Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Hà Tĩnh khởi động vụ nuôi, thả 85 triệu tôm giống

Cải tạo ao
Nông dân vỗ bờ cho ao tôm chuẩn bị vụ mới

 

Thời điểm này, bà con các vùng nuôi tôm trên địa bàn thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang tất bật cải tạo ao đầm, chuẩn bị điều kiện cần thiết để xuống giống vụ tôm xuân hè 2020.

Ông Lê Quang Anh – Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Tiểu Láng, xã Kỳ Hà cho biết: “Hợp tác xã có 47 thành viên, với diện tích 34 ha. Để chuẩn bị cho vụ mới đạt kết quả tốt, ngay sau khi thu hoạch hết diện tích nuôi tôm vụ trước, bà con đã tập trung cải tạo ao, tháo nước kết hợp nạo vét bùn đáy, vỗ bờ, thau chua rửa mặn, bón vôi bột diệt tạp khuẩn. Đến nay, công tác cải tạo đã cơ bản hoàn thành và các hộ nuôi đang tập trung lấy nước, xử lý nước theo yêu cầu kỹ thuật”.

Ông Cao Văn Thang ở thôn Nam Hà, là người có thâm niên trong nghề nuôi tôm cho biết: “Qua theo dõi thời tiết cũng như kinh nghiệm, tôi dự đoán năm nay sẽ thuận lợi cho việc nuôi tôm.

Năm nay, nhiều bà con phấn khởi, đầu tư kinh phí cải tạo ao kỹ hơn, đúng hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi. Riêng gia đình tôi có 0,5 ha, hiện công việc cải tạo, vỗ bờ sắp hoàn thành, chuẩn bị bơm nước vào để xử lý và chờ ngày thả giống”.

Được biết đến là vùng nuôi tôm có diện tích lớn nhất của TX Kỳ Anh, với tổng diện tích 240 ha nuôi tôm quảng canh và quảng canh xen ghép, bà con nông dân tại phường Kỳ Trinh đang tập trung nhân lực, dồn sức hoàn tất công việc chuẩn bị cho vụ mùa mới.

Dự kiến vụ nuôi năm nay thả 9 vạn tôm thẻ cho 2 hồ với diện dích 1,5 ha, gia đình bà Trần Thị Hồng (tổ dân phố Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh) cũng đang gấp rút tiến hành những khâu cuối trước ngày thả tôm. “Tôi sẽ thả cách nhau giữa 2 hồ trong thời gian ngắn, phòng trừ trường hợp diễn biến bất thường của thời tiết…”- bà Hồng nói.

Theo kế hoạch, vụ nuôi tôm năm 2020, toàn TX Kỳ Anh sẽ thả nuôi 528 ha với hơn 85 triệu con tôm giống, trong đó tập trung chủ yếu 2 loại gồm: Tôm thẻ và tôm sú, tập trung tại 5 địa phương: Kỳ Hà, Kỳ Ninh (nuôi thâm canh); Kỳ Trinh, Kỳ Hưng, Kỳ Nam (nuôi quảng canh và quảng canh xen ghép).

Cùng với hướng dẫn bà con chuẩn bị cơ sở vật chất, TX Kỳ Anh cũng tích cực chỉ đạo các phòng, ban chức năng làm tốt công tác phối hợp kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh tôm giống; tổ chức công tác kiểm dịch chặt chẽ, tránh bỏ qua nguồn bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi.

Ông Phạm Văn Hòa – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TX Kỳ Anh cho biết: “Khung mùa vụ thả tôm thẻ năm 2020 bắt đầu từ đầu tháng 3 dương lịch và tôm sú sẽ thả giống từ tháng 4.

Cán bộ chuyên môn đang cùng chính quyền các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn bà con tập trung cải tạo, chuẩn bị ao đầm; chủ động liên hệ nguồn giống đảm bảo chất lượng. Tùy vào tình hình nuôi và diễn biến thời tiết, chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh khung mùa vụ thả giống phù hợp; đồng thời bám sát hướng dẫn người nuôi phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo vụ nuôi an toàn…”.

Thu Trang Hà Tĩnh

“Giải cứu” tôm hùm lãi 400 nghìn đồng/kg: Thực chất là giải cứu nhà hàng?

Các phi vụ “giải cứu” nông sản siêu lợi nhuận trong mùa dịch là thông tin đáng chú ý tuần qua, trong đó mỗi kg tôm lãi tới 400 nghìn đồng.

Mượn danh giải cứu hồng Đà Lạt, nhập 1 bán gấp 4 lần

Nhiều dân buôn đang hô hào giải cứu hoa hồng Đà Lạt. Tuy nhiên, mức giá không hề có tính chất giải cứu, mà đắt ngang ngửa giá thị trường tại Hà Nội. Có những cơ sở bán một bó hoa hồng đỏ với giá 140 nghìn đồng/30 bông, 120 – 130 nghìn đồng/30 bông hồng các màu, nhưng vẫn sử dụng cụm từ “giải cứu hoa hồng Đà Lạt.

 

“Giải cứu” tôm hùm lãi 400 nghìn đồng/kg: Thực chất là giải cứu nhà hàng? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Với mức giá này, dân buôn đã bán cao hơn cả giá thị trường tại Hà Nội. Và nếu nhập với mức giá phổ biến tại Đà Lạt hiện giờ là 1 nghìn đồng/bông, thì dân buôn đã thu về gấp hơn 4 lần.

Thu giữ hàng trăm “thẻ đeo diệt virus corona”

Gần 300 thẻ đeo diệt virus do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định chất lượng được các đối tượng công khai chào bán trên mạng có tác dụng phòng chống Covid -19. Toàn bộ số hàng đã bị thu giữ.

Theo cơ quan quản lý thị trường, chủ lô hàng là Phạm Tiến Mạnh (sinh năm 1997, quê quán Thái Nguyên). Đối tượng trình bày số “thẻ chống virus” này được nhập lậu từ nước ngoài và rao bán trên mạng xã hội với công dụng khi đeo thẻ này, sẽ làm sạch không khí xung quanh, ngăn chặn vi khuẩn, virus có hại như virus Covid-19.

Giá cho loại “thẻ đeo diệt virus” này từ 200.000 đồng – 450.000 đồng/sản phẩm. Loại thẻ này hiện được rao bán phổ biến trên mạng và lợi dụng được rất được nhiều người quan tâm vì đang thời điểm lo ngại dịch bệnh bùng phát.

Tiểu thương chợ Ninh Hiệp mở mắt ra đã lỗ 4 triệu đồng

Chi phí hoạt động một ngày tại chợ Ninh Hiệp không hề nhỏ. Quầy hàng chỉ vỏn vẹn 4m2, nhưng lại nằm ngay trục chính của khu chợ quần áo nam có thể mất chi phí lên tới 4 triệu đồng/ngày.

Bởi ngoài tiền mặt bằng, số tiền bỏ ra thuê 4 nhân viên cũng khiến nhiều tiểu thương tại đây đứng ngồi không yên.

Hàng mới không có, hàng cũ lại khó bán nên lâu dần, chợ thưa thớt người qua lại. Nhiều cửa hàng cũng chỉ treo hàng mẫu lên rồi cả chủ và 4 – 5 người thợ cùng ngồi chơi.

Một số quầy hàng quần áo đã phải đóng cửa, nhưng không ít hàng do phải chịu chi phí quá cao nên vẫn cố lay lắt.

Bánh pizza làm từ quả thanh long giải cứu

Lấy cảm hứng khiến từ việc ở Sài Gòn có bánh mì thanh long, chủ tiệm pizza cũng đã cho ra đời một chiếc bánh từ thanh long.

Tuy nhiên, phải mất 5 lần thử nghiệm, chủ tiệm bánh này mới thành công với sản phẩm bánh pizza sử dụng phần ruột thanh long đỏ. Thời gian để làm ra được chiếc pizza thanh long rơi vào khoảng 30 – 45 phút.

Thanh long sẽ được bóc vỏ, xay nhuyễn, trộn trực tiếp với bột và nguyên liệu làm bánh. Người thợ sẽ nướng pizza theo công thức riêng bởi phần đế bánh thanh long dễ bị khô và cứng hơn thông thường.

Buôn tôm hùm “giải cứu” vẫn lãi đậm

Do tôm hùm chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc nên việc thu mua tiêu thụ nội địa rất chậm, không đáng kể. Hiện giá tôm thịt thu mua buôn nội địa giảm mạnh, chỉ còn 540.000 đồng/kg.

 

“Giải cứu” tôm hùm lãi 400 nghìn đồng/kg: Thực chất là giải cứu nhà hàng? - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Giải cứu tôm hùm siêu lợi nhuận

Trong khi đó, giá tôm bán lẻ cũng chỉ khoảng 650 – 700 nghìn đồng/kg. Nếu mua từ 10 – 20 kg thì tôm sẽ được “đi” máy bay và vận chuyển tới tận nhà, chi phí chỉ mất thêm 500 nghìn đồng.

Giá tôm rẻ là vậy, nhưng vài ngày qua, không ít cơ sở cũng lợi dụng việc giải cứu tôm để đánh vào tâm lý mua hàng của người tiêu dùng. Theo đó, các cơ sở này bán tôm với giá 299 nghìn đồng/con, hoặc gần 1,1 triệu đồng/kg. Mức giá này theo quảng cáo của cơ sở đã được khuyến mại lên tới 30%.

Như vậy, mỗi cân tôm hùm xanh Khánh Hoà, các cơ sở này thu lãi trên 400 nghìn đồng. Mức lợi nhuận như vậy không còn đúng với ý nghĩa của việc giải cứu. Hơn nữa, người tiêu tômùng cũng không được tiếp cận với thực phẩm giá rẻ.

  Thế Hưng/ Dân trí

‘Vua tôm’ Minh Phú ‘mất’ gần 400 tỷ đồng lợi nhuận

Do tỷ suất lợi nhuận gộp thấp hơn năm trước, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú sụt giảm gần phân nửa lợi nhuận ròng năm 2019 dù đã tiết giảm nhiều chi phí vận hành.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 với doanh thu thuần 4.206 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, do tỷ suất lợi nhuận gộp trong 3 tháng cuối năm 2019 chỉ đạt 7%, giảm mạnh so với mức biên lãi gộp 11% của cùng kỳ 2018 nên lợi nhuận gộp của Minh Phú giảm tới hơn 40%, còn 275 tỷ đồng.

Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gắn với biệt danh “vua tôm” giảm gần 80% còn 33 tỷ đồng dù Minh Phú đã tiết giảm chi phí tài chính, chi phí bán hàng so với cùng kỳ.

Cộng thêm phần lợi nhuận trong các công ty liên kết, liên doanh, “vua tôm” Minh Phú báo lãi ròng 52 tỷ đồng trong 3 tháng cuối 2019. So với cùng kỳ 2018, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm 64%.

Lũy kế cả năm 2019, Minh Phú đạt doanh thu thuần 16.395 tỷ đồng, không chênh lệch đáng kể so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, do tỷ suất lợi nhuận gộp thấp hơn năm trước 1%, lợi nhuận gộp của “vua tôm” giảm 24% so với năm trước, đạt 1.677 tỷ đồng.

Dù các khoản chi phí trong năm qua đều giảm so với 2018 trong khi phần lợi nhuận từ công ty liên kết, liên doanh cùng thu nhập khác tăng, “vua tôm” Minh Phú vẫn sụt giảm 46% lợi nhuận sau thuế, còn 443 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp báo lãi ròng 824 tỷ.

Năm qua, ban lãnh đạo Minh Phú nhiều lần nhắc đến việc nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt, không đáp ứng đủ công suất nhà máy. Để huy động được tôm nguyên liệu phục vụ các đơn hàng, công ty phải mua nguyên liệu với giá cao hơn. Giá thành đội lên trong khi giá bán không tăng khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sụt giảm.

Vừa qua, Minh Phú bị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (Thuế CBPG) đối với MSeafood, công ty con của Minh Phú tại Mỹ và áp dụng biện pháp tạm thời sơ bộ theo cáo buộc của Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Mỹ (AHSTEC).

Phía Minh Phú cho biết luật sư của mình tại Mỹ đã đăng ký với CBP để chính thức tham gia vào cuộc điều tra và cung cấp thông tin cùng các bằng chứng cụ thể để CBP xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Doanh nghiệp cho rằng cuộc điều tra mang tính chất áp đặt, không minh bạch và chỉ dựa trên thông tin một chiều. “Vua tôm” khẳng định không nhập tôm thành phẩm đông lạnh từ Ấn Độ để xuất sang Mỹ như cáo buộc.

Minh Phú là một trong những doanh nghiệp thủy sản lớn của Việt Nam. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Minh Phú hiện tại là ông Lê Văn Quang. Vợ ông Quang là bà Chu Thị Bình cũng tham gia HĐQT và ban điều hành công ty.

Trong cơ cấu cổ đông của Minh Phú, vợ chồng ông Quang cùng các thành viên trong gia đình và công ty có liên quan đang nắm giữ hơn 43% cổ phần doanh nghiệp.

 Đức Long (T/H)

Nguồn :https://thuongtruong.com.vn/

Dự đoán tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2020

Dự đoán tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2020

Trong năm 2019 vừa qua, lượng nhập khẩu tôm Việt Nam ở các thị trường nước ngoài cho thấy sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khả quan trong năm 2020.

Thị trường châu Âu

Trong năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 689,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Tuy EU vẫn giữ vị trí đứng đầu trong tốp các thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam nhưng sản lượng nhập khẩu tôm của EU trong năm nay lại thấp hơn so với năm 2018 là 17,7%.

Bên cạnh đó, hiệp định EVFTA được ký vào tháng 6 năm 2019 dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2020. Dựa theo hiệp định này, thuế cơ bản sẽ được giảm từ 12 – 20% xuống 0%, kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Điều này giúp phá bỏ hàng rào thuế quan, thúc đẩy thương mại giữa hai bên.

Tôm tươi ngon sẵn sàng xuất khẩu ra các thị trường quốc tế

Thị trường Mỹ

Sau EU, Mỹ đứng vị trí thứ hai trong thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,4%. Trong năm 2019, Việt Nam thu về 653,9 triệu USD từ việc xuất khẩu tôm sang Mỹ, tăng 2,5% so với năm 2018. Tính đến cuối năm 2019, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của Mỹ có dấu hiệu chuyển biến tích cực hơn nhờ xu hướng giảm sản lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc.

Tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này càng tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại Việt Nam.

Tôm chân trắng xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Thị trường Úc

Tuy không nằm tong tốp 3 những nước nhập khẩu lượng lớn tôm từ Việt Nam nhưng Úc vẫn được xem là thị trường nhập khẩu tôm đầy tiềm năng của Việt Nam khi chiếm tới 3,8% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trong năm 2019, Việt Nam thu về gần 121 triệu USD từ thị trường nhập khẩu tôm của Úc, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Đầu năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực. Dựa theo điều luật của Hiệp định này, mức thuế xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia sẽ là 0%. Điều này càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu tôm, giúp tăng trưởng nền kinh tế thủy sản ở Việt Nam.

 

Tiềm năng xuất khẩu tôm trong năm 2020 là vô cùng lớn. Tuy nhiên, để trở thành đối tác của các nhà thu mua đến từ những thị trường cao cấp, doanh nghiệp nuôi trồng thủy hải sản cần phải cập nhật, đầu tư công nghệ hiện đại để đáp ứng những đòi hỏi khắt khe từ họ. Ngoài ra, việc chủ động tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tại các triển lãm quốc tế cũng sẽ giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian, chi phí phát triển kinh doanh. Các doanh nghiệp tham gia ILDEX Vietnam nhiều năm qua chia sẻ, chính các triển lãm thương mại quốc tế như ILDEX Vietnam đã trở thành cầu nối hợp tác hiệu quả khi các doanh nghiệp có cơ hội gặp được nhiều đối tác đến từ các nước trên thế giới. Tại triển lãm ILDEX Vietnam 2020, khách tham dự có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đến từ các nước phát triển như Anh, Pháp, Singapore,…

Nguồn : https://ildex.com.vn/

Cà Mau: Cứu hộ tôm nuôi nhằm đảm bảo cho mùa vụ thành công

(TBMK) – Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, thời tiết năm 2020 được cho là khá khắc nghiệt, vì thế, bà con nuôi thuỷ sản cần phải chủ động trước các giải pháp để ứng phó, cứu hộ tôm nuôi nhằm đảm bảo cho mùa vụ thành công.

Mỗi tháng vùng bán đảo Cà Mau có 2 đợt nước rong vào ngày rằm và 30 (âm lịch), mỗi đợt nước rong sẽ kéo dài trong vài ngày, khi đó, bà con tranh thủ trữ nước vào khu lắng và xử lý để châm bù cho ao, ruộng nuôi tôm. Cách làm này giúp khắc phục phần nào vấn đề thiếu nước do ruộng bị nắng nóng làm sắc cạn khiến nhiệt độ nước tăng cao, dễ phát sinh nhiều dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm nuôi.

Để làm được điều này, nông dân phải tranh thủ các đợt nước kém sên vét sâu kênh mương, làm cống bọng thật an toàn và gia cố, tôn cao bờ bao khuôn hộ; Đồng thời, chuẩn bị sẵn máy bơm đợi con nước rong đến là bơm vào ao.

Nông dân xã Phú Thuận, huyện Phú Tân chăm sóc tôm công nghiệp

Đối với những vùng, những hộ khó chủ động về nước, bà con có thể thực hiện giải pháp hạ thấp mặt đáy ruộng, ao nuôi hay tạo hầm trú nóng cho tôm. Hạ thấp đáy ruộng, ao nuôi theo kiểu mương có vách bậc thang thông nhau, cắt ngang – dọc mặt ruộng, ao; hoặc tạo thành những hố rộng nằm rải rác, có mương rãnh thông nhau và thông ra mương chính, tùy theo điều kiện, hình dạng thửa đất.

Cũng có thể thiết kế tạo thêm nơi trú nóng cho tôm rải rác trong ao, ruộng hoặc theo từng vạt, từng góc đất bằng mái lều rơm sậy…

Còn đối với những ao đầm đã thả tôm, tôm đang lớn thì vấn đề hạ thấp mặt đáy sẽ khó khăn, nhưng không phải không làm được. Điều quan trọng là đảm bảo chất lượng nước không bị xáo trộn lớn gây bất lợi cho tôm (bị đục do bùn hay gây nên xì phèn, thay đổi độ kiềm, độ pH…).

Đối với ao, ruộng cải tạo xong chuẩn bị thả tôm giống, nên chậm lại vài ngày, chọn vùng góc đất thuận lợi (khoảng 1-2 phần diện tích ao chung) ngăn lại bằng bờ “cơm nếp”. Một phần cứ thả tôm giống theo kế hoạch đã định, phần còn lại sẽ tiến hành hạ thấp đáy ao, ruộng và cải tạo nước. Sau khi tôm lớn hơn, sẽ phá bờ cơm nếp này cho tôm tự chuyển sang sống luôn trên phần đất đã hạ đáy ao, ruộng (coi như nuôi tôm 2 giai đoạn). Như thế, khi gặp kỳ nắng nóng gay gắt tôm sẽ có chỗ trốn nóng, ít ảnh hưởng sức khoẻ. Còn những ao, ruộng đang cải tạo thì nên tiến hành luôn việc hạ thấp mặt đáy theo bậc thang hay tạo thành những hố trú nóng tập trung theo vạt đất hoặc rải rác như đã nêu trên, sau đó phơi đáy, bón vôi… cải tạo chu đáo rồi hãy thả giống.

Riêng các vùng nuôi tôm công nghiệp thâm canh và siêu thâm canh, cần chuẩn bị đủ nguồn nước, xử lý sinh hoá nghiêm chỉnh. Và quan trọng, các hộ cần phải tự giác quản lý tốt nguồn chất thải, nước thải, và xử lý đạt chuẩn theo quy định để không ảnh hưởng môi trường nuôi chung, cũng như việc lấy nước sau này của từng hộ.

Nguồn : https://mekongsean.vn/

Bạc Liêu: Bắt quả tang cơ sở sản xuất thuốc thủy sản giả quy mô lớn

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu vừa bắt quả tang một cơ sở sản xuất thuốc thủy sản giả có quy mô lớn trên địa bàn TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Số tang vật thu được tại hiện trường.

Trước đó, vào ngày 18/2, từ tin báo của nhân dân, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu đã bất ngờ tiến hành kiểm tra, bắt quả tang tại cơ sở sản xuất do Châu Hào Thực (ngụ phường 1, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) làm chủ đang tổ chức cho công nhân pha trộn, đóng gói số lượng lớn thuốc thủy sản giả, chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.

Qua kiểm tra, cơ quan Công an thu giữ 2.246 thùng nhôm, bao tải, chai nhựa… chứa gần 4,5 tấn thuốc thủy sản giả các loại và hàng trăm thùng carton chứa các hộp thuốc thủy sản thành phẩm được làm giả tinh vi.

Làm việc cơ quan Công an, Thực khai nhận từ tháng 11/2019 đến nay đã mua các loại men vi sinh, thuốc tăng trưởng thủy sản…rồi sau đó trộn với đường công nghiệp, bột màu hóa học rồi đóng gói, dán nhãn mác tự thiết kế, bán ra thị trường với giá từ 60.000 – 110.000 đồng/sản phẩm.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu tiếp tục điều tra làm rõ.

Minh Luân

Nguôn tin: Báo Mới