ sẽ có những cơn mưa lớn trái mùa, sấm sét, gió lốc cục bộ, sóng to gió lớn trên biển, nạn sạt lở bờ sông, trên biển diễn ra phức tạp khó lường, tàu có thể bị chìm… Do vậy, các địa phương cần tập trung tuyên truyền cho nhân dân, ngư dân, hội viên có ý thức chuẩn bị trong mùa mưa bão sắp tới, tuyệt đối chấp hành các quy định, đảm bảo an toàn lao động, an toàn tàu thuyền ngư cụ, ngư phủ…

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh do nCoV cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của nông, ngư dân. Đồng thời, giá cả các mặt hàng thủy sản, nhất là con tôm và cua cũng bị ảnh hưởng, do vậy, ngư dân, hội viên nên bình tĩnh trong sản xuất và chọn lựa chủng loại, kích cỡ mặt hàng để tiêu thụ có lợi nhất.

PV
Nguồn :Thủy sản Việt Nam

Hàng trăm tấn tôm nằm chờ vì tắc đường sang Trung Quốc

Chế biến tôm
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc được dự báo sẽ sụt giảm trong quý I-2020

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, các đơn hàng đi Trung Quốc tạm thời chưa thể thực hiện do nhà nhập khẩu thông báo lùi thời gian giao hàng nên chi phí lưu kho của doanh nghiệp tăng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong dịp nghỉ tết Nguyên đán 2020 vừa qua, dịch viêm phổi cấp diễn biến phức tạp và lây lan nhanh tại Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới gây ảnh hưởng tới hoạt động giao thương giữa Trung Quốc với các nước khác trong đó có Việt Nam.

Dịch Corona khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm có đơn hàng xuất sang Trung Quốc tạm thời chưa thể thực hiện do phía các doanh nghiệp Trung Quốc thông báo lùi thời gian giao hàng nên chi phí lưu kho của doanh nghiệp tăng.

Theo phản ánh của một doanh nghiệp tôm, họ đã ký đơn hàng xuất khẩu hơn 600 tấn tôm cho khách hàng Trung Quốc nhưng mới chỉ giao được một nửa trước tết. Số còn lại hiện phải lưu kho.

VASEP cho biết trên thị trường thế giới, giá tôm thời gian tới sẽ giảm vì nguồn cung tăng mạnh. Hàng của các nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan cũng đang ùn ở cảng Trung Quốc mà chưa được thông quan.

Nhiều tàu biển hiện không thể cập cảng ở Trung Quốc do việc đóng và bốc dỡ hàng hóa diễn ra chậm hoặc không hoạt động. Các nước này cũng sốt sắng tìm thị trường thay thế như Mỹ, EU nên việc này cũng ảnh hưởng tới nhu cầu nhập từ Việt Nam.

Trong khi nhu cầu nhập tôm từ Hàn Quốc, Mỹ, EU cũng bị tác động không tốt do tâm lý e dè, lo ngại dịch bệnh nên cũng ảnh hưởng tới việc chốt hợp đồng mới của các doanh nghiệp.

Phía sau những tác động của dịch corona từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và giao thương với Trung Quốc, thì DN tôm Việt Nam cũng có thể có cơ hội giành thị phần lớn hơn tại các thị trường truyền thống của các nhà cung cấp tôm Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, EU khi nhiều nhà nhập khẩu đang tạm ngừng đơn hàng từ Trung Quốc.

Theo VASEP, trong bối cảnh tình hình dịch virus Corona diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh chờ đợi thị trường Trung Quốc hoạt động trở lại, doanh nghiệp cần tìm kiếm mở rộng thị trường mới và phát triển thị trường nội địa, chủ động nắm bắt thông tin diễn biến dịch bệnh để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất một cách kịp thời.

Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 543 triệu USD, tăng 10% so với năm 2018.

VASEP dự báo, trong quý I-2020, tiêu thụ tôm tại Trung Quốc giảm do tác động của dịch virua corona. Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, mặc dù xuất khẩu tôm sang Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do các doanh nghiệp sở tại ngưng làm việc nhưng vấn đề này chỉ mang tính chất tạm thời và nhu cầu tiêu thụ tôm có khả năng sẽ tăng sau giai đoạn này.

QUANG HUY Pháp Luật

Đến lượt tôm hùm được ‘giải cứu’ vì dịch Covid-19

TPO – Sau hàng loạt nông sản như: thanh long, dưa hấu được nhiều siêu thị giải cứu cho bà con nông dân, nay tôm hùm tại Khánh Hòa đang gặp khó vì không xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhiều gia đình ở Hà Nội mua tôm hùm "giải cứu" giúp người dân nuôi trồng tại Khánh Hòa
Nhiều gia đình ở Hà Nội mua tôm hùm “giải cứu” giúp người dân nuôi trồng tại Khánh Hòa

Những ngày này, tại Hà Nội, nhiều cửa hàng xuất hiện những tấm biển bán giá 299.000 đồng/con tôm hùm khiến nhiều người bất ngờ vì giá rẻ lại nhiều. Nguyên nhân bởi nhiều người nuôi tôm tại Khánh Hòa đang gặp khó khi không có thương lái đến mua tôm cho xuất khẩu do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài.

Chị Thu Nga, nhân viên bán hàng tại cửa hàng hải sản trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, cửa hàng mới nhập thêm tôm hùm từ Khánh Hòa bán khoảng 1 tuần nay. Lượng tiêu thụ mạnh bởi giá tôm hùm đang rẻ và hàng tươi sống không đông lạnh.

Anh Trần Quân – CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển chia sẻ, ý tưởng bán tôm hùm hỗ trợ người nuôi xuất phát từ việc dịch Covid – 19 bùng phát khiến nhiều bà con nông dân gặp khó không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Một con tôm hùm, người dân nuôi chỉ khoảng từ 0,5- 1kg/con và không thể lớn hơn được. Nếu không tiêu thụ sớm, người nuôi tôm sẽ thiệt hại vì tốn nhiều chi phí.

“Người nông dân thích xuất khẩu bởi họ bán với số lượng lớn nhưng qua đợt giải cứu này, thị trường Hà Nội tiêu thụ số lượng lớn và nhiều cửa hàng chung tay hỗ trợ nông dân, người nuôi sẽ có cái nhìn khác về thị trường nội địa trong thời gian tới. Điều này càng giúp cho người tiêu dùng hưởng lợi vì giá tôm sẽ hạ bởi giảm chi phí vận chuyển và các thủ tục xuất khẩu khác”, anh Quân nói.

Ông T, Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thủy sản cho biết, trung bình tháng 1 đầu năm, công ty xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 3 – 5 triệu USD, nhưng năm nay doanh số chỉ khoảng 450 ngàn USD… Dù đường biển hoạt động bình thường nhưng khách không chịu nhận hàng vì khi sang đến nơi bán không được, nên hàng trăm tấn tôm của công ty phải tồn kho, khiến giá sụt từng ngày. Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản và người nuôi trồng mặt hàng này cũng đang trong tình trạng khóc dở mếu dở.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết, hiện tác động của việc hủy đơn với mặt hàng thủy sản do covid- 19 chưa có, nhưng đã xảy ra tình trạng chậm và điều chỉnh đơn hàng. Các đối tác hứa ngày 16/2 mới bắt đầu nhận hàng. Khó khăn trước mắt mà các doan nghiệp gặp phải là một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận container hàng chở đi Trung Quốc, các khách hàng lớn ở Nhật Bản cũng đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc.

Số doanh nghiệp có hàng xuất sang Trung Quốc sản lượng lớn hiện đang tồn kho; trong khi phía Trung Quốc, nhiều khách bán trực tiếp cho các nhà hàng đã giảm hoặc ngưng mua hàng vì không muốn mất chi phí lưu kho do hệ thống nhà hàng, cửa hàng thực phẩm đã tạm dừng hoạt động…

NGỌC MAI

Nguồn : https://www.tienphong.vn/

Xuất khẩu thủy sản tháng 1/2020 giảm 25%

Ước tính XK thủy sản của cả nước tháng 1/2020 đạt 556 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do tháng này có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó, XK tôm đạt khoảng 251 triệu USD, tăng 7%, XK cá tra đạt 75 triệu USD, giảm 64%. XK các mặt hàng hải sản đạt 230 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó XK cá ngừ giảm 30% đạt khoảng 40 triệu USD, XK mực- bạch tuộc giảm 50% còn 33 triệu USD.

Về thị trường NK, mặc dù trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng XK sang thị trường EU trong tháng 1 vẫn tăng 13% đạt 127 triệu USD. XK sang hầu hết các thị trường chủ lực khác đều giảm đáng kể, trong đó XK sang Mỹ giảm mạnh 36% còn 75 triệu USD, trong khi XK sang Nhật đạt 98 triệu USD, giảm 20%, XK sang Trung Quốc và HK đạt 51,5 triệu USD, giảm 45%.

Tình hình dịch bệnh corona chưa ảnh hưởng đến kết quả XK thủy sản Việt Nam trong tháng 1, nhưng từ tháng 2 (sau Tết Nguyên đán), đại dịch corona đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải (nặng nhất là vận tải hàng không, sau đó là vận tải đường bộ và đường sắt qua biên giới) , du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics, do vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh XNK thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020. Không chỉ XK sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng mà XK sang các thị trường khác cũng bị tác động.

XK qua các cửa khẩu hiện chiếm 20% tổng kim ngạch XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, vì thế việc đóng cửa các cửa khẩu do dịch corona có thể làm giảm ít nhất 20% XK thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm.

Nhu cầu tiêu thụ giảm do các chuỗi bán lẻ thực phẩm, các nhà hàng ẩm thực đóng cửa hàng loạt; Hoạt động trao đổi, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị gián đoạn do hệ thống vận tải bị đảo lộn; Đơn hàng bị chậm trễ hoặc không kí thêm được hợp đồng mới; Hoạt động sản xuất trong nước đình trệ vì các nhà máy thiếu công nhân: Hệ thống giao dịch ngân hàng cũng bị tạm ngưng, nhiều khách hàng Trung Quốc cũng không thể sang Việt Nam theo lịch trình.  Không chỉ hoạt động giao thương qua đường tiểu ngạch mà cả đường chính ngạch sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn.

Một số lượng đáng kể DN XK sang thị trường TQ bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ làm giảm doanh số thủy sản XK nói chung, và sẽ tác động đến các thị trường khác trong khu vực vì chỉ cần nhu cầu giảm tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế Đông Nam Á.

Trong trường hợp khả quan nhất là dịch corona hết trong quý I, XK thủy sản sang Trung Quốc trong quý I/2020 sẽ bị giảm ít nhất là 40% so với quý trước, đạt khoảng 265 triệu USD, tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tăng 10%. XK thủy sản trong các quý tiếp theo sẽ hồi phục so với quý I và guồng SX XK lại vận hành bình thường trong nửa cuối năm, dự báo XK cả năm sang Trung Quốc có thể đạt 1,5 tỷ USD, tăng nhẹ 5% so với năm 2019. Với kết quả này, tổng kim ngạch XK thủy sản Việt Nam cả năm 2020 có thể vẫn giữ được tăng trưởng 8% so với năm 2019 đạt 9,25 tỷ USD.

Tình huống xấu hơn, nếu dịch corona kéo dài hơn nữa, thì hệ lụy sẽ lớn hơn, sản xuất – XK có thể bị ảnh hưởng và đình trệ nghiêm trọng hơn, có thể đến tháng 8. Khi đó, XK sang Trung Quốc nửa đầu năm sẽ giảm 30% còn 400 triệu USD, XK nửa cuối năm tăng 10% sẽ đạt 930 triệu USD. Tổng XK thủy sản sang Trung Quốc cả năm sẽ đạt khoảng 1,33 tỷ USD, giảm 6%. Với kịch bản xấu hơn, XK sang Trung Quốc giảm, XK sang các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng, tổng XK thủy sản của Việt Nam năm 2020 sẽ chỉ tăng 3-4% đạt 8,9 tỷ USD.

Lê Hằng

Nguồn :vasep.com.vn