Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt nguyên nhân do đâu?

Tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân khiến người nuôi lo lắng, thậm chí gây thiệt hại lớn cho vụ nuôi. Nắm được nguyên nhân tôm chết hàng loạt sẽ giúp bà con tìm ra biện pháp ngăn ngừa và khắc phục hiệu quả.

Nguyên nhân tôm chết hàng loạt

Tôm chết không rõ nguyên nhân là do đâu?

Tôm chết không rõ nguyên nhân là do đâu?

1. Nguyên nhân do hội chứng hoại tử gan tụy

Một trong những nguyên nhân tôm chết hàng loạt là do bị nhiễm bệnh. Theo kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, đa số tôm chết hàng loạt là do bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy do vi khuẩn Vibrio gây ra. Khi mắc bệnh, tôm có những biểu hiện như bỏ ăn, bơi tấp mé bờ, hôn mê và tỷ lệ chết lên đến 100%.

Tôm bị nhiễm bệnh do thả mật độ cao, nồng độ oxy trong ao thấp, độ mặn cao, tôm giống bị nhiễm Vibrio khiến tôm chết sớm. Quý bà con nông dân có thể xem thông tin chi tiết về bệnh này tại bài viết => “Phòng bệnh hoại tử gan tụy trên tôm thẻ chân trắng với 3 bước”.

2. Nguyên nhân do virus

Một trong những nguyên nhân tôm chết hàng loạt do bị nhiễm virus Taura, đốm trắng, đầu vàng, đục cơ,… những bệnh này được ví như “ung thư” và hiện chưa có thuốc đặc trị. Khi bị nhiễm bệnh tôm sẽ chết hàng loạt và có thể nhiễm sang các ao liền kề.

3. Nguyên nhân do chất lượng con giống

Chất lượng con giống quyết định đến 50% sự thành bại của vụ nuôi. Để đảm bảo tôm khỏe mạnh, bà con cần phải lựa chọn tôm giống của các công ty uy tín, đã qua kiểm định gắt gao. Một số trường hợp tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt do con giống kém chất lượng, bị nhiễm vi khuẩn Vibrio. Một số hộ dân ham giống rẻ, mua trôi nổi trên thị trường, chất lượng không được đảm bảo sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh rất cao.

4. Nguyên nhân do thời tiết

Trong những năm trở lại đây, khí hậu Việt Nam diễn biến thất thường cũng là một trong những nguyên nhân khiến tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt. Khi thời tiết nắng nóng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển mạnh dẫn đến bệnh hoại tử gan tụy cấp. Do đó, việc cải tạo ao cần được chú trọng, thực hiện đúng theo quy trình tẩy dọn, diệt tạp, phơi đáy, khử trùng nền đáy ao.

Tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt phải làm sao?

Tiến hành kiểm tra môi trường sống của tôm nuôi bằng các thiết bị chuyên dụng để đảm bảo các yếu tố môi trường ở mức ổn định:

  • Oxy > 4mg/ lít
  • pH trong khoảng 7 – 8.5
  • Độ kiềm trong khoảng 80 – 150

— Nếu xuất hiện khoảng 5 – 7 con tôm chết, số còn lại vẫn khỏe mạnh, ruột đầy thức ăn và không có dấu hiệu của bệnh thì tiến hành khử trùng nước.

— Nếu tôm chết nhiều hơn 7 con thì tiến hành xét nghiệm bệnh bằng máy Pockit PCR (xét nghiệm cho kết quả trong vòng 45 phút) để xác định chính xác xem tôm bị nhiễm bệnh gì. Nếu tôm bị nhiễm bệnh thì cần xem ngay bài viết “tôm thẻ chân trắng bị bệnh gan tụy phòng trị thế nào hiệu quả?“.

— Trong trường hợp tôm chết hàng loạt, cần phải cải tạo lại ao hồ để tiếp tục nuôi vụ mới.

Quy trình xét nghiệm bệnh tôm bằng POCKIT 

Cách phòng ngừa tôm chết không rõ nguyên nhân

— Cải tạo ao kỹ lưỡng, xử lý nước bằng chlorine trước khi cấp vào ao thông qua lưới lọc.

— Lựa chọn giống tại các cơ sở uy tín, xét nghiệm PCR để sàng lọc và loại bỏ những tôm bị nhiễm bệnh.

— Định kỳ kiểm tra độ mặn, nhiệt độ, độ pH trong ao nuôi để đảm bảo môi trường tốt nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.

— Sử dụng chế phẩm sinh học ScienChain giúp phòng ngừa dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm.

— Lựa chọn thức ăn đủ dinh dưỡng, chất lượng, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp để tránh dư thừa. Giảm lượng thức ăn khi thời tiết thay đổi và môi trường ao biến động.

— Tăng cường quạt nước trong những ngày nắng gắt hoặc mưa lớn.

— Nuôi mật độ vừa phải để dễ dàng quản lý và chăm sóc.

— Đảm bảo cung cấp đủ hàm lượng oxy trong ao, quạt nước đủ mạnh tạo dòng chảy tốt thì mới đảm bảo được cho sự phát triển của tôm, tảo và các loại vi sinh vật có lợi.

— Hạn chế sử dụng kháng sinh trong ao nuôi.

Bà con nên áp dụng quy trình “Nuôi tôm an toàn” sử dụng chuỗi sản phẩm chế phẩm sinh học của ScienChain vào quá trình nuôi từ khẩu cải tạo đến khi thu hoạch.

Nguồn : https://drtom.vn/

Xuất khẩu thủy sản cầm cự, chờ khôi phục sau dịch Covid-19

Dẫn số liệu thống kê của Hải quan, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep) cho biết, tính đến hết tháng 2/2020, XK thủy sản của cả nước đạt trên 991 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chịu tác động mạnh từ Covid-19 

Dịch Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và XK, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm, khiến kim ngạch XK sang thị trường này giảm mạnh 44%. XK sang EU cũng giảm mạnh 20%, các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc giảm lần lượt 4% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về mặt hàng, Vasep cho biết, XK cá tra bị ảnh hưởng mạnh nhất. Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra Việt Nam, chiếm 35% XK cá tra Việt Nam nên dịch Covid 19 gây ảnh hưởng rất lớn. Hệ thống bán lẻ, siêu thị đình trệ, hệ thống giao nhận bị tắc nghẽn nên XK sang thị trường này bị sụt giảm mạnh 52% trong 2 tháng đầu năm.

Tổng XK cá tra 2 tháng qua đạt 210 triệu USD, giảm 32%, không chỉ giảm mạnh tại Trung Quốc mà xuất sang Mỹ cũng giảm 27%, sang EU giảm 40%, các nước ASEAN giảm 19%.

Theo dự đoán của một số doanh nghiệp (DN) cá tra, sang tháng 4, XK cá tra sang Trung Quốc có thể phục hồi 50%, tháng 5 hồi phục 70% và đến tháng 6 mới có thể hồi phục hoàn toàn 100%.

Đối với thị trường châu Âu, chưa có tác động rõ ràng đối với kết quả 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, cá tra chủ yếu bán cho hệ thống bán lẻ chứ không phải là phân khúc dịch vụ thực phẩm, do đó thị trường này là cơ hội cho ngành cá tra khôi phục lại, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực.

Tại thị trường Mỹ, giá cá tra bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu xuống nhưng sản lượng tiêu thụ năm nay dự báo sẽ tốt hơn năm 2019 vì tồn kho đã hết. Dịch bệnh ở Mỹ dù lan rộng nhưng cá tra vẫn có thể đứng vững trên thị trường này.

Với mặt hàng tôm, tính đến hết tháng 2, XK tôm vẫn tăng nhẹ 2,6% đạt 383 triệu USD, chủ yếu nhờ thị trường Nhật Bản vẫn ổn định, trong khi XK sang Trung Quốc giảm 37%, sang EU giảm 15%.

Tại Mỹ, nhu cầu giao dịch tập trung cho phân khúc siêu thị, nhưng hiện nay, tôm Ấn Độ và Ecuador cũng đang bán khá mạnh vào thị trường  này với giá thấp hơn do không XK được đi Trung Quốc, vì vậy DN tôm khó thu mua được tôm nguyên liệu với giá hợp lý để cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador.

XK sang Trung Quốc bị tác động mạnh nhất do dịch trầm trọng. DN đang chờ đợi và hy vọng qua tháng 3, đến tháng 4 XK tôm sang thị trường này sẽ khôi phục trở lại và sẽ tập trung xuất chính ngạch đường biển để ổn định.

Thị trường Hàn Quốc chưa bị ảnh hưởng trong 2 tháng đầu năm nhưng sẽ phải chịu tác động khá dài. Nếu ngành tôm duy trì sản xuất ở mức độ chấp nhận được, dự trữ một phần cầm cự ít nhất đến tháng 6 thì hy vọng XK sang thị trường này sẽ ổn định.

Thị trường EU đáng lo ngại hơn cho DN tôm, dù nhu cầu có nhưng bùng phát dịch như hiện nay, DN chưa thể có kế hoạch cụ thể nào ngoài việc chờ đợi.

Với mặt hàng hải sản, Vasep cho biết XK hải sản 2 tháng giảm 7%, giảm mạnh nhất là mực bạch tuộc, cá ngừ, chủ yếu do thiếu nguyên liệu chế biến XK. Dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến sản xuất XK của DN hải sản. Nhiều DN hải sản hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì công ăn việc làm cho công nhân, vì đơn hàng XK bị giảm hoặc bị hủy.

Hiện nay, nhu cầu hải sản có xu hướng giảm ở các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, chỉ có châu Âu có nhu cầu nhiều về phân khúc đồ hộp. Một số DN đang chuyển hướng sang sản xuất đồ hộp vì đón nhận được xu hướng nhu cầu của châu Âu và ưu đãi từ EVFTA.

Cố gắng cầm cự

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Vasep đánh giá trong khi các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng DN vượt qua giai đoạn cầm cự này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6 – 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và XK, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm. Người nuôi cần được tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ để có biện pháp duy trì nuôi như kéo dài thời gian hoặc thả giống thưa hơn… hoặc một số biện pháp khác để cầm cự để giữ ổn định nguyên liệu.

Đối với cá tra, không lo ngại về nguyên liệu, nhưng Vasep cho rằng: Các DN nên tiếp cận việc đánh số vùng nuôi hoặc đưa ra các điều kiện nuôi cá tra hoàn chỉnh hơn để chuẩn bị cho năm 2021 tốt hơn, đặc biệt liên quan đến chương trình thanh tra của Cơ quan Thanh tra An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) vì hiện nay chúng ta phải làm việc với Mỹ về cơ sở nuôi đủ điều kiện, đảm bảo khi XK sang Mỹ sau dịch vẫn tốt.

Đồng thời, việc XK sang Trung Quốc thông qua thương lái, gia công sẽ hạn chế, như vậy thị trường này cũng sẽ ổn hơn thông qua XK chính ngạch, như vậy ngành cá tra sẽ ổn định không bị dư thừa hay thiếu hụt. Năm 2020 chắc chắn không thiếu nguyên liệu cá tra nhưng năm tới có thể thiếu nên phải tập trung từ năm nay để ổn định thị trường.

Đối với ngành hải sản: Nhiều DN vừa và nhỏ, sản xuất quy mô thấp, nếu cầm cự được phải có phương án tài chính tốt hơn, vì vậy DN hải sản nói riêng, DN thủy sản nói chung rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt về nhu cầu về vốn như hỗ trợ cho kéo giãn thời gian nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ dự trữ nguyên liệu, nhập khẩu nguyên liệu cũng như giảm tải các thủ tục hành chính cho DN…

Nguồn : https://www.ssi.com.vn/

Trang trại nuôi trồng thủy sản phải từ 1 ha trở lên

Đó là tiêu chí kinh tế trang trại được Bộ NN&PTNT quy định mới đây. Cùng đó, là yêu cầu bắt buộc về giá trị sản xuất trung hình mỗi năm của trang trại.

Theo quy định của Bộ NN&PTNT, trang trại chuyên ngành nông nghiệp được xác định theo các lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp và tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm.

Đối với kinh tế trang trại nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo tiêu chí có giá trị sản xuất bình quân đạt từ 2 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích sản xuất từ 1 ha trở lên.

Giá trị sản xuất của trang trại/năm là giá trị sản xuất của ít nhất 1 năm trang trại đạt được trong 3 năm gần nhất với năm kê khai; được tính bằng tổng giá trị sản xuất các kỳ thu hoạch hoặc khai thác trong năm. Đối với trang trại mới thành lập chưa có sản phẩm thu hoạch, giá trị sản xuất được ước tính căn cứ vào phương án sản xuất, tình hình triển khai thực tế của trang trại.

Bảo Hân – Thủy sản Việt Nam

 

Nuôi tôm trên đất ruộng muối

Sản xuất muối không hiệu quả, nhiều hộ diêm dân ở Quảng Nam đã chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những ao nuôi tôm chân thẻ trắng mọc lên tại nơi từng là ruộng muối /// Ảnh: Mạnh Cường

 

Những ao nuôi tôm chân thẻ trắng mọc lên tại nơi từng là ruộng muối

Ảnh: Mạnh Cường

Dân tự chuyển đổi

Xã Tam Hòa (H.Núi Thành, Quảng Nam) được xem là vựa muối lớn nhất Quảng Nam. Khi muối còn được giá, nghề này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Nhưng từ năm 2016, giá muối không còn ổn định và thậm chí rớt giá thê thảm, cộng với khí hậu thất thường khiến các diêm hộ gặp khó. Nhiều hộ quyết định cải tạo ruộng muối, bỏ thêm tiền để đầu tư ao nuôi, máy móc, trang thiết bị rồi thả nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt.
Ông Bùi Ngọc Tiên (ở thôn Đông An, xã Tam Hòa) cho biết, trước đây khi còn làm muối, nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi ngày ông thu được từ 200.000 – 300.000 đồng. Nhưng chỉ cần xuất hiện một trận mưa giông là toàn bộ ruộng muối “tiêu tan”. Làm muối quá lệ thuộc vào thời tiết. Năm 2019, gia đình ông đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo, biến ruộng muối rộng 1.800 m2 thành ao nuôi tôm. Vụ tôm đầu tiên, ông thả nuôi 210.000 con tôm thẻ chân trắng. Sau hơn 3 tháng thì tôm đạt đủ kích cỡ để cho thu hoạch với sản lượng trên 3 tấn. “So với làm muối, số tiền đầu tư cho một ao nuôi tôm cao gấp nhiều lần nhưng hiệu quả mang lại cũng tương xứng với số tiền bỏ ra. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, sau 3 tháng thả nuôi thì một ao tôm rộng khoảng 1.800 m2 của gia đình chúng tôi có thể cho nguồn lãi cả trăm triệu đồng”, ông Tiên nói.
Ông Nguyễn Văn Bình (ở thôn Đông An) cũng đã sớm chuyển từ muối qua tôm, đến nay là vụ thứ 2. Với hồ rộng 1.200 m2, vụ đầu tiên gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. “Nghề muối nếu thời tiết thuận lợi có thể sản xuất được từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch. Giá muối ổn định thì không nói, những lúc giá bấp bênh thì cũng chỉ lấy công bù lỗ. Vì không muốn bỏ hoang đồng ruộng và chưa có hướng đi phù hợp nên chúng tôi chuyển đổi nghề. Hầu hết những hộ trước đây làm muối đều đã chuyển qua nuôi tôm”, ông Bình chia sẻ.

Khuyến khích nhưng cần kiểm soát môi trường

Ông Trương Công Bình, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hòa, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, người dân địa phương đã chuyển đổi khoảng 15 ha ruộng sản xuất muối sang nuôi tôm. Các chân ruộng chuyển đổi đều nuôi rất hiệu quả, tăng được nguồn thu nhập cho người dân trong vùng, gấp hàng chục lần so với làm muối. “Chính quyền địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi sang hướng đi hiệu quả hơn. Dù không có chính sách hỗ trợ về vật chất nhưng xã cũng giúp người dân về mặt pháp lý, thực hiện các thủ tục chuyển đổi cũng như hướng dẫn kỹ thuật nuôi”, ông Bình nói. Cũng theo ông Bình, vấn đề quan trọng nhất của hồ tôm chính là môi trường và bước đầu địa phương khuyến cáo người dân xử lý nước thải, ao nuôi đúng quy định, tránh gây ô nhiễm và gia tăng nguy cơ dịch bệnh.
Ông Lê Văn Hiệp, cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản của Phòng NN-PTNT H.Núi Thành, cho hay việc chuyển đổi nghề làm muối sang nuôi tôm đã cho thấy tính năng động của người dân. Phòng khuyến khích người dân chọn mua tôm giống chất lượng, có kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các loại thức ăn, vật tư, thuốc thú y nuôi tôm cũng cần được chọn lựa kỹ càng. Hộ nuôi tôm cũng cần tiếp cận các quy trình kỹ thuật tiến bộ, nhất là nuôi tôm VietGAP, vừa đạt năng suất cao vừa có thị trường ổn định.
Nguồn : https://thanhnien.vn/

 

COVID-19 khiến giá tôm tại Ecuador, Ấn Độ lao dốc

Như dự đoán, sự bùng phát của virus corona trên khắp nước Mỹ và châu Âu đang ảnh hưởng tiêu cực tới ngành tôm nuôi, khiến giá nguyên liệu tươi sống ở Ấn Độ và Ecuador giảm mạnh, theo các nguồn tin của Undercurrent News.

Tuy nhiên, các nguồn tin từ Ecuador dự báo việc tạm dừng hoặc ít nhất là đóng của một phần hoạt động tại các cơ sở chế biến và xuất khẩu có thể mang lại những dấu hiệu tích cực hơn cho giá cả.

Ngày 19/3, ông Durai Murugan, chủ sở hữu chuỗi nông trại India’s Sea Gem Aqua và thư kí của Hiệp hội nuôi trồng tôm Tamil Nadu, cho biết thị trường tôm nuôi đang hoàn toàn hoảng loạn.

Giá thu mua tại bờ loại 40 con/kg trên sàn Andhra Pradesh là 4,39 USD/kg, giảm 14% trong tuần 10. Đối với tôm loại 60 con/kg giảm tới 21%.

Tính ổn định ở mức thấp

Một nguồn tin khác cho biết giá giảm hàng tuần với con số 0,4 USD/kg với loại tôm 40 con/kg trở lên và 0,2 USD/kg đối với các loại tôm lớn hơn.

COVID-19 khiến giá tôm tại Ecuador, Ấn Độ lao dốc - Ảnh 1.

Đơn vị: USD/kg loại 40 con/kg. Nguồn: 2020 Undercurrent News.

Theo ông Durai Murugan, đây sẽ là mức giá ổn định, trừ khi xuất hiện những biến động lớn ở cả tầm quốc gia và tầm quốc tế.

Nguyên nhân của sự sụt giá nhanh chóng là người nuôi trồng tôm bắt đầu thu hoạch tôm sớm thay vì để chúng lớn với hi vọng có thể đưa tôm ra thị trường sớm nhất có thế. Điều này khiến cho giá tôm nhỏ đang giảm nhanh hơn.

“Sản lượng của chúng tôi giảm 70% trong tháng 2 do quyết định đóng cửa khẩu của Trung Quốc và các vấn đề thủ tục khác đến từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhưng với việc Ecuador bành trướng thị trường với mức giá rẻ hơn, chúng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn do nguyên liệu tươi đến từ Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu giảm cho đến đầu tuần này”, ông Murugan nói.

Ông cũng cho biết thêm virus bắt đầu lây lan ở Trung Quốc cùng thời điểm Ấn Độ bước vào giai đoạn thả ao chính – trong tuần 4 và tuần 5 trong năm 2020 – và do đó, việc thả giống không được dồi dào như bình thường.

“Một vụ thu hoạch thảm họa”

Ông Jose Thomas, Giám đốc điều hành của Choice Group – một tập đoàn lớn của Ấn Độ hoạt động trong ngành hải sản và nhiều lĩnh vực khác – đã có đôi lời chia sẻ với người nông dân qua Undercurrent News.

Ông cho rằng người nông dân ở Andhra Pradesh đã hoảng loạn, và một vụ thu hoạch thảm họa đã gây ra sự sụp đổ của thị trường tôm. Ông khuyến khích sự lạc quan, cho rằng thị trường Mỹ vẫn còn khá lớn, và họ nên để tôm lớn thay vì thu hoạch ngay lập tức.

Theo ông Muruga và một nhà nhập khẩu Mỹ, chính phủ Ấn Độ đang có những động thái nhất định.

COVID-19 khiến giá tôm tại Ecuador, Ấn Độ lao dốc - Ảnh 2.

Sản lượng tôm của Ấn Độ theo loại. Đơn vị: tấn. Nguồn: Hội nghị thương mại thủy hải sản toàn cầu năm 2020.

“Cho đến giờ thì vẫn chưa có gì chắc chắn. Tuy nhiên, nông dân Ấn Độ sẽ kiến nghị lên các cơ quan thẩm quyền để nhận được hỗ trợ về giá hoặc các hỗ trợ khác khi giá giảm. Cũng chưa thể biết chắc họ sẽ nhận được hình thức hỗ trợ nào”, nhà nhập khẩu Mỹ cho hay.

Những ngày khó khăn phía trước

Mặc dù Trung Quốc đang nhập khẩu trở lại một số lượng nhỏ thủy hải sản, các nhà sản xuất Ấn Độ vẫn cho rằng sẽ phải mất 3 tháng nữa để ngành này phục hồi trạng thái như trước dịch bệnh. Người này cũng cho hay: “Mọi quốc gia đều đối mặt với dịch bệnh, vậy nên 3 đến 5 tháng tới sẽ rất khó khăn, khi mà mùa thu hoạch sẽ bắt đầu trong 4 tuần nữa”

Ngành công nghiệp thực phẩm ở châu Âu và Mỹ đang suy yếu nhanh chóng do chính phụ các nước đang hạn chế hoặc cấm người dân ăn uống lãng phí.

Willem van der Pijl, chuyên gia phân tích ngành tôm và là người sáng lập Cổng thông tin thương mại hải sản, đã viết về nhu cầu thị trường khác nhau đối với tôm ở Châu Âu và sự bùng nổ ngắn hạn của doanh số bán lẻ khó có thể bù đắp cho sự sụt giảm quá lớn nhanh của toàn ngành dịch vụ thực phẩm.

Nhà nhập khẩu Mỹ trên cho biết thêm: “Trước mắt chắc chắn sẽ có các rủi ro dài hạn. Một số nông dân có đủ khả năng tài chính để bỏ qua một vài vụ nuôi và trở lại sản xuất khi ngành bắt đầu sinh lãi. Nhưng nhiều nông dân khác lại không may mắn như vậy và việc kinh doanh của họ có thể tiêu tan sau cuộc khủng hoảng này.”

Các vấn đề cũng xuất hiện đối ngành công nghiệp chế biến tôm vốn đang rất phát triển trong những năm trở lại đây.

“Các nhà máy sản xuất lớn với ngân quỹ dồi dào sẽ vượt qua hơn khủng hoảng này, và chúng ta có thể thấy cả những sự hợp nhất. Tuy nhiên, việc các công ty lớn sẽ thâu tóm các nhà máy nhỏ sẽ bị cản trở bởi mức độ nghiêm trọng chưa từng có của dịch bệnh này”, nhà nhập khẩu chia sẻ.

Sản lượng của Ecuador liệu sẽ giảm trong thời gian tới?

Trong ngắn hạn, ngành tôm của Ecuador rất khó đoán định do giá cả lại chạm đáy.

Một nhà sản xuất tôm của Ecuador nói rằng đất nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp và hạn chế các hoạt động đi lại, vận chuyển.

COVID-19 khiến giá tôm tại Ecuador, Ấn Độ lao dốc - Ảnh 3.

Sản lượng tôm hàng năm của Ecuador. Đơn vị: tấn. Nguồn: Hội nghị thương mại thủy hải sản toàn cầu năm 2020

Theo các nguồn thạo tin tại Guayaquil, bản doanh của nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm, đã ghi nhận một số ca nhiễm virus corona.

Nhà sản xuất này đã đưa ra giá cho 1 kg nguyên liệu tươi sống vào ngày 20 tháng 3 như sau: 5 USD cho loại 20 count, 3,7 USD cho loại 40 count, 3,3 USD cho loại 60 và 2,9 USD cho loại 80 count. Chi phí chế biến là hơn 1 USD/kg, tức là đã giảm 0,2 USD/kg so với 10 ngày trước.

Các nguồn tin khác cũng có ý kiền tương tự.

Một đại điện của một doanh nghiệp khác cho hay: “Nguồn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc đang dần trở lại, nhưng các chuyến hàng tời Italia và phần lớn Châu Âu đều đã bị hủy. Chúng ta kỳ vọng giá sẽ tăng khi Trung Quốc trở lại thương mại quốc tế, nhưng tình hình vẫn có thể biến đổi khó lường.”

Cung, cầu đảo chiều

Một tháng trước, Ecuador muốn xuất khẩu tôm sang Trung Quốc nhưng bất lực. Hiện nay tình hình lại đảo chiều, khi cầu về tôm tăng đột biến, còn nguồn cung không chắc chắn là có thể đáp ứng hay không.

Juan Sloe – Giám đốc thương mại của nhà cung ứng tôm Cartacua – chia sẻ với Undercurrent News: “Tôi tin đây chắc chắn là tình trạng hiện nay. Trung Quốc mong muốn mua tôm từ Ecuador, nhưng ohia Ecuador lại không thể xuất khẩu dễ dàng vì bản thân đất nước này đang bắt đầu đóng cửa.

Vì vậy, giá sẽ tăng, đó là hệ quả tất yếu của việc cầu vượt quá cung. Trong ngắn hạn, điều này có thể chưa xảy ra. Phía Trung Quốc sẽ tận dụng triệt để mức giá thấp và gia tăng lượng cầu như trước khi dịch bệnh bùng phát.

Khi đó Ecuador buộc phải tăng giá, đặc biệt là khi nhiều nhà máy đã đóng cửa và có ít nhân công còn đang làm việc.

Một khách hàng lớn khác của tôm Ecuador là Mỹ, nơi cũng đang phải áp dụng các biện pháp giống như châu Âu để ngăn ngừa sự lây lan dịch COVID – 19, gồm đóng cửa các nhà hàng và quán bar.

Nguồn :https://vietnambiz.vn/

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm 44% do ảnh hưởng dịch corona

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm 44% do ảnh hưởng dịch corona

Theo số liệu thống kê của Hải quan, tính đến hết tháng 2/2020, XK thủy sản của cả nước đạt trên 991 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch corona ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, XK ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm, khiến kim ngạch XK sang thị trường này giảm mạnh 44%. XK sang EU cũng giảm mạnh 20%, các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc giảm lần lượt 4% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại dịch COVID 19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải, du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics, do vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh XNK thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020. Không chỉ XK sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng mà XK sang các thị trường khác cũng bị tác động.

Dự báo việc đóng cửa các cửa khẩu do dịch COVID 19 có thể làm giảm ít nhất 20% XK thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm.

XK thủy sản 2 tháng đầu năm 2020 (triệu USD)
SẢN PHẨM Từ 1/1 – 29/2/2020 So với cùng kỳ 2019 (%)
Tôm 383,391 +2,6
trong đó:   – Tôm chân trắng 268,205 +9,0
                 – Tôm sú 73,057 -19,4
Cá tra 210,317 -32,1
Cá ngừ 94,497 -2,6
trong đó:   – Cá ngừ mã HS 16 41,361 +1,7
                 – Cá ngừ mã HS 03 53,136 -5,8
Cá các loại khác 203,588 -4,8
Nhuyễn thể 79,281 -22,6
trong đó:  – Mực và bạch tuộc 65,874 -26,4
                – Nhuyễn thể hai mảnh vỏ 12,901 +0,8
Cua, ghẹ và Giáp xác khác 20,447 +33,3
TỔNG CỘNG 991,521 -10,8

Nhu cầu tiêu thụ giảm (chuỗi McDonald đóng cửa hàng trăm cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cá phi-lê; các nhà hàng, chuỗi ẩm thực vắng khách dẫn đến giảm nhu cầu đối với thủy sản v..v).

Hoạt động trao đổi, thương mại bị gián đoạn do hệ thống vận tải bị đảo lộn. Sự gián đoạn vận chuyển đường biến đang gây gáp lực lớn đối với các hãng tàu biển trên thế giới khi họ phải vật lộn ở các thị trường yếu hơn, chi phí cao hơn từ những quy định mới của Tổ chức IMO về nguyên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp.

Hệ thống giao dịch ngân hàng cũng bị tạm ngưng, nhiều khách hàng không thể sang Việt Nam theo lịch trình. Không chỉ hoạt động giao thương cá tra Việt Nam qua đường tiểu ngạch mà cả đường chính ngạch sang Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong 2 tháng đầu năm.

XK cá tra bị ảnh hưởng mạnh nhất

Trung Quốc là thị trường lớn nhất NK cá tra Việt Nam, chiếm 35% XK cá tra Việt Nam nên dịch Covid 19 gây ảnh hưởng rất lớn. Hệ thống bán lẻ, siêu thị đình trệ, hệ thống giao nhận bị tắc nghẽn nên XK sang TT này bị sụt giảm mạnh 52% trong 2 tháng đầu năm. Tổng XK cá tra 2 tháng qua đạt 210 triệu US, giảm 32%, không chỉ giảm mạnh tại Trung Quốc mà xuất sang Mỹ cũng giảm 27%, sang EU giảm 40%, các nước ASEAN giảm 19%.

Theo dự đoán của một số DN cá tra, sang tháng 4, XK cá tra sang Trung Quốc có thể phục hồi 50%, tháng 5 hồi phục 70% và đến tháng 6 mới có thể hồi phục hoàn toàn 100%.

Đối với thị trường châu Âu, chưa có tác động rõ ràng đối với kết quả 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, cá tra chủ yếu bán cho hệ thống bán lẻ chứ không phải là phân khúc dịch vụ thực phẩm, do đó thị trường là cơ hội cho ngành cá tra khôi phục lại, nhất là sau khi EVFTA có hiệu lực. Ngoài ra, ngành cá tra có thể tận dụng thực tế năm nay, cá minh thái pollock tăng giá tăng, các nhà máy chế biến EU có thể sẽ cân nhắc thay thế một phần cá thịt trắng bằng cá tra với điều kiện Việt Nam đẩy mạnh truyền thông, quảng bá mạnh để thay đổi ấn tượng về hình ảnh con cá tra trên thị trường EU để có thể cạnh tranh với cá pollock, thay thế một phần nguyên liệu cá thịt trắng khi mà thuế NK giảm từ 5% xuống 0%. Ngoài ra sản phẩm cá tra nếu được kiểm soát chất lượng tốt, đẩy mạnh chế biến hàng GTGT thì vẫn có thể có giá tốt trên thị trường châu Âu, khi kênh tiêu thụ tại một số thị trường hồi phục lại.

Tại thị trường Mỹ: Giá cá tra bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu xuống nhưng sản lượng tiêu thụ năm nay dự báo sẽ tốt hơn 2019 vì tồn kho đã hết. Dịch bệnh ở Mỹ dù lan rộng nhưng cá tra vẫn có thể đứng vững trên thị trường Mỹ. Nhà máy Trung Quốc bị đóng cửa, sản lượng cá pollock đưa sang Mỹ giảm, nên cá tra có cơ hội thay thế trên thị trường này

Diện tích nuôi giảm nên sản lượng cá tra năm 2020 có thể giảm 10 – 20%. Dự kiến XK quý III, quý IV tăng nhẹ, nên có thể sẽ thiếu cá vào năm sau, đặc biệt là quý I/2021.

Tôm: Nhu cầu ổn định tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, giảm mạnh ở Trung Quốc, EU

Tính đến hết tháng 2, XK tôm vẫn tăng nhẹ 2,6% đạt 383 triệu USD, chủ yếu nhờ thị trường Nhật Bản vẫn ổn định, NK vẫn tăng 16%, trong khi XK sang Trung Quốc giảm 37%, sang EU giảm 15%.

Tại thị trường Mỹ, nhu cầu giao dịch tập trung cho phân khúc siêu thị, nhưng hiện nay tôm Ấn Độ và Ecuador cũng đang bán khá mạnh vào Mỹ với giá thấp hơn, do họ không XK được đi Trung Quốc, do vậy DN tôm khó thu mua được tôm nguyên liệu với giá hợp lý để cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador.

XK sang thị trường Trung Quốc bị tác động mạnh nhất do dịch trầm trọng. DN đang chờ đợi và hy vọng qua tháng 3, đến tháng 4 XK tôm sang Trung Quốc sẽ khôi phục trở lại và sẽ tập trung xuất chính ngạch đường biển để ổn định.

Thị trường Hàn Quốc chưa bị ảnh hưởng trong 2 tháng đầu năm nhưng sẽ phải chịu tác động khá dài. Nếu ngành tôm duy trì sản xuất ở mức độ chấp nhận được, dự trữ một phần cầm cự ít nhất đến tháng 6 thì hy vọng XK sang thị trường này sẽ ổn định.

Thị trường EU đáng lo ngại hơn cho DN tôm, dù nhu cầu có nhưng bùng phát dịch như hiện nay, DN  chưa thể có kế hoạch cụ thể nào ngoài việc chờ đợi.

Hiện nay chưa vào vụ chính, nguyên liệu tôm bị thiếu, DN không mua được tôm nguyên liệu với giá mong muốn. Trong tình hình này, ngành tôm chờ sự hồi phục của các thị trường trọng điểm.

Các DN tôm hiện tập trung vào 2 giải pháp căn bản:

(1) Phân bổ tài chính, nguồn lực để có thể vượt qua thời gian cầm cự này cùng người nuôi, khách hàng, đảm bảo đơn hàng

(2) Cân đối lại cơ cấu thị trường, không tập trung vào một số thị trường như trước đây, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.

Hải sản: Thiếu nguyên liệu để chế biến XK  

XK hải sản 2 tháng giảm 7%, giảm mạnh nhất là mực bạch tuộc, cá ngừ, chủ yếu do thiếu nguyên liệu chế biến XK. Dịch corona ảnh hưởng mạnh đến sản xuất XK của DN hải sản. Nhiều DN hải sản hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì công ăn việc làm cho công nhân, vì đơn hàng XK bị giảm hoặc bị hủy.

Đối với thị trường Châu Âu hiện nay dù chiếm 9% thị phần XK hải sản khai thác nhưng nhu cầu vẫn cao. Nguyên liệu cá ngừ trên thế giới đang khan hiếm do sản lượng đánh bắt không tốt, giá nguyên liệu đang tăng. Hiện tại DN phải mở rộng phạm vi tìm kiếm thêm nguyên liệu sang các nước và khu vực khác để tăng thêm nguồn nguyên liệu đầu vào.

Nhiều DN bị ảnh hưởng do nhiều hãng tàu thu hẹp lượng tàu (các tàu thường ăn hàng tại các cảng Trung Quốc) và bỏ chuyến nên hành trình của tàu về Việt Nam hoặc đi từ Việt Nam sang các nước khác (kể cả đi Mỹ hay EU…) ảnh hưởng đến giao hàng của DN. Một số hãng tàu thông báo áp phí thay đổi cảng chuyển tải , tăng cước phí và lịch tàu cũng không ổn định.

Hiện nay nhu cầu hải sản có xu hướng giảm ở các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, chỉ có châu Âu có nhu cầu nhiều về phân khúc đồ hộp. Một số DN đang chuyển hướng sang SX đồ hộp vì đón nhận được xu hướng nhu cầu của châu Âu và ưu đãi từ EVFTA.

Nếu dịch bệnh diễn biến DN hải sản nhận định trong thời gian ngắn (tới tháng 5/2020) sẽ có những khó khăn về vốn vì liên quan đến dự trữ hàng, khó khăn về nguyên liệu vì không đủ cho SX-XK.

Dự báo

Trong khi các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng DN vượt qua giai đoạn cầm cự này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6-tháng 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và XK, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm. Người nuôi cần được tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ để có biện pháp duy trì nuôi như kéo dài thời gian hoặc thả giống thưa hơn…hoặc một số biện pháp khác ể cầm cự để giữ ổn định nguyên liệu.

Đối với cá tra, không lo ngại về nguyên liệu, nhưng chúng ta nên tiếp cận việc đánh số vùng nuôi hoặc đưa ra các điều kiện nuôi cá tra hoàn chỉnh hơn để chuẩn bị cho năm 2021 tốt hơn, đặc biệt liên quan đến chương trình thanh tra của FSIS vì hiện nay chúng ta phải làm việc với Mỹ về cơ sở nuôi đủ điều kiện, đảm bảo khi XK sang Hoa Kỳ sau dịch vẫn tốt. Việc XK sang Trung Quốc thông qua thương lái, gia công sẽ hạn chế, như vậy thị trường này cũng sẽ ổn hơn thông qua XK chính ngạch, như vậy ngành cá tra sẽ ổn định không bị dư thừa hay thiếu hụt. Năm 2020 chắc chắn không thiếu nguyên liệu cá tra nhưng năm tới có thể thiếu nên phải tập trung từ năm nay để ổn định thị trường.

Đối với ngành hải sản: Nhiều DN vừa và nhỏ, SX quy mô thấp, nếu cầm cự được phải có phương án tài chính tốt hơn, vì vậy DN hải sản nói riêng, DN thủy sản nói chung rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt về nhu cầu về vốn: hỗ trợ cho kéo giãn thời gian nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ dự trữ nguyên liệu, nhập khẩu nguyên liệu cũng như giảm tải các thủ tục hành chính cho DN…

Lê Hằng – vasep.com.vn

Những tiêu chuẩn cơ bản về xuất khẩu tôm vào EU

Tôm sú
Những tiêu chuẩn cơ bản về xuất khẩu tôm vào EU

EU là thị trường tiềm năng nhưng cũng có những quy định rất khắt khe đối với mặt hàng tôm nhập khẩu. Cụ thể, sản phẩm cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe đối với thủy sản mà thị trường này quy định riêng.

Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới, trong khi sản xuất nội khối không đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, doanh nghiệp từ các nước nuôi tôm đang phát triển có thể thu được nhiều lợi nhuận nhờ xuất khẩu tôm sang thị trường EU.

Tuy là thị trường vô cùng tiềm năng, nhưng EU lại có những yêu cầu khắt khe đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ các nước. Sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe đối với thủy sản.

Một số tiêu chuẩn an toàn sức khỏe đối với thủy sản tại EU

Tôm chỉ có thể xuất khẩu vào EU nếu chúng đến từ các quốc gia được cấp phép, được đánh bắt bởi các tàu được cấp phép (tôm hoang dã) hoặc được nuôi tại các trang trại có đăng kí, được cấp các chứng nhận sức khỏe phù hợp.

Cuối cùng, sản phẩm phải vượt qua được bộ phận kiểm tra biên giới của EU.

Cụ thể, quốc gia xuất khẩu tôm cần nằm trong danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu thủy sản vào EU.

Danh sách này dựa trên một đánh giá của Văn phòng Thú y và Thực phẩm EU về sự phù hợp của quốc gia đó với các tiêu chuẩn sức khỏe của EU liên quan tới thủy sản.

Tôm có thể nhập khẩu vào EU nếu được đánh bắt, bảo quản và chế biến tại các cơ sở được cấp phép (bảo quản lạnh, xưởng, nhà máy chế biến và tàu chuyên chở có hệ thống đông lạnh).

Các cơ sở này phải được kiểm tra và cấp phép bởi các cơ quan của Chính phủ như Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Thương mại…

Tôm cần có các chứng nhận sức khỏe phù hợp với các tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Châu Âu. Chứng nhận này được cấp bởi Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu.

Khi lô hàng được chuyển đến EU, các nhân viên Thú y sẽ kiểm tra tôm (ví dụ như giấy tờ, nhận dạng và kiểm tra trực tiếp) cùng các giấy tờ chứng nhận tại một điểm kiểm tra biên giới.

Những thực phẩm xuất khẩu vào EU cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU. Các loại thủy sản có những giới hạn về dư lượng tối đa các kim loại nặng (than chì, catmi, thủy ngân), dioxins và các chất tương tự thuộc các nhóm hóa học PCB và PAH.

Đối với tôm nuôi, EU có một số quy định về kiểm soát bã thuốc thú y. Các quốc gia phải cung cấp một kế hoạch kiểm soát hàng năm về bã thuộc thú y cho EU và phải được EU chấp thuận trước khi xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nuôi vào thị trường này.

Ngăn ngừa đánh bắt thủy sản bất hợp pháp

Để ngăn chặn, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm thủy sản đánh bắt không đăng kí, không báo cáo và bất hợp pháp vào thị trường EU, các nhà xuất khẩu cần có chứng nhận đánh bắt được chứng minh rằng các quy định quản lí và bảo tồn quốc tế được tôn trọng.

Chứng nhận này phải được đệ trình lên các cơ quan chứng năng của Châu Âu trong vài ngày trước khi các sản phẩm xuất khẩu đến biên giới của EU. Chứng nhận phải được cấp phép bởi chính quyền nước có tàu đánh bắt đó.

Các quốc gia xuất khẩu thủy sản phải có một hệ thống đảm bảo rằng các tàu cá tuân thủ luật bảo tồn, kiểm soát, đồng thời cần tiến hành các hoạt động kiểm tra định kì để đảm bảo hệ thống này hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, thực phẩm nhập khẩu vào EU cũng phải đảm bảo các quy định dán nhãn thực phẩm, đảm bảo rằng người tiêu dùng nhận được các thông tin cần thiết để quyết định thông thái khi mua thực phẩm.

Qui định về dán nhãn thủy sản

Các quy định dán nhãn thực phẩm của EU đảm bảo rằng người tiêu dùng nhận được các thông tin cần thiết để quyết định thông thái khi mua thực phẩm. Để giúp họ lựa chọn, các nhãn thực phẩm phải trình bày một số thông tin nhất định như:

– Tên sản phẩm. Theo quy định của EU, tên của thực phẩm phải là tên thường gọi và có mô tả về thực phẩm. Một tên thương hiệu hoặc tên ưa dùng có thể được sử dụng nhưng nhãn cần có tên khoa học về giống loài.

Các phương pháp xử lý đặc biệt hoặc điều kiện bảo quản thực tế của sản phẩm (đông lạnh sâu, xông khói…) cũng cần được bổ sung để người mua không nhầm khi không có các thông tin đó.

– Danh sách các thành phần, bao gồm cả các chất phụ gia. Thông tin về các chất có thể gây ra các phản ứng dị ứng và kích ứng cần phải được nêu ra.

– Trọng lượng tịnh của các thực phẩm trước đóng gói theo các đơn vị hệ mét (m, m2, m3)

– Ngày khuyến nghị mà đến thời điểm đó sản phẩm vẫn giữ được các đặc tính chuyên biệt, trình bày dưới dạng ngày, tháng, năm cùng với cụm từ “best – before”. Đối với các thực phẩm dễ phân hủy, ngày lưu giữ tối thiểu phải được thay thế bằng ngày sử dụng (“use – by”).

– Các điều kiện đặc biệt về bảo quản và sử dụng.

– Tên và số kiểm định thú y của nơi mà sản phẩm được đánh bắt, bảo quản và chế biến.

– Tên hoặc tên kinh doanh và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc đơn vị đóng gói hoặc người bán có trụ sở tại EU.

N. Lê Kinh tế & Tiêu dùng