Thông tin này được đưa ra tại “Diễn đàn thủy sản-Bước thêm bước nữa chuyện người trong cuộc” vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ.

Hội thảo được đại diện 70 hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm tại các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh trong chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, sản xuất sản phẩm, liên kết chuỗi, kết nối thị trường do Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) thuộc Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) thực hiện.

Quang cảnh diễn đàn thủy sản diễn ra tại TP.Cần Thơ vào chiều ngày 23/2.

Quang cảnh diễn đàn thủy sản diễn ra tại TP.Cần Thơ vào chiều ngày 23/2.

Bà Mai Thị Thùy Trang – Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát (Năm Căn-Cà Mau), kể: 6 năm trước bà là cán bộ kỷ thuật của SamSung Việt Nam với mức lương khá ổn định trên 20 triệu/tháng. Nhưng vì đam mê nông nghiệp bà đã xin nghỉ việc về lại quê nhà để nuôi tôm sinh thái, phát triển dòng sản phẩm thủy sản Organic. Từ quy mô gia đình 6,2ha nay đã hình thành hợp tác xã với diện tích trên 50ha với doanh số bán hàng hơn 700 triệu đồng/ tháng với các sản phẩm: tôm, cua, cá chẽm tươi, chế biến.

Theo bà Trang trong điều kiện Việt Nam mở rộng cam kết thương mại với thế giới, đặc biệt là hiệp định EVFTA vừa được thông qua đã mở ra cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này thì ngành thủy sản cần đẩy mạnh hơn trong phát triển chuỗi thủy sản Organic vì hiện nay sản lượng còn rất bé, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Nhưng muốn phát triển lớn mạnh thì rất cần nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhất là nguồn vốn đầu tư, hạ tầng thủy lợi, điện…

Câu chuyện của HTX Tài Thịnh Phát cũng là vấn đề “trăn trở” của đại diện nhiều HTX khác.

Nuôi tôm sinh thái kết hợp phát triển du lịch được xem là mô hình thủy sản phát triển bền vững

Nuôi tôm sinh thái kết hợp phát triển du lịch được xem là mô hình thủy sản phát triển bền vững.

Theo ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc ICAFIS, hiện nay, diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến ổn định 540.000 ha, chiếm 87,8% tổng diện tích tôm; nuôi bán thâm canh, thâm canh chỉ 13.000 ha (chiếm 12,2%); dẫn đến hệ lụy khó gia tăng lượng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho ngành chế biến xuất khẩu, khó áp dụng các đồng quy trình sản xuất tiêu chuẩn. Cùng với dịch bệnh, tồn dư hóa chất là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu và mất thị phần ở các thị trường lớn.

Việt Nam là 1 trong 3 nước đứng đầu số vụ bị từ chối nhập khẩu cá và sản phẩm thủy sản (theo số liệu tuyệt đối) tại 4 thị trường nhập khẩu lớn EU, Mỹ, Nhật, Úc. Đồng thời là nước có số vụ bị từ chối cao nhất trên giá trị hàng xuất khẩu thủy sản tại EU, Mỹ, Nhật. Tổng giá trị trung bình tổn thất hằng năm do bị từ chối nhập hàng thủy sản của Việt Nam 14 triệu USD/năm.

Nguyên nhân chủ yếu do nhiễm chất Salmonella và vấn đề thuốc thú y không có danh mục.

Bên cạnh đó, tình trạng trong chuỗi cung ứng xuất phát từ các tác nhân trung gian trong kênh phân phối truyền thống cũng góp phần không nhỏ làm mất dần thị trường của ngành tôm xuất khẩu Việt Nam trên các thị trường lớn, nơi yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.

Dự án Phát triển chuỗi giá trị tôm bền vững công bằng tại Việt Nam – SusV; Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam – SCBV, được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, Đại sứ quán Thụy Điển, OXFAM tại Việt Nam, ICAFIS đã phối hợp với Sở NN&PTNT sáu tỉnh vùng ĐBSCL: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh hỗ trợ nâng cao năng lực, sản xuất sản phẩm, liên kết chuỗi, kết nối thị trường cho gần 70 HTX/THT và đạt được những tựu đáng kể, góp phần tăng thu nhập, ổn định sinh kế, tăng giá trị sản phẩm, góp phần tăng thương hiệu, hình ảnh sản phẩm thuỷ sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nguồn : https://enternews.vn/