Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Khan hiếm nguồn cung, tôm hùm tăng giá chóng mặt

Theo nhiều hộ nuôi, giá tôm hùm tăng chủ yếu do thị trường tiêu thụ nội địa trong những ngày qua hút hàng. Trong khi đó, sức tiêu thụ đối với thị trường xuất khẩu hầu như vẫn đứng im.

Riêng với giá tôm hùm, loại nuôi biển chủ lực của Khánh Hòa, hiện ở huyện Vạn Ninh, thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh và tỉnh Phú Yên, tôm hùm thương phẩm được thu mua với giá cao nhưng rất khan hiếm hàng.

Cụ thể, tôm hùm xanh được thu mua tại bè có giá 1,3 triệu đồng/kg (loại 3 con/kg – tôm hùm baby) và 1,2 triệu đồng/kg đối với loại tôm có trọng lượng nhỏ hơn, giá tôm hùm bông loại 1 (1 – 1,2 kg/con) thương lái thu mua giá 2,7 – 2,8 triệu/kg, loại kích cỡ nhỏ hơn 1 kg có giá bán 2,5 triệu đồng.

Tôm hùm xanh giá tăng vọt (bấm vào hình)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thị trường xuất khẩu tôm hùm chững lại, giá tôm hùm xanh liên tục lao dốc. Có thời điểm, giá tôm hùm xanh loại xô (người nuôi bán nguyên lồng tôm cả con lớn và nhỏ) chỉ đạt 400.000 – 450.000 đồng/kg, tôm hùm bông loại trên 1 kg/con, giảm còn 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Như vậy, giá tôm hiện nay đã tăng gấp 2 – 3 lần so với thời điểm lao dốc. Tuy nhiên, giá tôm thu mua cao nhưng nguồn tôm còn lại ít, khan hiếm hàng hơn mọi năm do người nuôi đã xuất bán để tránh những cơn bão hồi cuối năm 2020.

Nguồn : https://sinhhoctomvang.vn/

Kỳ vọng bứt phá tôm Việt

tôm sú
Năm 2021, hy vọng ngành tôm Việt sẽ bứt phá thành công.

Mặc dù vừa ứng phó dịch bệnh COVID-19, vừa ứng phó với biến động nguồn nguyên liệu nhưng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam đã nỗ lực đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,85 tỷ USD.

Năm 2020 là một năm đầy biến động đối với ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng.

Mặc dù vừa ứng phó dịch bệnh COVID-19, vừa ứng phó với biến động nguồn nguyên liệu trong nước nhưng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam đã nỗ lực đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019.

Hiện các doanh nghiệp vẫn tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn để đưa ngành tôm khởi sắc hơn trong năm 2021.

Giá tăng nhưng khan nguyên liệu

Thời điểm gần cuối năm 2020, giá tôm tăng nhưng nguồn cung nguyên liệu lại khan hiếm bởi đây cũng chính là thời điểm cuối vụ thu hoạch tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do tác động từ dịch COVID-19, sản xuất của nhiều quốc gia vẫn còn bị ảnh hưởng lớn.

Trong khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vẫn diễn ra hàng ngày thì nguồn cung lại eo hẹp hơn so với trước nên giá tôm xuất khẩu tăng cao, kéo theo giá tôm nguyên liệu trong nước cũng nhảy vọt.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam nhìn nhận, giá tôm tăng là tín hiệu đáng mừng cho người nuôi nhưng số người nuôi được hưởng lợi từ đợt tăng giá này là không nhiều vì đây đã là thời điểm cuối.

Thông thường, khi giá tôm tăng mạnh trở lại dịp cuối năm sẽ giúp người nuôi mạnh dạn hơn trong việc quyết định thả nuôi sớm. Nhưng do đến cuối tháng 10, giá tôm vẫn còn thấp, người nuôi cũng không mấy mặn mà trong việc tiếp tục thả nuôi vì chưa biết biến động của giá.

Điều này khiến tôm nguyên liệu thiếu hụt sang đến đầu năm 2021 và khả năng giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng nếu như thị trường tiêu thụ không có nhiều biến động bất lợi – ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) chia sẻ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, giá tôm có thể giữ vững ở mức cao trong những tháng đầu năm 2021 hay không phụ thuộc rất nhiều vào cung – cầu của thế giới.

Năm nay là năm thế mạnh của chế biến và xuất khẩu tôm, do các nước tập trung vào Việt Nam để mua. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã thiếu cân nhắc trong ký hợp đồng giao hàng, cung ứng nguồn tôm xuất khẩu cho nhà nhập khẩu. Vì muốn đẩy tốc độ tăng trưởng cả năm cao nên họ tập trung bán nhiều trong giai đoạn vừa qua. Do đó, dù giá tôm tăng cao nhưng nếu các doanh nghiệp không có hàng dự trữ thì cũng khó đáp ứng đơn hàng theo hợp đồng trong thời gian tới.

Nguồn nguyên liệu tôm được dự báo sẽ khan hiếm trong thời điểm đầu năm 2021 bởi người nuôi chưa thả nuôi kịp để sản xuất gối đầu. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp là nhiều quốc gia; trong đó có nhiều thị trường truyền thống của ngành tôm Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc….

Do đó, ngành tôm khó có thể dự báo được tình hình xuất khẩu vào đầu năm 2021. Hiện tại, một số thị trường đã đóng cửa nhà hàng để phòng, chống dịch nên kênh tiêu thụ này được nhận định chắc chắn tiếp tục sụt giảm.

dây chuyền chế biến tôm
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy thuộc công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng). Ảnh: TTXVN

Linh hoạt thị trường

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, một trong những kinh nghiệm được rút ra trong việc ứng phó với dịch COVID-19 là phải linh hoạt về thị trường và đa dạng hóa sản phẩm.

Các doanh nghiệp chuyển từ chế biến mặt hàng thế mạnh sang phục vụ nhu cầu của thị trường trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh.

Trước đây, doanh nghiệp đóng gói tôm đông lạnh với trọng lượng khoảng 5-10kg/sản phẩm thì nay chỉ đóng từ 1-2kg/sản phẩm để giúp người tiêu dùng thuận lợi trong chi trả nhất là với bối cảnh nhiều người đang phải tiết kiệm chi tiêu để chống dịch.

Cùng với các kênh tiêu thụ lớn tại siêu thị, đại lý bán lẻ thông qua sàn giao dịch điện tử bán hàng trực tiếp với các hộ dân trong điều kiện không cho họp chợ vì thực hiện giãn cách xã hội cũng được triển khai.

Theo ông Lưu Hoàng Ly – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, hiện nhiều công ty chế biến xuất khẩu tại Bạc Liêu còn chế biến tôm nuôi theo mô hình công nghiệp, quảng canh; đồng thời, tập trung chế biến các mặt hàng tôm biển, cá biển, mực và chế biến cả mặt hàng làm thức ăn nhanh phục vụ cho thị trường tiêu thụ nội địa trong điều kiện xuất khẩu gặp khó.

Nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến mặt hàng phục vụ thị trường du lịch trong nước thông qua việc tham gia tạo ra các sản phẩm OCOP như: Công ty xuất khẩu thủy sản Tôm Việt, Công ty TNHH MTV Thanh Phu, Công ty cổ phần Công nghệ và đầu tư Cửu Long… với nhiều sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao.

Bên cạnh việc khai thác thêm thị trường mới, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại Bạc Liêu vẫn duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống trước đây để tiếp tục xuất khẩu vào Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Đông… và tiếp tục mở rộng thêm thị trường mới ở các nước châu Á.

Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020 cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, để có sản lượng và chất lượng tôm tốt hơn, cần thiết phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm. Bởi sản phẩm không chỉ muốn là bán được mà còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác khi họ cũng có khả năng phát triển rất nhanh như Ấn Độ, Indonesia,…

Hiện khó có thể giảm giá thành, nên để cạnh tranh, chỉ còn cách tạo sự khác biệt về mặt chất lượng để thuyết phục khách hàng chấp nhận mua sản phẩm của Việt Nam với mức giá cao hơn.

Do đó, nguồn nguyên liệu khan hiếm là một lợi thế cho chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không đánh giá tình hình thế giới một cách toàn diện, không linh động trong sản xuất, chế biến thì không thể tận dụng được khó khăn để tìm ra cơ hội cho ngành tôm khởi sắc trong năm 2021.

Hồng Nhung – Minh Hưng TTXVN

Bệnh đỏ chân ở tôm thẻ nuôi nước ngọt

tôm thẻ bị đỏ chân
A. Tôm bị bệnh tự nhiên trong vùng dịch bệnh, B. Tôm được thử nghiệm với SHF1 phân lập. Các mũi tên cho thấy chân bơi và chân bò có màu đỏ.

Bệnh chân đỏ là một bệnh truyền nhiễm đặc trưng trên các loài động vật có chân bơi và chân bò, là mối đe dọa đối với ngành nuôi tôm công nghiệp với tỷ lệ tử vong lên đến 60%.

Vi khuẩn A. venetianus gây bệnh đỏ chân trên tôm thẻ nuôi nước ngọt

Bệnh đỏ chân trên tôm thẻ được gây ra bởi một số tác nhân như Vibrio anguillarum, Vibrio parahaemolyticus và Providencia rettgeri. Tuy nhiên, có rất ít báo cáo về A. venetianus một vi khuẩn gây bệnh chân đỏ ở tôm thẻ chân trắng nuôi trong nước ngọt.

Nghiên cứu thử nghiệm độc lực vi khuẩn bao gồm một nhóm chứng và bốn nhóm nghiệm thức tương ứng với 4 nồng độ khuẩn: 5×104, 5×105, 5×106, 5×107 cfu/ml. Tổng cộng có bốn dòng phân lập khác nhau từ gan tụy của tôm bị bệnh, được đánh số tạm thời từ SHF1 đến SHF4 và chỉ dòng SHF1 là trội nhất. Kết quả thí nghiệm dòng vi khuẩn SHF1cho thấy tỷ lệ chết tích lũy từ 13,3% đến 100% ở tất cả nhóm nghiệm thức với giá trị LD50 là 3,8×105 cfu/ml và có các dấu hiệu đỏ chân tương tự như ở tôm bị bệnh tự nhiên, phù hợp với các triệu chứng lâm sàng được báo cáo trước đây của bệnh chân đỏ.

Không tìm thấy ký sinh trùng trong tôm bị bệnh và tất cả tôm trong thử nghiệm, điều này cho thấy bệnh không phải do ký sinh trùng hoặc virus gây ra. Những phát hiện này đã chứng minh rằng SHF1 là tác nhân chính gây bệnh gây chết ở tôm trong thử nghiệm này. Giải trình tự gen 16S rRNA SHF1 cho thấy sự giống nhau đến 99% với chủng A. venetianus. Hơn nữa, SHF1 phân lập có cùng các đặc điểm kiểu hình với A. venetianus. Do đó, những dữ liệu này xác định SHF1 phân lập là A. venetianus.

Chi Acinetobacter đã được ghi nhận là vi khuẩn gây bệnh mới nổi trong nuôi trồng thủy sản và đã gây ra tử vong hàng loạt ở cá chép, cá trê, cá trôi ấn độ và cá mè trắng hoa nam. Trong nghiên cứu này, đã xác định được A. venetianus là mầm bệnh tiềm ẩn gây bệnh đỏ chân ở tôm thẻ nuôi nước ngọt, với giá trị LD50 là 3,8×105 cfu/ml, A. venetianus cũng có thể là mối đe dọa đối với việc nuôi tôm. Chắc chắn ngoài độc lực của vi khuẩn A. Venetianus, có thể còn các yếu tố thứ cấp khác gây ra bệnh này như amoniac, làm tăng tính nhạy cảm của tôm với các bệnh nhiễm khuẩn do suy giảm khả năng miễn dịch.

Tác dụng kháng khuẩn của bột Bdellovibrio chống lại SHF1 

Hầu hết bệnh chân đỏ ở tôm được kiểm soát bằng kháng sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh thường xuyên và phổ biến đã gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho môi trường. Hiện nay, việc sử dụng chế phẩm sinh học được đề xuất nhiều như một chất thay thế tiềm năng cho kháng sinh để điều trị các bệnh do vi khuẩn trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, vi khuẩn gram âm Bdellovibrio được đánh giá là một trong những loại men vi sinh có triển vọng nhất. Nó có thể làm giảm nhanh chóng quần thể gây bệnh mang lại hiệu quả bảo vệ đáng kể, chống lại sự nhiễm Aeromonas hydrophila và Vibrio parahaemolyticus ở tôm thẻ chân trắng.

Kết quả nghiên cứu này chứng minh bột Bdellovibrio ở liều 0,8 mg/l ức chế sự phát triển của SHF1, và giảm mật độ tế bào vi khuẩn 99,96% sau khi sử dụng trong 120 giờ so với đối chứng. Vì vậy, 0,8 mg/l bột Bdellovibrio được chọn để kiểm soát vi khuẩn gây bệnh A. venetianus.

Nghiên cứu này cũng chứng minh được các loài acinetobacter có khả năng kháng lại nhiều loại chất kháng khuẩn, bao gồm penicillin, cephalosporin và tetracycline. Điều này cũng được quan sát thấy ở A. venetianus (SHF1), do đó không nên đánh giá thấp việc kiểm soát mầm bệnh này. Kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng bột Bdellovibrio, một chế phẩm sinh học an toàn cho tôm thẻ ở liều 0,8 mg/l cho thấy tác dụng đáng kể chống lại A. venetianus, với tỷ lệ sống sót tương đối là 72,0% sau khi nhiễm A. venetianus trong sáu ngày. Điều này có thể là do bdellovibrios và các chất sinh miễn dịch khác từ bột Bdellovibrio có thể tạo ra phản ứng miễn dịch nguyên thủy ở tôm và ngay lập tức tạo cơ hội cho tôm chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

Tóm lại, nghiên cứu này đã xác định A. venetianus là một mầm bệnh tiềm ẩn gây bệnh đỏ chân ở tôm thẻ chân trắng nuôi nước ngọt và sử dụng bột Bdellovibrio là một cách tiếp cận hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm A. Venetianus trên tôm thẻ. 

Acinetobacter  venetianus, a potential pathogen of red leg disease in freshwater-cultured whiteleg shrimp Penaeus vannamei by Xiaodong Huang, Yin Gu, Huihua Zhou, LaXu, Haipeng Cao, Chunlei Gai.

Sương Phạm – https://tepbac.com/

Nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao cho sản lượng gấp từ 5 -10 lần

Ao nuôi tôm.
Ao nuôi tôm.

Theo Chi cục Thuỷ sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, mùa vụ nuôi tôm vùng nước mặn và lợ năm 2020 đã cơ bản thu hoạch gần hết diện tích.

Tổng sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng nuôi trong tỉnh đã được thu hoạch đạt hơn 75.620 tấn, vượt kế hoạch đề ra của năm 2020 hơn 10.730 tấn.  

Ông Nguyễn Văn Quốc – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trà Vinh cho biết, vụ nuôi trồng thủy sản năm 2020 trên địa bàn tỉnh có trên 22.000 lượt hộ thả nuôi tôm sú trên diện tích hơn 24.900 ha với hơn 1,6 tỷ con giống và trên 18.500 lượt hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 8.000 ha với 4,5 tỷ con giống.

Tuy vào thời gian đầu mùa vụ thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng gặp bất lợi về thời tiết, nhất là sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, nhưng nhờ nông dân áp dụng tốt quy trình kỹ thuật, xây dựng hệ thống ao nuôi đảm bảo an toàn về môi trường nước nên tránh được dịch bệnh thủy sản, hạn chế thiệt hại, tăng sản lượng thu hoạch. 

Sản lượng tôm thu hoạch của tỉnh năm nay tăng cao là nhờ có nhiều đơn vị, số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao cho sản lượng gấp 5 -10 lần so với mô hình nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh.

Cụ thể, vụ nuôi tôm năm nay, toàn tỉnh có hơn 350 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao với diện tích 635 ha, năng suất bình quân qua thu hoạch đạt 50 – 55 tấn/ha.

Ông Lê Văn Phi – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết, mùa vụ nuôi tôm của huyện Cầu Ngang năm 2020 đã thu hoạch gần hết diện tích hơn 6.940 ha với tổng sản lượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng thu hoạch trên 31.200 tấn, tăng 3.410 tấn so năm 2019. Sản lượng tôm nuôi tăng cao so với năm trước là nhờ nông dân tuân thủ đúng lịch thời vụ thả con giống, sử dụng nguồn giống chất lượng, sạch bệnh và quản lý tốt môi trường nước ao nuôi.

Tuy được mùa vụ tôm nuôi, nhưng mức lợi nhuận của nông dân không nhiều do ảnh hưởng dịch bệnh COVID–19, thị trường xuất tôm Việt Nam bị hạn chế, dẫn đến giá cả tôm sú, tôm thẻ chân trắng không cao và không ổn định. Hiện tôm sú loại 30 con/kg có giá từ 200.000–205.000 đồng/kg, giảm 40.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2020; giá tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg giảm từ 120.000–125.000 đồng xuống còn 110.000 đồng/kg.

Phúc Sơn Báo Tin Tức

Israel: Phụ gia thức ăn phòng chống dịch bệnh do virus

Hai doanh nghiệp Israel, ViAqua Therapeutics và TransAlgae đang phát triển phụ gia thức ăn phòng chống dịch bệnh do virus. Nếu thành công, những phụ gia này có khả năng thay thế vaccine dạng tiêm và tạo bước đột phá lớn trong NTTS.

Tăng đề kháng cho vật nuôi

Vài tháng trước, nhiều thị trường thủy sản quốc tế đã đồng loạt kêu gọi các quốc gia nuôi tôm sớm xây dựng một kế hoạch hợp tác để kiểm soát dịch bệnh trên tôm và giảm sự tàn phá của dịch bệnh lên chuỗi cung ứng hơn 20 năm qua. Trước thực tại đó, ViAqua Therapeutics, một doanh nghiệp tại Israel cho rằng những giải pháp khắc phục dịch bệnh do virus gây ra trên tôm hoặc cá có thể ra mắt thị trường trong vài năm tới.  Đó là phụ gia thức ăn chăn nuôi chứa vi nang RNA có khả năng cải thiện sức đề kháng của tôm trước bệnh đốm trắng (WSSV) và một số dịch bệnh khác do virus gây ra từng khiến ngành tôm thiệt hại hàng tỷ USD nhiều năm qua. Phụ gia này sử dụng qua đường uống được sản xuất theo công nghệ mô phỏng nước bằng quy trình lên men vi khuẩn, không chứa hormone, kháng sinh và các vi sinh vật biến đổi gen. Dganit Vered, Giám sát phát triển kinh doanh tại ViAqua Therapeutics cho biết: “Đây không phải là một vaccine, chúng tôi không đảm bảo hiệu lực 100% nhưng nông dân sử dụng sản phẩm trong ao có thể đạt tỷ lệ sống trên tôm ít nhất 60% trong trường hợp bị virus tấn công”.

phòng chống dịch bệnh do virus

ViAqua Therapeutics đang hợp tác với Skretting Na Uy và tiến hành thử nghiệm trong phòng lab tại Bỉ. Qua các thử nghiệm của Skretting trên tôm nuôi bị nhiễm WSSV, ViAqua Therapeutics khẳng định mức độ bảo vệ vật nuôi trước dịch bệnh đã tăng tốt hơn tới 60%. Từ công nghệ này, ViAqua Therapeutics tự tin mang đến giải pháp cho các dịch bệnh khác ngoài WSSV trên tôm. Giải pháp của ViAqua Therapeutics độc đáo ở chỗ chúng kết hợp vào trong thức ăn với lượng nhỏ và cải thiện sức khỏe của tôm. ViAqua Therapeutics đang sản xuất pre-mix còn Skretting sẽ tăng hàm lượng.

Được biết, ViAqua đang đàm phán với các nhà sản xuất khác để sản xuất thử nghiệm quy mô thương mại vào năm 2021 để chính thức ra mắt sản phẩm vào năm 2022.

Tạo phản ứng miễn dịch

TransAlgae, một doanh nghiệp Israel cũng đang kỳ vọng vào giải pháp mới trong phòng chống các dịch bệnh do virus gây ra trong nuôi thủy sản. Theo Eyal Ronen, Phó Giám đốc phát triển kinh doanh tại TransAlgae: “Chúng tôi đã nhận dạng được protein và các giải trình tự dsRNA khác nhau có thể tạo ra một phản ứng miễn dịch trên cơ thể vật nuôi và đang sao chép những dãy trình tự này vào trong hệ gen của tảo”.

Điểm nổi bật của hệ thống chuyển giao này là vi nang sinh học. Tảo được di chuyển an toàn tới phân tử quan trọng qua hệ thống tiêu hóa mà không phân giải hoặc thay đổi hóa học nên chúng có thể đến vùng hấp thụ và đi vào trong máu để tạo kháng thể. TransAlgae đã chuyển sản xuất tảo từ phản ứng quang hóa sang phản ứng sinh học, hoặc lên men và đã ký thỏa thuận hợ tác với nhiều công ty trong lĩnh vực sức khỏe vụ nuôi và cây trồng.

“Bỏ qua vaccine dạng tiêm vốn dĩ rất tốn thời gian sử dụng, nhân lực và gây stress cho vật nuôi để chuyển sang một phụ gia thức ăn mới tương tự một dạng vaccine uống thông qua hệ thống thức ăn sẽ tạo bước đột phá cho ngành NTTS”, Eyal Ronen cho biết.

Hiện, Công ty đang đang phát triển vaccine uống cho nhiều đối tượng nuôi trong ngành nuôi thủy sản, trước mắt là sản phẩm phụ gia phòng tránh bệnh đốm trắng và đầu vàng trên tôm.

Ronen cho biết, TransAlgae cần 2 – 3 năm mới có thể sẵn sàng tung sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, người nuôi thủy sản chắc chắn sẽ mua vaccine uống từ các nhà cung cấp thức ăn hoặc thuốc thú y và kết hợp tảo vào chương trình cho ăn và đây sẽ là sản phẩm “hot” trong ngành NTTS vài năm tới.

Vũ Đức

Theo Advocate

Giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021

Giá tôm nguyên liệu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đã tăng 15 – 20% so với hồi tháng 10/2020. Các doanh nghiệp đang điều chỉnh giá thu mua để phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm.

Doanh nghiệp gặp khó vì giá tôm nguyên liệu tăng

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, xuất khẩu tôm đang làm điểm sáng khi tăng trưởng hai con số từ tháng 6 và tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10. Tháng 11 tiếp tục tăng 28% khi đạt 395 triệu USD. Tính đến hết tháng 11/2020, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Với mức duy trì tốt như hiện nay, xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến đạt 3,78 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2019. Đặc biệt xuất khẩu tôm đang có nhiều cơ hội tăng thị phần tại hầu hết các thị trường khi nguồn cung tôm của nhiều quốc gia trên thế giới đang bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19.

Mặc dù khó khăn, song xuất khẩu tôm năm 2020 vẫn tăng trưởng tốt so với năm 2019

Mặc dù xuất khẩu tôm đang thuận lợi song nhiều doanh nghiệp cho biết: từ quý IV/2020, nguồn cung tôm trong nước bắt đầu giảm mạnh, giá tôm tăng khiến doanh nghiệp gặp khó. Ghi nhận tại các địa phương như Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… cho thấy, giá tôm thẻ chân trắng size 20 con hiện ở mức 198.000 đồng/kg, size 30 con 150.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg so với tháng trước.

Ông Diệp Thành Thái – Đại diện công ty TNHH Thủy Sản Anh Khoa (Cà Mau) – cho biết, tại Cà Mau, hiện giá tôm nguyên liệu đã tăng hơn 20% so với hồi tháng 11. Giá tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải hoàn trả hợp đồng đã ký. Hiện công ty đã phải giảm công suất nhà máy do lượng tôm nguyên liệu thu mua phục vụ chế biến đã giảm 50%. “Giá tôm nguyên liệu cuối năm tăng cao trong khi hợp đồng đã ký với đối tác từ trước, cộng thêm cước phí tăng trong khi giá bán không thể thay đổi khiến doanh nghiệp lao đao”, ông Thái lo lắng.

Ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) – cho biết, năm nay nhiều doanh nghiệp muốn đẩy tốc độ tăng trưởng cả năm nên đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian vừa qua. Việc xuất khẩu tôm “được mùa” cũng khiến cho nguồn tôm dự trữ của các doanh nghiệp giảm mạnh, không thể bù đắp kịp do mùa vụ tôm cũng sắp kết thúc. Sự cộng hưởng giữa tôm dự trữ thấp với nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu lại cao chính là hệ quả làm nên giá tôm tăng mạnh.

“Hiện giá tôm đã tăng ở mức 2 con số so với hồi tháng 10. Với mức giá nguyên liệu tăng cao như hiện nay, những doanh nghiệp không có hàng dự trữ để cung ứng theo hợp đồng sẽ rất khó khăn”, ông Võ Văn Phục nhấn mạnh.

Giá tôm sẽ tiếp tục tăng cao tới năm 2021

Theo ông Võ Văn Phục, thông thường khi giá tôm tăng mạnh vào dịp cuối năm người dân sẽ thả nuôi nhiều hơn. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đến cuối tháng 10/2020 giá tôm vẫn còn ở mức thấp khiến người dân hạn chế thả mới. Do đó, thời điểm đầu năm 2021, nguồn cung tôm nguyên liệu vẫn sẽ còn thiếu hụt, giá tôm sẽ tiếp tục tăng nếu thị trường tiêu thụ không có nhiều biến động bất lợi.

Dự báo về tình hình xuất khẩu tôm năm 2021, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất khi tăng 15%, đạt 4,4 tỷ USD. Sự ra đời của vaccine cùng với lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt, sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu tôm năm 2021. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ tôm không vì thế mà tăng mạnh ngay lập tức, mà sẽ tăng từ từ cho đến cuối quý I/2021 khi tiêu thụ tôm tại kênh nhà hàng, khách sạn sẽ bùng nổ trở lại vì người dân không còn lo ngại chuyện dịch bệnh.

Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta – khẳng định, mục tiêu xuất khẩu năm 2021 sẽ đạt được bởi năm 2020 con tôm đã đạt được thành quả tốt nhờ thực hiện tốt khâu nuôi trồng, sản xuất chế biến đảm bảo chất lượng.

Nguồn: Công Thương

Tổng quan tình hình dịch bệnh trên tôm năm 2020

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Cục Thú y tổ chức thành công hội nghị “Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021”. Trong đó, tổng diện tích thiệt hại trên tôm nước lợ là 42.738,81 ha, chiếm 93,83% trong tổng số thủy sản nuôi bị thiệt hại, chiếm 5,89% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước.

2.754,06 ha tôm mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp

Theo số liệu báo cáo từ Cục Thú y, năm 2020 bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 151 xã của 53 huyện, thị xã, thuộc 18 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh là 2.754,06 ha, chiếm 3,12% diện tích thả nuôi. Trong đó, tôm bị bệnh chủ yếu là từ độ tuổi 10 – 100 ngày sau khi thả; Diện tích tôm sú bị bệnh là 825,23 ha, tôm thẻ bị bệnh là 1.928,83 ha; Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh là 2.519,69 ha, quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa là 234,37 ha.

Tỉnh Sóc Trăng là nơi có diện tích bị thiệt hại nặng nề nhất chiếm 1.179,51 ha, chiếm 42,83% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh. Tiếp đó là tỉnh Trà Vinh, Hải Phòng và các địa phương khác.

Các thông số so sánhThời gian so sánh
Năm 2018Năm 2019Năm 2020
Số tỉnh có dịch171818
Số huyện có dịch645353
Số xã có dịch209163151
Tổng diện tích bị bệnh (ha)5.042,392.657,202.754,06

Bảng 1: Tổng hợp dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp năm 2018-2020 (Số liệu từ Cục Thú y)

Nhìn chung, so với năm 2019, bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra ở phạm vi hẹp hơn 7,3% và diện tích có tôm mắc bệnh tăng 3,6%. Tuy nhiên so với năm 2018, bệnh xảy ra hẹp hơn cả về phạm vi và diện tích có tôm mắc bệnh.

Năm 2020, tổng diện tích tôm nuôi mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp là 2.754,06 ha – Ảnh minh họa

2.629,39 ha tôm mắc bệnh đốm trắng

Năm 2020, bệnh đốm trắng xảy ra tại 202 xã của 68 huyện, thị xã thuộc 22 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích tôm bị bệnh là 2.629,39 ha, chiếm 2,18% diện tích thả nuôi. Trong đó, tôm bệnh có độ tuổi từ 5-120 ngày sau khi thả; Diện tích nuôi tôm sú bị bệnh là 938,98% ha, tôm thẻ chân trắng bị bệnh là 1.690,41 ha; Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh là 2.053,95 ha, quảng canh, quảng canh cải tiến, xen ghép tôm và lúa là 575,43 ha. Tỉnh Sóc Trăng là nơi có diện tích bị bệnh lớn nhất 686,72 ha, chiếm 26,12% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh. Tiếp đến là Trà Vinh, Bến Tre và các địa phương khác.

Các thông số so sánhThời gian so sánh
Năm 2018Năm 2019Năm 2020
Số tỉnh có dịch212122
Số huyện có dịch736468
Số xã có dịch244193202
Tổng diện tích bị bệnh (ha)5.477,952.286,312.629,39

Bảng 2: Tổng hợp dịch bệnh đốm trắng trong năm 2020 (Số liệu từ Cục Thú y)

So với năm 2019, bệnh xảy ra ở phạm vi rộng hơn 4,7% và diện tích có tôm mắc bệnh tăng 15%. Ngược lại so với năm 2018, bệnh xảy ra hẹp hơn cả về phạm vi và diện tích có tôm mắc bệnh.

Một số bệnh thông thường khác

Theo số liệu thống kê cụ thể của Cục Thú y, năm 2020 có 511,9 ha tôm mắc bệnh đỏ thân. Trong đó, tại Ninh Thuận chiếm 0,3 ha, Trà Vinh 334,6 ha và Bạc Liêu 177 ha.

Bệnh phân trắng: 451,23 ha tôm bị bệnh, trong đó tại Quảng Ngãi 5,9 ha, trà Vinh 42,43 ha, Sóc Trăng 262,9 ha và Bạc Liêu 140 ha.

IHHNV: 383,8 ha tôm bị bệnh tại Hải Phòng, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bến Tre, Trà Vinh

Đường ruột: 177,33 ha tôm bị bệnh tại Trà Vinh.

Chậm lớn do còi và EHP: 41,55 ha diện tích tôm bị mắc bệnh tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng và Trà Vinh

Bên cạnh đó, tổng số tôm mắc bệnh không rõ nguyên nhân chiếm 32.731,8 ha, lý do chủ yếu được cho là địa phương không lấy mẫu xét nghiệm. Cụ thể, Thái Bình 2,24 ha; Nghệ An 23,67 ha; Quảng Ngãi 1 ha; Trà Vinh 7,32 ha; Cà Mau 32.697,57 ha, chủ yếu là trên tôm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến.

Tôm mắc bệnh do biến đổi môi trường lên tới 3.322,75 ha tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế 48,98 ha; Quảng Nam 351,8 ha; Bình Định 6,71 ha; Phú Yên 12,5 ha; Long An 84,52 ha; Kiên Giang 111,7 ha, Trà Vinh 122,47 ha; Sóc Trăng 2.237,07 ha và Bạc Liêu 347 ha.

Nhìn chung, trong năm 2020 phạm vi và diện tích có tôm mắc bệnh đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Các loại mầm bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành ở nhiều vùng nuôi. Kết hợp các yếu tố nhiệt độ, độ mặn tăng cao, môi trường biến đổi mạnh, nhanh và cực đoan, … tác động đến sức khỏe tôm nuôi làm cho tôm chậm lớn (không lột xác), kém phát triển, sức đề kháng yếu. Đồng thời, điều kiện môi trường biến đổi tiêu cực lại tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, nên mức độ thiệt hại tăng hơn so với năm 2019, tình hình dịch bệnh cũng phức tạp hơn.

Do đó, Cục Thú y đã ra khuyến cáo cho bà con nông dân trong năm 2021 cần có giải pháp đồng bộ để khắc phục, cải thiện điều kiện hạ tầng vùng nuôi, quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng để dự trữ nước sử dụng khi cần thiết, chỉ thả giống khi đảm bảo điều kiện nuôi, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp, xử lý nước thải, chất thải theo quy định. Thực hiện quan trắc môi trường, tổ chức lấy mẫu đối với những diện tích bị thiệt hại để xác định nguyên nhân, thực hiện kế hoạch giám sát chủ động để dự báo, cảnh báo và áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh.

Phạm Huệ – http://nguoinuoitom.vn/