Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

‘Giải cứu’… tôm nuôi trên cát

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương yêu cầu các ban ngành có biện pháp “giải cứu” khoảng 1.200 tấn tôm chân trắng nuôi trên cát ven biển đang “bí đầu ra”.

Tiến thoái lưỡng nan

Ao hồ nuôi tôm ở Ngũ Điền chưa thể thu hoạch vì “bí đầu ra”

Ông Trần Tăng ở xã Điền Hương (Phong Điền) nan giải: Tôm đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không có ai mua, hoặc có người mua giá quá thấp nên các hộ nuôi không thể bán vì sợ thua lỗ. Khi tôm đạt kích cỡ thu hoạch sẽ hao tốn lượng thức ăn rất lớn nên càng để lâu càng tăng chi phí đầu tư. Người dân đang đứng trước cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, thu hoạch tôm bán bị lỗ đã đành, giữ tôm lại nuôi chờ tăng giá cũng bị lỗ, nguy cơ rủi ro rất cao.

Các thương lái chia sẻ, lâu nay tôm nuôi trên cát ở Ngũ Điền nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung không đạt chất lượng, kích cỡ để xuất khẩu theo quy chuẩn, yêu cầu của thị trường. Sản phẩm của người dân chủ yếu tiêu thụ trong nước, chế biến các món ẩm thực phục vụ tiệc cưới, liên hoan, các nhà hàng, khách sạn. Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, các tiệc cưới, liên hoan bị hạn chế rất lớn, các nhà hàng, khách sạn không thu mua sản phẩm nên tôm nuôi không thể tiêu thụ.

Vụ này, trên địa bàn tỉnh nuôi khoảng 500 ha tôm chân trắng trên cát ven biển, phần lớn tại vùng Ngũ Điền chiếm khoảng 400 ha, còn lại các huyện Phú Vang, Phú Lộc. Do thời vụ, thời điểm thả nuôi của các hộ dân không thống nhất nên nhiều diện tích đến nay vẫn chưa thu hoạch. Trong khi đó, các diện tích thu hoạch những ngày sau tết đã tiêu thụ tốt, giá tuy không cao nhưng vẫn có lãi, nhiều hộ lãi 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Với các diện tích thả giống muộn, đến thời điểm này mới đến thời kỳ thu hoạch (ước sản lượng 1.200 tấn) nhưng “bí đầu ra” vì thị trường tiêu thụ rất hạn chế, giá tôm thấp.

Tôm đến kỳ thua hoạch nhưng không thể tiêu thụ

Tìm nơi bao tiêu sản phẩm cho người dân

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trương Văn Giang thông tin, thời điểm này, các sản phẩm thủy, hải sản đánh bắt tự nhiên trên biển và đầm phá vẫn đang tiêu thụ tốt, giá cả tương đối ổn định, chưa có vấn đề gì đáng lo ngại. Các loại thủy sản nuôi (ngoài tôm) như cua, cá “đặc sản”, cá nước ngọt chủ yếu tiêu thụ trước, trong và sau tết; hiện sản lượng đang cho thu hoạch còn rất ít, không ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ cũng như giá cả.

Đối với các loại thủy sản chưa thể thu hoạch do không tiêu thụ được, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương vận động người dân giữ lại nuôi; đồng thời triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn, phòng trừ dịch bệnh, điều phối lượng thức ăn hợp lý (có thể giảm) nhằm hạn chế chi phí đầu tư. Các hộ thường xuyên kết nối, liên hệ với các chủ nhà hàng, khách sạn để tiêu thụ sản phẩm khi họ có nhu cầu.

Để “giải cứu” khoảng 1.200 tấn tôm tại vùng Ngũ Điền, UBND huyện Phong Điền tiến hành nâng cấp Hợp tác xã Nuôi tôm Phong Hải, có trách nhiệm thu mua và liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân. Chi cục Thủy sản (CCTS) tỉnh cũng đang hỗ trợ, liên hệ với Công ty CP Chăn nuôi CP để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Giá cả tùy thuộc vào kích cỡ, chất lượng sản phẩm theo quy định của công ty, song đảm bảo “đôi bên cùng có lợi”, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.

CCTS cũng đã liên hệ, làm việc với Công ty CP Chăn nuôi CP để có hướng phát triển bền vững nuôi tôm trên cát ven biển. Sắp đến, CCTS sẽ mời đại diện công ty đến giới thiệu các quy định nuôi tôm an toàn, thu mua sản phẩm tại Phong Điền. Theo đó, các bên sẽ tổ chức liên kết, hợp tác nuôi tôm công nghệ cao thí điểm tại một số hộ, sau đó nhân rộng toàn vùng. Riêng đối với thủy sản nuôi đầm phá, CCTS tỉnh cũng đã kết nối với siêu thị BigC để tiêu thụ sản phẩm, giá ổn định cho người dân.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Quảng Trị: Gấp rút chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới

Những ngày này, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang gấp rút hoàn thành việc cải tạo ao hồ, làm sạch môi trường ao nuôi, tu sửa đê bao và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho việc thả giống tôm. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của người nuôi cho vụ nuôi, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cũng đang đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật, quan trắc, cảnh báo môi trường, khuyến cáo lịch thời vụ… nhằm hướng tới một vụ nuôi có hiệu quả cao.

Đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao nuôi tôm

Vừa tỉ mỉ kiểm tra lại hệ thống đê bao và cống thoát nước tại 2 ao nuôi tôm rộng hơn 1 ha của mình, ông Hoàng Anh Quát ở tại HTX Đông Giang 2, phường Đông Giang, TP. Đông Hà cho biết, vụ nuôi tôm 2019 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh gan tụy và đường ruột nên gia đình ông thất bại nặng nề. Do vậy, bước vào vụ nuôi tôm năm 2020 này, mọi công đoạn đều được ông chuẩn bị kỹ càng hơn, nhất là khâu cải tạo ao nuôi. Theo ông Quát, dịch bệnh đối với nghề nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng nếu đã xảy ra thì rất khó chữa trị. Do vậy, để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi, khâu cải tạo ao nuôi phải đặt lên hàng đầu. Ngay từ cuối năm 2019 ông đã tháo cạn nước, vét lớp bùn thải đáy ao, phơi khô đáy, sau đó dùng vôi bột rải khắp ao để tiêu diệt mầm bệnh. “Vụ nuôi này tôi dự định thả nuôi khoảng 20 vạn con tôm sú giống. Để đảm bảo con giống có chất lượng tốt, tôi đã liên hệ với các đơn vị cung cấp giống có uy tín để đặt hàng trước, đến gần ngày thả giống sẽ vào tận nơi mang con giống đi kiểm tra, nếu đạt yêu cầu mới thả nuôi”, ông Quát cho hay.

Theo kế hoạch, diện tích nuôi tôm năm nay của HTX Đông Giang 2 là 26,56 ha, đối tượng nuôi chính là tôm sú. Để phấn đấu đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, ngay từ đầu vụ HTX đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi nâng cấp bờ bao, hệ thống cống, cải tạo ao nuôi, lựa chọn mua tôm giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, đã qua kiểm tra, kiểm dịch, thả nuôi, chăm sóc tôm đúng theo hướng dẫn kỹ thuật.

Giám đốc HTX Đông Giang 2 Hoàng Đình Anh cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, các hộ nuôi đã tiến hành tháo khô phơi đáy ao, rải vôi bột để trung hòa pH đất, diệt khuẩn… Năm nay, do nhận thức được tầm quan trọng của việc cải tạo ao nuôi trong quá trình sinh trưởng của tôm nên người dân đã đầu tư thời gian, kinh phí để cải tạo ao nuôi nhiều hơn. HTX cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi theo hướng bền vững, nuôi an toàn sinh học; tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể hộ nuôi về kế hoạch sản xuất thủy sản năm 2020. Yêu cầu 100% hộ nuôi phải thực hiện cải tạo ao nuôi đúng kỹ thuật trước khi tiến hành thả nuôi đúng thời vụ, đúng đối tượng. Khuyến cáo áp dụng quy trình nuôi tôm ít thay nước, chỉ cấp nước một lần vào đầu vụ nuôi, còn trong quá trình nuôi chỉ cấp thêm nước ngọt từ giếng khoan để hạn chế mầm bệnh, ấu trùng vẹm xanh từ bên ngoài xâm nhập vào ao nuôi.

“Trước khi bước vào vụ nuôi năm 2020, HTX đã tổ chức họp các tổ nuôi tôm cộng đồng để thống nhất quy chế của vụ nuôi này như chỉ được phép thả nuôi tôm sú; nuôi một vụ ăn chắc; tôm giống phải được lấy ở các cơ sở có uy tín, có kiểm dịch rõ ràng; có chế tài thưởng phạt nếu các hộ nuôi không thực hiện đúng quy chế mà tổ nuôi tôm cộng đồng đã thông qua. Về thời gian thả giống, ban đầu HTX dự kiến sẽ bắt đầu thả giống từ ngày 10 – 30/4/2020, tuy nhiên do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp nên HTX thống nhất sẽ thả giống chậm lại khoảng 10 – 15 ngày so với kế hoạch đã đề ra”, ông Anh thông tin.

Tại huyện Triệu Phong, một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh với hơn 550 ha, trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trần Văn Nhuận cho biết, điều đáng mừng là những năm trở lại đây, người nuôi tôm đã nhận thức được tầm quan trọng của việc cải tạo ao nuôi nên đã đầu tư thời gian, kinh phí để cải tạo ao đầm nhiều hơn. Đặc biệt, nhiều hộ đã tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như nuôi tôm trong nhà kính, ao nổi, nuôi tôm hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Biofloc… nhờ vậy năng suất, sản lượng tôm nuôi tăng đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hộ nuôi chưa chấp hành nghiêm các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Một số người dân xử lý ao nuôi không bảo đảm yêu cầu, không tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch để thả nuôi…, do đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Theo ông Nhuận, để khắc phục những vấn đề nêu trên, bên cạnh tham mưu UBND huyện những chính sách hỗ trợ người nuôi tôm, Phòng Nông nghiệp và PTNT còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản trong việc cử cán bộ kỹ thuật tăng cường bám sát cơ sở, giám sát tại các vùng nuôi trọng điểm, kiên quyết không cho các hộ dân thả giống khi các điều kiện nuôi không đảm bảo và khi chưa đến thời vụ cho phép. Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường nước và thông báo rộng rãi đến người nuôi để chủ động trong việc chọn thời điểm lấy nước, thả giống phù hợp. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý vật tư thủy sản nhằm hạn chế tình trạng thuốc, hóa chất giả, kém chất lượng; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa thủy sản…, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.

Theo ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, sở đã có hướng dẫn về khung lịch thời vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2020. Theo đó, tại các vùng nuôi ven sông, với đối tượng nuôi là tôm sú chỉ nên nuôi một vụ trong năm; thời gian thả giống từ ngày 15/4 và kết thúc trước ngày 30/6. Với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng có thể nuôi từ 1 – 2 vụ trong năm; thời gian thả giống từ ngày 15/4 đến 30/6 đối với vùng có bờ ao thấp, dễ bị ngập lụt; đối với vùng không bị ngập lụt, có nguồn nước ngọt dự trữ thời gian thả giống kéo dài từ 15/4 đến trước ngày 31/10; tuyệt đối không được thả nuôi vào thời gian từ ngày 1/11 năm trước đến trước ngày 15/4 năm sau để tránh thời tiết rét kéo dài làm tôm nuôi chậm lớn và dễ phát sinh dịch bệnh. Tại các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát có thể nuôi 2 vụ trong năm; thời gian thả giống từ sau ngày 15/3 đến kết thúc trước ngày 31/10. Riêng đối với các cơ sở nuôi có mái che, có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo không chịu ảnh hưởng của thời tiết, chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân bổ 18.000 kg hóa chất để các địa phương tiêu độc, khử trùng vùng nuôi thủy sản nhằm phòng trừ dịch bệnh đầu vụ nuôi mới.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Đồng hành cùng ngành Thủy sản ‘thời COVID’

Trước khó khăn của ngành Thủy sản, ngay từ đầu năm 2020, tỉnh Cà Mau đã có nhiều động thái để đưa ra giải pháp đón đầu tình hình. Đặc biệt, tại buổi họp mặt doanh nghiệp (DN) đầu năm, với sự tham gia của nhiều “nhà” trong chuỗi liên kết sản xuất ngành hàng tôm Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã có nhiều gợi mở kỳ quyết. Các ngân hàng thương mại cũng mang nhiều trọng trách hơn trong việc đồng hành và gỡ khó cho ngành Thủy sản. Đến nay, trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, các “nhà” đã phát huy tốt vai trò, nhất là khi cả nước đang chung tay gỡ khó cho con tôm thời COVID-19.

Tiềm năng cũng là thách thức

Là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước, với khoảng 302.000ha, sản lượng tôm nuôi hàng năm của Cà Mau đạt trên 300 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt gần 1,2 tỷ USD. Nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản còn là nguồn sinh kế cho hàng ngàn hộ dân và tạo nhiều việc làm ổn định trong các nhà máy chế biến thủy sản và các ngành thương mại, dịch vụ.

Theo Sở Công thương Cà Mau, năm 2019 sản lượng chế biến tôm ước đạt hơn 157.419 tấn. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 1.168 triệu USD, đạt 97% kế hoạch. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 thời gian gần đây và những động thái của Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng, xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau đang gặp khó khăn.

Thực hiện ý kiến của Thường trực UBND tỉnh Cà Mau, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có những chỉ đạo về tình hình sản xuất hết sức kịp thời và nhanh chóng, mang lại hiệu quả nhất định, trong đó có việc đề nghị Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TP. Cà Mau phối hợp với các đơn vị thuộc Sở có giải pháp chỉ đạo sản xuất phù hợp ở địa phương. Đồng thời, nắm tình hình biến động giá cả các sản phẩm nông nghiệp có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, khẩn trương báo cáo về Sở để tổng hợp báo cáo Thường trực UBND tỉnh. Định kỳ thứ 2 hằng tuần, Phòng NN&PTNT các huyện và Phòng Kinh tế TP. Cà Mau báo cáo thêm nội dung giá một số sản phẩm ngư, nông, lâm nghiệp về các chi cục chuyên ngành, thuộc Sở NN&PTNT, để tổng hợp theo lĩnh vực.

Do đầu năm các DN mới đi vào hoạt động nên số hợp đồng phát sinh chưa nhiều, nếu dịch COVID-19 kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường Trung Quốc và lan sang các thị trường lân cận, tác động trực tiếp đến các DN chế biến thủy sản xuất khẩu của địa phương. Nguy cơ bị hủy các đơn hàng (do các nước thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa kinh doanh) sẽ gây khó khăn về tài chính, hàng hóa tồn kho đối với DN trong nước. Điều này sẽ tác động đến việc thu mua tôm nguyên liệu của các DN chế biến thủy sản và sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ nuôi tôm, nhất là về giá thành.

Tỉnh Cà Mau đang nỗ lực hết mình vì ngành kinh tế thủy sản.

Từ sự chủ động…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch COVID-19 để kịp thời thông tin đến các DN trên địa bàn tỉnh để chủ động kế hoạch sản xuất, chế biến các mặt hàng phục vụ xuất khẩu. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả thị trường, trong đó có giá cả tôm nguyên liệu.

Công ty Điện lực Cà Mau gia hạn thời gian thanh toán tiền điện của DN từ 7 ngày lên 15 ngày và sau 2 lần thông báo kể từ lần thông báo đầu tiên, không áp dụng tính lãi suất chậm trả nếu các DN thanh toán tiền điện theo đúng thời gian thỏa thuận với ngành Điện (chỉ áp dụng giải pháp hỗ trợ nêu trên cho các DN có giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có tỷ trọng chiếm từ 30% trở lên so với tổng kim ngạch xuất khẩu của từng DN, sau khi có văn bản đề nghị hỗ trợ của DN.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các DN xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi công nợ, không xuất được hàng hóa do tình hình cấm biên; đồng thời, phải mua nguyên liệu nuôi trồng, khai thác thủy sản của nông dân nên hàng sẽ tồn kho còn nhiều. Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ thiệt hại khó khăn của DN và người dân: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và hỗ trợ lãi vay theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo ghi nhận, phần lớn dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến các DN có tỷ trọng xuất khẩu lớn, thị trường truyền thống tại Trung Quốc, còn các thị trường khác tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường Trung Quốc và lan tỏa đến các thị trường lân cận, tác động xấu đến các DN xuất khẩu của tỉnh: Nguy cơ bị hủy các đơn hàng do các nước thực hiện biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa kinh doanh dẫn đến các DN gặp khó khăn về tài chính, tồn kho hàng hóa… dẫn đến việc giảm sản lượng thu mua nguyên liệu tôm, ảnh hưởng đến các hộ nuôi tôm, nhất là giá thành giảm.

Thời điểm hiện nay, việc nuôi tôm của người dân được tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

…Đến sự bền vững

Mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh (TC,STC) và xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020. Theo đó, nội dung và biện pháp thực hiện của kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với những hộ nuôi TC,STC và những hộ có điều kiện nuôi theo từng địa bàn để tuyên truyền trực tiếp, lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch hoạt động khuyến nông… để đăng ký nuôi TC,STC trong năm 2020; tiến hành rà soát thống kê, phân loại diện tích nuôi TC, STC hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh; ứng dụng khoa học công nghệ…

Thông qua đó, nhằm rà soát, củng cố nâng cao hiệu quả diện tích nuôi tôm TC,STC hiện có trong toàn tỉnh để có biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất; rà soát nhu cầu phát triển nuôi tôm TC,STC của các DN, tổ chức, cá nhân để có biện pháp hỗ trợ phát triển, nâng cao hiệu quả trong năm 2020 và những năm tiếp theo; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát động, hỗ trợ DN và người dân phát triển nuôi tôm TC,STC tập trung quy mô lớn gắn với liên kết chuỗi sản phẩm; nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững; phát triển nuôi tôm TC,STC theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, gắn với bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng; nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng thời, huy động các nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là DN, ngân hàng vào phát triển nuôi tôm TC,STC, gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị, giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi ích cho người dân, DN và nền kinh tế của tỉnh.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Cà Mau, ông Trần Hoàng Khởi: “Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngân hàng thương mại cùng phối hợp với các DN nắm lại tình hình cụ thể, để có phương hướng, giải pháp hỗ trợ cho các DN giảm mức lãi suất thanh toán cho một số DN thủy sản có lô hàng tạm dừng xuất khẩu do ảnh hưởng dịch COVID-19”.

Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi

Trí tuệ nhân tạo trong nuôi trồng thủy sản

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo ra những cải tiến to lớn về hiệu quả và bền vững đối với ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu. Những ứng dụng thực tế của AI trong các hệ thống vận hành tốt nhất hiện nay là minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất cho nhận định trên.

Trí tuệ nhân tạo là những cỗ máy tiên tiến, hiện đại bậc nhất không ngừng được nâng cấp, phát triển. Nhờ AI, mọi thứ đã thay đổi mạnh mẽ kể từ năm 2010 và AI đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người. Chẳng hạn, bạn không cần phải lái xe đến thành phố lớn để mua cuốn sách mà bạn yêu thích, chỉ bằng một vài cú nhấp chuột, nó sẽ được chuyển đến trước nhà bạn trong thời gian rất ngắn, bạn cũng có thể di chuyển đến một địa điểm hoàn toàn mới, nơi mà bạn chưa từng đặt chân đến bao giờ dễ dàng và nhanh chóng nhờ sự kỳ diệu của Waze hay Google Maps …

Bằng nhiều tiện ích mang lại, AI đã trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc củng cố các ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

TỐI ƯU HOẠT ĐỘNG CHO ĂN ĐỐI VỚI TÔM, CÁ

Thức ăn là một trong những đầu mục chi phí lớn nhất và tốn kém nhất đối với người nuôi tôm, cá. Chính vì thế, tối ưu hóa được việc cho ăn hiệu quả đồng nghĩa với người nuôi sẽ giảm được chi phí và tăng lợi nhuận. Tuy nhiên một thực trạng phổ biến vẫn tiếp diễn trong khâu cho tôm, cá ăn hiện nay đó là các phương pháp cho ăn không có chiến lược khoa học, tùy tiện, thủ công và phụ thuộc nhiều vào người nuôi.

Từ đó, yêu cầu về một chế độ ăn tinh chỉnh là rất quan trọng, bởi nếu lượng thức ăn cho ăn quá ít sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu, gây làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển và tăng sinh khối của tôm, cá. Trong khi đó, việc cho ăn quá nhiều cũng không tốt, lượng thức ăn sử dụng nhiều hơn làm tăng chi phí. Chưa kể đến một loạt những tác hại liên đới khác như thức ăn dư thừa sẽ phân tán lơ lửng trong nước, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước nuôi và gây ô nhiễm nguồn nước của cả vùng, địa phương.

Vậy kỹ năng đo lường khi nào cho ăn và cho ăn bao nhiêu là hợp lý để đạt được hiệu quả nuôi trồng thủy sản tốt nhất? Để có được kiến thức và kinh nghiệm, theo cách làm thủ công, người nông dân mỗi ngày vẫn phải thường trực theo dõi (cả ngày lễ và cuối tuần) trong nhiều tháng, dành nhiều thời gian cho công việc hơn. Và không phải người dân nào cũng là một chuyên gia nuôi tôm, cá. Vậy, nếu để máy móc thay thế con người thực hiện tất cả các công việc này, bạn nghĩ thế nào. Thực tế, hiện nay đã có rất nhiều máy móc hiện đại, ứng dụng nền tảng công nghệ tân tiến để thay thế con người trong lĩnh vực thủy sản.

Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cải thiện chất lượng vụ nuôi, nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận và đồng thời giải phóng sức lao động cho người nông dân nuôi tôm, cá

Công ty Observe Technologies cung cấp hệ thống xử lý nước dữ liệu và nghiên cứu ứng dụng AI để theo dõi khi cho tôm, cá ăn. Mục tiêu của họ là cung cấp cho người nông dân những hướng dẫn thực nghiệm và khách quan nhất về việc nên cho ăn bao nhiêu là hợp lý.

Một công ty khác có tên Efishery đã phát triển hệ thống sử dụng các cảm biến để phát hiện thời điểm có nhu cầu nạp thức ăn ở tôm, cá và kiểm soát các máy cấp thức ăn tự động điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với nhu cầu đó. Cách làm này không chỉ gọn nhẹ mà còn có thể làm giảm chi phí thức ăn lên tới 21%, công ty Efishery cho biết.

Công ty Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản của Nhật Bản và Singapore, Umitron Cell, đã cung cấp một bộ nạp thức ăn thông minh có thể điều khiển từ xa. Người nông dân sẽ dựa trên số liệu thu thập và hiển thị trên máy để từ đó cài đặt chế độ cho ăn hợp lý, tối ưu lịch trình cho ăn. Điều này sẽ giúp giảm chất thải trong quá trình cho ăn, tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn, cải thiện lợi nhuận và tính bền vững trong ki mang lại cho người nuôi nhiều thời gian hơn, giảm chi phí thuê lao động.

Các hệ thống AI đồng thời cũng xem xét các yếu tố liên quan khác như thời tiết, ánh sáng, nhiệt độ … giúp nông dân sản xuất nhiều sản phẩm tôm, cá với chi phí thấp hơn, tăng lợi nhuận đáng kể.

NGĂN NGỪA BỆNH TẬT, THEO DÕI GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

Bệnh trên thủy sản luôn là những mối lo đối với người nuôi. Bệnh trên tôm, cá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và chất lượng đầu ra…và cuối cùng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người nuôi và nền kinh tế nuôi trồng thủy sản của cả đất nước. Tuy nhiên, khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, bệnh tật trong ao nuôi tôm cá trở thành yếu tố có thể kiểm soát và dễ dàng phát hiện sớm. Các chương trình có thể dự đoán được sự bùng phát dịch bệnh trước khi chúng xảy ra bằng cách lưu ý các dữ liệu thu thập đầu vào từ ao nuôi, phản ánh tình hình và áp dụng các biện pháp phòng ngừa.

Vào tháng 4/ 2017, Na Uy đã ra mắt AquaCloud, một chương trình hoạt động dựa trên nền tảng đám mây nhằm giúp các nhà quản lý nghiên cứu về sức khỏe của cá nuôi, đối phó với loài rận biển, dự đoán hoặc thậm chí ngăn chặn sự phát triển của loài rận biển trong các lồng nuôi ngay từ giai đoạn đầu, tránh diễn biến xấu hơn, giảm chi phí phải bỏ ra để sử dụng các phương pháp điều trị y tế tốn kém, giảm tỷ lệ tỷ vong của các cá thể cá nuôi.

Công ty khởi nghiệp Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản Ấn Độ Aquaconnect cung cấp FarmMoJo, một ứng dụng di động giúp người nuôi tôm dự đoán bệnh và tăng cường quản lý chất lượng nước nuôi. Công nghệ thông minh này chính là chìa khóa để quản lý dịch bệnh và tăng năng suất ao tốt hơn.

Thiết bị trên không có điều khiển từ xa trang bị cảm biến cũng có thể thu thập các dữ liệu như pH, độ mặn, nồng độ oxy hòa tan, độ đục, chất ô nhiễm và thậm chí cả nhịp tim của các ấu trùng tôm, cá – tất cả đều có thể truy cập thông qua thiết bị di động thông minh này – Raj Somasundaram, Giám đốc điều hành Aquaconnect cho biết.

Và một trong những thiết bị sáng tạo nữa đó là SHOAL, sử dụng cá robot để phát hiện các nguồn ô nhiễm dưới nước ở trang trại và các cơ sở lân cận khác.

Cũng thông qua AI, người nuôi có thể chuyển đổi từ xa các thiết bị máy bơm, động cơ, thiết bị sục khí… để điều chỉnh phù hợp các thông số ao nuôi.

Ngay cả việc tối ưu hóa lợi nhuận kinh tế trong khi thu hoạch, mà hầu hết nông dân thường dựa trên kinh nghiệm hoặc lịch thu hoạch mùa vụ  được thông báo từ địa phương thì giờ đây việc này cũng sẽ được quyết định bằng máy móc. XpertSea ứng dụng thị giác máy tính, đồng thời lập trình tính toán sự tăng trưởng của tôm, giúp nông dân dự đoán thời kỳ thu hoạch có lợi nhất. Các kỹ thuật AI tiên tiến xác định chính xác khung thời gian thu hoạch tốt nhất bằng cách liên tục sử dụng dữ liệu của cả chu kỳ tăng trưởng trước đó.

Ảnh 1: XpertSea nền tảng trí tuệ thông minh nhân tạo sử dụng máy ảnh và học máy, được áp dụng cho thị giác máy tính để đếm số lượng, đo kích thước, cân nặng trong vài giây thông qua hình ảnh hiển thị của con tôm.

Phần mềm quản lý trực tuyến sử dụng trí tuệ thông minh nhân tạo để thu thập, nhập liệu, lưu trữ và xử lý dữ liệu thực địa cung cấp cho các chuyên gia trong ngành và cả người nông dân nuôi trồng những hiểu biết dựa trên dữ liệu trong toàn bộ chu trình sản xuất. Nền tảng này không chỉ được sử dụng bởi nông dân mà còn cho các doanh nghiệp thức ăn, y tế, di truyền. Điểm ưu việt thứ hai của giải pháp đó là thu thập dữ liệu quan trọng, sau đó sử dụng máy ảnh thị giác và thiết bị hỗ trợ khác để đếm, đo kích thước và cân động vật chỉ trong vài giây (ảnh 1).

Thông qua giải pháp kép này, nông dân có thể theo dõi sự tăng trưởng tôm cá trong cả quá trình nuôi trồng, chế độ cho ăn và thêm 20 thông số khác liên quan đến nguồn nước nuôi. Hệ thống cũng có thể dự đoán tăng trưởng của tôm trước 14 ngày, dựa trên dựa trên dữ liệu hiện có. Thuận tiện hơn nữa, công nghệ thậm chí còn kết hợp dữ liệu tăng trưởng của tôm với giá cả thị trường, giúp nông dân dễ dàng đưa ra quyết định chính xác hơn để đạt được mức lợi nhuận tối ưu nhất.

Hiện tại, hơn 600 nông dân và các khách hàng đã tiếp nhận và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số XpertSea. Chỉ riêng trong năm 2019, nền tảng công nghệ này đã xử lý hơn 2.3 tỷ điểm dữ liệu và tối ưu hóa hiệu suất của 6.000 vụ mùa.

TỔNG KẾT

Mặc dù AI phát huy tính hữu dụng lớn trong nuôi trồng thủy sản thì vẫn có một chặng đường dài tiếp theo cần nghiên cứu, phát triển và phổ biến rộng rãi hơn nữa những cỗ máy thônh minh này tới người nuôi trồng thủy sản toàn cầu.

Có lẽ chúng ta sẽ không thấy các trang trại cá, tôm được quản lý hoàn toàn bằng máy móc mà không có bàn tay của của con người bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, nắm bắt và đầu tư vào công nghệ AI cộng với tự động hóa có thể thúc đẩy tốc độ phát triển đáng kinh ngạc với ngành thủy sản, làm tăng sản lượng toàn cầu đáp ứng tốt hơn nhu cầu dân số ngày càng tăng nhanh, đồng thời giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường của các hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Lương Thảo (lược dịch)

Nguồn: Thefishsite.com

Ngành tôm xuất khẩu: Chủ động lợi thế ngay sau mùa dịch

Ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam được nhận định không chịu tác động từ dịch Covid-19 và ở thời điểm này, các doanh nghiệp cùng người nuôi tôm đều đang chuẩn bị sẵn sàng về con giống, nuôi trồng để đón đầu những cơ hội mà ngành này sẽ có được trong năm 2020.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – chia sẻ, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành tôm Việt Nam đã hi vọng có 1 năm thuận lợi trong xuất khẩu và tới nay dự báo này vẫn không thay đổi.

Lý do được ông Hòe cho biết do chúng ta đang chuẩn bị tốt cho Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa mới được thông qua. Thêm đó tôm xuất khẩu cũng có những tín hiệu tốt từ thị trường Hoa Kỳ khi đạt mức thuế thấp, có thể xuất khẩu được và ở thị trường Nhật Bản chúng ta đang nhà cung cấp lớn cho nước này…

Con giống có yếu tố quan trọng hàng đầu trong nuôi tôm

Theo VASEP, dịch Covid-19 xảy ra và nhanh chóng lan ra trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ khiến hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng song với ngành tôm thì ngược lại. Nguyên nhân do quý I-2020 chưa phải là mùa vụ chính của ngành tôm mà phải đến tháng 4, tháng 5 trở đi ngành tôm mới bước vào niên vụ chính. Ngoài ra, khi dịch bùng phát tại Trung Quốc đã khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập hàng hóa từ Trung Quốc nên cũng có thể coi là cơ hội cho tôm Việt tận dụng để tăng xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong xuất khẩu tôm, để đảm bảo tính cạnh tranh thì việc kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào và đảm bảo theo các tiêu chuẩn quốc tế là rất quan trọng. Trong khi đó điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm Việt lâu nay vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế.

Để khắc phục điểm yếu này, ông Trương Đình Hòe cho rằng người nông dân cần phải liên tục trao đổi với đầu mối thu mua cũng như với các DN chế biến xuất khẩu nhằm nắm bắt nhu cầu, chất lượng; đồng thời cân nhắc vấn đề tài chính để xem xét nuôi trồng như thế nào cho hiệu quả.

Chuẩn bị tốt nguyên liệu tôm đầu vào sẽ giúp ngành tôm đón đầu cơ hội sau mùa dịch

Là một trong những chủ nuôi tôm lớn nhất tại Bình Thuận, ông Lê Anh Tuấn cho biết, dù dịch bệnh đang diễn ra nhưng gia đình ông vẫn nuôi thả tôm theo đặt hàng của DN. Quá trình nuôi thực hiện theo đúng tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc và hướng dẫn của DN. Theo ông Tuấn, trong nuôi tôm con giống có yếu tố quan trọng hàng đầu nên ông đã lựa chọn rất kỹ con giống để tránh dịch bệnh, giảm thiểu nhiều chi phí khác. Từ đó giúp tôm thành phẩm bán ra có giá cạnh tranh, chất lượng tốt nhất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Bá Sự – Phó Tổng giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Việt Úc cho biết, DN này đã và đang có chính sách hỗ trợ tôm giống cho nông dân cũng như có khuyến cáo người nuôi nên thả tôm bây giờ để đón đầu cơ hội. Ngoài ra, Việt Úc còn khuyến cáo bà con nuôi tôm sạch, tôm truy xuất nguồn gốc để xuất sang Châu Âu do chúng ta đã ký kết với họ để thực hiện hiệp định tự do.

Theo ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp, tôm chỉ cần nuôi từ 85-90 ngày là có thể thu hoạch. Và thời điểm này những hộ nuôi tôm tại các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bình Thuận… đều được trang bị các kiến thức cần thiết về kỹ thuật nuôi tôm cùng những lợi ích cho việc đẩy mạnh sản xuất trong giai đoạn này.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm, mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả thị trường nhập khẩu hay trong nội tại ngành. Do vậy, các DN cần tập trung xây dựng các liên kết chuỗi từ khâu nuôi trồng nguyên liệu đến chế biến, nhằm kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…

Theo: Việt Linh

Tôm hùm tăng giá

Người dân thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) phấn khởi hơn khi tôm hùm bông tăng khoảng 300.000 đồng một kg, nhiều thương lái tìm đặt mua.

Bà Nguyễn Thị Bé, 42 tuổi có 400 trăm lồng nuôi tôm hùm bông và xanh ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Trong đó, hơn 100 lồng tôm hùm bông, mỗi lồng 50-70 con đạt kích cỡ từ 700 gram đến một kg, sau gần năm thả nuôi.

Người dân ở thị xã Sông Cầu, Phú Yên phân loại tôm hùm bán thương lái

Gần đây, thương lái đến hỏi mua tôm hùm bông, giá 1,5 triệu đồng kg cho loại một kg mỗi con thay vì 1,2 triệu đồng như hồi tháng 2. Tuy nhiên, bà Bé không bán mà chờ qua Covid-19 và chờ đến tháng 6-7, khi tôm đủ trọng lượng mới xuất ra thị trường.

Tương tự, tôm hùm xanh loại ba con một kg được thương lái mua giá 700.000-750.000 đồng (cao hơn một tháng trước từ 120.000 đến 200.000 đồng).

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng ở thị xã Sông Cầu cho hay, hai tháng trước người nuôi tôm hùm ở địa phương lao đao khi tôm hùm bị dịch bệnh rồi chết. Gia đình ông cùng nhiều hộ lo sợ tôm chết hàng loạt đã bán gỡ vốn làm ảnh hưởng đến sản lượng tôm.

Người nuôi phấn khởi khi tôm hùm tăng giá

Ngày 17/3, bà Lê Thị Hằng Nga (Phó chi cục thủy sản Phú Yên) cho hay, ảnh hưởng dịch bệnh khiến người nuôi tôm lo lắng nên đã bán tháo khiến giá giảm. Đến nay việc thương lái tìm mua và giá tôm tăng trở lại khiến họ phấn khởi hơn. “Nhu cầu tiêu thụ tôm hùm tại TP.HCM, Hà Nội cùng lượt khách đến tỉnh gần đây tăng cao, giúp tôm hùm tăng giá”, bà Nga nói.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo, để tôm hùm phát triển, người nuôi cần lựa chọn thức ăn phù hợp giảm chi phí; tăng cường vệ sinh lồng nuôi tránh dịch bệnh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung tìm kiếm thị trường, duy trì ổn định giá cả cho sản phẩm tôm hùm.

Phú Yên có hơn 118.000 lồng nuôi tôm hùm tập trung ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, Đông Hòa. Trong đó, có 84.246 lồng tôm thương phẩm và gần 34.800 lồng nuôi tôm giống, sản lượng đạt 190 tấn mỗi năm tôm hùm thương phẩm.

Nguồn tin: VnExpress

Ấn Độ: Sản lượng tôm chân trắng dự kiến đạt 710.000 tấn trong năm tài chính 2019-2020

Bộ Công thương Ấn Độ vừa đưa ra những số liệu thống kê về tình hình xuất khảu tôm tôm của nước này trong năm 2019. Theo đó, xuất khẩu tôm Ấn Độ tăng 8% đạt 667.141 tấn năm 2019 nhờ nhu cầu từ Mỹ tăng mạnh trong nửa cuối năm.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, năm 2019, khối lượng xuất khẩu tôm của Ấn Độ tăng hơn 50.000 tấn so với năm 2018. Giá trị xuất khẩu đạt gần 5 tỷ USD. Trong thập kỷ vừa qua, xuất khẩu  tôm của Ấn Độ tăng dần hàng năm.

Tháng 12/2019, Ấn Độ xuất khẩu 24.940 tấn các sản phẩm tôm sang Mỹ, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018. Giá trị xuất khẩu tăng 24% đạt 215 triệu USD.

Năm 2019, Mỹ nhập khẩu 280.832 tấn tôm của Ấn Độ, trị giá 2,37 tỷ USD, tăng 13% về khối lượng và tăng 9% về giá trị.

Thị phần của Mỹ tăng từ 40% năm 2018 lên 42% năm 2019. Về giá trị, xuất khẩu tôm sang Mỹ chiếm 48% tổng xuất khẩu tôm của Ấn Độ.

Năm 2019, giá trung bình xuất khẩu  tôm Ấn Độ giảm do giá tôm thế giới bắt đầu giảm từ năm 2018 và tiếp tục trong năm 2019.

Xuất khẩu tôm của Ấn Độ năm 2019. Nguồn: Hải quan Ấn Độ.

Năm 2019, giá xuất khẩu trung bình tôm Ấn Độ đạt 7,34 USD/kg, giảm 3% so với năm trước đó. Giá xuất khẩu sang Mỹ đạt 8,44 USD/kg, giảm 4%.

Tuy nhiên, giá tại đầm tôm cỡ lớn tăng khiến lợi nhuận các nhà chế biến bị thu hẹp do giá trị xuất khẩu giảm

Năm 2019, giá tại đầm trung bình tôm chân trắng nguyên con (HOSO), cỡ 40 con/kg, tăng 10% đạt 5,37 USD/kg tại Andhra Pradesh, tăng so với năm 2018.

Các nhà chế biến và người tôm Ấn Độ đều được lợi nếu giá tôm ổn định, tuy nhiên, năm 2019, giá tôm loại này dao động từ 359 rupee/kg (5,04 USD/kg) – 408 rupee/kg trung bình theo tháng, so với 269 rupee/kg – 424 rupee/kg năm 2018.

Triển vọng giá tôm Ấn Độ trong năm 2020 chưa rõ ràng và có thể giảm do tác động từ dịch coronavirus bắt nguồn từ Trung Quốc.

Nhóm chuyên gia tại GSMC dự báo sản lượng tôm chân trắng của Ấn Độ trong năm tài chính 2019-2020 (tháng4/2019 đến tháng 3/2020) đạt khoảng 710.000 tấn, tăng 4% so với năm trước đó.

 Nguyễn Tuân
Nguồn :https://thuongtruong.com.vn/