Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Thị Trường Tôm

Covid – 19: Đến tôm hùm Mỹ cũng phải điêu đứng

Tôm hùm
Ngư dân và con tôm hùm vừa bẫy được.

 

Covid – 19 bùng phát đã biến tôm hùm xa xỉ thành nỗi lo của ngư dân Mỹ.

Thị trường tôm hùm Mỹ bỗng nhiên lao đao

Những tháng đầu năm vốn là thời điểm nhu cầu tiêu thụ tôm hùm của Trung Quốc bùng nổ, nhưng dịch bệnh Covid-19 đã khiến Trung Quốc phải dừng nhập khẩu tôm hùm. Mất đi thị trường lớn nhất, giá tôm hùm ở Mỹ đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, khiến nông dân Mỹ điêu đứng.

Mỹ từng là nhà cung cấp tôm hùm sống chính cho Trung Quốc, nhưng người mua đã chuyển sang nguồn cung tương đối rẻ hơn từ Canada sau khi Bắc Kinh áp thuế trả đũa đối với thủy hải sản Mỹ vào năm 2018. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hòa hoãn, ngư dân và các công ty xuất khẩu tôm hùm Mỹ vừa thoát khỏi áp lực thuế quan thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến giá tôm hùm rớt xuống tận đáy, và tất nhiên – họ cũng đang đứng trước vực thẳm.

Một con tôm hùm đi dưới đáy đại dương gần một cái bẫy tôm hùm.

Giám đốc công ty tôm hùm The Lobster ở Arundel – ông Stephanie Nadeau ngao ngán cho biết, các đơn đặt hàng từ Hồng Kông từ 1.000 hộp mỗi tuần đã sụt giảm chỉ còn 120 hộp, mỗi hộp cân nặng 33 pound (1 pound khoảng 0,45kg). Tình trạng đã kéo dài kể từ cuối tháng 1 đến nay, công ty này cũng đã phải sa thải số lượng lớn công nhân.

Bị hạn chế bay sang châu Á, tôm hùm Canada đáp xuống Mỹ

Nhu cầu đối với tôm hùm Canada đã giảm xuống chỉ còn 5% bình thường. Canada thường thu được doanh số 1,5 triệu bảng mỗi tuần khi xuất khẩu thủy sản có vỏ đến Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhưng khi các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc thực thi chính sách hạn chế giao thương để ngăn chặn sự lây lan của virus, tôm hùm Canada đã tìm đường đi đến Mỹ. Giờ đây, thị trường Mỹ đang tràn ngập tôm hùm: tôm của chính mình và tôm từ Canada.

Dư thừa nguồn cung khiến giá tôm hùm giảm sâu. Hiện tại, giá tôm hùm ở Mỹ đã giảm 17% so với ngày 20/1, hiện ở mức 8,10 USD/pound, mức thấp nhất trong khoảng thời gian kể từ năm 2016. Đáng lẽ mùa này giá tôm hùm phải tăng cao do nguồn cung giảm trước khi vụ đánh bắt chính bắt đầu. Thời điểm này năm ngoái, tôm hùm giá 10,70 USD/pound, mức trung bình 10 năm ở mức 9,85 USD/pound.

Nuôi hy vọng ở những thị trường mới

Không chỉ Mỹ và Canada bị ảnh hưởng, Úc cũng bị tác động khi xem Trung Quốc là thị trường chính để xuất khẩu tôm hùm đá trong kế hoạch năm mới. Trong khi đó, New Zealand đang nghĩ đến chuyện sẽ cho phép thả tôm hùm đá trở lại tự nhiên sau khi Trung Quốc hủy đơn đặt hàng.

Để xử lý tôm hùm tồn kho, các công ty Mỹ đang hướng đến các thị trường khác ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông, họ nuôi thêm hy vọng những thị trường mới sẽ chấp nhận đuôi tôm hùm và tôm hùm đông lạnh. Tuy nhiên, với diễn biến khó lường của Covid – 19, các thị trường khác cũng có nguy cơ trì trệ khi virus lây lan. Không ai có thể chắc chắn được nước nào sẽ bùng phát dịch tiếp theo, thị trường sẽ đóng băng bao lâu và mất bao nhiêu thời gian để phục hồi như trước.

Hoài An
Nguồn :https://tepbac.com/

Nhập khẩu tôm của Trung Quốc dự kiến giảm mạnh trong quý I/2020

Theo số liệu của ITC, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 3 trên thế giới, chiếm 7,5% tổng NK tôm của toàn thế giới năm 2018. Năm 2018, Trung Quốc vươn lên vị trí 3 thế giới về NK tôm từ vị trí thứ 6 những năm trước đó. Năm 2019, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước NK tôm lớn nhất thế giới về khối lượng.

Nhu cầu NK tôm để tiêu thụ trong nước và chế biến tái XK của Trung Quốc những năm gần đây liên tục tăng. Tôm luôn là sản phẩm được quan tâm nhiều nhất trong các hội chợ triển lãm về thủy sản ở Trung Quốc.

Năm 2019, NK tôm của Trung Quốc tăng mạnh so với các năm trước đó. Ngành nuôi tôm nội địa của Trung Quốc sụt giảm do dịch bệnh trong khi tiêu thụ trong nước tăng. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2019, NK tôm của Trung Quốc đã tăng gần gấp 3 lần, đạt 718.000 tấn, vượt Mỹ trở thành nước NK tôm lớn nhất thế giới về khối lượng. Giá trị NK đạt 4,44 tỷ USD.

Năm 2019, NK trực tiếp tôm nước ấm của Trung Quốc (chủ yếu là tôm nuôi) tăng mạnh nhất, tăng 237% đạt 649.000 tấn. NK tôm nước lạnh tăng 6% đạt 56.000 tấn. Tôm nước lạnh NK vào Trung Quốc chủ yếu là tôm pandalus Borealis khai thác ở phía bắc Đại Tây Dương.

Ecuador và Ấn Độ là các nguồn cung cấp tôm nước ấm lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm gần ¾ tổng NK mặt hàng này của Trung Quốc năm 2019. Việt Nam đứng thứ 4 về cung cấp tôm nước ấm cho Trung Quốc, chiếm 5,4% tổng khối lượng NK tôm vào Trung Quốc.

Năm 2019, khối lượng NK tôm vào Trung Quốc từ Ecuador đạt 322.636 tấn, tăng 324% so với năm 2018 trong khi giá trị NK tăng 285% đạt 1,85 tỷ USD.

NK tôm đông lạnh vào Trung Quốc từ Ấn Độ tăng 346% đạt 155.027 tấn trong khi giá trị NK tăng 337% đạt 904 triệu USD. Hầu hết tôm Ấn Độ được bỏ đầu ở Ấn Độ trước khi được chế biến thêm tại các nhà máy Trung Quốc.

Năm 2019, giá NK trung bình tôm nước ấm đông lạnh từ các nguồn cung cho Trung Quốc đều giảm so với năm 2018. Giá NK trung bình mặt hàng này từ Việt Nam đạt 7,3 USD/kg, giảm 23% so với 2018. Giá NK từ Ecuador và Ấn Độ lần lượt đạt 5,73 và 5,83 USD/kg, giảm lần lượt 9% và 2%.

Năm 2019, nguồn cung tôm nước lạnh lớn nhất của Trung Quốc là Canada (27.529 tấn), tiếp đó Greenland (15.400 tấn), Nga (3.877 tấn) và Đan Mạch (3.007 tấn).

Quý I/2020, NK tôm của Trung Quốc dự kiến giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc cuối tháng 12/2019. NK tôm vào Trung Quốc từ Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan 2 tháng đầu năm 2020 đều đồng loạt giảm. Nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc giảm do các nhà hàng đóng cửa, người dân hạn chế đi lại, khách du lịch vắng bóng; lưu thông, vận chuyển hàng hóa, tiếp nhận nhập cảng bị đình trệ.

Mặc dù rất khó dự đoán về diễn biến tiếp theo của dịch Covid-19, nhưng sau đợt dịch này, dự kiến nhu cầu thủy sản của Trung Quốc trong đó có tôm sẽ tăng vì nguồn cung thịt gà, thịt lợn giảm. Tiêu thụ và NK mặt hàng tươi, sống sẽ sụt giảm do cảnh báo về những nguy cơ dịch bệnh từ động vật sống, tạo cơ hội cho các sản phẩm tôm chế biến sẵn, sản phẩm đông lạnh, đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử, mua hàng online của các hộ gia đình và các điểm bán lẻ tại thị trường trong nước. Dịch Covid 19, cúm gia cầm, dịch tả lợn, nạn châu chấu sẽ khiến cho sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc sụt giảm, mức sống của người dân giảm, chi tiêu cho thực phẩm cao cấp sẽ hạn chế, tạo cơ hội cho phân khúc sản phẩm giá phải chăng như tôm chân trắng đông lạnh.

Giao thương của Trung Quốc tê liệt do dịch Covid-19 nên Trung Quốc đưa ra chính sách mới thúc đẩy NK bằng cách giảm thuế cho các sản phẩm NK, bao gồm cả thủy sản, cũng tạo điều kiện cho NK tôm vào Trung Quốc tăng sau đợt dịch bệnh này.

Nguồn: VASEP

Mỹ tiếp tục từ chối nhập khẩu tôm vì kháng sinh

Tôm bóc vỏ
FDA từ chối 2 lô tôm trong 2/2020 vì kháng sinh

Trong tháng 2, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã từ chối nhập khẩu 97 lô thủy hải sản vào nước này, trong đó có 2 lô tôm vì lý do liên quan đến kháng sinh bị cấm (2,1%).

FDA hiện đã báo cáo tổng cộng bốn lần từ chối các dòng nhập tôm vì lý do liên quan đến kháng sinh bị cấm vào năm 2020. Hai dòng nhập tôm bị từ chối vào tháng 2 là cho hai công ty đã bị FDA từ chối vào tháng 1, gồm:

– Cochin Frozen Exports (Ấn Độ), một công ty hiện đang được liệt kê trong Thông báo nhập khẩu 16-129 (giam giữ mà không kiểm tra thực tế các sản phẩm hải sản do Nitrofurans) vào ngày 4 tháng 3 năm 2020, đã có một dòng nhập bị từ chối vì tôm bị nhiễm bệnh với dư lượng thuốc thú y của Bộ phận Nhập khẩu Bờ Tây vào ngày 14 tháng 2 năm 2020.

– Công ty TNHH Dalian Zhuohong Marine Product (Trung Quốc) đã bị từ chối vì tôm bị nhiễm dư lượng thuốc thú y và phụ gia không an toàn của Bộ phận Nhập khẩu Đông Bắc vào ngày 3 tháng 2 năm 2020.

Hoài An

Đầu ra tôm nuôi Hà Tĩnh gặp khó

thả tôm
Đầu ra khó khăn, giá cả bấp bênh, người nuôi tôm thận trọng xuống giống cho vụ nuôi tôm đầu năm

Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, thị trường đầu ra tôm nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh không chỉ khó bán mà giá giảm sâu khiến người nuôi không khỏi lo lắng.

Anh Nguyễn Thanh Sơn – chủ đầm tôm ở xã Kỳ Khang (Kỳ Anh) than thở: Để nuôi tôm vụ đông thành công là hết sức khó, bởi phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh thường xẩy ra, chi phí tăng cao do thời gian nuôi kéo dài. Vụ tôm này anh thả gần 2 triệu con tôm giống cho 3 ao nuôi và mang lại năng suất, sản lượng đạt cao.


Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, thị trường tôm nuôi vụ đông gặp khó

Thế nhưng niềm vui ‘ngắn chẳng tày gang”, đến kỳ thu hoạch thì bị ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên sức mua giảm, khó bán. Với sản lượng gần 20 tấn tôm thương phẩm nhưng hiện tại anh mới chỉ bán được 6 tấn. Một số thương lái tìm đến hỏi mua nhưng lại ép giá, bởi vậy nếu bán thì lời lãi chẳng được bao nhiêu.

“Tôm vụ đông (trái vụ) thường được mua với giá rất cao so với tôm nuôi chính vụ. Thế nhưng năm nay giá tôm giảm khoảng 15 – 20% tùy theo kích cỡ tôm. Tôm của tôi hiện đang có kích cỡ 50 – 60 con/kg, giá chỉ 150 – 160.000 đồng/kg (thấp hơn trước đây từ 20 đến 30 ngàn đồng/ kg). Điều đáng nói nữa là nếu muốn tiêu thụ nhanh thì buộc mình phải hạ giá bán xuống thấp hơn nữa”, anh Sơn chia sẻ.


Không chỉ đầu ra gặp khó mà giá tôm cũng giảm xuống từ 15 – 20% so với những năm trước

Không chỉ anh Sơn mà nhiều hộ nuôi tôm vụ đông trên địa bàn tỉnh đều cho rằng: Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, các sự kiện, lễ hội không được tổ chức, khách du lịch cũng hạn chế nên sức tiêu thụ tôm giảm hẳn so với những năm trước đây. Mặt khác, tôm Hà Tĩnh cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc trong khi dịch Covid – 19 lại đang diễn biến phức tạp ở quốc gia này …

Được biết, một số vùng nuôi ở xã Xuân Yên (Nghi Xuân), xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), Thạch Trị (Thạch Hà) hiện đang có khoảng 60 -70 tấn tôm vụ đông nhưng chưa bán được vì không có người hỏi mua số lượng lớn. Hiện các hộ nuôi chủ yếu bán tỉa cho các tiểu thương buôn bán tại các chợ, nhà hàng, khách sạn với số lượng rất “khiêm tốn”.

Tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp nên một số người nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh đang thận trọng cho vụ nuôi đầu tiên trong năm nay. Anh Thân Văn Thành (thôn Bắc Hòa, xã Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) cho biết: “Vùng nuôi tôm của tôi có diện tích 5ha với 9 ao nuôi nhưng đầu ra khó khăn, giá cả bấp bênh nên anh chỉ thả giống cho 3 ao nuôi. Thời gian tới, nếu đầu ra ổn định sẽ tiếp tục xuống giống cho 6 ao nuôi còn lại. Không riêng gì tôi mà những hộ nuôi tôm ở đây cũng đang cân nhắc đầu tư cho vụ tôm này”.


Tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đã đến kỳ thu hoạch nhưng sức tiêu thụ kém

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản Hà Tĩnh Lưu Quang Cần, nuôi tôm vụ đông chủ yếu tại các vùng nuôi tôm công nghệ cao trên cát bởi quy trình kỹ thuật đảm bảo, mang lại giá trị kinh tế rất cao. Song, đầu ra gặp nhiều khó khăn khiến người nuôi tôm thất thu. Trước đây, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh tiêu thụ 20 – 30 tấn tôm nhưng giờ chỉ bán được 2 – 3 tấn.

Thị trường tiêu thụ tôm trên địa bàn tỉnh chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp tại quốc gia này, ảnh hưởng tới thị trường, giá cả khiến người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh lo lắng.

Hữu Trung Báo Hà Tĩnh

VASEP: Dự báo tôm sang EU đạt 800 triệu USD trong năm 2020

chế biến tôm
Chế biến tôm xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hầu hết tôm nguyên liệu nhập khẩu vào EU sẽ được giảm thuế xuống 0% ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Do vậy, dự báo xuất khẩu tôm sang EU sẽ tăng 15%, đạt 800 triệu USD trong năm 2020.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 689,8 triệu USD, giảm 17,7% so với năm 2018. Tuy nhiên, trong quý cuối cùng của năm 2019, xuất khẩu tôm sang EU có chiều hướng tốt hơn, không giảm sâu như 3 quý đầu năm.

Theo đại diện VASEP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào tháng 7/2020 có thể tạo kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 – 20% xuống 0%, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Về lợi thế cạnh tranh thuế nhập khẩu vào EU, tôm của Việt Nam sẽ có lợi thế rõ rệt so với các nước sản xuất khác. Cụ thể, với tôm sú xuất sang EU sẽ được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm. Trong khi đó, Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%.

Khu vực EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng, phân khúc thị trường cao cấp rộng, đủ dư địa các doanh nghiệp tôm Việt lựa chọn các hệ thống phân phối thuỷ sản vừa tầm cung ứng của mình. Năm 2020 diễn ra vòng chung kết Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu (UEFA Euro 2020), cũng có thể khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản bao gồm tôm trong khu vực tăng.

Nửa đầu tháng 1/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 17,5 triệu USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong quý I/2020 vẫn giảm mạnh do dịch Covid-19, các nhà nhập khẩu EU chưa mua vào nhiều do chờ giá giảm, Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với Ecuador trên thị trường EU do Ecuador không xuất được sang Trung Quốc, chuyển hướng sang EU.

Tuy nhiên, VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang EU cả năm 2020 sẽ khả quan, tăng khoảng 15%, đạt 800 triệu USD trong năm 2020.

VÂN TUYẾT Khoa học & Đời sống

Dự đoán tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2020

Dự đoán tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2020

Trong năm 2019 vừa qua, lượng nhập khẩu tôm Việt Nam ở các thị trường nước ngoài cho thấy sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khả quan trong năm 2020.

Thị trường châu Âu

Trong năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 689,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Tuy EU vẫn giữ vị trí đứng đầu trong tốp các thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam nhưng sản lượng nhập khẩu tôm của EU trong năm nay lại thấp hơn so với năm 2018 là 17,7%.

Bên cạnh đó, hiệp định EVFTA được ký vào tháng 6 năm 2019 dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2020. Dựa theo hiệp định này, thuế cơ bản sẽ được giảm từ 12 – 20% xuống 0%, kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Điều này giúp phá bỏ hàng rào thuế quan, thúc đẩy thương mại giữa hai bên.

Tôm tươi ngon sẵn sàng xuất khẩu ra các thị trường quốc tế

Thị trường Mỹ

Sau EU, Mỹ đứng vị trí thứ hai trong thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,4%. Trong năm 2019, Việt Nam thu về 653,9 triệu USD từ việc xuất khẩu tôm sang Mỹ, tăng 2,5% so với năm 2018. Tính đến cuối năm 2019, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của Mỹ có dấu hiệu chuyển biến tích cực hơn nhờ xu hướng giảm sản lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc.

Tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này càng tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại Việt Nam.

Tôm chân trắng xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Thị trường Úc

Tuy không nằm tong tốp 3 những nước nhập khẩu lượng lớn tôm từ Việt Nam nhưng Úc vẫn được xem là thị trường nhập khẩu tôm đầy tiềm năng của Việt Nam khi chiếm tới 3,8% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trong năm 2019, Việt Nam thu về gần 121 triệu USD từ thị trường nhập khẩu tôm của Úc, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Đầu năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực. Dựa theo điều luật của Hiệp định này, mức thuế xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia sẽ là 0%. Điều này càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu tôm, giúp tăng trưởng nền kinh tế thủy sản ở Việt Nam.

 

Tiềm năng xuất khẩu tôm trong năm 2020 là vô cùng lớn. Tuy nhiên, để trở thành đối tác của các nhà thu mua đến từ những thị trường cao cấp, doanh nghiệp nuôi trồng thủy hải sản cần phải cập nhật, đầu tư công nghệ hiện đại để đáp ứng những đòi hỏi khắt khe từ họ. Ngoài ra, việc chủ động tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tại các triển lãm quốc tế cũng sẽ giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian, chi phí phát triển kinh doanh. Các doanh nghiệp tham gia ILDEX Vietnam nhiều năm qua chia sẻ, chính các triển lãm thương mại quốc tế như ILDEX Vietnam đã trở thành cầu nối hợp tác hiệu quả khi các doanh nghiệp có cơ hội gặp được nhiều đối tác đến từ các nước trên thế giới. Tại triển lãm ILDEX Vietnam 2020, khách tham dự có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đến từ các nước phát triển như Anh, Pháp, Singapore,…

Nguồn : https://ildex.com.vn/

Trung Quốc: Khối lượng nhập khẩu tôm đạt cao nhất thế giới năm 2019

(vasep.com.vn) NK tôm của Trung Quốc đã tăng gần gấp 3 lần, đạt 718.000 tấn năm 2019, vượt Mỹ trở thành nước NK tôm lớn nhất thế giới về khối lượng, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc. Giá trị NK đạt 4,44 tỷ USD.

Ngành nuôi tôm nội địa của Trung Quốc sụt giảm do dịch bệnh trong khi tiêu thụ trong nước tăng.

Khối lượng NK lớn của Trung Quốc cho thấy mối lo ngại với ngành tôm toàn cầu khi dịch coronavirus lây lan nhanh ở Trung Quốc. Giao thương tôm giữa Ấn Độ với Trung Quốc đang bị xáo trộn trong bối cảnh dịch bệnh, giá tôm bỏ đầu của Ấn Độ giảm 0,5 USD/kg.

Năm 2019, NK tôm nước ấm trực tiếp của Trung Quốc (chủ yếu là tôm nuôi) tăng mạnh nhất, tăng 237% đạt 649.000 tấn.

NK tôm nước lạnh tăng 6% đạt 56.000 tấn. Tôm nước lạnh NK vào Trung Quốc chủ yếu là tôm pandalus Borealis khai thác ở phía bắc Đại Tây Dương. NK tôm tươi/sống từ Thái Lan tăng 26% đạt 10.500 tấn.

Ecuador và Ấn Độ là các nguồn cung cấp tôm nước ấm lớn nhất cho Trung Quốc, chiến gần ¾ tổng NK mặt hàng tôm này của Trung Quốc năm 2019.

Khối lượng NK tôm vào Trung Quốc từ Ecuador đạt 322.636 tấn, tăng 324% so với năm 2018 trong khi giá trị NK tăng 285% đạt 1,85 tỷ USD.

NK tôm đông lạnh vào Trung Quốc từ Ấn Độ tăng 346% đạt 155.027 tấn trong khi giá trị NK tăng 337% đạt 904 triệu USD. Hầu hết tôm Ấn Độ được bỏ đầu ở Ấn Độ trước khi được chế biến thêm tại các nhà máy Trung Quốc.

NK tôm của Trung Quốc vượt Mỹ về khối lượng nhưng giá trị NK thấp hơn của Mỹ.

Năm 2019, Mỹ NK 700,065 tấn tôm, thấp hơn 18.000 tấn so với Trung Quốc tuy nhiên giá trị NK của Mỹ đạt 6 tỷ USD, cao hơn 1,5 tỷ USD so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, NK tôm của Mỹ và Trung Quốc vẫn thấp hơn EU. Năm 2018, EU NK 900.000 tấn tôm, theo Hiệp hội các nhà chế biến và giao dịch thủy sản EU.

Năm 2019, nguồn cung tôm nước lạnh lớn nhất của Trung Quốc là Canada (27.529 tấn), tiếp đó Greenland (15.400 tấn), Nga (3.877 tấn) và Đan Mạch (3.007 tấn).

Nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc năm 2019
Nguồn cung KL (tấn) So với cùng kỳ năm 2018 (%) GT (triệu USD) So với cùng kỳ năm 2018 (%) Giá (USD/kg) So với cùng kỳ năm 2018 (%)
Ecuador 322.636 324 1.849 285 5,73 -9
Ấn Độ 155.027 346 904 337 5,83 -2
Argentina 35.099 -6 254 -11 7,24 -5
Việt Nam 34.814 271 254 186 7,30 -23
S. Arabia 29.140 n/a 181 n/a 6,20 N/a
Thái Lan 28.701 60 255 49 8,88 -7
Malaysia 10.543 277 72 206 6,80 -19
Indonesia 9.269 75 52 68 5,60 -4
Mexico 6.297 1.459 43 1.394 6,85 -4
Peru 5.242 3.645 30 3.674 5,67 1
Pakistan 3.987 37 21 20 5,39 -12
Australia 2.174 950 22 684 10,21 -25
Myanmar 1.869 0 6 -37 3,03 -37
Các nguồn cung khác 4.474 n/a 31 n/a 6,99 n/a
Tổng TG 649.272 237 3.973 193 6,12 -13

 

Kim Thu

(Theo undercurrentnews)